Xiềng Xích

Chương 30: Triều cục




Xung quanh trạm dịch đều là núi cao trùng điệp, trong phạm vi trăm dặm không có người ở, chỉ có một quan đạo trước cửa nối liền Nam Bắc.

Lúc này cửa hàng rào trạm dịch mở rộng, ở giữa cửa đặt một chiếc quan tài, mấy trăm tướng sĩ bảo vệ xung quanh, mặc đồ tang, tay cầm cờ trắng, hết sức nghiêm trang.

Ven đường quan đạo lại trú đóng nghìn vạn sĩ tốt, tư thế oai hùng, khí thế như hùm.

Tấn Trừ dắt ngựa đứng trước quan tài.

Khoảnh khắc nhìn thấy người đối diện thì hắn biết, suy đoán nào đó trong lòng hắn đã được xác minh.

Người nọ cũng mặc đồ tang, chỉ là kiểu dáng chiến y bên trong lại là của tiểu tốt hạng bét. Lúc này, ông ta thấy Tấn Trừ nhìn mình thì đi ra khỏi giữa những tướng sĩ, đến trước mặt Tấn Trừ, giơ tay vỗ vai hắn.

"Con trai ngoan." Ông ta khen ngợi một tiếng, sau đó xoay người đi vào trong trạm dịch: "Đi vào rồi nói."

Tấn Trừ không lập tức đi theo, chỉ vén mí mắt, mặt không biểu cảm nhìn quét bốn phía, sau đó giơ tay cởi mũ tang trên đầu, thẳng tay xé áo tang trên người, thuận tiện ném về phía quan tài, rồi đi nhanh về hướng trạm dịch.

Tướng sĩ xung quanh đều cúi đầu tránh ra.

Sân nhỏ bên trong trạm dịch lát đá, chỉ là lúc này trên phiến đá còn vết máu chưa phai, còn kéo theo vài vệt máu loang lổ ngoằn ngoèo, thẳng tuốt đến rừng trúc hai bên.

Chỗ rừng trúc, mấy cỗ thi thể nằm ở đó, nhìn kiểu dáng y phục, có thể thấy là dịch thừa và người chăn ngựa ở chỗ này.

Tấn Trừ thu lại ánh mắt, không dừng bước chân đi vào nội đường.

Trấn Nam vương ngồi trước bàn vuông trong nội đường, vẫy tay ý bảo hắn ngồi xuống.

"Cả đường long đong vất vả, mệt không? Uống ngụm rượu mạnh trước cho tỉnh táo."

Trông vẻ hỏi chuyện thường ngày tựa như khung cảnh hôm nay chỉ là một người cha già hiền hòa nghênh đón người con tha phương trở về.

Tấn Trừ nhận lấy chén rượu ngửa đầu uống cạn, sau đó tiện tay quăng đi, mặc cho chiếc chén rỗng lăn trên mặt bàn trơn nhẵn vang lên tiếng lạch cạch.

Trấn Nam vương nhướn mày: "Sao nhìn có vẻ ngươi thấy ta không chết lại thất vọng vậy?"

Tấn Trừ nhếch môi mỉa mai, như giễu cợt, như lạnh nhạt.

Nhưng hắn không trả lời phụ vương hắn, mà hỏi ngược lại: "Vương Thọ trong cung Nghi quý phi lại là người của phụ vương?"

Trấn Nam vương không đáp, Tấn Trừ lại ngước mắt, bình tĩnh nhìn ông ta: "Hoàng thái tử là bị người trong cung Nghi quý phi hạ độc. Cung của Nghi quý phi giống như thùng sắt, ngoại trừ người tâm phúc, không ai có thể động tay vào đồ ăn. Nếu nói có thể dễ dàng bị một cung nhân nhị đẳng ra tay mưu hại chủ tử, nhi tử tuyệt đối không tin."

Từ lúc đồ ăn làm xong đến bưng lên miệng chủ tử, sẽ không dưới năm người thử độc, muốn thành công mưu hại chủ tử, há là việc một cung nhân nhị đẳng hèn mọn có thể làm được. Không phải người tâm phúc thì không thể.

Trấn Nam vương rót cho mình chén rượu, không đáp lời Tấn Trừ, chỉ tự rót tự uống.

Tấn Trừ biết, như thế đồng nghĩa với ngầm thừa nhận.

Không chỉ ngầm thừa nhận Vương Thọ là người của ông, mà còn thừa nhận Vương Thọ chịu sự sai khiến của ông, mưu hại Hoàng thái tử.

Nội đường sau một hồi yên lặng, Tấn Trừ đột nhiên lắc đầu, cười một tiếng: "Phụ vương, quả thực là lòng dạ sắt đá."

Trấn Nam vương thở dài: "Muốn trách, thì trách nó sinh ra ở hoàng gia thôi."

Ông ta vừa nói vừa khoát tay một cái: "Quên đi, quá khứ đã qua rồi, con người ấy, dù sao vẫn phải nhìn về phía trước."

Tấn Trừ nhìn ông ta: "Chỉ mong Nghi quý phi nương nương cũng có thể nhìn về phía trước như phụ vương."

"Con trai thôi mà, mất đứa này thì sinh đứa khác." Trấn Nam vương tính toán một chút, nói: "Tuổi tác vẫn được, còn có thể sinh, nhớ năm xưa lúc mẫu phi ngươi sinh ngươi cũng không nhỏ hơn nó bao nhiêu."

Nói đến đây, ông ta vuốt hàm râu thô ráp, gật đầu: "Sau này sẽ chọn một phò mã tốt cho nó, thanh niên trai tráng, vừa anh tuấn lại tri kỷ, chắc hẳn cũng có thể nguôi ngoai nỗi đau tang con."

Hai chữ "phò mã" gần như đã chỉ rõ mục đích của ông.

Tấn Trừ không hề giật mình, hoặc giả từ ngày Hoàng thái tử chết bất đắc kỳ tử ấy, hắn đã thoáng dự liệu được dã tâm ngập trời của phụ vương hắn.

"Vương phi và nhị đệ còn ở Kinh thành."

Trấn Nam vương phất tay: "Người làm việc lớn, không nên câu nệ tiểu tiết."

Sau một hồi im lặng, đôi mắt thanh mảnh của Tấn Trừ nửa khép, gật đầu nói: "Con hiểu ý của phụ vương."

Trấn Nam vương cũng gật đầu: "Hiểu thì được. Vậy bây giờ ngươi nói cho ta biết, ngươi lựa chọn hồi kinh làm cháu trai hiếu thuận, hay chọn làm con trai ngoan trước mặt ta."

Ngoài phòng, đao thương san sát, quan đạo trạm dịch, giáo mác tùm lum.

Không thể nghi ngờ rằng, dám tự ý bước ra bên ngoài nửa bước, chắc chắn là hài cốt không còn. Bất kể ngươi là cháu hiền hay là con ngoan.

Trong phòng, tịch mịch không tiếng động, giống như tử địa.

Chỉ chốc lát, Tấn Trừ ấn bàn đứng dậy, quỳ một chân xuống đất, nói với phụ vương hắn: "Chỉ nghe theo lệnh của phụ vương!"

Trấn Nam vương hô lớn một tiếng "Tốt!", dùng sức vỗ vai hắn: "Con trai ngoan!"

"Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt!" Trấn Nam vương nâng hắn dậy, cười ha ha nói: "Đợi thiên hạ đều nằm trong tay cha con ta, ngươi muốn cái gì mà không có? Lại muốn nữ nhân nào mà không được?"

Hàm ý trong lời nói này khiến sắc mặt Tấn Trừ hơi đổi.

Trấn Nam vương bắt trọn trong mắt, nhưng không nói ra, chỉ làm như không biết cầm bình rượu trên bàn, rót đầy hai chén rượu, đưa một chén cho hắn.

"Nâng rượu lên. Sau khi uống xong thì nói cho ta biết, ngươi lựa chọn xuôi Nam hay là lên Bắc."

Tấn Trừ cầm chén rượu nhìn ông ta.

"Lên Bắc chính là cố thủ biên cương, ngồi đợi thời cơ chín muồi." Trấn Nam vương cười nói: "Xuôi Nam sẽ khó khăn hơn, phải tập kết binh lực cùng Lưỡng Quảng, giáp công Di tộc và Lưỡng Giang."

"Di tộc không phải ở phía Bắc sao?"

"Lão tử nói bọn họ ở đâu thì là ở đó. Nói bọn họ chạy về phía Nam, bọn họ phải chạy về phía Nam."

Tấn Trừ nâng chén cụng vào chén của phụ vương hắn, sau đó một hơi cạn sạch.

"Con chọn xuôi Nam."

Trấn Nam vương cũng uống cạn rượu.

"Nghĩ xong rồi?"

"Tuyệt không hối hận."

Trấn Nam vương thu lại biểu cảm: "Từ giờ, ngươi không phải con ta nữa, chỉ là một tướng trong quân ta. Đi lập quân lệnh trạng [1] trước, nếu có chuyện sai lầm, lưỡi đao vô tình!"

[1] Quân lệnh trạng: giấy bảo đảm thực hiện quân lệnh.

Cha con hai người cùng quẳng chén rượu đi, coi đây là lời thề.

Trước trạm dịch, Trấn Nam vương ngóng nhìn đội quân xuôi Nam dần dần khuất bóng, nghĩ đến chuyến này Tấn Trừ không chọn một tướng lão thành, mà lại chọn cất nhắc những người mới, không khỏi nở nụ cười khó hiểu.

Ngô Nhĩ hỏi: "Cớ sao Vương gia lại cười?"

Trấn Nam vương thở dài: "Là ta đang suy nghĩ, giao long này há có thể nuôi ở trong ao."

Ngô Nghĩ nhớ tới tình hình Thế tử chỉnh binh trước trận, dáng vẻ nghiêm nghị, ánh mắt sắc bén, ra lệnh đại quân kỷ luật nghiêm minh, ngược lại có vài phần uy nghi của đại tướng, càng hoàn toàn không giống dáng vẻ công tử ca là lượt bất trị như trong lời đồn.

Có thể đúng như Vương gia bọn họ nói, kim lân há lại là vật trong ao, một khi gặp mưa gió mây vần sẽ biến hóa thành rồng thôi.

"Đi mời Đông Phương tiên sinh tới, bảo hắn viết thêm một bản sổ con hỏi Kinh thành một câu, Thế tử đi truy bắt Di tộc rồi, vậy ai sẽ đi thu xác lão tử ?" Trấn Nam vương oán hận: "Cứ bỏ đó nữa thì sắp bốc mùi mất."

Sổ con trước của Trấn Nam vương, Thánh thượng không thể nào hồi âm.

Do chuyện của Ngũ hoàng tử mà Thánh thượng bị kích động, trúng gió.

Lúc trọng thần trong triều đến Dưỡng Tâm điện thăm Thánh thượng, sắc mặt đều trầm xuống.

Hiện giờ Thánh thượng nằm liệt trên giường, đừng nói là động tay phê tấu chương, mà ngay cả nói cũng không rõ. Nói ậm ờ chưa được hai chữ, nước dãi đã chảy ra.

"Những chuyện khác đều có thể bỏ qua, lập Hoàng thái tử chủ trì đại cục làm đầu."

Ra cửa điện, mấy trọng thần nhất phẩm thương lượng.

Người nào cũng biết chuyện lập Thái tử là quan trọng nhất, nhưng mấu chốt là, phải lập ai? Nhắc tới việc này, chúng triều thần đều lạnh cả người.

Bởi vì, bọn họ đều nghĩ tới Tứ hoàng tử.

Hiện giờ, hoàng thất cũng chỉ còn Tứ hoàng tử.

Sau khi Ngũ hoàng tử xảy ra chuyện, bọn họ vốn muốn thương lượng đề cử Thất hoàng tử nhỏ nhất thượng vị, nhưng không ngờ bọn họ còn chưa thực hiện được, cùng ngày, Thất hoàng tử cũng bất ngờ ra đi.

Mà người ra tay đằng sau việc này, bọn họ nghĩ không ai khác ngoài Tứ hoàng tử ẩn nhẫn nhiều năm.

Mà làm bọn họ lạnh người hơn chính là, chưa quá hai ngày, Nhị hoàng tử năm xưa bị giáng làm thứ dân, bị một nhóm tử sĩ nhân lúc trời tối mà sát hại.

Toàn phủ không chừa lại một người sống, ngoài Nhị hoàng tử bị phế, còn có hai hoàng tôn nhỏ tuổi.

Cuối cùng, Kinh Triệu Doãn bắt được một tử sĩ chưa kịp tự sát, dùng hết mọi thủ đoạn, cuối cùng cũng biết được người thao túng đằng sau chính là Tứ hoàng tử còn bị giam ở lãnh cung.

Tâm tính ngoan độc biết bao.

Dù nghĩ lại cũng làm người ta không rét mà run.

Cuộc tranh giành đoạt đích này, quả thật là máu tươi trải rộng, thảm khốc không gì bằng.

Trong lãnh cung, sau khi Tứ hoàng tử biết được chuyện của phủ Nhị hoàng tử, cũng ngã phịch vào chiếc ghế cũ nát, nhắm mắt đầy vẻ mệt mỏi.

Cuối cùng mọi chuyện cũng có thể đi đến hồi kết.

Bắt đầu từ ngày Ngũ hoàng tử chết bất đắc kỳ tử, hắn chợt nhận ra, vô hình trung hắn đã làm quân cờ của ai đó, sa vào ván cờ nào đó.

Nhất là cái chết của Thất hoàng tử, càng làm cho hắn chắc chắn hơn về suy đoán này.

Hắn không muốn là quân cờ trong bàn cờ này, thế nhưng, hắn đã không còn đường lựa chọn.

Nếu triều thần và dân chúng ngoài kia đều cho rằng cái chết của các vị hoàng tử là do hắn thao túng, vậy thì cứ làm đến cùng đi, dù sao vẫn tốt hơn làm một con cờ bị vứt bỏ.

Dù gì, danh tiếng của hắn đã phế từ lâu.

Đám triều thần không có lựa chọn nào khác, dù không tình nguyện đến mấy, nhưng cũng chỉ có thể đề cử hắn thượng vị.

Nguyện vọng ngày trước của hắn, chẳng qua là có thể bình an đi đến đất phong, làm một Vương gia mà thôi, lại không ngờ bị đẩy đến bước đường này.

Dù chẳng biết người thao túng phía sau là ai, cũng không biết có mục đích gì, nhưng hắn nghĩ, mạnh tay đánh một trận, không chừng còn có thể đào ra đường lui.

Đầu tháng sáu, Tứ hoàng tử được triều thần đề cử lập làm Hoàng thái tử, cũng là giám quốc thay Thánh thượng trên triều.

Ngày thứ hai Thái tử giám quốc, triều thần đã dâng sổ con của thuộc hạ Trấn Nam vương tấu lên.

"Báo thù cho cha, đuổi Di tộc mà xuôi Nam?"

Thái tử thấy vậy, cảm thấy hết sức hoang đường.

Cho dù mấy năm nay hắn giả ngây giả dại, không có thái phó dạy dỗ, nhưng cũng biết, trước giờ Di tộc chiếm cứ phía Bắc, theo đồng cỏ và nguồn nước mà cư ngụ, có bao giờ ngồi thuyền xuôi Nam?

"Phát kim lệnh, triệu hồi Tấn Trừ." Thái tử ra lệnh: "Còn về việc thả Tấn vương phi và Tấn nhị tử rời kinh đưa quan tài, cứ để đó không nhắc nữa, đợi Tấn Trừ hồi kinh rồi bàn lại."

Từ tháng sáu năm Vĩnh Xương mười chín đến tháng mười hai năm mười chín, tổng cộng triều đình đã phát hai mươi hai kim lệnh chỉ thị Tấn Trừ xuôi Nam truy kích Di tộc hồi kinh, lại bị Tấn thế tử lấy việc "tướng ngoài trận, không cần tuân quân lệnh" để bác bỏ hết lần này đến lần khác.

Thái tử tức giận không thôi. Hắn hỏi triều thần không chỉ một lần rằng, Tấn thế tử là tướng gì, lại là ai phong tướng?

Đám triều thần không dám trả lời.

Dựa theo lệ cũ, Trấn Nam vương đi, Tấn Trừ thân là Thế tử Trấn Nam vương, tiếp nhận vị trí của Trấn Nam vương cũng là hợp tình hợp lẽ.

Đương nhiên, tiền đề phải là Thánh thượng tự mình bổ nhiệm mới được.

Không được bổ nhiệm thì thành thật mà nói, Tấn thế tử cũng là danh không chính, ngôn không thuận.

"Cả gan làm loạn, coi hoàng mệnh thành trò đùa! Hắn không chịu nhận chiếu hồi kinh, lại không quan tâm quan viên Lưỡng Giang ngăn cản, cố chấp muốn đóng quân ở Lưỡng Giang, rốt cuộc là có ý gì!"

Khu vực Lưỡng Giang xưa giờ đóng quân dày đặc, là nơi trọng yếu của triều đình. Bây giờ Tấn thế tử và quân đội Lưỡng Quảng giáp công Di tộc và Lưỡng Giang, quả thực làm người ta bất an trong lòng, cũng khó trách Thái tử tức giận.

Phải biết rằng, năm xưa Trấn Nam vương từng trấn thủ Trấn Nam quan nhiều năm, khu vực Lưỡng Quảng có nhiều thuộc hạ trung thành với ông ta. Hiện giờ Tấn thế tử lại làm như vây... kết hợp với lời đồn lén lút truyền khắp nơi trong Kinh thành dạo gần đây, nói là thực ra Trấn Nam vương bị Thánh thượng phái giám quân ám hại, điều này khó tránh khỏi làm nhiều người nghĩ, có phải Tấn thế tử có dụng ý khác hay không?

Trung tuần tháng mười hai, lại một lần nữa hạ kim lệnh triệu Tấn thế tử quay về mà không có kết quả, Thái tử sai người bao vây Trấn Nam vương phủ, mời Tấn Vương Phi và nhị công tử vào thiên lao.

Năm Vĩnh Xương hai mươi vừa tới, còn chưa đợi ngày mùng một đầu năm qua đi, Thánh thượng chống chọi chịu đựng trên giường bệnh, không cố được qua ngày hôm đó, nhắm mắt, buông tay thế gian.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.