Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 20: Chuyến đi của băng và lửa




Sau Tết, cuộc săn bắt đầu tiến vào giai đoạn bận rộn cuối cùng.

Bão tuyết đã làm hỏng con đường đã được san bằng trước đó, tuyết dày càng khiến con đường trở nên khó đi hơn nữa.

Nhưng trong lòng Hà Điền lại tràn đầy sự tự tin.

Dịch Huyền là một đối tác đáng tin cậy.

Mặc dù bề ngoài của Dịch Huyền trông có vẻ yếu đuối, nhưng cô ấy lại có một tính cách cứng cỏi, sức lực cũng rất khủng khiếp.

Vì lý do này, thỉnh thoảng Hà Điền cảm thấy có chút áy náy và có lỗi với Dịch Huyền, cho rằng mình làm liên lụy đến cô ấy.

Sau khi các con đường dẫn đến các nhà nghỉ săn bắn được mở lại, ánh sáng ban ngày cũng dần dài hơn. Rốt cuộc thì bốn căn nhà nghỉ săn bắn bên kia sông của Hà Điền đều đã được che chắn.

Để thiết lập một con đường nối giữa bốn nhà nghỉ, ban đầu cô và Dịch Huyền đã mất một khoảng thời gian để chặt một vài cái cây, mở lại một con đường nhỏ, sau đó lát tất cả các con đường bằng những cành thông rồi để Gạo giẫm lên nó.

Nhưng kết quả thì lại rất hài lòng. Bây giờ, từ bất kỳ nhà nghỉ nào, họ cũng đều có thể di chuyển qua lại chỉ trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ.

Thời gian mà họ bỏ ra nhanh chóng được chứng minh là có giá trị.

Bẫy trong rừng gần bốn nhà nghỉ được tận dụng một cách tối đa, bọn họ dựa theo thứ tự, lần lượt đi qua từng nhà nghỉ một, khi quay lại nhà nghỉ đầu tiên, họ sẽ mang theo số chồn đã thu hoạch được từ nhà nghỉ thứ tư. Sáng hôm sau đến nhà nghỉ thứ hai thì trong bẫy ở nơi này đã lại bẫy được con mồi. Nói cách khác, con mồi có thể được thu hoạch hầu như mỗi ngày.

Việc săn bắt hiệu quả tiếp tục kéo dài cho đến đầu tháng hai. Suốt thời gian đó, họ mải miết chạy rong ruổi hai bên bờ sông, tận dụng ánh nắng để thu con mồi, sau khi mặt trời xuống núi thì rửa và lột da chồn trong nhà nghỉ.

Khi ánh sáng ban ngày dần dài ra, nhiệt độ cũng dần dần tăng lên.

Mặc dù thỉnh thoảng trời có tuyết nhưng nhiệt độ đã ổn định ở mức âm 20 độ.

Một tuần sau, Hà Điền nói với Dịch Huyền rằng cuộc đi săn mùa đông của năm nay đã kết thúc. Từ tháng 11 đến nay, trong 4 tháng, họ đã thu hoạch tổng cộng gần 400 bộ da chồn, cũng như nhiều con sóc, thỏ, gấu mèo và chồn chó. Con số này còn nhiều hơn cả khi cô và bà mình được mùa bội thu nhất.

Họ dọn dẹp nhà nghỉ săn bắn và dỡ bỏ các bẫy, chỉ để lại thức ăn khô không mục nát và một số quần áo ấm trong rương gỗ đựng thức ăn rồi trở về nhà.

Sông băng vẫn chưa tan. Thông thường, băng sẽ tan vào tháng 4 hàng năm. Trước đó, Hà Điền muốn tiến hành một cuộc đi bộ đường dài.

Nói cách khác, chuyến đi này sẽ phải kéo dài hơn một tuần.

Cô sẽ lùa Gạo, ngược dòng sông, xuyên rừng, sang bên kia núi.

Nơi đó, có một ngọn núi lửa đang hoạt động, một thế giới nơi băng và lửa cùng tồn tại.

Trên đỉnh núi lửa, tuyết còn chưa kịp rơi xuống đã bị cái nóng làm cho tan ra, dung nham nóng chảy thỉnh thoảng sẽ phun trào, các vết nứt trên dung nham phun trào tỏa ra khói nghẹt thở cả ngày lẫn đêm. Đôi khi những đợt phun trào quy mô nhỏ của núi lửa còn có thể gây ra động đất và xạc lở.

Nhưng thung lũng ở bên dưới chân núi lửa lại là một thiên đường ấm áp và ẩm ướt.

Suối trên núi phun ra từ lòng đất, địa nhiệt của núi lửa làm nước trong suối trở nên ấm áp, dòng suối ấy chảy dọc đến những hố sụt khổng lồ hình thành sau nhiều trận động đất, tạo thành hồ có đường kính hàng trăm km và những đầm lầy có phạm vi còn lớn hơn nữa.

Khi mùa đông lạnh giá đến, nước hồ cũng sẽ không bị đóng băng, vào mùa đông sương trắng trên mặt hồ không tan, hơi nước bay lên sẽ biến thành tuyết trắng rồi lại rơi xuống, tan thành nước, cứ thế lập đi lập lại.

Nước hồ uốn lượn theo núi tạo thành các đầm, ao, hồ lớn nhỏ dọc đường đi.

Nghe có vẻ như đây là một nơi thích hợp để sống hơn, đúng không?

Ừ thì, gấu cũng nghĩ như vậy.

Thung lũng ấm áp là nơi gấu chiếm giữ. Chúng ngủ đông ở đây. Mỗi năm sau khi mùa đông bắt đầu vào tháng 11, gấu sẽ tìm một cái ổ thoải mái và ngủ cho đến tận tháng 3 năm sau.

Sau năm tháng ngủ đông, chúng đói bụng thức dậy, lúc này cỏ trong thung lũng đã mọc cao ngang bắp chân, tươi non, mềm mại.

Gấu ăn cỏ non, vỏ cây như một chế độ ăn chay, và chịu đựng cho đến tháng 4, khi cá hồi sẽ đi ngược dòng biển và quay trở lại sông nước ngọt để đẻ trứng.

Những con cá hồi di cư này sẽ trở thành thực phẩm quan trọng nhất trong thực đơn của gấu. Chúng phải ăn thật nhanh và cố gắng hết sức để tích đủ mỡ trước mùa đông năm sau, nếu không, giấc ngủ đông sẽ trở thành một giấc ngủ dài.

Do đó, thung lũng này chỉ an toàn vào mùa đông khi gấu đang ngủ.

Hà Điền cũng không định đến thung lũng suối nước nóng này chơi, nơi đây là nơi mà cô phải đi qua.

Nơi cô muốn đến nằm gần một ngọn núi lửa đầy khói đặc và tia lửa.

Ở đó có lưu huỳnh tự nhiên.

Lưu huỳnh là nguyên liệu thiết yếu để chế tạo đạn dược. Những thợ săn không thể tự chế tạo đạn dược sẽ không thể tồn tại trong thời đại này.

Sau gần một trăm năm, ngay cả khi người dân ở một số thành phố may mắn có được những viên đạn do ngành công nghiệp vũ khí chế tạo ra trước khi cái lạnh khắc nghiệt ập đến, nhưng đến lúc này, chúng đã bị tiêu hao gần như là không còn nữa.

Chỉ một hoặc hai thành phố lớn nhất là có khả năng thực hiện ngành công nghiệp sản xuất đạn dược này. Tất nhiên là những thành phố này sẽ không hào phóng mà bán đạn cho người khác. Dù vậy, những loại đạn và vũ khí được chế tạo tốt này vẫn có thể mua được ở chợ đen, nhưng chúng rất đắt.

Vì vậy, hầu hết mọi người đều sử dụng đạn và đạn chì tự chế. Chì có nhiệt độ nóng chảy rất thấp, chỉ cần có khuôn là có thể tự làm tại nhà không quá khó. Nhưng việc sản xuất đạn thì lại nguy hiểm hơn nhiều.

Trong rừng, công thức chế tạo đạn dược và cách thức sản xuất của từng gia đình đều được giữ bí mật.

Loại đạn mạnh có thể đóng vai trò quyết định đến thời khắc sinh tử.

Nhiều người chọn mua lưu huỳnh và nitrat dùng để chế tạo vũ khí từ các thương gia vì tin rằng những hóa chất này được sản xuất ở các thành phố lớn, sẽ tinh khiết và hiệu quả hơn.

Nhưng gia đình của Hà Điền vẫn luôn chú trọng vào sự tự chủ.

Có một lý do cho sự bền bỉ này – xung quanh đây, viên đạn chì của gia đình cô được coi là mạnh nhất.

Công thức bí mật chính là lưu huỳnh.

Lấy lưu huỳnh chắc chắn là một hành trình nguy hiểm.

Leo lên ngọn núi lửa đầy khói độc và nham thạch có thể phun trào bất cứ lúc nào, tìm kiếm lưu huỳnh tự nhiên, tất nhiên là nguy hiểm, nhưng trước khi leo lên ngọn núi lửa ấy, cũng nguy hiểm không kém. Nếu gặp phải một con gấu thức dậy sau giấc ngủ đông, cô có thể sẽ không có cơ hội bị chết bởi khói độc hoặc bị chết cháy do dung nham phun trào.

Nhưng Hà Điền phải đi.

Khâu chuẩn bị quan trọng nhất cho hành trình lấy lưu huỳnh là chế tạo mặt nạ phòng độc.

Sự khác biệt giữa khuôn mặt của Dịch Huyền và khuôn mặt của bà cô là quá lớn, không thể cải tạo lại được khẩu trang và kính cũ. Vậy nên, Hà Điền đã làm một chiếc mới cho cô ấy.

Hà Điền lấy một đoạn tre trong kho củi, chọn nơi có các khớp tre, cưa một đoạn dài khoảng 10 cm, giũa các mép và khoan đều bốn lỗ nhỏ trên đoạn khớp tre ấy.

Tiếp theo, cắt một miếng vải bông có kích thước lớn hơn ống tre một chút, ngâm vào nước xà phòng, phơi khô rồi nhét vào ống tre sao cho vừa khít với mặt cắt của nó.

Sau đó, cho than đã được đập nát, mùn cưa khô và sợi bông vào ống tre.

Ống tre này chính là bộ phận quan trọng nhất của mặt nạ phòng độc – bộ lọc trên mũi và miệng.

Các khối than, mùn cưa, sợi bông và các bộ lọc khác sẽ loại bỏ được khói độc.

Một mặt nạ được thêm vào bộ lọc làm bằng ống tre này. Quá trình làm tương đối đơn giản.

Chọn một miếng da có độ đàn hồi tốt, miếng da này không cần quá lớn, cũng không cần loại da tốt, dù sao dùng một lần rồi cũng sẽ bỏ đi, vì vậy Hà Điền thường dùng da sóc để làm.

Cắt da theo hình khuôn mặt của người dùng, khoét một lỗ ở giữa nhỏ hơn ống tre một chút rồi luồn ống tre vào, các mối nối giữa da và ống tre được dán bằng keo làm từ hỗn hợp da cá và nhựa thông, phơi khô rồi dán kín. Trong giai đoạn này, có thể phải dán keo nhiều lần, sau đó lấy một miếng vải bông cắt theo kích thước vừa vặn rồi khâu da và vải bông lại với nhau, nhưng lại chừa một khoảng hở, khi sử dụng thì lấy bông vải ngâm với nước xà phòng nhét vào giữa miếng da và vải bông đó.

Lớp da bên ngoài của mặt nạ không chỉ đóng vai trò là lớp niêm phong mà nó còn chống lại sự ăn mòn của axit. Lớp vải bông thấm dung dịch xà phòng thì có thể lọc khí độc, bảo vệ da mặt.

Ngoài mặt nạ phòng độc, còn cần phải có kính.

Nếu không, sẽ không thể mở mắt vì khói độc, thậm chí không thể nhìn thấy đường, vậy thì còn làm ăn gì được nữa?!

Kính chống độc cũng được làm bằng ống tre.

Chọn kích thước tre thích hợp theo kích thước của hốc mắt, cưa thành hai ống tre nhỏ cao hai cm, đục trên bề mặt khớp tre, chỉ chừa lại một hình tròn nhỏ, đặt các mảnh thủy tinh có cùng kích thước vào ống tre, dùng keo dán thấu kính và ống tre lại với nhau, sau đó nối hai ống tre lại bằng một sợi dây da dai và đàn hồi.

Nhưng như vậy vẫn chưa phải là trang bị đầy đủ. Trước khi lên núi lửa, họ phải bịt kín mặt bằng một chiếc mặt nạ chỉ khoét ba lỗ ở mắt, mũi và miệng, tiếp đó đeo kính và khẩu trang, cuối cùng buộc chặt cổ áo và ống tay áo, không để lộ bất kỳ một khe hở nào.

Mặc dù vậy, rất khó có thể đảm bảo rằng họ sẽ không bị bỏng bởi khí độc. Nó còn phụ thuộc vào sự may mắn.

Các thiết bị quan trọng nhất đã sẵn sàng, họ đã có thể lên đường.

Ngoài thức ăn, than củi, quần áo ấm, chăn, lều, ấm đun nước và nồi sắt để nấu ăn, Hà Điền còn mang theo một chiếc thuyền.

Một chiếc xe trượt bằng gỗ được buộc dưới chiếc thuyền nhỏ, bên dưới xe trượt là một đôi giày trượt băng bằng thép và nó được buộc phía sau chiếc xe trượt kéo của Gạo. Thức ăn trong lều được chia thành hai phần, một phần trên xe trượt và một phần trên thuyền nhỏ.

Trước bình minh, họ khởi hành, chạy trên dòng sông đóng băng, dừng lại một lúc vào buổi trưa, rồi lại tiếp tục lên đường.

Càng gần đến thượng nguồn, mặt sông càng hẹp lại, tuyết trên mặt sông càng mỏng, gió thổi càng nhẹ, Gạo chạy càng nhanh.

Nơi hẹp nhất, khoảng cách giữa vách núi hai bờ thung lũng sông chỉ năm sáu thước, cành khô trên vách núi hai bên như chạm vào nhau.

Chập choạng tối, mặt sông lại rộng ra, ước chừng khoảng hai ba cây số.

Hà Điền để Gạo chạy sang bờ đối diện, trong rừng cây bên bờ có một căn nhà gỗ dột nát.

Đây là nơi họ sẽ ở lại tối nay.

Căn nhà gỗ nhỏ gần hai năm không được sửa chữa, vô cùng dột nát, trên nền đất có một lớp tuyết mỏng, ngồi trong nhà có thể nhìn thấy những khe hở giữa những tấm ván gỗ bị tuyết bám đầy. Sau khi tuyết đóng băng, ngôi nhà trông cứ như đã được niêm phong lại, không có tuyết rơi vào nữa.

Giữa nhà có một cái bếp sắt cũ, Hà Điền cho thêm hai cục than vào, nhóm lửa lên, đun chảy một ít nước tuyết, nấu một nồi cháo thịt.

Ban đêm, họ trải cành thông trên sàn hai bên bếp và chui vào những chiếc túi ngủ bằng lông hươu. Hà Điền và Dịch Huyền ngủ ở một bên bếp, Gạo thì nằm ở bên kia.

Sáng sớm hôm sau, họ lại tiếp tục lên đường.

Hai giờ sau, họ đi qua một khu rừng.

Con đường rừng này rất dễ đi, từ phía sau nhà gỗ, dẫn thẳng sang bên kia rừng.

Những cây thông hai bên đường đều bị chặt thành những gốc cao bằng một người, có một số cây đã mọc lại cành.

Hà Điền nói rằng, khi còn trẻ, bà và ông của cô đã tạo ra con đường này. Vì không cần đi săn trong khu rừng này, và chỉ muốn vượt qua thật nhanh, nên họ đã vạch ra một con đường gần nhất, chặt hết cây dọc đường rồi dựng một căn nhà gỗ ở bìa rừng.

Họ đã mất gần nửa năm để tạo nên con đường này.

Nhưng thời gian rõ ràng là xứng đáng.

Gạo có thể kéo xe trượt và chạy nhanh trên con đường rừng rộng một mét này.

Sau khi chạy ra khỏi khu rừng, họ gặp một hồ nước đóng băng.

Hai người thả thuyền xuống hồ nước, vượt qua nó rồi kéo thuyền lên bờ, tiếp tục đi tiếp, rồi lại đến một cái hồ nước khác.

Vào lúc chạng vạng, họ đến một con sông.

Con sông này không hề bị đóng băng, chỉ có cách bờ khoảng một mét là bị kết băng, nhưng nước ở giữa sông vẫn chảy, mặt sông bốc khói trắng xóa.

Trên cây cối bên sông có rất nhiều quạ, trên cây cao cách đó không xa có một cái tổ chim khổng lồ, một con đại bàng hói đang bay về phía đó.

Dưới gốc cây to, có một căn nhà nhỏ tốt hơn một chút so với căn nhà họ ngủ lại đêm qua.

Đó là nơi họ sẽ ở lại tối nay.

Hà Điền dắt Gạo vào nhà. Những con quạ đó đều thích chọc ghẹo con người, một số con đã bắt đầu mổ cái đuôi trên mông Gạo, khiến nó phải phát cáu.

“Tại sao ở đây lại có nhiều quạ như vậy?” Dịch Huyền nhìn rừng cây và cây cối ở khai bên bờ sông, những chấm đen đều là quạ.

Những con chim này thỉnh thoảng sẽ kêu một cách kỳ lạ, một con kêu, chẳng mấy chốc cả đàn vừa hót vừa kêu như hòa nhịp.

Cảnh tượng này thực sự không thể diễn tả được. Sau khi mặt trời lặn, lũ chim lần lượt cất tiếng kêu ở tia nắng cuối cùng, trông càng thêm ảm đạm.

“Vì nước sông không đóng băng nên năm ngoái có cá hồi di cư đến sinh sản, đẻ trứng rồi chết, xác cá nằm lại sông, nhiệt độ nước sông quanh năm chỉ bốn, năm độ, cá sẽ không hư thối, trở thành thức ăn của đại bàng hói. Những con quạ canh ở đây, đợi đại bàng hói bắt được cá, chúng sẽ lao lên và giật lấy.” Hà Điền đưa Dịch Huyền đến bờ sông, tuyết trên bờ đã thực sự đóng băng. Phần còn lại của cá hồi bị chia thành nhiều mảnh.

“Đại bàng cũng không thể làm gì khác hơn. Chúng còn phải nuôi con của mình.” Hà Điền chỉ vào tổ của đại bàng: “Chỉ có thể nhân lúc bầy quạ tranh giành cá mà tóm lấy một con khác rồi mang nó về tổ.”

Cá chết sau khi bị vớt lên nhanh chóng đông cứng như đá, nhưng quạ và đại bàng có mỏ và móng sắc nhọn, có thể xé xác cá ra.

Một số thịt cá vẫn còn dính nhiều máu, sau khi bị lũ quạ cắn xé và tranh giành, máu cá rơi vãi khắp nơi trên mặt tuyết.

Ngày hôm sau, họ để chiếc xe trượt lại trong nhà gỗ, chèo thuyền tiếp tục đi ngược lên.

Hà Điền và Dịch Huyền để hành lý lên chiếc thuyền nhỏ, mỗi người ngồi ở một bên đầu thuyền, chèo ngược dòng đi về phía trước.

Gạo dũng cảm nhảy vào trong sông, bơi theo sau thuyền.

Hà Điền buộc dây cương của nó vào đuôi thuyền.

Sau khi cả hai chèo thuyền khoảng một giờ, dòng nước chảy càng lúc càng chậm, mặt sông rộng ra, dần dần hình thành một cái hồ. Nhiệt độ nước cũng cao hơn, khói trắng trên hồ càng lúc càng dày, phả vào mặt rất thoải mái, từng lỗ chân lông như đều mở ra.

Lại tìm trong chốc lác, Hà Điền và Dịch Huyền cởi áo khoác lông hươu và đồ buộc chân ra, trên người trên mặt đều là mồ hôi, hơi nước ấm phả vào mặt, khiến họ như ướt sũng.

Hà Điền thay mái chèo bằng một cái cọc tre dài, đứng ở bụng thuyền chèo chống cho con thuyền, lúc này khí trắng trên mặt hồ dày đặc đến mức chỉ có thể nhìn rõ hai ba mét, Dịch Huyền không thể đoán được Hà Điền sẽ làm cách gì để phán đoán phương hướng, bởi vì mặt hồ phẳng lặng, không có gò đất, thậm chí cũng không có cỏ và bèo, chỉ có sương mù dày đặc tĩnh lặng, thỉnh thoảng có thể nghe thấy vài tiếng chim kêu từ xa.

Hà Điền có chút tự hào nói với cô ấy rằng, đây là kinh nghiệm.

Xung quanh vô cùng yên tĩnh, chỉ có tiếng thuyền cắt nước và tiếng Gạo đang bơi.

Lúc này, thân thuyền hơi rung lên, tựa như có thứ gì đó đâm vào đáy thuyền, lòng Dịch Huyền có chút bất an, nhưng Hà Điền lại nói: “Chúng ta đến rồi!”

Cô dùng sức cấm chiếc cọc tre trên tay xuống bùn, cởi ủng ra đeo nó vào cổ, rồi cởi quần da và quần vải bông ra.

Dịch Huyền nhìn thấy hai cái chân trắng nõn trong màng sương trắng, suýt chút nữa thì hét lên, vội xoay người đi, yên lặng cúi đầu cởi dây giày, liền nghe thấy tiếng Hà Điền nhảy xuống nước.

Thuyền rung lắc, hai tay Dịch Huyền giữ lấy mạn thuyền, tim đập loạn xạ.

Sau đó là tiếng Hà Điền đi trong nước, theo âm thanh này thì nước ở đây chỉ cao hơn đầu gối cô một chút, trong sông có bùn nhão, nhưng cũng không quá sâu.

Vì vậy, không hiểu vì sao trong đầu Dịch Huyền lại có một hình ảnh như thế này: Hai đôi chân dài, khỏe và trắng của Hà Điền đang đi trong làn nước ấm, còn lòng bàn chân thì chìm trong bùn khiến nước trở nên đục ngầu. Độ đục dâng lên và lan ra trong nước giữa hai chân khi cô tiếp tục bước đi…

Hà Điền leo lên bờ, tự hỏi tại sao Dịch Huyền không đi theo mình. Động tác của cô ấy thường nhanh lắm kia mà?

“Dịch Huyền?” Qua làn sương mù, cô không thể nhìn thấy tình hình trên thuyền.

Dịch Huyền đờ đẫn trả lời: “Tôi… tôi không thể tháo dây giày của mình! Sẽ xong ngay thôi.”

Sau khi Dịch Huyền cuối cùng cũng lên bờ, hai người mang hành lý trên thuyền nhỏ xuống, để Gạo tiếp tục vác, sau đó khiêng thuyền lên, đi dọc theo bờ một đoạn. Dọc bờ phủ đầy lau sậy, những bụi cây cao hơn đầu người một chút này sau khi khô héo vẫn một mực đứng thẳng, chỉ có phần bông màu vàng ở trên ngọn là rủ xuống. Một ít tuyết trắng đọng lại trên bông cũng đông cứng lại, lúc đụng phải, chúng cũng chỉ rung lắc một chút, còn tuyết thì lại không rơi xuống.

Dần dần cỏ cây bên bờ càng trở nên um tùm. Nhưng những bụi cây này, dù là giống cây gì, cũng đều không quá cao.

“Chúng là rừng cây mới. Cách đây 20 năm, núi lửa đã từng phun trào, không quá lớn, nhưng nó đã gây ra lở đất, chôn vùi khu rừng nguyên sinh và các loài động vật trong đó”, Hà Điền nói với Dịch Huyền. Hai người đi về phía khu rừng.

Trong rừng dường như có một loại ma thuật nào đó, khiến cho sương mù dày đặc ven hồ không dám tiến vào, sương mù dày đặc màu trắng tan đi, khu rừng lại một lần nữa hiện ra.

Tuy nhiên, trong khu rừng này không có nhiều tuyết, lá thông dày rơi trên mặt đất, lớp tuyết mỏng sau khi bị Hà Điền và Gạo giẫm qua, đến phiên Dịch Huyền thì chỉ còn là vệt nước.

Họ chỉ cần đi giày rơm là được, không cần dùng ván trượt tuyết.

Không có nhiều tuyết trên cây cối trong rừng, tuyết trên cành cây lá kim thường xanh như thông và tuyết tùng đã biến thành nước, khi nhỏ giọt từ cành và lá xanh, nó sẽ ngưng tụ thành băng và biến thành những hạt châu tròn lớn chừng hạt đào, sáng long lanh lóng lánh. Khi đi qua dưới gốc cây, thỉnh thoảng sẽ bị một viên rơi xuống đầu. Có đôi khi, ánh nắng mặt trời vừa vặn chiếu lên hạt châu, chiết xạ ra một cầu vồng nho nhỏ.

Có vẻ như điều kỳ diệu của khu rừng này không chỉ là có thể làm tan biến lớp sương mù dày đặc. Từ nơi này nhìn lên, ngay cả bầu trời cũng đặc biệt trong xanh, ánh mặt trời rất chói chang, không giống như đang ở mùa đông.

Họ tìm một mảnh đất cao trong rừng, chặt bụi rậm, san bằng rồi dựng lều, đêm nay họ sẽ ở đây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.