Yêu anh đã 20 năm

Chương 7




Một tuần sau cô hai tôi sinh. Đó là một bé trai. Chú vui mừng đến mức cười toe toét, cô hai lại càng vui hơn. Trên mặt cô đầy vẻ thỏa mãn, tự hào, thậm chí có thể nói rằng cô lấy đó làm niềm kiêu ngạo của người phụ nữ. Tôi đoán trong lòng cô đang nghĩ: Ai nói tôi không sinh con được? Chỉ là tôi không muốn sinh, tôi mà muốn sinh, thì sinh con trai ngay lần đầu! Trong sân lại bắt đầu náo nhiệt ồn ào hẳn lên, tốp năm tốp ba người đem quà đến biếu, mẹ thì chăm sóc cô đang trong tháng, hiện nay cô hai ăn một ngày những sáu bữa cơm, chú cũng phải lo trong lo ngoài, Triển Tường thì vẫn ra ngoài bãi đá làm việc.

Tôi dựa vào cạnh giường nói chuyện với cô hai, nhìn đứa em sơ sinh mới chào đời, sờ sờ tay chân bé xíu của em ấy, thằng bé ê a vài ba tiếng mà không ai hiểu nổi.

Tôi rất hiếm khi gặp được Triển Tường. Sáng sớm tôi vẫn chưa xuống giường thì anh đã rời đi, anh dùng bữa trưa trên bãi đá, chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi khi ăn cơm chiều, chúng tôi nhìn nhau, nhưng cuối cùng cũng không nói gì.

Bé cưng đã được mười ngày, mỗi ngày em ấy thay đổi một chút. Bé cưng có sức khỏe rất tốt, dày vò mọi người đến mức sức cùng lực kiệt. Hôm nay, lúc ăn cơm tối Triển Tường vẫn chưa về, chúng tôi ăn được một nửa bữa tối thì bé cưng lại bắt đầu khóc oe lên, mẹ và chú đều chạy xộc vào giúp cô hai chăm sóc em ấy. Tôi ngồi trong sân. Chờ anh về, nhìn anh để dụng cụ trong tay xuống, thấy anh dùng tay phải nắm lấy tay trái. Tôi nhào đến, phủi phủi tay anh thì thấy trên đó có một vết thương, máu vẫn đang rỉ ra ngoài. Tôi cảm thấy rất đau, nỗi đau ấy cứ như cánh tay tôi đang bị thương vậy. Tôi kéo anh đến bên cạnh giếng nước rửa đi vết máu, sau đó tôi dùng chiếc khăn đang cột tóc của mình lau khô cho anh, rồi tôi lại đến nhà bếp tìm hộp diêm, bóc một ít thuốc súng(1) trên que diêm ra, trộn với một ít nước bọt, rồi đắp lên vết thương cho anh.

(1) Thuốc súng trên que diêm có tính hấp thụ nhiệt nên nó còn có công dụng hạ nhiệt trên vết thương do bị bỏng hoặc cháy. (Baidu)

Anh im lặng để mặc tôi làm tất cả. Tôi cao chỉ đến ngực anh, hơi thở nặng nề của anh quanh quẩn trên mặt tôi. Chỉ cần tôi nghiêng người đến phía trước một chút thì đầu có thể thể chạm vào người anh. Tôi lại thực sự làm như vậy, tôi tiến lên phía trước một bước rất nhỏ, áp mặt mình vào ngực anh, tôi nghe được nhịp tim đập mạnh mẽ của anh. Trên cơ thể anh có mùi hương của mồ hôi và mặt trời, rất ấm áp, rất dễ chịu. Cảm giác dễ chịu khiến tôi muôn nhắm mắt lại ngủ một giấc. Tôi cảm thấy tay phải của anh đặt bên eo của tôi. Cuối cùng, bàn tay đó lại đặt lên đầu tôi, anh dùng tay xoa xoa đầu của tôi, rất nhẹ, nhẹ cứ như tôi là trẻ con vậy. Tôi lui về sau một bước chân, tạo khoảng cách. Chạy lên lầu.

Trưa ngày hôm sau, mẹ chưng một nồi đầy thịt muối mang từ quê đến, cô hai hỏi thịt muối chưng xong rồi à, mẹ nói đúng rồi. Cô hai lại nói tiếp Tiểu Tường vẫn chưa được ăn, không biết đến tối có còn ăn được hay không, thời tiết nóng như thế cơ mà. Tôi nói với vẻ điềm tỉnh như không có việc gì, hay là để con mang đến cho chú, dù sao thì nơi đó cũng khá gần, con cũng muốn đến bãi đá xem thử. Mẹ và cô hai đưa mắt nhìn nhau, như ngầm đồng ý.

Hai tay tôi bưng một chậu sành tráng men chứa đầy thức ăn thơm ngào ngạt đến đó, tôi dựa theo trí nhớ của mình tìm đến mỏ đá kia. Lúc đó là giờ ăn cơm, thỉnh thoảng tôi nghe được vài tiếng leng keng. Những người đàn ông bán sức lao động đang ngồi dưới gốc cây ăn cơm, vì trên mặt dính đầy đất bụi xám trắng nên tôi không thể nhìn ra biểu tình gì trên những gương mặt đó. Tôi nhìn lướt qua bọn họ, mọi người cũng nhìn lại phía tôi. Sau đó, anh liền bước ra. Ngay cả khi đứng trong cảnh cát bụi mịt mù này anh vẫn sạch sẽ khác hẳn với những người khác.

Anh bước đến nhận lấy thức ăn ở trong tay tôi, kéo tôi đến một tảng đá có bóng râm rồi ngồi xuống. Anh hỏi tôi: “Cháu ăn chưa?” Tôi gật đầu. Nhưng anh vẫn tiếp tục đổ thịt ra, gắp cho tôi ăn. Tôi mím môi lắc đầu. Anh lại kiên trì bảo tôi ăn, đôi đũa vẫn dừng lại trong không trung không hề có ý thu hồi lại. Tôi duỗi ngón tay ra, nắm lấy khối thịt muối tỏa ra mùi hương mê người kia, rồi đưa đến cạnh miệng anh. Anh cười. Nụ cười mềm mại dịu dàng tựa như sợi tơ liễu bay phất phơ trong không khí giữa trưa ngày hè này.

Bé cưng đã được nửa tháng. Vào một buổi tối lúc ăn cơm chú hỏi cô hai của tôi có muốn tổ chức tiệc mừng đầy tháng của bé cưng hay không. Cô tôi nghĩ một lúc, nói không cần, tự bản thân mình vui là được. Nếu mở tiệc mừng thì sẽ không đủ tiền đóng học phí cho Triển Tường. Tôi thấy Triển Tường cúi đầu, hai mắt rưng rưng, anh nói chị ba, sau này nhất định em sẽ báo đáp chị. Cô hai cười cười nói: “Đừng nói cứ như chuyện xa xôi như thế! Bây giờ em nhanh đặt cho cháu một cái tên đi! Trong nhà, em là người có trình độ văn hóa cao nhất, đặt một cái tên thật hay và có văn hóa một chút!”

Triển Tường suy nghĩ nghiêm túc một lúc, sau đó anh bảo gọi là Lăng Tiêu đi.

Cô hai nói mặc dù không biết tên có nghĩa gì, nhưng thật sự nghe rất hay, còn có cùng trọng âm với Linh Hội nữa đấy! Vừa nghe qua đã biết là thân thích. Mẹ cũng nói Lăng Tiêu lại mang họ Triển, đúng là một cái tên hay. Cô hai nói vậy thì cứ gọi là Lăng Tiêu nhé?! Sau đó cô lại đong đưa đứa bé trong lòng nói: “Nhanh học nói để còn gọi chú, tên của con là do chú đặt đấy!” Tiếp theo ngón tay cô hai chỉ về hướng tôi nói: “Còn đây là chị của con!”

Chú.

Chị.

Triển Tường là chú của Lăng Tiêu.

Mà Lăng Tiêu thì lại gọi tôi là chị.

Tôi cắn chặt môi dưới. Rúc người nấp phía sau lưng Triển Tường. Ánh đèn phản chiếu xuống dưới nền đất tạo thành một bóng râm, ở đó chỉ có hình chiếc bóng của một mình anh.

Vài ngày sau bố tôi đánh điện tín đến, nói tôi đã đỗ vào trường trung học trọng điểm, bảo tôi về nhà sớm một chút để còn đến trường nhận thư thông báo. Tôi đặt thư lên mặt bàn, cúi mặt xuống nhìn lá thư.

Tôi lại phải sắp rời khỏi nơi này rồi. Việc rời đi này khiến tôi đột nhiên phát hiện rằng bản thân mình rất lưu luyến thôn nhỏ ở An Huy này. Ở đây có sông, có núi, có hoa cúc nở, có củ ẩu. Củ ấu, đột nhiên tôi nhớ đến, từ lúc đến đây tôi vẫn chưa có cơ hội đi xem cái ao kia. Tôi hỏi mẹ một tiếng rồi liền đi ra ngoài. Cái ao kia vẫn ở vị trí như trước, chỉ là hai bên đường cây cối đã cao hơn rất nhiều. Không có mấy người phụ nữ ngồi hóng mát, chỉ có một nhóm trẻ con đang chơi đùa, tôi tiếp tục nhìn bọn chúng chơi thứ trò chơi mà tôi không tài nào hiểu được.

Đi qua rừng cây, đi đến cái ao mà bảy năm trước tôi đã từng rơi xuống, tôi yên lặng ngẩn ngơ nhìn lá ấu trong nước. Trong mắt tôi dần dần phủ hơi nước, mông lung, nhìn không rõ hình hài chiếc lá, trong cơn mơ hồ tôi lại nhìn thấy Triển Tường ở phía đối diện đang đi đến chỗ tôi, rồi anh ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi còn tưởng rằng đó là ảo giác rồi liền nghiêng đầu qua dựa vào, nhưng cảm xúc chân thật đó nhắc nhở tôi, hóa ra anh thật sự tồn tại. Anh đang ngồi bên cạnh tôi. Anh duỗi tay kéo vai tôi sang, như lạc vào một cơn mơ màng, tôi nhắm mắt lại. Anh nói rất nhỏ rằng phải trở về sao, tôi nói vâng. Lại hỏi là tôi đã đỗ trung học à, tôi nói vâng. Anh nói cố gắng học cho thật giỏi, tôi nói vâng. Rồi anh lại nói ngày mai dẫn tôi lên núi chơi, tôi lại nói vâng…

Ngày hôm sau anh không đến bãi đá, sáng sớm liền dẫn tôi đến gò núi. Thế là tôi được thấy rất nhiều câu, hoa dại, cây cỏ kì lạ, còn có mấy loài chim mà tôi chưa từng gặp qua. Tôi ngạc nhiên kêu lên, anh chỉ mỉm cười đầy khoan dung. Tôi kéo tay anh nói chú biết không? Ở quê cháu chỉ có một con sông, tuy vậy nhưng con sông đó cũng có nước nhiều như ở quê chú đấy! Anh cười hỏi tại sao? Tôi nhìn anh, dùng giọng điệu vô cùng nghiêm túc nói: Bởi vì con sông quê cháu có tên là Phấn Hà! Truyền thuyết kể rằng, rất lâu rất lâu trước kia, bên phía nam bờ sông có một người con gái. Cô gái đó rất khéo tay, lại hay giúp người. Nhưng vẻ ngoài rất xấu xí. Vào năm đó, hoàng đế đến nơi ấy chọn phi, hơn nữa hoàng đế còn tuyên bố rằng nếu như trong thôn có thể chọn được một cô gái làm phi tần thì sẽ miễn thuế ba mươi năm cho thôn đó. Cô gái hiền lành kia biết mình không có đủ tư cách, thế là cô ấy đi đến bên bờ sông đau khổ khóc lóc. Khóc xong lại múc nước sông rửa mặt, sau đó trên mặt nước, cô ấy nhìn thấy gương mặt mình vừa rửa nước sông xong lại trở nên xinh đẹp trắng nõn, xinh đẹp tựa như bông hoa đào. Quả nhiên, ngày tuyển chọn, cô gái ấy được phong làm hoàng hậu. Biết được chuyện cổ tích của cô ấy, hoàng đế đã đặc biệt đặt tên tặng cho con sông ấy là “Phấn Hà”. Từ đó về sau mọi người thường đến hai bên bờ sông múc nước, hy vọng con gái nhà mình có thể xinh đẹp hiền lành, vinh hoa phú quý. Nghe tôi kể xong, anh nghiêm túc nói: “Vậy nhất định là cháu chưa rửa qua rồi!” Chờ cho đến khi tôi hiểu ý vung đấm tay qua, anh đã cười lớn bỏ chạy.

Anh nhặt mấy bông hoa vụn vặt đủ màu sắc rồi kết chúng lại, mãi cho đến khi kết chúng thành một chiếc vòng hoa, anh đội lên đầu tôi, nâng cằm tôi lên ngắm nhìn cẩn thận, lại dùng chất giọng có sức thôi miên nói với tôi: “Tiểu Linh Tử, ý của chú là cháu như vậy đã xinh lắm rồi, không cần phải rửa nước sông nữa!”

Nếu là bảy năm trước, tôi nhất định sẽ không hề e ngại gì mà nhìn thẳng vào anh, nhưng mà bảy năm sau, một cô gái mười bốn tuổi ngoan ngoãn biết vâng lời vậy mà lại không dám nhìn anh. Anh nhanh nhẹn hái một quả trái cây nào đó, lại dùng áo của mình lau nó rồi đưa cho tôi. Trên đường mòn có vài người nông dân đang đi đến, bọn họ đều dùng ánh mắt tôn trọng pha lẫn thân thiết nhìn anh, rồi liếc nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, vừa đi rồi vừa nói: “Mấy đứa bé ăn mì gầy như thanh củi ấy” còn kèm theo tiếng chậc chậc cảm thán.

Tôi đi phía sau bọn họ không vui nhíu mày, bị Triển Tường phát hiện. Anh nở nụ cười đầy thích thú rồi còn nói vài lời khá hài hước: “Nhất quyết ở lại đây thì tốt! Đảm bảo sẽ nuôi cháu mập mạp ra!”

Cô gái mười bốn tuổi bị anh trêu chọc, hai tròng mắt xoay vòng, thầm tính kế trong lòng: Che đầu gối, nhíu mày thật chặt. Anh sẽ lập tức bước đến bên cạnh cô gái, xoay người lấy tay cô gái ra, kiểm tra cẩn thận. Sau đó cô gái nhanh chóng kéo một nắm cỏ khô, nghịch ngợm bỏ vào trong cổ áo của anh, sau đó chạy đi, tiếng cười như tiếng chuông bạc vang vọng trong núi rừng. Sau khi bị trêu chọc, chàng thanh niên mỉm cười lay lay áo. Vài ngọn cỏ còn víu lại trên lưng cọ nhẹ vào da thịt cùng với tiếng cười ngân nga của cô giá như thấm vào máu, khắc vào tận trong cốt tủy. Cô gái đó chạy trốn cũng không xa, bất chợt chạy đến như con chim én nhỏ, vén áo của anh lên, cẩn thận lấy hết cây cỏ bụi đất ra, bàn tay hơi lạnh lướt qua lưng anh. Anh nhắm mắt lại. Bốn phía rất yên tĩnh. Mãi cho đến khi cô gái ấy nghĩ rằng đã hoàn toàn sạch sẽ cô ấy mới kéo áo của anh xuống, lui về sau một bước tạo khoảng cách.

Lúc xuống núi, tôi bị gai dây leo quấn vào đôi giày sandal làm trầy da. Tôi cắn môi đi phía sau anh. Anh vẫn phát hiện được, dùng bàn tay thô ráp xoa chân cho tôi, sau đó lại xoay người ngồi xổm xuống rồi nói lên đi. Tôi nghe lời áp sát vào lưng anh, vươn hai tay ôm cổ anh, sau đó liền thì chạm vào một sợi dây thừng bằng bông, tôi kéo sợi dây đó ra khỏi cổ áo anh, đó là một sợi dây màu đỏ được lồng vào một chiếc đồng tiền, đồng tiền đó giống y như cái đang đeo trên cổ tôi: Càn Long thông bảo. Tôi nắm chặt đồng tiền trong tay, để anh cõng lên đi qua đường núi gập ghềnh. Anh thở dài trong gió: “Cháu vẫn dễ bị thương như vậy.”

Ngọt ngào và hạnh phúc tràn ngập trái tim tôi.

Lại một đêm nữa trôi qua, một buổi sáng nữa lại đến. Tôi phải rời khỏi nơi này, đây là lần thứ hai, sẽ có lần sau chứ? Cho rằng có lần sau, thì đó là vào tháng năm nào? Mẹ chào tạm biệt mọi người, nói vài lời dặn dò chăm sóc em gái của mẹ nhiều hơn. Chú mang một túi rồi lại một túi đặt lên xe ba bánh, những thứ đó đều là của cô hai chuẩn bị gửi về quê cho người thân. Đồ đạc chất đầy cả xe, chú nói hai người ngồi không đủ. Triển Tường nói: “Em cũng muốn đi tiễn, để em đạp xe chở Tiểu Linh Tử.”

Thế là, tôi ngồi phía sau trên xe đạp của Triển Tường vào trấn bắt chuyến xe về nhà. Mùa này có gió, dọc bên đường có trồng hàng cây dương thẳng tấp. Chiếc áo sơ mi màu trắng bằng sợi tổng hợp của anh bay phất phơ, dường như có hàng ngàn con bồ câu đang nhảy múa bên trong. Ven đường không có hoa nhưng lại truyền đến một hương thơm làm say lòng người. Tôi ngồi ở phía sau, vẻ mặt buồn bã. Qua lần này, tôi và anh liệu còn có cơ hội gặp được nhau không? Nếu như có ước hẹn đẹp tựa giấc mơ như thế, thì đó là khi nào ở đâu?

Mẹ ngồi phía trước xe ba bánh không ngừng nói chuyện gia đình với Triển Tường, nói Triển Tường nhất định sẽ trở thành người có năng lực, tương lai rộng mở, thậm chí mẹ còn nói khi nào anh rỗi thì đến nhà chúng tôi chơi. Triển Tường lễ phép vâng dạ, sau đó lại đạp xe chậm lại, cuối cùng nới rộng khoảng cảnh với mẹ, anh nhảy xuống xe đạp, dùng giọng nói rất nghiêm túc nói với tôi: “Tiểu Linh Tử, cháu hãy nhanh lớn một chút nhé, chú chờ cháu lớn lên.” Tôi ra sức gật đầu.

Triển Tường, anh có biết lúc em thấy đồng tiền ở bên trong cổ áo anh, đồng tiền “Càn Long thông bảo” ấy, em đã vui mừng đến mức nào không. Vạn vật trên thế giới này đều không quý giá bằng nó, ngày tươi đẹp của tháng ba thành phố Dương Châu, hình ảnh phượng hoàng múa trên mặt đồng tiền. Đồng tiền “Càn Long thông bảo” ấy không cô đơn. Có lẽ anh không hề biết, trên cổ em, cũng có một đồng tiền “Càn Long thông bảo” y như thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.