Cô Đơn Ơi Chào Nhé!

Chương 1-2: Ký ức tuổi thơ




Hoàng hôn buông xuống, một màu vàng rực, ngã bóng phía bên kia ngọn núi Đứng.

Những lúc này, cô bé Trần Dạ sẽ bắt đầu phe phẩy cái roi trên tay, nhanh chóng lùa đàn bò được thả cả buổi chiều trên đồng về chuồng.

Thôn nhỏ của Trần Dạ nằm ở giữa một con sông lớn, bao bọc xung quanh là những dãy núi già cao sừng sững.Đó là một thung lũng nhỏ giữa vùng trời bao la.

Khí hậu nơi đây giống hệt tính khí của một thiếu nữ đang yêu, bầu trời trong xanh, gió lồng lộng nhưng chỉ cần vài phút sau mây đen sẽ ùn ùn kéo đến trút một cơn mưa thật lớn trong tích tắc. Cuốn trôi hết tất thẩy mọi bụi bặm của cuộc sống thường nhật.

Tuổi thơ của Trần Dạ gắn liền với những cơn mưa, cô rất thích cùng bọn trẻ trong xóm chạy đi chạy lại trên con đường làng chỉ để đắm mình trong mưa. Những lúc như vậy cả xóm sẽ trở nên náo nhiệt bởi tiếng bọn trẻ con đùa giỡn nhau và cả tiếng của những con chó bị nhốt trong nhà.

Thôn nhỏ của Trần Dạ có tên là thôn Vĩ, vì trong thôn có ngọn đồi gió lộng rất đặc trưng cũng tên Đồi Vĩ, bọn trẻ rất thích chơi trên ngọn đồi này, Trần Dạ cũng vậy. Cô thích cái cảm giác đứng trên đỉnh đồi, chỉ cần vươn tay lên là có thể chạm được tới mây, nhắm mắt lại hít thở một hơi căng tràn không khí trong lành, dường như thêm mười phần sức sống.

Nhớ ngày ấy, lũ trẻ trong xóm có cái tật hay đi ăn trộm vặt trái cây nhà ông Hai hàng xóm. Khu vườn nhà ông Hai rất rộng, ở đó có đủ mọi loại trái cây. Bởi vậy, trong vườn nhà ông không bao giờ ngớt mùi thơm của hoa quả chín, một mùi hương thoang thoảng ngọt ngào, làm ngây ngất lòng người, hấp dẫn đến nỗi dạ dày cứ sôi lên sùng sục.

Cha Trần Dạ rất khó tính, đặc biệt là ông không thích con cái trong nhà nhòm ngó hay tọc mạch vào đồ của người khác. Nên Trần Dạ rất sợ cha mình.

Lũ trẻ mà muốn qua được nhà ông Hai là phải trèo qua hàng rào nhà Trần Dạ. Cô cũng rất thích những trái mận đỏ mọng nhà ông Hai, nên thường canh chừng những lúc, ông Hai vác cuốc ra đồng để hành động.

Trần Dạ không qua vườn hái cùng lũ trẻ mà chỉ đứng canh chừng, mỗi khi có biến cô sẽ huýt một hơi sáo dài, rõ to như tiếng còi báo động cho bọn trẻ trong vườn. Và trong suốt khoảng thời gian ấy, bọn trẻ chưa bị ông Hai bắt lần nào.

Gia đình Trần Dạ có tới sáu người con, cô là con gái út, người ta hay nói nhất đầu nhì út, nên cô cũng tương đối được ưu ái. Bởi vậy, từ khi lọt lòng mẹ cho tới khi hiểu chuyện, cô nhóc rất ít khi bị cha đánh đòn. Không phải là do Trần Dạ ngoan ngoãn gì cho cam, mà do cô rất nhát đòn, chỉ cần cha cô cầm roi mây vung lên là cô nhóc đã khúm núm, nước mắt dàn dụa. Nên làm cho cha cô không cách nào ra tay đánh cô được.

Trần Dạ có cô bạn thân từ thuở nằm lòng, cô bạn có cái tên rất hợp với người: Đỗ Quyên. Cô nàng có làn da trắng nuột nà, khuôn mặt với những đường nét rất rõ ràng, rất có khí chất. Vóc người cao ráo, thon thả, lại đặc biệt có giọng nói ngọt ngào nhỏ nhẹ. Trần Dạ và Đỗ Quyên giống như hai thỏi nam châm trái chiều nhau nhưng đặc biệt rất hút nhau.

Trần Dạ có lối suy nghĩ rất đơn giản, cô có thể vui vẻ cả ngày mà chẳng cần lo nghĩ điều chi? Cuộc sống như vậy đối với cô thật hoàn hảo.

Đỗ Quyên từng nói với cô:

“ Cuộc sống cũng giống như từng bậc thang trong cuộc đời của cậu vậy. Lúc nhỏ cậu chỉ bước được hai ba bậc, nên cảm thấy dễ dàng. Nhưng càng về sau, số bậc thang cậu bước được sẽ càng nhiều. Và lúc đó, cậu sẽ phải đối mặc với vô số nỗi lo sợ”.

Về sau, Trần Dạ từng vô thức nhớ lại điều này. Có phải chăng đó là quy luật ngầm của cuộc sống. Những lúc ta tưởng chừng đã chạm tay đến hạnh phúc cũng chính là lúc ta đang bước đến đau khổ.

Đôi khi bản thân Trần Dạ nghĩ cuộc đời cô là những nốt thăng trầm, tuy âm thanh vang vọng nhưng không được bền lâu.

Năm Trần Dạ vừa tròn mười bốn tuổi, cô đã trải qua những tháng ngày bàng hoàng cùng ảm đạm, nước mắt ngập tràn trong sự thương đau vô hạn.

Buổi sáng định mệnh ấy, Trần Dạ bực dọc vì cha mẹ không cho cô đi ăn cưới cùng, trong khi anh chị người nào cũng xúng xính, quần áo lượt là hớn hở vui mừng vì được đi ăn cỗ.

Cha Trần Dạ trước khi đi còn dặn dò con gái coi nhà, cửa nẻo cẩn thận, bảo Trần Dạ đừng đi chơi ở nhà cho mấy con vịt ăn thóc, rồi xả nước cho chúng uống. Trần Dạ xưng mặt lên phụng phịu nói vâng. Mẹ Trần Dạ thương con, trước khi lên xe còn vuốt má con gái, nở nụ cười cưng chiều. Đó cũng là nụ cười cuối cùng của mẹ mà Trần Dạ được nhìn thấy.

Sau đó, cả nhà Trần Dạ không một ai quay về, chiếc xe lao xuống vực, không một ai sống sót.

Nỗi đau còn chưa dứt, một mình Trần Dạ phải đối mặt giữa sự lạnh lẽo của ngôi nhà rộng lớn, không còn tiếng nói của cha, bàn tay của mẹ, tiếng cười của chị. Ngôi nhà trở nên hoang vu đến đáng sợ, mọi người trong xóm ai nấy qua thăm hỏi, bên tai Trần Dạ là những câu nói:

“ Ôi! Tội nghiệp con bé”

“ Đáng sợ quá, cuộc đời thật là vô thường!”

“ Khổ thân, mới bây lớn mà phải mồ côi rồi”.

Môi Trần Dạ run run, hai khóe mắt nóng rát, sưng húp. Cô không xác định được liệu ngày mai bản thân ra sao, trái tim như vỡ vụn, nỗi đau này khi nào mới nguôi. Sự mất mát này liệu trời cao có thấu. Tàn nhẫn làm sao khi cuộc đời này bỏ lại cô bơ vơ, nỗi cô đơn giống như bầu trời kia bao trùm toàn bộ cuộc sống của cô. Cô muốn được nghe cha nói, cô muốn được mẹ xoa má, cô muốn….. muốn được có “nhà”!

Sau khi biết tin, bác của Trần Dạ đón cô vào thành phố ở cùng. Cuộc sống của Trần Dạ kể từ đó bước sang một bước ngoặt lớn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.