Yêu Và Chết

Chương 6: Quán âm hồn




Hai Nương bảo đứa đàn em:

- Mày ngừng lại chỗ cái quán bên đường kia, tao... mắc quá! Lơ xe Ngố cười tít mắt:

- Bởi vậy nãy giờ xe cứ lết lên dốc thấy tội nghiệp! Cả xe ai cũng đầy bầu nên xe nặng lết không nổi cũng phải!

Đập lên lưng lơ xe một cái, mụ Hai Nương bước xuống nhanh, vừa quay lại dặn tài xế:

- Thanh thủ nghỉ một lát rồi tới Pleiku ăn cơm cũng kịp.

Mụ đi thẳng vào quán định đi vệ sinh nhờ, nhưng chủ quán chỉ ra sau:

- Ở phía kia.

Mụ Nương đi ra xa hơn vài chục thước, thấy có căn nhà nhỏ ở một góc thì bước đại vào. Nhưng mụ ta đã phải khựng lại, bởi đó không phải là nhà vệ sinh, mà là một cái miếu âm hồn.

Còn chưa kịp lùi ra thì bỗng như có ai xô mạnh một cái, làm cho mụ ngã chúi nhủi về phía trong, vô tình quay gối ngay trước bát nhang đang nghi ngút khói.

Còn đang lúng túng, định đứng dậy thì chợt nghe có một giọng nói vừa đủ

nghe:

- Sao chưa lạy!

Mụ ta mọp ngay đầu xuống đụng đất và cứ thế lạy liền ba lạy. Khi ngẩng lên, bỗng mụ run rẩy kêu lên:

- Cô... cô là...

Trước mắt mụ ta đang có một cô gái ngồi xếp bằng trên chỗ bệ thờ. Tuy tóc cô ta xoã gần kín khuôn mặt, nhưng mụ Nương vẫn nhận ra, mụ lặp lại:

- Cô... cô sao lại ở đây? Một tràng cười vang lên:

- Mụ không ngờ người bị mụ xô xuống vực Đầu Voi bây giờ lại ở đây? Mụ

tưởng đổi địa bàn hoạt động, không cho xe chạy qua quốc lộ 27 nữa là sẽ không gặp lại oan gia sao!

- Tôi... tôi...

- Mụ nín! Nếu còn léo nhéo nữa thì ta cắt lưỡi liền! Mụ trả lời ta, tại sao hôm đó mụ xô ta xuống vực sâu, còn người yêu của ta mụ lại chỉ đánh cho nhừ đòn rồi kéo lên xe chở đi?

- Dạ... dạ tôi không có ý... tôi chỉ...

Mấy cái tát liền khiến cho mụ ta xiểng liểng, suýt ngã chúi đầu tới trước. Giọng mụ thất thần:

- Tôi chỉ...

- Phải nói thật ra thì còn mong toàn mạng, bằng không thì...

Mụ Hai Nương bình sinh hung ác, miệng lưỡi có gai có góc, vậy mà giờ đây mềm như bún:

- Dạ... chỉ vì tôi... giận cô đã cướp thằng Phong, nó vốn là người mà ba tôi nuôi nấng từ nhỏ. Phong là người mà tôi kỳ vọng sẽ nối nghiệp nhà tôi mà kinh doanh...

- Láo! Phong là người tốt, anh ấy có mang ơn nuôi dưỡng của mấy người, nhưng từ khi trưởng thành, anh ấy biết cái nghề buôn lậu hàng quốc cấm của mấy người là phạm pháp, nên đã có ý định ra khỏi nhà mấy lần. Anh ấy đã thề là sẽ không bao giờ dính tới chuyện làm ăn nguy hiểm đó nữa. Vậy mà mấy người đã nỡ nhẫn tâm hại anh ấy. Còn tôi, chỉ là người vô can, tại sao mấy người giết tôi?

- Chẳng qua tôi chỉ... tôi chỉ lỡ tay mà thôi. Vả lại...

- Vì sợ tôi tố cáo mấy người chứ gì! Mà có sợ thì cũng có thoát được đâu! Tôi nói cho mà biết, bắt đầu từ hôm nay hãy liệu mà bỏ nghề đi, nếu không sẽ hối không kịp!

Lời đó vừa dứt thì có một cụm khói xanh bốc lên từ chỗ cô gái ngồi rồi... sau

đó mất dạng! Mụ Hai Nương sợ thất thần:

- Cô... cô Lan!

Mụ đã nhớ ra rồi, cô gái này là người yêu của Phong, đã bị chính mụ ta xô ngã xuống vực sâu hôm đó, vì nghĩ rằng cô ta là nguyên nhân khiến Phong mê muội tính bỏ nhà đi. Vậy mà sao cô ta lại ở đây?

Mụ chợt nhận ra, kêu thét lên:

- Ma! Bớ người ta!

Mụ tức tốc chạy ra khỏi miếu. Khi vào tới nhà, mụ còn chưa hoàn hồn, chỉ thều thào với chủ quán:

- Ma! Ma ngoài kia... Bà chủ quán gắt lên:

- Ma cỏ gì ở đây!

Mụ Hai Nương chỉ ra cái miếu:

- Ngoài miếu có... có ma.

Tuy bực mình nhưng bà chủ quán cũng bước ra xem. Bà trở vào la lớn:

- Chị này vô duyên, đó là cái miếu thờ thổ địa của đất này từ bao đời nay, ma quỷ gì trong đó!

- Ma... tôi thấy ma.

Rồi mụ ta chạy một mạch ra xe, giục mấy đàn em:

- Đi nhanh lên.

Chẳng hiểu sao, mụ ta bảo tài xế quay đầu về hướng quốc lộ 27, thay vì chạy theo hướng Kontum, Pleiku.

 

Chỉ một tuần sau. Tại chân đèo Đầu Voi, chỗ khúc cua nguy hiểm nhất, trước khi các xe leo đèo và đổ dốc, người qua lại thấy mọc lên một cái quán khá khang trang. Chủ quán trực tiếp đứng bán chính là... mụ Hai Nương!

Lúc đầu người qua lại ngạc nhiên và hơi ngỡ ngàng, nên hay ghé quán. Tuy nhiên chỉ mấy ngày sau thì lời đồn lan mạnh:

- Mụ Hai Nương mở quán miễn phí trong tháng đầu tiên, sau đó chỉ lấy bằng năm mươi phần trăm giá các quán khác!

Lời đồn đó quả không sai. Khi khách ghé quán tháng đầu, dẫu cho ăn uống thứ gì cũng được miễn phí.

Mụ Hai Nương tuyên bố:

- Trước đây tôi làm nhiều điều không phải, nay sám hối, muốn mọi người cảm thông, tha lỗi...

Quán mụ ta nhờ vậy ngày càng đông khách. Đặc biệt, những xe dừng lại nghỉ ngơi ở đó đều có chung nhận xét:

- Mở quán ngay chỗ này thật là thuận tiện cho cánh chạy xe chúng tôi. Bởi tới đây nghỉ ngơi trước khi lên đèo và xuống dốc, nhờ được tỉnh táo, nên sẽ không xảy ra tai nạn.

Lời nói đó rất đúng. Từ lúc có cái quán thì tai nạn giảm hẳn. Mà khu vực hoang vắng đó cũng trở nên đỡ lạnh lẽo hơn.

Đặc biệt hơn, quán đông khách hơn nữa khi về đêm. Điều nay chưa từng xảy ta, bởi xưa nay dân buôn ít khi qua đoạn đường này vào ban đêm, bởi đường không an toàn và thường có những vụ trấn lột. Vậy mà bây giờ hầu hết xe cộ lại thích đi đêm qua đây, được được ghé quán nghỉ ngơi, đôi khi còn được lai rai vài thứ đặc sản thú rừng do đầu bếp riêng của quán nấu.

Lâu dần tiếng tốt đồn xa, ai cũng thích ghé quán tên là Hai Nương đó...

Cho đến cuối năm, khi tình cờ đi ngang qua đó, Hà Ni và Phong, lúc ấy đã thành vợ chồng, họ ghé vào quán nghỉ chân. Vào chiều cuối năm, lại vào giờ xế nên quán vắng khách. Chỉ có đôi vợ chồng trẻ nên họ gọi thức uống được phục vụ rất nhanh.

Uống một ngụm cà phê, Hà Ni khen:

- Cà phê này không thua cà phê Tùng ở Đà Lạt! Phong cũng xác nhận:

- Đúng là ngon. Phân nửa giống hương vị cà phê của Ban Mê Thuột.

Hai người đang muốn đi sau khi uống xong cà phê, nhưng bỗng người phục vụ quán bưng ta mấy dĩa thức ăn còn nghi ngút khói và nói:

- Chủ quán chúng tôi mời hai cô chú. Xin cô chú cứ dùng, quán chiêu đãi, không tính tiền.

Phong vội nói:

- Không phải là chuyện tiền nong, mà do chúng tôi phải vội đi. Bỗng có một giọng trong trẻo cất lên từ phía trong:

- Nỡ từ chối lời mời của người bạn cũ sao?

Phong quay lại và giật mình khi thấy một cô gái rất đẹp bước ra:

- Ngọc Lan!

Hà Ni nghe chồng gọi tên Lan cũng sửng sốt:

- Đây là...

Cố gái chủ động lên tiếng:

- Lan mà cô từng gặp dưới vực sâu hôm đó, nhưng nay mới nhìn được dung nhan. Chào cô dâu mới xinh đẹp!

Phong chưa hết bàng hoàng thì từ trong nhà có một người nữa bước tiếp ra theo. Lần này Hà Ni lại kêu lên:

- Bà Dã Quỳ!

Phong đã nghe cha mình thuật lại mọi chuyện, nên lúc này anh như trong cơn mơ:

- Bà là... Mẹ!

Bà Dã Quỳ nén xúc động, đứng từ xa, kêu lên:

- Con!

Vừa khi ấy, chợt bên ngoài có một chiếc xe khách dừng Iại, có khá nhiều người bước vào. Điều đó khiến cho cả Lan và bà Dã Quỳ vội rút vào trong mà chưa kịp nói hết lời, Phong định bước theo, nhưng chân anh như bị ai kéo lại, không bước được bước nào. Hà Ni nhạy cảm hơn, cô nói khẽ:

- Không gặp được họ đâu. Anh không nhớ họ đã chết rồi sao? Họ là... oan hồn!

Lúc ấy khách vào khá nhiều, những người phục vụ ra lo cho khách. Phong có hỏi nhưng họ đều đáp:

- Ở đây không có ai ngoài chúng tôi.

Họ thẫn thờ ngồi lại rất lâu. Thậm chí khi mấy lượt khách vào rồi ra mà bóng dáng của hai người kia vẫn chẳng thấy tái xuất hiện. Đến lúc mụ Hai Nương ra và nói:

- Những gì cô cậu nhìn thấy chỉ nên để bụng thôi. Rồi sau sẽ hiểu!

Phong muốn hỏi chuyện thêm với người đã từng cưu mang mình, nhưng mụ Nương hình như muốn tránh, cứ lăng xăng lo cho khách mà không hề ngồi lại với Phong.

Sau này nhiều người đồn rằng cái quán của mụ Hai Nương là... quán âm hồn. Bởi có những đêm họ đi qua thấy quán vắng, không có ai phục vụ, nhưng hễ ghé vào gọi thức ăn thì lập tức được dọn lên mau lẹ.

Tuy là vậy, nhưng chẳng hiểu sao thiên hạ vẫn cứ ghé quán mà không hề sợ hãi. Hỏi thì có người bảo:

- Ma cỏ gì, miễn phục vụ tốt là được rồi!

Riêng Hà Ni và Phong thì tin chắc điều mình chứng kiến là thật. Họ bảo nhau:

- Có thể sự hối cải của mụ Hai Nương đã khiến cho những oan hồn ở đèo Đầu Voi cảm động và giúp mụ thành công khi mở quán...

Chính Phong và Hà Ni còn nhiều lần trở lại quán ấy, nhưng họ không hề gặp lại bà Dã Quỳ và Ngọc Lan...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.