Tôi Và Người Ấy Của Tôi

Chương 13




Edit: Sa

[33] – Ủng hộ

Mấy ngày sau, cô chú suôn sẻ nhập viện tại một bệnh viện ở thành phố A. Theo quy trình, chú được kiểm tra toàn diện trước khi tiến hành phẫu thuật, đồng thời bệnh viện cũng liên tục thông báo thời gian chờ và kết quả cho chúng tôi.

Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc ở bên cạnh 187 nhằm khích lệ tinh thần cho anh ra, tôi cũng cố gắng tìm hiểu về những điều liên quan tới căn bệnh của chú thông qua nhiều cách.

Như đã nói, trước kia mẹ tôi cũng mắc bệnh giống bố 187, bây giờ, sau nhiều năm, mẹ tôi vô cùng khỏe mạnh, suốt ngày leo núi, đi bộ, khiêu vũ, đánh cầu lông, hồi phục rất tốt. Nhờ vậy mà tôi cũng lạc quan hơn nhiều.

Hồi mẹ tôi bị bệnh, một tay bà nội đã chăm sóc cho mẹ, vì vậy tôi định hỏi nội về phương án điều trị và các điều cần lưu ý.

Hôm đó, tôi ăn cơm ở nhà, hỏi như vu vơ: “À bà nội ơi, hồi xưa lúc mẹ con bị bệnh, ai ở bệnh viện chăm sóc mẹ con vậy?”

Có lẽ đã quá lâu, bà nội lại lớn tuổi nên trí nhớ không tốt, nghe tôi hỏi xong, nội ngơ ngác, hỏi lại tôi: “Mẹ con bị bệnh gì?”

Tôi không nói thẳng mà vòng vo: “Thì là bị bệnh đó.”

Bà nội nhìn tôi, suy tư hồi lâu, sau đó nhớ ra, gật đầu lia lịa: “À à, bệnh cần phải mổ ấy hả, xém quên mất, lâu quá rồi.” Bà nội nghi ngờ, nhíu mày: “Tự dưng hỏi làm gì?”

Tôi định nói chuyện bố 187 bị bệnh nhưng lời lên tới miệng thì lại do dự.

Bà nội thấy tôi không trả lời thì sốt ruột, giục: “Trả lời đi.”

Tôi ngập ngừng nói: “Bố anh XX bị bệnh giống mẹ hồi đó. Chú nhập viện rồi, mấy hôm nữa sẽ mổ, con muốn tới phụ một tay.”

Nói xong, tôi cực kỳ thấp thỏm. Tuy bệnh này không phải là không trị được nhưng cũng không hề đơn giản, hơn nữa khi ấy tôi và 187 hẹn hò chưa tới nửa năm, tôi rất lo việc này sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ của gia đình tôi.

Trong mấy giây ngắn ngủi, đầu tôi ngổn ngang, nghĩ ra rất nhiều khả năng. Tuy bố mẹ và bà nội rất tốt bụng nhưng người tốt đến đâu cũng sẽ ích kỷ khi chuyện liên quan tới con cái mình, bà nội lại rất thương tôi, sợ rằng thấy bố 187 bị bệnh nghiêm trọng thì sẽ yêu cầu tôi nghĩ lại chuyện với 187.

Nhưng thái độ của bà nội nằm ngoại dự đoán của tôi.

Bà nội nhíu mày, lo lắng hỏi: “Nhập viện rồi à? Bệnh viện nào?”

Tôi trả lời tỉ mỉ, sợ bà nội không biết, còn bổ sung thêm: “Là bệnh viện hàng đầu về chữa trị bệnh này.”

Bà nội nghe vậy, nói: “Tìm được bệnh viện thì tốt. Bác sĩ nói sao?”

“Đề nghị nhanh chóng phẫu thuật ạ.”

“Ừm.” Bà nội gật đầu, “Bao giờ mổ?”

Tôi nói: “Còn đang kiểm tra, phải đợi có kết quả thì mới quyết định ngày mổ. Trễ nhất là cuối tuần này.”

“Đừng lo, không sao đâu. Hồi xưa y học còn kém, đi khám nhiều bệnh viện đều nói không chữa được, nhưng bây giờ mẹ con vẫn khỏe đấy thôi. Bây giờ khoa học phát triển, ắt chữa được thôi.” Bà nội dặn dò: “Nhưng phải ăn kiêng đó. Con tới đó thì nói với mẹ thằng bé là đừng cho bố nó ăn lung tung, không phải cứ đồ bổ là ăn được đâu.”

Tôi ngạc nhiên, nói: “Bà nội cho con đi ạ?”

“Con muốn đi thì đi thôi.” Bà nội nói: “Nếu đi làm thì cũng nên xin nghỉ để qua đó, đằng này con không đi làm mà còn không tới đó thì coi sao được?”

Nghe xong câu này, tảng đá trong ngực tôi rơi xuống. Tôi thở phào nhẹ nhõm tựa như trút được gánh nặng: “Con cứ lo bà nội nghĩ khác, làm con sợ muốn chết.”

Bà nội không vui, nói: “Người sống cả đời, có ai mà chưa từng ngã bệnh? Sợ nội nghĩ khác? Nội nghĩ gì chứ. Nội đã tám mươi tuổi rồi, có chuyện gì mà chưa từng gặp?” Bà nội càm ràm một hồi, sau đó chợt nói: “À phải rồi, cái hồi mẹ con mổ xong là uống thuốc bắc của thầy thuốc trung y ở chỗ mình. Năm ngoái thầy thuốc mất rồi, nghe nói bây giờ con gái ông ấy nối nghiệp, để nội lật sổ danh bạ tìm số điện thoại coi sao.”

Nói xong, bà nội đặt đũa xuống, đi tìm sổ danh bạ.

Tôi gọi nội: “Nội ăn cơm xong hẵng tìm, chậm một hai tiếng cũng không sao đâu.”

“Tìm sớm đỡ sốt ruột.” Bà nội vừa nói vừa ngoái đầu nhìn tôi, nghiêm túc nói: “Tới bệnh viện gặp bố mẹ người ta thì chịu khó một chút, có gì làm được thì cứ làm hết, tuy lần đầu gặp mặt nhưng gặp tình huống này thì đừng xem mình là “khách”. Động viên tinh thần họ, bảo cứ an tâm giải phẫu, về phần thuốc bắc cứ để nội lo, nếu bệnh viện đó không ổn thì nhanh chóng chuyển tới Hoa Tây chỗ mình. Đừng ngại gì cả, bình an là trên hết.”

Lòng tôi ấm áp, vừa cười vừa gật đầu với bà nội, đáp: “Dạ con biết rồi, nội đừng lo.”

Thế là tôi được cả nhà ủng hộ đi theo 187 tới bệnh viện. Sau khi xác định ngày giải phẫu, 187 lập tức xin nghỉ phép, chúng tôi sắp xếp hành lý, đi tàu hỏa tới thành phố A.

Tôi nhớ như in hôm đó là đầu tháng 5 năm 2019.

Trên đường di, tôi nhìn phong cảnh lướt qua ngoài xe, nửa đùa nửa thật: “Anh biết không, em cứ mong được đi du lịch ở thành phố A mãi nhưng chưa có cơ hội, lần này được “thỏa lòng” rồi.”

187 nhìn tôi một hồi, nắm tay tôi, nói: “Cảm ơn em.”

“Em đại diện cho cả nhà em tới bệnh viện đó.” Tôi nguýt dài, “Anh chỉ cảm ơn mỗi mình em thôi à?”

187: “Cảm ơn bà nội, cảm ơn cô chú. Cảm ơn em.”

Tôi cười khoát tay: “Haiza, anh đừng khách sáo quá thế, mời em ăn một bữa thịnh soạn là được.”

187 phì cười, mặt mày cũng thả lỏng mấy phần, nói: “Được thôi. Ăn thoải mái, em muốn ăn gì cứ ăn.”

Tôi cười tít mắt, vỗ lưng anh: “Được rồi, không đùa nữa. Anh cứ luôn miệng bảo em đừng khách sáo, giờ lại tới lượt anh khách sáo, ơn nghĩa gì chứ.”

187 nhìn tôi, không nói gì.

Tôi siết chặt tay anh, nói: “Anh sống xa gia đình mười mấy năm, có quá ít thời gian ở bên chăm sóc cô chú, cô chú cũng chịu khổ nhiều. Càng như thế, chúng ta càng phải kiên cường, càng phải lạc quan, để bố mẹ biết chúng ta đã trưởng thành, có thể chống trời, đáng để bố mẹ dựa dẫm.”

187 cười, xoa đầu tôi: “Em tốt quá.”

Tôi chả ngại ngần mà nghiêm túc nói: “Riêng em thì rất tán thưởng kiểu người thành thật như anh.”

***

[34] – Em trai

Thành phố A nằm ở tỉnh khác, tôi và đồng chí 187 xuất phát vào buổi sáng, tối cùng ngày thì tới nơi. Tàu cao tốc sắp vào ga, tốc độ chậm lại, hành khách vồn vã đứng dậy lấy hành lý trên kệ.

Kể ra thiệt là đau lòng, tôi ấy mà, từ nhỏ đã có tật “say”: say máy bay, say tàu thuyền, say ô tô, nói chung là đi gì say nấy. Lúc này cũng không ngoại lệ, lên tàu cao tốc chưa bao lâu là tôi đã phải dựa vào vai 187 để ngủ, cả quãng đường xóc nảy kèm tiếng tàu xình xịch inh ỏi nên giấc ngủ rất chập chờn, anh vừa động đậy là tôi tỉnh lại ngay.

“Đến nơi chưa?” Tôi mơ mơ màng màng nhìn ra ngoài cửa tàu, sẵn tiện xoa cái cổ mỏi nhừ.

187 đứng lên, lấy vali của tôi xuống rồi trả lời: “Vài phút nữa là vào ga.”

Tôi gật đầu.

Con gái đi xa rất phiền phức, không chỉ mang theo quần áo mặc hằng ngày mà còn có cả đồ ngủ, càng không thể thiếu các loại mỹ phẩm, vậy nên hành lý của đồng chí 187 gọn nhẹ hơn tôi nhiều. Anh chỉ đeo cái ba lô màu đen đựng hai bộ quần áo và đồ rửa mặt.

187 mở cái ba lô huấn luyện dã ngoại của anh, lấy cái túi nhựa ra, hỏi tôi: “Đói không? Ăn tạm một chút rồi đi.”

Tôi nhìn thử. Trong túi là đồ ăn vặt mà chúng tôi đã mua trước khi lên xe, là bim bim socola, tôi mua để ăn trên xe cho đỡ buồn miệng, tiếc là giấc mơ rất đẹp đẽ nhưng hiện thực lại quá phũ phàng.

Vì vẫn còn say tàu nên tôi không muốn ăn, bèn xua tay, mệt mỏi nói: “Anh ăn đi, em chưa đói.”

187 thấy mặt mũi tôi bơ phờ, khẽ vỗ mu bàn tay vào má tôi, cau mày: “Khó chịu lắm hả?”

“Không sao, hơi mệt thôi.” Tôi sợ anh lo lắng, bèn ráng ngồi thẳng người, vỗ vai anh: “Ui chao không sao đâu, trong tàu hơi ngột ngạt, chờ xuống tàu là em sẽ khỏe lại ngay ấy mà.”

187 nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt phức tạp, nhìn một hồi bỗng mỉm cười.

Tôi:?

Tôi chả hiểu mô tê ra làm sao: “Anh cười gì thế?”

187 xoa đầu tôi, giọng nói đầy dịu dàng và chân thành: “Em vất vả rồi.”

“Cái này có gì vất vả chứ…” Tôi ngượng nghịu nói thầm.

Chậc, bình thường tôi hay lên mặt với anh thế thôi chứ thực tế là tôi khá dễ xấu hổ, vị đại ca này bỗng dưng nói lời ngọt ngào làm tôi rất ngượng.

Mặt tôi nóng bừng, dõi mắt nhìn anh cất đồ ăn vặt vào túi, bỏ túi vào ba lô rồi quẳng ba lô lên lưng. Bất chợt tôi nghĩ tới một việc, luống ca luống cuống mở các ba lô nhỏ của mình ra, hoảng hốt nói: “May mà nhớ ra! Anh chả nhắc em gì cả!”

187:?

187 khó hiểu: “Chuyện gì mà hấp tấp thế?”

Tôi không trả lời, nhanh chóng lấy hộp phấn và thỏi son ra, sau đó tập trung trang điểm.

187: “…?”

187 lẳng lặng ngồi bên cạnh hờ hững nhìn tôi son môi. Từng giây trôi qua, rốt cuộc không kìm nổi nữa, anh buồn cười nhướn mày, nói: “Còn nhớ trang điểm cơ à?”

“Dĩ nhiên.” Tôi đáp.

187 cười: “Em tới đây là bố mẹ anh vui lắm rồi, bố mẹ không để ý em có trang điểm hay không đâu.”

“Sao thế được.” Tôi cất hộp phấn và thỏi son đi, nghiêm túc trả lời anh: “Đây là lần đầu tiên em gặp cô chú, em phải thể hiện sự tôn trọng lớn nhất. Bất kể cô chú có để ý hay không, điều em có khả năng làm được thì vẫn phải làm, đó là thái độ và tấm lòng của em.”

187 lặng im chốc lát rồi xoa đầu tôi, cười: “Ừm, em nói đúng lắm.”

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, tàu cao tốc đã dừng lại, hành khách lục tục rời khỏi ghế của mình, chuẩn bị xuống xe.

187 đeo ba lô đứng lên, một tay xách va li một tay ôm tôi sát vào người anh. Chúng tôi hòa theo dòng người chầm chậm bước ra cửa.

Tôi nghĩ tới một chuyện, hỏi: “Có ai tới đón mình không?”

“Ai cũng bận nên không ra đón được, mình đi thẳng tới bệnh viện luôn.” 187 trả lời tôi, “Thằng em anh bảo sẽ chờ bọn mình trước cổng bệnh viện.”

“Em anh?” Tôi nhíu mày, “Sao không nghe anh nói anh còn có em nhỉ?”

“Em họ anh, nó là con của dì út, đang học ở thành phố A, cũng học trường quân đội luôn.” 187 nói, “Thời gian bố mẹ tới đây, chủ nhật nào nó cũng xin phép đi ra trường để tới bệnh viện chăm nom, chắc nó cực lắm. Lát nữa mình phải mời mọi người trong nhà đang ở đây ăn bữa cơm.”

Tôi khá ngạc nhiên sau khi nghe vị đại ca này nói xong, đầu hiện lên rất nhiều thứ. Trường quân đội ở thành phố A, lẽ nào?

Tôi thốt lên: “Em anh học trường quân đội, vậy là trường đại học XXXXXX ạ?”

187 nhìn tôi, khẽ ngạc nhiên, hỏi: “Sao em biết?”

“…”!!!

Sao tôi không biết được chứ?! Tôi là tác giả từng viết ngôn tình quân nhân rồi đó, trước kia tôi tra cứu rất nhiều tài liệu đâu phải công cốc!

Tôi không nén nổi sự hưng phấn và mừng rỡ, hào hứng nói: “Em từng viết tiểu thuyết về quân nhân, nam chính học ở trường của em họ anh! Trời ạ, trùng hợp quá trùng hợp quá!”

187 nhướn mày, buồn cười nói: “Coi em kích động chưa kìa.” Anh ôm chặt tôi hơn, ra vẻ cha già dạy dỗ: “Nhìn kỹ đường, đông người lắm, đừng khua tay múa chân.”

Tôi hậm hực, im lặng đi theo đám đông xuống tàu, kiểm vé.

Mấy phút sau, chúng tôi tới bệnh viện gần đó.

Sắp gặp bố mẹ đồng chí 187, tôi bỗng chốc căng thẳng, vừa đi tới bệnh viện vừa dáo dác nhìn xung quanh, bất chợt một hình dáng lọt vào tầm nhìn của tôi, đó là một chàng trai cao ráo, cơ thể săn chắc, bờ vai rộng vững chãi, nước da ngăm khỏe mạnh, vừa sáng sủa vừa đẹp trai. Cậu đứng cách đó không xa, cầm điện thoại, thỉnh thoảng nhìn quanh, giống như đang đợi ai đó.

Cùng lúc đó, 187 chợt gọi to: “XX. (tên em họ)”

Tôi: “?!”

Trai đẹp nghe thấy tiếng gọi thì quay đầu lại, nhìn thấy chúng tôi thì thoáng sững người, sau đó nở nụ cười tỏa nắng. Hàm răng trắng như tuyết và đều như bắp của cậu ấy phát sáng.

Cậu ấy tươi cười đi tới chỗ chúng tôi. Sau đó, trai đẹp không nhìn 187 đang đứng ngay bên cạnh tôi mà cười tươi như hoa hào sảng nói với tôi: “Em chào chị dâu!”

187: “…?”

Tôi: “…”

Sau vài giây ngắn ngủi, tôi lấy lại tinh thần. Đối diện với nụ cười rạng rỡ của trai đẹp, tôi cũng nói vang dội: “Chị chào em!”

187: “…@#$%”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.