Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 54: Hịch văn










Lại nói, Phạm Thế Căng giảng giải về cương thổ và thế lực của Đế quốc, khiến cả Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều chấn kinh không sao kể siết. Nhưng cả hai đều không phải người thường, nhanh chóng bỏ qua chuyện đó, không nghĩ đến nữa. Nguyễn Trãi lại hỏi về chuyện quan trọng trước mắt :



- Tướng quân. Sau khi đã lấy lại được Thăng Long thì sẽ làm gì nữa ạ ?



Theo ý Nguyễn Trãi là muốn hỏi về việc khôi phục đất nước, bởi sau khi đánh đuổi được quân Minh thì việc quan trọng cần làm là an dân, khôi phục đất nước. Nhưng Nguyễn Trãi lại quên rằng mình lại dùng đến tầm nhìn mà Phạm Thế Căng bảo là ‘thổ hào’, trong tầm nhìn hạn hẹp chỉ biết có Đại Việt, mà quên rằng Đế quốc rất hùng mạnh, sử dụng nhân tài vật lực của hơn 60 tỉnh để khôi phục Đại Việt, không thành vấn đề. Hiện tại, Đế quốc trừ Thăng Long và Thuận Hóa ra còn có 63 tỉnh khác, trong đó đất Minh Châu (Úc châu) rộng lớn chỉ được lập 1 tỉnh (vì ít dân).



Phạm Thế Căng nói :



- Còn làm gì nữa chứ ! Đương nhiên tiếp tục bắc phạt. Nhiệm vụ của bản tướng là tiến chiếm Quảng Tây.




Tiến chiếm Quảng Tây ? Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều giật mình, nhưng rồi nghĩ lại, theo lời Phạm Thế Căng thì Đế quốc đã hùng mạnh như thế, có lẽ chẳng có gì phải sợ Minh triều. Và giờ đây bọn họ mới hiểu ý nghĩa của từ ‘bắc phạt’ mà Phạm Thế Căng nói nãy giờ. Lúc trước cả hai chỉ nghĩ ‘bắc phạt’ là từ Thuận Hóa đánh ra Thăng Long, nhưng đến lúc này cả hai mới hiểu ý nghĩa thực sự của nó. ‘Bắc phạt’ là chinh phạt Bắc triều, không phải chỉ đơn giản là khôi phục Đại Việt, vì vậy mới mất đến 16 năm chuẩn bị.



Phạm Thế Căng lại nói :



- Lý Ngân đã tiến quân vào Vân Nam. Triệu Phong đã tiến đánh Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, hiện đang tấn công Kim Lăng, kinh đô của Minh triều. Chỉ có bản tướng là hơi chậm, cần phải khẩn trương hơn nữa. Bản tướng cần chiếm lĩnh Quảng Tây, sau đó phối hợp với Lý Ngân tiến quân vào Hồ Quảng.



Thấy cũng đã đủ đả kích tinh thần hai người bọn họ rồi, Phạm Thế Căng cười a a nói :



- Đây là hịch văn do Tử Tấn soạn. Các ngươi xem qua đi. À. Tử Tấn với Nguyễn Trãi thi đỗ đồng khoa thì phải ?



Nguyễn Trãi giật mình hỏi :



- Phải chăng Tướng quân nói đến Chuyết Am Lý Tử Tấn.



Phạm Thế Căng gật đầu :



- Phải đó. Y văn hay chữ tốt, được Thánh hoàng tin dùng, cho giữ chức Trưởng sử, phụ trách thảo chiếu chỉ, công văn.



Nguyễn Trãi nói :



- Vãn sinh với Chuyết Am huynh đỗ cùng khoa năm Canh Thìn.



Phạm Thế Căng đưa cho bọn họ xem tờ hịch văn do Lý Tử Tấn soạn. Hịch văn này để truyền sang đất Bắc, nên viết bằng chữ Hán, tạm dịch như sau :



“Thường nghe rằng :




Bậc minh chủ gặp nguy vong mà biến thế,



Đấng trung thần lo nạn nước mà tùng quyền.



Vậy nên :



Có người phi thường rồi mới có việc phi thường. Có việc phi thường rồi mới có công lao phi thường. Người phi thường ấy, không phải ai cũng có thể bắt chước được.



Xưa kia, Đại Tống gặp lúc vua hèn, Tần Cối dối vua hại người trung nghĩa, tác oai tác phúc. Thiên hạ lắm người oán hận nhưng không ai dám nói gì. Thế rồi hắn cũng phải chết, mang tiếng ô nhục, lưu tiếng xấu muôn đời.



Cho đến cuối thời Nam Tống, Sử Di Viễn chuyên chính, bên trong giữ quyền tể tướng, bên ngoài thống chế tam quân, lạm quyền quốc sự, quyết việc nơi Cung cấm, dưới lăng loàn, trên suy yếu, bách tính ai cũng đau lòng.



Ngày nay có gã Yên vương Chu Lệ làm càn. Cha gã là Nguyên Chương, vốn là ăn mày được Quách Tử Hưng thu nhận, nhờ tài nịnh hót mà được thừa kế chức vị, nắm quyền quân sự, làm điều yêu nghiệt, tham tàn càn rỡ, tổn thương phong hóa, tàn ngược nhân dân, bị đuổi đánh, phải chạy sang đầu phục Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi, quan bái Quốc công, vậy mà không biết đền ơn, nhờ có của tiền mua lấy chức vị, mang vàng ngọc đút lót chỗ quyền môn, trộm cắp đỉnh tư, làm nghiêng đổ cơ đồ Tống thất.



Đến gã tên Lệ, con thằng ăn mày, cháu tên tá điền, nên chẳng có nết na gì, tai quái luông tuồng, ham loạn lạc, vui trong tai vạ của bách tính.



Bản triều đây, thống lĩnh tứ hải, tảo trừ lũ hung nghịch. Gặp hồi Huệ đế yếu hèn, tên Lệ mượn cớ ‘tịnh nạn’, xin với bản triều giúp đỡ thanh quân trắc, diệt gian thần. Bản triều tưởng gã có lòng trung nghĩa, nên đã cho giữ một cánh quân, tặng lương tặng của, tưởng rằng chim ưng, chó săn cũng có chút tài khả dụng.



Nào ngờ tên Lệ là đứa ngu si dốt nát, tiến liều lùi bậy, liên miên bại trận, làm tổn quân mã, mất cả nhuệ khí tam quân. Bản triều lại phải rèn luyện quân ngũ, chinh tập lương thảo, rồi cho gã tiếp tục cử sự. Thân dê đội lốt hổ, nắm được quyền hành, những tưởng rồi gã sẽ đem thân khuyển mã để báo được những trận thua trước, cứu nạn cho bách tính Trung Nguyên.



Thế mà gã nhân được thể, dám làm trò chó vượt qua rào, hung hăng tàn bạo, chinh chiến liên miên, hại người hiền, giết người ngay. Quan cố Học sĩ Phương Hiếu Nhụ là bậc anh tài tuấn vĩ, thiên hạ đều biết tiếng, nhìn ngay nói thẳng, không lời dua nịnh, mà cũng bị gã giết hại, phanh thây giữa chợ, đầu bêu ngọn giáo, vợ con đều bị hại. Từ đó kẻ sĩ khắp nơi ai ai cũng đều tức giận, nhân dân chốn chốn càng xót xa căm hờn.



Về sau, bản triều có việc ở phương tây, nên có sai quan trưởng sử đến truyền cho gã phải an phủ dân thảo nguyên phương bắc. Thế mà gã dám ngông nghênh làm càn, đem quân cướp bóc các bộ lạc thảo nguyên, để đến nỗi dân phương bắc tụ tập báo thù, làm hại đến bách tính Trung Nguyên. Như thế tội lỗi của gã thật lớn lắm vậy.




Gã khinh thường thiên oai, bại hoại pháp chế, rối loạn kỷ cương, khuynh loát cả cõi Trung Nguyên, chuyên chế hết cả triều chính, muốn thưởng ai mặc lòng, muốn giết ai tùy ý. Yêu ai thì làm rạng đến ba đời, ghét ai thì giết cả ba họ. Ai tụ tập luận bàn thì bị chém công khai, ai bí mật dị nghị thì bị giết lén lút. Bách quan phải ngậm miệng, người đi đường chỉ đưa mắt cho nhau, không ai dám nói tiếng nào. Chức thượng thư chỉ còn biết ghi chép buổi triều hội, công khanh ngồi đứng cho có vị. Ôi thương thay ! Giận thay !



Thân ở ngôi vương mà gã quen thói trộm cướp, làm nhơ cả nước, làm nhục muôn dân, gây vạ độc địa cho cả vong hồn người chết. Chính sự thì gã tinh ranh khắc nghiệt, luật lệ đặt ra trói buộc khắp mặt, cạm bẫy chăng ra đầy đường khắp lối, khiến ai nấy giơ tay đụng phải lưới, bước chân vướng phải tròng. Cho nên dân vô tội các xứ Miêu, Việt đau khổ lầm than, tiếng rên la khắp chốn rất là ai oán. Trải xem sử sách cổ kim, những kẻ làm vua mà tham tàn khốc liệt cũng nhiều, nhưng không kẻ nào tai hại bằng tên Lệ ngày nay nữa.



Bản triều còn bận nhiều việc, chưa kịp răn trách gã, tức là còn nấn ná rộng dung, tưởng gã sẽ sửa lầm cải lỗi đi chăng ? Thế mà gã vẫn lòng lang dạ sói, manh tâm gây vạ, muốn đạp đổ pháp tắc, tàn ngược thiên hạ. Gã hãm hại người trung nghĩa, chính là gã muốn củng cố địa vị độc tài để được tự làm ác như con cú độc vậy.



Bản triều phụng oai linh Thiên đế an phủ tứ hải. Hiện nay đất Trung Nguyên lầm than, dân Trung Nguyên khốn khổ, tuy có kẻ sĩ trung nghĩa, nhưng bị bạo quân tàn ngược hiếp chế, thì còn phát triển khí tiết của mình làm sao được ? Hơn nữa, tên Lệ còn sai mấy vạn Cẩm y vệ, lùng sục khắp cõi, ngoài mặt giả thăm dò dân tình, thực chất là tàn hại bách tính. Bản triều sợ rằng sự tàn ngược đó mỗi lúc một nảy nở thêm, nên ban chiếu răn trách gã. Thế mà gã không những nhắm mắt bịt tai, lại còn dối lừa thiên sứ. Thánh hoàng nổi giận, truyền chỉ thảo phạt. Nay mai quân thiên triều bốn đường cùng tiến, thị vũ dương uy, cùng khôi phục an lạc cho cõi Trung Nguyên, cứu bách tính giữa vòng tai vạ.



Ai lấy được thủ cấp của tên Lệ, sẽ được phong vương, trấn thủ cõi Trung Nguyên. Tướng sĩ quan lại những ai đến hàng, đều miễn trừ tội cũ. Bản triều sẵn sàng mở rộng đường ân đức, ban thưởng tuyên dương cho ngay.



Nay hịch truyền ra, bố cáo thiên hạ, để tứ phương thần dân biết rằng kẻ nghịch tất bị nghiêm trừng, kẻ ác tất bị chỉnh trị. Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt.”



Đọc xong hịch văn, cả Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đều trợn tròn mắt, không ngờ hịch văn còn có thể viết như vậy. Nói như thế, tội lỗi của Minh đế ‘cao như núi, sâu như biển’ a. Phạm Thế Căng khẽ cười. Khi mới đọc hịch văn lần đầu, y cũng vậy thôi. Sau một lúc, y mới bảo :



- Được rồi. Hai ngươi đến đây làm gì ta đã biết rồi. Nếu hai ngươi có ý phụng sự triều đình, ta sẽ tiến cử hai ngươi với Thánh hoàng. Tử Tấn vẫn khen Nguyễn Trãi ngươi văn hay chữ tốt. Ngươi với Tử Tấn cùng thi đỗ đồng khoa, làm quan đồng triều là hợp quá rồi còn gì. Còn Nguyên Hãn, nghe nói ngươi không chỉ giỏi võ mà còn có mưu lược, xem ra có thể trở thành đại tướng.



Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đều cúi đầu suy nghĩ. Phạm Thế Căng cũng không giục, để yên cho cả hai suy tính.



(chú : Hàn Lâm Nhi tự xưng là Tiểu Minh Vương của nước Tống, khi Chu Nguyên Chương về đầu, được phong là Ngô quốc công).



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.