Cuộc Đời Của Pi

Chương 59




Tôi đã phát mệt với hoàn cảnh của mình, nó vô nghĩa như thời tiết vậy. Nhưng cuộc sống không rời bỏ tôi. Phần còn lại của câu chuyện này chẳng có gì hết ngoài buồn khổ, đớn đau, và chịu đựng.

Cao gọi thấp và thấp gọi cao. Nếu trong hoàn cảnh bĩ cực của tôi, chắc ai cũng có những ý nghĩ cao cả. Càng xuống thấp thì tinh thần ta càng muốn bay bổng. Cũng là tự nhiên thôi, khi đau buồn và thất vọng như thế, và phải chịu đựng liên miên như thế, tôi đã hướng về Thượng đế.

Khi chúng tôi tới được đất liền, chính xác là vào tới Mexico, tôi đã kiệt sức đến nỗi không thể vui mừng được nữa. Chúng tôi cập bờ rất khó khăn. Chiếc xuồng tí nữa thì bị sóng lật úp. Tôi thả cho dây neo nổi – những gì còn lại của nó – dài hết cỡ để giữ cho xuồng vuông góc với sóng, rồi rút lại ngay khi chúng tôi trèo lên đỉnh sóng. Làm như vậy, hết thả lại rút dây neo, chúng tôi cưỡi sóng vào bờ. Nguy hiểm lắm. Nhưng chúng tôi đuổi kịp một con sóng ở đúng vị trí tốt nhất và nó đưa chúng tôi vào được một quãng xa, vượt qua được những bức tường nước cao ngất đang đổ xuống. Tôi rút dây một lần cuối và chúng tôi được sóng đánh dạt lên bờ. Cái xuồng kêu rít lên rồi khựng lại trên cát.

Tôi thả người xuống hai bên cạnh xuồng. Tôi sợ không dám buông tay khỏi xuồng, nghĩ rằng mình có thể chết đuối trong sáu mươi phân nước còn lại giữa tôi và cuộc sống ở ngay kia. Tôi nhìn xem mình sẽ phải đi bao xa. Cái nhìn ấy khiến tôi bắt gặp những hình ảnh cuối cùng của Richard Parker, bởi lẽ chính giây phút đó, nó nhảy vọt lên. Tôi thấy thân hình nó, đầy sức sống vô biên, duỗi căng ra trên đầu tôi như một luồng cầu vồng. Nó rơi xuống nước, hai chân sau dạng ra, đuôi vẫy cao, và từ đó, sau một vài đập chân và lóp ngóp bơi, nó vào đến bờ. Nó đi sang trái, bàn chân khoét lõm dưới cát ướt, nhưng lại đổi ý và quay vòng lại. Nó đi sát qua trước mặt tôi về phía phải. Nó không nhìn tôi. Nó chạy khoảng một trăm mét gì đó dọc bờ biển rồi quay vào trong. Điệu bộ nó vụng về và thiếu phối hợp nhịp nhàng. Nó ngã nhiều lần, đến ven rừng thì nó đứng lại. Tôi chắc mẩm nó sẽ quay về phía mình. Nó sẽ nhìn tôi. Nó sẽ cụp tai. Nó sẽ gầm gừ. Kiểu gì cũng được, nó sẽ giã biệt tôi. Nhưng nó chẳng làm gì như thế. Nó chỉ nhìn vào khu rừng. Rồi Richard Parker, bạn đồng hành với nỗi khổ đau của tôi, con vật dữ tợn, đáng sợ, đã giữ cho tôi sống được đến bây giờ, cứ thế bước tiếp và mãi mãi biến mất khỏi cuộc sống của tôi.

Tôi gắng sức bước lên bờ và ngã xuống cát. Tôi nhìn quanh. Tôi chỉ có một mình, mồ côi cả gia đình và cả Richard Parker, và gần như cả với Thượng đế nữa, tôi nghĩ vậy. Tất nhiên, tôi không mồ côi. Bãi biển ấy thật mềm mại, rắn chắc và mênh mang, giống như một bên má của Thượng đế, và ở đâu đó, hai con mắt sáng long lanh vì sung sướng, với một cái miệng đang mỉm cười vì đã thấy có tôi ở đó.

Sau mấy tiếng đồng hồ, một thành viên đồng loại của tôi đã thấy tôi ở đó. Anh ta bỏ đi rồi quay lại với cả một nhóm. Sáu bảy người gì đấy. Họ đến gần tôi, tay bịt mũi bịt miệng. Tôi hoang mang không biết họ làm sao. Họ nói với tôi bằng một ngôn ngữ lạ. Họ kéo cái xuồng trên cát. Họ khiêng tôi đi. Miếng thịt rùa tôi đem từ xuồng lên bị họ giật ra khỏi tay rồi ném đi.

Tôi khóc như một đứa trẻ. Không phải vì đã qua cơn khổ nạn, mặc dù thế. Cũng không phải vì thấy lại các anh chị ấy, mặc dù điều này cũng thật cảm động. Tôi khóc là vì Richard Parker đã từ bỏ tôi không một cử chỉ nào cho phải phép. Thật khủng khiếp phải chia tay như thế. Tôi là người tin vào hình thức, vào sự hài hoà của trật tự. Khi có thể được, chúng ta nhất thiết phải tạo ra được dáng dấp có ý nghĩa cho mọi vật. Ví dụ – tôi nghĩ – liệu câu chuyện của tôi có thể viết lại với đúng một trăm chương thôi, không hơn, không kém? Phải nói rằng, có một thứ trong cái biệt hiệu Pi của tôi mà tôi rất ghét, ấy là con số đó dài vô tận. Cái quan trọng ở đời là kết thúc mọi thứ cho chỉn chu. Có thế ta mới yên tâm mà đi được. Nếu không thì lúc nào ta cũng đầy những lời muốn nói mà chẳng bao giờ nói, và lòng ta sẽ nặng trĩu ân hận. Cuộc giã biệt không phải phép ấy đến giờ vẫn làm tôi đau đớn. Ước gì tôi đã nhìn nó lần cuối lúc còn ở trên xuồng, đã kích động thế nào đó để hình ảnh tôi còn lưu lại trong đầu nó. Uớc gì tôi đã nói với nó lúc ấy – vâng, đúng thế, nói với một con hổ – ước gì tôi đã bảo nó “Richard Parker, xong rồi, chúng ta sống rồi. Mày có tin không? Tao không thể nói hết lòng tao biết ơn mày. Không có mày thì tao đã hỏng rồi. Tao muốn nói một cách chính thức rằng tao cảm ơn mày, Richard Parker ạ. Cảm ơn mày vì đã cứu mạng tao. Và bây giờ mày hãy đi đến một nơi mày phải đến. Mày đã biết đến cái tự do trong khuôn khổ một vườn thú gần hết cả cuộc đời; giờ đây, mày sẽ biết cái khuôn khổ tự do của một khu rừng. Tao chúc mày may mắn. Hãy đề phòng con người. Nó không phải bạn mày. Nhưng tao hi vọng mày sẽ nhớ đến tao như một người bạn. Tao sẽ không bao giờ quên mày, đó là điều chắc chắn. Mày sẽ luôn ở bên tao, trong trái tim tao. Có tiếng gì thế? A, xuồng chúng ta cập bờ rồi. Thôi, xin giã biệt Richard Parker, xin giã biệt. Cầu xin Thượng đế luôn ở bên mày.”

Những người tìm thầy tôi đem tôi về làng họ, và ở đó, mấy người đàn bà đã tắm, kì cọ tôi mạnh đến nỗi tôi sợ có thể họ nghĩ tôi là một thằng bé da trắng bẩn thỉu chứ không phải là một đứa da nâu. Tôi cố giải thích điều ấy. Họ gật đầu, mỉm cười, rồi lại tiếp tục kì cọ tôi như thể tôi là một cái sàn tàu.

Tôi tưởng họ sắp lột sống da tôi. Nhưng họ cho tôi ăn. Ngon lắm. Khi đã bắt đầu ăn, tôi không thể ngừng lại được. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ hết đói.

Hôm sau có một cái xe cảnh sát đến và mang tôi vào một bệnh viện, và câu chuyện của tôi chấm dứt ở đấy.

Tôi cảm kích vô cùng vì sự hào phóng của những người đã cứu tôi. Người nghèo cho tôi quần áo và thức ăn. Các bác sĩ và hộ lí chăm sóc tôi như thể tôi mãi mãi là một đứa hài nhi. Các quan chức Mexico và Canada tất cả đều mở rộng cửa cho tôi, đến nỗi từ bờ biển Mexico ấy đến gia đình mẹ nuôi tôi, rồi đến những lớp học trong đại học Toronto, tất cả là một hành lang rộng rãi và dễ dàng mà tôi chỉ việc đi theo. Tôi xin được gửi đến tất cả họ những lời cảm tạ chân thành của tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.