Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 21: Cá nướng than lá thông




Ngay sau khi chuẩn bị lều xong, mặt trời nghiêng về phía tây, Hà Điền bắt đầu đốt lửa trại bên ngoài lều.

Không biết có phải là vì do nằm gần hồ hay là do dung nham âm thầm chảy dưới khu rừng này mà thời tiết không lạnh lắm, nhiệt độ cũng không giảm mạnh.

Sau khi Hà Điền đưa thuyền vào bờ, cô để lại chiếc cọc tre bên bờ hồ để câu cá, buộc dây câu vào cọc tre rồi treo một miếng thịt xông khói nhỏ lên móc câu.

Sau khi lửa trại được đốt lên, cô và Dịch Huyền mang theo một cái thùng cùng nhau quay trở lại bờ hồ.

Còn chưa đến gần, họ đã có thể nghe thấy âm thanh của một thứ gì đó đang nhảy dưới nước.

Dịch Huyền kéo dây câu lên, trên lưỡi câu treo một con cá mảnh mai uốn lượn như rắn. Con cá này dài tới bảy tám mươi cm, khi vùng vẫy, các vây ở hai bên bụng của nó mở ra, giống như chuồn chuồn hoặc một loài côn trùng cánh mỏng trong suốt.

Hà Điền không gỡ con cá từ lưỡi câu ra mà trực tiếp cắt đầu của nó. Đầu cá cũng nhỏ, miệng vẫn còn há ra, cô lại ném chiếc lưỡi câu gắn đầu cá này xuống nước.

Sau khi mổ và rửa sạch nội tạng, phần vây lưng màu hồng nhạt trên cá vẫn nhẹ nhàng mở ra như một chiếc quạt gấp nhỏ.

Dịch Huyền buộc một sợi dây vào thùng, ném thùng xuống hồ rồi kéo nước lên.

Hà Điền móc một ít bùn từ hồ và cho cá vào một cái thùng khác.

Hai người trở về trại, Hà Điền chặt cá thành nhiều khúc, tẩm một ít muối và bảo Dịch Huyền nhặt một ít lá thông khô dưới gốc cây ném vào xô trộn đều với bùn.

Hà Điền bôi một lớp bùn lên thịt cá đã cắt, sau đó ném xuống đất đầy lá thông, lăn vài vòng, nó biến thành những viên bùn nhỏ. Cô ném những viên bùn này vào lửa trại, nướng nó, trong đó đã có sẵn một vài củ khoai tây nhỏ mà trước đó họ đã cho vào, lúc này đã gần chín.

Tiếp theo, Hà Điền dùng bông gạc lọc lấy nước trong hồ, đặt ấm đun trên lửa, đun lên, khi nước sôi thì cho một ít nụ tầm xuân và những lát táo khô vào.

Sau khi đun xong thì trước tiên đổ vào bình nước của cả hai, cho vào túi giữ nhiệt rồi nhét vào chăn trong túi ngủ lông hươu, để tối nay có một chỗ ngủ ấm áp, sau đó lại rót cho mỗi người một ly, vừa chậm rãi uống vừa đợi đồ ăn chín.

“Ngày mai chúng ta phải chèo thuyền và tiếp tục đi lên. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không gặp phải gấu.” Hà Điền uống trà, dùng một cành cây chọc vào những viên bùn trong lửa trại để chúng đều hơn.

Dù đang là mùa đông nhưng gấu vẫn sẽ thức dậy. Hoặc thức dậy vì đói, hoặc bị đánh thức bởi một cái gì đó.

Hà Điền thẫn thờ nhìn đống lửa trại, Dịch Huyền nhắc nhở cô: “Cá chín chưa?”

Cá đúng là đã chín. Khoai tây cũng vậy.

Hà Điền dùng cành cây khều khoai tây và viên bùn ra khỏi tro lửa, sau đó nhặt một hòn đá lên đập vào bùn, mùi thơm tươi mới của cá bỗng xông vào mũi và tràn ngập cả góc rừng.

Bùn trộn với lá thông đã cháy thành một lớp vỏ cứng, khi nứt ra, lớp vảy mỏng trên thân cá loang lổ, lộ ra phần thịt cá trắng mềm.

Vị mặn và mùi thơm độc đáo của lá thông cũng đã thấm vào cá. Có thể là vì bùn trong hồ giàu khoáng chất nhất định hoặc bản thân cá vốn ngon, Dịch Huyền cảm thấy món cá này có một vị ngọt rất đặc biệt.

Không được hoàn mỹ chính là vỏ khoai tây nướng có hơi cháy đen, có vị khét, nhưng khuyết điểm này có thể bỏ qua.

Khi cả hai đang có một bữa tối ngon lành, Gạo cũng rất vui. Trong khu rừng này đâu đâu cũng có những cành cây nhỏ, nó cứ mãi ăn, liên tục nhai mãi không ngừng.

Đến tận khi chui vào túi ngủ rồi, dường như họ vẫn còn nghe thấy tiếng nhai của nó.

Sáng hôm sau, khi trời vẫn còn tối, lửa trại sắp tắt, Hà Điền và Dịch Huyền thức dậy.

Họ đun một nồi nước nóng khác, đổ đầy hai bình nước và nấu một ít cháo.

Cháo sáng nay được nấu với khoai tây và thịt khô, cùng với một ít hạt kê ngâm đêm qua.

Sau khi ăn xong, họ lại lên đường.

Sau khi cất lều, Hà Điền mang tất cả tro than từ đống lửa trại cho vào một cái thùng sắt.

Khi đến hồ, Hà Điền rút cọc tre cắm trên bờ, lại một con cá khác mắc câu.

Cô mổ cá, rửa sạch rồi vùi vào thùng sắt đựng tro than kia. Đây là bữa trưa hôm nay.

Lúc này mặt trời ló dạng, sương mù trên mặt hồ đã tản ra một ít. Hai người chèo thuyền, Gạo lội nước, tiếp tục tiến lên phía bắc.

Khoảng hai giờ sau, cảnh vật lại thay đổi.

Mặt hồ ngày càng hẹp dần, có những lục địa lớn nhỏ rải rác, giống như một hòn đảo nhỏ với nham thạch và những cây thông cao vút, những con sóc nhảy nhót trên cành, còn có một số giống như bụi cỏ non, có một con chim nước với chiếc mỏ mảnh mai ẩn mình trong đám cỏ.

Hà Điền biết rất rõ đoạn đường này và kiểm soát được hướng đi của mình.

Giữa trưa, bọn họ dừng lại nghỉ ngơi ở ven một cồn đất nhỏ, Gạo đã hơn hai giờ đồng hồ liền bơi không ngừng nghỉ. Hà Điền kéo nó lên bờ để nó ăn cỏ khô và bụi cây. Còn cô và Dịch Huyền thì ngồi trên thuyền ăn trưa.

Dịch Huyền nhìn phong cảnh bên hồ, không khỏi thở dài: “Tôi rất muốn biết mùa xuân và mùa hè ở đây trông sẽ như thế nào.”

“Hẳn là đẹp hơn so với bây giờ.” Hà Điền dùng nước trong hồ rửa tay, nước rất ấm.

Cô nghiêng chiếc thùng trong nước, rửa sạch tro trong thùng, bẻ đôi con cá, lột lớp da trên thân nó ra, chia cho Dịch Huyền một nữa.

Sau khi nghỉ ngơi, họ lại tiếp tục lên đường.

Khi trời gần chạng vạng, cuối cùng họ cũng đến được đích đến của chuyến đi này – dưới chân núi lửa.

Dưới chân núi lác đác những hồ nước lớn nhỏ, chỉ có một lớp tuyết trắng mỏng bao trùm, nhiều chỗ lộ ra cỏ khô màu vàng nâu, thậm chí còn có cây xanh mờ nhạt ở ven một số hồ.

Ở đây ấm áp hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn.

Gió thổi từ trên đỉnh núi xuống sẽ luôn thoang thoảng mùi lưu huỳnh, từ đây nhìn lên núi dường như trong tầm tay, phần ẩn hiện trong làn sương trắng chính là nơi ẩn chứa lưu huỳnh tự nhiên.

Núi được chia thành nhiều đoạn bởi màu sắc khác nhau, đỉnh có màu trắng, trong sương mù trắng xóa có màu đen xám, từ trên xuống dưới chuyển dần từ nâu sẫm sang nâu vàng, rồi chuyển sang xanh vàng.

Ngoài các hồ lớn nhỏ còn có nhiều suối tự nhiên.

Đôi khi nước suối trắng xóa sẽ trào ra đột ngột như một đài phun nước, có mùi lưu huỳnh, nhiệt độ cao đến mức có thể làm chết người.

Đêm đó, bọn họ qua đêm ở hồ nước lớn nhất dưới chân núi.

Bên cạnh hồ có nhiều động vật nhỏ hơn, ngoài các loài chim nhỏ như chim sẻ và chim họa mi, còn có rất nhiều thỏ rừng. Hơn nữa, những con vật này dường như không sợ con người. Vài con chim sẻ vẫn bay đến chỗ của họ, muốn mổ hạt kê trong chậu.

Hà Điền giăng bẫy trong bụi rậm cách trại chưa đầy mười mét, chẳng mấy chốc đã tóm được một con thỏ rừng.

Vì vậy, con thỏ này đã trở thành món chính của bữa tối.

Sáng sớm hôm sau, Hà Điền và Dịch Huyền vác giỏ mây trên lưng, đeo mặt nạ phòng độc ngâm trong nước xà phòng vào đêm hôm trước, rồi đi đến ngọn núi lửa.

Khi leo đến lưng chừng núi, khói càng ngày càng nồng, dù có đeo khẩu trang nhưng họ vẫn có thể ngửi thấy mùi lưu huỳnh, càng lúc càng nóng, đường lên núi cũng không có, toàn là sỏi đá lớn nhỏ. Ở một số khe đá trên đỉnh, lửa trong dung nham bốc lên lờ mờ, khi bước lên phải dùng thanh gỗ chọc vào thử rồi mới dám đặt chân.

Khó nhọc đi bộ nửa giờ, cuối cùng họ cũng nhìn thấy lưu huỳnh tự nhiên.

Những khối khoáng sản màu vàng nằm rải rác xung quanh hang đang bốc khói lửa, nhìn vào bên trong, lớp dung nham ở sâu trong hang đang sủi bọt đỏ rực. Nhờ lớp dung nham đỏ sáng bóng kia, họ có thể nhìn thấy đường đi ở nơi đầy khói này mà không bị lạc đường.

Hà Điền lấy một thanh sắt từ trong giỏ ở phía sau lưng ra, cắm trên mép quặng lưu huỳnh, giơ búa gỗ đập mạnh vào thanh sắt, sau đó nắm thanh sắt di chuyển qua lại.

Dịch Huyền tiếp nhận, ra hiệu với Hà Điền, kêu cô nhặt quặng vỡ bỏ vào giỏ.

Với sức mạnh của cô ấy, quặng lưu huỳnh lớn nhỏ kêu răng rắc rơi xuống, Hà Điền lần lượt nhặt vào giỏ.

Đi bộ từ nhà đến đây phải mất mấy ngày, nhưng khi lấy lưu huỳnh cũng không mất nhiều thời gian, chỉ sau mười phút, chiếc giỏ sau lưng hai người đã đầy.

Hà Điền ra hiệu với Dịch Huyền, hai người nắm tay cẩn thận đỡ nhau, lảo đảo xuống núi.

Một giỏ quặng lưu huỳnh nặng chừng hai ba chục ký, đường xuống núi thì lại càng khó đi hơn, hầu như mỗi bước đi, đá vụn lăn dài từ dưới chân họ xuống tới thung lũng.

Cả người Hà Điền ướt đẫm mồ hôi, cơ vai và cổ càng lúc càng đau bởi cái giỏ nặng nề phía sau. Viền cổ áo sau gáy và những vết xước trên cổ càng lúc càng ngứa. Mồ hôi trên mặt chảy vào trong mắt, dù ngứa ngáy khó chịu nhưng vẫn phải cố mở to ra.

Bởi vì không được ở lại đây.

Đi thêm mười phút nữa, đầu gối và đùi cô bắt đầu run lên.

Hơi thở của Hà Điền càng lúc càng nặng nề, bước chân cô không khỏi chậm lại, có khi phải vịnh nham thạch để đi tiếp. Nơi này không có đường đi, lại còn phải xuống dốc, tuyệt đối không thể bị ngã xuống, cô có ngã thì cũng không sao, nhưng nếu quặng lưu huỳnh mà họ có được trong quá trình lao động vất vả lăn xuống thì sẽ rất khó tìm lại được.

Khi Hà Điền lại dựa vào nham thạch để thở dốc, Dịch Huyền ở phía sau nâng chiếc giỏ sau lưng của cô lên.

Hai người họ vì đeo mặt nạ nên không thể nói chuyện. Hà Điền lại lắc đầu xua tay, nhưng Dịch Huyền hoàn toàn không giao tiếp với cô. Cô ấy tháo chiếc giỏ của cô xuống, cũng đặt chiếc giỏ của mình xuống đất, dùng thanh sắt để cạy lưu huỳnh của Hà Điền làm đòn gánh, buộc hai chiếc giỏ vào hai đầu thanh sắt, nhấc lên gánh ở trên vai.

Lúc này, cô ấy ra hiệu cho Hà Điền để cô dẫn đường.

Hà Điền không thể làm gì khác hơn, vì vậy cô đành phải quan sát con đường phía trước, cố gắng tìm một con đường an toàn và dọn dẹp đống đổ nát trơn trượt dưới chân, để Dịch Huyền có thể bước đi dễ dàng hơn.

Cô muốn đợi cho Dịch Huyền mệt rồi thì sẽ nhận lại giỏ rồi tự mình vác về, nhưng không ngờ đến chân núi rồi mà Dịch Huyền vẫn không dừng lại nghỉ ngơi.

Khi đến gần chân núi, cả hai người đều có cảm giác như thể vừa từ địa ngục quay trở lại trần gian. Khói và sương mù dày đặc tan biến, thậm chí qua lớp mặt nạ kín bưng, nhiệt độ cơ thể cũng cảm thấy mát hơn rất nhiều.

Cởi mặt nạ xuống, hai người hít thở bầu không khí trong lành, sau đó lấy khăn tay ra lau mồ hôi trên đầu và mặt.

“Cô… khỏe quá!” Hà Điền còn đang thở hổn hển, cô vừa có chút hối hận lẫn sợ hãi. Cô thật sự không nên tham lam lấy nhiều quặng hơn trước. Trước kia, khi cô và bà mình đến đây, hai người họ tối đa chỉ mang về khoảng 3/4 giỏ quặng.

Hôm nay, khi đi đến lưng chừng núi, Hà Điền gần như muốn vứt vài mẩu quặng đi cho nhẹ gánh, đến một lần đã không dễ, lần sau sẽ lại càng gian nan hơn, vì có khả năng cô sẽ chỉ đến một mình. Nhưng mà, một người thợ săn trong rừng, không nên có ý nghĩ tham lam.

Dịch Huyền cũng ướt đẫm mồ hôi, nhưng hơi thở của cô ấy vẫn còn ổn định. Cô ấy còn có thể dùng khăn tay che miệng và mũi: “Chúng ta đi thôi. Cô cố thêm chút nữa đi.”

Lần này Hà Điền nhất quyết không để Dịch Huyền tự gánh hai cái giỏ nữa, cô lại vác đống quặng nặng lên vai, cắn răng, từng bước đi xuống núi.

Tìm được Gạo, họ đặt hai giỏ quặng lên xe trượt mà Gạo đang kéo. Lúc này Hà Điền đã hoàn toàn kiệt sức, cô trực tiếp ngồi xuống trên tuyết, kéo mở cổ áo, thở hồng hộc.

Dịch Huyền ngồi xuống bên cạnh cô, lấy bình nước trong ngực ra, mở ra đưa cho Hà Điền.

Hà Điền nhấp vài ngụm, tay cầm bình nước đang run rẩy.

Dịch Huyền có hơi do dự, nhẹ nhàng vuốt lưng Hà Điền: “Tốt hơn chưa?”

Hà Điền gật đầu, đưa lại bình nước cho cô ấy.

Quặng lưu huỳnh tự nhiên có màu vàng với các sắc thái khác nhau, phần đậm nhất có màu đỏ cam. Mùi của nó cũng không kinh khủng cho lắm. Ít nhất là so với khí, nó dễ ngửi hơn nhiều.

Hà Điền đập quặng ra thành từng mảnh nhỏ rồi chia đều cất vào trong hộp gỗ.

Những chiếc hộp này được làm rất đặc biệt. Mỗi chiếc dài và rộng 30×40 cm, được lót bằng cỏ khô và bông vải vụn, nắp được buộc chặt bằng dây rơm.

Sau khi hoàn thành những việc này, cô và Dịch Huyền cởi bỏ áo da đang tròng trên người khi lấy lưu huỳnh ra, dùng khăn ướt lau từ đầu đến chân, phủi sạch tro núi lửa và nhiều bụi khoáng khác nhau trên người.

“Tối nay ăn gì đó ngon, rồi đi tắm suối nước nóng.” Hà Điền vỗ về khẩu súng ngắn của mình: “Tôi thấy dấu chân của một con hoẵng ở gần đây. Ha ha.”

Trước khi đi bắt hoẵng, họ ăn trước một ít cháo nấu từ thịt xông khói, yến mạch và hạt kê để lót dạ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.