Cuộc Đời Của Pi

Chương 61




Ông Okamoto: “Rất thú vị”.

Ông Chiba: “Chuyện thế mới là chuyện!”

“Hắn nghĩ chúng ta đều là đồ ngốc cả. Ông Patel này, chúng ta giải lao một lúc rồi chúng tôi lại quay lại, được không?”

“Được chứ ạ. Cho tôi một cái bánh nữa nhé”.

“Vâng, tất nhiên rồi”.

Ông Chiba: “Hắn đã xin bao nhiêu rồi, mà đã ăn mấy đâu. Hắn giấu cả ở bên dưới khăn trải giường kia kìa”.

“Cứ đưa cho nó một cái nữa. Mình phải làm cho nó vui mới được. Mấy phút nữa chúng tôi sẽ quay lại”.

Ông Okamoto: “Ông Patel này, chúng tôi không tin câu chuyện của ông đâu”.

“Xin lỗi – bánh này ngon nhưng hay bị vỡ quá. Tôi lấy làm lạ. Tại sao không?”

“Nó chẳng đúng tí nào”.

“Nghĩa là sao?”

“Chuối không nổi trên nước được”.

“Xin lỗi, ông bảo gì kia?”

“Ông kể rằng con khỉ độc đến trên một hòn đảo toàn những quả chuối nổi trên biển”.

“Đúng thế”.

“Chuối không nổi”.

“Có chứ”.

“Chúng quá nặng”.

“Không, không nặng đâu. Đây này, ông cứ thử mà xem. Tôi có hai quả chuối đây này”.

Ông Chiba: “Chuối ở đâu ra ấy nhỉ? Nó còn giấu những gì nữa dưới khăn trải giường?”

Ông Okamoto: “Mẹ kiếp. Thôi thôi, không cần phải làm thế”.

“Có cái chậu rửa ngay kia mà”.

“Không sao đâu”.

“Tôi đề nghị đấy. Hãy vặn nước đầy chậu, bỏ hai quả chuối này vào, và sẽ thấy ai nói đúng”.

“Chúng tôi muốn tiếp tục công việc”.

“Tôi dứt khoát đề nghị các ông làm thử việc này đã”.

(Im lặng)

Ông Chiba: “Mình làm sao bây giờ?”

Ông Okamoto: “Ta cảm thấy hôm nay lại là một ngày đằng đẵng nữa cho mà xem”.

(Tiếng ghế bị xô đi. Tiếng vòi nước chảy ở đằng xa)

Pi Patel: “Thế nào rồi? Từ đây tôi không thấy được gì cả”.

Ông Okamoto (từ xa): “Tôi đang vặn nước cho đầy chậu”.

“Ông đã cho chuối vào chưa?”

(Xa xa) “Chưa”.

“Còn bây giờ?”

(Xa xa) “Cho vào rồi”.

“Thế sao?”

(Im lặng)

Ông Chiba: “Chúng có nổi không?”

(Xa xa) “Có nổi”.

“Thế nào, chúng nổi chứ?”

(Xa xa) “Chúng nổi”.

“Tôi đã nói mà”.

Ông Okamoto: “Thôi được rồi, được rồi. Nhưng phải có nhiều chuối lắm mới có thể chở được một con khỉ độc”.

“Đúng thế. Chỗ chuối ấy phải hàng tấn là ít. Tôi vẫn còn tiếc đứt cả ruột khi nghĩ đến cả chỗ chuối ấy trôi đi mất thật phí quá mà tôi thì chẳng nhặt được quả nào”.

“Đáng tiếc thật. Bây giờ thì chúng ta hãy sang chuyện…”

“Làm ơn cho tôi xin lại hai quả chuối”.

Ông Chiba: “Để tôi đi lấy cho”.

(Tiếng kéo ghế)

(Xa xa) “Xem này, chúng nổi thật”.

Ông Okamoto: “Còn cái hòn đảo tảo mà ông dạt vào ấy thì sao?”

Ông Chiba: “Chuối của ông đây”.

Pi Patel: “Xin cám ơn. Ông muốn hỏi gì cơ?”

“Tôi xin lỗi phải nói thẳng mặc dù không muốn ông mếch lòng chút nào, có lẽ ông cũng

không cần chúng tôi phải tin ông, có phải không? Những cái cây ăn thịt ấy? Loài tảo ăn cá và làm ra nước ngọt ấy? Những con chồn nước sống trên cây ấy? Những thứ đó không thể có được”.

“Chỉ là vì các vị chưa từng được nhìn thấy chúng”.

“Đúng vậy. Chúng tôi chỉ tin những gì mình nhìn thấy”.

“Cả Columbus cũng thế. Thế quý vị sẽ làm gì khi ở trong bóng tối?”

“Hòn đảo của ông không khả dĩ về phương diện thực vật học”.

“Con ruồi cũng nói thế trước khi đậu vào bẫy”.

“Tại sao lại không có ai khác cũng đã thấy hòn đảo?”

“Vì đại dương thì mênh mông mà tàu bè thì bận rộn. Còn tôi thì đi chậm, nhìn kỹ, thấy nhiều”.

“Không một nhà khoa học nào có thể tin ông”.

“Ai không tin thì cũng là đồng bọn với những người đã phủ nhận Copernicus và Darwin. Các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm ra những loài cây cỏ mới, phải không nào? Như trong vùng châu thổ sông Amazon chẳng hạn?”

“Nhưng không phải các loài cây trái ngược với những quy luật của thiên nhiên”.

“Quý vị đã biết thấu đáo các quy luật ấy ư?”

“Đủ để phân biệt cái khả dĩ và cái không khả dĩ”.

Ông Chiba: “Tôi có ông bác hiểu biết rất rộng về thực vật học. Ông ấy sống ở nông thôn gần Hita-Gun. Ông ấy là một bậc thầy về bonsai”.

Pi Patel: “Là gì cơ?”

“Một bậc thầy về bonsai. Ông biết không, bonsai là những cái cây bé xíu”.

“Những bụi rậm ư?”

“Không, là cây hẳn hoi. Bonsai là cây nhỏ. Chúng cao chưa đến sáu mươi phân. Ông có

thể ôm chúng trong tay. Chúng có thể rất già. Ông bác tôi có một cây đã được hơn ba trăm năm tuổi”.

“Những cái cây ba trăm năm chỉ cao sáu mươi phân và ta có thể ôm chúng trong tay?”

“Đúng thế. Chúng rất nhạy cảm. Chúng cần được chăm sóc rất kỹ”.

“Có ai nghe thấy loại cây như vậy bao giờ? Chúng bất khả dĩ về phương diện thực vật

học”.

“Nhưng tôi cam đoan với ông, thưa ông Patel, rằng chúng có thật. Bác tôi…”

“Tôi chỉ tin những gì tôi thấy”.

Ông Okamoto: “Gượm đã, tôi xin các ông. Atsuro, chúng ta rất kính trọng ông bác của ông đang sống ở nông thôn gần Hita-Gun, nhưng chúng ta không đến đây hôm nay để nhàn đàm về thực vật học”.

“Tôi chỉ muốn giúp cho công việc mà thôi”.

“Thế bonsai của bác ông có ăn thịt không?”

“Tôi không nghĩ thế”.

“Ông đã từng bị cây bonsai nào của bác ông cắn chưa?”

“Chưa”.

“Nếu vậy thì bonsai của bác ông chẳng giúp gì cho công việc của chúng ta ở đây. Chúng ta đang nói chuyện đến đâu rồi nhỉ?”

Pi Patel: “Đến những cái cây to, bám rễ chắc dưới đất”.

“Chúng ta hãy dẹp chúng sang một bên đã nhé”.

“Khó đấy. Tôi chưa bao giờ thử nhổ chúng lên và đem chúng đi đâu cả”.

“Ông hài hước thật đấy, thưa ông Patel. Ha! Ha! Ha!”

Pi Patel: “Ha! Ha! Ha!”

Ông Chiba: “Ha! Ha! Ha! Có buồn cười mấy đâu cơ chứ”.

Ông Okamoto: “Cứ cười đi đã. Ha! Ha! Ha!”

Ông Chiba: “Ha! Ha! Ha!”

Ông Okamoto: “Bây giờ đến con hổ, chúng tôi cũng nghi ngờ chuyện đó lắm”.

“Ông muốn nói gì cơ?”

“Chúng tôi thấy rất khó tin”.

“Câu chuyện quả thực là không thể tin được”.

“Chính xác là vậy”.

“Tôi không biết mình đã sóng sót như thế nào”.

“Rõ ràng là một khổ nạn”.

“Cho tôi xin một cái bánh nữa”.

“Hết mất rồi”.

“Thế trong túi kia có gì?”

“Chẳng có gì”.

“Cho tôi xem được không?”

Ông Chiba: “Thế là đi toi bữa trưa của chúng ta”.

Ông Okamoto: “Quay lại chuyện con hổ…”

Pi Patel: “Việc làm thì chán ngắt. Nhưng bánh kẹp thì ngon tuyệt”.

Ông Okamoto: “Vâng, trông chúng rất ngon thật”.

Ông Chiba: “Tôi đói bụng rồi”.

“Không thấy một tí dấu vết gì của nó. Điều đó rất khó tin, phải không nào? Không có hổ

ở châu Mỹ. Nếu có một con hổ hoang dã ngoài kia, ông có nghĩ rằng đến giờ này cảnh sát đã phải nghe phong thanh về nó rồi không?”

“Tôi phải kể cho các vị nghe về một con báo đen đã trốn khỏi vườn thú Zurich giữa mùa đông mới được”.

“Ông Patel này, hổ là một con thú hoang dã nguy hiểm vô cùng. Làm sao ông có thể sống sót cùng với nó trên một chiếc xuồng? Chuyện đó…”

“Điều quý vị không nhận ra được là đối với các con thú hoang dã, chúng ta là một loài lạ lùng và cấm kỵ. Chúng ta làm chúng sợ hãi. Chúng hết sức né tránh chúng ta. Phải mất nhiều thế kỷ mới có thể làm dịu nỗi sợ hãi ấy trong một số thú vật có thể huấn luyện được – vẫn gọi là những loài đã được thuần hóa – nhưng phần lớn thú hoang không thể khắc phục được nỗi sợ hãi kia, và tôi chắc là chúng sẽ không bao giờ làm được điều đó. Khi thú vật tấn công chúng ta, đó chỉ là vì chúng tuyệt vọng mà thôi, không vì cái gì khác. Chúng tấn công khi cảm thấy đã không còn con đường nào khác. Đó chỉ là phương sách cuối cùng”.

“Trên một chiếc xuồng ư? Thôi nào, ông Patel, chuyện đó thật khó mà tin được!”

“Khó tin ư? Các vị biết gì về chuyện khó tin? Các vị muốn khó tin ư? Tôi sẽ cho quý vị chuyện khó tin. Đó là một bí mật giữa người người chủ vườn thú ở Ấn Độ. Họ biết rằng năm 1971, Bara, con gấu bắc cực, đã trốn khỏi vườn thú Calcutta. Kể từ ngày ấy, không một ai biết tin gì về nó nữa, kể cả cảnh sát, thợ săn, bọn săn trộm. Chúng tôi ngờ rằng nó đang sống tự do dọc bờ sông Hugli. Hãy cẩn thận nếu các vị đến Calcutta. Quý vị thân mến có thể sẽ phải trả giá đắt nếu trong hơi thở của quý vị có mùi món sushi [1] đấy! Nếu quý vị lấy thành phố Tokyo và lộn ngược nó lên rồi rũ mạnh, quý vị sẽ phải kinh ngạc khi thấy có những thú vật gì rơi ra: chó sói, rắn hổ mang, rồng đất Komodo, cá sấu, đà điểu, khỉ đầu chó, gấu hoang, báo hoa… không thiếu thứ gì. Tôi tin chắc rằng hươu cao cổ và hà mã đã sống ở Tokyo hàng nhiều thế hệ mà không ai nhìn thấy chúng cả. Một ngày nào đó quý vị hãy so sánh những gì đã giẫm phải dưới đế giầy của mình khi đi dạo phố với những gì quý vị thấy dưới sàn chuồng trong vườn thú Tokyo – rồi ngẩng lên mà nhìn! Vậy mà quý vị định tìm một con hổ trong rừng rậm Mexico! Buồn cười thật, đúng là buồn cười thật! Ha! Ha! Ha!”

“Cũng có thể có hươu cao cổ và hà mã sống ở Tokyo và một con gấu bắc cực sống tự do ở Calcutta. Chúng tôi chỉ không tin có một con hổ sống trên xuồng của ông thôi”.

“Sự ngạo mạn của dân thành phố! Các ông chấp nhận cho tất cả các con thú trong vườn địa đàng đến sống trong thành phố của mình, nhưng không cho phép ngôi làng của tôi được có dù chỉ là một con hổ Bengal!”

“Ông Patel, xin ông hãy bình tĩnh”.

“Nếu một cái khó tin đơn thuần đã làm các ông vấp ngã, thì các ông sống vì cái gì? Có phải tình yêu cũng khó tin hay không?”

“Ông Patel…”

“Đừng có lấy lễ phép để dọa nạt tôi! Tình yêu là một điều khó tin đấy, cứ hỏi bất kỳ một kẻ đang yêu nào sẽ biết. Cuộc sống cũng khó tin lắm, cứ hỏi bất kỳ nhà khoa học nào mà xem. Thượng đế là khó tin, cứ hỏi các tín đồ sẽ biết. Vậy thì sao các ông lại có vấn đề rắc rối thế với những cái khó tin?”

“Chúng tôi chỉ muốn là người có lý trí mà thôi”.

“Tôi cũng vậy! Tôi dùng đến lý trí của mình trong từng giây từng phút một. Lý trí là tuyệt vời trong chuyện kiếm thức ăn, áo mặc và một chốn nương thân. Lý trí là thùng đồ dùng tốt nhất. Không có gì hơn được lý trí trong chuyện ngăn chặn hổ. Nhưng lý trí quá trớn sẽ khiến các ông đổ hết cả vũ trụ đi cùng với chỗ nước tắm bẩn thỉu của mình cho mà xem!”

“Xin ông bình tĩnh lại, ông Patel. Xin ông bình tĩnh lại cho”.

Ông Chiba: “Nước tắm? Sao nó lại nói đến nước tắm ở đây nhỉ?”

“Làm sao mà tôi bình tĩnh được? Đáng ra các ông phải được nhìn thấy Richard Parker!”

“Đúng thế! Đúng thế!”

“To đùng. Răng như thế này này! Vuốt nó như mã tấu vậy!”

Ông Chiba: “Mã tấu là gì nhỉ?”

Ông Okamoto: “Này trò Chiba, đừng có hỏi những câu ngớ ngẩn về từ vựng như thế nữa, hãy làm cái gì có ích hơn. Thằng bé này khó nhằn đây. Làm cái gì đi chứ!”

Ông Chiba: “Nhìn này! Một thỏi socola!”

Pi Patel: “Tuyệt vời!”

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “May mà nó vẫn chưa lấy hết cả bữa trưa của chúng ta. Chẳng mấy chốc nó sẽ đòi món bánh rau tẩm bột rán [2] cho mà xem”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “Chúng ta đang đi lạc đề của cuộc điều tra này. Chúng tôi đến đây là vì vụ đắm tàu. Ông là người duy nhất sống sót. Và ông chỉ là một khách đi trên tàu. Ông không phải chịu trách nhiệm gì về việc này. Chúng tôi – ”

“Socola ngon quá!”

“Chúng tôi không định buộc tội danh gì cho ông cả. Ông là một nạn nhân vô tội của một thảm kịch ngoài biển cả. Chúng tôi chỉ cố tìm xem tàu Tsimtsum tại sao lại đắm và đã đắm như thế nào. Chúng tôi nghĩ ông có thể giúp chúng tôi, thưa ông Patel”.

(Im lặng)

“Ông Patel?”

(Im lặng)

Pi Patel: “Có hổ, có xuồng, có đại dương. Chỉ vì cả ba chưa bao giờ gặp nhau cùng một lúc trong cuộc sống hạn hẹp của các ông nên các ông không chịu tin rằng chúng có thể ở cùng nhau. Thế nhưng thực tế hiển nhiên là tàu Tsimtsum đã đem chúng lại với nhau rồi sau đó chìm nghỉm”.

(Im lặng)

Ông Okamoto: “Còn người Pháp ấy thì sao?”

“Sao là thế nào?”

“Hai người mù lòa trên hai cái xuồng cứu nạn lại gặp được nhau giữa Thái Bình Dương – cái ngẫu nhiên ấy có vẻ hơi quá đáng, phải không nào?”

“Chắc chắn rồi”.

“Chúng tôi thấy điều ấy rất khó xảy ra”.

“Thì cũng như trúng xổ số, thế mà lúc nào cũng có người trúng đấy thôi”.

“Chúng tôi thấy chuyện ấy là cực kỳ khó tin”.

“Tôi cũng vậy”.

“Ta đã biết mà, đáng nhẽ phải nghỉ cả ngày hôm nay đã. Các ông đã nói chuyện thức ăn

à?”

“Đúng thế”.

“Ông ta biết rất nhiều về các món ăn”.

“Nếu ta có thể gọi những cái đó là món ăn”.

“Đầu bếp trên tàu Tsimtsum là một người Pháp”.

“Trên thế giới này chỗ nào chả có người Pháp”.

“Có thể người Pháp ông gặp là người đầu bếp ấy”.

“Có thể lắm. Làm sao tôi biết được? Tôi có nhìn thấy anh ta đâu. Tôi mù mà. Rồi Richard Parker lại ăn thịt mất anh ấy nữa”.

“Tiện quá nhỉ”.

“Chẳng tiện chút nào. Kinh khủng và thối tha là đằng khác. Nhưng này, các ông giải thích ra sao về đống xương chồn biển có ở trên xuồng?”

“A, vâng, xương một con thú nhỏ – ”

“Hơn một con chứ!”

“ – xương một số con thú có được tìm thấy trên xuồng. Chúng nhất định phải từ trên tàu xuống”.

“Chúng tôi không có chồn biển trong vườn thú”.

“Chúng tôi không có bằng chứng đó là xương chồn biển”.

Ông Chiba: “Có thể chúng là xương quả chuối! Ha! Ha! Ha! Ha! Ha!”

“Atsuro, câm mồm đi!”

“Xin lỗi thầy Okamoto! Chắc vì quá mệt đấy ạ”.

“Anh đang làm mất danh dự của công vụ chúng ta”.

“Thầy Okamoto! Xin thầy thứ lỗi”.

Ông Okamoto: “Chúng có thể là xương của một loài vật nhỏ nào đó khác”.

“Chúng là xương chồn biển”.

“Có thể là xương chồn mongoose”.

“Vườn thú chúng tôi không bán được chồn mongoose cho ai cả. Chúng ở lại Ấn Độ”.

“Chúng cũng có thể là những con vật sống lẩn lút trên tàu, như chuột cống chẳng hạn. Chồn mongoose có rất nhiều ở Ấn Độ mà”.

“Chồn mongoose lẩn lút sống trên tàu như chuột cống ư?”

“Sao lại không?”

“Chúng bơi qua Thái Bình Dương hung dữ, hàng đàn hàng lũ, và trèo lên xuồng như thế ư? Điều đó khó mà tin được, phải không ạ?”

“Vẫn còn dễ tin hơn một số điều chúng tôi vừa được nghe trong hai tiếng đồng hồ vừa qua. Có thể bọn chồn mongoose đã sẵn có trên xuồng rồi, như lũ chuột mà ông kể ấy mà”.

“Số lượng súc vật trên xuồng như vậy chẳng phải là quá sức tưởng tượng sao?”

“Đúng thế”.

“Cả một khu rừng”.

“Đúng thế thật”.

“Chỗ xương ấy là xương chồn biển. Hãy gửi chúng cho các chuyên gia xét nghiệm mà xem”.

“Cũng chẳng còn mấy trên xuồng, hơn nữa, chẳng thấy bộ xương sọ nào cả”.

“Tôi dùng chúng làm mồi câu hết rồi”.

“Chúng tôi nghĩ các chuyên gia cũng khó lòng phân biệt được là xương chồn biển hay là xương chồn mongoose”.

“Tìm một nhà động vật học pháp y mà hỏi”.

“Thôi được rồi, ông Patel! Chúng tôi xin chịu ông. Chúng tôi không thể giải thích sự có mặt của xương chồn biển, nếu quả là chúng ở trên xuồng. Nhưng đó không phải là chuyện chúng tôi quan tâm lắm ở đây. Chúng tôi đến đây vì một con tàu chở hàng của Nhật Bản, tài sản của công ty tàu biển Oika, treo cờ Panama, đã bị đắm trên Thái Bình Dương”.

“Một chuyện tôi sẽ không bao giờ quên được, dù chỉ là trong giây lát. Tôi đã mất hết gia đình trong vụ đắm tàu đó”.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc”.

“Không bằng tôi đâu”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Chiba: “Chúng ta làm gì bây giờ?”

Ông Okamoto: “Ta không biết”.

(Im lặng hồi lâu)

Pi Patel: “Các ông có muốn dùng một cái bánh không?”

Ông Okamoto: “Được thế thì hay quá. Cám ơn ông”.

Ông Chiba: “Cám ơn”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “Hôm nay đẹp trời quá”.

Pi Patel: “Vâng. Nắng đẹp”.

(Im lặng hồi lâu)

Pi Patel: “Đây là lần đầu các ông đến Mexico à?”

Ông Okamoto: “Vâng, đúng thế”.

“Tôi cũng vậy”.

(Im lặng hồi lâu)

Pi Patel: “Vậy là các ông không thích câu chuyện của tôi?”

Ông Okamoto: “Không phải thế. Chúng tôi thích lắm chứ, có phải không nào, ông Chiba?

Chúng tôi sẽ nhớ nó rất lâu, rất lâu đấy”.

Ông Chiba: “Đúng thế”.

(Im lặng)

Ông Okamoto: “Nhưng vì mục tiêu điều tra của chúng tôi, chúng tôi muốn biết chuyện đó xảy ra thế nào”.

“Chuyện đó xảy ra như thế nào ư?”

“Vâng”.

“Tức là ông muốn nghe thêm một câu chuyện nữa ư?”

“Ơ… thưa không phải. Chúng tôi muốn biết những gì đã thực sự xảy ra”.

“Chẳng phải hễ đã kể lại một cái gì là cái đó thành ra một câu chuyện đó sao?”

“Ơ… có lẽ trong tiếng Anh là vậy. Trong tiếng Nhật, một câu chuyện sẽ phải có một yếu tố tạo tác ở trong đó. Chúng tôi không muốn bất kỳ một sự tạo tác nào. Chúng tôi cần những sự thực hẳn hoi, những “straight facts” trong tiếng Anh”.

“Chẳng phải hễ đã kể một cái gì đó – dùng đến từ ngữ, dù là tiếng Anh hay tiếng Nhật – đã là một tạo tác rồi đó sao? Ngay cả việc chỉ nhìn thế giới này thôi cũng đã là một cái gì đó tạo tác rồi!”

“Ơ…”

“Thế giới không phải chỉ là nó như thế. Thế giới là cái mà chúng ta hiểu được mà thôi, phải không nào? Và khi tìm hiểu một cái gì đó, chúng ta luôn đem cho chúng một cái gì đó khác, phải không nào? Điều đó khiến cho cuộc sống là một câu chuyện, đúng không nào?”

“Ha! Ha! Ha! Ông Patel, ông rất thông minh đấy!”

Ông Chiba: “Hắn đang nói cái gì vậy?”

“Ta chẳng hiểu tí gì hết”.

Pi Patel: “Các ông muốn từ ngữ phản ánh được thực tại ư?”

“Vâng”.

“Từ ngữ mà không mâu thuẫn với thực tại ư?”

“Chính xác”.

“Nhưng hổ không mâu thuẫn gì với thực tại”.

“Ôi, xin ông làm ơn đừng nói đến hổ nữa”.

“Tôi biết các ông muốn gì rồi. Các ông muốn một câu chuyện không làm cho các ông ngạc nhiên. Câu chuyện đó sẽ khẳng định những gì các ông đã biết. Nó không làm các ông thấy cao hơn hoặc xa hơn hoặc khác đi. Các ông muốn một câu chuyện phẳng phiu. Một câu chuyện bất động. Các ông muốn có một thực tại khô ráo và không có men nở”.

“Ơ…”

“Các ông muốn một câu chuyện không có thú vật”.

“Đúng thế!”

“Không có hổ và khỉ độc”.

“Đúng vậy!”

“Không có linh cẩu hoặc ngựa vằn”.

“Không có chúng”.

“Không có chồn biển hoặc chồn mongoose”.

“Chúng tôi không muốn chúng tí nào”.

“Không có hươu cao cổ hoặc hà mã”.

“Chúng tôi sẽ lấy ngón tay nút lỗ tai lại”.

“Vậy là tôi đúng. Các ông muốn một câu chuyện không có các con vật”.

“Chúng tôi cần một câu chuyện không có các con vật và có thể giải thích được vụ đắm của con tàu Tsimtsum”.

“Hãy làm ơn cho tôi một phút”.

“Tất nhiên rồi. Ta nghĩ cuối cùng chúng ta cũng đạt được cái gì đó. Hãy hy vọng hắn sẽ nói những điều có lý một chút”.

(Im lặng hồi lâu)

“Đây là một câu chuyện khác cho các ông”.

“Tốt”.

“Con tàu đắm. Nó gây ra một tiếng động giống như một tiếng ợ ma quái đầy kim loại. Mọi thứ sủi sùng sục trên mặt nước rồi biến mất tăm. Tôi thấy mình quẫy chân dưới nước Thái Bình Dg. Tôi bơi về phía chiếc xuồng cứu nạn. Đó là chuyến bơi khó khăn nhất trong đời. Dường như tôi không nhích được tí nào. Tôi sặc nước liên tục. Tôi thấy rất lạnh. Tôi mất sức nhanh chóng. Tôi đã không thể đến được xuồng nếu ông bếp không ném cho tôi một cái phao và kéo tôi lên. Tôi trèo được lên xuồng và ngất xỉu.

Bốn người chúng tôi sống sót. Mẹ tôi bám được vào đám chuối trôi và ra được xuồng. Ông bếp đã ở trên xuồng cùng với một thủy thủ.

Hắn ta ăn ruồi. Ông bếp ấy. Chúng tôi mới ở trên xuồng chưa hết một ngày; chúng tôi có thức ăn và nước uống có thể sống được nhiều tuần; chúng tôi có đồ câu cá và những cái máy cất nước; chúng tôi không có lý do gì để sợ rằng sẽ không có ai đến cứu chúng tôi. Thế mà hắn đã cứ đứng vung tay bắt ruồi và ăn hau háu. Ngay đấy thôi mà hắn đã thấy đói khủng đói khiếp. Hắn gọi chúng tôi là lũ ngốc và ngu xuẩn vì không tham gia bữa tiệc ruồi với hắn. Chúng tôi đều tự ái và kinh tởm, nhưng không biểu lộ ra. Chúng tôi vẫn cư xử rất phải phép. Hắn là một người lạ, một người ngoại quốc. Mẹ mỉm cười, lắc đầu và giơ hai tay lên làm bộ từ chối. Hắn thật kinh tởm. Mồm miệng hắn chỉ biết phân biệt như một cái thùng rác. Hắn còn ăn cả chuột. Hắn cắt con chuột và phơi ra nắng. Tôi – tôi phải thú thật – tôi đã ăn một miếng nhỏ, rất nhỏ, sau lưng mẹ. Tôi đói quá. Hắn thật là một tên cục súc, lão đầu bếp ấy, bẳn tính và đạo đức giả.

Người thủy thủ còn trẻ. Thực ra thì anh ta lớn tuổi hơn tôi, có lẽ đã ngoài hai mươi, nhưng anh ta bị gẫy chân lúc nhảy khỏi tàu và đau đớn biến anh ta thành một đứa trẻ. Anh ta đẹp, không có tí lông nào trên mặt và có nước da thật sáng sủa. Nét mặt anh ta – gương mặt rộng rãi, mũi tẹt, cặp mắt dài có mí nhỏ – trông thật thanh lịch. Tôi nghĩ anh ta trông giống một vị hoàng đế Trung Hoa. Anh ta đau khủng khiếp. Anh ta không nói tiếng Anh, một chữ cũng không, không yes, không no, không hello, không thank you. Chỉ nói tiếng Trung Quốc. Chúng tôi chẳng ai hiểu tí gì. Chắc hẳn anh ta phải thấy cô đơn lắm. Khi anh ta khóc, mẹ ôm anh ta vào lòng và tôi thì nắm lấy tay anh. Thật là buồn, rất buồn. Anh đau đớn mà chúng tôi thì chẳng làm được gì.

Chân phải của anh đã gẫy thảm hại ngay đoạn bẹn. Xương lòi ra khỏi thịt. Anh kêu thét lên vì đau. Chúng tôi hết sức nắn lại chân cho anh và mong cho anh ăn được uống được. Nhưng cái chân bị nhiễm trùng. Chúng tôi nặn mủ cho anh hàng ngày, nhưng chẳng đỡ được chút nào. Bàn chân đen xạm lại và phồng rộp lên.

Đó là ý tưởng của lão bếp. Hắn là một thằng cục súc. Hắn chế ngự chúng tôi. Hắn thì thầm rằng chỗ xạm đen ấy sẽ lan rộng ra và chỉ có cắt cái chân ấy đi mới cứu được anh ta. Vì xương đã gãy rời ở bẹn, sẽ chỉ việc cắt qua thịt thôi rồi buộc chặt lại để cầm máu. Tôi vẫn còn nghe thấy tiếng thì thầm nanh ác của hắn. Hắn sẽ thực hiện việc này để cứu mạng anh thủy thủ, chúng tôi sẽ chỉ phải giữ chặt anh ta. Thuốc mê sẽ chỉ là sự bất ngờ. Chúng tôi cùng nhào vào anh. Mẹ và tôi giữ chặt hai cánh tay còn lão bếp thì ngồi đè lên cái chân còn lành lặn. Anh thủy thủ giẫy giụa và kêu thét. Ngực anh ta phập phồng dữ dội. Lão bếp dùng con dao rất nhanh. Cái chân lìa ra. Lập tức, mẹ và tôi buông tay và quay ra chỗ khác. Chúng tôi tưởng không ghì anh xuống nữa thì anh cũng thôi giẫy giụa. Chúng tôi tưởng anh sẽ nằm yên. Nào ngờ, anh ngồi phắt ngay dậy. Những tiếng kêu thét của anh càng kinh khủng hơn vì chẳng biết anh đang kêu gì. Anh ta cứ kêu còn chúng tôi cứ đứng đực ra nhìn. Máu phun ra khắp nơi. Tệ hơn nữa là cảnh tượng trái ngược giữa những cử chỉ điên cuồng của người thủy thủ tội nghiệp và vẻ thanh thản nhẹ nhàng của cái chân anh ta đang nằm dưới đáy xuồng. Anh cứ nhìn chằm chằm vào nó, như thể đang cầu khẩn nó hãy trở về. Cuối cùng, anh ngã xuống. Chúng tôi vội vàng vào việc. Lão bếp gập mấy nếp da đậy lên mẩu xương gẫy. Chúng tôi buộc cái mỏm cụt bằng một miếng vải rồi lấy thừng thắt chặt phía trên vết thương để cầm máu. Chúng tôi đặt anh nằm thật thoải mái trên một cái đệm xếp bằng các áo phao và giữ ấm cho anh. Tôi nghĩ tất cả những việc đó chỉ vô ích mà thôi. Tôi không thể tin rằng con người có thể sống qua được những đau đớn đến thế, những băm chặt dã man đến thế. Suốt tối và đêm đó anh ta rên rỉ, hơi thở nặng nhọc và không đều chút nào. Anh lên nhiều cơn hoảng loạn rất kích động. Tôi tưởng anh sẽ chết trong đêm đó.

Anh vẫn bám lấy sự sống. Sáng hôm sau, anh vẫn còn sống. Anh lúc tỉnh lúc mê. Mẹ cho anh uống nước. Tôi chợt nhìn thấy cái chân. Nó làm tôi ngạt cả thở. Xuồng chòng chành trôi đã làm cho nó lăn vào một bên và bị quên lãng trong bóng tối. Nó đã rỉ nước và trông có vẻ teo đi. Tôi lấy một cái áo phao và dùng nó làm găng, tôi nhặt cái chân lên.

“Cậu làm gì thế?” – Lão bếp hỏi.

“Tôi sẽ ném nó xuống biển” – Tôi đáp.

“Đừng có ngốc. Ta sẽ dùng nó làm mồi câu. Đó là lý do chính”.

Hắn có vẻ lúng túng sau khi đã nói xong câu cuối cùng, vì giọng hắn tự nhiên nhỏ hẳn đi. Hắn quay đi chỗ khác.

“Lý do chính?” – Mẹ hỏi – “Ông nói thế là có nghĩa gì?”

Hắn giả vờ như đang bận rộn việc gì đấy.

Giọng mẹ to lên – “Có phải ông đang nói rằng chúng ta cắt chân của cậu bé tội nghiệp này không phải để cứu nó, mà chỉ để lấy thịt làm mồi câu có phải không?”

Thằng cha cục súc im lặng.

“Hãy trả lời đi!” – Mẹ hét lên.

Như một con thú bị dồn vào bước đường cùng, hắn giương mắt chĩa thẳng vào mẹ. “Đồ ăn dự trữ đang cạn dần” – hắn gầm gừ – “chúng ta cần có thêm thức ăn hoặc là chết”.

Mẹ nhìn trả hắn không kém phần dữ tợn. “Đồ dự trữ của chúng ta không cạn dần. Chúng ta có rất nhiều thức ăn và nước uống. Chúng ta có biết bao nhiêu hộp bích-quy để ăn cho tới khi được giải cứu”. Mẹ cầm lấy cái hộp nhựa trong đó chúng tôi đã cất những khẩu phần bích-quy của mình. Nó nhẹ bỗng. Một vài mẩu vụn còn lại trong đó kêu lạch cạch. “Cái gì thế này!” – Mẹ mở hộp – “Bích-quy đâu cả rồi? Đêm qua còn đầy một hộp mà!”

Lão bếp ngoảnh mặt đi. Tôi cũng vậy.

“Đồ quỷ sứ ích kỷ!” – Mẹ kêu lên – “Chúng ta hết thức ăn nhanh như vậy chỉ vì ông đã lén ăn vụng một mình!”

“Nó cũng thế đấy” – Hắn nói, gật đầu về phía tôi.

Mắt mẹ nhìn sang tôi. Tim tôi nặng trĩu.

“Piscine, có thật không?”

“Mẹ, đang đêm, con ngủ không được vì đói. Ông ta cho con một cái bích-quy. Con đã ăn

mà không suy nghĩ…”

“Chỉ một cái thôi ư?” – Lão bếp dè bỉu.

Đến lượt mẹ quay đi chỗ khác. Hình như giận dữ trong mẹ đã tan đi hết. Không nói một lời nào thêm, mẹ quay lại chăm sóc anh thủy thủ.

Tôi ước gì mẹ giận dữ. Tôi ước mình bị mẹ trừng phạt, chứ không im lặng như thế này. Tôi đến xếp lại mấy cái áo phao cho anh thủy thủ nằm được dễ chịu hơn và để được ở bên cạnh mẹ. Tôi nói thầm – “Mẹ, con xin lỗi mẹ”. Mắt tôi rưng lệ. Khi ngước lên, tôi thấy mẹ cũng vậy. Nhưng mẹ không nhìn tôi. Mắt mẹ nhìn bâng khuâng vào một ký ức nào đó giữa không trung.

“Chúng ta đơn độc quá, Piscine ơi, chúng ta đơn độc quá” – Mẹ nói. Giọng mẹ làm tiêu tan mọi hy vọng trong người tôi. Tôi chưa bao giờ thấy đơn độc như vào giây phút ấy. Chúng tôi đã ở trên xuồng hai tuần lễ và bắt đầu ngấm thương đau. Càng ngày càng khó tin rằng cha và Ravi còn sống.

Khi chúng tôi quay lại, lão bếp đang nắm lấy chỗ mắt cá và dốc ngược cái chân trên mặt biển để cho nước chảy đi. Mẹ lấy tay che mắt anh thủy thủ.

Anh chết im lặng, sự sống chảy ra khỏi anh như nước chảy khỏi cái chân anh. Lão bếp lập tức chặt thịt anh. Cái chân làm mồi không tốt. Thịt chết quá rữa không bám chắc được vào lưỡi câu, cứ bở ra dưới nước. Con quỷ kia không bỏ phí thứ gì. Lão cắt hết thành từng miếng, kể cả da anh thủy thủ và từng đoạn gan ruột của anh. Khi đã làm xong phần thân, lão chuyển sang hai tay, vai và chân. Mẹ và tôi run bắn vì đau đớn và khủng khiếp. Mẹ gào lên với lão bếp – “Đồ quái vật kia, sao ngươi có thể làm thế được? Ngươi mất hết tính người rồi sao? Nhân phẩm của ngươi đâu? Thằng bé tội nghiệp đã làm gì ngươi? Đồ quái vật!” Lão bếp vặc lại mẹ bằng những lời lẽ thô tục không thể tin được.

“Vì Chúa, ít nhất cũng đậy mặt người ta lại đã!” – Mẹ kêu lên. Thật không thể chịu nổi trước cảnh một gương mặt đẹp như thế, cao thượng và bình thản như thế, lại gắn với cảnh tượng như vậy. Lão bếp nhảy ngay lên đầu anh thủy thủ và ngay trước mắt chúng tôi lão cắt da đầu và lột bong mặt anh ra. Mẹ và tôi nôn mửa.

Khi đã xong, lão ném cái xác đã bị băm vằm xuống biển. Chỉ một lúc sau, những rẻo thịt và các mẩu gan ruột đã nằm phơi nắng la liệt khắp xuồng. Chúng tôi rúm người lại vì sợ. Chúng tôi cố không nhìn. Nhưng mùi thì không thể xua đi đâu được.

Sau đó khi lão bếp đến gần, mẹ tát thẳng vào mặt lão, một cái tát thẳng tay khiến không khí vỡ vụn ra trong một tiếng bốp sắc lạnh. Đó thật là một cái gì choáng ngợp đột ngột hiện ra ở mẹ. Và thật anh hùng. Đó là một hành động căm thù, thương cảm, đau buồn và dũng cảm. Nó được cử hành để tưởng nhớ người thủy thủ đáng thương, để cứu vãn nhân phẩm của anh.

Tôi choáng người. Lão bếp cũng vậy. Lão đứng im không nói một lời trong khi mẹ nhìn thẳng vào mặt lão. Tôi để ý thấy lão tránh không nhìn vào mắt mẹ.

Chúng tôi rút lui về chỗ riêng của mình. Tôi ở ngay gần mẹ. Người tôi tràn đầy một cảm giác hỗn độn giữa khâm phục hết lòng và sợ hãi đến ghê rợn.

Mẹ luôn dè chừng lão bếp. Hai ngày sau, mẹ thấy hắn làm điều đó. Hắn đã cố giấu giếm, nhưng mẹ nhìn thấy lão đưa tay lên miệng. Mẹ quát to – “Ta thấy ngươi rồi! Ngươi vừa ăn một miếng! Bảo là để làm mồi câu! Ta đã biết mà! Đồ quái vật! Sao ngươi có thể thế được? Đó là người! Là đồng loại của ngươi!” Nếu mẹ tưởng hắn sẽ sợ hãi, sẽ nhổ ngay ra, khóc lóc và xin lỗi, thì mẹ đã nhầm. Lão tiếp tục nhai. Sự thực là lão còn ngẩng đầu lên và công khai đưa nốt rẻo thịt vào mồm. “Cũng giống thịt lợn” – Lão lẩm nhẩm. Mẹ biểu lộ sự phẫn nộ và kinh tởm bằng cách quay ngoắt đi một cách dữ dội. Lão ăn một rẻo nữa. “Ta thấy khỏe lên rõ ràng” – Lão lại lẩm nhẩm. Rồi lão tập trung vào câu cá.

Mỗi chúng tôi có góc riêng của mình trên xuồng. Thật lạ lùng khi thấy ý chí có thể dựng lên những bức tường ngăn cách như thế nào. Có nhiều ngày liền chúng tôi như không nhìn thấy lão.

Nhưng chúng tôi không thể hoàn toàn phớt lờ lão. Lão là một kẻ cục súc, song có thực tế. Lão tháo vát chân tay và hiểu biết biển cả. Lão đầy những ý tưởng hay. Lão là người nghĩ ra cách làm một cái bè để giúp cho việc câu cá. Nếu chúng tôi sống sót được, đó cũng là nhờ có lão. Tôi giúp lão hết sức mình. Lão rất hay nổi cáu, lúc nào cũng quát nạt và mắng chửi tôi.

Mẹ và tôi không ăn một tí thịt nào của anh thủy thủ, một miếng nhỏ cũng không, mặc dù có vì vậy mà yếu đi, nhưng chúng tôi bắt đầu ăn những thứ lão bếp bắt được từ biển lên. Mẹ tôi, một người suốt đời ăn chay, đã buộc lòng phải ăn cá sống và rùa sống. Mẹ rất khổ sở vì thế. Mẹ không bao giờ hết cảm giác lợm giọng và buồn nôn. Tôi thì dễ hơn. Tôi thấy cái đói làm cho cái gì cũng ngon cả.

Khi đời ta nhận được một niềm an ủi, dù chỉ là ngắn ngủi, ta khó cầm được cảm giác ấm áp đối với người đã mang cho ta niềm an ủi đó. Thật là phấn khởi khi lão bếp kéo lên xuồng một con rùa hay bắt được một con dorado thật to. Những lúc đó chúng tôi mỉm cười rạng rỡ và trong lòng thấy ấm áp hẳn lên trong nhiều giờ liền. Mẹ và lão bếp đã chuyện trò một cách lịch sự, thậm chí còn nói đùa với nhau. Có những khi hoàng hôn rất đẹp, cuộc sống trên xuồng đã gần như tốt đẹp thực sự. Những lúc ấy tôi đã nhìn lão – đúng thế – tôi đã nhìn lão thật dịu dàng. Còn âu yếm nữa là khác. Tôi tưởng tượng chúng tôi đều là bạn rất thân từ lâu. Lão là một người thô thiển ngay cả khi lão đang vui vẻ, nhưng chúng tôi vờ nhưng không thấy điều đó, và thậm chí không nghĩ là chúng tôi đang vờ. Lão nói chúng tôi rồi sẽ cập được vào một hòn đảo. Đó là hy vọng lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi mỏi mắt dò xét chân trời để tìm một hòn đảo không bao giờ hiện ra. Đó là lúc lão ăn cắp thức ăn và nước uống.

Thái Bình Dương vô biên và bằng phẳng nổi sóng cao như những bức tường vĩ đại xung quanh chúng tôi. Tôi đã nghĩ chúng tôi không bao giờ có thể vượt qua được những bức tường đó.

Lão đã giết mẹ. Lão bếp đã giết mẹ tôi. Chúng tôi đang chết dần vì đói. Tôi yếu lắm. Tôi không còn đủ sức giữ chặt một con rùa. Vì vậy mà nó sổng mất. Lão đánh tôi. Mẹ đánh lão. Lão đánh trả mẹ. Mẹ quay sang bảo tôi “Đi đi!”, rồi đẩy tôi về phía cái bè. Tôi nhảy sang bè. Tôi tưởng mẹ sẽ sang cùng. Tôi rơi xuống biển, rồi lóp ngóp trèo lên bè. Hai người đánh nhau. Tôi chẳng làm gì được, chỉ nhìn. Mẹ đang đánh một người lớn. Lão ác và khỏe. Lão tóm lấy cổ tay mẹ và bẻ quặt. Mẹ rú lên rồi ngã xuống. Lão nhảy lên trên và rút dao. Lão giơ dao lên. Con dao hạ xuống. Khi lão giơ nó lên, nó đã đẫm máu. Con dao lên xuống liên tiếp. Tôi không thể thấy mẹ. Mẹ nằm dưới sàn xuồng. Tôi chỉ thấy lão. Lão ngừng tay, ngẩng lên và nhìn tôi. Lão ném mạnh cái gì đó sang tôi. Một dòng máu quật mạnh ngang mặt tôi. Không cái roi nào có thể quật đau đến thế. Tôi đã ôm cái đầu mẹ trong tay mình. Tôi buông tay. Nó chìm xuống biển giữa một quầng máu, bím tóc dài của mẹ ngoằn ngoèo như một cái đuôi. Cá lượn tròn và theo nó xuống sâu, cho đến khi bóng xám một con cá mập dài cắt ngang qua và cái đầu biến mất. Tôi ngẩng lên. Tôi không thể nhìn thấy lão. Lão đang giấu mình dưới đáy xuồng. Lão xuất hiện khi quẳng thi thể mẹ tôi xuống biển. Mồm lão đỏ lòm. Nước biển sục lên đầy cá.

Suốt ngày và đêm đó tôi ngồi trên bè, nhìn lão. Không ai nói một lời. Lão đã có thể cắt dây bè. Nhưng lão không cắt. Lão giữ cho tôi sống, như một lương tâm xấu xa.

Buổi sáng, ngay trước mắt lão, tôi kéo dây và trèo lên xuồng. Tôi rất đuối sức. Lão không nói gì. Tôi cũng vậy. Lão bắt được một con rùa. Lão cho tôi chỗ máu rùa. Lão làm thịt rùa và để phần ngon nhất cho tôi trên cái ghế giữa xuồng. Tôi ăn.

Rồi chúng tôi đánh nhau và tôi giết lão. Mặt lão không biểu lộ gì, không tuyệt vọng, cũng không giận dữ, không sợ hãi và cũng không đớn đau. Lão buông xuôi. Lão để cho mình bị giết, dù vẫn cố chống cự. Lão biết lão đã đi quá xa, ngay cả với những tiêu chuẩn súc vật của lão. Lão đã quá trớn và không còn muốn sống nữa. Nhưng lão không hề nói “Tôi xin lỗi”. Sao con người lại bám chặt lấy điều ác như vậy nhỉ?

Con dao nằm sờ sờ trên mặt ghế ngay từ đầu. Cả hai chúng tôi đều biết thế. Lão đã có thể vớ lấy con dao ngay từ đầu. Chính lão là người đã để nó ở đấy. Tôi nhặt nó lên. Tôi đâm dao vào bụng lão. Lão nhăn mặt nhưng vẫn đứng yên. Tôi rút dao ra và đâm tiếp. Máu phọt ra. Lão vẫn không ngã. Nhìn vào mắt tôi, lão hơi ngẩng đầu lên một chút. Lão muốn nói gì chăng? Chắc là thế. Tôi đâm dao vào cổ họng lão, ngay sát cục yết hầu, trái táo của Adam. Lão đổ vật xuống như một hòn đá. Và chết. Lão không nói một lời nào. Lão không có lời cuối cùng. Chỉ ho sặc máu. Con dao có một sức mạnh năng động khủng khiếp; một khi đã xung trận, nó khó lòng ngừng lại. Tôi đâm lão liên tiếp. Quả tim lão khó moi quá – có bao nhiêu là ống chẳng chịt quanh nó. Tôi vẫn moi được nó ra. Vị nó ngon hơn thịt rùa nhiều. Tôi ăn gan lão. Tôi cắt thịt lão thành từng miếng lớn.

Lão đã là một kẻ ác. Tồi tệ hơn, lão đã gặp cái ác trong tôi – cái ích kỷ, lòng căm giận, sự tàn bạo. Tôi phải sống với điều đó.

Cô đơn lại bắt đầu. Tôi quay về với Chúa. Tôi đã sống sót”.

(Im lặng hồi lâu)

“Thế đã tốt hơn chưa? Có đoạn nào các ông thấy khó tin nữa không? Có gì các ông muốn tôi thay đổi nữa không?”

Ông Chiba: “Thật là một câu chuyện rùng rợn”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “Cả con ngựa vằn lẫn người thủy thủ Đài Loan đều gẫy một chân, anh có

để ý điều đó không?”

“Không ạ”.

“Và con linh cẩu cắn đứt lìa cái chân con ngựa vằn giống hệt như người đầu bếp cắt chân anh thủy thủ”.

“Ôi, thầy Okamoto, thầy thấy nhiều thứ quá”.

“Người Pháp mù họ gặp trên cái xuồng kia – có phải anh ta thú nhận có giết một người

đàn ông và một người đàn bà không?”

“Vâng, đúng thế”.

“Lão bếp giết người thủy thủ và mẹ hắn”.

“Rất ấn tượng ạ”.

“Hai câu chuyện của hắn trùng hợp nhau”.

“Có nghĩa là người thủy thủ Đài Loan là con ngựa vằn, mẹ hắn là con khỉ độc, lão bếp là… con linh cẩu – vậy thì hắn là con hổ!”

“Đúng vậy. Con hổ giết con linh cẩu – và người Pháp mù – hệt như hắn đã giết người đầu bếp”.

Pi Patel: “Các ông còn thỏi socola nào không?”

Ông Chiba: “Có ngay đây!”

“Cám ơn ông”.

Ông Chiba: “Nhưng thưa thầy Okamoto, thế nghĩa là thế nào?”

“Ta không biết”.

“Còn hòn đảo nữa? Ai là bọn chồn biển?”

“Ta không biết”.

“Còn những cái răng kia nữa? Răng của ai ở trên cây vậy?”

“Ta không biết. Ta không ở trong đầu của thằng bé này”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “Xin lỗi được hỏi, người đầu bếp có nói bất kỳ điều gì về việc đắm tàu Tsimtsum không?”

“Trong câu chuyện thứ hai ấy à?”

“Vâng”.

“Lão không nói gì cả”.

“Ông ta không nhắc đến bất kỳ chuyện gì trước buổi sáng sớm ngày 2 tháng 7, có thể giúp giải thích việc đã xảy ra ư?”

“Không”.

“Không có gì mang tính chất cơ khí hoặc cấu trúc ư?”

“Không”.

“Không có gì về các tàu khác hoặc các vật lạ khác ngoài biển ư?”

“Không”.

“Ông ta không thể giải thích tại sao tàu Tsimtsum lại bị đắm ư?”

“Không”.

“Ông ta có thể nói tại sao tàu không gửi đi một tín hiệu báo động nào không?”

“Nhưng nếu có gửi thì sao? Trong kinh nghiệm của tôi, khi một cái thùng sắt gỉ hạng ba bẩn thỉu bị đắm, nếu nó không may mắn chở theo dầu, thật nhiều dầu đủ để tàn phá toàn bộ các hệ sinh thái, thì chẳng ai quan tâm và sẽ không có ai biết chuyện hết. Mặc kệ các người”.

“Lúc Oika biết thì đã quá muộn rồi. Các anh ở quá xa để có thể tổ chức cứu hộ bằng máy bay. Công ty đã thông báo cho các tàu bè trong khu vực phải để ý tìm. Họ đều báo cáo là không nhìn thấy gì”.

“Nhân tiện đang nói chuyện này, tôi xin nói rằng chiếc tàu ấy không phải chỉ là hạng ba mà thôi. Thủy thủ đoàn là một bọn lầm lì và chẳng thân thiện chút nào, chỉ làm việc khi có sỹ quan để mắt đến, còn không thì thôi. Họ không nói một chữ tiếng Anh nào và chẳng giúp gì chúng tôi cả. Một số lúc nào cũng sặc mùi rượu kể từ giữa chiều trở đi. Có trời biết bọn họ đã làm gì? Các sỹ quan – ”

“Ông nói vậy là có ý gì?”

“Nói gì cơ?”

“Có trời biết bọn họ đã làm gì?”

“Tôi muốn nói có thể trong một cơn say, một vài người trong bọn họ đã thả các con thú ra”.

Ông Chiba: “Ai giữ chìa khóa các chuồng thú?”

“Cha tôi”.

Ông Chiba: “Vậy thủy thủ làm sao mở được chuồng nếu họ không có chìa khóa?”

“Tôi không biết. Có thể họ dùng xà beng”.

Ông Chiba: “Tại sao họ làm thế? Tại sao lại có người nào đó muốn thả một con thú nguy hiểm ra khỏi chuồng?”

“Tôi không biết. Có ai dò được những gì trong đầu một người say? Tôi chỉ có thể nói cho các ông biết cái gì đã xảy ra mà thôi. Các con thú đều ở ngoài chuồng hết”.

Ông Okamoto: “Xin lỗi. Ông nghi ngờ phẩm chất của các thủy thủ ư?”

“Đúng vậy”.

“Ông có chứng kiến một sỹ quan nào say rượu không?”

“Không”.

“Nhưng ông thấy một số thủy thủ say rượu”.

“Vâng”.

“Theo ý ông, các sỹ quan có tỏ ra là họ có năng lực và chuyên nghiệp không?”

“Làm sao tôi biết được? Các ông tưởng chúng tôi đã dùng trà với họ hàng ngày chắc? Họ nói được tiếng Anh, nhưng họ cũng chẳng hơn gì đám thủy thủ. Họ khiến chúng tôi cảm thấy mình không được hoan nghênh trong phòng sinh hoạt chung của tàu và hầu như không nói một lời nào với chúng tôi trong các bữa ăn. Họ nói chuyện với nhau suốt bằng tiếng Nhật, như thể chúng tôi không có mặt ở đó. Chúng tôi chỉ là một gia đình Ấn Độ thấp hèn mang theo một mớ hàng cồng kềnh và khó chịu. Cuối cùng thì chúng tôi ăn với nhau trong cabin của cha và mẹ. Anh Ravi tôi nói: “Phiêu lưu đang vẫy gọi kìa!” Đó là cái giúp chúng tôi chịu đựng được mọi chuyện, ý thức cuộc phiêu lưu của chúng tôi. Phần lớn thời gian chúng tôi dọn phân, rửa chuồng, cho thú ăn, trong khi cha phải đóng vai bác sĩ thú y. Bầy thú ổn thì chúng tôi ổn. Tôi không biết liệu các sỹ quan ấy có năng lực hay không”.

“Ông có nói tầu bị nghiêng về phía lái?”

“Đúng thế”.

“Và bị dốc từ mũi xuống đuôi”.

“Đúng thế”.

“Vậy là tàu chìm đằng lái trước?

“Đúng thế”.

“Không phải đằng mũi trước?”

“Đúng thế”.

“Ông có chắc không? Nó bị dốc từ trước về phía sau chứ?”

“Đúng thế”.

“Nó có đụng phải một con tàu nào khác không?”

“Tôi không thấy tàu nào khác cả”.

“Nó có đụng phải vật gì khác không?”

“Tôi không thấy vật gì khác cả”.

“Nó có mắc cạn không?”

“Không, nó chìm mất tăm mà”.

“Sau khi rời Manila, ông không biết có trục trặc gì về cơ khí chứ?”

“Không”.

“Ông có thấy tàu có vẻ bị quá tải không?”

“Đó là lần đầu tiên tôi đi tàu thủy. Tôi không biết tàu thủy quá tải thì có vẻ như thế nào”.

“Ông tin rằng đã nghe thấy một tiếng nổ?”

“Vâng”.

“Có tiếng động gì khác không?”

“Hàng nghìn”.

“Tôi muốn nói tiếng gì có thể giải thích tại sao tàu chìm”.

“Vậy thì không”.

“Ông có nói tàu chìm rất nhanh”.

“Đúng thế”.

“Ông có thể ước tính là bao lâu?”

“Khó nói. Rất nhanh. Tôi đoán chừng chưa đến hai mươi phút”.

“Và có rất nhiều mảnh vỡ?”

“Đúng vậy”.

“Có phải tàu bị một con sóng lừng đánh vào không?”

“Chắc không phải”.

“Nhưng lúc đó đang bão có phải không?”

“Biển có vẻ động mạnh đối với tôi. Có gió và có mưa”.

“Sóng có cao lắm không?”

“Cao. Tám chín thước gì đó”.

“Thế chưa ăn thua gì, thực vậy”.

“Nếu ông ở dưới xuồng thì không phải thế”.

“Vâng, tất nhiên rồi. Nhưng với một con tàu hàng chưa ăn thua gì”.

“Có thể sóng cao hơn. Tôi không biết. Thời tiết xấu đến nỗi tôi sợ mất mật. Tôi chỉ biết

chắc được như vậy mà thôi”.

“Ông nói thời tiết yên ổn lại rất nhanh. Con tàu chìm và ngay sau đó là một ngày đẹp trời, có phải ông nói vậy không?”

“Đúng vậy”.

“Nghe có vẻ như chỉ là một cơn dông ngắn ngủi”.

“Nó đã đánh chìm con tàu”.

“Đó chính là điều chúng tôi còn nghi ngờ”.

“Cả gia đình tôi đã chết”.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc”.

“Không thể bằng tôi được”.

“Vậy điều gì đã xảy ra, thưa ông Patel? Chúng tôi không hiểu gì hết. Tất cả đều đang bình thường và rồi…?”

“Rồi thì cái bình thường ấy đắm”.

“Tại sao?”

“Tôi không biết. Các ông phải nói cho tôi biết mới phải. Các ông là các chuyên gia. Hãy áp dụng khoa học của các ông”.

“Chúng tôi không hiểu”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Chiba: “Bây giờ thì sao đây?”

Ông Okamoto: “Chúng ta bỏ cuộc thôi. Lời giải thích vụ đắm tàu Tsimtsum đang nằm dưới đáy Thái Bình Dương rồi”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “Đúng thế. Chúng ta đi thôi. Thưa ông Patel, tôi nghĩ chúng tôi đã có những gì cần thiết. Chúng tôi cảm ơn ông rất nhiều vì sự hợp tác của ông. Ông đã giúp chúng tôi rất nhiều, rất nhiều”.

“Không dám. Nhưng trước khi các ông đi, tôi muốn được hỏi các ông một điều”.

“Xin ông cứ hỏi”.

“Tàu Tsimtsum đắm ngày 2 tháng 7 năm 1977”.

“Đúng thế”.

“Và tôi, người duy nhất trên tàu Tsimtsum còn sống sót, đến bờ biển Mexico ngày 14 tháng 2 năm 1978”.

“Đúng vậy”.

“Tôi đã kể cho các ông hai câu chuyện về những gì đã xảy ra trong hai trăm hai mươi bảy

ngày giữa hai thời điểm đó”.

“Vâng, ông đã kể rồi”.

“Không có câu chuyện nào giải thích được vụ đắm tàu Tsimtsum”.

“Đúng như vậy”.

“Chúng chẳng khác gì về mặt thực tại đối với các ông”.

“Điều đó đúng”.

“Các ông không thể chứng tỏ câu chuyện nào là thật và câu chuyện nào là không thật. Các ông phải tin vào lời nói của tôi thôi”.

“Tôi đoán vậy”.

“Trong cả hai câu chuyện, con tàu đều đắm, cả gia đình tôi đều chết, và tôi đều khốn khổ”.

“Vâng, quả có vậy”.

“Thế thì các ông hãy nói cho tôi biết, vì nó chẳng khác gì về mặt thực tại và các ông cũng chẳng chứng minh được vấn đề theo cả cách này hay cách kia, các ông thấy thích câu chuyện nào hơn? Câu chuyện nào hay hơn, chuyện có các con vật hay là chuyện không có các con vật?”

Ông Okamoto: “Đó là một câu hỏi thú vị…”

Ông Chiba: “Chuyện có các con vật”.

Ông Okamoto: “Đúng vậy. Câu chuyện có các con vật là câu chuyện hay hơn”.

Pi Patel: “Cảm ơn các ông. Thượng đế cũng nghĩ như các ông”.

(Im lặng)

Ông Okamoto: “Chúng tôi không dám”.

Ông Chiba: “Hắn vừa nói gì?”

Ông Okamoto: “Ta không biết”.

Ông Chiba: “Ôi, nhìn kìa, hắn đang khóc”.

(Im lặng hồi lâu)

Ông Okamoto: “Chúng tôi sẽ thận trọng khi lái xe về. Chúng tôi không muốn đâm phải Richard Parker”.

Pi Patel: “Đừng lo, các ông chẳng đâm vào nó đâu. Nó đang ẩn náu ở một nơi mà các ông sẽ không thể tìm thấy được”.

Ông Okamoto: “Cám ơn ông đã bỏ thì giờ nói chuyện với chúng tôi, thưa ông Patel. Chúng tôi xin biết ơn ông. Và chúng tôi thực lòng lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra với ông”.

“Cảm ơn hai ông”.

“Rồi đây ông sẽ làm gì?”

“Có lẽ tôi sẽ đi Canada”.

“Không quay về Ấn Độ sao?”

“Không. Chẳng còn gì cho tôi ở đó nữa. Chỉ là những ký ức buồn mà thôi”.

“Tất nhiên, ông đã biết ông sẽ được tiền bảo hiểm”.

“Ô!”

“Vâng. Oika sẽ liên lạc với ông”.

(Im lặng)

Ông Okamoto: “Chúng tôi phải đi rồi. Chúng tôi xin chúc ông mọi điều tốt lành nhất,

thưa ông Patel”.

Ông Chiba: “Vâng, mọi điều tốt lành nhất”.

“Cám ơn hai ông”.

Ông Okamoto: “Tạm biệt”.

Ông Chiba: “Tạm biệt”.

Pi Patel: “Các ông có muốn mấy cái bánh cầm đi đường không?”

Ông Okamoto: “Được thế thì tốt quá”.

“Đây, mỗi ông ba cái”.

“Cám ơn”.

Ông Chiba: “Cám ơn ông”.

“Không dám. Tạm biệt. Thượng đế sẽ ở bên các ông, những người anh em của tôi ạ”.

“Cám ơn. Cả với ông nữa, ông Patel”.

Ông Chiba: “Tạm biệt”.

Ông Okamoto: “Ta đang chết đói đây. Đi ăn thôi. Anh có thể tắt cái máy được rồi”.

Chú thích

[1] Một món cơm lạnh nấu với giấm, nặn thành nhiều hình dạng khác nhau, bày kèm theo những miếng cá hoặc tôm cua sống (ND)

[2] Nguyên văn: tempura – món ăn Nhật, tôm cá hoặc rau tẩm bột thành từng cái bánh nhỏ và rán giòn (ND).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.