Cheers

Chương 49




Quá trình quay phim và hậu kỳ của Khương Mặc mất hết một năm.

Trong thời gian đó anh gặp vô vàn khó khăn. Sửa chuồng bò cho ông cụ chỉ là chuyện nhỏ, bọn họ còn gặp chuyện đả kích nghiêm trọng hơn. Có một ngày khi đang quay phim trong núi bọn họ gặp phải lở đất, có hai nhân viên bị trầy chân và hỏng một máy móc.

Camera man Lee là một người rất nâng niu chiếc máy, lúc đó đứng từ xa nhìn thi thể máy thì gào khóc, khổ sở suýt chút ngã quỵ.

Nhân sinh chính là thứ phá hoại như thế đó, bộ may quay kia là bộ đắt nhất của đoàn phim, rất có giá trị, nói là huyết mạch của đoàn phim cũng không ngoa.

Muốn tuyệt vọng bao nhiêu có tuyệt vọng bấy nhiêu. Nói thật, giây phút kia Khương Mặc cũng muốn gào khản cổ chung với người kia, làm người sao có thể lại xui đến vậy? Thật đen đủi??

Nhưng anh vẫn nhớ tới chuyện quan trọng nhất, nắm vai Lee hỏi: “Anh xuất hết những cảnh mình quay trước đó chưa?”

Không lại phí công nhọc sức.

Lee thút thít nghẹn ngào: “Phần lớn đều xuất hết rồi.”

Trong cái rủi có cái may.

Miễn con đường không bị hỏng hoàn toàn thì vẫn có thể quay tiếp.

Dù sao ông trời cũng không tuyệt đường người, cho nên Khương Mặc sẽ coi như đây là ông trời đang ra đề khó cho mình, đáp tốt hay không tùy thuộc vào năng lực bản thân, đây cũng là một quá trình để hoàn thiện.

Dựa theo tiến độ của đoàn khác thì bộ phim này người ta quay chừng hai tháng là xong, nhưng Khương Mặc chay đoàn phim đến gần một năm. Có vài cảnh chỉ quay một lần là qua, cần cảm giác chân thực thô ráp, nhưng có vài cảnh Khương Mặc không dám quay mơ hồ nên chỉ có thể đi quay lại nhiều lần.

Điều làm Khương Mặc lo lắng nhất lại là tình trạng của diễn viên, anh phát hiện Minh Tranh hơi quá nhập diễn. Khả năng đồng cảm của vị diễn viên này quá mạnh, hoàn toàn thay mình vào vai diễn, thể hiện giống như thế giới nội tâm của mình, sự hoang mang, mờ mịt và đau khổ trên người Minh Tranh đã vô số lần đả động vào Khương Mặc sau máy quay.

Nhưng bởi vì mạch phim của bộ phim này từ đầu đến cuối đều rất kiềm chế, cho nên Khương Mặc vẫn luôn rất băn khoăn không biết liệu bộ phim này có gây ra vấn đề gì với nhân vật chính hay không. Nhưng điều rối rắm nhất là trạng thái kia của diễn viên lại là điều Khương Mặc muốn, anh chỉ có thể vừa lo lắng vừa quay.

Khi một diễn viên toàn tâm toàn ý dung nhập vào bộ phim thì đó là một trạng thái rất nguy hiểm. Đó là một quá trình tiêu hao, nó quá đau khổ, rất hao tổn trạng thái tinh thần của một người.

Một đường trầy trật cuối cùng cũng quay xong.

Sau khi hoàn thành sơ bộ bộ phim, Khương Mặc cũng không cảm thấy mình trút được gánh nặng phần nào, anh bắt đầu lo lắng chạy về đóng cửa cắt phim làm hậu kỳ, ngày nào cũng bận sứt đầu mẻ trán.

Anh muốn làm gấp rút để mang phim đi đăng ký vào cuối năm, nếu như nhanh nhẹn thì có thể kịp đăng ký ở Berlin vào tháng 12.

Quay phim xong chỉ là bước khởi đầu, trong nhiều trường hợp, việc vận hành hậu kỳ, tuyên truyền, phát hành mới có thể quyết định số phận của một bộ phim, liệu bản quyền hậu kỳ có thể hồi bản hay không? Phim này có thể được đánh giá cao ở thị trường khác hay không? Những vấn đề này đều chưa biết, và khoản đầu tư tiếp theo cũng là một số tiền rất lớn, dự toán trước mắt có đủ hay không? Trong khoảng thời gian, ngày này Khương Mặc cũng phát sầu vì những chuyện này.

Sau khi anh quay về, Thẩm Triều Văn nhận được một món quà vô cùng đặc biệt. Một quyển sổ cứng được mở ra, trang đầu tiên là chữ viết tay của Khương Mặc — ghi chú công việc “Quả ô liu”.

Một cuốn sổ đầy chữ viết tay.

Khương Mặc giải thích với y: “Thật ra anh cũng không thích viết mấy thứ này… Nhưng em luôn nói không yên tâm khi anh quay phim ở ngoài nên anh nghĩ viết nội dung làm việc mỗi ngày cho em xem, em có thể biết mỗi ngày anh đã làm gì.”, “Ý anh là vậy.”

Khi viết Khương Mặc cân nhắc, vừa ghi lại và lồng ghép công việc của mình, vừa dùng cách này để lưu lại mảnh vỡ ký ức cho Thẩm Triều Văn khi không thể tham dự vào công việc của anh.

Thẩm Triều Văn ôm quyển sổ nghiêng tới ôm anh, cảm động đến mức không nói nên lời.

Chính vì quyển sổ này, từ những con chữ của Khương Mặc nên Thẩm Triều Văn có thể hiểu được đạo diễn nói gì, làm gì liên quan đến bộ phim kia mỗi ngày, cảm giác mình gần với những gì Khương Mặc đang suy nghĩ hơn.

Ghi chép của anh khá phân tán. Hầu hết là những gì diễn ra trên phim trường, ghi lại nội dung làm việc của anh. Có đôi khi là ghi lại một ngày nào đó, đơn thuần là viết nhật ký, nội dung rất buồn cười.

Liên quan đến cuộc sống —

Ngày 1 tháng 4, ngày tháng tư, mưa, hơi say.

Thời tiết xấu, không làm việc. Ở trong phòng đánh bài với Minh Tranh, Dương Ngao (phó đạo diễn), Lee (Camera man chính), thua tiền, thua rất nhiều. Một mình Minh Tranh thắng ba người, nghĩ mãi không ra nghi rằng anh chàng chơi dơ, nhưng không tìm được bằng chứng.

Lúc ăn cơm tối ngoài trời vẫn đổ mưa to, ngồi dưới mái hiên vừa ăn cơm vừa nhìn mưa, nhân cơ hội đó nói cho Minh Tranh biết ba trận mưa kia quay thế nào. Anh chàng nhìn mưa ngây ra một lúc, không biết có nghe vào không, nửa ngày sau mới nói, đạo diễn Khương, tôi nhớ nhà.

Tôi không đáp, tôi chỉ im lặng, bởi vì tôi cũng nhớ nhà.



Ngày 2 tháng 5, trời trong, say.

Không làm việc, uống rượu lúa mạch Thanh Khoa, rất ngon.



Ngày 4 tháng 5, mưa nhỏ, say.

Máy quay gặp trục trặc, ông Vương biết sửa, vừa uống rượu vừa nhìn ông ấy sửa, học được hai chiêu.



Ngày 29 tháng 5, trời trong, say chếnh choáng không tỉnh.

Uống rượu với Lee được một nửa thì được thông báo tìm được cây ô liu rồi. Cây ô liu ở Vân Nam là cây bụi có quả tròn. [Bản vẽ]

Tìm được cây đoàn phim bắt đầu dựng cảnh, mọi người cùng nhau dời năm gốc cây đến căn nhà gỗ nhỏ của Trương Húc.

Mọi người cùng nhau trồng cây.

Hy vọng quay phim xong cây vẫn có thể sống sót…



Liên quan đến phim –

Ngày 3 tháng 6, mưa to, say mèm.

Một cảnh diễn trong mưa quan trọng. Quay hai tuần lễ, tôi không hài lòng với trạng thái của Minh Tranh, tôi hướng dẫn anh ta hết lần này đến lần khác, cộng thêm hôm nay chúng tôi đã quay 40 lần.

Hao tốn phim vượt quá mong đợi, Đường Lý nghiêm túc nói chuyện với tôi về vấn đề này, nói rằng quay thế này kinh phí không kéo dài được. Trong lòng thấy khó chịu nhưng tôi kiên định với cách làm việc này, thấy chưa đủ tốt thì quay đi quay lại, không thể được chăng hay chớ.

Quay đến bây giờ có vẻ như Minh Tranh mới mơ hồ hiểu ra tôi muốn anh ấy đóng hai vai, là hai Trương Húc bị kéo ra khỏi cơ thể, một người lang thang trong cơn mưa ở Vũ Băng, không có nơi đi, không có chốn về, giống như một hồn ma không có ngày mai, trôi dạt bên cạnh thân nhân. Một người khác là Trương Húc khát vọng được giải cứu, anh ta tìm rất nhiều cách để cố gắng đến gần với sự thật của cuộc sống và tìm kiếm chút niềm tin. Đức tin có đáng để ký thác không? Tôi mang thái độ hoài nghi, con người thì nên tin vào chính mình.

Trương Húc đã cố gắng tìm kiếm sự liên kết giữa mình và thế giới này, anh tìm rất nhiều, nhưng không thể tìm ra lý do gì để níu kéo anh lại.

Lúc quay dần phát hiện ra rằng, ở một khía cạnh nào đó, bản thân sự dũng cảm cũng là một năng lượng để hủy diệt, nhất định phải có năng lượng đó trên người… Biết rằng đến gần sự thật sẽ rất nguy hiểm, nhưng vẫn không cưỡng được tiếp thêm can đảm để bản thân đi vào, ở một số thời điểm, dũng cảm cũng là tàn nhẫn.

Một ngọn núi rất khó quay, một ngọn núi trong lòng một người lại càng khó quay. Trương Húc là một nhân vật nhỏ bé bình thường, anh ta có rất nhiều hoang mang và mâu thuẫn, tôi nghĩ bây giờ anh ta đang trong trạng thái truy tìm. Điều gì có thể giữ lấy một người vô vọng? Tôi hỏi bản thân vấn đề này, tôi không tìm được đáp án, có một số việc không cần câu trả lời chính xác, phim không thể trả lời vấn đề này được. Tôi không muốn ca tụng sự đau khổ, nói về sự cứu chuộc, sự trưởng thành, sự cực khổ của bạn thân không phải là thứ gì ghê gớm, chúng ta đều phải trải qua.

Tôi muốn nói rõ đó là một loại cảm xúc, nhưng tôi không thể định nghĩa loại cảm xúc đó được, vì tôi bị cuốn hút bởi nó.

Tôi nói với camera man về điều này, anh ấy cười nói với rằng, đạo diễn, loại cảm xúc anh nói không thể định nghĩa kia, mọi người gọi đó là tình yêu. Tôi không biết một người không thích cạo râu, bình thường ít nói như Lee sao lại có thể có cảm ngộ lệch đường ray này, bởi vì trọng điểm của bộ phim này cũng không phải là tình yêu. Nhưng tôi vẫn mời anh ấy một ly rượu, nói có lý có lý.

Hôm đó tôi để Minh Tranh đứng trong mưa và quay lại liếc nhìn máy quay. Lee bắt được giây phút ấy, tôi thấy được sự hoang mang xúc động lòng người trong mắt Trương Húc.

Tôi có linh cảm rằng, từ giây phút ấy Minh Tranh đã chân chính hiểu được bộ phim này, anh ấy sẽ vượt lên chính mạng sống của mình vì bộ phim này.



Ngày 14 tháng 7, trời nắng, hơi say.

Hôm nay Chu Mãn Vân đóng máy.

Vai phụ quá xuất sắc, không hổ là người cạnh tranh với Trịnh Quan Ngữ trong “Phút chốc” của Lý Chí Nguyên, cảm giác diễn cực kỳ tốt, mặc dù thiếu mất mấy phần linh khí của năm đó nhưng biểu diễn tổng thể vẫn làm cho người ta khó quên.

Lần này tôi để chú ấy diễn vai một người đột ngột xông vào màn ảnh, một tên trộm mới vào nghề, kết bạn với Trương Húc một cách đầy khó hiểu, anh ta tên là ông Quân. Anh ta mang đến cho Trương Húc một câu chuyện tình yêu đẹp, một câu chuyện kỳ lạ không rõ thực hư, kể xong, anh ta biến mất và trộm hết tiền trên người Trương Húc.

Trương Húc biết câu chuyện tình yêu của ông Quân có thể chỉ là bịa, nhưng đôi khi con người ta là thế, biết rằng là giả nhưng vẫn sẵn sàng tin và nghe. Quan trọng nhất trong bộ phim này chính là tôi yêu cầu chú ấy thực hiện ba cấp độ diễn xuất, lúc đầu sẽ kể chuyện bằng giọng điệu kể chuyện cười, dần dần chuyển sang giọng kể chuyện cổ tích, sau đó kể bằng giọng kể chuyện thần thoại. Tiến dần lên.

Chu Mãn Vân hỏi tôi, đạo diễn, câu chuyện tình yêu của anh là truyện cười cổ tích hay là thần thoại? Tôi đáp, cái nào cũng có, nhưng tình yêu của tôi chủ yếu vẫn là mâu thuẫn, tôi cảm thấy mâu thuẫn cực kỳ hấp dẫn. Chú ấy không lên tiếng.

Sau khi quay xong cảnh của Chu Mãn Vân, tôi có hơi xúc động. Khi đóng máy tôi mới lựa chọn nói cho chú ấy biết, dù ở độ tuổi nào chú cũng rất phù hợp với phim ảnh, sau này xin đừng từ bỏ. Chú cúi đầu, nắm vai tôi khóc một trận, nói gì cũng không buông ra.

Tôi rất biết ơn chú ấy có thể đến và quay bộ phim này.



Có một số nội dung khó hiểu và khá lan man. Trong quyển sổ có rất nhiều chữ, một số hình minh họa, có đôi khi sẽ có vài câu thoại. Khương Mặc biết tiếng Anh, Pháp và Nhật, trong sổ viết nhiều nhất là Anh và Trung, thỉnh thoảng có vài câu thơ tiếng Pháp, nhìn từ những câu ngắc ngứ kia thì có thể hiểu chúng đều có ý nghĩa.

Cảnh: Trên đường lên núi.

[Sơ đồ Spoiler]

Thoại —

“Vẫn còn một chặng đường dài để đi?” (Tiếng phổ thông)

“Trời thật đẹp.” (Tiếng Tạng)

“Sau khi đi qua ngọn núi này thì sẽ là gì?” (Tiếng phổ thông)

“Om mani padme hum.” (Thần chú sáu chữ Tây Tạng) [quỳ lạy]

(Giống như không thể giao lưu, nhưng lại giống như có thể hiểu được.)

Nét chữ Hành Khải của Khương Mặc rất đẹp, rất đẹp. Trong khoảng thời gian anh biên tập phim, sau khi Thẩm Triều Văn tan làm thường ở cạnh vừa đọc sổ ghi chép vừa làm việc cùng anh, đọc hai trang lại nhìn anh vài lần.

Ngay cả khi không nhìn thấy hình ảnh, chỉ thông con chữ của anh và xem ghi chép công việc một năm kia, Thẩm Triều Văn cũng có thể chắp vá ra một câu chuyện hoàn chỉnh từ những mảnh vỡ từ ngữ đó. Dường như y đã hiểu được sự lãng mạn thuộc về phim ảnh, sự lãng mạn không thể diễn tả được.

Ngày cuối cùng viết là ngày đóng máy.

Ngày 29 tháng 9, trời nắng, say mèm.

Một cảnh cuối cùng.

Quay cảnh Minh Tranh độc hành quay về căn nhà gỗ, nhìn cây ô liu bên ngoài ngôi nhà, hái một trái, rồi ăn, lại hái, lại ăn. Máy quay quay ngược sáng cách anh xa dần, xa dần, tôi muốn cảm giác về khoảng cách.

Trong quá trình quay, cả trường quay yên lặng đến mức tôi như thể nghe được nhịp tim ổn định của Minh Tranh. Tôi vẫn không hô cut, anh ấy vẫn luôn diễn.

Khoảnh khắc khi ấy tôi rất khó chịu, hy vọng bộ phim này có thể kéo dài thêm chút nữa, để câu chuyện này không có hồi kết.

Các nhân viên đều thông cảm, chờ và chờ cùng tôi. Tôi nhìn đến khi mắt nhức mỏi mới nói “cut”.

Cả trường quay yên tĩnh, không ai reo hò, không ai chúc mừng, chúng tôi lẳng lặng nhìn cây ô liu kia. Khoảnh khắc đó tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của bộ phim, khổ sở rồi vui mừng, tôi phát hiện dường như bộ phim này đang chèo chống tính mạng của tôi.

Lật một trang khác.

Một trang riêng biệt, không có ghi chép công việc, chỉ kẹp một bông hoa khô.

Kèm một câu: Hái một đóa hoa Cách Tang tặng Triều Văn.

Hoa nở hoa tàn, sinh lão bệnh tử đều trải qua cùng anh.

Sau khi đọc xong câu đó, bọn họ đang cùng nhau ở trong nhà. Khương Mặc đang đeo tai nghe kiểm tra đoạn phim thô, Thẩm Triều Văn vùi mình bên cạnh anh đọc quyển sổ ghi chép này.

Thẩm Triều Văn đọc xong uống cạn trà trong chén, nghiêng đầu nhìn sườn mặt của Khương Mặc, y không quấy rầy anh mà ra ngoài cho mèo ăn.

Cho mèo ăn xong y đi lại, học theo Khương Mặc vỗ một cái không nhẹ không nặng lên đầu anh mình.

“…” Khương Mặc xem phim xem đến rưng rưng nước mắt bị cắt ngang cảm xúc, anh không nói không rằng tháo tai nghe xuống trừng y, “Làm gì đó!”

Thẩm Triều Văn trừng lại anh: “Trưa cho mèo ăn xong tại sao không bịt kín túi lại? Nói với anh biết bao nhiêu lần rồi phải bịt kín túi lại, Chaplin của anh vừa mới đi kéo túi ăn vụng đấy!”

Khương Mặc: “… Anh quên mất.”

Thẩm Triều Văn ôm lấy tay anh với vẻ mặt khó lường.

Khương Mặc ngoan ngoãn ngồi đó sẵn sàng chờ y cãi nhau với mình, cuối cùng lại chờ được một câu:

“Lúc trước em đã nói với anh là em yêu anh chưa?”

“…” 

Khương Mặc sững ra hai giây sau đó bịt tai lại nói đầy cường điệu: “Im! Không muốn nghe mấy câu như thế!” Mắc ói chết mất!

Thẩm Triều Văn cúi người, ghé vào tai anh nói lớn một cách đầy phản nghịch: “Anh, em yêu anh!”

Khương Mặc: “…” Giết tôi đi.

“Em yêu anh.”

“… Đừng nói nữa.”

“Em cực, cực kỳ yêu anh.”

“Đừng nói nữa! Im miệng! Im miệng!”

Miệng thì im rồi, bởi vì y bị đè lên ghế quay cuồng trời đất không nói nên lời.

Phim trên màn hình vẫn đang chiếu, anh không quan tâm đến việc tạm dừng mà cứ để nó phát.

Hôn rồi hôn, Khương Mặc phát hiện tay Thẩm Triều Văn đang ôm mình hơi run, nhưng khi ôm vẫn rất nhẹ nhàng, rất dịu dàng, loại tình yêu này rất có năng lượng làm người ta rung động.

Tuy không biết trong lòng đối phương đang thế nào nhưng Khương Mặc lựa chọn chấp nhận sự dịu dàng của giờ phút này. Con người trước mặt anh là chân thật, cụ thể và dường như thuộc về một cấp độ khác so với phim ảnh. Không hiểu vì sao anh lại nhớ đến lời camera man Lee nói, cái không thể định nghĩ, không biết là gì, chúng ta thường gọi đó là tình yêu.

Khoảnh khắc ấy, Khương Mặc cảm thấy những lời này đúng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.