Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 22




Trong mấy tuần sau đó, khi Andy và tôi ổn định cuộc sống trong căn nhà mới, tôi nỗ lực hết sức giữ mọi thứ tốt đẹp để chuộc lại lỗi lầm. Mỗi sáng thức dậy tôi tự nói với mình vài lời động viên, nhắc đi nhắc lại thật to những câu cổ vũ dưới vòi hoa sen - những câu kiểu như, Gia đình là nơi ôm ấp trái tim, hay Hạnh phúc là một trạng thái của tâm hồn. Tôi nói với Andy, Margot, Stella, và thậm chí cả với những người xa lạ, ví như cô nhân viên đứng quầy ở cửa hàng Whole Foods hay một bà xếp hàng ngay sau tôi ở trung tâm bảo dưỡng xe DMV, rằng ở đây tôi hạnh phúc, rằng tôi không nhớ New York đâu. Tôi tự nhủ chỉ cần tôi có thể chấp nhận rằng những điều này là thật thì ký ức tôi sẽ bị xóa sạch, tâm trí tôi trống trơn, và Leo sẽ đi vào quên lãng mãi mãi.

Nhưng bất chấp những nỗ lực tối đa, kiên quyết nhất của tôi, mọi thứ không đạt hiệu quả như mong đợi. Thay vì vậy, khi thực hiện moi công việc để thích nghi - dù đó là sắp đặt những bức tranh đóng khung trên tủ sách âm tường bên chiếc lò sưỡi cẩm thạch, hay đọc lướt qua những miếng nhãn dán trên hộp nhựa đựng đồ ăn, hay nghiền ngẫm những mẫu hoa văn trên vải cùng với nhà thiết kế nội thất của Margot, hay trồng những cây môn cảnh trắng muốt vào mấy cái chậu đồng lớn trên hàng hiên trước nhà chúng tôi - tôi vẫn thấy mình không thuộc về những việc này mà cũng chẳng thuộc về nơi đây.

Tệ hơn, tôi có cảm giác nôn nao bứt rứt rằng trên chuyến bay đêm đó tôi được là chính mình hơn là trong những tháng ngày này - và rằng tôi đã sai lầm khi rời khỏi New York. Một sai lầm lớn. Kiểu sai lầm rồi sinh ra oán giận và những rạn nứt nguy hiểm. Kiểu sai lầm làm tim ta đau. Kiểu sai lầm khiến ta khao khát về một lựa chọn khác, về quá khứ, về một người nào đấy khác.

Trong khi đó, sự mãn nguyện, niềm vui sướng hầu như thường trực của Andy khiến tôi càng cảm thấy mình lạc lỏng hơn. Không hẳn là vì tôi khổ sở rồi cũng muốn anh phải thế - mặc dù phần nào đúng như vậy thật - mà bởi vì niềm hạnh phúc của anh hàm nghĩa rằng cuộc chuyển cư này là vĩnh viễn, và tôi sẽ bị mắc kẹt trong thế giới này mãi mãi. Thế giới của anh. Một cuộc sống hằng ngày bó buộc trong việc đi lại, cứ phải lái xe khắp nơi cho dù chỉ để uống vội một tách cà phê hay sửa sang qua loa bộ móng trong những khu bách hóa nghèo nàn mà không thể gọi chuyển phát đồ ăn lúc khuya muộn. Trong hàng đống đồ đạc gom góp vô tôi vạ chất đầy mọi chỗ trống trong căn nhà bừa bộn của chúng tôi. Trong sự thiếp ngủ giữa lúc lắng nghe không gian yên tĩnh lặng như tờ thay vì chìm vào âm thanh thành phố êm êm đầy thõa mãn. Và nữa, trong mọi kỳ cuối tuần giữa mùa hè oi ả cùng Andy đi chơi golf hoặc đánh tennis và chẳng có cơ hội nào nhìn thấy Giáng isnh ngập tuyết. Trong mối quan hệ với những người hàng xóm mắt xanh, tóc vàng, ngọt xớt, mặc đồ Lilly Pulitzer sặc sỡ, ham mê chơi trò xúc xắc, những người mà tôi hầu như không có điểm gì chung.

Thế rồi, một sáng tháng Tám, ngay sau khi Andy đi làm, tôi thấy mình đang đứng giữa bếp, cầm bát ngũ cốc mà anh vô tình quên dọn trên bàn, và tôi nhận thấy rằng đó không còn là một cảm giác mơ hồ nữa. Đó là sự nghẹt thở đang dâng lên. Tôi chạy ào lại bồn rửa, ném cái bat vào đó, rồi gọi cho Suzanne trong cơn hoảng lọan.

"Em ghét ở đây," tôi nói với chị, cố kiềm nước mắt. Việc hét vào thật to những từ ấy dường như đã củng cố lập trường và khiến những cảm giác của tôi trở nên vừa hiện hữu vừa chắc chắn.

Suzanne lấy giọng yên ủi và rồi ướm lời. "Thay đổi nơi sống lúc nào cũng chẳng khó khăn. Chẳng phải ban đầu em cũng ghét New York sao?

"Không," tôi nói, tì người lên bồn rửa và hầu như chìm trong cảm giác giống như một người nội trợ bị đè nén quá đáng. "Ở New York là sự điều chỉnh. Ban đầu em có choáng ngợp thật… Nhưng em chưa bao giờ ghét nó. Không như thế này."

"Vấn đề là gì?" chị hỏi, và trong một giây, tôi nghĩ chị rất chân tình - cho tới khi chị nói tiếp, "Anh chồng si tình? Ngôi nhà vĩ đại? Bể bơi? Con xe mới coóng? Hay, chờ chút - đó chắc chắn là tha hồ ngủ nướng mà chẳng cần phải dậy đi làm, thế chăng?"

"Này, ngừng lại đã," tôi nói, cảm thấy tức giận và bất bình, giống như một ngôi sao đang than van về sự mất riêng tư, khăng khăng mãi rằng cuộc sống của cô quá sức khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục tin rằng cảm giác của mình đều là hợp lý. "Em phát điên mất vì đại diện của em chẳng bảo cho được vụ nào cả và em suốt ngày chỉ biết chụp hình hoặc mấy cây hoa mộc lan sau nhà, hoặc Andy khi anh ấy lăng xa lăng xăng loanh quanh với bộ đồ nghề, vờ như mình rất được việc… hay là bọn trẻ chơi đồ hàng ở góc phố, tất nhiên là trước khi mấy bà vú nhìn em chằm chặp như thể là mẹ mìn… Em muốn làm việc…"

"Nhưng em không phải làm việc," Suzanne cắt ngang lời tôi. "Khác lắm đấy. Tin chị đi."

"Em biết. Em biết em may mắn. Em biết em nên sướng điên lên - hoặc ít nhất cũng thỏa mãn với tất cả… thứ này," tôi nói, đưa mắt quanh khu bếp rộng bát ngát - với mặt quầy bếp bằng cẩm thạch, giàn bếp Viking sáng choang và sàn nhà thảy đều lát bằng những tấm, gỗ tuyết tùng lớn. "Nhưng thật sự em không cảm thấy nơi này hơp với mình… Khó giải thích lắm."

"Thử đi," chị nói.

Đầu tôi diễn lại lê thê một lọat những điều thường tình đáng để than vãng nhưng có vẻ là giai thoại điển hình vừa xảy ra đến trước. Tôi kể cho chị nghe cô bé hàng xóm đã tạt qua chào bán món bích quy Girl Scout như thế nào, rồi tôi đã tức giận ra sao khi quan sát Andy đánh vật tờ mẫu đăng ký mua hàng như thể đó là quyết định cả đời người. Tôi nhại theo, cường điệu hóa giọng anh, "Cô chú nên lấy ba hộp Tagalong với hai hộp Thin Mint hay hai hộp Tagalong và ba hộp Thin Mint cháu nhỉ?"

"Thì cũng là một quyết định đáng kể đấy chứ," Suzanne dửng dưng nói.

Tôi phớt lờ chị và nói tiếp, "Xong rồi Andy và mẹ cô bé làm hai mươi phút chuyện phiếm về những người họ cùng biết - mà rõ là ở thành phố này thì có vô khối - và tất cả người quen chung của họ trong Westminster…"

"Cái chỗ ở London ấy hả?" chị hỏi.

"Không đâu. Quan trọng hơn cái tu viện Anh nhỏ tí nhà quê ấy nhiều. Westminster đây là ngôi trường tư danh giá nhất ở Atlanta… ở trên khắp cả miền Nam cơ, chị thân yêu ạ."

Suzanne cười khúc khích, thế là tôi chợt nghĩ rằng mặc dù chị muốn tôi được hạnh phúc, nhưng ở một mức độ nào đó chị hẳn đang thấy thích thú trước tất cả chuyện này. Xét cho cùng, chính chị đã nói với tôi thế còn gì. Em là kẻ ngoại cuộc. Em chẳng giống họ đâu. Em sẽ không bao giờ thực sự thuộc về thế giới đó.

"Thế rồi," tôi nói, "Khi em nghĩ chắc hết chuyện rồi, bọn em đã có thể trở vào ngồi yên xem ti vi chẳng nghĩ ngợi gì - tiện thể cũng cho chị biết, đấy dường như là tất cả những gì bọn em làm, chẳng có gì hơn - thì bà mẹ hối cô con gái cảm ơn ‘Ông bà Graham’ và trong một tích tắc nhầm lẫn, em ngoái cổ ra sau hòng nhìn thấy bố mẹ Andy. Cho đến khi em nhận ra rằng em chính là bà trẻ Graham."

"Em không muốn là Bà trẻ Graham?" Suzanne hỏi đầy châm chọc.

Tôi thở dài. "Em không muốn điều tươi sáng nhất của em là hộp Thin Mint."

"Thin Mint ngon khủng khiếp mà," Suzanne nói. "Đặc biệt khi để lạnh."

"Thôi nào," tôi nói.

"Xin lỗi," chị nói. "Tiếp đi."

"Em không biết nữa. Chỉ là em cảm thấy quá… tù túng… cô độc."

"Margot thì sao?"

Suzanne hỏi.

Tôi suy nghĩ câu hỏi đó, cảm thấy giằng xé giữa cảm giác coi trọng lòng chung thủy với bạn mình và điều dường như là sự thực đáng buồn trong chuyện này - đó là, bất kể sự thật rằng chúng tôi nói chuyện với nhau mấy bận mỗi ngày, gần đây tôi có cảm giác hơi xa ngái, một cảm giác khởi nguồn từ cái nhìn nhiếc móc của cô hôm tiệc chia tay, cái nhìn ấy vẫn còn vương vất đến tận hôm sau khi chúng tôi ra phi trường dù cho chúng tôi đã nói chuyện lại.

Khi đó tôi thầm biết ơn vì cô đã giảm tội, đã che giấu cho tôi bất chấp lỗi lầm của tôi. Nhưng giờ đây tôi lại có cảm giác xáo trộn, bưc bội khi nghĩ cô thực sự tin rằng tôi nợ cô, nợ Andy và cả gia đình quá nhiều. Rằng tôi quá may mắn được về đây, trong sự huy hoàng của triều đại Graham, và rằng tôi chẳng thể nào lại nhớ New York, và rằng tôi không có quyền có bất cứ cảm xúc nào về bất cứ thứ gì hay bất cứ ai nếu trên bất kể phương diện nào điều ấy sai chệch với cái nhìn của họ, quan điểm của họ về sự đúng mực và chân giá trị.

Thứ lôi cuốn ta nhất đích xác là thứ rồi sẽ khiến ta phát cuồng, tôi nghĩ thế và điều đó thực sự đúng. Tôi đã luôn yêu thế giới vô cùng hoàn hảo nhà Graham. Tôi ngưỡng một tài sản của họ, thành công của họ, sự thân ái của họ - ngưỡng mộ cả cái nỗ lực của cậu con nỗi loạn James (Người rốt cuộc đã chuyển khỏi phòng dành cho khách trong nhà bố mẹ) trong việc thu xếp có mặt ờ nhà thờ hầu hết các sáng Chủ nhật, dù cho với đôi mắt đỏ ngàu và mùi khói tuốc đặc trưng ám khắp bộ đồ ka ki nhàu nhĩ. Tôi yêu chuyện mọi người đều thảo luận cùng nhau trước khi làm một điều gì, đều hết sức tự hào danh tính và truyền thống của gia đình, và chuyện mọi người đều tôn thờ Stella trên hết. Tôi yêu chuyện không ai trong gia đình chết hoặc li dị hoặc thậm chí gây thất vọng.

Nhưng giờ đây. Giờ đây tôi thấy tù túng. Bởi họ. Bởi tất tật điều đó.

Trong khoảnh khắc, tôi toan tính thừa nhận chuyện này với Suzanne, nhưng tôi biết rằng nếu tôi làm thế, chuyện coi như xong. Tôi sẽ không bao giờ rút lại hay làm nhẹ bớt lời nói của mình, và ngày nào đó, khi cơn bão đi qua, chị tôi thậm chí có thể sẽ ném trả lại vào mặt tôi tất cả. Chị vốn vẫn quen làm thế.

Thế nên tôi chỉ nói, "Margot bình thường. Bọn em vẫn nói chuyện suốt… Nhưng chỉ là cô ấy sang trang khác rồi… Cô ấy quá bận bịu nghĩ chuyện bầu bì - điều này dễ hiểu thôi, em nghĩ thế…"

"Em nghĩ em sẽ sang trang đó sớm chứ?" chị hỏi, hiển nhiên là đang dò xét kế hoạch bắt đầu cuộc sống gia đình thật sự của chúng tôi.

"Có lẽ. Em chắc cũng phải sinh ngay vài đứa chứ. Bọn em đã trong tâm thế như thể có bọn nhỏ rồi ấy. Em mới nghĩ về chuyện đó đêm qua… bạn bè bọn em ở New York sinh con rồi làm cha làm mẹ có vẻ dễ dàng làm sao chứ. Họ dường như chẳng thay đổi tí gì - có con nhỏ phải nuôi dạy mà vẫn thế. Những con người hiện đại sục sôi hoài bão. Những trào lưu thành thị. Vẫn được ra ngoài thưởng thức nhạc và ăn trưa ở nhà hàng sang trọng."

Tôi thở dài, nghĩ đến Sabina, không chỉ bọn nhóc sinh ba của cô đến nhà bạn bè chơi hay tham gia các lớp học nhạc quậy phá, cô còn đưa chúng đến cả Viện bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại hay Đại nhạc hội CMJ. Và thay vì những chiếc áo màu mè dễ thương, cô mặc cho chúng áo phông đen trơn bằng cotton hữu cơ và quần jean vải bông chéo, tạo ra kiểu Sabina, xóa mờ cái vẻ chung chung nhàm chán.

"Nhưng ở đây có vẻ như điều ngược lại mới đúng, " tôi nói, cảm thấy vô cùng sôi sục. "Mọi người đã khôn trưởng hoàn toàn thậm chí trước cả khi người ta có con cái. Cứ như trở lại thập niên 1990, cái thời mà người ta làm cha làm mẹ khi mới hai mươi mốt ấy… Em cảm thấy bọn em cũng thành ra thế, Andy và em… Chẳng còn bí ẩn nào nữa, không thử thách, không cảm xúc, không kịch tính. Nó chính là… thế, chị hiểu chứ? Đây chính là cuộc sống của bọn em từ giờ trở đi. Chỉ là cuộc sống của Andy thôi. Không phải của em."

"Thế cậu ta vui vì bọn em đã chuyển về?" chị hỏi. "Không nuối tiếc tí nào?"

"Không. Anh ấy vui lắm… Còn huýt sáo nhiều hơn trước nữa,,, Anh ấy là một Andy Griffith(1) đích thực. Huýt sáo ở nhà. Huýt sáo ngoài sân trong ga ra . Huýt sáo khi đi làm với bố rồi khi đi chơi golf với đám bạn nhà quê của anh ấy."

"Những anh chàng nhà quê?" Chị nghĩ em từng nói những kẻ thiếu văn hóa không sống ở Atlanta chứ nhỉ?"

"Em không nói tới những kẻ nhà quê thiếu văn hóa. Em đang nói về đám bạn cục mịch thôi."

Suzanne cười phá lên trong khi tôi dội mấy mẩu bột thừa Trix đang trôi nổi trong một vũng sữa trứng Phục sinh màu hồng xuống dưới ống dẫn nước, và mặc dù từng có lúc nào đó tôi có thể thấy lựa chọn bữa sáng của Andy thật thân thương, ngay lúc này đây tôi chỉ tự hỏi kiểu đàn ông nào đã trưởng thành, không còn trẻ nít gì nữa mà lại ăn thứ bột ngũ cốc lờ nhờ đựng trong cái hộp có hình thỏ chứ.

"Em đã nói với cậu ta cảm giác của mình chứa?" chị hỏi.

"Không," tôi nói. "Chẳng ích gì."

"Chân thật chẳng ích gì?" chị nhẹ nhàng dò hỏi.

Đó là điều tôi luôn nói với chị khi chị và Vince có trục trặc. Cởi mở. Chia sẻ cảm xúc của mình. Nói hết ra. Chợt nhiên tôi nhận ra rằng không chỉ vai trò của chúng tôi vừa đảo ngược mà còn nhận ra lời khuyên ấy thực tình nói dễ hơn làm. Mọi chuyện chỉ có vẻ dễ dàng khi vấn đề của ta nho nhỏ. Mà ngay lúc này đây, vấn đề của tôi có cảm giác không nhỏ chút nào.

"Em không muốn Andy cảm thấy có lỗi," tôi nói - đó là sự thực vô cùng rắc rối của vấn đề này.

"Thế đấy, có lẽ cậu ta nên cảm thấy có lỗi," Suzanne nói. "Cậu ta buộc em phải chuyển nhà."

"Anh ấy không buộc em làm bất cứ thứ gì," tôi nói, nhói lên cảm giác phải biện hộ cho Andy. "Anh ấy đưa ra rất nhiều giải pháp. Chỉ là em không có ý kiến gì thôi… Em không phản đối chút nào cả."

"Đấy, thật ngớ ngẩn," chị nói.

Tôi quay phắt người khỏi bồn nước và, cảm giác như thời lên mười, thốt lên, "Chị mới ngớ ngẩn ấy."

(1) Andy Griffith (sinh năm 1926): một nghệ sĩ đa tài, nổi tiếng nhất với vai chính trong series phim hài Andy Griffith Show, nhân vật thường xuyên huýt sáo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.