Mọi người có phản ứng không đồng nhất, trên lý trí Tiểu Bảo biết đây là việc tốt, nhưng trên tình cảm thì hiển nhiên không thấy đi học có gì tốt cả, nó một mặt vui mừng, một mặt cũng hả hê vì về sau anh hai sẽ phải ngoan ngoãn ngồi trong lớp nghe giảng và làm bài tập như mình.
Tiểu Viễn hiểu biết hơn con nhỏ nhiều, cho dù năm đó khi Ngụy Khiêm bỏ học nó còn bé tí, nhưng nó thật sự cảm nhận được sự tuyệt vọng và đau buồn Ngụy Khiêm kìm nén trong lòng, cho nên nó ôm một chút hi vọng ngẩng đầu nhìn cô Lý, vui mừng khôn xiết như trẻ thất học được cứu trợ vậy.
Mà phản ứng mạnh nhất lại là bà Tống, bà Tống sống còn lâu hơn cả ba anh em cộng lại, đã trải qua quá nhiều chuyện rồi.
Bà lão phát hiện, khi ngồi trước mặt cô Lý này, khí chất của Ngụy Khiêm thay đổi hẳn, gã có vẻ nhã nhặn lịch sự, lễ phép mà đối đáp khéo léo, trông chững chạc hơn xa bạn bè cùng trang lứa, khuôn mặt điển trai, không còn như phường lưu manh, lộ ra tuổi xuân phơi phới vốn bị phủ bụi.
Thiếu niên tuổi xuân tươi đẹp rực rỡ như lửa.
Một ý tưởng thoáng qua trong lòng, bà Tống kịp thời quyết định, thầm nghĩ thằng bé này nên đi học.
Riêng mình Ngụy Khiêm, nghe cô Lý nói chỉ hơi ngẩn ra, một lúc lâu vẫn chưa ngước lên, gã nở nụ cười nhẹ nhàng, phản ứng bình thản: “Cảm ơn cô, nhưng… khụ, con người em, trời sinh đã không muốn đến trường, chắc không thích hợp để đi học…”
“Mày sợ không có tiền đóng học phí?” Bà Tống đột nhiên ngắt lời.
Ngụy Khiêm sầm mặt nhìn chiến hữu ngu như heo một cái, nếu không phải không tiện thô lỗ trước mặt cô Lý thì gã dám đập đũa ngay tại đây – khóc than trước mặt giáo viên là có ý gì?
Muốn được cảm thông hay dày mặt lợi dụng tình cảm của người ta để xin giúp đỡ? Mặt dày cũng phải có mức độ thôi chứ?
Nhưng bà Tống không thèm đếm xỉa, lăn lộn ăn vạ bà còn làm được huống chi là thể diện? Thể diện là cái khỉ gì? Có ăn được không?
Vì thế một lần nữa bà tranh nói trước cô Lý: “Không sao, mày cứ đi học đi, bà còn chưa già, bà vẫn làm được. Bà bán từ sáng đến tối ở giao lộ, một ngày có thể bán mấy trăm trứng, mày tính xem, kiếm được không ít tiền chứ? Hai đứa nó còn nhỏ, chưa đến lúc cần tiêu xài, chi phí phụ cho tiểu học một năm chẳng đáng bao nhiêu, cùng lắm là nộp thêm ít tiền sách vở thôi, mày cứ yên tâm mà đi học.”
Ngụy Khiêm liếc trộm vẻ mặt cô Lý, vừa lặng lẽ nghiến răng vừa gượng ra nụ cười vô hại và hơi xấu hổ: “Không, thật ra không phải do kinh tế…”
Gã cố gắng giữ phong độ như chủ tịch hội học sinh, bà Tống lại lợi dụng điểm này để lớn tiếng ngắt lời, bà dùng chất giọng luyện từ việc chửi đổng bảo với cô Lý: “Cô giáo à, cảm ơn cô lắm, cô chính là ân nhân của nhà tôi, chỉ cần để thằng bé này được quay lại trường thôi, còn học phí cứ để bà già này lo, mai mốt dù thi đại học cũng được, trẻ con chỉ cần bản thân có triển vọng thì không thể trễ nải, đúng không ạ? Ôi… cô nói, thằng bé thật sự có thể…”
Cô Lý đẩy kính cười nói: “Bác gái, bác cứ yên tâm, cháu làm người dạy học cả đời, không quyền không thế, cũng chỉ có thể hoàn thành việc nhỏ như vậy, thật tiếc cho một cậu bé ngoan, khi đó thành tích của em ấy rất tốt, vào đến top 10 cơ – phải chứ Ngụy Khiêm? Vài hôm nữa cô bảo thầy đi lo liệu, giải quyết xong xuôi chờ hết hè khai giảng là em có thể trực tiếp nhập học, kinh tế có khó khăn gì cứ nói với cô, cùng lắm thì mai kia giỏi giang có tiền trả cô sau cũng được.”
Bà Tống vui mừng quá đỗi, thiếu điều muốn chắp tay cảm ơn cô Lý: “Ôi! Đúng thế! Cảm ơn cô lắm! Thật sự cảm ơn cô lắm!”
Bà Tống một mình reo hò, lấy ưu thế tuyệt đối hoàn toàn chiếm lĩnh quyền lên tiếng.
Tiểu Bảo chỉ biết ăn cơm, Ngụy Chi Viễn nhìn người này lại nhìn người kia, rốt cuộc vẫn cẩn thận gắp một miếng thịt bỏ vào bát anh hai – nó nhìn thấy gân xanh sau gáy anh hai muốn lồi ra luôn.
Cơm nước xong cô Lý liền cáo từ, Ngụy Khiêm vốn định tiễn một đoạn, tiện thể cảm ơn ý tốt của cô và khước từ chuyện hoang đường là “một lần nữa lăn về học cấp ba”, nhưng nào ngờ gã mới đứng lên, còn chưa kịp đứng thẳng, thì bà khọm già thất đức kia đã bất ngờ cho gã một cú Liêu âm cước(1).
Ông anh ở ngay trước mắt hai đứa em, nhảy vọt lên tới độ cao chưa từng có, nhục nhã khép chân lại, vội né tránh như một con thỏ bị hoảng sợ, sau đó cánh cửa đóng “sầm” lại trước mặt cả ba, bà Tống đã hớn hở chạy theo tiễn cô Lý, động tác mau lẹ thật sự chả giống bà già bảy tám mươi chút nào.
Sau hai giây im lặng, Ngụy Khiêm nạt Tiểu Bảo: “Mụ phù thủy bà nội mày muốn chết hả?!”
Tiểu Bảo nhìn gã vừa mù mờ vừa vô tội, lau mồ hôi vã ra do ăn cơm, nói: “Anh, em muốn ăn kem!”
Ngụy Khiêm: “Ăn cái đếch, rửa bát đi!”
Tiểu Bảo đành phải ấm ức đi rửa bát, Ngụy Chi Viễn ở bên cạnh lại mở miệng quan tâm: “Anh, có đau không ạ?”
Ngụy Khiêm: “…”
Vì thế Ngụy Khiêm lại chĩa đầu đạn vào nó: “Câm miệng và cút đi lau bàn!”
Ngụy Chi Viễn liền cút đi lau bàn, trước khi lau còn tự cho là thông minh lấy thuốc mỡ Ngụy Khiêm thường dùng trên cái tủ ở đầu giường đem bỏ trước mặt gã, cúi đầu cười trộm rồi chạy mất trước khi giông tố hoàn toàn nổi lên mặt anh hai.
Sắc mặt điên tiết của Ngụy Khiêm bình tĩnh lại, gã thở nhẹ một hơi, nằm chổng vó trên cái ghế bình thường Tiểu Viễn vẫn ngồi làm bài tập, chân ghế ngắn còn chân gã thì dài, đành phải uất ức co lại.
Trống ngực dữ dội bình ổn lại, thực ra chính bản thân Ngụy Khiêm hiểu rõ, nếu gã thật sự không hề muốn đi học, thật sự ghét trường lớp như mình nói, thì đã chẳng mời cô Lý về nhà ăn cơm.
Bà Tống khốn nạn kia có chua ngoa hơn thì cũng chưa cao tới ngực gã, nếu một gã trai trẻ thật sự muốn hành động, bà Tống có thể ngăn lại sao?
Điều đó là không thể.
Trong thâm tâm gã muốn quay về trường, dù rằng giấc mộng phòng thí nghiệm lúc nhỏ đã nát bét tới mức không chắp dán nổi, nhưng bằng cấp vẫn là thứ gã ngóng trông mà không chạm tới.
Bất kể là bằng cấp thế nào, dẫu mai này gã thi vào một trường đại học như hạch, nhưng cầm bằng tốt nghiệp trong tay, mới có thể cho gã một xuất phát phấn đấu như đại đa số, gã không dám chờ mong điều khác, chỉ muốn lên chiếc xe lửa có thể chạy đến điểm xuất phát thôi.
Quá khó khăn khi dùng chân đuổi theo bánh xe chạy trên đường ray.
Gã thật sự chỉ muốn một chút hi vọng kia mà thôi.
Nhưng nếu gã đi rồi thì ai nuôi gia đình? Ai giúp gia đình qua ngày?
Chưa đầy nửa năm nữa là Ngụy Khiêm sẽ tròn mười tám, với xã hội thì gã đã là người lớn có thể tay làm hàm nhai, gã có tay chân lẫn sức vóc, chẳng ai thông cảm cho gã vì nghèo khó, cũng chẳng ai cứu trợ cho người như gã – trên thế giới này, người cần cứu trợ vĩnh viễn nhiều hơn số tiền cứu trợ.
Dựa vào mấy đồng tiền lẻ từ việc bán trứng của bà già kia để đi học sao? Có đánh chết gã cũng không làm được.
Vả lại, cô Lý là người tốt, sẵn lòng giúp gã, coi như số gã may mắn. Nhưng cô Lý có nghĩa vụ giúp gã lo cho gia đình, giúp gã lén hỗ trợ mẹ Mặt Rỗ sao?
Tầm hai mươi phút sau, bà Tống quay lại, chớp mắt khi cửa mở, Ngụy Khiêm đã chuẩn bị sẵn sàng để chửi ầm lên.
Gã vốn muốn nói: “Bà đâu phải bà nội tôi, mụ khọm già như bà là cái thá gì, quản được chuyện của tôi hả? Mẹ kiếp đây là nhà tôi, tôi quyết định, bớt làm bộ làm tịch trước mặt ông đi!”
Thấy câu này khá dài, lại còn cần nói liên tục, Ngụy Khiêm đã hít sâu một hơi sẵn sàng, nhưng khi nhìn thấy vẻ vui mừng chưa kịp mất đi trên mặt bà Tống lúc mở cửa bước vào, gã chẳng thốt được lời nào nữa.
Bà Tống cho rằng đi học là một việc cực kỳ vẻ vang và vinh quang, người có học thức nhất ở quê mà bà biết là bí thư chi bộ thôn có bằng cấp hai.
Bà đang dùng một cách cực kỳ thô lỗ để thử đối tốt với gã.
Ngụy Khiêm rốt cuộc từ từ thở ra một hơi vừa hít vào, kèm thêm sự hung ác trong ngũ tạng lục phủ, nghe như một tiếng thở dài vậy.
Ngụy Khiêm vẫy tay gọi Tiểu Bảo và Tiểu Viễn, cho mỗi đứa một cây kem rồi đuổi vào phòng làm bài tập hè.
Tiểu Bảo vốn không vui khi mới ngày đầu nghỉ hè đã phải làm bài tập, sau đó nghe anh hai bảo Tiểu Viễn đi cùng mình, lập tức liền quên băn khoăn chuyện bài tập, dè dặt ngẩng đầu nhìn Ngụy Chi Viễn.
Dù rằng khuôn mặt Ngụy Chi Viễn không có cảm xúc gì, Ngụy Khiêm lại nhận ra sự không vui của nó, vì thế nhấn giọng: “Đi đi, thích ăn gì thì ăn, ngoan nào.”
Ngụy Chi Viễn biết anh hai và bà có việc cần trao đổi, không muốn để nó nghe thấy, nhưng nhà bé tí, trừ đuổi tụi nó vào phòng thì không còn nơi khác, vì thế nó dừng một chút, xua tay từ chối cây kem Tiểu Bảo lấy cho, đoạn quay lưng đi vào bếp, trở tay đóng cửa rồi cao giọng nói vọng ra: “Để em bổ dưa hấu!”
Tiểu Bảo cực kỳ thất vọng, cầm kem chần chừ rất lâu trước cửa bếp, rốt cuộc vẫn bị cánh cửa méo mó thiếu chắc chắn chặn bên ngoài, đành phải quay về phòng mình, cảm thấy kem bơ đậu đỏ cũng chẳng còn ngon lành gì.
Lần này Ngụy Khiêm thật sự phải thở dài – hai đứa em gã đều bất thường như vậy, em trai là một con lừa bướng bỉnh thà chết không chịu quay đầu, em gái thì… Ôi thôi đừng nói nữa, rõ là một đứa ngốc tới khác người.
Cái nhà này rời gã ra thì phải sống sao đây?
Ngụy Khiêm bỏ chân xuống, lưng cong lại, một tay đặt lên thành ghế, khuỷu tay kia thì chống đầu gối, che nửa mặt, nói với bà Tống bằng giọng điệu ôn hòa hiếm thấy: “Bà có biết trường tôi một năm tốn bao nhiêu tiền không?”
Bà Tống giơ bốn ngón tay: “Cô giáo mày bảo một năm bốn trăm, khoản tiền này chúng ta có.”
Khoản tiền này đương nhiên có, lúc Ngụy Khiêm làm đả thủ cho Nhạc Hiểu Đông, mỗi tháng Nhạc Hiểu Đông cho gã một ngàn rưỡi, thuốc xịn rượu ngon lấy tùy tiện, vào lúc đó cũng coi như thu nhập khá cao. Gã cũng tích góp được ít nhiều, khoản học phí bốn trăm đồng quả thật có, nhưng học phí vẫn chỉ là chuyện vặt, những khoản chi tiêu khác thì sao?
Ngụy Khiêm xoa tay, lúc này gã thật sự rất muốn hút thuốc.
“Cái… Cái trường ban đầu tôi học, thời gian nghỉ trưa rất ngắn, buổi tối phải tự học, quản lý hoàn toàn khép kín, một ngày phải ở trường 12 đến 13 tiếng, không thể nào vừa học vừa làm được. Chúng tôi được yêu cầu một ngày ba bữa phải ăn ở trường, tiết kiệm nhất thì một tháng cũng phải mất một trăm năm mươi đồng, sách vở và các khoản khác cũng tốn kém không ít, tạm thời khoan tính đến. Ở nhà thì sao, ba bà cháu mua rau mua thịt – đúng, tôi biết nấu cơm ở nhà thì tiết kiệm hơn, nhưng hai đứa nhãi đó mấy tuổi? Đang trong giai đoạn cả xương lẫn thịt cùng phát triển, tuyệt đối không thể bớt tiền cơm, lại thêm tiền điện nước và rất nhiều những thứ khác, nếu một tháng hai trăm thì cả nhà sẽ phải thắt lưng buộc bụng.”
Ngụy Khiêm ngước mắt lên: “Bà hãy nói xem, ba trăm năm mươi đồng này bà kiếm ở đâu? Bớt đi chi phí, tiền điện tiền nước, bà bán một quả trứng có kiếm được năm xu không? Một tháng bà bán nổi bảy ngàn quả trứng không? Bà tưởng trứng của mình là do gà trống đẻ chắc?”
Bà Tống lặng thinh, một lát sau mới ngụy biện yếu ớt: “Tao bán một ngày cũng không ít đâu, có thể tới mấy trăm quả…”
“Tôi mua tới mấy trăm quả trứng của bà.” Ngụy Khiêm cười khổ, thao thao bất tuyệt một lúc khiến miệng hơi khô, gã dịu giọng nói với bà Tống, “Đừng làm trò nữa, tình hình buôn bán tôi không biết chắc, từ sáng đến tối bán được sáu bảy mươi quả là xem như đắt hàng rồi.”
Bà Tống: “Ôi mày thì biết cái gì, bà già này bán ve chai cũng kiếm được tiền, nào giấy nào hộp… đúng, còn cả chai, lon…”
“Cứ coi như mỗi tháng bà làm việc quần quật kiếm được ba trăm năm mươi đồng, nhưng lỡ đâu có việc khác thì sao?” Ngụy Khiêm cắt ngang, “Bà không còn trẻ trung gì nữa, tôi nói một câu hơi khó nghe, ngộ nhỡ có tai nạn phải nằm viện thì sao? Bà có bảo hiểm không? Hơn nữa, xem như tôi và bà đều có thể miễn cưỡng, nhưng lỡ trường tụi nhỏ có tổ chức hội chơi xuân, người khác đều mua quần áo mới và đồ ăn vặt, bà bảo tụi nó cũng phải chịu tạm à? Tiểu Bảo là con gái, bây giờ chưa biết gì thì thôi, một hai năm sau biết đẹp xấu rồi, chẳng lẽ bà cũng tính để nó mặc quần áo rách rưới không ngẩng nổi đầu trước mặt bạn bè?”
Bà Tống nghe thế, không biết cớ làm sao mà đột nhiên chớp mắt, rồi thình lình rơi lệ lã chã.
Ngụy Khiêm nói đúng, bà hiểu đây là thành phố chứ không phải vùng quê khỉ ho cò gáy kia, ở quê đồng ruộng bạt ngàn, con nít nhà nào cũng lăn lộn trong bùn mà lớn lên, chẳng đứa nào mất mặt hơn đứa nào, nên không có gì đáng nói cả.
Nhưng ở thành phố, người ta đều dùng xe xịn, ăn mặc chải chuốt, nghèo là không có lối thoát.
Thằng bé này khổ đến mức nào!
Mà bà chỉ là một bà lão neo đơn, chẳng có tài cán chi, giỏi mỗi trồng rau, tiếc rằng ở cái thành phố bê tông cốt thép này, đến cả vườn rau rộng hai thước cũng không tìm được.
Ngụy Khiêm vốn đang lo ngay ngáy, chợt thấy bà Tống rơi nước mắt, trong một hai giây cũng chẳng nói được gì.
Sau đó, thiếu niên bình tĩnh lại với tốc độ khó tin, gã im lặng đứng dậy, xé một đoạn từ cuộn giấy trên bàn đưa cho bà lão, dùng phong thái và sự bình tĩnh của trụ cột gia đình chân chính, nói: “Đừng khóc nữa, tôi nói đều là sự thật cả thôi.”
Bà Tống càng khóc nấc lên.
Ngụy Khiêm mặc cho bà lão khóc một hồi, rốt cuộc hết nhịn nổi: “Đủ chưa bà già, khóc lóc hoài, có xui xẻo không? Có chuyện thì cứ nói, việc chi mà phải khóc?”
Bà Tống thấy gã lại mất đi văn minh và thể diện, quen thói nói năng thô lỗ, liền khom lưng rút giày nện Ngụy Khiêm chan chát: “Thằng ôn con này! Thằng ôn con vô lương tâm này, tao đánh chết mày! Mày muốn làm lưu manh đúng không? Muốn làm cu li đúng không? Tao đánh chết mày cho rồi!”
Ngụy Khiêm đương nhiên không thể bị một cái đế giày đánh chết, gã cũng chẳng thèm trốn, bèn rụt vai dùng tay che mặt mặc bà già đánh cho hả giận.
Đồng thời, Ngụy Khiêm không định cùng bà lão trút hết những cảm xúc hoàn toàn vô nghĩa, gã vắt óc tìm kiếm đường ra giữa cảnh lộn xộn thế này.
Bụi gai kín lối, mà hi vọng tựa một thớt ngựa muốn lao đi như chim, chỉ có cái đuôi hơi quấn đầu ngón tay gã.
–
- Liêu âm cước là một ngón đòn nên mình để vậy luôn, ờ thì là đá vào cái chỗ mà không cẩn thận là khỏi sinh con luôn á!