Chung Cực Giáo Sư

Chương 20: “Tạm Biệt Khang Kiều” phiên bản cầu Tước!(*)




(*)Khang kiều ở đây chính là phiên âm của chữ Cambridge trong tiếng trung. Vì để thích hợp với nội dung trong chương này, tên bài thơ sẽ được dịch là “Tạm biệt Khang Kiều” chứ không phải “Tạm biệt Cambridge”. Đồng thời trong chương này sẽ có một số chỗ dịch là cầu Khang (kiều = cầu) nhưng thật ra chẳng có cây cầu nào tên Khang cả, trong đại học Cambridge có một cây cầu Toán học lâu đời bắc qua sông Cam. Thế nên hãy tự hiểu rằng cầu Khang = Cầu Toán học.

Phương Viêm ném quyển sách ngữ văn lớp 10 tập một lên trên bàn giáo viên, sau đó hỏi:

- Các em muốn học cái gì?

Bọn học sinh ngơ ngác nhìn nhau.

Chuyện này mà cũng được chọn à?

Chẳng phải thầy dạy cái gì thì học sinh phải học cái đó sao?

Phương Viêm biết đám học sinh đang nghĩ gì, hắn cười nói:

- Thế này đi, mỗi em tìm trong sách giáo khoa ra một bài mà các em thích nhất, bài nào được chọn nhiều nhất thì hôm nay chúng ta sẽ học bài đó.

- Thầy ơi, em thích “Tạm Biệt Khang Kiều”.

- Em thích “Thấm viên xuân”.

- “Kinh Kha hành thích Tần Vương”, bài này rất khí phách.

- -----

Phương Viêm ra hiệu bảo mọi người giữ im lặng rồi nói:

- Thầy thấy rất nhiều em thích “Tạm Biệt Khang Kiều”, vậy hôm nay chúng ta sẽ học bài thơ của Từ Chí Ma mà ai cũng thích này. Nếu muốn học “Tạm Biệt Khang Kiều”, vậy trước hết chúng ta hãy đi đến cầu Khang để tìm cảm giác nào.

- Thầy ơi, cầu Khang ở Cambridge nước Anh mà.

Mọi người cùng bật cười.

Ông thầy này nói chuyện vô lý hết sức, mấy chục người chạy đến Cambridge chỉ để học một bài thơ thôi á?

- Hóa ra mọi người đều biết cầu Khang ở đại học Cambridge nước Anh, chứng minh các em đã có hiểu biết nhất định về bài thơ này rồi.

Phương Viêm rất hài lòng với phản ứng của các học sinh:

- Tuy nhiên... mặc dù ở đây không có cầu Khang nhưng chúng ta có cầu Tước mà.

Cầu Tước là một cây cầu nằm trong trường Chu Tước, được xây trên dòng sông Tước, nối liền hai bờ sông Tước.

Mỗi lần hết tiết hoặc là tan học, trên cầu Tước sẽ đông nghịt người. Còn có vài đôi tình nhân nhỏ thích đứng trên cầu nói chuyện yêu đương anh anh em em, cho nên không ít người đều thích gọi cầu Tước là “cầu Thước”(*).

(*)Cầu Thước = cầu Ô Thước để Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.

Gió thu lướt nhẹ qua mặt, ánh mặt trời soi rọi ấm áp.

Cây liễu rũ mình, gợn sóng dập dờn. Thỉnh thoảng lại có mấy chú cá nhảy khỏi mặt nước, tạo nên một đường vòng cung đẹp mắt, chẳng mấy chốc lại rơi vào trong nước.

Hoa sen đã sớm tàn, lá sen cũng trở nên khô vàng rách nát. Lúc này đang trong giờ học, sông Tước an tường tĩnh lặng đồng thời cũng toát ra hơi thở cô độc lẻ loi.

Bọn học sinh đứng trên cầu Tước, vừa thích thú vừa kinh ngạc.

- Thầy dẫn bọn em đến đây làm gì?

- Bắt đầu học thôi nào.

Phương Viêm nói.

- Hôm nay chúng ta sẽ đứng trên cầu Tước học bài thơ “Tạm Biệt Khang Kiều”.

- Thầy đừng đùa mà, thế này làm sao học được?

- Đúng vậy, không có bàn ghế cũng không có vở viết gì để ghi chép.

- Chúng ta không cần ghi chép vào vở.

Phương Viêm cười nói:

- Thầy muốn các em ghi tạc vào đầu.

Hoàng Hạo Nhiên là cán bộ môn văn, nghe thấy mọi người cứ ồn ào ầm ĩ thì la lớn:

- Mọi người im lặng, bây giờ vẫn đang trong giờ học đấy. Nếu thầy Phương đã dẫn chúng ta ra ngoài thì ắt có cái lý của thầy ấy. Chẳng lẽ các bạn không có chút lòng tin nào với thầy Phương sao?

Tuy ngày đầu gặp mặt đã bị Phương Viêm chèn ép khí thế nhưng Hoàng Hạo Nhiên không hề ghi hận Phương Viêm, trái lại còn trở thành fan trung thành của hắn.

Hơn nữa, sau chuyện đó Lục Triều Ca đã nhờ người gọi Hoàng Hạo Nhiên tới phòng làm việc để hỏi rõ quá trình xảy ra xung đột giữa Phương Viêm và ba người Trịnh Quốc Đống, Lý Dương, Trần Đào. Hoàng Hạo Nhiên không hề dao động trước sự uy hiếp dụ dỗ của Trần Đại Hải, cứ thản nhiên nói ra tình huống lúc đó, hơn nữa còn trình bày thêm sự bất mãn của mình và những học sinh khác về tác phong của ba người Trịnh Quốc Đống.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao Lục Triều Ca biết Phương Viêm bị oan nên đã ra mặt nói giúp hắn trong lúc họp.

Phương Viêm không hề bất ngờ khi thấy Hoàng Hạo Nhiên thay đổi thái độ như vậy, ai mà không theo đuổi thần tượng với anh hùng chứ?

“Mình vừa đẹp trai lại vừa tài giỏi.”

Đây là nhận xét của Phương Viêm về bản thân mình. Có lẽ hơi mang tính chủ quan nhưng mà... hắn tin tưởng nhận định này là đúng.

Phương Viêm quét mắt nhìn hoàn cảnh xung quanh rồi nói:

- Các em chờ một chút.

Sau đó hắn chạy nhanh về phía bờ sông bên kia cầu.

Mười mấy phút trôi qua, mọi người chẳng thấy bóng dáng Phương Viêm đâu, chỉ thấy một chiếc thuyền gỗ đen đang chậm rãi trôi trên mặt sông Tước.

- Là chú hói!

Có học sinh la lớn.

Chú hói là bảo an trong trường, bởi vì tóc ít, chỉ có mấy sợi le que cố thủ trận địa nên bọn học sinh xem mấy sợi tóc mà chú ấy coi như bảo bối thành hư không luôn, quyết định đặt cho biệt danh là “chú hói”. Lâu dần, biệt danh chú hói càng ngày càng lan xa, cuối cùng chú ấy cũng chỉ đành chấp nhận một cách bất đắc dĩ.

Bảo an phụ trách tuần tra, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ mò đồ.

Bởi vì trong trường Chu Tước có dòng sông Tước này, mà bọn học sinh lại thích chơi đùa ở bờ sông hoặc là trên cầu Tước, vì vậy thường xuyên có người làm rơi đồ xuống sông. Mặc dù nước sông không sâu, không gây nguy hiểm gì cho học sinh nhưng cũng không thể để mặc học sinh tự xuống nước tìm đồ được.

Trong những trường hợp như vậy, chú hói sẽ chèo chiếc thuyền gỗ secondhand do nhà trường mua từ bên ngoài về, dùng cái móc hoặc là tự mình xuống nước mò tìm đồ bị mất cho học sinh.

Bây giờ đang trong thời gian lên lớp, xung quanh không một bóng người, chắc là không có ai làm rơi đồ rồi. Thế thì chú hói chèo thuyền ra đây làm gì?

Thuyền gỗ đến gần, mọi người mới phát hiện người đứng bên cạnh chú hói chính là thầy giáo dạy văn Phương Viêm của bọn họ.

- Tôi lặng lẽ ra đi, như khi tôi lặng lẽ đến...

Giọng nói êm tai trong trẻo bất chợt vang lên giữa dòng sông, tầm mắt của bọn học sinh lập tức bị hấp dẫn nhìn sang.

- Là thầy Phương Viêm!

- Thầy Phương Viêm đang ngâm bài “Tạm Biệt Khang Kiều”.

- Wow, cuốn hút quá!

- -----

- Tôi vẫy tay nhè nhẹ, từ biệt đám mây phía trời tây...

Phương Viêm vẫy tay về phía tây, tư thế phóng khoáng lại thâm tình.

- Liễu vàng bên bờ sông kia, tựa như cô dâu dưới ánh chiều tà. Bóng dáng yêu kiều in trên mặt nước, cứ bồng bềnh trong trái tim tôi...

Tất cả học sinh đều chuyển tầm mắt về phía dương liễu bên bờ sông Tước. Lần đầu tiên bọn họ phát hiện, cây liễu rũ mình bình thường không gì nổi bật kia lại thướt tha yểu điệu đẹp mắt đến vậy.

Trong một thoáng ngủi ấy, đám liễu kia như có sinh mệnh khiến người ta muốn yêu thương nâng niu chúng nó, che chở chúng nó, muốn đặt tên cho chúng nó, dành sự tôn trọng cho chúng nó.

- Hạnh xanh trong bùn mịn, mượt mà vẫy gọi dưới đáy nước. Trên con sóng êm dịu của sông Cam, tôi cam nguyện làm lá bèo trôi.

Phương Viêm ngồi xổm xuống, vớt một lá bèo trên mặt sông đưa lên mũi ngửi nhẹ.

Âm thanh huyên náo ồn ào chợt ngưng bặt, trên cầu Tước im lặng không tiếng động, tất cả mọi người đều đang hòa mình vào khung cảnh đầy ý thơ dạt dào này.

Thiếu niên khôi ngô mặc kiểu áo Tôn Trung Sơn kia, người đàn ông toát ra phong độ của người tri thức đang dùng tay nâng cỏ dại kia, chẳng phải là nhà thơ nổi danh mới trở về từ Cambride sao?

- Đầm nước dưới bóng cây du, không phải suối trong mà là dải cầu vồng. Vỡ tan giữa đảm tảo trôi, giấc mộng tựa cầu vồng chìm sâu đáy nước.

- Tôi chống sào tìm mộng, chèo ngược dòng đến mảng cỏ xanh. Thuyền chở đầy sao sáng, cất cao tiếng hát trong ánh sao rạng ngời.

Giọng của Phương Viêm càng ngâm càng vang vọng mạnh mẽ lại giàu cảm xúc.

Vẻ mặt của đám học sinh cũng trở nên nghiêm túc hẳn, không ít người còn siết chặt nắm tay.

- Nhưng tôi không thể cất tiếng hát, âm thầm là khúc sáo biệt ly. Côn trùng mùa hạ cũng im lặng vì tôi, trầm mặc là Khang Kiều tối nay.

Giọng của Phương Viêm trở nên trầm thấp, dường như đang muốn từ biệt người mình yêu nhất.

Bọn học sinh đứng trên cầu bị bầu không khí này ảnh hưởng, trong lòng như bị thứ gì đó đè nén, hốc mắt ươn ướt.

- Tôi lặng lẽ ra đi, như khi tôi lặng lẽ đến. Tay áo tôi vẫy nhẹ, không mang áng mây nào...

Phương Viêm vẫy tay chào đám học sinh ở trên bờ, thuyền gỗ đen bơi xuyên qua vòm cầu dưới cầu Tước, biến mất khỏi tầm mắt mọi người.

Đám học sinh đờ đẫn đứng tại chỗ, trong lòng tràn đầy tình yêu và ý thơ dào dạt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.