Cuộc Đời Của Pi

Chương 60




Ông Tomohiro Okamoto, thuộc biên chế vụ Đường biển trong Bộ vận tải của Nhật Bản, giờ đã về hưu, nói với tôi rằng ông và người đồng sự dưới quyền lúc đó là ông Atsuro Chiba, đang ở Long Beach, Califonia – hải cảng hàng hoá chính trên bờ biển phía tây của nước Mỹ, gần Los Angeles – trong một công vụ khác thì nhận được thông báo rằng một người duy nhất sống sót trên con tàu Nhật Tsimtsum, đã biến mất không một dấu vết trên hải phận quốc tế của Thái Bình Dương nhiều tháng trước, đã được đưa tin vừa mới dạt vào bờ gần thị trấn nhỏ Tomatlan, trên bờ biển Mexico, vụ quản lí họ đã lệnh cho họ phải tìm và tiếp xúc với người sống sót này xem có phát hiện gì thêm về số phận của con tàu. Họ mua một bản đồ Mexico và tìm vị trí thị trấn Tomatlan. Không may cho họ, một nếp gấp của tấm bản đồ chạy ngang qua Baja Califonia và đè lên một thị trấn nhỏ có ven biển có cái tên Tomatlan, in chữ bé xíu, ông Okamoto tin rằng mình đã đọc thấy Tomatlan. Vì thị trấn này chỉ vào khoảng nửa đường xuống Baja Califonia , ông quyết định con đường đến đó nhanh nhất là lái xe.

Họ cùng lên đường trên một chiếc xe đi thuê, khi tới Tomatlan, tám trăm cây số về phía nam Long Beach, thì vỡ nhẽ rằng đó không phải là Tomatlan. Ông Okamoto quyết định họ sẽ đi tiếp đến Santa Rosalia, hai trăm cây số nữa về phía nam, rồi lấy bè đi ngang qua vịnh Califonia để đến Guaymas. Chuyến phà vừa chậm giờ vừa chậm lái, và từ Guaymas đến Tomatlan còn những một nghìn ba trăm cây số nữa. Đường xấu, họ bị bẹp lốp. Xe hỏng máy và người thợ sửa nó đã lấy trộm phụ tùng máy xe và thay các phụ tùng cũ rích khác vào. Sau này họ đã phải đền tiền cho hãng thuê xe vì chuyện đó, chưa kể chiếc xe lại hỏng máy lần thứ hai trên đường. Người thợ sửa xe lần thứ hai này tính tiền quá đắt. Ông Okamoto thú thực với tôi rằng họ đã thấm mệt lúc đến được trạm xá Benito Juarez ở Tomatlan, hoàn toàn không phải ở Baja Califonia và cách một trăm cây số về phía nam Puerto Vallarta, trong tiểu bang Jalisco, gần như ngang vị trí với Mexico City. Họ đã đi không ngừng nghỉ trong bốn mươi mốt giờ liền. “Chúng tôi làm hết sức mình.” Ông Okamoto viết như vậy.

Ông và ông Chiba đã nói chuyện với Piscine MolitorPatel bằng tiếng Anh, trong gần ba giờ, có ghi âm. Tiếp theo đây là những trích đoạn của văn bản chép theo cuộn ghi âm gốc, không sửa đổi gì. Tôi rất biết ơn ông Okamoto vì đã cho tôi sử dụng một bản chép theo cuốn băng ghi âm và bản tường trình cuối cùng của ông. Để rõ ràng hơn, tôi có ghi chú thêm ai là người đang nói khi điều đó không được hiển nhiên lắm trong cuốn băng. Những phần in bằng một kiểu chữ khác là những đoạn nói tiếng Nhật mà tôi đã dịch.

“Xin chào ông Patel. Tên tôi là Tomohiro Okamoto. Chúng tôi ở Vụ Đường biển của Bộ giao thông Nhật Bản. Chúng tôi đến thăm ông về vụ đắm tàu Tsimtsum mà ông là một hành khách. Chúng ta có thể nói chuyện giờ được không ạ?”

“Được chứ, tất nhiên rồi.”

“Cảm ơn ông. Ông nhận lời như vậy thật tốt quá. Này, trò Atsuro, trò chưa quen việc này, vậy phải chú ý mà học, nghe chưa.”

“Vâng, thưa thầy Okamoto.”

“Bật máy ghi âm chưa?’”

“Dạ rồi.”

“Được. Chao ôi, ta mệt quá! Nào, bắt đầu vào biên bản chính thức nhé, hôm nay là ngày 19 tháng 2 năm 1978. Hồ sơ số 250663, về vụ mất tàu trở hàng Tsimtsum. Ông có dễ chịu không thưa ông Patel?”

“Thưa có, cảm ơn. Còn hai vị thế nào?”

“Chúng tôi rất dễ chịu.”

“Các vị đi suốt từ Tokyo sang đây ư?”

“Chúng tôi ở Long Beach, Califonia. Chúng tôi lái xe xuống.”

“Các vị đi đường tốt chứ?”

“Chuyến đi của chúng tôi rất tuyệt. Một chuyến lái xe tuyệt đẹp.”

“Còn chuyến đi của tôi thật khủng khiếp.”

“Chúng tôi biết. Chúng tôi đã nói chuyện với cảnh sát trước khi đến đây và đã thấy chiếc xuồng.”

“Tôi thấy hơi đói.”

“Ông dùng một cái bánh ngọt nhé?”

“Ồ, vâng ạ!”

“Xin mời ông.”

“Cảm ơn ông.”

“Không dám, chỉ là một cái bánh thưa ông. Ông Patel này, liệu ông có thể kể cho chúng

tôi những gì đã xảy ra với ông, càng chi tiết càng tốt, được không ạ?”

“Được chứ. Tôi xin sẵn lòng hầu chuyện các vị.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.