Tay Cự Phách

Chương 20




Trong hai năm kế tiếp đó, Tony Blackwell cảm thấy mình như đang ở trên một cái cối xay khổng lồ, không đưa mình đi đến đâu cả. Anh là vị Hoàng thái tử thừa kế đế quốc Kruger-Brent, một tổng công ty lớn khủng khiếp đã được mở rộng ra để bao gồm cả các nhà máy giấy, một đường hàng không, nhiều ngân hàng và cả một dây chuyền bệnh viện. Tony nhận thức được rằng một cái tên chính là một chìa khóa mở tất cả mọi cánh cửa. Có những câu lạc bộ tổ chức và phe nhóm xã hội, mà ở đó yếu tố chủ yếu không phải là tiền bạc hay ảnh hưởng mà là tên tuổi. Tony được nhận làm hội viên cho nhiều câu lạc bộ danh tiếng, được tiếp đãi ở khắp mọi nơi, nhưng anh cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh. Anh không làm để xứng đáng với các thứ ấy. Anh chỉ là một cái bóng khổng lồ của ông ngoại anh; anh cảm thấy mình như luôn luôn được so sánh với ông ấy. Thật là không đúng, không công bằng, vì anh không bao giờ phải bò qua bãi mìn, không có tên bảo vệ nào bắn vào anh, không có những con cá mập đe doạ anh. Những câu chuyện xưa cũ về các hành động gan dạ không có liên quan gì đến anh cả. Chúng thuộc về thế kỉ trước, một thời đại khác, một nơi chốn khác, những hành động anh hùng thuộc về một nhân vật xa lạ.

Tony làm việc gấp đôi bất cứ người nào khác ở Kruger-Brent. Anh làm việc cật lực, cố vứt bỏ những kỉ niệm quá đau đớn, không thể chịu đựng nổi. Anh viết thư cho Dominique, nhưng các thư của anh đều bị trả lại nguyên vẹn. Anh điện thoại cho giáo sư Cantal, nhưng Dominique không còn làm người mẫu cho Trường Mỹ thuật nữa. Nàng đã biến mất rồi.

Tony giải quyết công việc một cách thành thạo và có phương pháp, nhưng không đam mê hay ham thích gì, và nếu anh cảm thấy một sự trống rỗng trong lòng thì cũng không một ai nghi ngờ gì. Cả Kate cũng không nghi ngờ điều đó. Bà vẫn nhận được những báo cáo hàng tuần về Tony và lấy làm hài lòng.

“Nó có năng khiếu tự nhiên về kinh doanh”, bà nói với Brad Rogers.

Đối với Kate, những giờ làm việc kéo dài của Tony là bằng chứng cho thấy anh yêu mến công việc đang làm. Mỗi khi nhớ lại rằng Tony đã có lần suýt vứt bỏ cả tương lai, bà vẫn thường rùng mình và cảm ơn trời đất rằng bà đã cứu anh ra khỏi cảnh ngộ ấy.

Năm 1948, Đảng Dân tộc nắm toàn quyền ở Nam Phi, cùng với nạn kì thị chủng tộc ở khắp nơi công cộng. Cuộc di cư bị kiểm soát chặt chẽ, và nhiều gia đình bị phân cách cho sự thuận tiện của Chính phủ. Mỗi người da đen đều phải mang một cái “bewshoek”. Cái này không phải chỉ là một thứ giấy thông hành mà nó còn là một thứ bùa hộ mệnh, một giấy khai sinh, một giấy cho phép làm việc, một biên lai trả thuế. Nó quy định tất cả các hoạt động, các sự di chuyển và đời sống của người ấy. Càng lúc càng có nhiều cuộc nổi loạn ở Nam Phi, nhưng tất cả đều bị đàn áp một cách tàn nhẫn bởi cảnh sát. Thỉnh thoảng, Kate đọc những bài báo kể về những vụ phá hoại, bất ổn, và tên Banda luôn được nhắc đến hàng đầu. Ông vẫn là lãnh tụ của những tổ chức bí mật, mặc dầu tuổi tác đã lớn. Dĩ nhiên, bác ấy chiến đấu cho đồng bào của bác, Kate thầm nghĩ. Bác là Banda mà.

Kate tổ chức lễ sinh nhật thứ năm mươi sáu một mình với Tony ở ngôi nhà trên Đại lộ Thứ năm. Bà nghĩ thầm. Người con trai hai mươi bốn tuổi đang ngồi ở bên kia chiếc bàn không thể là con trai của mình được. Mình còn quá trẻ. Tony nâng ly chúc mừng mẹ, “Mừng bà mẹ kì diệu của con. Chúc mẹ một ngày sinh nhật vui vẻ”.

“Con phải nâng ly chúc mừng bà mẹ già kì diệu mới phải”.

Bà nghĩ thầm, “Chẳng bao lâu nữa mình sẽ rút lui dưỡng già, nhưng con trai mình sẽ thay thế mình. Con trai của tôi”

Do lời yêu cầu khẩn khoản của mẹ, Tony đã dọn đến ở tại tòa lâu đài trên Đại lộ Thứ năm.

“Nơi ấy quá rộng lớn để mẹ đi lại trong đó một mình”, Kate nói với con trai. “Con sẽ có cả một chái phía tây dành riêng cho con, tha hồ yên tĩnh, kín đáo”. Tony thấy tốt hơn hết là nhượng bộ thay vì cãi lại bà.

Tony và Kate ăn điểm tâm với nhau mỗi buổi sáng. Đề tài nói chuyện của họ bao giờ cũng về công ty Kruger-Brent. Tony ngạc nhiên không hiểu vì sao mẹ anh lại có thể tha thiết như vậy với một thực thể không có linh hồn, không có mặt mũi, một tập hợp vô hình dạng những tên nhà, máy móc và những con số kế toán. Cái ma thuật ấy nằm ở đâu? Trước bao nhiêu những điều bí mật trên thế giới còn cần phải khám phá, tại sao lại có người muốn phí phạm thì giờ trong cuộc sống để tích lũy của cải cho mỗi lúc một nhiều hơn nữa và để thu thập lấy quyền hành càng ngày càng lớn mạnh? Tony không hiểu được mẹ anh. Nhưng anh yêu mẹ. Và anh cố gắng sống để đạt đến những mong ước của bà.

Chuyến bay của hãng Pan Am đi từ Rome đến New York mà không có gì trục trặc. Tony thích hãng máy bay này. Nó vừa dễ chịu vừa có hiệu quả. Anh ngồi xem xét các báo cáo của các cơ sở công ty ở nước ngoài từ lúc máy bay bắt đầu cất cánh, bỏ cả bữa ăn, không để ý đến những người chiêu đãi viên đem các thức uống, gối nằm và mọi thứ tiện nghi cho ông hành khách quý này của họ.

“Cảm ơn cô. Tôi cảm thấy dễ chịu rồi”.

“Thưa ông Blackwell, ông cần thêm thứ gì nữa không ạ?”

“Cảm ơn”.

Một người đàn bà trạc trung niên, ngồi bên cạnh Tony đang đọc một tạp chí thời trang. Trong khi bà giở trang báo, Tony chợt liếc mắt qua. Anh bỗng thấy lạnh người. Trên tờ báo có hình một người mẫu mặc một chiếc áo choàng. Đó là Dominique. Không thể lầm lẫn được. Cũng là đôi gò má cao, xinh xắn, cũng vẫn đôi mắt xanh màu lục sẫm và làn tóc hoe sum sê ấy. Mạch trong người Tony bắt đầu đập thật nhanh.

“Xin lỗi bà”, Tony nói với bà hành khách bên cạnh, “Bà có thể cho tôi mượn trang báo ấy được không?”

Sáng sớm hôm sau, Tony gọi điện thoại đến cửa hiệu bán áo dài phụ nữ để hỏi tên của hãng quảng cáo. Anh điện thoại đến nơi này. “Tôi muốn tìm địa chỉ của một người làm mẫu cho quý hãng”. Anh nói với nhân viên phòng điện thoại. “Cô có thể nào…”

“Xin chờ một lát”.

Tiếp đó là tiếng của một người đàn ông. “Thưa ông cần gì ạ?”

“Tôi trông thấy một bức hình trên số báo Vogue tháng này. Một người mẫu quảng cáo một chiếc áo dài khiêu vũ cho các cửa hiệu Rothman. Có phải quảng cáo ấy của quý ông không?”

“Phải”.

“Ông có thể cho tôi biết tên hãng giới thiệu người mẫu cho quý ông được không?

“Có lẽ đó là hãng Carleton Blessing”. Người ấy cho Tony số điện thoại.

Một phút sau, Tony nói chuyện với một người đàn bà ở hãng Carleton Blessing. “Tôi muốn tìm một trong các cô làm người mẫu của quý hãng. Cô ấy tên là Dominique Masson”.

“Xin lỗi, hãng chúng tôi đã có nguyên tắc không cung cấp mọi thông tin có tính cách cá nhân”. Đường dây điện thoại bị cúp.

Tony ngồi tại chỗ, nhìn chằm chằm vào ống nghe. “Chắc phải có cách tiếp xúc với Dominique”. Anh đi vào văn phòng của Brad Rogers.

“Chào anh Tony. Uống cà phê nhé?”

“Không, cảm ơn. Bác Brad, bác có nghe nói về hãng người mẫu Carleton Blessing không?”

“Có. Hãng ấy thuộc về chúng ta”.

“Sao?”

“Hãng ấy được đặt dưới sự bảo trợ của một trong các chi nhánh của chúng ta”.

“Chúng ta mua hãng ấy lúc nào vậy?”

“Chừng một vài năm trước đây. Ngay vào lúc anh bắt đầu vào làm việc cho công ty. Anh có gì phải quan tâm về hãng ấy?”

“Tôi cố tìm cho ra một người mẫu làm cho hãng ấy. Cô ta là một người bạn của tôi”.

“Chẳng có gì khó khăn cả. Tôi sẽ gọi điện thoại, rồi…”

“Bác khỏi bận tâm, để tôi tự làm việc ấy. Cảm ơn bác Brad”.

Một cảm giác mong đợi ấm áp dâng lên trong lòng Tony.

Chiều hôm ấy, Tony đi lên phố, đến văn phòng hãng Carleton, chìa danh thiếp của anh ra. Chỉ sáu mươi giây sau, anh ngồi tại văn phòng của ông chủ hãng, ông Tilton.

“Thưa ông Blackwell, đây là một vinh dự lớn cho chúng tôi. Tôi hi vọng rằng không có vấn đề gì rắc rối cả. Tiền lời của chúng tôi trong quý trước là…”

“Chẳng có vấn đề gì cả. Tôi chỉ muốn gặp một người làm mẫu cho các ông, tên là Dominique Masson”.

Mặt của Tilton sáng lên. “Cô ấy đã trở thành một trong các cô làm mẫu khá nhất của chúng tôi. Bà thân mẫu của ông thật là một người có mắt”.

Tony tưởng rằng Tilton hiểu lầm câu nói của anh, “Tôi xin lỗi”.

“Chính bà thân mẫu của ông đích thân yêu cầu tôi nhận cô Dominique ấy vào làm việc. Đó cũng là một phần của hợp đồng khi Công ty Kruger-Brent tiếp quản chúng tôi. Tất cả đều ghi trong hồ sơ. Nếu ông muốn xem thì…”

“Không”, Tony không thể hiểu được chút nào về những gì anh vừa nghe. Tại sao mẹ anh lại…? “Ông cho tôi địa chỉ của cô Dominique được không?”

“Dĩ nhiên là được, thưa ông Blackwell. Cô ấy đang có một cuộc trưng bày ở Vermont hôm nay, nhưng cô ấy thể nào cũng trở về”. Tilton nhìn vào thời khóa biểu trên bàn – “vào trưa ngày mai”.

Tony đang chờ đợi ở bên ngoài tòa nhà, nơi có căn hộ của Dominique, thì một chiếc xe hơi đen dừng lại, và Dominique bước ra khỏi xe. Cùng đi với nàng là một anh chàng to lớn như lực sĩ đang vác một va li của Dominique. Dominique dừng phắt lại, đứng sững sờ khi nhìn thấy Tony.

“Tony! Lạy Chúa! Anh làm cái gì ở đây?”

“Anh cần nói chuyện với em”.

“Thôi, bữa khác đi, anh bạn”. Anh chàng lực sĩ ấy nói. “Trưa nay chúng tôi bận lắm”.

Tony không thèm để ý đến hắn ta. “Em bảo cái anh bạn này của em hãy đi chỗ khác đi”.

“Này, anh kia, anh nghĩ anh là cái quái gì mà…”

Dominique quay về phía anh chàng lực sĩ. “Thôi đi đi, Ben. Tôi sẽ gọi lại anh tối nay”.

Hắn ta do dự một lúc, rồi nhún vai nói, “Ô kê”. Hắn đưa mắt giận dữ nhìn Tony, trở lại chiếc xe, rồi rồ máy chạy thẳng.

Dominique quay về phía Tony. “Chúng ta nên đi vào trong nhà nói chuyện”.

Căn hộ của Dominique là một buồng hai tầng rộng lớn với những tấm thảm và màn màu trắng và đồ đạc tối tân, có vẻ rất đắt tiền.

“Em có vẻ làm ăn khá nhỉ”.

“Vâng. Em may mắn thôi”. Các ngón tay của Dominique bấu vào chiếc áo choàng, có vẻ bồn chồn. “Anh muốn uống thứ gì không?”

“Không, cảm ơn. Anh cố tìm cách liên lạc với em sau khi rời Paris”.

“Lúc ấy em rời đi nơi khác”.

“Rời sang Mỹ phải không?”

“Phải”.

“Làm sao em kiếm được việc làm ở hãng Carleton Blessing này?”

“Em… em viết thư trả lời cho một mục quảng cáo trên báo”. Nàng ấp úng nói.

“Em gặp mẹ anh lần đầu tiên vào lúc nào?”

“Tại… tại căn hộ của anh ở Paris, anh không nhớ sao? Chúng mình…”

“Thôi đừng giở trò nữa”, Tony nói. Anh cảm thấy cơn giận sôi lên sùng sục. “Cái trò đùa ấy chấm dứt rồi. Tôi chưa hề bao giờ đánh một người đàn bà, nhưng nếu cô còn dối trá với tôi nữa, tôi hứa với cô rằng cái mặt của cô không còn được nguyên vẹn để chụp ảnh nữa đâu”.

Dominique định mở miệng nói, bỗng khựng lại vì cặp mắt giận dữ của Tony.

“Tôi hỏi cô lại một lần nữa. Cô gặp mẹ tôi lần đầu tiên ở đâu?”

Lần này, Dominique không còn do dự gì nữa. “Khi anh được nhận vào Trường Mỹ thuật Paris. Mẹ anh thu xếp cho tôi làm kiểu mẫu ở đó”.

Tony cảm thấy đau nhói trong lòng. Anh cố tiếp tục hỏi, “Như vậy để tôi có thể gặp cô, phải thế không?”

“Phải, em…”

“Rồi mẹ tôi trả tiền cho cô để cô làm nhân tình cho tôi, để giả vờ yêu tôi, phải thế không?”

“Phải. Lúc ấy chiến tranh vừa chấm dứt. Thật là kinh khủng. Em không có tiền, anh hiểu không? Nhưng, Tony ạ, anh hiểu cho em, em mến, em thực sự mến…,”

“Cứ trả lời thẳng câu hỏi của tôi”. Vẻ hung bạo trong giọng nói của Tony làm cho nàng hoảng sợ. Đây là một người lạ mặt đang đứng trước mặt nàng, một kẻ có thể trở nên hung bạo vô cùng.

“Mục đích là để làm gì?”

“Mẹ anh muốn em canh chừng anh”.

Anh nghĩ đến vẻ âu yếm của Dominique trước kia, đến những lúc hai người ân ái với nhau – tất cả đều do mẹ anh bỏ tiền ra mua. Anh cảm thấy đau đớn vì thẹn. Thì ra trong suốt thời gian ấy, anh chỉ là một tên bù nhìn của mẹ anh, bị kiểm soát, bị vận dụng. Mẹ anh đã coi anh chẳng ra cái quái gì. Anh không phải là con trai của bà ta. Anh là vị hoàng thái tử, là vị thừa kế của bà. Bà chỉ xem công ty của bà là quan trọng đối với bà mà thôi. Anh đưa mắt nhìn Dominique lần cuối cùng, rồi lảo đảo bước ra ngoài. Nàng nhìn theo anh, đôi mắt nhòa lệ. Nàng nói thầm trong bụng. “Em không nói dối về tình yêu của em đối với anh, Tony ạ. Em không nói dối về chuyện ấy đâu”.

Kate đang ngồi trong thư viện thì Tony bước vào, vừa uống rượu say mèm.

“Con… con vừa nói chuyện với Do… Dominique. Hai người chắc tha hồ vui thích, chế giễu sau lưng tôi…”

Kate lập tức cảm thấy hoảng sợ. “Tony…”

“Từ nay trở đi, con muốn mẹ đừng có xen vào cuộc sống riêng tư của con nữa, mẹ có nghe không?” Nói xong, anh quay người lại, loạng choạng bước ra khỏi phòng.

Kate nhìn theo, đột nhiên cảm thấy linh tính của bà báo trước một điều gì kinh khủng sẽ xảy ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.