101 Lần Trùng Sinh

Chương 4: Bài tập




Editor: Lam

“Tâm Duyệt, ăn cơm.” Lục Tú Vân trong gian nhà chính gọi.

“Tới ngay đây ạ.” Đường Tâm Duyệt nhanh chóng đi ra ngoài, mùa đông gió rét, thức ăn nóng hổi đặt trong gian nhà chính sắp bị thổi nguội.

Cô đi tới bên bàn cơm, một chiếc bàn hình vuông phía dưới thiếu một góc phải dùng đá để kê, đấy chính là bàn ăn cơm của người nhà họ Đường.

Trên bàn có một tô cải trắng xào, trong chén của mỗi người đặt hai cái bánh, đậu đũa muối chua vừa được lấy từ trong hũ đậu đũa muối ra, đây chính là cơm tối của bọn họ.

Hai đứa nhỏ trong gia đình, Đường Nham Đường Điềm nhìn chằm chằm chiếc bánh, nước miếng như sắp rớt xuống, nhưng Đường Tâm Duyệt chưa có mặt, ai cũng không động đũa.

Việc này ở trong núi được xem như là gia đình có quy củ hiếm thấy. Một năm cần cù làm lụng, tuy không đến nỗi chết đói nhưng cũng luôn là ăn không đủ no. Trẻ con thèm ăn, nhìn thấy đồ ăn là nhịn không được muốn cho vào miệng. Nếu là đứa trẻ nhà khác đã sớm nhào tới ăn như hổ đói rồi, nhưng Đường Nham Đường Điềm chỉ không ngừng nuốt nước miếng, nhưng sẽ không động miệng.

Đây là công lao dạy dỗ của Lục Tú Vân. Ông nội bà là tú tài thời Thanh, ba bà cũng được đi học. Bà cũng có trình độ văn hóa cấp hai, ở nơi sơn thôn cằn cỗi lạc hậu này coi như là nhân tài hiếm thấy. Cả gia đình đều là cô nhi quả phụ, cuộc sống tự nhiên có phần khó khăn, nhưng Lục Tú Vân chưa từng bỏ qua việc dạy dỗ cách làm người cho bọn họ.

“Mau ăn thôi, đừng để lạnh.” Đường Tâm Duyệt vội vàng ngồi xuống nói với bọn họ, ba người lúc này mới một tay cầm bánh, một tay cầm đũa.

Lục Tú Vân gắp cải trắng vào trong chén cho bọn họ, “Tâm Duyệt, em trai út, em gái út, ăn rau nữa, đừng chỉ gặm bánh.”

Ở Tứ Xuyên, tiếng địa phương có thói quen gọi bé trai nhỏ nhất trong nhà là em trai út, bé gái là em gái út, mang ý nghĩa yêu thương.

Trước kia khi trong nhà chỉ có một đứa bé là Đường Tâm Duyệt, em gái út là biệt danh của cô, sau này Đường Điềm nhỏ hơn ra đời, biệt danh của cô liền đổi thành Duyệt nhi.

Đường Tâm Duyệt cúi đầu, phát hiện trong chén của ba người đều có một miếng thịt xông khói nhỏ đen thùi lùi, bỏ vào trong miệng, quai hàm cắn mạnh đến phát đau mới miễn cưỡng cắn thành khối vụn.

Tuy chỉ là một miếng thịt, hai đứa bé lại ngậm rồi lại liếm, dù đã nhai nát cũng không nỡ nuốt xuống.

Mà Lục Tú Vân chỉ vùi đầu gặm bánh với cải trắng, đũa vói ra tự động tránh đi những mảnh thịt vụn lẻ tẻ.

Ở trong thôn, mọi người không nuôi nổi heo và dê, trâu là dùng để cày bừa, ăn thịt chỉ có thịt heo, gà, vịt, thỏ. Thịt heo là do người bán thịt thôn lân cận bán lẻ trong trấn, một tháng chỉ có thể mua một lần; thỏ và vịt được mỗi nhà nuôi sau vườn, nhưng không dễ dàng ăn. Gà vịt để đẻ trứng, còn thỏ phải giữ lại để mang xuống núi bán lấy tiền.

Người nhà họ Đường là người từ bên ngoài đến, ở trong thôn không được chia đất, Lục Tú Vân một người phụ nữ mang theo ba đứa trẻ, làm thuê trồng hoa màu hai mẫu ba sào ruộng cho người ta, ngoài ra còn nuôi một ít gà vịt thỏ, mùa xuân nuôi chút dâu tằm, cũng không có nghề kiếm sống khác, trôi qua rất gian nan, cả gia đình nửa tháng mới có thể ăn chút thịt vụn.

Trong mắt mù mịt hơi nước, Đường Tâm Duyệt cúi đầu xuống chôn mặt trong chén cơm, miệng ngốn bánh, miếng bánh nghẹn trong cổ họng cứng rắn chặn lại nỗi buồn cuộn trào mãnh liệt.

Quá tạo nghiệt! Ngày trước chẳng hề cảm thấy cực khổ, có ăn đã coi như tốt rồi. Mà từng trải qua cuộc sống ở thành phố lớn, Đường Tâm Duyệt nhớ tới những đứa trẻ trong thành phố từ nhỏ đã được gia đình nâng niu trong lòng bàn tay, ăn cái gì cũng kén cá chọn canh, được nuông chìu từ bé kén ăn đủ loại. Còn trẻ con trong núi thì đói đến mặt mày xanh xao, suốt cả năm cũng không có được mấy lần ăn thịt.

Đối lập rõ ràng như thế làm chua xót lòng người.

Đường Tâm Duyệt chọn một miếng thịt xông khói màu đen trơn nhẵn bỏ vào trong chén mẹ.”Mẹ, mẹ cũng ăn thịt đi.”

“Ha.” Lục Tú Vân cười vui vẻ, quay đầu gắp miếng thịt vào trong chén Đường Nham, Đường Nham vùi đầu ăn ngọt ngào.

Đường Tâm Duyệt nhìn thấy không nói gì, người nông thôn ít nhiều gì đều có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Lục Tú Vân vẫn còn tốt, chẳng qua là khó tránh khỏi ưu ái con trai nhỏ hơn thôi.

Ăn cơm tối xong, Đường Tâm Duyệt muốn rửa chén bị Lục Tú Vân đuổi về làm bài tập.

“Con bị bệnh mấy ngày như thế đã bỏ qua không biết bao nhiêu bài học, ngày mai tới trường phải cố gắng hỏi bài thầy cô đấy.” Lục Tú Vân nhanh chóng thu dọn chén đũa, dặn dò Đường Tâm Duyệt.

“Dạ, con biết rồi.” Đường Tâm Duyệt trả lời.

Lục Tú Vân nghiêng đầu dặn dò Đường Nham, “Đi rót bình nước nóng cho chị con.”

Đường Tâm Duyệt vội vàng đi tới, “Để con tự làm.”

Nhà người khác đều cưng chìu con trai nhất, nhưng tới lượt nhà họ Đường bọn họ lại cưng chìu Đường Tâm Duyệt nhất. Thứ nhất, Đường Tâm Duyệt đến tận 6 tuổi vẫn là đứa con duy nhất trong nhà. Khi đó thân thể Lục Tú Vân xảy ra chút vấn đề, tưởng là đời này chỉ có một đứa con, tự nhiên vô cùng coi trọng. Thứ hai là vì cha Đường Chí Cường là sinh viên đại học, từ nhỏ Đường Tâm Duyệt đã được học tập tốt. Cho nên dù nhà có nghèo đi nữa, Lục Tú Vân cũng chưa từng nói muốn Đường Tâm Duyệt thôi học, bởi vì cô mang theo hi vọng của cả nhà.

“Vâng, vâng.” Đường Nham trả lời, vóc dáng cậu cũng chỉ cao hơn một mét một chút, gầy teo nho nhỏ giống như con khỉ, không đợi Đường Tâm Duyệt đi qua đã nhanh chóng đổ nước lạnh trong bình nước nóng vào lu – dù sao đó cũng là nước sạch, lại lấy một cái phễu cắm trên miệng bình nước nóng, hai tay khẽ run nhắc phích nước nóng lên.

“Em cẩn thận một chút, để chị làm cho.” Thân thể Đường Nham nhỏ, sức lực cũng nhỏ, Đường Tâm Duyệt nhìn cậu run run nhấc lên, vô cùng lo lắng sợ cậu bị phỏng tay, vội vàng nhận lấy phích nước.

Rất nhanh đã đổi nước xong, Đường Tâm Duyệt cầm bình nước nóng rời khỏi phòng bếp trở lại phòng ngủ, vừa đi vào liền run lập cập, gió từ vết nứt trên tường thổi vào, xương cốt ẩm ướt đều tỏa ra khí lạnh.

Cô trùm bình nước nóng trong đồ đậy bằng vải bông, nhét vào trên giường lạnh như băng, “Xoẹt” quẹt que diêm, đốt đèn bão (đèn dầu) trên tủ ở đầu giường.

Đèn dầu lấy dầu hỏa làm dầu thắp, lại lắp thêm một cái tim đèn, bên ngoài được bao bọc bằng thủy tinh để phòng ngừa gió thổi tắt đèn.

Những người đời sau thế kỉ 20 rất ít khi thấy được bóng dáng của nó. Nhưng đối với những năm 90 thế kỉ trước, khi sơn thôn nghèo khó xa xôi ở Tây bộ chưa phổ biến điện nước khí gas, đây là công cụ chiếu sáng thiết yếu của mỗi nhà.

Đường Tâm Duyệt dùng cái dùi để khều tim đèn, ánh sáng càng mạnh, trong phòng bỗng chốc sáng rực, ngọn lửa vui sướng nhảy múa.

Cô cởi áo khoác đặt lên đầu giường, bò lên gường, trên giường có một cái bàn gỗ nhỏ, kéo lại gần bắt đầu nằm sấp lên chuẩn bị làm bài tập.

“Hả?” Cô cầm sách giáo khoa lên, mới phát hiện phía trên sách giáo khoa của mình có một nửa tờ giấy nhỏ, nét chữ phía trên non nớt, lớn nhỏ không đồng đều, nhưng người viết hết sức chăm chỉ, mỗi nét mỗi chữ đều nỗ lực viết ngay ngắn.

“Ngữ văn: Học thuộc bài văn trang 16; Toán học: Làm bài tập trang 32-33…” Đường Tâm Duyệt cầm một chồng có khoảng năm sáu tờ giấy lên, mỗi tờ giấy ghi chép lại bài tập mỗi ngày, đưa đến gần ngọn đèn nhìn, nghi hoặc lẩm bẩm, “Ai viết đấy nhỉ?”

Chữ của mình không thể không biết, mặc dù không có học qua thư pháp, nhưng khi còn nhỏ cô đã tập viết dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của ba, mà chữ viết của mẹ cũng không phải thế này, cho nên cô rất nghi hoặc.

Đường Tâm Duyệt định đợi một lát mẹ vào nhà sẽ hỏi bà, lật sách dựa theo nhiệm vụ trên tờ giấy bắt đầu bổ sung bài tập.

Trở lại tiểu học, những kiến thức này đối với cô mà nói dĩ nhiên là vô cùng đơn giản, cô vừa làm bài, vừa nghĩ tới đời người sống lại một lần rốt cuộc nên làm gì.

“Chị!” Hai đứa nhỏ vừa giúp mẹ thu dọn chén đũa xong, chạy đến mép giường cởi giày, trong tay mỗi đứa cầm một quyển sách tiểu nhân, chui vào chăn, vừa vào liền run cầm cập.

Đường Tâm Duyệt vội vàng kéo hai người lại gần, “Đến gần chị, bên này ấm hơn.”

“Trên người chị thật ấm.” Hai đứa bé hi hi ha ha chen tới, nằm bên chân Đường Tâm Duyệt, cô bảo bọn họ nhét chăn cho tốt để tránh gió lọt vào, hai đứa nhỏ nhìn ngọn đèn dầu tỏa ra ánh sáng, không quấy rầy cô học tập, bắt đầu yên lặng xem sách tiểu nhân.

Ánh mắt Đường Tâm Duyệt dừng lại trên cuốn sách tiểu nhân trong tay bọn họ, mấy chữ “Thủy Hử Truyện” đập vào tầm mắt. Sách tiểu nhân vào những năm 70, 80 là sách báo rất phổ biến, còn gọi là tranh liên hoàn. Nhà bọn họ có một rương sách cũ, trừ sách tiểu nhân còn có tài liệu văn học trong và ngoài nước rất thịnh hành của thập niên 80, đều là sách do ba lưu lại sau khi ra đi.

Thấy mặt hai đứa cách sách quá gần, Đường Tâm Duyệt bèn nhắc nhở, “Nếu không muốn bị mù thì cầm xa ra chút.”

“Dạ.” Hai đứa cười hì hì vươn tay cầm sách xa ra. Đèn dầu chỉ chiếu sáng một phạm vi nhỏ, cách xa sẽ không thấy rõ, Đường Tâm Duyệt dời đèn qua chỗ bọn họ, tiếp tục không yên lòng làm bài tập.

Đầu thập niên 90, rất nhiều gia đình trong thành phố vùng đất Tây bộ đã có ti vi trắng đen,  nhưng đối với sơn thôn xa xôi nghèo khó đến cả điện còn không phổ biến mà nói, rất nhiều người ngay cả ti vi có hình dạng gì cũng chưa thấy qua.

Mùa đông trời tối sớm, lại không có hoạt động giải trí gì, hai đứa trẻ chỉ có thể chui vào chăn sớm, không ngại buồn chán lật xem sách tiểu nhân đã sớm xem không dưới 100 lần.

Cũng bởi vì như thế, trong khi trẻ con bảy tám tuổi trong núi còn chưa nhận ra một chữ, hai người bọn họ còn chưa nhập học, dưới sự dạy dỗ của Đường Tâm Duyệt và Lục Tú Vân đã có trình độ của học sinh lớp 3.

Đường Tâm Duyệt cầm bút, thầm hạ quyết tâm: Đường Nham, Đường Điềm từ nhỏ đã thông minh chăm chỉ, lần này nhất định phải làm cho bọn họ tiếp tục đi học!

Chỉ chốc lát sau, Lục Tú Vân thu dọn nhà bếp, vừa dùng nước nóng rửa mặt xong cũng đi tới. Mùa đông tháng chạp đến tháng giêng xem như là lúc rãnh rỗi ít có trong một năm của người nhà nông. Bởi vì mùa này được xem là giai đoạn giữa sinh trưởng của mùa. Các loại đậu tằm, cây cải dầu không cần xử lý quá nhiều, thời điểm thích hợp tưới chút phân bón là được rồi. Phải đến mùa xuân, khí trời ấm áp, mới bắt đầu vất vả nuôi tằm và gieo giống.

Lục Tú Vân nửa dựa ngồi ở đầu giường, trước mặt đặt giỏ may vá, chuẩn bị công việc may vá.

Đường Tâm Duyệt dịch vào bên trong, để ánh sáng chiếu tới giúp mẹ nhìn thấy, thuận tiện hỏi, “Mẹ ơi, mấy chữ này là do ai viết vậy?”

Lục Tú Vân đang cầm kim nheo mắt chuẩn bị xỏ chỉ, nghe thế nhìn lướt qua, “Là Lục Thành Vũ, người ta tốt bụng nhớ kỹ bài tập mỗi ngày, mỗi ngày đặc biệt mang qua đây cho con.”

Lục Thành Vũ? Đường Tâm Duyệt hơi kinh ngạc, cúi đầu nhìn tờ giấy đối phương ghi lại bài tập cô xin nghỉ một tuần qua, trong lòng không khỏi bắt đầu có chút phức tạp.

Không nghĩ tới, Lục Thành Vũ cũng có lúc nhiệt tình như thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.