Bất Du, Không Thay Đổi

Chương 8




Tên bạn học không muốn ở lại thêm một phút nào nữa, vội vàng vẫy xe taxi, mở cửa khom người, thoắt cái đã hòa vào dòng xe cộ nhập nhoạng ánh đèn tín hiệu chìm ngập cả thành.

Cảnh Doãn vẫy vẫy tay với cửa sổ xe, chẳng quan tâm hắn ta không nhìn thấy, bỏ lỡ mất thời cơ đáp lại ý tốt.

Chắc là ý tốt nhỉ, y nghĩ. Cầu hòa, nhượng bộ, cành ô liu xua tan hết hiềm khích lúc trước, mọi sự đều như thế.

Y chẳng nghĩ nữa, cào loạn tóc, nói Khang Sùng: “Ăn mì lạnh nhé?”

Khang Sùng vui vẻ đồng ý: “Đi nào.”

Hơn sáu giờ, sắc trời còn sáng, mây mỏng như nhung tơ, gió nóng thổi qua người, hong khô mồ hôi, sót lại cảm giác chẳng ướt nị cũng không sảng khoái lắm, sờ vào cứ dinh dính tay.

Hai người ven theo lối đi bộ qua ngã tư đường mờ tối đượm màu cổ xưa. Đường hẹp, quanh co, phải vừa đi vừa chú ý xem có chó xích hay xe đạp đi qua không. Nhà hai bên đều là kiểu lầu thấp, cao nhất không quá ba tầng, tọa bắc hướng nam, loại hình nhà giống nhau, tường ngoài sơn sắc nâu trầm, nồng đậm dư vị thời đại. Xuyên qua ban công bán mở bao ngoài là thấy phòng khách, một người đàn ông trung niên cởi trần đang ngồi trên băng ghế nhỏ hơn người chả biết bao nhiêu lần xem ti vi, phe phẩy quạt lá cọ, trên bàn bày đĩa dưa hấu mới bổ. Trong sân trồng vài cây bạch dương cao ngất thướt tha, năm này qua năm khác đổ bóng râm che mát cuộc sống sinh hoạt bình đạm trong nhà.

( 坐北朝南 Tọa bắc hướng nam: Cửa nhà hướng về phía nam, lưng nhà hướng về phía bắc.)

Phía trước hơi dốc xuống, sườn dốc nghiêng độ cung thoai thoải, gió nổi lớn, hai người không hẹn mà cùng thở phào một cái.

Ra khỏi khu dân cư này là tới quán mì lạnh quen của bọn họ.

Quán mở được gần mười năm rồi, cũng không tu bổ thêm gì, chẳng rộng là bao, nhiều khách quen. Bà chủ là người Triều Tiên, dáng người thon thả, quần áo chỉnh tề trang điểm già dặn. Rõ ràng là mở quán cơm mà trên người chẳng có tí khói dầu mỡ nào, thật khiến lòng người sinh hảo cảm. Khẩu âm lại còn vừa thuần vừa chuẩn tiếng phổ thông, nhà có một cô con gái nhỏ hơn hai người mấy tuổi, học đại học ở thành phố khác.

Bà chủ nhận ra hai người, vội ra khỏi phòng bếp, chà qua hai tay lên quần, cười tươi rào đón: “Lâu lắm không gặp à!”

Bà hơi phát tướng, da dẻ vẫn đẹp lắm, cười rộ lên híp cả mắt, tóc nhuộm đen, uốn xoăn, trông trẻ trung biết bao, ôm chầm lấy cả Khang Sùng Cảnh Doãn đầy thương mến, như khi hai đứa vẫn còn trẻ con vậy.

Trí nhớ bà cũng tốt thật, không đụng thấy đuôi tóc dài dài mềm mềm sau lưng Cảnh Doãn liền cực kỳ ngạc nhiên: “Sao lại mất rồi?”

Cảnh Doãn cười ngại ngùng.

Ba năm trung học, Cảnh Doãn Khang Sùng với Trần Mật Cam thường chạy ra ngoài ăn cơm trước giờ tự học buổi tối, có đoạn thời gian còn chờ bạn gái cũ của Khang Sùng đi. Chỉ nhớ tính cách cô bé đó khác hoàn toàn Trần Mật Cam, trầm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ, học giỏi lại xinh xắn, có chút khảnh ăn. Cô còn tưởng nhầm Cảnh Doãn với Trần Mật Cam là một đôi, cuối cùng yêu đương với tên kia được một học kỳ đã chia tay.

Sau đó Khang Sùng xốc nổi quen thêm không ít cô bạn gái, cơ mà chỉ được thời gian ngắn, cứ như thể cưỡi ngựa xem hoa, mối nào cũng không dài lâu. Cảnh Doãn hiếm khi can thiệp chuyện tình cảm của gã, không hỏi han gì. Nói là không hỏi, chẳng qua cố tình muốn lảng tránh thôi.

“Cô bé kia không đi với hai cậu à?” Bà chủ bưng một phần cơm khai vị cùng kim chi dưa góp miễn phí đến. Kim chi cà rốt củ cải được bày trên đĩa tròn to, cắt thành từng dải dài, quyện trong tương ớt đỏ au. Ba vị cay, ngọt, mặn được cân bằng hoàn hảo, vị nào vị nấy đều tuyệt vời. Dưa bà muối ngon lắm, còn đóng thành túi bán, không ít người “chọn mặt gửi vàng” đâu.

“Cô bé nào cơ? À Trần Mật Cam.” Khang Sùng gắp một miếng, đặt đãu xuống khoa tay múa chân: “Chắc là cô nàng này ấy hả? Tóc nấm, đeo kính, chỗ này có nốt ruồi, lúc nào cũng nói liếng thoắng.”

Bà chủ chợt ngộ ra: “Ái! Cô bé đó không phỉa bạn gái cậu.”

“Cũng không phải của cậu ấy.”

Dì chậc chậc lắc đầu: “Thế thì hai đứa kém quá.”

Khang Sùng lật qua lật lại thực đơn: “Chúng con gọi món nhé dì.”

Cảnh Doãn cười bò ra bàn, hai vai rung bần bật, cười mãi không thôi.

Hai người gọi hai bát mì lạnh, hai lon nước có ga, bánh gạo xào thịt ba chỉ, korokke và kimbap. Lúc chờ thức ăn, bốn thiếu niên mặc quần áo thời thượng bàn bên cạnh bắt đầu tám chuyện, là người Hàn Quốc, nói tiếng hàn. Cảnh Doãn vô ý nghe lọt bên tai, hiểu được đúng một từ. Y cầm cốc lên uống trà lạnh.

Từ nãy Khang Sùng đã đang trả lời weixin, trên mặt rành rành nôn nóng và không kiên nhẫn. Hỏi gã là ai thế, bèn thu cảm xúc lại, rồi ôn tồn dịu dàng đáp: “Mẹ tôi, bảo tôi cuối tuần đi xem mắt.”

Cảnh Doãn gật gật đầu: “Cũng đến lúc rồi.”

“Ừ, mẹ chúng ta có hối cậu không? Tôi thấy chắc không đâu nhỉ, mẹ tôn trọng ý muốn của cậu mà.”

“Không đâu, lần đầu tôi bảo không thích, sau cũng chẳng thấy mẹ nói lại đề tài này.”

“Thích thật ấy. Tôi muốn sang nhà cậu quá chừng.”

“Vậy cậu gả qua đây đi.”

“Xem cậu nói kìa, tôi không ở rể được à?”

Cảnh Doãn cười nhạt dần, y cúi đầu giấu tiệt khuôn miệng cong cong dần ỉu xuống; không thể ủ rũ quá rõ ràng được, lên tinh thần thôi, để người ta không nhìn ra đầu mối sơ hở của mày.

Mì lạnh lên trước, mì được chan trong bát inox, vừa mộc mạc vừa sảng khoái. Mì sợi óng mềm tuyệt hảo trụng qua nước lạnh, thêm chút cà chua, dưa chuột thái sợi, miếng thịt hun khói, cùng nửa miếng trứng luộc chậm trong suối nước nóng, tất cả ngâm mình trong nước dùng chua ngọt, trên mặt còn rắc thêm chút hạt mè trắng. Cơ mà món ăn có trông đẹp ra sao thì vẫn sẽ vào lấp bụng thôi.

Bánh gạo xào thịt ba chỉ lên bàn ngay tiếp sau, đây là “chiêu bài” của tiệm, khách đến ăn không gọi là lỗ to. Thịt ba chỉ nạc mỡ vừa đủ, trong lúc xào đảo qua đảo lại với bánh gạo nên mùi vị ngấm quyện. Trước khi ăn dùng đũa gắp một miếng chấm đẫm nước sốt, một thịt một bánh vào miệng, nhai nhai vừa mềm vừa dai, thật dễ thỏa mãn biết bao~

Korokke “lên sàn”, cái nào cái nấy căng đầy núc ních, Khang Sùng dùng dao ăn cắt đường chữ thập thành bốn miếng, để trào khoai tây nghiền bơ bên trong, đồng thời nhỏ giọng ám chỉ với Cảnh Doãn: “Bên cạnh nói chuyện high ghê, cậu nghe hiểu không.”

Cảnh Doãn uống một ngụm canh mì lạnh: “Tôi chỉ nghe hiểu được một từ ‘Anh’ ”

Khang Sùng cắn miếng kimbap, vụn giòn rơi xuống: “Bọn họ là anh em à?”

“Không phải đâu.” Cảnh Doãn nói: “Tôi nhớ là người bên ấy… Ngay cả khi không có quan hệ huyết thống, anh em thể hiện sự thân thiết và quan hệ tốt cũng gọi đối phương là ‘Anh’, như kiểu tri kỉ, bạn thân, hay là loại quan hệ… kề cận lắm ấy”

Quạt quay thổi gió dội từ đỉnh đầu, mồ hôi sau lưng vẫn lờ nhờ chưa khô hết, nhoáng một cái mát lạnh.

Đèn sợi đốt sáng rọi, sự trầm lặng ngắn ngủi tựa giây tấc hơi thở, chân Cảnh Doãn dưới bàn đụng tới đầu gối Khang Sùng, y không động, chẳng tài nào thả nhẹ lòng rồi dựa hẳn vào, cũng rụt lại không nổi nữa.

“Hyung.”

Y đột nhiên mở miệng, giọng lơ lớ.

“Đừng đi xem mắt được không.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.