Tô Du không đáp lại tôi, chàng chỉ đứng nhìn tôi bước đi.
Sau bữa cơm tối, tôi và Hương nhi đi dạo trong sân. Hương nhi hỏi tôi hôm nay chỗ Yến Thanh ấy có gì, tôi bèn chuyển chủ đề hỏi em ấy, mẹ tôi là người như thế nào.
Hương nhi cúi đầu suy tư một lúc rồi mới đáp:
– Công chúa là báu vật của nương nương. Tuy có rất nhiều lời nói bóng gió về sự ra đời của Công chúa, chúng em đều biết rằng nương nương rất yêu người.
Sau đó Hương nhi không nói thêm nữa.
Tôi cũng im lặng, bảo Hương nhi về trước, lát nữa tôi tự về sau. Em ấy gật đầu lui xuống, tuy nhiên mới được mười bước đột ngột quay lại nói to với tôi:
– Công chúa, Hương nhi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng người phải nhớ mang Hương nhi theo đó ạ.
Tôi ngẩn người, gật đầu.
.
Hương nhi à, ta thật sự không biết mọi chuyện sẽ tiền triển thế nào, ngay cả khi bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Giống như tôi và Tô Du vậy, chia cắt là con đường giải thoát duy nhất cũng là niềm vui đối với chàng, còn với tôi có lẽ nó là sự mãn nguyện.
Khi tôi trở lại phòng đã gần nửa đêm. Hương nhi đốt nến trong phòng cho tôi, ánh nến phản chiếu bóng người trên cửa, mờ mờ ảo ảo.
Tô Du đến đây làm gì?
Ban ngày tôi mới nói muốn mạng chàng, ấy vậy mà chàng chẳng sợ tôi thực sự muốn giết chàng.
Tôi đẩy cửa vào, trong phòng không có người hầu, còn Tô Du đang nằm nhoài ngủ trên mặt bàn. Nghe thấy tiếng động, chàng mở mắt nhìn tôi và cười như một đứa trẻ. Đôi mắt biết cười ấy ánh lên sự ngây thơ, quyến rũ cực kì.
Mặt bỗng chốc đỏ bừng, tôi lập tức dời ánh mắt sang chỗ khác, hắng giọng hỏi:
– Đêm hôm khuya khoắt, Thái tử đến đây làm gì vậy?
Tô Du ngáp một cái, trả lời:
– Vốn dĩ là vợ chồng, bản cung đến đây cũng là chuyện bình thường.
Chàng đứng lên, tiến sát gần tôi.
– Chẳng lẽ ta không hay đến nên cô quên mất sự thật này ư?
Tôi lườm hắn, cất bước đến bên giường rồi ngồi xuống, sau đó tự nhiên cởi áo khoác ra, đắp chăn rồi đáp:
– Đương nhiên chưa quên. Vậy tôi ngủ trước, Thái tử cứ tự nhiên.
Dứt lời, tôi không thèm để ý đến hắn nữa mà lên thẳng giường đắp chăn đi ngủ.
Một lát sau, tôi nghe thấy tiếng thở dài và tiếp đó là âm thanh cởi quần áo sột soạt. Một bên giường lún xuống, hiển nhiên hắn đã lên giường.
Trong thoáng chốc má tôi nóng bừng, cái chân muốn đá Tô Du xuống khỏi giường. Tô Du nhẹ nhàng tránh được, thì thầm vào tai tôi:
– Chính hôm nay cô đã nói cô muốn ta. Ta đã nghe theo tự đưa mình đến cửa, chẳng lẽ cô muốn đổi ý, trả lại hàng?
Anh giỏi lắm! Tôi chợt nhận ra một điều, xét trên nhiều phương diện, tôi mãi mãi không phải là đối thủ của tên đó!
Sau đêm ấy, Tô Du không gấp gáp chữa bệnh cho Khinh Ninh nữa mà rảnh rỗi “theo” tôi.
Một ngày nọ, tôi buồn chán đang định chuẩn bị ra ngoài đi dạo thì bị Yến Thanh ngăn lại ở cổng.
Mấy ngày nay tôi đều không gặp ông ta, hằng ngày Yến Thanh đều bận rộn việc nghiên cứu thuốc trong hiệu thuốc, kiểm tra tình hình bệnh của Khinh Ninh, gần như không có thời gian rảnh rỗi.
– Nghe Thái tử nói nương nương đồng ý bệnh nhân của tôi, vì sao vậy?
Lời nói của Yến Thanh làm tôi sững sờ, không ngờ ông ta lại hỏi vấn đề đề, tôi bật cười:
– Danh y đã nói, ta chắc chắn sẽ giúp đỡ người bệnh. Ta vẫn có câu này, vì tri kỉ này của ông bèn hi sinh một lần vậy.
Ông ta nhìn tôi một lúc lâu rồi mới nói:
– Vậy mời Thái tử phi nương nương tối nay cho máu được chứ?
Tôi đồng ý rồi đi một mạch ra khỏi phủ Thái tử.
Tôi đến lầu Hương Mãn. Ông già vẫn chưa về. Hôm nay đường phố khá yên bình, không có gì vui để xem.
Trời gần tối, tôi đến một quán trọ nhỏ uống rượu. Vẫn gọi hai bầu rượu và mang cái bầu rượu chưa uống về.
Bà chủ nhìn tôi một lúc lâu, chợt mỉm cười và nói:
– Nghĩ kĩ rồi à?
– Người không có ở đây, rượu đành phải mang đi. – Tôi trả lời.
– Không có thì làm sao, mang đi thế nào? – Bà chủ hỏi.
Tôi không đáp, trả tiền rượu rồi rời đi. Nếu tôi đoán không sai, tối nay Yến Thanh sẽ thực hiện.
Tôi tìm Yến Thanh lúc Hương nhi đã say giấc nồng. Tôi không nói với em ấy tối nay mình sẽ ra ngoài vì sợ em ấy cằn nhằn.
Nào ngờ tôi gặp Tô Du ở ngoài cửa. Chẳng biết chàng đã đứng đây bao lâu, bây giờ đã là cuối thu mà chàng chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng, khuôn mặt tái nhợt.
Thấy tôi đi ra, chàng mỉm cười hỏi tôi có thời gian ngồi cùng chàng không.
Tôi biết Yến Thanh sẽ chờ tôi bèn đồng ý.
Tô Du không nói chuyện, chỉ ngồi với tôi trên bậc thềm đá trước cửa. Tôi nghĩ uống rượu dưới ánh trăng là thứ có thể thay đổi bầu không khí, thế là về phòng lấy rượu ra.
Tô Du không hay uống rượu, trước khi ăn cơm phải mời người khác trước rồi mới ăn. Tối nay không hỏi tên loại rượu, nhận rượu từ tay tôi rồi rót một ly.
Tôi không uống rượu, chỉ nhìn chàng uống. Bình rượu nhanh chóng vơi đi một nửa, Tô Du bỗng nhiên hỏi tôi:
– Sao không uống cùng?
Tôi không đáp, không nhìn Tô Du nữa mà ngước lên ngắm trăng. Cho đến khi Tô Du uống hết bình rượu mới trả lời:
– Tô Du à, anh có biết không, bình rượu này tôi vẫn luôn để dành cho anh, kể từ khi tôi đến đây.
Tôi không quan sát vẻ mặt của Tô Du, nói nhanh như những hạt đỗ lăn tròn trên đất:
– Tôi luôn nghĩ, bao giờ anh thích tôi tôi sẽ đưa bình rượu này cho anh uống. Có điều, đến bây giờ tôi mới nhận ra đó là điều không thể.
Giọng tôi bắt đầu nghẹn ngào.
– Anh biết không, ban đầu tôi đều đếm từng ngày đã trôi qua, đếm đến khi nào trong mắt anh có tôi. Sau đó tôi quyết định không đếm nữa, thời gian một ngày ngắn quá, tôi nghĩ đếm năm sẽ tốt hơn. Cuối cùng bây giờ tôi không muốn đếm nữa. Tô Du, tôi mệt lắm rồi, tạm biệt!
Tôi đứng dậy, giả vờ nói lời tạm biệt với Tô Du:
– Thái tử điện hạ, tôi phải đến chỗ Yến Thanh rồi, tạm biệt nhé!
Tôi vẫy tay với Tô Du, nhanh chóng sải bước về phía trước. Tô Du đứng phắt dậy, ôm lấy tôi từ đằng sau.
Những giọt nước mắt bỗng chốc trào khỏi bờ mi không kiểm soát nổi, tôi quay lại ôm chầm Tô Du, sau đó đẩy chàng ra và bước đi thật nhanh.
Tô Du không đuổi theo.
Yến Thanh chờ tôi ngoài cửa nhưng ông ta không đưa tôi vào phòng mà rẽ vào một rừng cây nhỏ.
Tôi không hề biết trong rừng cây nhỏ của phủ Thái tử sẽ có phong cảnh đặc biệt thế này. Xuyên qua cánh rừng rậm rạp xuất hiện một mảnh đất trống hình tròn với một hồ xây bằng đá cẩm thạch ở giữa. Đáy hồ đầy chất lỏng màu đen. Yến Thanh dặn tôi đừng để ngã, nếu không sẽ mất mạng.
Yến Thanh rạch cổ tay tôi bằng một con dao găm, máu chầm chậm chảy dọc theo bức tường màu đỏ vào trong hồ.
Chất lỏng màu đen trong hồ như có sự sống vậy, nôn nóng trườn lên bờ tường cuốn máu xuống.
Chất lỏng màu đen liên tục nhảy lên làm tôi hơi choáng váng, người lảo đảo. Yến Thanh nắm chặt tay tôi, nói khẽ:
– Đừng dịch chuyển, hồ thuốc này có linh hồn, rơi xuống rồi cả người cô sẽ thành thuốc, cho dù Đại La thần tiên cũng không cứu nổi đâu.
Tôi buộc phải bình tĩnh lại, tái nhợt hỏi:
– Yến Thanh, ông biết ông già không?
Ông ta liếc nhìn tôi:
– Trên đời này nhiều ông già lắm.
Tôi mỉm cười:
– Ta không nói đùa. Ông già nói với ta sư đệ ông ấy là danh y và còn nói ta sẽ gặp người này. Ta đoán ông chính là sư đệ của ông ấy.
– Ta có một sư huynh, nhưng hắn là kẻ thù của ta. – Yến Thanh siết chặt tay tôi, máu bất ngờ trào ra.
Chất lỏng màu đen nhảy lên ngày càng nhiều, leo lên cổ tay tôi rồi nhanh chóng thấm vào máu. Cảm giác mát lạnh trèo lên từ cổ tay và bắt đầu ăn mòn ý thức của tôi.
Yến Thanh lấy lá bùa ra, lẩm bẩm đọc lời chú, ông ấy cắn đầu ngón tay mình, giọt máu chảy xuống tay tôi.
Con mắt Yến Thanh chợt đỏ quạch, ánh trăng bàng bạc phản chiếu gương mặt ấy trắng bệch đến lạ:
– Rốt cuộc cô là ai? Mẹ cô ở đâu?
Yến Thanh trước mắt tôi y hệt quỷ hút máu, tôi khó hiểu.
– Mẹ ư? Đáng lẽ mẹ nên được ở một nơi yên tĩnh.
Một nơi không bao giờ bị người khác làm phiền.
Cảm giác mát lạnh tiến dần vào tim. Tôi nghĩ mình sẽ nhanh chóng được rời khỏi những thứ đáng ghét này.
Mắt.
Quang cảnh xung quanh mờ dần mờ dần. Yến Thanh lay mạnh người tôi, ông ấy muốn cầm máu cho tôi, còn muốn hỏi tôi gì nữa đây. Nhưng trước tiên tôi muốn thoát khỏi sự khống chế của ông ấy nên cố gắng hết sức nhảy xuống ao.
Tô Du, lần này tạm biệt thật sự.
Hết chương 4