Y Quan Khắp Thành

Chương 7: Phương Nam




Thành phố S nằm ở phía Nam của đất nước, kinh tế phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, mùa xuân cũng gõ cửa sớm hơn so với những thành phố khác. Cây cối hai bên đường đã nhú chồi non, có thể là cây xoan, cũng có thể là thầu dầu, được ánh tà dương bao phủ, nhìn từ xa tới như một mảng màu vàng đục.

Ba ngày thì sửa đường mới, năm ngày lại xây nhà chọc trời, gần như đi chỗ nào là chỗ đó thi công, Hứa Tô cảm thấy thành phố này mờ mịt bụi, cảm giác hạt không khí nặng, ô nhiễm một cách rõ rành rành.

Hắn ngồi trên chiếc Mercedes của Phó Vân Hiến, nhoài người dựa vào bên cửa xe, nhìn từng hàng từng hàng cây cối trên vỉa hè đang chạy ngược cùng với những mỹ nữ ganh đua khoe sắc trên đường, chợt nhớ đến một câu.

Chắc là khoảng mười năm trước, hai năm sau khi người cha Hứa Văn Quân của hắn bị bắn chết, một câu mà Tô An Na từng nói với hắn.

Nửa đời sau, hai mẹ con mình cứ thế mà mắc nợ lẫn nhau thôi.

Trên bức tường ở ngôi nhà cũ của nhà họ Hứa có bức ảnh cưới của cha mẹ Hứa Tô, là một cặp xứng lứa vừa đôi người người hâm mộ, hơn nữa Hứa Văn Quân trong ảnh có gương mặt cực kỳ anh tuấn, mũi sắc mắt sâu như con lai. Nhưng Hứa Tô không kế thừa gene trội này của ông ta mà lại thanh tú hơn một chút, nhìn sao cũng là dạng anh đẹp trai phương Đông.

Ký ức của Hứa Tô về cha mình rất mơ hồ, không nói đến chuyện yêu hay hận, hồi còn chưa nhúng chàm, về cơ bản thì Hứa Văn Quân vẫn có thể coi như là một người cha tốt, cánh tay ông ta vững chãi cường tráng, hay nâng Hứa Tô lên qua đầu mình.

Tiếc là thời gian mà ông ta đi sai đường lại quá dài.

Tô An Na thời trẻ thì nhỏ nhắn trắng trẻo, mày mảnh mắt nhỏ, bình thường khi nói chuyện thì giọng địa phương uyển chuyển nhỏ nhẹ, toát lên khí chất khuê nữ phương Nam. Thực ra cha của bà là người Bắc điển hình, ông Tô từ hồi trẻ đã đi lính xuôi về Giang Nam, sau khi giải phóng thì đóng quân tại thành phố phía Nam, cứ thế theo đà mà trở thành một quản đốc của nhà máy quốc doanh nào đó. Tô An Na là đứa con út trong nhà, trước còn có ba người anh trai, cả nhà cùng sống trong một căn biệt thự kiểu Nhật mà quân Nhật để lại sau khi xâm lược Trung Hoa, ăn ở đều do bảo mẫu lo toan. Lẽ ra Tô An Na vốn phải là một tiểu thư được nuông chiều từ nhỏ, nhưng có lẽ là do bộ gene từ trong cốt tủy kia, cũng có thể là hồi bé đọc “Quy nhạn nhập Hồ thiên*” và “Toan lên núi Thái tuyết mù tung” quá nhiều nên lòng bà vẫn luôn hướng về phương Bắc.

*Quy nhạn: vào mùa xuân, chim nhạn bay về phương bắc, vì thế có câu “Quy nhạn nhập hồ thiên”. Hồ thiên, ở đây chỉ vùng tây bắc, nơi có đông đảo các dân tộc thiểu số của Trung Quốc sống ở đó.

Núi Thái ở đây là Thái Hàng, một dãy núi ở địa phận tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Tây.

Và vào đúng thời điểm thiếu nữ Tô An Na luôn hướng về phương Bắc kia đến tuổi tơ tưởng yêu đương, một người đàn ông phương Bắc tên Hứa Văn Quân đã xông vào thế giới của bà.

Tô An Na mê muội trước anh chàng phương Bắc đẹp trai này, nhưng ông bố nhà họ Tô thì cực kỳ ngứa mắt người kia, cho rằng người nọ ham ăn biếng làm, tật xấu quanh thân.

Vì ông cụ Tô cực lực phản đối đám cưới này nên khi bụng mang dạ chửa đã sáu tháng, Tô An Na buộc phải đoạn tuyệt qua lại với gia đình, bà ôm bụng bầu nặng trịch bước lên tàu hỏa ngược về phương Bắc, không quay đầu lại nữa.

Ông cụ Tô chống gậy đuổi đến nhà ga, chửi ầm ĩ về hướng đoàn tàu đằng xa: Rồi sẽ có một ngày mày phải khóc mà chạy về đây!

Tô An Na trên tàu không nghe được. Nhưng bà dùng nửa đời khổ cực của mình để chứng minh rằng ông cụ Tô đã đúng.

Thuở ấu thơ của Hứa Tô là những tháng ngày chìm trong tiếng bát đĩa nồi niêu bị đập vỡ vụn.

Hứa Văn Quân ăn chơi rượu chè, cờ bạc gái gú giỏi không thiếu cái gì, sống chỉ đủ ăn nhưng chẳng làm được việc gì nên hồn, sau khi dạt về phương Bắc thì lại cấu kết với một đám bạn bè chó má, ra vẻ đứng dưới ngọn cờ nghệ thuật để rồi cả ngày chỉ có ăn no chờ chết. Cách xử lý của Tô An Na bình thường rất đơn giản, khóc là chính đòi thắt cổ là phụ, phản ứng của Hứa Văn Quân lại càng đơn giản, không chửi không đánh, mặc cho Tô An Na ăn vạ vật ra đất khóc lóc om sòm. Ông ta chẳng mảy may để ý.

Làm loạn xong thì bình thường sẽ được hai ngày bình yên, nhưng những ngày an ổn như thế ngắn chẳng tày gang, Hứa Văn Quân lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục làm bừa.

Cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại, mãi cho đến khi Hứa Tô đi học tiểu học, lần này cái tật của Hứa Văn Quân phạm phải nặng hơn bất cứ những gì từng làm trong quá khứ, ông ta hút ma túy.

Lần này Tô An Na hết cách, chỉ có khóc và khóc, cuối cùng ông nội của Hứa Tô phải chạy từ phương Bắc tới, trói chặt thằng con trai vào trong bếp ép nó cai nghiện.

Ban đầu khi Hứa Văn Quân lên cơn nghiện thì sẽ liên tục oán trách đay nghiến đầy cay nghiệt, rồi lại chửi ầm lên, chửi bố xong lại đến chửi con, gần như không còn là con người. Thậm chí có một lần ông ta còn nói ra một sự thật làm người ta sợ hãi không thôi.

“Thời còn trẻ lão chưa từng bài bạc sao? Chưa từng chơi gái sao? Chưa từng chơi đến táng gia bại sản, ép mẹ tôi phải ra ngoài bán thân để trả nợ cho lão sao?” Giọng của Hứa Văn Quân truyền ra từ trong bếp, tràn trề năng lượng, âm thanh mang lực sát thương cực lớn, “Cha nào con nấy, lão phải sống được đến một ngày kia, con trai lão là thằng đốn mạt, rồi cháu nội lão cũng là tiện chủng thôi, đây là gene rồi, là di truyền, là dòng máu bẩn thỉu chảy trong từng khúc xương thớ thịt của nhà họ Hứa này!”

Hứa Tô nghe thấy mà kinh hãi, tay run lẩy bẩy, bút chì làm bài tập cũng gãy rắc một tiếng.

Ông nội của Hứa Tô ghét con trai ồn ào, lo sẽ ảnh hưởng đến việc học của cháu trai nên đành vào nhà bếp, dùng giẻ lau bịt mồm thằng con lại. Kể từ hôm đó, đêm nào Hứa Tô cũng nghe thấy tiếng Hứa Văn Quân đập đầu vào tường và dùng móng tay cào lên vách, âm thanh kia vừa khó chịu vừa lắt nhắt, cứ thế len lỏi vào từng lỗ chân lông của hắn, dù không quá ồn nhưng lại làm người ta sởn tóc gáy.

Thậm chí rất nhiều năm sau khi Hứa Văn Quân chết, đôi khi trong lúc ngủ mơ, Hứa Tô vẫn sẽ đột ngột nghe thấy thứ âm thanh này, để rồi choàng tỉnh dậy khi cả người đã lạnh ướt mồ hôi.

Hứa Tô tự nhận da mình dày ba tấc, tim thì đen như mực, nhưng hắn có một điểm yếu, là sợ người ta chửi mình là đồ tiện chủng.

Về sau ông nội Hứa Tô bị thằng con khốn nạn kia làm cho tức giận đến mức tái phát xuất huyết não, cố đấm ăn xôi trên giường bệnh được nửa tháng thì chết.

Sau khi ông nội Hứa Tô chết, không còn ai có thể trị được Hứa Văn Quân nữa, Hứa Văn Quân tiếp tục trải qua cuộc sống mờ mịt không ánh sáng, để rồi ăn đạn sau khi đã táng gia bại sản.

Tội bị phán là giết người hiếp dâm, Hứa Tô không tin lắm. Hắn chẳng trông mong gì vào nhân phẩm của lão già nhà mình nhưng vẫn cho rằng ông ta không việc gì phải thế. Ngoại hình của Hứa Văn Quân rất được lợi, đàn bà không đàng hoàng vẫn hay kè kè bên cạnh, tự nguyện dâng hiến cho ông ta cũng bằng lòng, cần gì phải vì chút sung sướng dưới đũng quần mà bị bắn chết.

Tô An Na cũng không tin, liều mạng muốn minh oan cho chồng.

Rồi lý do là gì đây? Thích ông ta ăn chơi rượu chè, cờ bạc gái gú, hay là thích ông ta trói gà không chặt, Hứa Tô nghĩ lên nghĩ xuống, nghĩ tái nghĩ hồi mà cũng chẳng hiểu rốt cuộc là tại sao mẹ mình lại cố chấp như thế. Cuối cùng hắn cảm thấy có lẽ là do mê cái mã ngoài, ngay từ đầu Tô An Na đã thích bộ dạng anh tuấn của Hứa Văn Quân, giống như hắn thích gương mặt mỉm cười ngọt ngào của con bé họ Bạch nhà hàng xóm, để rồi cũng vì một câu nói của cô ta mà hái trăng hái sao, băng núi vượt đèo.

Tóm lại, việc Hứa Văn Quân bị bắn chết không làm Hứa Tô thấy thương xót, phần nhiều là cảm giác thở phào nhẹ nhõm. Trong đầu hắn bỗng nảy ra một câu mới vừa học trong sách giáo khoa, rằng đất Bắc hoang tàn, áo mũ xuôi Nam*.

*Câu gốc là “Đất Bắc hoang tàn, áo mũ xuôi Nam, Hồ Địch khắp nơi, con dân nhà Hán bị tàn sát gần hết”, ý chỉ cuộc di dân quy mô lớn về phía Nam của chính quyền quan lại Trung Nguyên vào thời nhà Tấn. Bắt đầu từ năm 304, Tây Tấn diệt vong do loạn Vĩnh Gia khi các ngoại tộc tại Trung Nguyên nổi loạn, do chiến loạn, đã có một lượng lớn nhân khẩu, bao gồm cả các sĩ tộc đã di cư từ Trung Nguyên đến đồng bằng trung hạ du Trường Giang, việc này đã có tác động sâu sắc đến diện mạo chính trị thời Đông Tấn, đồng thời cũng giúp phát triển kinh tế trung hạ du Trường Giang, khiến trung tâm kinh tế của Trung Hoa chuyển xuống phương Nam.Trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, ở phương Bắc, giữa ngoại tộc và tộc Hán mở ra dung hợp về mặt dân tộc và văn hóa. Cuối thời Đông Hán đến thời Ngụy-Tấn, các tộc người phương bắc dần tiến vào Trung Nguyên, sống cùng với người Hán, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hán, song thường chịu áp bức từ quan lại người Hán hoặc chịu sự kỳ thị của người Hán. Sang thời Ngũ Hồ thập lục quốc, các tộc người phương Bắc xâm nhập hơn nữa vào Trung Nguyên. Các quốc gia do những tộc người này lập nên được gọi là “vương triều thâm nhập”. Trong khi giao lưu, do các nhân tố như xung đột tư tưởng, phân tranh chủng tộc hay đấu tranh chính trị, tại Thập Lục Quốc thường xảy ra các xung đột như phá hoại hay đồ sát. Hồ và Địch là các dân tộc phía Bắc và phía Tây Trung Quốc.

Hắn muốn trở về phương Nam, nhưng Tô An Na lại khăng khăng không chịu trở về.

Tô An Na là tiểu thư được chiều từ bé, trước tình hình này, đưa con trai về nhờ cậy cha ruột hẳn là quyết định sáng suốt nhất. Nhưng bà không làm thế. Trên đời này có hai loại người sống khổ cực nhất, một là loại trí nhớ quá tốt, một là loại quá sĩ diện. Tô An Na thì là cả hai.

Từng có một ông chủ người Hồng Kông “du lịch ngang qua” liếc mắt đã chú ý tới Tô An Na, muốn đưa bà về làm tình nhân. Nhưng cái thân phận tình nhân kia vốn đã không thể lộ ra ngoài sáng, thêm một đứa con chồng cũ lại càng không ra làm sao. Ý của ông chủ người Hồng Kông là muốn bỏ mặc Hứa Tô, chỉ có hai người bọn họ ung dung tự do rời đi. Tô An Na cũng thật sự muốn quẳng Hứa Tô về nhà họ Hứa, ông già của Hứa Văn Quân đã bị thằng con ép cho tức chết rồi nhưng mẹ của Hứa Văn Quân thì vẫn còn sống, bà cụ làm ruộng ở quê một mình, nuôi thêm một thằng cháu trai có đáng là bao.

Nhưng về sau chẳng biết là có khúc mắc gì hay lương tâm trỗi dậy mà bà ta không làm như thế.

Khi ông chủ Hồng Kông bỏ đi, Tô An Na nói với Hứa Tô câu ấy.

Về chuyện này, Hứa Tô nửa biết ơn, nửa ngờ vực.

Từ đó về sau, Tô An Na hoàn toàn thay tính đổi nết, không còn dịu dàng nhỏ nhẹ, không định đi bước nữa, cũng chẳng trông mong có người cứu nạn. Hứa Văn Quân chết rồi vẫn để lại một mớ bòng bong, bà đầu tắt mặt tối đi sớm về khuya để vực dậy cả gia đình, bày sạp bán đồ, bán vé chợ đen, làm tất cả những việc kiếm tiền từ hợp pháp đến bất hợp pháp, chớp mắt mà thanh xuân đã trôi qua, sắc đẹp cũng úa tàn. Có lần Hứa Tô thấy Tô An Na chửi nhau với một tên bán hàng vì cân thiếu một tí gan lợn trong chợ, bất giác còn tưởng là mình nhìn thấy chị hai Dương* dưới ngòi bút Lỗ Tấn, xương gò má lồi cao, môi mỏng quẹt, hai tay chống xuống đùi y như cái compa lẻ loi trơ trọi.

*Chị hai Dương là nhân vật trong truyện Cố Hương của Lỗ Tấn, thời còn trẻ được gọi là Tây Thi đậu phụ (Do chị Hai Dương cùng quê với Tây Thi (thời Xuân Thu) và chị ta bán đậu phụ nên gọi là Tây Thi đậu phụ), là hiện thân của một người “sống một cuộc sống khó khăn” theo như lời tác giả.

Hứa Tô đúng lúc nhớ về câu nói ấy, nghiền ngẫm mới thấy hình như đúng là như vậy.

Mà chờ đến khi Tô An Na thật sự không chịu nổi nữa muốn trở về thì đã không còn về được nữa. Anh trai và chị dâu của bà chẳng hiểu làm sao mà lại lừa ông cụ bán luôn căn nhà kiểu Tây có vườn trong nhà đi, lừa đứa em gái không ở cạnh cha mình để tự tiện chia chác. Đợi đến khi hai mẹ con ngu ngốc Tô An Na biết được thì ông cụ Tô đã chết bệnh nhiều năm. Tô An Na không nơi để về, không còn người thân, côi cút chịu khổ đã nhiều năm, đã chẳng còn nhớ tình cảm gia đình gì nữa, bà viết đơn kiện anh trai và chị dâu ra tòa, phiên tòa kéo dài mấy năm trời, trong thời gian đó còn bị luật sư vô lại lừa cho bao nhiêu tiền, để rồi vẫn thua kiện.

Thời điểm tòa án thẩm vấn thật sự loạn như gà bay chó sủa. Luật sư thao thao bất tuyệt, vỗ ngực chắc nịch đảm bảo với hai mẹ con nhà họ nhưng vừa lên tòa thì lắp ba lắp bắp, mãi lâu sau Tô An Na mới hiểu được có lẽ mình đã bị một tên luật sư đã không có tài còn không có đức lừa. Luật sư trên tòa không giúp được gì, Tô An Na không nhịn nổi mà tự thân ra trận, chỉ thẳng vào mũi anh hai mà chửi bới, anh hai đáp trả nói Tô An Na là một đứa con bất hiếu, từ bé đến lớn toàn hại cha, chửi bà trước đây còn treo lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật* trên cửa sổ tầng hai, hại ông cụ Tô suýt nữa đã bị lực lượng Vệ binh đỏ đến bắt đi đấu tố…

*Cờ Thanh Thiên Bạch Nhật là quy hiệu của quốc dân đảng Trung Quốc, tượng trưng cho tự do bình đẳng. Biểu tượng Thanh Thiên Bạch Nhật được sử dụng làm thiết kế cho cờ đảng và huy hiệu của Trung Quốc Quốc Dân Đảng, cũng xuất hiện trên quốc kỳ Trung Hoa Dân quốc, quốc huy Trung Hoa Dân quốc, tượng trưng cho sự bao la của bầu trời Trung Hoa và tinh thần Cách mạng, phát triển mạnh mẽ như Mặt Trời.

Hồng vệ binh hay là Vệ binh đỏ là danh xưng dùng để chỉ các thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng dần dần lực lượng này đã trở nên quá khích, họ sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đã gây hỗn loạn cho xã hội Trung Quốc, đình đốn sản xuất, hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, nhiều bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa bị tra tấn, sỉ nhục hoặc phải chết tức tưởi.

Thẩm phán phải yêu cầu cảnh sát áp giải bọn họ ra ngoài.

Thực ra vốn Hứa Tô có lẽ cũng không phải khổ như thế. Từ nhỏ vẻ ngoài của hắn đã xinh đẹp nhu thuận, nhờ ưu thế này mà cũng đã từng nhận được rất nhiều cơ hội. Trước đây một dàn đồng ca thiếu niên muốn lôi kéo hắn vào, nói với hắn là giả vờ giả vịt gì cũng không sao, chỉ cần đứng hàng đầu nở nụ cười với ống kính là được, về sau đội cầu lông thành phố lại nhắm trúng dáng người cao ráo tay chân dài linh hoạt, là một mầm non chơi tốt, định lôi kéo vào trường thể dục thể thao để tập trung bồi dưỡng. Tô An Na cảm thấy chuyện này cũng không tệ, ít nhất cũng giải quyết được vấn đề của một miệng ăn trong nhà. Nhưng Hứa Tô lại khăng khăng không chịu.

Hứa Tô ghét việc làm vận động viên vất vả, ghét tương lai mờ mịt khi làm nghệ sĩ, ghét kinh doanh tài chính lươn lẹo, ghét làm văn nghệ bay bổng không thực tế… Ngay trước mặt Tô An Na, Hứa Tô giày xéo chì chiết hết ba trăm sáu mươi nghề vài lần, cuối cùng hắn nhận ra hình như làm gì cũng không bằng sau này lớn lên làm luật sư, dù sao cũng là dựa vào cái miệng, cũng chẳng cần phải quá đỉnh cao gì cho cam, lăn lộn có tí danh tiếng, no thì không no nhưng sẽ không chết đói, quá tốt.

Tô An Na không vui. Chồng chết, nhà thì mất, xui xẻo cả đời bà ta đều do đám luật sư vô dụng gây nên. Tô An Na cảm thấy cho Hứa Tô đi học hát hay chơi cầu thì đều có tương lai hơn là đi học luật rồi làm luật sư, vậy nên bà ta ép con phải đổi ý, dùng thắt lưng mà quất, dùng ghế mà nện, vận dụng đủ những cách thức tàn nhẫn nhất để dạy con. Hứa Tô trước giờ động tí là xin tha một cách màu mè lúc này lại cứng đầu cứng cổ, thà để bị đánh cho chi chít vết thương, lưng và đùi vằn vện vết máu, ngay cả ngồi cũng ngồi không nổi. Trong một khoảng thời gian rất dài Hứa Tô chỉ nằm lỳ trên giường làm bài tập, viết hí hoáy rồi để lại một cái tên trên cuốn vở.

Phó Vân Hiến.

“Chuyển lời của tôi, mau mau từ Canada về đi, có lệnh truy nã đỏ* trong tỉnh rồi, tôi bảo đảm ông ta có thể được tại ngoại chờ xét xử.”

*Lệnh truy nã đỏ là một trong bảy thông báo hình sự quan trọng được ban hành khi các thành viên của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế yêu cầu các quốc gia thành viên hỗ trợ điều tra tội phạm.

Hứa Tô bị kéo về hiện tại bằng một giọng đàn ông nồng ấm, quay đầu hơi ngẩng lên, hắn nhìn thấy sườn mặt của Phó Vân Hiến.

Người ở đầu dây bên kia tên là Đinh Kỳ, là một luật sư trực thuộc Quân Hán, cũng có bối cảnh quân đội, khá thân thiết với Phó Vân Hiến. Giọng người nọ lớn, qua loa điện thoại Hứa Tô cũng nghe được những gì bọn họ nói chuyện với nhau: “Phó gia ơi, tôi cũng biết trốn tránh ở nước ngoài không làm được gì, những ngày sống khổ sở lén lút này thật sự rất khổ, nhưng mà Hồ Thính không dám về, ba triệu đã bị luật quy định là ‘mức rất lớn’ rồi, đây là hai tỷ đấy, về kiểu gì cũng sẽ bị bắn chết -”

“Cậu thì biết cái gì.” Đinh Kỳ cũng có tí danh tiếng trong giới biện hộ hình sự, nhưng ở trước mặt Phó Vân Hiến thì ăn chửi là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu, có lẽ vẫn định nói thêm mấy câu nhưng rõ ràng Phó Vân Hiến đã mất kiên nhẫn, y trực tiếp cắt lời một cách thô lỗ, “Tôi xem tài liệu rồi, hai tỷ đấy sơ hở khắp nơi, chỉ có khoảng một triệu là chắc cốp không thoát được, cậu bảo ông ta về đi, nói là Phó Vân Hiến tôi đã bảo, chắc chắn ông ta không chết được.”

Hứa Tô cũng nghe nói về chuyện này. Thời sự đưa tin khắp nơi, bí thư kiêm sở trưởng Sở Tài nguyên và Đất đai tỉnh tham nhũng hai tỷ rồi trốn ra nước ngoài, viện kiểm sát đăng lệnh truy nã đỏ, vẫn là không bắt được người, không phá được án, không lập được công, chỉ có thể mời luật sư Phó có quan hệ thân thiết khuyên người trở về.

Lại nói, một “luật sư không cầm quyền” như luật sư Phó rõ ràng tồn tại để kìm hãm sự đối kháng với quyền lực công nhưng lại có quan hệ rất mật thiết với công an, kiểm sát và tòa án, khó trách vẫn có người đồng ngành chửi y sau lưng là “ung nhọt trong ngành”, chửi y là “phái móc nối”*. Hơn nữa mỗi lần Phó Vân Hiến giải quyết một vụ án lớn mà người khác nghe đã thấy “khó có thể tưởng tượng”, người cùng ngành sẽ lại càng làm loạn hết cả lên, mắng chửi xối xả.

Đây là do đố kỵ mà đâm thù ghét, người trong ngành cố ý nói bằng mấy từ ngoài ngành. Có ngành nào mà không tồn tại “vùng xám”, lên được tòa thì gọi là “giao dịch tranh cãi biện hộ”, mà không lên được tòa thì bị gọi là “móc nối tư pháp”, kiểu luật sư như vậy nhiều nào đếm xuể, mà có thể làm nổi như Phó Vân Hiến thì được mấy ai? Có một luật sư già giậm chân huỳnh huỵch, mắng chửi độc địa, bản thân Phó Vân Hiến lại chẳng quan tâm chuyện này, về sau Văn Quân nhìn thấy thì gọi thẳng điện thoại cho ban quản trị cổng thông tin điện tử, còn chưa kịp ngo ngoe tí đỉnh thì đã khóa luôn tài khoản của luật sư kia.

Hứa Tô theo chân Phó Vân Hiến đã từng gặp gỡ rất nhiều người. Trong đó có đủ các kiểu tài tuấn nổi tiếng, quan to hay ông chủ giàu. Có câu “Doanh nhân Trung Quốc nửa thì đang ở tù, nửa còn lại thì đang trên đường vào tù”, làm quan thì càng phải thế, chưa biết chừng ngày nào đó đã ngồi sau song sắt, còn phải nhờ cậy Phó Vân Hiến đảm bảo tự do nửa đời còn lại hoặc không thì kéo lại một mạng. Vậy nên trong số bọn họ, có người thì gọi Phó Vân Hiến là “đại luật sư Phó”, có người thì gọi thẳng hai chữ “Phó gia”, nói chung thì ai cũng đều khúm núm cun cút.

Hứa Tô đi theo cũng được nhờ. Người đời khách sáo với hắn, hắn càng bễ nghễ khinh thường, như một con cáo nhỏ ỷ vào uy phong của hổ mà giương nanh múa vuốt.

Khó coi chết được.

Như cảm nhận được ánh mắt của người bên cạnh hướng về mình, Phó Vân Hiến một tay cầm điếu thuốc, tay kia cầm điện thoại, tranh thủ lúc gọi điện cũng quay sang nhìn Hứa Tô. Y đẩy điếu thuốc giữa đầu ngón tay tới trước môi Hứa Tô.

Tay Phó Vân Hiến rất đẹp, làn da sáng như đánh bóng, khớp xương cứng cỏi thon dài. Hứa Tô liền ghé lại gần, cắn lấy đầu thuốc ẩm ướt kia, rít một hơi thật sâu.

Thời gian dừng lại, như đón một nụ hôn.

Phó Vân Hiến rất hài lòng, lại dùng bàn tay kẹp thuốc đó khẽ khàng xoa lên mái tóc của Hứa Tô –

Trước đây y cũng đã từng xoa đầu hắn như thế.

Mười năm về trước, Hứa Tô đi theo Phó Vân Hiến tới Bắc Kinh có hẹn với thẩm phán phúc thẩm án tử hình của Tòa án tối cao. Vì để tiết kiệm tiền mà hai người từng cắm cúi đầu chạm đầu ăn mì tôm trong một cửa hàng tạp hóa, Phó Vân Hiến lừa hắn uống rượu, cứ nói là thời xưa có Cam La* lên làm tể tướng nước Tần vào năm mười hai tuổi, Hứa Tô mười hai tuổi ít nhất cũng phải uống chút rượu chứ. Hứa Tô tiếp nhận “sự kích động” mà Phó Vân Hiến truyền tới, nhấm một ít rượu trên miệng bình rồi cay đến mức ho khù khụ, Phó Vân Hiến cười xoa nhẹ lên tóc hắn.

*Cam La, không rõ năm sinh năm mất, mười hai tuổi đã nhậm chức Tể tướng thời Tần Vương Doanh Chính, là một trong những hiền tướng thời Chiến Quốc, nhờ vào mưu kế mà đã giúp nhà Tần lấy được hơn chục tòa thành, nhờ có công lao, ông được vua Tần Doanh Chính ban chức Thượng Thanh (tương đương với tể tướng), ban thưởng ruộng và nhà cửa.

Hàm răng trắng đẹp chỉnh tề, khiến nụ cười kia như sáng lên theo.

Khi đó Hứa Tô vẫn còn gọi Phó Vân Hiến là “đại ca”, giờ thì gọi “chú”, xưng hô thay đổi, dường như ngay cả chút ăn ý ngày xưa cũng đã đổi thay.

Đinh Kỳ ở đầu bên kia nói tiếp: “Tôi quen một ông chủ, là dạng nhà giàu buôn đất mới nổi, dạo này muốn kinh doanh phòng tắm hơi, cũng không phải làm ăn đứng đắn gì mà định bụng liếm máu trên lưỡi dao để kiếm tiền nhanh, bảo tôi nghĩ cách. Phó gia có chủ ý gì không?”

Nghe ý này hẳn là muốn làm ngành mại dâm, Phó Vân Hiến hỏi đối phương: “Chính sách từng nơi khác nhau, gã đó là người ở đâu?”

Đinh Kỳ nói: “Ở Quảng Đông.”

“Hiện giờ mại dâm chơi gái bị điều tra chặt lắm, nhưng ‘massage kích dục’ thì được, bên tòa án Quảng Đông hay Trùng Khánh đều phán vô tội với những loại án này, cậu bảo lão tự đi mà lo.” Điện thoại tạm thời còn chưa ngắt, ngón tay Phó Vân Hiến lại luồn vào trong áo Hứa Tô, nhéo lên cổ cậu một cái. Hành động này không thể coi như mờ ám, cũng chỉ giống như vỗ về chơi đùa một con thú cưng mà thôi.

Phó Vân Hiến thích vuốt tóc Hứa Tô. Tóc hơi ngả vàng nhưng vẫn mảnh và mềm mại, làn da trơn bóng non mịn, cả người tỏa ra mùi hương man mát dễ chịu, đây là hương vị của thiếu niên, là xúc cảm thuộc về thiếu niên.

“Muốn giàu thì phải liều, không có gan thì về mà trồng rau nuôi cá.” Có vẻ Đinh Kỳ còn định hỏi gì đó, Phó Vân Hiến lại càng mất bình tĩnh, “Làm thầu phụ*, tách hết nhân viên, sân bãi và quản lý ra, sau đó thì móc nối với công an địa phương, không xảy ra chuyện gì đâu.”

*Thầu phụ là hành vi của tham gia nhận thầu chung một đơn vị một dự án dự án xây dựng theo mà một phần của hợp đồng được ký hợp pháp với một đơn vị nhận thầu có năng lực tương ứng.

Nói xong mấy câu, Phó Vân Hiến cúp máy, cúi đầu nhìn Hứa Tô: “Nghĩ gì thế?”

“Không có gì.” Hứa Tô nghiêng đầu rút cổ khỏi bàn tay Phó Vân Hiến, thoát khỏi xúc cảm khiến hắn luyến lưu say đắm, thô ráp mà ấm áp. Hắn quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ.

Nghĩ gì à? Đôi khi hắn sẽ có suy nghĩ quái gở rằng, rốt cuộc là con người thay đổi hay thế giới đổi thay, câu hỏi này nhìn thì đơn giản nhưng thực chất Phật giáo chẳng phải, Đạo giáo càng không, cực kỳ huyền diệu.

Hứa Tô dựa vào cửa kính xe, ánh mặt trời phương Nam nóng rát đọng lại trong đáy mắt, hắn cảm thấy mệt mỏi và uể oải vô cùng, nói: “Chỉ là nhớ về một người bạn rất lâu về trước, có lẽ sẽ chẳng còn được gặp lại nữa.”

Chiếc Mercedes của Phó Vân Hiến rất rộng rãi, dọc đường chạy vào trong ngõ nhỏ dẫn tới ngôi nhà cũ của nhà họ Hứa cứ va quẹt lung tung, luật sư Phó cũng không thương cái xe sang của mình, nhưng Hứa Tô vẫn cảm thấy xót xa tiếc rẻ. Những kẻ bần cùng nhất của thành phố S đều sống ở đây, những chiếc ba gác, xe đẩy của những nhà làm ăn buôn bán nhỏ lẻ ở đây tuy đều đã cũ nát rách bươm, nhưng suy cho cùng vẫn là cần câu cơm của bọn họ.

Mercedes chạy vào ngõ nhỏ, những nhà buôn bán vỉa hè nhỏ ở mảnh đất này đồng loạt chạy ra, hò hét dọn sạp.

Bọn họ biết đại luật sư Phó tới. Bọn họ cảm thấy nhà tranh cũng sáng sủa hẳn lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.