Tay Cự Phách

Chương 21




Ngày hôm sau, Tony thuê một căn hộ trong vùng Greenwich Village. Không còn có những bữa cơm thân mật với mẹ anh nữa. Mối liên hệ giữa anh với mẹ vẫn tiếp tục trên căn bản công việc, không mang tính chất tình cảm. Đôi lúc Kate cũng tìm cách giảng hoà với con, nhưng Tony làm như không để ý đến. Kate cảm thấy đau đớn trong tim. Nhưng bà đã làm những gì mà bà cho là đúng cho Tony, cũng y hệt như trước kia bà đã làm đúng cho David. Bà không muốn bất kì người nào trong hai người ấy rời bỏ công ty của bà. Tony là người duy nhất trên thế gian này mà bà yêu mến, nhưng bà nhận thấy anh mỗi ngày một tách rời, kín đáo, chối bỏ tất cả mọi người. Anh không có bạn bè nào. Nếu trước kia anh là một con người nồng nhiệt, cởi mở thì bây giờ anh trở nên lạnh nhạt, dè dặt. Anh đã xây dựng lên một bức tường xung quanh mình mà không một ai có thể phá vỡ được. “Nó cần có một người để chăm sóc nó”, Kate nghĩ thầm, “Và một đứa con trai để tiếp tục sự nghiệp của nó. Mình phải giúp đỡ cho nó mới được”.

Brad Rogers bước vào văn phòng của Kate và nói, “Tôi lo rằng chúng ta sẽ phải dính líu vào nhiều vụ rắc rối nữa, Kate ạ”.

“Có chuyện gì xảy ra vậy?”

Brad đặt một bức điện lên bàn. “Quốc hội Nam Phi đã đặt Hội đồng Đại diện các dân bản xứ ra ngoài vòng pháp luật và thông qua Đạo luật chống Cộng sản”.

Kate nói, “Lạy Chúa”. Đạo luật ấy chẳng có liên quan gì đến Cộng sản cả. Nó tuyên bố rằng bất cứ ai bất đồng ý kiến với chính phủ và cố thay đổi bằng bất cứ cách nào sẽ bị coi là phạm tội theo đạo luật chống Cộng sản ấy, và có thể bị tù.

“Đó là cách của họ nhằm phá vỡ phong trào chống đối của người da đen”, Kate nói. “Nếu…”, câu nói của bà bị cắt ngang vì cô thư ký của bà vừa lúc ấy bước vào và nói.

“Có điện thoại từ nước ngoài gọi đến, thưa bà. Đó là ông Pierce ở Johannesburg”.

Jonathan Pierce là giám đốc chi nhánh của bà ở Johannesburg. Kate nhấc điện thoại. “A lô, Johnny. Mạnh khoẻ chứ?”

“Vẫn khoẻ, thưa bà. Tôi có ít tin tức cần cho bà biết”.

“Chuyện gì vậy?”

“Tôi vừa nhận được báo cáo cho biết rằng Banda vừa bị bắt”.

Kate lên máy bay đi Johannesburg ngay trong chuyến bay kế tiếp đó. Bà đã báo động cho các luật sư của công ty và ra lệnh cho họ nghiên cứu xem có cách nào giúp đỡ Banda được hay không. Ngay đến cả quyền lực và uy tín của Kruger-Brent cũng có thể bất lực trong việc này. Banda đã bị xem như là kẻ thù của quốc gia, nên bà lo sợ mỗi khi nghĩ đến thứ trừng phạt mà Banda sẽ phải gánh chịu. Ít nhất bà cũng phải gặp Banda, nói chuyện với bác ấy và đề nghị mọi sự giúp đỡ có thể có được.

Khi máy bay hạ cánh xuống Johannesburg, Kate đi ngay đến văn phòng của bà, rồi điện thoại đến giám đốc các nhà tù.

“Thưa bà Blackwell, hắn ta bị nhốt trong một khu riêng biệt, không được phép tiếp khách khứa nào đến thăm. Thế nhưng trong trường hợp của bà, tôi sẽ tìm cách thu xếp…”

Sáng hôm sau, Kate có mặt ở nhà tù Johannesburg, mặt đối mặt với Banda. Ông bị xiềng xích chân tay, và có một tấm vách ngăn bằng kính giữa hai người. Tóc Banda đã hoàn toàn bạc trắng. Trước đó, Kate không biết lúc gặp Banda, bác ta sẽ có thái độ như thế nào – thất vọng, thách thức – thế nhưng, khi gặp bà, Banda nhoẻn miệng cười và nói, “Bác biết thế nào cháu cũng đến. Cháu y hệt như cha cháu. Cháu không thể nào tìm cách tránh xa mọi sự rắc rối hay sao?”

“Bác hãy nhìn kĩ xem ai đang nói chuyện với bác ở đây”, Kate cãi lại. “Mẹ kiếp! Làm thế nào đưa bác ra khỏi nơi này được?”

“Trong một chiếc quan tài. Đó là cách duy nhất họ sẽ cho phép bác ra khỏi nơi này”.

“Tôi có nhiều luật sư tài giỏi có thể…”

“Bỏ qua chuyện ấy đi, Kate ạ. Chúng nó bắt bác một cách đàng hoàng thì bây giờ bác cũng phải ra đi một cách đàng hoàng”.

“Bác nói gì lạ vậy?”

“Bác không thích các lồng sắt. Chẳng bao giờ thích cả. Thế nhưng chúng nó không bao giờ dựng lên thứ lồng sắt nào khả dĩ giữ bác lại được”.

“Bác Banda, bác đừng có làm thế. Tôi xin bác. Chúng nó sẽ giết bác mất”.

“Không thứ gì có thể giết bác được đâu”, Banda nói. “Cháu đang nói chuyện với một người đã từng gặp cá mập, bãi mìn và chó săn mà vẫn sống”. Một tia sáng lóe lên trong mắt Banda. “Cháu biết không, Kate? Có lẽ đó là những giờ phút thú vị nhất trong cuộc đời của bác đó”.

Khi Kate đến thăm Banda ngày hôm sau, viên giám thị nhà giam nói, “Tôi xin lỗi, thưa bà Blackwell. Chúng tôi bắt buộc phải di chuyển hắn đi nơi khác vì lí do an ninh”.

“Ông ta bây giờ ở đâu?”

“Tôi không được phép nói ra”.

Khi Kate thức dậy vào sáng hôm sau, bà nhìn thấy hàng tít lớn trên tờ báo được đem đến trên chiếc khay đựng các thức ăn điểm tâm. Dòng tít ấy như sau: LÃNH TỤ PHIẾN LOẠN BỊ GIẾT TRONG KHI CỐ GẮNG VƯỢT NGỤC. Một giờ sau, Kate đến văn phòng của viên quản đốc nhà giam.

“Hắn ta bị bắn chết trong khi cố gắng vượt ngục, thưa bà Blackwell. Thế là chấm dứt mọi thứ”.

Ông lầm rồi, Kate nghĩ thầm, còn nhiều hơn thế nữa chứ. Banda đã chết, nhưng ước mơ tự do của bác ấy cho đồng bào của bác có chết được không?

Hai ngày sau, sau khi xếp đặt công việc mai táng cho Banda, Kate lên máy bay trở về New York. Bà nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay để xem lại một lần cuối cùng vùng đất nước thân yêu của bà. Đất màu đỏ, giàu có và màu mỡ, và trong lòng đất của nó đang chứa đựng những kho tàng lớn vượt sức tưởng tượng của con người. Đó là đất lựa chọn của Chúa, và Người đã tỏ ra rất rộng lượng. Nhưng có một lời nguyền rủa trên đất nước ấy. Ta sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa, Kate thầm nghĩ. Không bao giờ.

Một trong các trách nhiệm của Brad Rogers là trông coi cục Quy hoạch Dài hạn của công ty Kruger-Brent. Anh tỏ ra rất xuất sắc trong việc tìm ra những dịch vụ kinh doanh đem đến nhiều lợi lộc cho công ty.

Một hôm, vào đầu tháng năm, anh bước vào văn phòng của Kate Blackwell “Tôi vừa bắt được một cơ hội rất hay, Kate ạ”. Anh đặt hai tập hồ sơ trên bàn. “Hai công ty. Nếu ta nắm được một trong hai công ty này thì đó sẽ là một việc làm phi thường”.

“Cảm ơn, Brad. Để tôi xem xét các hồ sơ này tối nay”.

Tối hôm ấy, Kate ăn cơm một mình, rồi nghiên cứu các báo cáo mật của Brad về hai công ty – Công ty dầu và công cụ Wyatt, và công ty Kĩ thuật Quốc tế. Các báo cáo ấy dài và đi sâu vào chi tiết, nhưng cả hai đều kết thúc bằng chữ NIS, một thứ mật mã của công ty viết tắt chữ NOT INTERESTED IN SELLING (Không muốn bán). Điều này có nghĩa là, nếu muốn thủ đắc công ty ấy, họ cần phải thực hiện một lối giao dịch kinh doanh không phải là đơn giản. Nhưng Kate thầm nghĩ, hai công ty này đều đáng được tiếp quản cả. Mỗi công ty ấy đều do tư nhân kiểm soát, đứng đầu là một cá nhân giàu có, cương quyết; điều này loại trừ mọi cố gắng tiếp quản, nếu có. Thật là một cuộc thử thách lớn, nhưng đã từ lâu Kate quen đương đầu với các cuộc thử thách rồi. Càng nghĩ đến chuyện này, Kate lại càng thấy các khả năng ấy trở nên hấp dẫn. Bà nghiên cứu lại một lần nữa các bản quyết toán mật về tài sản của các công ty ấy. Công ty Wyatt do một người vùng Texas làm chủ, tên là Charlie Wyatt, và tài sản của công ty này gồm có các giếng dầu, một công ty dịch vụ công cộng, và hàng chục hợp đồng cho thuê đất có dầu rất nhiều lợi lộc. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, Công ty Công cụ và Dầu Wyatt sẽ là một sự thủ đắc tốt đẹp cho Kruger-Brent.

Kate quay sự chú ý của bà sang công ty thứ hai. Công ty Kĩ thuật Quốc tế do một người Đức, Bá tước Frederick Hoffman làm chủ. Công ty này khởi sự bằng một nhà máy cán thép nhỏ ở Essen, rồi qua nhiều năm nó phát triển lên thành một tổ hợp công ty đồ sộ, với các xưởng đóng tàu, nhà máy hoá dầu, một đoàn tàu chở dầu và một chi cục điện toán.

Một công ty lớn như công ty Kruger-Brent cũng chỉ có thể “tiêu hoá” được một trong hai cơ sở khổng lồ ấy mà thôi. Kate đã biết được bà cần theo đuổi công ty nào. NIS, tờ báo cáo nói cho biết như vậy.

Ta sẽ xem xét kĩ vấn đề này, Kate nghĩ thầm.

Sáng sớm hôm sau, bà cho mời Brad Rogers đến văn phòng. Bà cười và nói, “Tôi muốn biết bằng cách nào anh đã có được các bản quyết toán mật ấy. Hãy nói rõ về Charlie Wyatt và Frederick Hoffman cho tôi nghe”.

Brad đã chuẩn bị sẵn. Charlie Wyatt sinh ở Dallas. Một con người thích phô trương, ồn ào, điều khiển cả đế quốc của ông ta một cách rất khôn ngoan. Thoạt tiên, ông ta chẳng có gì cả, sau đó may mắn tìm được dầu nhờ ở tính liều lĩnh, và từ đó phát triển lớn mãi, cho đến bây giờ thì một nửa Texas đã thuộc về ông ta”.

“Ông ta bao nhiêu tuổi?”

“Bốn mươi bảy”.

“Có con cái gì không?”

“Một con gái, hai mươi lăm tuổi. Theo như tôi được nghe nói thì cô ta có sắc đẹp mê hồn”.

“Cô ấy có chồng chưa?”

“Ly dị chồng”.

“Còn Frederick Hoffman?”

“Hoffman trẻ hơn Charlie Wyatt chừng vài tuổi. Ông ta là một bá tước, xuất thân từ một gia đình quý tộc Đức từ thời Trung cổ. Ông ta goá vợ. Ông nội ông ấy khởi sự với một nhà máy thép nhỏ. Hoffman thừa hưởng tài sản ấy của cha, rồi xây dựng nó lên thành một tổ hợp công ty. Ông ta là một trong những người đầu tiên đi vào lĩnh vực điện toán. Ông ta nắm trong tay nhiều đặc quyền sáng chế các máy vi tính. Mỗi lần chúng ta sử dụng một máy điện toán, ông bá tước Hoffman hưởng quyền tác giả”.

“Còn các con ông ta?”

“Một người con gái, hai mươi ba tuổi”.

“Cô ta trông thế nào?”

“Tôi không thể tìm hiểu được”, Brad nói. “Đó là một gia đình rất kín đáo. Họ đi lại trong phạm vi nhỏ hẹp của riêng họ mà thôi”. Anh do dự một lúc rồi nói tiếp, “Có lẽ chúng ta sẽ phí mất thì giờ về vấn đề này thôi, Kate ạ. Tôi có lần uống rượu với vài nhân vật cao cấp trong hai công ty ấy. Cả Wyatt lẫn Hoffman đều không muốn bán, sát nhập hay hợp tác kinh doanh với ai. Như chị thấy trong các quyết toán tài chính của họ, chỉ nghĩ đến vấn đề ấy cũng đủ làm họ phát điên lên rồi”.

Cảm tưởng thách đố một lần nữa lại trỗi dậy trong con người Kate, lôi kéo, thu hút bà.

Mười ngày sau, Kate được Tổng thống Mỹ mời tham dự một hội nghĩ các kĩ nghệ gia hàng đầu quốc tế để bàn về việc trợ giúp các nước kém phát triển. Kate gọi điện thoại rồi một thời gian ngắn sau đó, Charlie Wyatt và bá tước Frederick Hoffman cũng nhận được giấy mời tham dự hội nghị.

Kate đã hình dung trong đầu óc hai con người ấy – một người gốc Texas, người kia gốc Đức – như thế nào, và khi gặp họ, bà thấy họ đúng gần như chính xác những gì bà đã suy nghĩ về họ. Bà chưa hề bao giờ gặp một người xứ Texas nào mà lại bẽn lẽn, nhút nhát. Charlie Wyatt không phải là ngoại lệ. Ông ta có dáng người to lớn, vai rộng, thân hình của một vận động viên bóng bầu dục, nhưng béo hơn một chút. Mặt ông ta tròn, hồng hào, giọng nói to, oang oang. Ông ta tỏ ra là một người đáng tin cậy, Charlie Wyatt xây dựng đế quốc của ông ta không phải do may mắn. Ông ta là một thiên tài trong lĩnh vực kinh doanh. Kate chỉ nói chuyện với ông không đầy mười phút đã nhận ngay ra rằng ông ta không phải là một con người có thể thuyết phục được, nếu ông ta không muốn. Ông ta khăng khăng giữ ý kiến của mình và có vẻ rất ngoan cố. Không ai có thể tán tỉnh, dụ dỗ, đe doạ hay lừa gạt ông ta ra khỏi công ty của ông ta được. Nhưng Kate đã tìm được điểm yếu của ông và như thế là đủ rồi.

Frederick Hoffman là một mẫu người trái ngược hẳn lại. Ông này là một con người đẹp đẽ, có vẻ mặt quý phái, tóc nâu nhạt điểm những sợi bạc ở màng tang. Ông ta có vẻ đứng đắn, nghiêm túc cho đến từng chi tiết, với thái độ cử chỉ lịch sự theo lối xưa cổ. Ngoài mặt, Hoffman rất vui vẻ, hoà nhã, nhưng bên trong Kate biết rằng ông ta rất sắt đá.

Hội nghị Washington kéo dài ba ngày và tiến hành rất tốt. Các cuộc hội họp đều được đặt dưới sự chủ toạ của Phó Tổng thống, và chính Tổng thống cũng đã xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Mọi người đều có vẻ thán phục bà Blackwell. Bà là một người có uy tín và sức thu hút rất mạnh, đứng đầu một tổ hợp công ty lớn lao mà bà đã góp phần tạo dựng nên.

Khi Kate đứng riêng với Charlie Wyatt trong một lúc, bà hỏi, cố làm ra vẻ tự nhiên, “Ông có đem gia đình theo không, ông Wyatt?”

“Tôi có đem con gái tôi theo. Nó cần phải mua sắm ít thứ”.

“Ồ, thật thế à? Như vậy tuyệt quá!” Không ai biết rằng không những bà đã biết rằng con gái ông có đi theo mà còn biết loại áo dài mà cô ta vừa mua ở hiệu Garfinckel sáng hôm ấy. Bà nói tiếp, “Tôi sắp sửa tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở Dark Harbor vào ngày thứ sáu này. Tôi rất hân hạnh nếu ông và quý tiểu thư đến dùng cơm với chúng tôi vào cuối tuần này”.

Wyatt không do dự. “Tôi đã nghe nói về ngôi nhà của bà, bà Blackwell ạ. Chắc chắn là tôi muốn được đến đó xem”.

Kate mỉm cười. “Vậy thì tốt. Tôi sẽ chuẩn bị để đưa ông đến đó bằng máy bay vào tối mai”.

Mười phút sau, bà nói chuyện với Frederick Hoffman. “Ông đến Washington một mình hay sao, ông Hoffman?” bà hỏi. “Vậy bà nhà có đi theo không?”

“Nhà tôi mất cách đây mấy năm. Tôi hiện ở đây với con gái tôi”, Hoffman đáp.

Kate đã biết rằng hai người hiện đang ở tại khách sạn Hay Adams, trong dãy phòng số 418. “Tôi sắp tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở Dark Harbor. Tôi muốn mời ông và quý tiểu thư đến dùng cơm với chúng tôi vào cuối tuần này”.

“Tôi phải trở về Đức vào lúc ấy”, Hoffman đáp. Ông ta nhìn Kate một lúc như dò xét, rồi tủm tỉm cười nói, “Tôi chắc hoãn lại một vài ngày cũng không hề gì”.

“Vậy thì hay quá. Tôi sẽ sắp đặt việc đưa đón ông và quý tiểu thư”.

Kate có thông lệ tổ chức tiệc tùng ở Dark Harbor, hai tháng một lần. Khách khứa đến dự là những người rất quan trọng và có thế lực trên thế giới, và các cuộc gặp mặt như vậy thường rất có lợi. Kate dự tính sẽ làm sao cho buổi tiệc sắp tới phải rất đặc biệt. Vấn đề khó khăn đối với bà là làm sao tin chắc được rằng Tony sẽ đến tham dự. Trong năm qua, Tony ít khi muốn đến gặp bà, và mỗi khi đến anh chỉ có mặt chiếu lệ, rồi đi về ngay. Lần này thì bắt buộc anh ta phải đến và phải ở lại.

Khi Kate nhắc đến buổi tiệc cuối tuần này với Tony thì anh chỉ nói ngắn gọn, “Con… con không thể đến được. Con sẽ đi Canada ngày thứ hai, nhưng trước khi đi còn phải giải quyết cho xong một số công việc”.

“Buổi tiệc này quan trọng”, Kate nói. “Charlie Wyatt và Frederick Hoffman sẽ có mặt. Họ…”.

“Con biết họ là ai rồi”, Tony ngắt lời. “Con đã nói chuyện với Brad Rogers. Không có hi vọng gì thủ đắc được bất cứ công ty nào trong hai công ty ấy đâu”.

“Mẹ muốn thử cố gắng xem xao”.

Anh nhìn mẹ, hỏi “Mẹ định nhắm công ty nào?”

“Công ty dầu Wyatt. Nếu được như vậy nó sẽ làm tăng lợi nhuận của chúng ta lên mười lăm phần trăm, có lẽ hơn thế. Khi các nước Ả rập nhận thấy họ đã nắm thế giới ở ngay cổ họng, họ sẽ lập nên một “các-ten” (cartel), lúc ấy giá dầu sẽ tăng vọt lên. Dầu sẽ trở thành một thứ vàng nước”.

“Thế còn Công ty Kĩ thuật Quốc tế thì sao?”

Kate nhún vai. “Đó cũng là một công ty tốt, nhưng món bở nhất là công ty dầu Wyatt. Nó rất có lợi cho công ty ta. Mẹ muốn con có mặt hôm ấy. Việc đi Canada có thể hoãn lại it ngày”.

Tony ghét các buổi tiệc tùng. Anh ghét những cuộc chuyện trò chán ngắt, kéo dài như vô tận, các ông thì khoe khoang, còn các bà thì làm ra vẻ thông thái rởm. Nhưng đây là vì công việc.

“Thôi được, con sẽ dự”.

Như vậy là mọi thứ đều xếp đặt đâu vào đấy.

Hai cha con ông Wyatt được đưa đến Maine bằng chiếc máy bay Cessna của Công ty, rồi từ bến phà họ đi xe hơi đến Ngôi nhà trên đồi thông. Bà Kate đứng ở trước cửa để đón khách. Brad Rogers đã nói rất đúng về cô con gái của ông Wyatt. Thật là một cô gái xinh đẹp. Dáng người nàng cao, tóc đen, đôi mắt nâu điểm chấm vàng, nét mặt gần như hoàn hảo. Chiếc áo dài bóng mượt làm nổi bật lên dáng người mạnh khoẻ, tuyệt đẹp. Brad cũng cho biết rằng cách đây hai năm nàng đã bỏ chồng, một anh chàng người Ý, ăn chơi, giàu có. Kate giới thiệu Lucy với Tony, và để ý xem phản ứng anh ta như thế nào. Nhưng Tony không có phản ứng nào. Anh chào ông Wyatt và cô con gái với những cử chỉ lịch sự y hệt như nhau, rồi đưa họ đến quầy rượu, nơi người phục vụ đang đứng đợi để pha rượu cho khách.

“Căn phòng này thật là đẹp!” Lucy kêu lên. Giọng nàng nghe rất êm ái, dịu dàng, không mang một âm sắc nào của miền Texas cả. “Anh có hay đến nơi này không?”

“Không”.

Nàng chờ đợi Tony nói tiếp. Rồi, nàng hỏi, “Anh lớn lên ở đây sao?”

“Một phần nào”.

Bà Kate xen vào câu chuyện, cố khoả lấp sự im lặng của Tony. “Những kỉ niệm vui thích nhất của Tony là ở trong ngôi nhà này. Tội nghiệp, Tony quá bận rộn công việc nên ít khi có dịp ở lại vui chơi ở nơi này, có phải không, Tony?”

Anh đưa mắt lạnh nhạt nhìn mẹ, rồi nói, “Không. Lẽ ra tôi phải đi Canada…”

“Nhưng cậu ấy đã hoãn chuyến đi để được gặp cô và ông nhà đây”, bà Kate nói, trả lời hộ cho Tony.

“Thật là rất hân hạnh”, ông Wyatt nói. “Tôi đã nghe nói nhiều về cậu con bà”. Wyatt cười. “Cậu có muốn đến giúp việc cho tôi không?”

“Tôi không nghĩ rằng mẹ tôi có ý định như vậy, thưa ông Wyatt”.

Charlie lại nhe răng cười một lần nữa. “Tôi biết”. Rồi ông quay lại nhìn bà Kate. “Mẹ cậu đúng là một vị phu nhân tài giỏi. Phải trông thấy bà ấy dùng dây trói tay chân mọi người lại tại cuộc họp ở Nhà Trắng thì mới biết được. Bà…” Ông dừng lại, vì lúc ấy Frederick Hoffman và cô con gái, Marianne, đi vào trong phòng. Marianne là một hình ảnh mờ nhạt của cha cô. Cũng là những nét quý phái giống như vậy, nhưng cô có làn tóc màu hoe dài, Nàng mặc một chiếc áo sa trắng nhờ nhờ. Ngồi bên cạnh Lucy, nàng trông có vẻ phờ phạc.

“Tôi xin phép giới thiệu, đây là con gái tôi”. Bá tước Hoffman nói, “Tôi xin lỗi chúng tôi đã đến trễ. Máy bay bị chậm trễ ở La Gardia”.

“Ồ, như vậy thật tệ quá”, Kate nói. Nhưng Tony biết rằng mẹ anh đã xếp đặt việc chậm trễ này. Bà muốn cho hai gia đình Wyatt và Hoffman đi máy bay riêng, để làm sao cho cha con ông Wyatt phải đến trước, còn cha con Hoffman đến sau. Bà nói tiếp, “Chúng tôi mới dùng rượu thôi. Ông muốn dùng thứ gì ạ?”

“Cho tôi Scotch”, Bá tước Hoffman nói.

Kate quay sang Marianne. “Thế còn cô?”

“Cháu không uống gì cả. Xin cảm ơn bà”.

Ít phút sau, các khách khứa khác lục tục kéo đến. Tony đi đến hết người này, người kia, đóng vai chủ nhà lịch sự. Không một ai, ngoài Kate, biết rằng tiệc tùng đối với anh chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Bà biết rằng đó không phải là vì Tony cảm thấy buồn chán. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì anh tự tách rời ra khỏi những gì diễn ra xung quanh anh. Anh không vui thích tiếp xúc với ai cả. Điều này khiến Kate rất lo lắng.

Hai chiếc bàn đã được bày ra trong phòng ăn rộng lớn. Kate xếp đặt cho Marianne Hoffman ngồi giữa một vị thẩm phán Tối cao Pháp viện và một nghị sĩ ở một bàn, còn Lucy thì ngồi bên phải Tony ở bàn thứ hai. Tất cả mọi người đàn ông – dù đã có vợ hay chưa có vợ – đều đưa mắt nhìn Lucy. Kate lắng nghe Lucy đang cố kéo Tony vào câu chuyện. Rõ ràng là Lucy đã có cảm tình với Tony. Kate tủm tỉm cười với chính mình. Bước đầu như vậy là rất tốt.

Sáng hôm sau, ngày thứ bảy, vào lúc ăn sáng, Charlie Wyatt nói với Kate. “Bà có chiếc thuyền buồm rất đẹp đang đậu ở kia, bà Blackwell ạ. Nó dài bao nhiêu thước đấy nhỉ?”

“Tôi không rõ lắm”, Kate quay về phía con trai. “Tony này, chiếc “Corsaire” (cướp biển) ấy dài bao nhiêu, con nhỉ?”

Bà đã biết chán chiếc ấy dài bao nhiêu rồi, nhưng Tony vẫn trả lời cho phải phép, “Trên hai mươi ba thước”.

“Chúng tôi ở Texas không thích chơi thuyền lắm. Chúng tôi lúc nào cũng hối hả, nên đi đâu cũng đi bằng máy bay thôi”, Wyatt cười lên thật to. “Nhưng có lẽ tôi cũng nên thử một chút cho ướt đôi bàn chân, như thế cũng hay”.

Kate cười, “Tôi hi vọng ông sẽ cho phép chúng tôi đưa ông và cô đi chơi một vòng xung quanh đảo. Chúng ta có thể đi bằng thuyền vào ngày mai”.

Charlie Wyatt nhìn Kate, ra dáng suy nghĩ, rồi nói, “Như vậy thì tốt quá”.

Tony im lặng nhìn hai người, không nói câu gì. Thế là bước đầu tiên của mẹ anh đã được thực hiện. Anh tự hỏi không biết Charlie Wyatt có biết điều đó hay không. Chắc là không. Ông ta là một nhà kinh doanh rất khôn ngoan, nhưng chưa hề bao giờ phải đối phó với một người như bà Kate.

Kate quay về phía Tony và Lucy. “Hôm nay trời rất đẹp. Hai người nên đi chơi bằng thuyền buồm, có thích hơn không?”

Tony chưa kịp từ chối thì Lucy đã vội nói. “Thế thì thích quá”.

“Tôi xin lỗi”, Tony nói cộc lốc. “Tôi phải đợi điện thoại từ nước ngoài gọi về”. Tony trông thấy rõ vẻ bất mãn của mẹ trong đôi mắt của bà.

Kate quay về phía Marianne Hoffman. “Tôi không gặp thân phụ cô sáng nay”.

“Cha tôi đang đi thăm hòn đảo. Ông ấy có thói quen dậy sớm”.

“Tôi chắc cô thích cưỡi ngựa. Chúng tôi có nhiều ngựa rất tốt ở đây”.

“Cảm ơn bà, tôi muốn đi lang thang xung quanh đây, nếu bà cho phép”.

“Tất nhiên là tôi rất vui lòng”. Kate quay về phía Tony. “Con nhất định không đưa cô Wyatt đi chơi một vòng bằng thuyền buồm hay sao, Tony?”. Giọng nói của bà có vẻ cứng rắn như thép.

“Vâng, con không thay đổi ý kiến”.

Thật là một sự đắc thắng nhỏ nhoi, nhưng dẫu sao nó cũng là sự đắc thắng. Tony nhất định không chịu thua trong trận chiến lần này. Mẹ anh không còn có quyền lừa anh nữa. Bà đã từng có lần sử dụng anh như một quân cờ rồi, lần này bà lại muốn tái diễn thêm lần nữa. Nhưng bà sẽ thất bại. Bà muốn chiếm lấy công ty dầu hoả Wyatt, còn Wyatt thì không có ý định sát nhập hay bán công ty ấy đi. Nhưng người nào cũng có một yếu điểm, và bà Kate đã tìm ra được yếu điểm ấy. Đó là cô con gái của ông ta. Nếu Lucy trở thành con dâu của gia đình Blackwell thì một hình thức sát nhập nào đó là điều không thể tránh được. Tony nhìn mẹ ngang qua bàn ăn và cảm thấy một sự khinh bỉ âm thầm. Bà đã đặt mồi nhử trong cái bẫy một cách tài tình. Lucy không những xinh đẹp, nàng còn thông minh, hấp dẫn nữa. Nhưng cô ta cũng là một quân cờ trong trò chơi này, chẳng khác gì chàng, vì vậy anh không muốn động chạm đến nàng một chút nào. Đây là cuộc chiến giữa anh và mẹ.

Ăn cơm sáng xong, Kate đứng dậy. “Tony, trước khi có điện thoại gọi đến, sao con không đưa cô Wyatt đi xem các khu vườn một lát?”

Tony không còn cách nào từ chối được nữa. “Thế cũng được”. Anh nói. Nhưng anh dự định sẽ chỉ đi chơi trong một khoảng thời gian rất ngắn thôi.

Kate quay về phía ông Wyatt. “Ông có thích đọc những cuốn sách hiếm không? Tôi có cả một bộ sưu tập trong thư viện”.

Rồi như sực nhớ ra điều gì, bà quay về phía cô Marianne và hỏi. “Cô không có gì phiền hà chứ, cô Marianne thân mến?”

“Da không, xin cảm ơn bà Blackwell. Xin bà đừng bận tâm về tôi”.

“Vâng”, Kate nói.

Tony hiểu ý bà trong câu nói này. Cô Hoffman không ích lợi gì cho bà cả, vì vậy bà cho cô ra rìa. Bà thực hiện điều này với một vẻ duyên dáng và với một nụ cười, nhưng bên trong bà theo đuổi một mục đích tàn bạo duy nhất mà Tony rất ghét.

Lucy đang đưa mắt theo dõi Tony. “Anh sẵn sàng rồi chứ, Tony?”

“Vâng”.

Tony và Lucy đi về phía cửa. Chưa đi được xa bao nhiêu thì Tony thoáng nghe bà Kate nói, “Thật là đẹp đôi!”

Hai người đi xuyên qua những khu vườn rộng, hướng về phía bến tàu, nơi chiếc Corsaire đang đậu. Có hàng mẫu Anh trồng hoa đủ màu sắc chói lọi, toả hương thơm trong không khí mùa hạ.

“Thật là một cảnh thiên đường!” Lucy nói.

“Vâng”.

“Chúng tôi không có những hoa như thế này ở Texas”.

“Không sao?”

“Ở đây thật là lặng lẽ, thanh bình”.

“Vâng”.

Lucy đột nhiên dừng lại, quay mặt lại nhìn Tony.

Anh trông thấy vẻ giận dữ hiện ra trên nét mặt nàng. “Không biết tôi có điều gì làm cô mất lòng không?”

“Chính anh không nói gì cả mới làm tôi mất lòng. Tôi chỉ nghe anh nói “Vâng” và “Không” thôi. Anh làm tôi có cảm tưởng như đang cố theo đuổi anh vậy”.

“Thật thế sao?”

“Phải, giá như tôi có thể dạy anh được cách nói chuyện, may ra anh mới có điều gì đó để mà nói”.

Tony nhoẻn miệng cười.

“Anh nghĩ gì vậy?” Lucy hỏi.

“Không”.

Anh đang nghĩ đến mẹ anh, và anh biết rằng mẹ anh không thích chịu thua bao giờ.

Kate dẫn Charlie Wyatt đi xem thư viện rất lớn, lát toàn bằng ván gỗ sồi. Trên giá sách là những ấn bản đầu tiên của Goldsmith, Laurence Sterne, Tobias Smolett và John Donne, cùng với bản thảo đầu tiên của Ben Johnson. Có cả tác phẩm của Samuel Butler, John Bunyan, và ấn bản đầu tiên của “Quenn Mab”, đã được in riêng vào năm 1813 và rất hiếm. Wyatt bước dọc theo các giá sách quý giá, mắt sáng rực lên. Ông dừng lại trước một ấn bản “Endymion”, đóng bìa da rất đẹp, của John Keats.

“Đây là bản của Roseberg” Charlie Wyatt nói.

Kate nhìn ông, tỏ vẻ ngạc nhiên. “Phải, người ta biết chỉ có hai bản mà thôi”.

“Tôi có bàn thứ hai”. Wyatt nói.

“Thế mà tôi không được biết đấy”, Kate cười to. “Tôi đã bị lừa vì cái vẻ “anh chàng người Texas chất phác” của ông!”

Wyatt cười. “Thế hả? Biết che đậy như thế cũng giỏi đấy chứ!”

“Xưa kia, ông đi học trường nào vậy?”

“Trường mỏ ở Colorado, rồi học ở Oxford nhờ một học bổng Rhodes”, ông nhìn Kate một lát như dò xét, rồi nói tiếp. “Người ta bảo tôi rằng bà đã đề nghị mời tôi đến dự tại hội nghị ở Toà Bạch Ốc”.

Kate nhún vai. “Tôi chỉ nhắc tên ông thôi. Họ rất sung sướng có ông tham dự”.

“Bà thật là tốt bụng. Bây giờ chỉ có riêng chúng ta với nhau, tại sao mà không nói thẳng cho tôi biết bà đang có dự tính gì trong đầu?”

Tony đang làm việc trong phòng đọc sách riêng của anh, một căn phòng nhỏ cách xa hành lang chính ở tầng lầu dưới. Anh đang ngồi trên chiếc ghế bành thì nghe có tiếng cánh cửa mở ra, rồi một người đi vào. Anh quay mặt lại. Đó là Marianne Hoffman. Tony chưa kịp lên tiếng cho biết có anh ngồi ở đấy thì nghe tiếng Marianne thở hổn hển.

Nàng đang đi ngắm các bức tranh treo trên tường. Đó là những bức tranh của Tony – một số ít tranh anh đã đưa về đây từ căn hộ của anh ở Paris, và đây là căn phòng duy nhất anh cho phép treo các bức tranh ấy. Anh nhìn theo nàng bước đi quanh phòng, xem hết bức tranh này đến bức tranh khác. Quá chậm rồi, anh không nói được lời nào nữa cả.

“Không thể tin nổi”, Marianne nói lẩm bẩm.

Tony cảm thấy cơn giận dữ nổi lên đột ngột trong lòng. Anh biết rằng các bức tranh của anh không đến nỗi tồi tệ như thế. Trong khi anh cử động, miếng da trên ghế anh ngồi kêu ken két, khiến Marianne quay lại, nhìn thấy anh.

“Ồ, xin lỗi”, nàng nói. “Tôi tưởng không có ai ở đây”.

Tony đứng dậy. “Không hề gì”. Giọng anh có vẻ hơi cứng rắn. Anh không muốn ai xâm phạm nơi ẩn náu này của anh. “Cô đang tìm gì vậy?”

“À không, tôi chỉ đi lang thang thôi. Bộ sưu tập này của anh chắc hẳn thuộc về viện bảo tàng nghệ thuật”.

“Ngoại trừ những bức này”.

Nàng bối rối trước vẻ thiếu thiện cảm trong giọng nói của anh. Nàng quay lại nhìn các bức tranh lần nữa. Nàng trông thấy chữ kí. “Anh vẽ các bức này sao?”

“Rất tiếc là các bức ấy không hấp dẫn lắm đối với cô”.

“Những bức ấy thật tuyệt vời!” Nàng tiến về phía anh. “Tôi thực không hiểu. Nếu anh vẽ được những bức tranh như thế này, tại sao anh còn muốn làm việc gì khác nữa? Tuyệt! Tôi không nói anh là một hoạ sĩ giỏi, mà tôi muốn nói rằng anh thật tuyệt vời!”

Tony đứng yên một chỗ, không nghe cô ta nói, mà chỉ muốn nàng ra khỏi nơi này.

“Tôi muốn trở thành một hoạ sĩ”, Marianne nói. “Tôi theo học ông Oska Kokosckka trong một năm. Cuối cùng tôi phải bỏ vì biết rằng mình không bao giờ vẽ giỏi được như mình mong muốn. Nhưng mà anh thì khác thế!” Nàng lại quay về phía các bức tranh. “Anh có học ở Paris sao?”

Anh chỉ muốn nàng để yên cho anh ngồi một mình.

“Vâng”.

“Thế rồi anh bỏ ngang hay sao?”

“Phải”.

“Thật là uổng. Anh…”

“Kìa, cô ấy đây rồi!”

Cả hai người đều quay đầu lại. Kate đang đứng ở cửa. Bà nhìn hai người một lát, rồi bước đến gần Marianne. “Tôi đang tìm cô khắp nơi, cô Marianne ạ. Cha cô nói rằng cô thích các cây ngọc lan. Cô phải đến thăm các nhà kính của tôi mới được”.

“Cảm ơn bà”, Marianne lẩm bẩm. “Thực ra tôi…”

Kate quay về phía Tony. “Tony, con ra tiếp các vị khách đi”. Trong giọng nói của bà có vẻ không hài lòng.

Bà cầm lấy cánh tay Marianne, rồi cả hai rời khỏi phòng.

Xem cái lối bà dùng thủ đoạn để điều khiển con người mới thấy là tài tình. Bà làm việc ấy một cách nhẹ nhàng trơn tru. Không có một động tác nào là thừa. Thoạt tiên bà xếp đặt để làm sao gia đình Wyatt đến đây sớm, còn gia đình Hoffman thì đến trễ sau đó. Lucy được xếp ngồi cạnh Tony ở tất cả mọi bữa ăn. Những cuộc họp riêng tư với ông Wyatt. Thật là quá rõ ràng, lộ liễu, thế nhưng Tony biết rằng nó chỉ lộ liễu đối với anh thôi, vì anh đã nắm được chìa khoá. Anh biết rõ mẹ anh và cung cách hoạt động của trí óc bà. Lucy Wyatt là một cô gái xinh đẹp, có thể trở thành một người vợ tuyệt vời cho một ai đó, ngoài anh ra. Không thể nào như thế được, khi bà Blackwell đứng ra làm kẻ bảo trợ cho nàng. Mẹ chàng là một con người tàn bạo, tính toán, và chừng nào Tony nhớ đến điều ấy, anh không thể để bà chi phối được. Anh tự hỏi không biết bước kế tiếp của bà sẽ như thế nào.

Anh không cần phải chờ đợi lâu mới biết được điều đó.

Họ đang ngồi trên sân thượng uống rượu “cocktail”. Kate nói với Tony, “Ông Wyatt đã có lòng tốt mời chúng ta đến thăm trang trại của ông vào cuối tuần sau. Con nghĩ xem, như thế có thích không?” Mặt bà rạng rỡ hẳn lên. “Mẹ chưa bao giờ được thấy một trang trại ở Texas”.

Thực ra, Kruger-Brent làm chủ một trang trại ở Texas và trang trại này lớn gấp đôi trang trại của Wyatt.

“Anh cũng đi chứ, Tony?” Ông Wyatt hỏi.

Lucy nói theo, “Anh hãy nhận lời đi”.

Họ cấu kết với nhau để thuyết phục anh. Thật là một cuộc thử thách. Anh quyết định nhận lời. “Tôi rất lấy làm vui thích”.

“Tốt”, trên nét mặt của Lucy lộ vẻ vui mừng thật sự. Và bà Kate cũng thế.

Tony nghĩ thầm, “Nếu Lucy cố ý quyến rũ mình, cô ấy sẽ bị thất vọng và phí thì giờ vô ích. Vết thương mà mẹ anh và Dominique gây ra đã ăn sâu vào lòng anh khiến cho anh không còn tin cậy vào phụ nữ nữa. Sự liên hệ duy nhất của anh với phái nữ là những cuộc giao du với những gái điếm hạng sang. Trong tất cả các loại phụ nữ, họ là những kẻ chân thực nhất. Cái mà họ muốn là tiền, và họ nói thẳng cho mình biết bao nhiêu tiền. Mình trả tiền mua cái mà mình cần và có được cái mà mình bỏ tiền ra mua. Không có vấn đề gì rắc rối, không cần nước mắt, không cần phỉnh gạt”.

Lucy rồi đây sẽ phải gặp một điều bất ngờ.

Sáng sớm chủ nhật, Tony xuống bể bơi để bơi. Marianne đã ở sẵn trong nước, mặc chiếc áo may-ô trắng. Nàng có dáng người xinh đẹp, cao, thon thon và duyên dáng. Tony đứng ngắm nàng đang bơi trong nước, hai cánh tay đưa lên đưa xuống theo một nhịp đều đặn, duyên dáng. Nàng thấy Tony, và bơi lại gần anh.

“Chào anh”.

“Chào cô. Cô bơi giỏi nhỉ”. Tony nói.

Marianne mỉm cười. “Tôi thích thể thao. Tôi đã học cái thói ấy của cha tôi”. Nàng kéo người ra khỏi bờ bể bơi. Tony đưa cho nàng chiếc khăn tắm. Anh nhìn ngắm nàng trong khi lau khô tóc một cách không ngượng ngùng, e thẹn.

“Cô ăn sáng chưa?” Tony hỏi.

“Chưa. Chắc là người đầu bếp không dậy sớm như vậy”.

“Ở đây giống như là một khách sạn. Họ phục vụ hai mươi bốn trên hai mươi bốn”.

Nàng nhìn Tony, mỉm cười, “Thích nhỉ”.

“Nhà cô ở đâu vậy?”

“Phần lớn thời gian ở Munich. Chúng tôi ở trong một cái “Schloss” tức là một toà lâu đài, ở bên ngoài thành phố”.

“Thế cô học ở đâu?”

Marianne thở dài. “Chuyện ấy dài lắm. Trong thời gian chiến tranh, tôi được gửi đi học ở Thụy Sĩ. Sau đó tôi theo học tại Oxford, tại Sorbonne, rồi sống ở London trong mấy năm”. Nàng nhìn thẳng vào mắt Tony. “Tôi ở đó từ dạo ấy đến nay. Thế còn anh?”

“Ồ, tôi ở New York, Maine, Thụy Sĩ, Nam Phi, ít năm ở Thái Bình Dương trong thời gian chiến tranh, Paris…” Anh đột ngột ngưng lại, như cảm thấy mình đã nói quá nhiều.

“Xin lỗi, tôi có vẻ như tò mò, nhưng thực sự tôi không sao hiểu được lí do nào anh ngưng không vẽ tranh nữa”.

“Chuyện ấy chẳng có gì quan trọng cả”, Tony nói cộc lốc. “Thôi, chúng ta đi ăn sáng đi”.

Hai người ăn sáng với nhau trên sân thượng, nhìn xuống vịnh mênh mông, lóng lánh. Nàng là người rất dễ tiếp chuyện. Nàng có một vẻ đoan trang, hiền dịu, khiến Tony cảm thấy rất mến. Nàng không đùa cợt, không nói lảm nhảm. Nàng có vẻ thích anh một cách thành thực. Tony cảm thấy mình bị thu hút bởi người thiếu nữ trầm lặng, nhạy cảm này. Tuy vậy, anh không thể nào không nghĩ rằng một phần sự cảm mến của anh đối với nàng là do anh muốn trêu tức mẹ anh.

“Khi nào cô trở về Đức?”

“Tuần sau”, Marianne đáp. “Tôi sắp lấy chồng”.

Câu nói của nàng quá bất ngờ, làm anh chưng hửng. “Ồ, thế à”, Tony nói ngắc ngứ. “Tuyệt quá nhỉ. Ai vậy?”

“Anh ấy là một bác sĩ. Chúng tôi quen biết nhau từ nhỏ đến lớn”. Tại sao cô ấy lại thêm câu này vào. Nó có ý nghĩa gì không nhỉ?

Bất chợt, Tony hỏi, “Cô có vui lòng đến dùng cơm với tôi ở New York không?”

Nàng nhìn anh, cân nhắc câu trả lời. “Tôi cũng thích được như vậy”.

Tony mỉm cười, tỏ vẻ hài lòng. “Đó là một cuộc hẹn hò”.

Họ ăn cơm với nhau tại một khách sạn nhỏ trên bờ biển ở Long Island. Tony muốn đi riêng với Marianne, tránh xa cặp mắt của mẹ anh. Đó là một buổi tối bình thường, không có chuyện gì, nhưng Tony biết rằng nếu mẹ anh nghe tin, bà sẽ tìm cách nào đó để ngăn cản. Đây là một chuyện riêng tư giữa anh và Marianne, và trong khoảng thời gian ngắn ây, anh không muốn có chuyện gì làm nó hư hỏng. Tony cảm thấy vui thích làm bạn với Marianne hơn là trước đây anh đã dự đoán. Nàng có tính tình nhanh nhẹn, vui tính một cách kín đáo. Tony thấy mình cười đùa vui thích hơn bao giờ hết, kể từ ngày anh rời Paris. Nàng giúp cho anh cảm thấy nhẹ nhõm, vô tư.

Khi nào cô trở về Đức?

Tuần sau… Tôi sắp lấy chồng.

Trong năm ngày tiếp theo đó, Tony gặp Marianne nhiều lần. Anh huỷ bỏ cuộc hành trình của anh đi Canada, nhưng không biết chắc chắn lí do vì sao. Anh đã có lúc nghĩ rằng nó có thể là một dạng chống đối dự tính của mẹ anh, một vụ trả thù lặt vặt, nhưng nếu điều ấy đúng vào lúc đầu thì bây giờ đây nó không còn đúng nữa. Anh cảm thấy mình bị thu hút bởi Marianne mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. Anh yêu nàng một cách chân thực. Đó là một đức tính mà anh đã cố tìm nhưng chưa hề bao giờ có được.

Từ ngày Marianne đến New York với tư cách là một du khách, Tony đưa nàng đi thăm viếng khắp nơi. Họ trèo lên tượng thần Tự Do, cùng đi đến Staten Island trên chiếc tàu phà, lên đến đỉnh toà nhà chọc trời Empire State Building, và ăn uống tại khu vực người Trung Hoa. Họ ở lại suốt ngày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật, và một buổi trưa tại Frick Collection. Họ chia sẻ các sở thích giống nhau. Họ thận trọng tránh né những vấn đề riêng tư, thế nhưng cả hai đều ý thức về sự hấp dẫn giới tính ngấm ngầm rất mạnh mẽ giữa họ với nhau. Ngày này qua ngày khác, chẳng mấy chốc đã đến ngày thứ sáu, ngày mà Tony phải đi thăm trang trại của ông Wyatt.

“Khi nào cô sẽ trở về Đức?”

“Sáng thứ hai”. Nhưng không có gì vui vẻ trong giọng nói của nàng cả.

Tony rời Houston vào buổi trưa hôm ấy. Lẽ ra anh có thể cùng đi với mẹ trong một chiếc máy bay của công ty, nhưng anh muốn tránh mọi cuộc gặp mặt riêng với mẹ. Đối với anh, mẹ anh chỉ là một người hợp tác kinh doanh, tài giỏi và nhiều quyền lực, không ngay thẳng và nguy hiểm.

Có một chiếc xe hơi hiệu Rolls Royce đón Tony tại phi trường Hobby ở Houston, từ nơi đó anh được đưa đến trang trại bằng xe hơi do một người tài xế mặc một chiếc quần “jean” hiệu Levi’s và một chiếc áo sơ mi thể thao màu sặc sỡ.

“Nhiều người muốn đi máy bay đến thẳng trang trại”, người tài xế nói. “Ông Wyatt có một bãi đáp lớn ở đấy. Từ nơi bãi đáp ấy về đến cổng trang trại phải mất một giờ xe hơi rồi thêm nửa giờ nữa mới đến ngôi nhà chính”.

Tony cho rằng anh tài xế này nói cường điệu. Nhưng chính anh đã lầm. Thì ra trang trại của ông Wyatt giống như một thành phố hơn là một trang trại. Chiếc xe anh đi lọt qua cổng chính đi vào một con đường cái tư, rồi sau ba mươi phút nó bắt đầu đi ngang qua các nhà phát điện, các chuồng ngựa, bãi nuôi gia súc, nhà khách, nhà ở của gia nhân. Toà nhà chính là một nhà một tầng có vẻ như dài vô tận. Tony cho rằng nó trông thật là xấu xí.

Kate đã đến nơi đó trước. Bà và Wyatt đang ngồi ở sân thượng nhìn xuống một hồ bơi lớn bằng một cái hồ nước nhỏ. Họ đang nói chuyện với nhau sôi nổi thì Tony xuất hiện. Vừa trông thấy Tony, ông Wyatt ngưng lại đột ngột giữa một câu nói. Tony có cảm tưởng hai người đang bàn với nhau về anh.

“Kìa cậu con trai của chúng ta kia rồi. Đi đường có vui không, Tony?”

“Vâng, xin cảm ơn ông”.

“Lucy mong con đáp chuyến máy bay sớm hơn thế”, Kate nói.

Tony quay lại nhìn mẹ, “Thế hả?”

Charli Wyatt vỗ nhẹ lên vai Tony, “Chúng tôi sẽ tổ chức một buổi ăn thịt nướng ngoài trời hết sức vĩ đại để mừng anh và bà Kate đấy. Mọi người sẽ bay đến đây để tham dự”.

“Ông thật tử tế quá”, Tony nói. Anh nghĩ thầm trong bụng, “Họ tổ chức càng to thì rồi đây sẽ càng thất vọng lớn thôi”.

Lucy xuất hiện, mặc một chiếc áo sơ mi trắng và quần jean bó sát người. Tony phải công nhận rằng nàng đẹp đến nỗi gây kinh ngạc.

Nàng bước đến Tony, chìa tay ra. “Tony! Em tưởng rằng anh không đến chứ!”

“Xin lỗi, tôi đến chậm”, Tony nói. “Tôi bận chút công việc, cần phải làm cho xong”.

Lucy ném cho anh một nụ cười niềm nở. “Không hề gì đâu. Miễn là anh có đến là được rồi. Anh muốn làm gì vào trưa hôm nay?”

“Cô có gì cho tôi nào?”

Lucy nhìn vào mắt Tony. “Bất cứ thứ gì anh muốn”, nàng nói khe khẽ.

Kate Blackwell và Charlie Wyatt cười rạng rỡ.

Buổi ăn thịt nướng ngoài trời thật là linh đình, dù xét theo các tiêu chuẩn của vùng Texas này. Gần hai trăm khách mời đã đến đây bằng máy bay riêng, xe hơi Mercedes hay Rolls Royce. Hai ban nhạc giúp vui cùng một lúc ở hai nơi trên các khu đất khác nhau. Năm, sáu người phục vụ rượu sâm banh, uytxki, nước ngọt, bia, trong khi bốn tay đầu bếp bận bịu chuẩn bị thức ăn trên những ngọn lửa ở ngoài trời… Thật là cả một sự phí phạm hiển nhiên nhất Tony chưa từng thấy. Đó là sự khác biệt giữa những kẻ mới nổi và những kẻ đã giàu có từ lâu. Phương châm của những kẻ đã giàu có từ lâu là: nếu tôi có tiền, tôi phải giấu nó đi. Còn những kẻ mới nổi thì chủ trương: nếu tôi có tiền, tôi cần phải phô trương nó ra.

Đây là một sự phô trương giàu có ngoài sức tưởng tượng. Các bà mặc những chiếc áo dài rất táo bạo, đeo nữ trang làm loá mắt thiên hạ. Tony đứng một bên nhìn các khách khứa ăn uống nhồm nhoàm, gọi nhau ơi ới. Anh có cảm tưởng như đang tham dự vào một nghi thức suy đồi, vô ý thức. Mỗi khi quay lưng lại, anh lại chạm phải một chiêu đãi viên vác một chiếc khay chứa đựng những bình caviar hay pa-tê rất lớn, hay sâm banh. Dường như số gia nhân phục vụ cũng đông bằng số quan khách đến dự. Anh lắng nghe những câu nói chuyện ở xung quanh.

“Hắn ta đến đây từ New York để bán cho tôi một hoá đơn hàng hoá, nhưng tôi bảo hắn, “Anh chỉ phí thời giờ thôi, anh bạn. Không có vụ giao dịch béo bở nào về dầu đến được miền Đông Houston…”

“Anh phải coi chừng những đứa có miệng lưỡi khéo léo. Chúng nó chỉ khoác lác chứ thật ra chúng chẳng có cái đếch gì cả…”

Lucy xuất hiện ở bên cạnh Tony. “Anh không ăn gì cả”. Nàng nhìn chàng chăm chú. “Có gì không vui hay sao, Tony?”

“Không, mọi thứ đều rất vui. Buổi tiệc này thật là lớn”.

Nàng cười. “Chưa thấm gì đâu, anh bạn ạ. Còn phải chờ xem pháo hoa nữa”

“Pháo hoa?”

“Ừ hứ”. Nàng sờ nhẹ lên cánh tay Tony. “Rất tiếc là đông người quá nên hơi lộn xộn. Không phải lúc nào cũng như thế này. Bố em muốn gây ấn tượng đối với mẹ anh”. Nàng cười tủm tỉm. “Ngày mai họ sẽ đi về hết”.

Tôi cũng thế, Tony thầm nghĩ một cách chua chát. Anh cho rằng anh đã phạm một sai lầm lớn vì đã đến đây. Nếu mẹ anh muốn chiếm công ty dầu Wyatt một cách gắt gao như vậy, bà sẽ làm mọi cách để đoạt lấy nó. Anh đưa mắt nhìn đám đông để tìm ra mẹ anh. Anh thấy bà đang đứng giữa một nhóm người ngưỡng mộ. Bà trông thật đẹp. Bà đã gần sáu mươi tuổi, nhưng trông trẻ hơn đến mười tuổi. Mặt bà không có nếp nhăn, thân hình rắn chắc và gọn gàng, nhờ tập luyện và xoa bóp hàng ngày. Bà đặt ra kỉ luật cho chính bản thân cũng như cho những người khác chung quanh bà. Về điểm này Tony cảm thấy khó chịu, nhưng anh cũng phải thán phục bà. Ai nhìn thấy bà lúc ấy cũng phải nghĩ rằng bà đang vui thích lắm. Bà nói chuyện với khách, nét mặt rạng rỡ, vui tươi. Nhưng Tony nghĩ bụng, bà ghét tất cả những thứ này, và bà có thể chịu đựng bất cứ việc gì miễn sao bà có được thứ mà bà muốn. Anh nghĩ đến Marianne và tin chắc rằng nàng cũng ghét cái loại liên hoan cuồng nhiệt một cách vô ý thức này. Ý nghĩ về nàng khiến cho Tony cảm thấy đau nhói trong lòng.

“Em sẽ lấy một bác sĩ. Em biết anh ta từ nhỏ đến lớn”.

Một nửa giờ sau, khi Lucy đến tìm anh thì anh đã lên đường trở về New York.

Anh goi điện thoại cho Marianne từ một phòng điện thoại công cộng ở phi trường. “Anh muốn gặp em”.

Không có một chút do dự nào. “Vâng”.

Tony không thể nào gạt được Marianne Hoffman ra khỏi những suy nghĩ của anh. Từ lâu nay, anh chỉ sống một mình, nhưng không cảm thấy cô đơn. Bây giờ, sống xa Marianne đối với anh là một sự cô đơn, một cảm giác như một phần thân thể anh đã bị mất đi. Được ở bên cạnh nàng là sự ấm áp, là sự ca ngợi cuộc sống, là xua đi những bóng đen ghê tởm đã từng ám ảnh anh bấy lâu nay. Anh có cảm tưởng như nếu để mất Marianne, anh sẽ chết. Anh cần đến nàng hơn bất cứ ai khác trong cuộc sống của anh.

Marianne đến gặp Tony trong căn hộ của anh. Khi nàng đi đến cánh cửa, Tony cảm thấy trong lòng một niềm khao khát tưởng chừng như đã bị tiêu diệt từ lâu rồi. Nhìn vào nét mặt nàng, anh biết rằng nàng cũng có niềm khao khát tương tự, nhưng họ không thốt ra một lời nào để tạo nên phép lạ này.

Nàng ngả vào vòng tay chàng, nỗi xúc cảm của hai người như nước xoáy của thuỷ triều tung họ lên cao; rồi cuốn họ đi mà không có cách nào cưỡng nổi; nó như nổ bùng lên, tạo nên một sự thoả mãn không thể nào tả xiết. Họ cùng nhau trôi nổi trong sự êm dịu, mượt mà như nhung, không còn biết thời gian, không gian, chìm đắm trong sự huy hoàng kì diệu của người này với người kia. Sau đó họ nằm ôm lấy nhau, mệt mỏi, làn tóc mềm mại của nàng xoã lên mặt chàng.

“Anh sẽ cưới em, Marianne ạ”.

Nàng giữ mặt anh trong hai bàn tay, nhìn vào mắt chàng như dò hỏi. “Có chắc như vậy không, Tony?” Giọng nàng rất dịu dàng. “Có một vấn đề khó khăn, anh ạ”.

“Vấn đề đính hôn của em chứ gì?”

“Không, em sẽ huỷ cuộc hứa hôn ấy. Em chỉ lo về mẹ anh”.

“Mẹ anh không có liên quan gì…”

“Không, để em nói hết đã. Mẹ anh dự tính anh sẽ cưới Lucy Wyatt”.

“Đó là dự tính riêng của mẹ anh thôi”. Anh ôm choàng lấy nàng một lần nữa. “Dự tính của anh là ở đây”.

“Bà ấy sẽ ghét em, Tony ạ. Em không muốn thế”.

“Em có biết anh muốn gì không?” Tony thì thầm.

Thế rồi phép lạ ấy lại diễn ra lần nữa.

Bốn mươi tám giờ sau đó, bà Kate Blackwell mới biết được tin tức về Tony. Anh đã biến mất khỏi trang trại của Wyatt mà không một lời giải thích hay từ biệt, và đã bay đi New York. Charlie Wyatt rất bối rối, còn Lucy Wyatt thì giận dữ. Kate đã phải xin lỗi một cách ngượng ngùng, rồi lấy máy bay của công ty bay trở về New York tối hôm ấy. Về đến nhà, bà điện thoại đến căn hộ của Tony, nhưng không có ai trả lời. Ngày hôm sau cũng vậy.

Kate đang ngồi trong văn phòng thì điện thoại riêng của bà trên bàn reo lên. Bà đã biết ai gọi bà trước khi nhấc ống nghe lên.

“Tony, con có được mạnh khoẻ không?”

“Con vẫn khoẻ, mẹ ạ”.

“Con hiện đang ở đâu vậy?”

“Con đang vui tuần trăng mật với vợ con. Marianne Hoffman và con vừa mới cưới nhau ngày hôm qua”. Một sự im lặng rất lâu tiếp theo đó. “Mẹ có còn ở đó không, mẹ?”

“Có, mẹ đang ở đây”.

“Mẹ phải nói gì đó để mừng con, chẳng hạn như “bách niên giai lão” hay “trăm năm hạnh phúc” vân vân”. Giọng nói của anh nghe có vẻ chua chát, chế nhạo.

“Phải, phải. Dĩ nhiên rồi. Mẹ chúc con hạnh phúc dồi dào”.

“Cảm ơn mẹ”. Đường dây điện thoại bị cúp.

Kate đặt ống nghe xuống, ấn nút trên máy “intercom”. “Brad, anh lại đây một chút được không?”

Khi Brad Rogers bước vào văn phòng, Kate liền nói. “Tony vừa gọi điện thoại”.

Brad nhìn vào mặt Kate và nói, “Lạy Chúa! Chắc chị đã làm được chuyện ấy rồi chứ gì!”

“Không, chính Tony làm đấy”, Kate mỉm cười. “Chúng ta đã nắm được đế quốc Hoffman và đặt nó trên đùi rồi”.

Brad ngồi sụp xuống ghế. “Thật khó tin nổi! Tôi biết rằng Tony cứng đầu cứng cổ lắm mà. Làm thế nào chị thuyết phục được hắn lấy Marianne Hoffman?”

“Rất đơn giản. Tôi đã thúc đẩy hắn không đúng hướng”.

Nhưng bà biết rằng đó mới là hướng đúng đắn. Marianne sẽ là một bà vợ tuyệt vời đối với Tony.

Lucy đã có lần bị mổ tử cung.

Marianne sẽ cho Tony một đứa con trai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.