Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 53: Đối thoại – chấn kinh










Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa hạ tháng 5. Thiên Trường.



Phạm Thế Căng xử lý quân cơ sự vụ xong, quay sang nhìn 2 thanh niên tự xưng là Trần Văn và Trần Vũ kia một lượt, rồi chỉ tủm tỉm cười. Cả hai vội đứng dậy vòng tay nói :



- Tướng quân.



Phạm Thế Căng vẫn không đứng dậy đáp lễ, chỉ khẽ cười nói :



- Hai ngươi bất tất đa lễ, cũng không cần giấu diếm thân phận làm gì.



Cả hai nghe Phạm Thế Căng nói vậy, kinh hãi vô cùng. Một người ấp úng nói :



- Tướng quân biết chúng ta ?




Phạm Thế Căng cười nói :



- Ta với Ứng Long tuy không có nhiều giao tình, nhưng dù sao cũng là đồng liêu. Thần thái của ngươi khá giống Ứng Long, không khó để nhận ra. Ta cũng rất kính nể Băng Hồ Công.



Cả hai nghe nói giật mình, vội nghiêng người thi lễ, nói :



- Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn bái kiến Tướng quân.



Ứng Long là tên thật của Nguyễn Phi Khanh. Phạm Thế Căng có biết Nguyễn Phi Khanh, nên nhận ra thanh niên kia là ái tử của Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi. Trước đây Phạm Thế Căng từng nghe nói Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn kết bạn chu du khắp nơi tìm minh chủ, nên khi nhận ra Nguyễn Trãi thì cũng đoán biết người còn lại hẳn là Trần Nguyên Hãn. Băng Hồ Công là Trần Nguyên Đán, ông nội của Trần Nguyên Hãn, làm quan Tư đồ dưới thời Trần. Nguyễn Trãi là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán nên cùng Trần Nguyên Hãn cũng là thân thích.



Phạm Thế Căng cười nói :



- Bất tất đa lễ. Cứ ngồi đi.



Cả hai vâng dạ, ngồi xuống. Tuy Phạm Thế Căng chỉ ngồi trên soái vị, không hề đứng dậy chào đón, không thể gọi là lễ hiền hạ sĩ, nhưng cả hai người cũng không lộ vẻ bất mãn hay có ý không vui. Sách “Tang thương ngẫu lục” có chép rằng hai người ‘ra mắt’ Lê Lợi đến 2 lần : lần đầu, hai người đến và bỏ về sau khi thấy Lê Lợi xé thịt bằng tay và đưa lên miệng ăn ngay trong ngày giỗ; lần thứ hai, hai người mới ở lại sau khi thấy Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư. Điều đó chứng tỏ cả hai đều nghiêm khắc với việc chọn minh chủ để phò tá. Có điều Phạm Thế Căng khác Lê Lợi. Lê Lợi chỉ là thổ hào ở vùng Lam Sơn, trước khi khởi nghĩa thì danh vọng không lớn. Còn Phạm Thế Căng là ‘đệ nhất danh tướng’ của Đại Việt, vị cao quyền trọng. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn lúc này chỉ là những thanh niên có chí lớn, chưa trở thành hiền thần hay danh tướng, thân phận không thể sánh bằng Phạm Thế Căng. Hơn nữa, Phạm Thế Căng cùng với Nguyễn Phi Khanh là đồng liêu, đó cũng là sự thật. Thậm chí, thân phận địa vị của Phạm Thế Căng so với Nguyễn Phi Khanh còn cao hơn, và so với các con của Trần Nguyên Đán cũng cao hơn hẳn. Các con của Trần Nguyên Đán chỉ được làm Tướng quân bình thường; còn Phạm Thế Căng tổng lĩnh Nam Trấn, cai quản 3 phủ Thuận Hóa, Tân Bình và Thăng Hoa, là biên cương trọng thần, được quyền tự chiêu mộ binh mã (các tướng khác tự chiêu mộ binh mã sẽ bị xem như là tạo phản). Do đó Phạm Thế Căng xem bọn Nguyễn Trãi là hậu bối cũng không có gì là không phải, nhất là lúc này, sau khi chiếm được Thiên Trường, thanh thế và danh vọng đều tăng cao.



Bọn Nguyễn Trãi ngồi xuống rồi, Nguyễn Trãi mới hỏi :



- Tướng quân nay đã chiếm được Thiên Trường rồi, không biết khi nào ra lấy lại Đông Quan ?



Phạm Thế Căng nói :



- Đông Quan ? Ý ngươi muốn nói Thăng Long. Đông Quan là tên của họ Hồ gọi, bản triều vẫn gọi nó là Thăng Long. Triều đình đã ban chỉ, lấy đất từ Trường Yên đến Lạng Giang thành lập tỉnh Thăng Long, lấy Thăng Long Thành làm trị sở. Bản tướng đương nhiên phải lấy lại Thăng Long. Bọn Trương Phụ hiện chỉ còn lại một ít quân đội, không phải lo.



Nghe Phạm Thế Căng nhắc đến điều mà bọn họ vẫn thắc mắc bấy lâu, Nguyễn Trãi vội hỏi :



- Xin hỏi Tướng quân, triều đình ở đâu ạ ? Triều đình đã lập, sao không chiếu cáo thiên hạ ?




Phạm Thế Căng khẽ cười, nói :



- Triều đình không phải mới lập. Chúng ta phò tá Thánh hoàng, thành lập đạo quân đầu tiên vào năm Mậu Dần ở Kiềm Châu, hành doanh đặt ở Thánh Sơn. Đến năm Canh Thìn, cũng là năm Quý Ly xưng đế, Thánh hoàng đã dời hành doanh đến Hóa Châu, đồng thời thành lập Hải quân. Đến năm Quý Mùi, bản triều xây dựng An Phú Thành, Thánh hoàng lại dời hành doanh đến đó. Sang năm sau, Thánh hoàng chính thức chọn Gia Định Thành làm kinh đô, dời triều đình đến Gia Định. Bản triều đã chuẩn bị bắc phạt từ khi còn ở Kiềm Châu, đương nhiên không thể phô trương để cho giặc Ngô biết mà đề phòng. Đâu có như bọn Giản Định, Trùng Quang, chỉ có một ít binh mã mà đã huênh hoang tự xem mình là Thiên tử, rồi lại còn sợ thiên hạ không ai biết.



Bọn Nguyễn Trãi nghe Phạm Thế Căng nói thế, càng thêm ngơ ngác. Nguyễn Trãi từng đọc rất nhiều sách, có thể nói là tinh thông ‘thiên văn địa lý’ (Nguyễn Trãi từng viết quyển ‘Dư Địa Chí’, đương nhiên là khái niệm ‘thiên văn địa lý’ của nhà nho thời bấy giờ), nhưng chưa từng nghe đến An Phú, Gia Định. Do vậy liền hỏi :



- Tướng quân. Gia Định ở đâu ạ ?



Phạm Thế Căng nói :



- Hiện chúng ta đang ở tỉnh Thăng Long. Phía nam, từ Thanh Hóa đến Hóa Châu là tỉnh Thuận Hóa. Phía nam Thuận Hóa, phần lãnh thổ của Chiêm Thành trước đây kể luôn đất Thăng Hoa gọi là tỉnh Phú Yên. Phía nam tỉnh Phú Yên chính là tỉnh Gia Định. Gia Định Thành là trị sở của tỉnh Gia Định, và cũng là kinh đô của bản triều.



Nguyễn Trãi ngạc nhiên hỏi :



- Vậy ra triều đình đã diệt Chiêm Thành ?



Phạm Thế Căng gật đầu nói :



- Chiêm Thành nhiều lần quấy nhiễu Thuận Hóa, nên bản triều đã diệt hẳn Chiêm Thành để tuyệt hậu hoạn. Đương nhiên giờ đây dân Chiêm đều đã trở thành thần dân của Đế quốc.



Nguyễn Trãi lại hỏi :



- Tướng quân. Triều đình đóng đô thiên nam, không phải khó trị nước lắm sao ? Triều đình có định sau này sẽ thiên đô về Thăng Long ?



Phạm Thế Căng bật cười nói :



- Cái gì mà thiên nam. Các ngươi vẫn không bỏ được tư tưởng thổ hào rồi, chỉ biết được mấy tấc đất quanh nhà mình mà thôi. Cương thổ Đế quốc rộng mênh mông. Trong cương thổ Đế quốc, kinh đô của bản triều thiên bắc và thiên đông đấy. Ở phương nam, chỉ riêng đất Minh Châu cũng lớn gấp đôi cương thổ của Minh triều. Từ Gia Định đi đến vùng cực nam của Đế quốc còn xa hơn từ Gia Định đi đến vùng cực bắc của thảo nguyên Mông Cổ nữa đấy. Như thế mà gọi là thiên nam sao ?



Bọn Nguyễn Trãi chấn kinh không sao kể siết. Khái niệm thiên hạ của bọn họ chủ yếu chỉ là đất Trung Hoa và Đại Việt, miễn cưỡng kể thêm Chân Lạp, Chiêm Thành, Ai Lao, Mông Cổ, Triều Tiên. Còn theo như lời Phạm Thế Căng, cương thổ của Đế quốc chẳng phải rất lớn, lớn hơn cả Minh triều, là một siêu cấp Đế quốc. Nguyễn Trãi cảm thấy đầu óc loạn cả lên, những tri thức đã học trước đây xem như vô dụng cả. Trần Nguyên Hãn thì đỡ hơn, bởi chẳng nghiên cứu sâu về ‘thiên văn địa lý’, nên trấn tĩnh hỏi :




- Xin hỏi Tướng quân. Cương thổ Đế quốc rộng đến mức nào ạ ?



Phạm Thế Căng ngẫm nghĩ giây lát, đoạn hỏi :



- Các ngươi biết các xứ Thiên Trúc, Ba Tư chứ ?



Trần Nguyên Hãn cau mày, Nguyễn Trãi đã định thần lại, gật đầu nói :



- Biết ạ. Phía tây Trung Hoa là đất Tây Vực, phía tây của Tây Vực là Thiên Trúc, lại đi về phía tây nữa là đến đất Ba Tư.



Phạm Thế Căng cười hỏi :



- Nếu đi về phía tây nữa thì sao ?



Nguyễn Trãi cố ngẫm nghĩ, cố nhớ lại kinh sách, hồi lâu mới nói :



- Theo cổ thư ghi lại thì phía tây Ba Tư là Đại Tần, đó là một nước rất lớn. Thời Hán từng sai Trương Khiên đi sứ sang các nước phía tây, nhưng cũng chỉ đi được đến các nước ở Tây Vực. Đến thời Đường, mới có Tam Tạng Thiền sư đi được sang đến Thiên Trúc. Chuyện về các xứ Ba Tư, Đại Tần chỉ do các thương nhân Tây Vực kể lại.



Phạm Thế Căng gật đầu :



- Đại Tần chính là Âu châu, ngày trước gọi là La Mã, ở về phía tây xứ Ba Tư. Cương thổ Đế quốc theo hướng bắc - nam, khi nãy bản tướng đã nói qua rồi. Còn theo hướng đông – tây, nếu lấy Gia Định Thành làm chuẩn, xem khoảng cách từ Gia Định Thành đến nam Thiên Trúc là 1 đoạn, thì từ nam Thiên Trúc đi sang phía tây một đoạn tương đương nữa là đến xứ Somali, rồi lại đi tiếp về phía tây bắc một đoạn tương đương nữa là đến A Lạp Bá, nơi đó cũng vẫn là cương thổ của Đế quốc. A Lạp Bá nằm về phía tây nam xứ Ba Tư, phía nam Âu châu. Còn về phía đông thì bản tướng cũng không rõ hiện đã mở mang đến đâu rồi, nhưng có lẽ ngắn hơn một chút.



Càng nghe nói ý nghĩ của bọn Nguyễn Trãi càng hỗn loạn, không thể tưởng tượng ra cương thổ Đế quốc rộng đến mức nào. Bọn họ chỉ có khái niệm Thiên Trúc rất xa, còn Ba Tư thì rất rất xa, nhưng xa như thế nào thì vẫn không có khái niệm rõ ràng. Tuy vậy, bọn họ đều không phải người thường, nhanh chóng bỏ qua chuyện đó, chỉ cần biết được Đế quốc rất rộng lớn, rất hùng mạnh là được rồi.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.