Bảy
Sau tết Trung thu cũng là lúc thời vụ bận rộn nhất của nhà nông cũng chấm dứt, nha môn huyện cũng nhàn việc hơn, cuối cùng có thể làm nốt công tác sổ sách kết toán hồ sơ.
Nhưng mà Nhan Cẩn Dung lại cứ sao sao ấy, không thấy vui vẻ gì, nhất là sau khi nhận được thư nhà rồi thì đến cơm cũng chả thấy ngon.
Mặc dù không hỏi cặn kẽ nhưng Đường Cần Thư cũng loáng thoáng hiểu. Hai người họ vì sao lại phải trốn biệt tới vùng quê nghèo này chịu khổ kia chứ, đơn giản là ở kinh thành ai cũng có một mối hôn nhân chết tiệt đang chờ.
Giờ có thể náu mình ở huyện Đào Nguyên mà chống lại lệnh cha, là vì Văn Chiêu đế đã từng nói không đồng ý việc "Dùng hiếu mà bất trung, lấy việc nhà hại việc nước". Thế nên các quan lại đang trong nhiệm kỳ không được phép tự rời vị trí mà về quê. Lệnh của cha mẹ phải xếp sau mệnh lệnh của đấng quân vương. Mấy loại lý do như cha mẹ ốm đau phải về chăm sóc, Văn Chiêu đế còn khuya mới cho phép.
Muốn về nhà làm con ngoan hiền hiếu thảo, đương nhiên có thể, phải tự động mà từ chức thôi. Không từ quan thì đừng mong có thể xin nghỉ một tháng trở lên. "Lấy việc nhà hại việc nước", xong rồi đừng mong tiếp tục làm quan lại nữa nhé.
Trừ phi cha mẹ chết phải bỏ mũ quan về chịu tang, nhưng Văn Chiêu đế thường xuyên chơi trò "thông cảm tình hình" mà cho phép bề tôi vừa chịu tang vừa làm việc. Nếu ai không được "thông cảm tình hình" ấy, thì đơn giản là vì kẻ đó đối với Văn Chiêu đế không đáng quan tâm không được coi trọng, nói cách khác, kệ mi muốn làm gì thì làm.
Thoáng nghe thì thấy thật sự là lạnh lùng vô nhân tính, nhưng cũng nhờ sự vô nhân tính ấy của Văn Chiêu đế, đôi huynh đệ, à nhầm, huynh muội này mới có thể kéo dài hôn sự như thế.
Dầu gì, nhân vật chính vắng mặt, muốn trói người ta đi bắt thành thân e là cũng hơi khó. Chưa kể giờ họ không phải dân thường, càng không thể tùy ý xử lý theo nếp nhà. Thứ duy nhất cha mẹ có thể làm chỉ đơn giản là cắt đứt viện trợ kinh tế hoặc là viết thư tới mắng chửi mà thôi.
Ai mà không hy vọng được cha mẹ yêu mến nuông chiều, ai lại hy vọng nhân được tấm thư nhà nặng tựa ngàn vàng, bên trong lại tràn đầy câu chữ mắng mình bất hiếu.
Thế nên trước nay ông Đường gửi thư tới, Đường Cần Thư vẫn không bao giờ mở ra xem, đốt luôn cho nhẹ đầu. Đọc nó chỉ khiến mình thêm bực bội ấm ức chứ chả được cái nợ gì... Bấy nay đã bao giờ ông ấy hỏi han cô một câu nào đâu. Lúc cô bị lũ lụt núi lở vây khốn trên núi không biết sống hay chết, anh trai cô hốt hoảng suýt nữa từ chức bỏ làm quan mà chạy tới tìm người, chị dâu cô còn chưa nói gì, chỉ có cha cô là đánh cho anh trai cô một trận thừa sống thiếu chết không xuống được giường.
"Cha ta vẫn muốn bán ta cho Vinh Hoa quận chúa." Cuối cùng Nhan Cẩn Dung vẫn rầu rĩ kể thật cho Đường Cần Thư, giọng cực kỳ đau đớn.
Mấy chuyện này thật tình cô không biết nên an ủi ra sao. Cần Thư mở miệng... rồi lại không nói câu gì, chỉ vỗ nhẹ bả vai Nhan Cẩn Dung một cái.
Trên thực tế, khẩu vị của cô và Nhan Cẩn Dung cực kỳ khác nhau. Trước giờ cô thích ăn thanh đạm, cơ mà Nhan Cẩn Dung lại là kẻ không có thịt thì cơm không ngon. Kết quả thỏa hiệp chính là trên bàn ăn rất thường gặp món cá, đủ cách nấu như hấp, chiên, om, rán. Thi thoảng có thịt lợn, nhưng gà vịt thì không bao giờ.
Nói thẳng ra thì là vì cô không biết gϊếŧ và làm lông gà, lại còn cực kỳ ghét ăn da gà nữa.Nên giờ tuy muốn Nhan Cẩn Dung vui vẻ hơn một chút, cô vẫn không nghĩ mình nên thỏa hiệp nhiều hơn. Thế nên cuối cùng cô mua hai cái chân giò lợn.
Đây là một món ăn cô học được hồi ở huyện Sơn Câu, thật ra là dùng thủ lợn (đầu lợn) để nấu. Cơ mà cách nấu đó được cô lôi ra áp dụng cho chân giò, vì khi đó thím mà cô thuê đến dọn dẹp nhà cửa giúp mình sinh xong chưa có sữa, nên ngày nào cô cũng hầm một bát mang đến cho bà ấy. Hầm chân giò đủ một tháng nên cách làm ra sao cô đã thuộc trôi chảy nằm lòng như ăn cháo, công phu điều khiển lửa bếp đã trở nên cực kỳ chuẩn xác.
Cũng chỉ là một món ăn gia đình thông thường, chân giò hầm đậu phộng. Món ăn này rất nhiều người đều liệt vào dạng chỉ dành cho đàn bà mới đẻ ăn để xuống sữa, nhưng hoàn toàn là hiểu lầm. Trên thực tế nó còn dùng để tẩm bổ cho người thể hư, đẩy lùi hàn khí mùa thu, là một món ăn bổ dưỡng cực kỳ nhẹ nhàng. Cách làm của cô lại dùng đường lẫn tương để hầm nên ăn cùng cơm rất hợp.
Hơn nữa khi hầm, cô dùng một cái vại sành để hầm, lửa hầm chỉ có một thanh củi to, củi cháy hết thì chân giò cũng nhừ vừa đủ. Nên quan trọng nhất là phải biết chọn đúng thanh củi và khả năng giữ lửa. Buổi sáng sơ chế xong xuôi cho vào hầm để đó, buổi chiều tan việc là cũng vừa đúng lúc có thể ăn.
Nhan Cẩn Dung vẫn luôn buồn bực không vui, vừa nhìn thấy bát chân giò hầm thơm phức mùi đường đỏ au màu nước tương, thịt chân giò vừa mềm vừa bóng vừa trơn kia, hai mắt lập tức sáng ngời. Trên thực tế gã hầu như không ăn thịt chân giò bao giờ, nếu có ăn thì cũng chỉ ăn móng giò thôi.
Nhưng một lần nữa Đường Cần Thư lại phá vỡ thành kiến của gã.
Một đũa vừa chọc xuống, cái chân giò được chặt thành từng khoanh kia đã nhừ tới mức thịt rời khỏi xương da rời khỏi thịt. Mùi thơm phức ấy thật sự khiến người ta đói sắp chết tới nơi. Ăn vào trong miệng, răng nhai sần sật, thịt mềm trơn tuột, thêm nước canh rưới lên cơm, đời người chỉ cần có thế là đủ lắm rồi.
Đã tưởng như thế đã là cực hạn của hương vị, ai ngờ ăn đến hạt đậu phộng, hầm mềm nhừ lại còn ngấm đẫm tinh hoa của thịt heo với tương ngọt, lùa cùng với cơm... Trời ơi món ăn này khiến gã đủ sức bật dậy chiến đấu với toàn bộ thế giới để phấn đấu tiếp.
Ăn xong miệng đầy mỡ, có hơi béo ngậy ngán mỡ, vừa khéo một tô canh rau dại cá khô, một đĩa dưa chuột trộn dầu giấm tỏi nhuyễn, trôi cả dầu mỡ, hết thảy mỹ mãn hoàn hảo.
"Bấy nay tôi chả bao giờ đọc thư nhà cha mẹ gửi tới." Đường Cần Thư nói. "Nếu có chuyện gì quan trọng, anh cả và chị dâu tôi sẽ viết thư nói."
... Biểu đệ này của gã, tài nấu ăn cực kỳ lợi hại, quen biết lâu rồi thấy cũng khá dễ thân, quả thực nên dẫn làm tri kỷ.
"Ừ, em gái ta cũng viết thư tới." Nhan Cẩn Dung gật đầu một cái rồi giúp cô dọn dẹp bàn ăn, xong tay chân vụng về bưng ra giếng mà rửa bát đĩa. Gã còn sợ biểu đệ hiếm khi ăn món béo ngậy như thế dễ bị đầy bụng nên thậm chí còn mang gói trà ngon quý hiếm mà gã cất giữ bấy lây nay ra, pha một ấm trà mới dưới ánh trăng hạ huyền dịu dàng.
Mấy trò phong hoa tuyết nguyệt này vẫn luôn là điểm mạnh của Nhan Cẩn Dung từ trước tới nay. Dưới ánh trăng nhàn nhạt, này là công tử tay thon như ngọc, bên cái lò đất nung tí tách ánh lửa hồng, bên trong chén trà thô là nước trà trong xanh sủi tăm vui mắt.
Rõ ràng đã quay lại thành dáng vẻ cứng cỏi như núi thanh cao như tuyết.
Chả trách Vinh Hoa quận chúa nhớ mãi không quên. Đường Cần Thư thầm nhủ. Hồng nhan họa thủy, lúc gặp vận xui, kẻ đầu tiên bị tai họa lan tới chính là hồng nhan.
Từ đó chứng minh, làm người tốt nhất là không nên có vẻ ngoài quá mức xuất chúng.
Nên đối với vị Nhan gia biểu ca này, trong lòng cô tràn ngập nỗi đồng tình thương xót.
***
Tôi thề là làm truyện này cái bụng nó cứ réo liên hồi thôi ahuhu...