Tôi Và Người Ấy Của Tôi

Chương 12




Edit: Sa

[31] – Mắt tốt

Hồi trẻ, bố mẹ tôi có rất nhiều sở thích, vì vậy khi về hưu, họ đã theo đuổi sở thích nghiệp dư của mình. Bố tôi chú tâm chụp ảnh, nhân tiện tự học thổi kèn saxophone; còn mẹ tôi thì tham gia một vũ đoàn, hằng ngày luyện múa, lập nhóm với các cô các bác có cùng sở thích, thường xuyên tranh tài cùng các vũ đoàn trung niên khác trong thành phố.

Trước khi chính thức dẫn 187 về nhà ra mắt, thú thật tôi rất hồi hộp. Bây giờ nghĩ lại thì thấy hơi buồn cười, anh gặp bố mẹ tôi chứ có phải tôi gặp bố mẹ anh đâu, chả hiểu tôi hồi hộp cái gì. Thậm chí tôi còn tường tận nói cho anh biết tính cách và sở thích của bố mẹ tôi.

“Bố em thích chụp ảnh, ở nhà có cả đống thiết bị, cũng có thể coi là nhiếp ảnh gia nghiệp dư.” Tôi nói với anh, “Anh cũng thích chụp ảnh, cho nên nếu lúc gặp bố em mà không biết nói gì thì cứ nói tới chuyện chụp ảnh, như vậy thì sẽ không bị gượng gạo.”

187 nghe xong, nói: “Anh chụp ảnh chỉ để giải trí thôi, sao sánh nổi với chú, chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ.”

“Thì anh nhờ chỉ dạy.” Tôi đáp, “Bố em nhiệt tình lắm, chắc chắn sẽ kiên nhẫn giảng giải cho anh.”

187 nhìn tôi: “Ừm.”

Tôi suy tư chốc lát, lầm bầm: “Phía mẹ em chắc khỏi phải lo. Mẹ em hoạt ngôn lắm không sợ thiếu đề tài nói chuyện…” Nói xong, tôi nghĩ tới nghĩ lui vẫn không yên tâm, bèn nói: “Em nhớ anh từng nói cô thích múa phải không? Cũng thường xuyên tham gia các cuộc tranh tài dành cho người lớn tuổi?”

187 nói: “Ừ.”

“Thế thì được!” Tôi mừng rỡ, “Mẹ anh và mẹ em đều thích múa, có chung sở thích rồi, thế thì anh nói với mẹ về đề tài này đi. Không sợ bị tẻ ngắt.”

187 nhẫn nại nghe tôi lải nhải một hồi, sau đó phì cười, siết chặt tay tôi, nói: “Em bình tĩnh lại nào. Từ một chuyện rất bình thường nhưng em thế này làm anh căng thẳng theo.”

Tôi cúi đầu nói: “Nếu anh không căng thẳng thì đã chẳng lôi em đi mua quần áo.”

187: “…”

187 lạnh lùng phản bác: “Anh mua quần áo không phải do anh căng thẳng mà là tôn trọng cô chú.”

Ờ.

Tất nhiên tôi không tin, làm mặt xấu với anh, anh nheo mắt véo má tôi.

Chúng tôi lại nói nhăng nói cuội một hồi. Cuối cùng, tôi kiểm tra lại lần cuối quần áo và quà cáp ngày mai của anh, sau đó mới về nhà.

Sáng hôm sau, đồng chí 187 mặc quần áo mới do tôi chọn, xách hai túi quà to bước lên hành trình “ra mắt phụ huynh”.

Hơn chín giờ sáng, tôi và mẹ ra cổng khu dân cư đón anh rồi ba người cùng về nhà tôi. Dãy nhà tôi chỉ cách khá xa cổng, suốt đoạn đường mẹ tôi luôn cười tít mắt tán gẫu với đồng chí 187, hỏi anh thức dậy sớm lắm đúng không, có buồn ngủ không, đến là vui rồi sao lại đem nhiều quà thế…

187 cũng cười lễ phép đáp lại, nói: “Làm phiền cô xuống nhà quá.”

Hai người họ vô cùng tự nhiên và hòa hợp, không hề lúng túng như tôi nghĩ.

Thấy thế, tảng đá trong lòng tôi rơi xuống, đồng thời trong lòng cũng giơ ngón tay với mẹ, không hổ là mẫu thân đại nhân.

Không lâu sau, ba người chúng tôi đi tới dãy nhà, lúc vào thang máy thì mẹ tôi chợt kêu lên một tiếng, nói bằng giọng địa phương: “Mẹ quên mang chìa khóa rồi”, sau đó nhìn tôi, ngập ngừng.

Tôi ngó đông ngó tây: “Nhìn con làm gì, con cũng không mang.”

Mẹ tôi lạnh nhạt nói: “Biết ngay là con không mang mà.”

Tôi: J

Mẹ tôi móc mỉa tôi xong thì nở nụ cười hiền từ với 187, nói bằng tiếng phổ thông: “Không sao, chú cháu ở nhà, bảo chú mở cửa là được.”

Tôi: … Khụ.

Lên tới tầng nhà, cửa thang máy mở ra. 187 nhấn nút giữ cửa, chờ mẹ con tôi ra trước rồi mới đi theo.

Tôi đi thẳng tới nhà, phát hiện cửa không khóa, bố đã đứng trước cửa đợi chúng tôi. 187 đi tới, nhìn thấy bố tôi thì nhanh chóng chào hỏi, đứng trước cửa đưa túi quà bằng hai tay: “Cháu biếu cô chú ít quà ạ.”

Tôi để ý một chi tiết: bố tôi không cao lắm, thấp hơn 187 mười mấy centimet nhưng anh lại khom người khi đưa quà cho bố tôi.

Hai nam đồng chí đứng trước cửa chào hỏi vài câu, sau đó vào nhà.

Để chuẩn bị cho hôm nay, mẹ tôi đã đi siêu thị mua rất nhiều trái cây, rửa sạch rồi cắt nhỏ, lại pha thêm ấm trà, đặt sẵn trên bàn trà ở phòng khách. Bốn người chúng tôi ngồi trên sofa tán gẫu.

Bố tôi không hút thuốc lá, 187 tặng cho bố tôi hai chai rượu, còn quà của mẹ tôi là ít thức ăn bổ dưỡng và đồ trang điểm. 187 từng rất lúng túng không biết mua quà gì, những thứ này đều là tôi đề xuất cho anh khi anh hỏi ý kiến tôi, cho nên rất hợp ý bố mẹ.

Toàn bộ quá trình ra mắt phụ huynh hầu như là ba người họ tán gẫu, còn tôi thì an tĩnh ăn ăn ăn.

Tán gẫu khoảng hơn một tiếng, gần trưa, chúng tôi lái xe đến khu nhà cũ đón bà nội, sau đó di chuyển đến nhà hàng đã đặt bàn trước để ăn trưa.

Tầm hai giờ chiều, hành trình ra mắt phụ huynh kết thúc, bố mẹ tôi hào hứng đi tham gia buổi họp lớp của họ, tôi và 187 đi bộ cùng bà nội về nhà bà. Đưa bà nội về nhà xong, tôi sực nhớ ra sữa rửa mặt (hay kem chống nắng nhỉ? Không nhớ nổi haizz…) đã hết nên kéo 187 đi trung tâm thương mại.

Trên đường đi, tôi nói: “Anh thấy sao?”

187 nhìn tôi: “Thấy cái gì?”

Tôi: “Thì bố mẹ em đó. Anh thấy bố mẹ em thế nào?”

187: “?”

187: “Không phải là em nên hỏi cô chú thấy anh thế nào à?”

Tôi: “Không cần anh nhắc, chờ anh về là em lập tức gọi điện hỏi bố mẹ ngay.”

187: “…”

“Mẹ em đã nói, trong tình cảm, ra mắt phụ huynh là quá trình rất quan trọng, quá trình này không đơn giản chỉ là bố mẹ hai bên xem xét hai đứa trẻ mà còn là cơ hội để đánh giá sơ lược thói quen hằng ngày gia đình đôi bên.” Tôi rất thẳng thắn, chân thành nói: “Đây là gia đình em, phụ huynh em, hoàn cảnh sống của em.”

Chờ tôi nói hết, 187 nói: “Anh tới gặp bố mẹ em chỉ là muốn nhận được sự đồng ý của họ, không có ý gì khác. Hơn nữa anh không cần thông qua cô chú để xem xét điều gì.”

“Là sao?” Tôi hỏi.

“Cô chú và bà đều rất tốt.” 187 nói: “Nhưng một gia đình như thế nào, chỉ cần xem cách dạy con của họ. Con cháu là hình ảnh thu nhỏ của gia đình.”

Tôi ngẫm nghĩ, gật đầu: “Cũng đúng.”

187 cười, ngoắc ngón tay tôi: “Mắt anh tốt lắm.”

*

Sau đó tôi hỏi bố mẹ có ấn tượng gì về 187, hai người chỉ để lại đánh giá súc tích: khá được, tiếp tục qua lại xem sao.

***

[32] – Biến cố

Như đã từng nói, theo luật, 187 chỉ được nghỉ phép hai lần mỗi năm. Kỳ nghỉ phép của đồng chí ấy tương đối cố định, hằng năm đều xin nghỉ vào dịp Tết âm lịch và Quốc khánh. Theo kế hoạch ban đầu thì chúng tôi sẽ về quê anh vào kỳ nghỉ phép đợt Quốc khánh của anh. Nhưng cuộc sống luôn đầy rẫy những biến cố không lường trước được.

Không lâu sau khi 187 ra mắt bố mẹ tôi, một tia sét bổ xuống giữa trời quang.

Tôi vẫn nhớ như in đó là một ngày nắng đẹp, tôi và 187 đang ăn trưa thì anh có điện thoại.

Nghe thấy tiếng chuông điện thoại, tôi ngẩng đầu, tò mò: “Ai thế anh?”

187 cầm điện thoại nhìn màn hình, đáp “Mẹ anh” rồi bắt máy.

Trước kia 187 từng kể anh xa nhà tự lập khi chỉ mới mười mấy tuổi, gia đình anh luôn giữ thói quen “Gọi video mỗi tối chủ nhật hằng tuần”, nếu không có chuyện quan trọng, mẹ anh rất hiếm khi gọi điện cho anh.

Có lẽ là trực giác của phụ nữ, lúc anh bắt máy, trong lòng tôi mơ hồ có dự cảm không lành.

Ở đối diện bàn ăn, 187 một tay cầm điện thoại, một tay cầm đũa. Ban đầu, anh rất ung dung vừa gắp thức ăn vừa nói chuyện, nhưng không lâu sau, tôi nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt anh chuyển từ bình tĩnh sang nghiêm trọng.

Thấy sắc mặt anh không tốt, thoáng chốc tôi không muốn ăn nữa, đặt đũa xuống căng thẳng nhìn anh.

“Có kết quả chính xác chưa?” 187 hỏi.

Tôi không nghe đầu bên kia điện thoại nói gì, chỉ thấy 187 nhíu chặt mày. Anh lặng thinh, sau đó nói mấy câu ngắn gọn với mẹ mình rồi cúp máy.

Chúng tôi ăn cơm ở một cái quán nhỏ trên khu phố vắng, có lẽ vì thế mà quán không đông khách dù đang trong giờ ăn trưa, trừ chúng tôi ra thì chỉ một, hai bàn có khách.

Nắng xuyên qua cửa chiếu vào quán, bà chủ đang rảnh rang cầm điện thoại xem video trên cái ghế đẩu ở trong bếp, các thực khách khác chỉ đi ăn một mình, ai nấy cúi đầu ăn, quán ăn cực kỳ yên tĩnh.

Sau khi cúp máy, 187 không nói gì mà cúi đầu tiếp tục ăn mì.

Tôi cũng cầm đũa lên, lòng thấp thỏm không yên. Chắc chắn là cô gọi điện báo tin xấu, tuy 187 chưa nói gì nhưng câu “kết quả chính xác” và gương mặt nghiêm trọng của anh đã đủ nói tình hình không ổn.

Tôi muốn hỏi nhưng lại do dự, vì thế ngồi cứng người, lẳng lặng nhìn anh.

187 cảm nhận được ánh mắt của tôi, ngẩng đầu nhìn tôi, bảo: “Em nhìn anh làm gì? Ăn đi.”

Giọng nói của anh vẫn như bình thường, nhẹ nhàng và điềm tĩnh, coi bộ muốn giấu tôi đây. Nhưng tôi không ngốc, nào để bị dời sự chú ý đi một cách dễ dàng được.

Tôi im lặng chốc lát rồi nói: “Cô nói gì với anh thế?”

187 hờ hững đáp: “Không có gì đâu.”

“Sao thế được? Anh nghĩ em ngu lắm à?” Tôi bực mình cãi lại anh, sau đó nhận ra giọng điệu của mình không tốt lắm thì lại hối hận, bối rối một hồi, cố gắng bình tĩnh hỏi anh: “Rốt cuộc là sao thế? Anh nói với em đi, nhiều người nhiều sức, có khó khăn thì chúng ta cùng nhau giải quyết.”

187 im lặng chốc lát, sau đó cười với tôi, nói: “Bố anh bệnh, phải tiểu phẫu. Không phải bệnh nặng gì đâu, em đừng lo.”

Nụ cười gượng gạo cùng giọng điệu trấn an của anh không làm tôi bớt lo. Thỉnh thoảng tôi thấy bản thân mình rất lạ, có lúc thì chậm lụt vô cùng nhưng có lúc lại nhạy cảm đến khó tin, trực giác nói cho tôi biết 187 nói dối tôi.

Tôi cố gắng bình tĩnh, nói với anh: “Nếu là chuyện nhỏ thật thì anh sẽ không đệm thêm câu ‘không phải bệnh nặng’.”

187 lại lặng thinh, sau đó mới nói cụ thể bệnh tình của chú cho tôi biết.

Nghe xong, tôi cố gắng nhanh chóng thoát khỏi nỗi khiếp đảm, bình tĩnh gật đầu, nói: “Dạ, em biết rồi. Bây giờ anh gọi ngay cho cô, nói cô chụp lại tất cả hồ sơ bệnh án để gửi cho anh, rồi anh lại gửi qua cho em.”

187 ngẩn ra, tựa như ngạc nhiên trước phản ứng của tôi. Anh không nói gì nhiều, chỉ hỏi: “Em cần chúng để làm gì?”

“Em có người bạn học nghiên cứu sinh, đang thực tập ở bệnh viện Hoa Tây (là bệnh viện lớn nhất khu vực Tây Nam Trung Quốc). Anh gửi bệnh án cho em đi, rồi em gửi cho bạn nhờ nó xem thử.” Tôi chẳng quan tâm mình có uyển chuyển hay không, nói thẳng: “Điều kiện y tế ở quê anh còn lạc hậu, em sợ xảy ra nhầm lẫn.”

“Ừ.”

Đáp xong, 187 liền gọi về cho mẹ. Không lâu sau, anh nhận được ảnh bệnh án, lập tức gửi qua cho tôi, tôi lại gửi chúng cho cô bạn W đang học bác sĩ.

W rất bận, không thể kè kè điện thoại cả ngày nên qua hồi lâu mà tôi vẫn chưa nhận được trả lời của cô ấy.

Tôi nói với 187: “Chắc nó đang bận, chừng nào nó đọc được tin nhắn thì chắc chắn sẽ trả lời em.”

187 gật đầu. Tính tiền xong, chúng tôi đi về doanh trại của anh. Suốt dọc đường, anh nắm tay tôi, không nói một lời, trông rất ủ rũ.

Trước giờ, người đàn ông này luôn chịu đựng mọi chuyện một mình. Tôi biết anh khó chịu, bèn siết chặt tay anh, cố gắng để giọng thật thoải mái: “Không sao đâu, trước kia mẹ em cũng bị bệnh đó, phẫu thuật cũng được mười năm rồi, bây giờ hằng ngày chơi mạt chược, khiêu vũ các kiểu, rất khỏe.”

187 nhìn tôi: “Thật không?”

“Em lừa anh làm gì?” Tôi khoác cánh tay anh, cười: “Bây giờ y học phát triển lắm, quan trọng nhất là lạc quan, anh cũng cần phải lạc quan.” Nói xong, tôi chợt nghĩ tới một chuyện, “Chú đã biết chưa?”

187 nói: “Biết rồi.”

Tôi thấy lo lo: “Ờ.. Vậy tâm trạng của chú hiện giờ thế nào?”

187 phì cười, đáp: “Bố lạc quan lắm, như không có chuyện gì vậy đó, suốt ngày đòi chơi bóng rổ.” Ngừng vài giây, anh nói tiếp: “Chủ yếu là mẹ anh, mẹ lo lắm.”

“Chú như thế mới được chứ.” Tôi nói: “Anh cũng làm công tác tư tưởng với cô đi, bảo cô đừng lo quá, tinh thần lạc quan là khắc tinh của mọi bệnh tật.”

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, cô bạn thân W trả lời tin nhắn, xác nhận phía bệnh viện ở quê 187 chẩn đoán chính xác.

Tôi nhìn điện thoại, suy tư vài giây, hỏi: “Đã tìm bệnh viện tốt chưa?”

“Rồi.” 187 đáp, “Mẹ anh nói bạn của bố giới thiệu bệnh viện, đứng số một, số hai cả nước về chuyên khoa XX, cũng ngang ngửa Hoa Tây.”

“Bệnh viện đó ở đâu?” Tôi hỏi.

187 nói tên một thành phố, nói tiếp: “Anh nói với mẹ là bao giờ quyết định thời gian phẫu thuật thì anh xin nghỉ phép rồi qua đó.”

Tôi gật đầu như giã tỏi: “Bao giờ có thời gian phẫu thuật chính xác thì báo ngay cho em nhé, để em nói với bố mẹ và bà nội.”

187 khựng lại, xoay đầu nhìn tôi, ngạc nhiên: “Em muốn đi cùng anh?”

“Tất nhiên.” Tôi ôm cánh tay anh, nói hiển nhiên, “Với quan hệ của chúng ta, em để anh đi chăm sóc chú một mình mà được à?”

Anh nhìn tôi chằm chằm, lặng thinh.

Tôi bị anh nhìn đến sởn gai óc, nhíu mày hỏi: “Gì mà anh nhìn kinh thế?”

187 nhướn môi cười, nói: “Cũng tốt, sẵn tiện ra mắt bố mẹ luôn.”

“Tất nhiên là tốt.” Tôi muốn anh dễ chịu hơn nên cố ý tự cao, hớn hở nói: “Em xinh đẹp tài giỏi thế này, chú gặp em là khỏi bệnh ngay.”

187 cười: “Đúng vậy, em là ngoan nhất.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.