4.
Trong giờ thể dục tôi thường đánh bóng bàn với Tam gia. Bởi lúc đó tôi là người có khả năng vận động tương đối tốt nên hai người có thể chơi được cùng nhau.
Một lần cả hai chúng tôi đều không mang bóng theo. Tôi lại khá thân với thầy dạy thể dục nên đã tới mượn thầy một quả bóng bàn khi thấy thầy đang hướng dẫn đội tuyển thể dục. Kết quả ông thầy vào nhà kho bới tung lên một hồi mà vẫn không thấy, lúc đi ra lại đưa cho tôi một trái bóng tennis: “Cầm lấy mà chơi này, cũng na ná như nhau.”
Lúc tôi cầm trái bóng màu xanh thầy thể dục cho tới bàn đánh bóng bàn bằng xi măng, Tam gia cười hì hì rồi ném trái bóng xuống đất vài lần để thử độ nảy, hỏi tôi: “Cái này đánh được à?”
Tôi trả lời bằng câu nói của thầy thể dục: “Ừ, cũng na ná như nhau thôi. Nào, hai đứa mình tỉ thí đi, mỗi ván một cây kem ốc quế nhé.”
Nghe tôi nói xong gã ném bóng cho tôi, kêu tôi phát bóng: “Ok.”
Tỉ số hôm đó cứ lên lên xuống xuống, cuối cùng gã thắng tôi hai cây kem ốc quế.
Quầy bán đồ ăn vặt cách sân thể dục tương đối xa nên tôi đi mua hai cây kem ốc quế vào tiết thể dục của tuần sau đó rồi chạy ra sân tập tìm Tam gia.
Khi ấy Tam gia đang nói chuyện với bạn tiểu Vương lớp chúng tôi. Nói đến Tiểu Vương, cậu ấy nhìn thẳng giống Điền Lượng, nhìn nghiêng giống Harry Potter, lúc chớp chớp đôi mắt to trông lại giống trai bao. Quen biết cậu ta tôi mới phát hiện thì ra Điền Lượng và Harry Potter cũng khá giống nhau đấy.
Thấy tôi cho Tam gia cả hai cây kem ốc quế thì rất lấy làm lạ, tôi đành phải giải thích với cậu ta là vì tôi thua nên mới phải mua kem. Vừa nghe xong mắt Tiểu Vương rực sáng, cũng đòi tham gia nhưng cậu ta khinh thường không thèm chơi với tôi mà cướp vợt của tôi đòi thi đấu với Tam gia.
Tam gia nhét cả hai cây kem ốc quế của mình vào tay Tiểu Vương, cầm vợt đánh bóng của tôi rồi nói với cậu ta: “Ok tớ nhận thua, kem ốc quế là của cậu hết.”
Nói xong liền trả vợt bóng bàn cho tôi, bắt đầu phát bóng đánh với tôi.
Tôi nhìn về phía tiểu Vương, cậu ta đã xé vỏ bắt đầu nhấm nháp cây kem, vừa ăn vừa xem chúng tôi chơi bóng, có vẻ rất hài lòng với cách sắp xếp này.
5.
Tôi thực sự rất thích nói chuyện với người khác, cô chủ nhiệm đã nghĩ cách xếp bạn nữ ít nói nhất lớp ngồi cạnh tôi cũng vô dụng. Sau đó mẹ bạn nữ kia tới gặp cô chủ nhiệm, yêu cầu cô tách con gái mình ra khỏi tôi... lý do là bởi bây giờ bạn nữ kia cũng rất thích nói chuyện (lúc đi học ở trường).
Cô chủ nhiệm xinh đẹp gọi tôi ra ngoài rồi thở dài thườn thượt, tôi cúi đầu nhận lỗi rồi e dè hỏi cô giáo: “Hay là cô chuyển em xuống bàn cuối ngồi cạnh XX (Tam gia) được không ạ?”
Cô chủ nhiệm trẻ tuổi trước nay rất thích Tam gia và tôi... Tôi cảm thấy cô ấy rất tinh mắt.
Cô chủ nhiệm lườm tôi: “Không được, trường mình cấm nam nữ ngồi cùng một bàn. Em đừng bận tâm đến việc này nữa, để cô thử nghĩ xem thế nào.”
Vừa hết giờ tôi liền chạy xuống nói với Tam gia: “Cô chủ nhiệm bảo lớp mình không ai chịu ngồi cạnh tớ, tớ đã nói là cậu chịu!”
Tôi cho rằng cô chủ nhiệm nói lung tung, hồi đó rõ ràng tất cả các bạn trong lớp đều muốn được ngồi cạnh tôi.
Tam gia nghe xong liền mỉm cười và nói: “Ừ, tớ đồng ý ngồi cùng cậu.”
Tôi những tưởng xưa nay cô chủ nhiệm luôn rất tốt với tôi thì chắc chắn sẽ chấp nhận yêu cầu của tôi, ai ngờ trong buổi chiều hôm đó, cô bảo tôi thu dọn chuyển lên ngồi bàn đầu.
Xưa nay không có ai ngồi bàn đầu, tôi trở thành người đầu tiên và cũng là người duy nhất.
Thực ra bàn ở phòng thí nghiệm rất rộng, nên dù có ngồi cùng một bàn thì cũng cách nhau rất xa, bàn không nhỏ và không được kê san sát như các phòng học bình thường. Nhưng cảm giác vẫn rất lạ lùng, mặc đù một mình chiếm cứ cả một dãy bàn nhưng tôi lại chẳng hề thấy oách chút nào.
Các bạn tới thu dọn giúp tôi, vừa dọn vừa cười hô hố.
Mặc dù trong lòng chẳng lấy gì làm dễ chịu nhưng vẫn cố tỏ vẻ không hề hấn gì: “Thấy chưa? Đãi ngộ đặc biệt đó!”
Vì được đãi ngộ đặc biệt nên tôi không dám nói với mẹ, sợ bị mẹ mắng. Hôm sau đi học giáo viên nào nhìn tôi cũng nở một nụ cười khó hiểu, tôi cũng chỉ biết đáp lại bằng một nụ cười ngây thơ, xấu hổ chết đi được.
Hôm đó trong tiết ngữ văn, không biết có phải cô chủ nhiệm muốn an ủi tôi hay không mà đã chấm cho bài văn của tôi điểm cao nhất lớp, còn kêu tôi lên bục giảng đọc bài. Thực ra không cần phải lên bục giảng, tôi chỉ cần đứng tại chỗ quay người lại là có thể đối diện với tất cả các bạn trong lớp rồi.
Khi ông mặt trời gần xuống núi cũng là lúc bắt đầu giờ tự học, tôi chống cằm buồn ngủ quay ra nhìn phong cảnh bên ngoài cửa sổ. Hình như dưới sân có lớp đang học thể dục nên rất ồn ào, tạo nên sự đối lập hoàn toàn với cảnh lặng lẽ viết bài trong lớp.
Hết giờ ngơ ngác, tôi quay lại tiếp tục làm bài thì nhận ra trên bức tường bục giảng sơn màu vàng cách đó không xa có hình một chú chim bồ câu. Tôi tò mò quay lại thì thấy Tam gia ngồi bàn cuối đang lồng hai bàn tay vào nhau rồi nhẹ nhàng cử động, tạo thành đôi cánh của chú chim bồ câu trên bục giảng.
Tôi bèn giơ tay lên thì quả nhiên cũng trông thấy cái bóng của tay mình, tôi hoa tay múa chân tạo thành hình đầu chó đồng thời quay lại nhìn Tam gia. Gã đang cười với tôi thế rồi tôi cũng không nhịn được cười nữa.
Đó là nụ cười thật lòng đầu tiên của tôi sau khi chuyển chỗ.
Gã làm như vậy là vì trong bài văn hôm đó tôi đọc có một câu:
Ánh nắng soi bóng trên bức tường, ngày tháng thong thả trôi qua.
6.
Mùa đông năm ấy, một hôm tôi và Tam gia tan học cùng rời khỏi lớp thì gặp bố Tam gia trên hàng lang, ông tới đón con trai vì nhà có việc. Rõ ràng chúng tôi rất trong sáng nhưng tự nhiên gặp phụ huynh như thế này lại thấy căng thẳng một cách khó hiểu.
Chính xác mà nói thì Tam gia là người căng thẳng. Cứ những lúc như vậy là gã chẳng nói năng được cho ra hồn, chỉ vào bố mình và nói với tôi: “Đây là phụ thân của tớ.”
Ặc! Cái giọng điệu sặc mùi dân quốc này là thế nào vậy?
Tôi cũng bị căng thẳng theo gã. Theo như lời kể lại của gã thì tôi đã thực hiện một cái cúi người chín mươi độ tiêu chuẩn cộng thêm một câu: “Cháu chào bác!”
Ở chỗ chúng tôi nếu gặp bố mẹ của bạn thì toàn chào là cô chú, đại lễ này của tôi cũng khiến bố Tam gia giật mình, liền gật đầu nói với tôi “Chào cháu.”
Hôm sau tôi hỏi Tam gia là bố cậu có nói gì về tớ không, Tam gia bảo tôi “Bố tớ bảo cái áo len màu đen của cậu nhìn rất ngố!”
Tôi thì lại cho rằng phải xoá đi vài chữ “cái áo len màu đen của” mới thực sự là ấn tượng của ông về tôi.
Hơn nữa đến ngày hôm nay là đã chín năm sau, ấn tượng đó vẫn cứ là đánh giá chung nhất của bố Tam gia về tôi...