Yêu Cậu Học Sinh Cá Biệt

Chương 48




Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đang ngày một cận kề. Với quan điểm “Trượt tốt nghiệp còn khó hơn đậu đại học” nên Hoài Phong chẳng hề cảm thấy lo sợ chút nào đâu. Trái lại, cậu chàng còn vô cùng háo hức mong chờ ngày đó đến thật nhanh để có thể mau mau thoát được kiếp nợ học hành nữa cơ. Chỉ có điều, phải chứng kiến Bảo An buổi học nào cũng ngồi than ngắn thở dài đầy hoang mang thế này, mà Phong cảm thấy xót lòng quá đi. An mất ăn mất ngủ vì lo âu, Phong cũng bỏ bữa thức đêm để tìm cách vực lại tinh thần cho An. Nhẹ nhàng khuyên nhủ An không nghe, cao giọng quát mắng cũng chẳng ăn thua gì, Phong nghĩ mình đã hết cách thật rồi. Cơ mà vì An, cậu nhất định sẽ còn cố gắng. Và như đã nói, Phong chỉ thực nghĩ ra được cách hay khi đứng mình dưới vòi nước chảy xiết mà thôi. Tiến về phía tủ quần áo để lấy đồ, cậu cần phải đi tắm ngay tức thì. Giây cánh cửa tủ được kéo mở ra, cũng là lúc Phong bị đống quần áo được nhét chồng chất trong đó được dịp đổ ào vào người. Đứng giữa bộn bề những áo đông quần hè, Phong không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gập gọn chúng lại thôi. Đang loay hoay sắp xếp đống đồ, Phong bỗng lấy ra được từ trong đó cái áo khoác đồng phục mùa đông. Chẳng hiểu vì sao, cậu không gấp nó lại ngay như vừa làm với những bộ đồ khác. Ngồi tẩn ngẩn ngắm nhìn cái áo một hồi, cuối cùng Phong mới búng tay cái tách và reo lên đầy vui sướng:

“Okay, nghĩ ra rồi.”

Chẳng chần chừ nghĩ ngợi thêm nữa, Phong liền vội vàng cầm theo cái áo và chạy ngay ra ngoài để tìm gặp An. Căn phòng với đống quần áo còn đang ngổn ngang dưới mặt sàn kia, đành phải để lát nữa trở về Phong mới có tâm trạng dọn nốt cơ.

Bấy giờ đã hơn chín rưỡi tối, vì không muốn An phải lọc cọc đi xa nên Phong mới tạt vào quán trà sữa gần nhà con bé để ngồi đợi. Gọi sẵn loại nước uống yêu thích cho An, Phong đã mong chốc nữa sẽ được nhìn thấy mắt An rưng rưng cảm động. Chỉ tiếc rằng, sau chục lần gọi điện năn nỉ ỉ ôi, kết quả Phong thu về vẫn chỉ có một.

“Tớ đang bận học, không thể đến được đâu. Xin lỗi cậu nha!”

Bị phũ, Phong đương nhiên giận lắm chứ. Mặc kệ cái nhìn kinh hãi của chủ và khách quán này, Phong cứ thế đấm tay liên tục ruỳnh ruỳnh mấy cái xuống bàn cho hả hê cơn tức. Đến khi đã hạ hỏa được phân nửa, cậu mới ngồi tĩnh tâm lại và suy nghĩ thiệt hơn. Xem nào, thời gian gần đây, đứng trước kỳ thi sắp tới, An chẳng những chỉ lo lắng cho bản thân mình thôi đâu, con bé cũng luôn mồm nhắn nhở và cầu chúc cho Phong muôn điều tốt đẹp nhất. So với những căng thẳng An đang mang nặng thì nỗi bức xúc này của Phong có thấm vào đâu cơ chứ. Nghĩ thông rồi, dù có bị phũ thế nào, Hoài Phong cũng dứt khoát không bỏ mặc An vậy đâu. Tu một hơi vơi sạch cốc nước, Phong lấy tay quệt ngang mồm cho sạch sẽ và tự lẩm nhẩm quyết tâm:

“Được rồi, mày không ra ngoài này thì tao tự tìm đến tận nhà mày vậy.”

Sau hơn mười phút chạy bộ, rốt cuộc thì Phong cũng có mặt trước cổng nhà An trong bộ dạng không thể thảm hại ơi. Mồ hôi chạy dọc tòa thân, người Phong quả đã sớm hôi rinh lên rồi. Sau khi ngồi bệt xuống đất thở hởn hển một hồi cho ổn định lại nhịp tim, Phong mới lồm cồm đứng lên và toan bấm chuông gọi cửa. Thế nào mà bàn tay vừa đưa tới nơi, cậu chàng lại thu ngay về. Phong sợ lắm, ngộ nhỡ người ra mở cửa là mẹ An thì sao đây chứ? Nghĩ mà xem, đương lúc tối muộn thế này, bỗng dưng lại tới tìm và hẹn gặp con gái nhà người ta ra ngoài, thể nào mẹ An cũng có ác cảm với Phong cho xem. Còn chưa lấy được điểm cộng nào trong mắt bác ấy nữa mà, Phong quả thực chẳng muốn bị vậy chút nào đâu. Lắc lắc đầu bỏ qua, Phong mới rút điện thoại ra và định bấm số gọi điện cho An. Cơ mà đầu dây bên kia còn chưa kịp đổ chuông, Phong đã nhanh tay tắt phụt đi rồi. Nghĩ mới thấy, dạo này do lỡ tay chiều chuộng An quá nhiều, thành thử ra bây giờ Phong chẳng còn tí uy quyền nào với con bé nữa rồi. Nhân cái dịp này, cậu phải chỉnh đốn lại ngay mới được. Cất điện thoại vào trong túi quần, Phong mới nhằm thẳng hướng cửa sổ phòng An mà ngửa cổ lên và hét thật to:“Chân ngắn ơi...”

Phải tốn hơi gây ồn thế này, chẳng qua cũng bởi Phong đang muốn đụng vào nỗi sợ và cơn tức của An đó thôi. Cậu tin chắc rằng chẳng cần gọi đến câu thứ hai, thể nào An cũng tức tốc chạy xuống để bịt miệng mình lại cho xem. Phong cũng chẳng lôi tên khai sinh của An ra mà la lối, thay vào đó cậu lại chọn cái biệt danh chỉ có hai người biết kia để thông báo cho con bé biết sự xuất hiện của mình ở dưới này đây. Phong làm như thế để lỡ mẹ An có nghe được cũng sẽ chỉ nghĩ rằng đó là tiếng người đi đường gọi nhau mà thôi. Chẳng lo để lại ấn tượng xấu trong mắt mẹ An, lại có thể uy hiếp để lôi được con bé ra ngoài gặp mặt, càng nghĩ Phong lại càng thấy phục bản thân mình biết mấy.

Quả nhiên rất hiệu nghiệm, tiếng Phong hô vừa dứt được một hồi mấy giây, ngay lập tức ở trên phòng cao kia, Bảo An đã vội chạy ra ngoài ban công và thò đầu xuống nhìn rồi kìa. Nhìn gương mặt An cau có thế kia, Phong biết chắc con bé hẳn là đang bực mình vì bị làm phiền lắm đây. Có điều, Phong lại chẳng hề thấy sợ sệt hay áy náy chút nào cả. Được dồn ép khiến An sợ như vậy, Phong bỗng thấy thích trò này rồi nha.

Hết chỉ tay thẳng mặt An và vẫy vẫy xuống, Phong lại trỏ vào mình rồi hẩy hẩy lên, ngụ ý rằng: “Mày xuống hay để tao lên đây?” Cơ mà đối với An, ngôn ngữ hành động này thật quá khó để con bé có thể hiểu nổi. Phải tới khi Phong bắt đầu đặt trên lên cổng, An mới nhìn ra ý đồ định vượt rào của cậu. Giật mình vứt bay cuốn sách đang cầm trên tay, Bảo An nhanh chóng chạy xuống dưới nhà. An cáu lắm nha, đang tập trung học thuộc mà cứ bị làm phiền mãi thôi. Hoài Phong đó, hôm nay Bảo An nhất định phải đanh đá và quát nạt cậu ta một lần mới được.

“Đồ phiền phức, đã bảo là...”

Không cho An có cơ hội được xả tức, Hoài Phong phũ phàng dúi ngay cái áo vào thẳng mặt An ngay khi vừa trông thấy con bé bước ra ngoài này. Hơi loạng choảng ra đằng sau một chút vì hành động bất ngờ và phũ phàng của Phong, An nhanh chóng lấy lại được thăng bằng. Hai tay cầm lấy cái áo và đưa ra ngang mặt mình, sau khi dò xét một hồi thật kỹ, con bé vẫn chẳng thể hiểu nổi ngụ ý của Phong. Nhăn mặt ngu ngơ, An hỏi:

“Áo của cậu hả? Sao lại đưa cho tớ? Đã vậy còn là áo khoác nữa chứ, đang mùa hè mà.”

Những câu hỏi kia quả không nằm ngoài dự đoán ban đầu của Phong mà. Tuy dạo gần đầy An ngơ thật đấy, đầu óc lúc nào cũng để tuốt tận trên mây và chẳng nhớ nổi thứ gì, cơ mà Phong vẫn lo sợ kịch bản mình chuẩn bị khi nãy sẽ bị con bé bóc mẽ ngay tức thì. Dù sao thì vấn đề thi tốt nghiệp sắp tới cũng là chuyện lớn trước mắt mà, liệu An có vì hoang mang mà quên khuấy đi mất điểm khác biệt của kỳ thi lần này so với những năm trước đó không nhỉ? Phong chẳng dám chắc nhưng dẫu sao cũng lỡ làm đến nước này rồi, cậu buộc phải tuốt lại vẻ tự tin và giãi bày cho An hiểu tấm lòng của mình bấy lâu thôi:

“Là áo đồng phục của tao đấy. Có thể mày không tin nhưng từ trước tới nay trong mỗi kỳ thi thế này thì học sinh trường tao luôn được giám thị 'thả' hơn đấy. Những đứa đến từ mấy trường có tiếng như Khắc Ân nhà mày thường bị trông chặt lắm. Thế nên hôm đi thi thì cầm theo cái áo này để họ nghĩ mày là học sinh trường tao, nhớ chưa? Có vậy mới dễ dàng hỏi bài được.””Hả?”

Liếc mắt xuống và nhìn kỹ lại, bấy giờ An mới nhận ra đó đúng là áo khoác đồng phục bên trường Hoài Phong. Cậu nói cũng phải, nào giờ, An vẫn thường xuyên nghe các anh chị khóa trên và thậm chí là mấy thầy cô trong trường đồn rằng, học sinh Khắc Ân vốn bị giáo viên bên ngoài “để ý” lắm đấy. Âu cũng bởi học sinh Khắc Ân thường xuyên đạt được giải thưởng cao trong những kỳ thi so tài giữa các trường mà. Còn học sinh bên Bình Minh thì được “ưu ái” hơn hẳn.

Bán tín bán nghi, An cũng muốn làm theo lời Phong lắm. Chỉ có điều...

“Vậy cậu đưa áo đồng phục mùa hè đi, chứ nóng thế này ai lại cầm theo cái áo khoác chứ? Đơn giản hơn, cậu cho tớ xin cái phù hiệu bên trường cậu là được rồi. Tớ sẽ tự khâu vào sơ mi trắng của tớ.”

Hơi lúng túng một xíu, Phong thực sự không nghĩ An sẽ vặn vẹo tới mức này đây nên cậu chẳng hề có sự chuẩn bị trước về câu trả lời. Cũng may nhờ vào khả năng nói dối xuất thần được tu luyện bấy lâu nay, Phong vẫn có thể điềm nhiên đối đáp lại với An:

“Áo trắng thì trường nào cũng giống nhau cả thôi, cái phù hiệu bé tẹo, giám thị khó phân biệt và có ấn tượng lắm. Chỉ có màu áo khoác là đối lập hoàn toàn và dễ nhận ra nhất thôi. Nghe tao, cứ cầm theo và từ giờ không cần bận tâm, lo lắng gì nữa. Nhá?”

Nghe Phong nói thế, An liền thấy xuôi lòng hơn hẳn. Ôm chặt cái áo vào lòng, An gật đầu chắc nịch nhận lời với Phong. Con bé nhất định sẽ đem theo “lá bùa” này vào trong phòng thi.

Và như để động viên An tự tin hơn nữa, Phong còn bảo thêm rằng:

“Cầm theo bên mình để lấy vía luôn. Có nó rồi, mày sẽ không lo bị ốm đau dẫn đến phải bỏ thi đâu. Tao khỏe mạnh thế này cơ mà.”

Gật đầu và cười tủm tỉm, Phong làm An cảm động quá đi thôi. Có điều, con bé đang an tâm là thế, bỗng dưng Phong lại đưa ra một đề nghị đáng lo thế này:

“Hay sáng hôm đấy tao đến đón ngõ mày nhé? Người ta vẫn bảo mới bước ra khỏi nhà mà gặp con trai là may lắm đó.”

Cứ ngỡ An sẽ nhiệt tình đồng ý lắm chứ, Phong thật không ngờ nghe xong con bé bỗng dưng tái mét mặt mày và ra sức từ chối. An sợ...

“Thôi thôi, đón ngõ thì phải nhờ một anh nào học giỏi và đã thi đậu mới may chứ. Cậu học dốt thế kia...”

Biết mình lỡ lời, Bảo An nhanh chóng nuốt lại những lời phía sau vào sâu tít tận trong cuống họng ngay lập tức. Cúi mặt nhìn chân, con bé lí nhí nói lời xin lỗi.

Đúng ra thì nghe xong những lời phũ phàng kia của An, Phong cũng thấy tức mình lắm nhé. Thực lòng, những việc Phong làm vừa rồi đều vì cậu tự nguyện cả thôi. Chẳng cần An phải rối rít cảm ơn hay rưng rưng mắt lệ cảm động, Phong chỉ muốn giúp tâm trạng con bé được tốt hơn đôi phần. Và dù tự biết bản thân học hành không tốt nhưng dẫu sao Phong cũng chẳng ưng cái cách An từ chối thẳng thừng như kia chút nào. Giơ tay lên và định gõ nhẹ vào trán An một cái như thể trừng phạt nhưng rồi cậu chàng lại chẳng thể làm thế với An.

Trong bộ váy ngủ dài tới gối in hình chú bọt biển vàng vàng dễ thương, Bảo An với quả đầu được cuốn đầy lô uốn tóc đang cúi gằm xuống đất và trề môi ra điều hối lối. Trông con bé tội nghiệp thế kia, Phong thực chẳng nỡ động thủ chút nào đâu. Đánh mặt sang bên và khẽ hé môi cười vội một cái, Phong mới quay lại và cho An cốc trà đào yêu thích.”Thôi được rồi, vào học tiếp đi. Tao về đây.”

Cốc nước vừa trao đến tay An, Hoài Phong cũng ngay lập tức quay ngoắt lưng bỏ đi luôn tức thì. Đút tay túi quần và đủng đỉnh đi, Phong thực cũng định nán lại để xem biểu lộ cảm xúc trên gương mặt An đó chứ, chỉ có điều cậu lại muốn phô ra với An vẻ đẹp “chứa chan” của mình từ góc nhìn sau lưng hơn nên mới phải vội vàng như vậy.

“Cảm ơn chân dài nhiều nha. Tớ sẽ uống hết sạch.”

*****

Vì địa điểm thi của An được tổ chức tại trường cấp hai gần nhà nên gia đình quyết định để An tự xách balo lên và đi một mình. Sau khi ăn một bát xôi đỗ to bự và nhét thêm cái áo khoác Phong tặng vào cặp, An cũng thấy bớt lo hơn hẳn. Đã vậy, vừa bước ra khỏi cổng nhà, An còn trông thấy Tuệ Minh và chú chó cưng cùng tên đang đứng đợi mình nơi đầu ngõ nữa chứ. Được anh sinh viên ưu tú như Minh đón cửa, An càng thấy tự tin hơn về bài thi sắp tới.

Như thể sợ có ai đó sẽ vô tình đi qua và bắt chuyện với An trước tiên nên ngay khi vừa nhìn thấy con bé bước chân ra khỏi cửa, Tuệ Minh đã nhanh chóng chạy lại bên An.

“Anh Minh.” Bảo An cười tươi roi rói.

Sau cái bắt tay trao đầy may mắn, Minh mới bắt đầu truyền thụ lại hết cho An kinh nghiệm đi thi của mình ngày trước, cũng không quên xoa đầu con bé đầy cưng nựng. Nom Minh lúc này, quả rất ra dáng một người anh trai. Còn chó An, tuy chẳng nắm bắt được chính xác tình hình lúc này nhưng thấy cậu chủ đang cười tươi phớ lớ thế kia, thành ra chú ta cũng hú lên sủa mấy tiếng gọi là góp vui.

“Gâu... gâu...”

Ngồi xuống và vòng tay thật rộng để ôm con vật đáng yêu kia vào lòng, Bảo An hết vỗ về cưng nựng nó, lại ngước mắt lên nhìn Minh và nhoẻn miệng cười:

“Cảm ơn mày nha. Cả anh trai nữa.”

Hơi nhăn mặt bất mãn, Minh hỏi:

“Em đang coi trọng nó hơn anh à?”

Ngẩn mặt suy nghĩ một hồi, An nhoẻn miệng cười và gật gù đồng tình:

“Hình như đúng là thế anh ạ?”

Lời An vừa dứt, cũng là lúc cả hai cùng bật cười trước sự thật đắng lòng vừa xong. Chó An chẳng hiểu gì, những hềnh hệch cười hùa.

Xong xuôi hết thủ tục của một lần “đón ngõ”, Minh và chó cưng còn nhiệt tình đề nghị được hộ tống An tới trường. Đáp lại tấm chân tình kia, An thật chẳng nỡ lòng nào từ chối. Được đi cùng một anh cao lớn điển trai và một chú chó đẹp mã thế này, An lấy làm hãnh diễn lắm nhé, gương mặt nhỏ bé vênh tít lên tận trời xanh trước cái nhìn ghen tị của những cô bạn cùng tuổi đi ngang.

Mải vui như thế nên An nào có nhận ra ở đoạn đường xa xa kia, Hoài Phong đang buông thõng tay đứng nhìn. Tuy có hơi tủi thân chút xíu nhưng Phong cũng đành cười nhạt cho qua. Chốc nữa là thi rồi, cậu thực không nỡ xuất hiện để rồi lại vô tình xảy ra chút nào đâu. Chỉ khiến cho cả hai thêm căng thẳng và ảnh hưởng tới những môn thi sắp tới mà thôi. Vả lại, giờ cũng chẳng còn thời gian cho Phong làm những chuyện vô bổ đó nữa. Co chân lên và chạy, cậu sẽ muộn giờ mất thôi.Sau khi đã lấy đủ những dụng cụ cần thiết cho môn thi đầu tiên này, An cũng như bao bạn khác phải để cặp sách bên ngoài hành lang. Tuy thấy hơi rườm rà nhưng con bé vẫn quyết định mang theo “lá bùa” Phong tặng cùng vào trong kia. Chẳng rõ có được thầy cô “thả lỏng” như lời Phong nói hay không, chỉ biết rằng còn chưa kịp bước vào phòng thi, An đã gặp phải chút rắc rối nho nhỏ vì cái áo này mất rồi. Vì cho rằng An giấu tài liệu trong chiếc áo kia nên giám thị trông thi dứt khoát yêu cầu con bé bỏ lại nó bên ngoài cùng với đống cặp sách kia. Tình ngay lý gian, An thật chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ra sức năn nỉ:

“Đó là áo khoác của trường Trung học Phổ thông Bình Minh cô ạ. Em không hề bỏ tài liệu vào bên trong đâu thưa cô. Nó là bùa may mắn của em, cô cho em mang vào phòng nha cô.”

Nhưng dường như giọng điệu ngọt xớt này của An chỉ có tác dụng với Phong thôi, với cô giám thị kia thì hoàn toàn vô hiệu lực. Lắc đầu dứt khoát, cô kiên định nói không:

“Nếu em cứ tiếp tục như vậy, cô buộc phải cấm em vào phòng thi đấy. Nhanh lên đi, em làm tốn thời gian của mọi người quá rồi.”

“Dạ, thưa cô. Em sẽ để lại đồng phục của trường Trung học Phổ thông Bình Minh ở ngoài theo lời cô nói.”

Vừa ỉu xìu mặt nói, An vừa ngậm ngùi thực thi mệnh lệnh của cô. Con bé hết cách rồi, đành thế còn hơn là bị cấm thi.

Đã chẳng được mang “bùa hộ mệnh” theo bên mình thì chớ, suốt cả buổi hôm đó An còn được các cô giám thị “đặc biệt dõi theo” vì đã lỡ để lại ấn tượng mạnh lúc hồi đầu giờ nữa chứ. Đúng là xui đến tận mạng mà! Cũng may là những bài toán kia An đều đã luyện rất thạo rồi nên dù bị các cô trông chặt đến ngột thở thế kia, con bé vẫn có thể đặt bút viết ngoay ngoáy và giải hết đề thi một cách ngon lành. Lâu lâu, ngoảnh cổ ra ngoài cửa sổ và ngắm nhìn cái áo, An lại thấy yên tâm hơn hẳn. Cảm giác như được tiếp thêm sức lực vậy đó.

Có điều, cái áo chỉ mang lại may mắn co An trong ba môn mà con bé giỏi thôi. Còn đối với bài thi Vật Lý vốn chẳng có chữ nào trong đầu kia, An quả chỉ biết vung tay khoanh bừa. Hên sao đến quá nửa giờ thi, bỗng dưng bạn nam bàn dưới nổi tiếng tốt bụng và đọc một lèo hết sạch đáp án cho An nghe. Như người chết đuối vớ được cọc, An lấy làm cảm động và biết ơn lắm nhé, còn định lát nữa hết giờ sẽ mời bạn đó một bữa ra trò gọi là tạ ơn nữa cơ. Nào ngờ, đến khi thi xong và so đáp án, An mới ngã ngửa giật mình khi biết cậu ta, hóa ra cũng làm bài theo cảm tính mà thôi. Chẳng những không xin lỗi, cậu bạn cùng tên đó còn cười hô hố trêu ngươi An rằng:

“Tớ kiếm người chết chung cùng thôi. Nhưng cậu yên tâm, vẫn trên điểm liệt rồi. Tha hồ mà tốt nghiệp nhé.”

An nghe xong liền thấy cáu lắm nhá, chỉ hận chân ngắn gan nhỏ nên không thể xông tới và sút cho cậu ta một cú ngã dập mặt mà thôi. Vì không trút được giận dữ lên cậu bạn đáng ghét kia nên An mới bê nguyên cục tức và quẳng vào cái áo tội nghiệp Phong đưa. Xui xẻo như vậy mà Phong dám to mồm nói là vật may mắn, An ghét, chẳng thèm trả lại luôn. Giấu tuốt vào sâu trong hốc tủ, An sợ rằng bằng cái áo này, Phong sẽ lại gián tiếp “hại chết” các em khóa sau cũng không biết chừng.

Tuy ghét cái áo lắm nhưng An lại chẳng hề thấy giận chủ nhân của nó chút nào đâu. Dẫu sao thì Phong cũng chỉ muốn tốt cho An thôi mà. Nghĩ thế nên An đang tính hôm nào đó sẽ mời cậu một bữa ra trò để thay cho lời cảm ơn suông nhạt nhẽo. Chỉ tiếc rằng, vừa hay khi ấy, Phong lại gửi tới cho An một tin nhắn với nội dung không hề vui vẻ chút nào...

“Đến tận bây giờ mà mày vẫn chưa nhận ra điều gì đó sai sai thì mày đúng thật rất dễ lừa đấy An. Đợt thi tốt nghiệp năm nay không có vụ 'trộn' học sinh giữa các trường với nhau như những mùa thi trước đó mà An. Trường nào thi với trường đấy như vậy thì mày có mặc áo khoác Bình Minh, giám thị vẫn cứ biết mày là con dân bên nhà Khắc Ân thôi. Tao biết mấy hôm đi thi mày phải chịu nhiều ánh mắt kỳ thị lắm nhưng hãy nghĩ đến thiện ý của tao và bỏ qua chuyện này đi nhé. Đừng dỗi!”

Thổi phù một hơi cho bay lung tung tóc mái, An bỗng dưng thấy ghét Hoài Phong ghê gớm. Biến An thành kẻ lập dị giữa hội đồng thi thế này thì dù thiện ý của Phong có to bằng trời con bé vẫn giận lắm nhé. Cảm xúc thay đổi, ý định mời Phong một bữa hoành tráng nghiễm nhiên An cũng quẳng đi luôn rồi. Chẳng thèm đôi co gì nhiều, An mới bấm bấm trả lời tin nhắn của Phong một cách ngắn gọn như sau:

“Đã dỗi.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.