Đại Ca

Chương 20




Tiểu Bảo nằm viện suốt một tuần.



Hôm con bé vào viện tuyết phủ kín thành phố, lúc xuất viện lại đột nhiên tăng mười mấy độ, ngày xuân hoa nở sắp đến rồi.



Bà Tống ở nhà làm một tô sủi cảo.



Tiểu Bảo phát hiện, mối quan hệ giữa anh hai và bà nội từng gườm gườm nhau đã dịu đi như kỳ tích, mà nó đau ốm như vậy, Tiểu Viễn cũng không thể khó dễ với nó nữa, lấy bài học ghi chép mấy ngày nay đem cho mượn.



Trong căn nhà cũ kỹ một buồng ngủ và một phòng khách nằm trên tầng ba của khu chung cư lâu đời, bỗng hơi giống nhà hơn.



Nhạc Hiểu Đông chết rồi, thù hận tích tụ trong lòng Ngụy Khiêm hình như cũng mất đi theo, tinh thần dường như thay đổi không ít… Thay đổi chỗ nào thì Tam Béo cũng không nói được, chỉ cảm thấy gã không còn hung ác nữa.



Bất kể thế nào, đây đều là việc tốt.



Trước khi đi đón mẹ Mặt Rỗ xuất viện, Tam Béo xách cuốc cùng Ngụy Khiêm đến cửa nhà Mặt Rỗ.



Tam Béo nhổ hai bãi nước bọt vào bàn tay, đào bới dưới gốc cây một lúc: “Thằng nhãi Mặt Rỗ kia, mạng Thổ cầm tinh con chuột, cái gì cũng chôn xuống đất, chắc chắn có để lại đồ – Ôi, cụ Khiêm, cụ có thể đừng khoanh tay đứng nhìn chứ? Có thể di giá đến, dùng đôi tay tôn quý giúp Lão Trư không?”



Ngụy Khiêm phủi bùn trên giày, chẳng buồn ngẩng đầu nói: “Nhị sư đệ, sư phụ cho đệ cơ hội giảm béo, thì mẹ kiếp đừng lắm lời, đào cho bớt mỡ đi.”



Nói xong gã lấy một điếu thuốc nhét vào miệng rồi châm, sau đó cắm xuống gốc hòe, vỗ vỗ thân cây: “Lâu lắm rồi không được nếm nhỉ? Không phải thuốc xịn, dùng tạm đi vậy.”



Cây hòe lặng lẽ đứng đó, reo vang xào xạc trong gió nhẹ cùng điếu thuốc hơi xiêu vẹo.



Thật sự hơi giống Mặt Rỗ, luôn im lặng đứng đó, ai nhìn mình thì cười ngây ngô với người đó, không hỏi thì chẳng lên tiếng.



Tam Béo nhanh chóng đào được số tiền chôn dưới đất, trong bao thư bọc ni lông còn kẹp một tờ giấy, nói gã sẽ đi xứ khác, đành phải dày mặt gửi gắm mẹ mình cho hai người anh em… chữ “gắm” trong “gửi gắm” còn viết sai nữa chứ.



Ngụy Khiêm và Tam Béo bàn bạc qua, quyết định giấu chuyện Mặt Rỗ đã chết, đưa tiền và tờ giấy cho bà mẹ, thống nhất cách nói, bảo với mẹ Mặt Rỗ là để kiếm tiền chữa bệnh cho bà, Mặt Rỗ đã theo một đoàn người đi làm ăn, sang Campuchia buôn cà phê… Chuyện đi Campuchia là do Tam Béo nghĩ, xem như đến nơi đất khách quê người, đúng như trong thư nói.



Mẹ Mặt Rỗ phải cắt một tay một chân, xem như tàn tật rồi, theo quy định có thể xin trợ cấp, tiếc rằng việc này không hề dễ, còn cần quá trình khai các loại chứng từ và chạy thủ tục lâu dài – nếu không năm đó Ngụy Khiêm cũng có thể xin với danh nghĩa trẻ vị thành niên, chỉ là lúc ấy quá tốn thời gian, gã không đủ sức và lòng, chạy không nổi.



Bây giờ gã và Tam Béo đều có lòng có sức, việc này lại vẫn không làm nổi, bởi vì không qua được cửa mẹ Mặt Rỗ.



Khi Ngụy Khiêm thử nhắc tới việc này, mẹ Mặt Rỗ kiên quyết cho rằng mình đã có một thằng con trai gần trưởng thành, hơn nữa có khả năng lao động, bây giờ tuy con không ở đây, nhưng là đi nước ngoài làm ăn, kinh tế có chỗ cậy nhờ, không nên rắp tâm lừa gạt tiền trợ cấp của nhà nước.



Giác ngộ của bà quả thực cao tới mức khiến Ngụy Khiêm phải đau đầu, vì thế lúc về gã nện cho Tam Béo một trận.



Đều do tên béo chết toi này nghĩ cách dở hơi, bịa chuyện ngu xuẩn, tự ôm đá đập vào chân mình.



Ngụy Khiêm không quay về hộp đêm nữa, gã thậm chí không quan tâm sau khi Nhạc Hiểu Đông chết thì tài sản do ai lo liệu.



“Tiểu Ngụy ca” đã mai danh ẩn tích, rửa tay chậu vàng theo Nhạc ca đã chết, gã làm đả thủ cực yên phận, ai cũng biết gã chỉ là một con chó Nhạc ca nuôi để cắn người, răng bén hơn thì cũng chẳng ai thèm chú ý, họ còn cả tá việc khác cần đánh vỡ đầu nhau.



Ngụy Khiêm nhờ ba Tam Béo tìm cho công việc đếm hàng trong một công xưởng – à, nói trắng ra thì là khuân vác ấy mà.



Công nhân thời vụ, tính tiền theo sản phẩm, chỉ dùng đến thể lực, bao bữa trưa, mỗi người hai cái màn thầu, Ngụy Khiêm chưa làm được bao lâu đã rộp hết tay, cả ngày bẩn lem nhem, còn phải xem sắc mặt người ta.



Cuộc sống của đả thủ “Tiểu Ngụy ca” chớp mắt đã thành hoa trong gương trăng đáy nước.



Ngày thứ ba kể từ khi bắt đầu làm việc này, Ngụy Khiêm ngồi ven đường dùng kim khêu mấy vết rộp trên tay, trong lòng bình tĩnh đến mức chính bản thân cũng cảm thấy kinh ngạc. Gã từng cho rằng, cuộc sống như vậy sẽ đè còng tấm lưng trai trẻ của mình, vừa nghĩ đến khoảng cách như mười vạn năm ánh sáng giữa dáng vẻ này với bốn chữ nổi bật hơn người, liền cảm thấy tim như bị dao cắt.



Nhưng mà không hề.



Hiện giờ tâm tình muốn “nổi bật hơn người” đó vẫn chưa thay đổi mảy may, gã vẫn là một kẻ ham tiền dù nằm mơ cũng muốn kiếm thật nhiều, vẫn cần tiền để nuôi gia đình qua ngày, nhưng có lẽ đã từng chứng kiến đủ phù hoa, trải qua sự sống chết khắc sâu vào xương cốt, nên lòng gã bất giác đã chùng xuống rất nhiều.



Trong việc này thì người vui mừng nhất chính là bà Tống.



Dù Ngụy Khiêm mỗi ngày bị người ta chửi như con, bà lão cũng vui mừng thở phào vì gã rốt cuộc đã “bước lên đường ngay”. Bà già xuất thân nông dân, chẳng cảm thấy việc thể lực có gì không tốt, kiếm ăn bằng sức mình, ấy là đạo lý hiển nhiên. Làm công nhân, cho dù ăn rau ăn mắm, cũng tốt hơn chán đeo vàng dát bạc ra vào hộp đêm.



Trong lúc chủ quan cho rằng Ngụy Khiêm có tương lai rực sáng, bà Tống rốt cuộc cũng phát hiện cậu nhóc này còn chưa đầy mười tám tuổi mà đã phải chèo chống cả một gia đình, vì thế tốt với gã hơn.



Bà lão chẳng biết kiếm đâu ra thuốc mỡ dùng cho vết thương, lén đặt lên chiếc tủ ở đầu giường Ngụy Khiêm, hơn nữa để phụ thêm chi phí sinh hoạt, mỗi sáng bà đều dậy từ ba giờ, làm một nồi trứng luộc nước trà và ngô, đến giờ mọi người đi làm thì đem bán, buổi chiều lại đi lượm ve chai.



Thậm chí Ngụy Khiêm không thể không thừa nhận, bà già thần kinh là một người rất giỏi – bà lão cứ thế đi sớm về khuya, vậy mà còn có thể lo cho lũ trẻ ở nhà một ngày ba bữa, tinh thần quắc thước mỗi ngày đại chiến ba trăm hiệp với mụ già hung dữ hàng xóm, ân cần thăm hỏi cơ quan sinh dục của nhau.



Mụ già hung dữ từng bị Ngụy Khiêm lúc nhỏ vác dao hù dọa, không dám ra ngoài lấy cứng đối cứng, hai nhà đều quấn xích cửa, để lại một khe cho âm thanh thông suốt mà khai chiến.



Hai bà khọm này chửi nhau rất có trình độ, những lời tục tĩu phun ra khiến kẻ làm nghề lưu manh như Ngụy Khiêm cũng không nghe nổi.



Những lúc không đi nhập hàng, Tam Béo ngồi ngay trong hành lang, vừa cắn hạt dưa vừa nghe ngon lành, chờ cuộc chiến kết thúc thì hắn phủi vỏ hạt dưa vỗ tay khen ngợi, giọng hắn vang dội, một người có thể tạo ra hiệu quả như cả một đoàn.



Lúc này bà Tống và bà già hung dữ sẽ nhất trí với bên ngoài.



Bà Tống mắng: “Thằng ôn con!”



Bà già hung dữ mắng: “Quân lợn sề ôn dịch!”



Tam Béo nhận hai chữ ôn, vừa lòng thỏa ý uốn éo đi mất. (1)



Sau đó Ngụy Khiêm sang đạp hỏng chốt cửa nhà bà già hung dữ, lại ầm ĩ một trận với bà Tống ở nhà, kêu hai bà khọm vô liêm sỉ này nói chuyện cho đàng hoàng, đừng dạy hư hai đứa trẻ ngoan.



… Sự thật chứng minh, hai bà già đanh đá đấu không lại một mình gã, vì thế tự giác dời thời gian luận võ đến buổi chiều, khi các cháu thiếu niên nhi đồng đến trường, cuối tuần và ngày nghỉ theo luật định cũng tạm đình chiến.



Ngụy Khiêm cai thuốc vì hút thuốc quá tốn kém.



Ngụy Chi Viễn cảm thấy thời thơ ấu chỉ có hai loại mùi để lại ấn tượng sâu sắc cho nó, một là mùi thuốc lá rẻ tiền, một là mùi thuốc mỡ dùng cho vết thương.



Khoảng thời gian ấy, mỗi ngày làm xong bài tập ngẩng đầu lên, nhất định đều thấy anh hai mệt lử nằm trên giường ngủ say như chết, thời tiết dần oi bức, Ngụy Khiêm mặc áo ba lỗ và quần đùi, đắp tấm chăn mỏng đến eo, để lại cho Ngụy Chi Viễn một bóng lưng.



Kiếp đả thủ cùng lao động chân tay nặng nhọc làm cho thắt lưng Ngụy Khiêm không có một chút thịt dư nào, cơ bắp săn chắc, đằng sau vĩnh viễn lõm vào, đôi xương bả vai gồ lên tựa như một đôi cánh giang rộng, giống như chỉ cần nấp bên dưới là sẽ không bao giờ bị tổn thương vậy.



Ngụy Chi Viễn nhìn gã một cái, rồi lại cúi đầu viết hai hàng chữ, nó đang chép đến một câu trong bài văn, đó là “anh trai như cha”.



Thằng bé nắn nót viết năm lần như yêu cầu của giáo viên, sau đó gấp sách tắt đèn, theo mùi thuốc quen thuộc trong không khí trèo lên giường, bò qua Ngụy Khiêm, quen thói rúc vào lòng gã, Ngụy Khiêm nửa mơ nửa tỉnh vô thức giơ tay vỗ lưng nó, nói khẽ với giọng mũi: “Mau ngủ đi.”



Ngụy Chi Viễn nhận ra sự nuông chiều từ hai chữ này, thỏa mãn nhắm mắt lại, hưởng thụ thời khắc thoải mái nhất trong ngày.



Từ đó mỗi khi nhắc tới “hạnh phúc”, Ngụy Chi Viễn đều nhớ đến lúc nhỏ rúc trong lòng anh hai, cọ ngực anh, nhắm mắt lại chờ đợi khoảnh khắc ngủ say… Cho dù đã lớn đến mức lồng ngực của anh hai không chứa được nữa.



Thoáng cái đã qua thêm nửa năm.



Hôm nay Tiểu Bảo và Tiểu Viễn thi cuối kỳ, thi cử xong xuôi có nghĩa là sắp được nghỉ hè rồi.



Mùa hè nắng như đổ lửa, Ngụy Khiêm cưỡi chiếc xe đạp nam mới sắm bằng hai mươi đồng đến khu chợ bán sỉ thức uống giải khát, những người buôn bán rong đều nhập hàng từ nơi này, Ngụy Khiêm cũng định mua một thùng kem về cho hai tên nhóc đỡ thèm.



Rất nhiều người nhà có trẻ nhỏ tốn nhiều thức uống lạnh đều mua nguyên một thùng kem ở đây, kem bán lẻ trung bình một hai đồng còn bán sỉ thì chỉ có bốn năm hào, rất tiết kiệm.



Ngụy Khiêm đang xem danh sách sản phẩm thì đột nhiên một người hơi do dự gọi gã.



“Ngụy Khiêm? Em… có phải là Ngụy Khiêm không?”



Ngụy Khiêm quay đầu lại, đối phương là một người phụ nữ trung niên khá quen, thoạt đầu gã hơi sửng sốt, nhìn kỹ một phen mới thình lình nhớ ra: “Cô… cô là cô Lý?”



Cô Lý đi giày cao gót rảo bước đến, luôn miệng hỏi: “Đúng là em rồi! Em có chuyện gì vậy? Sao nghỉ học mà chẳng nói tiếng nào? Cô đi tìm em bao nhiêu lâu mà không có tin tức, em rốt cuộc đã đi đâu? Có chuyện gì tày trời? Tại sao không học cho xong?”



Sau ba năm chợt gặp cô, Ngụy Khiêm lại có cảm giác như cách mấy đời. Trường học? Giống như… đã là chuyện từ đời trước.



Nhưng đối mặt với cô chủ nhiệm cũ, Ngụy Khiêm lại không nhịn được cúi gằm đầu, giờ đây gã vừa không giống đả thủ hung ác của hộp đêm, cũng chẳng giống công nhân trẻ tuổi kiệm lời.



Gã bỗng như một học sinh trung học bình thường, hơi dè dặt khi ở trước mặt giáo viên.



Ngụy Khiêm cười khổ: “Cô à, việc này dài dòng lắm.”



Việc Ngụy Khiêm mang theo một thùng kem cùng một người phụ nữ trung niên về nhà, khiến tất cả các thành viên trong gia đình cực kỳ bất ngờ – bởi vì trong ấn tượng thì Ngụy Khiêm chưa bao giờ khách khí với ai như vậy.



Người này mặc quần áo sạch sẽ, đeo kính, nói chuyện rất khách sáo và lễ độ, nhìn cách đi đứng biết ngay là một phần tử trí thức, không hợp với hoàn cảnh xung quanh.



Sau khi biết thân phận của cô Lý, bà Tống ngạc nhiên không thốt nên lời – khu vực hành chính quê bà là thế này, đầu tiên là tỉnh, dưới tỉnh là thành, mỗi một thành phố quản lý mười mấy huyện, tạo thành một khu hành chính, dưới một huyện lại có bảy tám xã, dưới xã mới là các thôn xóm nhỏ đếm không hết.



Quê bà Tống khá xa xôi và lạc hậu, trẻ con trong thôn phải lên xã học tiểu học, cấp hai lên tận huyện, tới cấp ba thì phải ngồi xe bảy tám tiếng vào thành phố, trong xã của họ bao nhiêu năm rồi không có ai thi được vào cấp ba.



Huống chi giáo viên cấp ba, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đây là lần đầu tiên bà lão được nhìn thấy một giáo viên cấp ba sống.



Bà Tống tiếp đãi cô Lý như nguyên thủ quốc gia, trổ hết tài nghệ ra làm một mâm cơm ngon nhất, khăng khăng giữ cô lại dùng bữa.



Cô Lý thật sự không thể chối từ thịnh tình, đành phải ngồi vào bàn, nhìn gia đình này, cô Lý ít nhiều hiểu nguyên nhân Ngụy Khiêm bỏ học, sau khi ứng phó bà Tống nhiệt tình quá mức, không ngừng gắp thức ăn cho mình, liền dò hỏi: “Ngụy Khiêm, cô nhớ khi ấy thành tích của em rất tốt, cô nói thật, cứ thế bỏ học thì rất đáng tiếc.”



Ngụy Khiêm không đáp, cầm cái bát nhỏ bên cạnh lên: “Để em múc canh cho cô.”



Cô Lý nhận lấy, đoạn tiếp tục nói: “Em biết cô công tác trong trường ta hơn hai mươi năm rồi, là một giáo viên lâu năm, ít nhiều cũng có tiếng nói với phía lãnh đạo nhà trường, hơn nữa thầy em… À, chính là chồng cô, thầy làm việc trong Cục giáo dục của thành phố, nếu em muốn, cô có thể nhờ thầy nghĩ cách lo lại học tịch cho em, thêm ngay vào lớp hiện nay cô dạy.”



Cô vừa dứt lời, mọi người trên bàn cơm đều không hẹn mà cùng dừng tay.





  1. Thực ra chỗ này tác giả chơi chữ, cho hai bà già một người chửi tiểu bức, một người chửi đại bức, ghép hai chữ bức lại thành “nhị bức” tức ngu đần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.