101 Lần Trùng Sinh

Chương 3: Thập niên 90




Editor: Lam

Khi ấy, cả nhà cô sống ở nông thôn nghèo khó trong vùng núi biên giới phía Tây Nam.

Mặc dù năm 1978 nhà nước đưa ra cải cách mở cửa, một số người đầu óc nhạy bén đã nắm lấy thời cơ dẫn đầu làm giàu. Cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng duyên hải Đông Nam càng có biến hóa long trời lở đất. Nhưng 14 năm trôi qua, làn gió xuân của cuộc cải cách cũng không thổi tới nơi sơn thôn nhỏ bé nghèo khó vùng Tây Nam xa xôi này. Dù rằng năm 1980, nhà nước đã áp dụng chính sách chế độ khoán đến hộ gia đình, nâng cao rất lớn tính tích cực sản xuất của nông dân. Nhưng trong núi, đồng ruộng phì nhiêu đất đai bằng phẳng có thể trồng trọt vốn đã ít, nay ruộng đất chia ra lại càng ít hơn. Cuộc sống nông dân trên núi vẫn như cũ, mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ, thậm chí còn không bằng thành trấn những năm 80.

Cả gia đình đi sớm về tối cần cù làm việc, vẫn còn phải giãy giụa trên ranh giới ấm no, càng không thể nói tới việc khác.

Căn nhà này của nhà họ Đường được xây từ hơn mười năm về trước, khung nhà bằng gỗ, lấy rơm làm mái. Khi đó, phòng bếp nông thôn hoàn toàn không giống phòng bếp sạch sẽ ngăn nắp như bây giờ, có khí đốt thiên nhiên và hàng loạt dụng cụ phòng bếp hiện đại hóa.

Thời ấy, phòng bếp giống như một cái lều thô sơ, dựng dựa vào gian nhà chính, chính giữa chỉ có một tấm vải ngăn cách. Phòng bếp không có ống khói, lúc xào rau khắp phòng sẽ tràn ngập mùi khói dầu sặc mũi, vách tường và nóc nhà bằng gỗ bị hun đen thùi lùi, phủ một tầng bụi đen. Trên vách tường treo dao phay, xẻng, muỗng, từng cái đều được làm từ tinh thiết, vừa to lại nặng, múc một muỗng nước cũng đủ rót đầy cái bát tráng men cỡ lớn.

Muôi to, nồi nấu cơm tự nhiên cũng không nhỏ. Bếp là dùng gạch đá để xây, phía trên đặt hai cái nồi to, bên hông là hai cửa lò dùng để nhóm lửa. Bên cạnh góc tường là đống củi khô còn cao hơn người.

Trẻ con nông thôn đều hiểu chuyện sớm, khi còn rất nhỏ đã biết giúp ba mẹ làm việc. Vào ngày mùa, nếu ba mẹ bận bịu làm ruộng thì mấy chuyện như nấu cơm xào rau đều là do trẻ con phụ giúp.

Đường Tâm Duyệt còn nhớ, mình mỗi ngày đều phải dẫn hai đứa nhỏ nhà họ Đường ra ngoài nhặt củi chẻ củi. Vào thời điểm Lục Tú Vân xào rau phải giúp nhóm lửa. Ngồi trước đống củi khô, một tay nắm chặt kìm gắp than, một tay nhét củi khô vào lòng bếp. Thời đó hoàn toàn không dùng khí đốt thiên nhiên giống bây giờ, có thể thoải mái điều chỉnh độ lớn nhỏ của lửa. Việc khó khăn nhất là phải nắm giữ độ lửa. Lửa quá lớn thì cơm sẽ khét, lửa quá nhỏ thì nấu cả buổi nước cũng không sôi lãng phí củi.

Hơn nữa ngọn lửa hừng hực chiếu mặt đỏ bừng, mùa đông còn tốt, nếu là mùa hè nấu một bữa cơm sẽ ra một thân mồ hôi. Cho nên hai bên gò má của người trong nhà từ trước đến nay đều đỏ bừng.

Sau này lớn hơn một chút, cô đòi theo mẹ học nấu ăn. Lần đầu tiên đứng bếp, người cô chỉ cao hơn cái bệ một chút, dưới chân phải đạp lên hai miếng gạch mới chạm tới nồi để xào rau, lực dùng quá mạnh thiếu chút nữa cắm đầu xuống cái nồi còn lớn hơn cái thau rửa mặt.

Cô đi vài bước, nhìn thấy một đầu bếp lò được đắp sát vách tường, một bên khác là hành lang. Trên hành lang là một tủ gỗ dựa vào tường, phía trên để vài cái bát tráng men cỡ lớn, đũa sạch cắm trong ống đựng đũa treo trên tường. Cạnh tủ là hai phích nước nóng, vỏ ngoài bằng sắt, bên trong rỗng. Đường Tâm Duyệt nhớ đây là đồ dùng trong nhà được trong đội phân cho ba cô lúc ông vừa đến nông thôn.

“Thức dậy làm gì?” Lục Tú Vân đang xào thức ăn, hai đứa em trai em gái ngồi trước lò bếp hỗ trợ đốt lửa.

“Chị.”

“Chị hai!” Hai đứa nhỏ cười gọi cô.

“Chị đây!” Đường Tâm Duyệt đáp trả, đi tới bên bếp lò, một hơi ném hết thư vào.

Ngọn lửa màu quất nuốt lấy tờ giấy mỏng manh, xoắn lại rồi tan ra, trong nháy mắt biến thành tro bụi.

Đường Tâm Duyệt thở dài một hơi.

Ba người đứng xem đều sợ ngây người, ngày thường Đường Tâm Duyệt quý nhất là những bức thư này, em trai em gái sờ một tí cũng sợ làm bẩn, bây giờ lại lặng yên không một tiếng động đốt đi?!

“Tâm Duyệt, sao con lại đốt thư đi? Con không viết thư cho người kia nữa sao?” Lục Tú Vân khó hiểu hỏi.

Đường Tâm Duyệt cười cười, “Con chỉ cảm thấy người ta là chủ tịch, trăm công nghìn việc, con cũng không nên dùng những việc nhỏ nhặt không đáng kể này quấy rối người ta. Chờ sau này con kiếm được tiền rồi sẽ hồi báo cho ông ấy.”

Cô vẫn cảm kích đối phương, dẫu sao người ta đã cho cô cơ hội đi học. Nhưng cô sẽ không chủ động tới cửa chịu đựng thêm một lần khuất nhục nào nữa.

Về phần Từ Úy Nhiên…

Trong lòng Đường Tâm Duyệt hiện lên một chút buồn bã, Từ Úy Nhiên và người nhà anh hoàn toàn khác nhau, nhưng bọn họ vốn là người của hai thế giới. Đời này lại càng không có khả năng qua lại.

“Tới đây.” Gọi hai đứa nhỏ đến, Đường Tâm Duyệt đi đến bên băng ghế nhỏ ngồi xuống, bắt đầu nhóm lửa.

Lục Tú Vân ngăn lại, “Con vừa khỏe lên một chút ra đây làm gì, mau trở về nghỉ ngơi đi.”

Đường Tâm Duyệt cười nói, “Con không sao, nằm quá lâu thân thể không còn sức lực, nên đứng lên hoạt động một chút mới tốt. Ở đây cũng ấm áp hơn.”

“Vậy con sưởi ấm đi.” Lục Tú Vân biết trong bếp ấm áp, nói với Đường Điềm, “Con đi lấy bình nước nóng với quần áo của chị lại đây.”

Thời đó trong thôn đến cả điện còn chưa phổ biến, chớ nói chi đến thảm điện, lò sưởi điện. Vừa rồi Đường Tâm Duyệt tỉnh lại còn phát hiện Lục Tú Vân đặc biệt để hai bình nước nóng trong chăn. Bình nước nóng là một loại bình tròn dạng dẹt bằng đồng, phía trên miệng bình có một con ốc, nước nóng được rót vào từ miệng bình. Vặn chặt con ốc, bên ngoài bình lót một lớp vải bông nhét vào trong chăn là có thể làm công cụ sưởi ấm trong thời gian rất lâu.

Từ thập niên 60 thế kỷ trước cho đến nay, sản phẩm bằng nhựa dần dần phổ biến. Túi nước nóng mới tiện lợi dễ mang theo đã thay thế cho bình nước nóng nặng nề bất tiện của truyền thống. Nhưng nhà họ Đường vẫn còn dùng bình nước nóng. Đun nước sôi nóng hầm hập rót vào trong bình nước nóng, có thể giữ đến năm sáu giờ, sưởi ấm tấm chăn lạnh lẽo. Sau khi nước lạnh lại được đổi, có thể thấy bình nước nóng bên người của Đường Tâm Duyệt vẫn chưa từng hoàn toàn lạnh qua.

Đây là sự săn sóc từng li từng tí của mẹ.

“Ôi, lại là con…” Đường Điềm vốn đang được sưởi ấm toàn thân, không hề muốn rời khỏi phòng, lẩm bẩm oán trách một câu, nhưng nghĩ đến chị đang bị bệnh, trừng mắt nhìn Đường Nham cười hì hì làm mặt quỉ với bé, đồng ý chạy ra ngoài, rất nhanh đã quay trở lại. Nhét bình nước nóng vào trong tay Đường Tâm Duyệt, lại phủ thêm quần áo cho cô.

“Chị ở đây không lạnh, em giữ đi.” Đường Tâm Duyệt trong lòng ấm áp, trở tay đưa bình nước nóng cho Đường Điềm.

Đường Điềm cười hì hì ôm vào trong ngực, cùng Đường Nham một trái một phải vây quanh Đường Tâm Duyệt, đưa củi cho cô, thỉnh thoảng cầm kẹp nhóm lửa chọt vài cái vào lòng bếp, dọn bên trong ra một khe hở nhỏ để không khí dễ vào, giúp gỗ cháy hết mức.

Bọn họ vẫn còn nhỏ, thật ra cũng không biết trong đó ẩn chứa kiến thức vật lý gì, đây chẳng qua là kết quả dưới sự dạy dỗ từng đời của ba mẹ mà thôi. Chỉ biết chọt vài cái, lửa sẽ cháy mạnh hơn, có thể tiết kiệm được nhiên liệu.

“Được rồi.”

Một rổ cải trắng lớn được đổ vào dầu nóng, xào trong nồi nóng hổi, dầu mỡ lập tức văng khắp nơi, khói mù lượn lờ.

Lục Tú Vân động tác nhanh nhẹn, đảo vài cái, rất nhanh đã xong. Mà bên trong nồi lớn, bánh hấp cũng vừa chín tới.

“Ăn cơm.” Lục Tú Vân nói.

Hai đứa bé hoan hô một tiếng, không kịp chờ đã ném củi đốt, một đứa giúp Lục Tú Vân bưng cơm bưng thức ăn, một đứa lau bàn lấy chén đũa, phân công hợp tác, động tác nhanh chóng lại không luống cuống tay chân, vừa thấy đã biết là thói quen.

Đường Tâm Duyệt đi đến lu nước dùng gáo hồ lô múc muỗng nước. Gáo hồ lô là vỏ hồ lô khô làm thành muỗng, là một loại dụng cụ múc nước thường dùng trước đây. Sau khi Đường Tâm Duyệt vào thành phố đi học cũng chưa từng thấy qua người ta sử dụng loại đồ vật này nữa. Người trong thành phố càng chú trọng vật dụng bằng nhựa vừa nhẹ lại đa dụng. Không giống trong nông thôn chỉ quan tâm đến độ bền chắc của vật dụng.

Cô múc hai muỗng nước vào trong nồi, chẻ nan tre thành mảnh nhỏ sau đó bó lại thành bàn chải tre, chà chà vài lần đã rửa xong cái nồi vừa được dùng để xào.

Nơi này của bọn họ là vùng núi, đồng ruộng có hạn, nhưng lượng nước dồi dào. Đồng ruộng phì nhiêu đất đai bằng phẳng dùng để trồng lúa, mà mùa xuân dạo trước đã trồng cây cải dầu, dầu ăn đều do từng nhà từng hộ tự mình dùng hạt cây cải dầu ép ra, sản lượng dầu ăn thu được cũng chỉ vừa đủ dùng trong nhà. Còn những đồ gia vị cần có khác như muối, đường thì phải xuống núi vào trong trấn mua, cho nên bình thường đều cố gắng sử dụng tiết kiệm hết mức.

Dùng nước ấm rửa nồi cũng chỉ có vài giọt dầu nhỏ nổi lên trên mặt nước, căn bản không cần rửa sạch những thứ này, huống chi trong nhà cũng không có.

Đổ nước trong nồi ra ngoài, lấy giẻ lau nồi, thế này coi như đã rửa xong, lại múc thêm hơn phân nửa nồi nước, đậy nắp gỗ lại, trong bếp còn dư lại hơi ấm, đun thêm một nồi nước để cả nhà dùng tối nay và sáng mai.

Nhìn thì rườm rà, nhưng thật ra động tác nhanh chóng mấy cái liền xong.

“Xem ra kỹ thuật cũng không mai một.” Đường Tâm Duyệt thầm nghĩ. Đây đại khái là do từ nhỏ theo mẹ làm việc nhà, đã sớm dưỡng thành thói quen ăn sâu vào tận xương tủy, mặc dù đã vào thành phố đi học nhiều năm, nhưng cô từ đầu đến cuối cũng không quên những công việc này.

“Phù.” Đường Tâm Duyệt nhìn xuống số nước ít ỏi còn dư lại trong chậu, thở dài.

Thôn Đại Dược là thôn nghèo khó nổi tiếng gần xa, nơi này có tổng cộng 43 hộ gia đình, hơn một trăm người, vẫn chưa phổ biến nước máy. Trong thôn chỉ có một giếng nước công cộng, khoảng cách gần thì có thể đến gánh, còn xa thì chỉ có đến dòng suối bên thôn lấy nước sông để nấu.

Nhà họ Đường coi như cách giếng nước công cộng không xa, một ngày phải gánh mấy chuyến mới có thể đổ đầy miệng lu nước lớn. Nước dùng để nấu cơm rửa chén, nuôi gà vịt, trừ những cái này ra còn phải dùng để uống và rửa mặt. Trước kia gánh nước là việc nhà hằng ngày Lục Tú Vân phải làm, một ngày lại một ngày. Về sau, khi Đường Tâm Duyệt lớn lên một chút cũng giúp bà gánh. Đòn gánh trúc dài hai thước màu vàng nhạt, hai đầu gánh là hai thùng nước cao bằng nhựa màu đen, tính chất của thùng nước này so với thùng gỗ bình thường hoàn toàn khác nhau, tường thùng rất dày, khi gánh nước thì càng nặng hơn, nhưng rất bền có thể chịu đựng va đập.

Đường Tâm Duyệt quét mắt nhìn thùng nước bên cạnh lu nước, thùng nước dùng quá lâu đã xuất hiện vết nứt nho nhỏ, là mẹ đã dùng dây kẽm một vòng lại một vòng quấn quanh vết nứt. Đồ vật nhà nông đều như thế, tu tu bổ bổ chỉ cần còn có thể sử dụng thì tuyệt đối sẽ không vứt đi, là dấu vết tang thương ghi chép lại những năm tháng chật vật ấy.

Nhìn gian nhà nghèo rớt mùng tơi, đôi mi thanh tú của Đường Tâm Duyệt nhíu chặt, bắt đầu lo âu.

Sống lại một đời, rốt cuộc phải làm sao mới có thể giúp người nhà thoát khỏi nghèo khó, trở nên giàu có, sống một cuộc sống hạnh phúc đây?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.