Vượt Lên Hàng Đầu

Chương 11




Trưởng ban Tổ chức Nghị viện nhìn khắp các đồng nghiệp, thầm hỏi ai trong số họ sẽ xung phong thực hiện cái nhiệm vụ không tên ấy.

Một cánh tay giơ lên, ông ngạc nhiên một cách hài lòng.

- Cảm ơn anh, Charles.

Charles đã báo trước với Fiona rằng anh sẽ xung phong giữ vị trí của người chịu trách nhiệm về vấn đề nổi bật nhất trong cuộc bầu cử vừa qua – Việc nước Anh gia nhập Thị trường chung. Mọi người trong Văn phòng Nghị viện đều nhận thấy đây quả là một cuộc chạy đua khó khăn nhất của toàn Quốc hội, và có tiếng thở dài nhẹ nhõm khi Charles xung phong.

Đây không phải là việc cho người có cuộc hôn nhân không bền vững. Charles nghe thấy một thành viên trong văn phòng thì thầm. Ít nhất đó là điều ta chẳng phải lo lắng, Charles nghĩ, nhưng anh cũng ghi nhớ sẽ mang vài bông hoa về nhà tối hôm ấy.

- Tại sao lại chính là dự luật mà ai cũng muốn tránh chứ? – Fiona hỏi trong khi đang cắm những bông hoa thủy tiên.

- Bởi vì nhiều người phe bọn anh không cần phải ủng hộ Edward Heath trong tham vọng cả đời người của ông ấy là đưa nước Anh vào Thị trường chung. – Charles trả lời, nhận lấy một ly brandy lớn. – Thêm nữa, bọn anh cũng đang gặp khó khăn trong việc đệ trình dự luật kiềm chế các hiệp hội Công đoàn, điều này có thể cản trở những người của đảng Lao động ủng hộ bọn anh cũng bỏ phiếu về vấn đề châu Âu. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thường xuyên đánh giá tình hình về châu Âu, dù cho việc lập pháp có thể không được đưa ra trên cơ sở Hạ viện trong ít nhất một năm nữa. Ông ấy sẽ muốn biết định kỳ có bao nhiêu người theo phe bọn anh còn phản đối, và bao nhiêu nghị sĩ thuộc phe Đối lập mà bọn anh có thể dựa vào để phá bỏ cấp bậc khi có biểu quyết quyết định.

- Có lẽ em nên làm nghị sĩ Quốc hội, để ít nhất có thể có thêm thời gian ở bên anh.

- Nhất là nếu về vấn đề Thị trường chung em là người "không biết".

Mặc dù báo chí tranh cãi rằng "Cuộc thảo luận lớn" có vẻ tẻ nhạt, các nghị sĩ vẫn cảm thấy họ đang đóng vai trò trong lịch sử.

Charles vẫn giữ nhiệm vụ theo dõi hơn năm mươi nghị sĩ nói về những dự luật bình thường của Chính phủ, nhưng do vấn đề gia nhập châu Âu được ưu tiên, anh được giải phóng các nhiệm vụ khác.

- Anh đang đánh bạc tất cả trong lần này, - anh nói với Fiona. – Nếu bọn anh thất bại trong cuộc biểu quyết cuối cùng này anh sẽ bị kết án với chiếc ghế ở hàng sau suốt đời.

- Còn nếu thắng cử?

- Thì không thể nào buộc anh phải rời khỏi hàng ghế trước. – Charles đáp.

- Cuối cùng em cho là em đã tìm được rồi.

Sau khi nghe tin, Raymond đáp tàu lên Leeds thứ sáu tuần sau đó. Joyce đã chọn cho anh bốn ngôi nhà để xem xét, nhưng anh phải đồng ý với cô là ngôi nhà ở vùng Chapel Allerton chính là cái mà họ đang tìm. Đó cũng là ngôi nhà đắt nhất mà họ tìm thấy từ trước tới nay.

- Liệu chúng ta có đủ tiền không? – Joyce lo lắng hỏi.

- Có lẽ không.

- Em có thể tiếp tục tìm được.

- Thôi đừng, em đã tìm ra ngôi nhà cần tìm; bây giờ anh sẽ tính cách xem chúng ta sẽ trả bằng cách nào, và anh nghĩ là đã tìm ra một cách.

Joyce không nói gì, chờ cho Raymond tiếp tục.

- Chúng ta sẽ bán chỗ ở đường Landsdowne.

- Thế chúng ta sẽ ở đâu khi anh tới London?

- Anh có thể thuê một căn hộ nhỏ ở đâu đó giữa Tòa án và Hạ viện, trong khi em thu xếp ngôi nhà thực sự của chúng ta ở Leeds.

- Nhưng anh sẽ không buồn chứ?

- Tất nhiên là có chứ, - Raymond nói, cố gắng để cho giọng vang lên đầy thuyết phục. – Nhưng hầu hết các nghị sĩ vùng Bắc Birmingham đều phải xa vợ trong suốt cả tuần. Dù sao đi nữa, em vẫn luôn muốn sống ở Yorkshire kia mà, và đây có thể là cơ hội tốt nhất của chúng ta đấy. Nếu công việc tiến triển, sau này ta sẽ mua thêm nhà ở London.

Joyce có vẻ hiểu ý.

- Một điểm nữa là… - Raymond nói thêm – Việc em ở Leeds sẽ đảm bảo anh sẽ không bao giờ mất ghế trong Nghị viện.

Joyce mỉm cười. Cô luôn cảm thấy tin tưởng bất cứ khi nào Raymond chỉ ra cái nhu cầu nhỏ nhất của cô.

Sáng thứ Hai, Raymond đặt mua ngôi nhà ở Chapel Allerton trước lúc quay về London. Sau khi mặc cả chút ít qua điện thoại, anh và chủ nhà thỏa thuận giá cả. Vào ngày thứ Năm, Raymond đã cho quảng cáo bán nhà ở đường Landsdowne và ngạc nhiên vì một loạt các đại lý nhà đất cho rằng đây là mưu mẹo.

Giờ đây tất cả những gì mà Raymond phải làm là tìm cho mình một căn hộ.

Simon gửi một bức thư cho Ronnie cảm ơn vì đã thông tin đầy đủ về chuyện xảy ra ở công ty Nerthercote. Đã tám tháng kể từ khi anh nghỉ làm việc ở ban quản trị do được đề cử chức Bộ trưởng, nhưng Ronnie vẫn đảm bảo biên bản của từng cuộc họp vẫn được gửi cho anh để nghiên cứu trong thời gian rảnh rỗi. "Thời gian rảnh rỗi". Simon phải bật cười với ý nghĩ đó.

Tiền anh rút ở ngân hàng vượt khoảng hơn bảy hai ngàn bảng, nhưng vì Simon định đề nghị cổ phần của mỗi thành viên là năm bảng khi cổ phần được công khai, Simon cảm thấy vẫn có sự chậm trễ thật sự, vì cổ phần của riêng anh bán được khoảng ba trăm ngàn bảng. Elizabeth đã báo trước với anh không nên tiêu một xu nào của tài khoản lãi cho đến khi số tiền ấy yên ổn trong nhà băng. Anh thầm cảm ơn vì cô không biết toàn bộ số tiền anh vay.

Trong một dịp ăn trưa ở nhà hàng Ritz như mọi lần, Ronnie đã nói lộ cho Simon biết kế hoạch tương lai của mình về công ty.

- Mặc dù phái Bảo thủ đang cầm quyền, tôi nghĩ tôi sẽ hoãn lại việc công khai cổ phiếu ít nhất trong mười tám tháng. Lợi nhuận năm nay lại tăng và năm sau có vẻ còn hứa hẹn hơn nữa? Mười chín bảy mươi ba có vẻ tuyệt vời.

Nét mặt Simon biểu hiện sự thông hiểu và Ronnie nhanh chóng phản ứng.

- Nếu anh có vấn đề gì, Simon, tôi sẵn sàng mua lại cổ phần của anh với giá thị trường. Ít nhất, bằng cách đó anh sẽ được một ít lợi nhuận.

- Không đâu, - Simon nói. – Tôi sẽ để nó ở đấy bởi vì tôi đã chờ điều này từ lâu lắm rồi.

- Tùy anh thôi, - Ronnie nói. – Bây giờ cho tôi biết, anh thấy công việc ở văn phòng Nội vụ thế nào?

Simon đặt dao ăn và dĩa xuống.

- Đây là bộ liên quan đến người dân nhiều nhất vì thế công việc là sự thách thức hàng ngày về mức độ con người, mặc dù đó cũng là công việc gây nhiều áp lực. Nhốt người ta vào tù, ngăn cấm người nhập cư hay trục xuất những người nước ngoài vô hại chẳng phải là niềm vui thích của tôi. Tuy thế, làm việc ở một trong ba bộ lớn của Chính phủ là một sự ưu tiên.

- Tôi cuộc anh sẽ sang bộ Ngoại giao và Tài chính trước khi anh kết thúc, - Ronnie nói. – Thế còn Ireland thì sao?

- Còn Ireland ư? – Simon nhún vai nói.

- Tôi thì tôi trả lại Bắc Ireland cho Eire, - Ronnie nói tiếp – hoặc cứ để cho họ độc lập và cho họ một số tiền lớn, khuyến khích làm việc này. Hiện tại toàn bộ nhiệm vụ là chuyện tiền xuống giá.

- Chúng ta đang bàn đến con người, - Simon nói, - chứ không phải tiền bạc.

- Chín mươi phần trăm cử tri sẽ ủng hộ tôi. – Ronnie vừa nói vừa châm xì gà.

- Mỗi người cứ tưởng chín mươi phần trăm dân số ủng hộ quan điểm của mình cho đến lúc bầu cử. Vấn đề về Ireland quá ư là quan trọng, chẳng thể nào mà chuyện phiếm được, - Simon nói. – Như tôi nói đấy, chúng ta đang bàn đến con người, tám triệu người, tất cả đều có quyền được hưởng công bằng như anh và tôi. Chừng nào tôi vẫn còn làm ở Văn phòng Nội vụ, tôi còn chú ý để cho họ giành được quyền ấy.

Ronnie im lặng.

- Xin lỗi anh, Ronnie, - Simon lại nói tiếp. – Quá nhiều người nghĩ rằng việc giải quyết vấn đề về Ireland quá đơn giản. Nếu quả như vậy, thì nó đã chẳng kéo dài suốt hai trăm năm rồi.

- Anh không phải xin lỗi đâu, - Ronnie đáp. – Tôi thật ngớ ngẩn. Lần đầu tiên tôi mới hiểu tại sao anh lại ở trong văn phòng làm việc với dân chúng.

- Anh đúng là một tay phát xít tự lập điển hình đấy, - Simon trêu đùa người cùng hội với mình một lần nữa.

- Ồ, có một điều chắc chắn là anh chẳng thay đổi được quan điểm của tôi về xử treo cổ đâu. Anh cần phải đề nghị cho dùng dây thừng lại, kẻo bây giờ phố xá không còn an toàn nữa.

- Chẳng lẽ những người khai thác bất động sản như anh, lúc nào cũng mong muốn có sự tàn sát mau lẹ sao?

- Cô nghĩ như thế nào về chuyện cưỡng hiếp? – Raymond hỏi.

- Tôi cho rằng vấn đề này không phù hợp. – Stephanie Arnold trả lời.

- Tôi nghĩ họ sẽ công kích tôi về vấn đề này.

Raymond và Stephanie Arnold, nhân viên mới của phòng, tiếp tục tranh luận về vụ án họ cùng nhau xử lý trên đường tới Old Bailey và cô đã gây cho Raymond ấn tượng rõ ràng là cô sung sướng được anh dẫn dắt.

Họ sẽ cùng nhau bào chữa cho một người công nhân bị buộc tội cưỡng hiếp và giết chết đứa con riêng của vợ.

Khi vụ án sang tới tuần thứ hai, Raymond bắt đầu tin rằng bồi thẩm đoàn cả tin đến mức anh và Stephanie thậm chí có thể gỡ tội cho khách hàng của mình. Stephanie tin chắc vào điều đó.

Vào ngày trước khi có chỉ thị của quan tòa tới ban bồi thẩm, Raymond mời Stephanie ăn tối tại Hạ nghị viên. Rồi tất cả bọn họ sẽ ngoái lại và nhìn cho mà xem, Raymond thầm nghĩ. Họ sẽ chẳng thấy gì ở chiếc áo sơ mi trắng và đôi tất chân màu đen mà đôi khi Stephanie vẫn mặc.

Stephanie dường như rất vui thích khi được mời và Raymond để ý thấy cô rõ ràng có ấn tượng mạnh khi các Bộ trưởng cũ của Nội các đi qua chào anh.

- Căn hộ mới của anh như thế nào?

- Đã xong xuôi cả rồi. – Raymond đáp. Anh thấy Barbican thuận tiện cho việc đi làm ở hai nơi: Nghị viện và Tòa án.

- Vợ anh có thích căn hộ không? – Stephanie hỏi, vừa châm một điếu thuốc nhưng không nhìn thẳng vào mắt anh.

- Dạo này cô ấy không hay ở đây. Hầu như cô ấy toàn ở Leeds và không để ý đến mọi chuyện ở London lắm.

Một chút yên lặng ngượng nghịu, liền ngay đó bị phá vỡ vì tiếng chuông bất chợt kêu vang.

- Đang có cháy sao? – Stephanie hỏi, nhanh chóng dụi tắt điếu thuốc.

- Không đâu, - Raymond cười to. – Đó là chuông báo hiệu cuộc tranh luận vào mười giờ. Anh phải đi đây để bầu phiếu. Anh sẽ trở lại trong mười lăm phút nữa.

- Em gọi cà phê nhé?

- Không cần đâu, - Raymond nói. – Hay là… em có muốn về lại Barbican không? Sau đó em có thể cho nhận xét về căn hộ của anh.

- Có lẽ chuyện này dễ dàng thôi, - cô nói và mỉm cười.

Raymond cười đáp lại rồi hòa và các đồng nghiệp khi họ ùa vào nhà ăn, xuống hành lang về phía Hội trường của Hạ nghị viện. Anh không đủ thời gian để giải thích với Stephanie rằng anh chỉ có vẻn vẹn sáu phút để tham gia vào hành lang của nhóm "Chấp thuận" hay "Phản đối".

Khi quay lại nhà ăn dành cho khách sau cuộc bầu phiếu anh thấy Stephanie đang ngắm lại khuôn mặt mình qua chiếc gương gấp, khuôn mặt tròn nhỏ nhắn với cặp mắt xanh và được ôm gọn trong mái tóc đen. Cô đang tô son lại. Anh chợt cảm thấy ý thức được rằng mình quá cân chút ít so với đàn ông chưa đến bốn mươi. Anh quên bẵng một điều rằng phụ nữ bắt đầu thấy anh hấp dẫn. Một chút cân nặng hơn và vài sợi tóc bạc đã mang cho anh một vẻ quyền lực. Khi họ về tới căn hộ, Raymond mở đĩa hát của Ella Fiztgerald rồi vào bếp để pha cà phê.

- Quả là, căn hộ này giống như của một người độc thân. – Stephanie nhận xét, khi nhìn chiếc ghế tựa bằng da, chiếc giá để tẩu và những hình biếm họa chính trị treo dọc theo tường sẫm màu.

- Anh cho rằng đúng như vậy đấy. – Raymond trầm ngâm nói, vừa xếp vào khay bình cà phê, cùng hai cốc rót đầy rượu cô-nhắc.

- Anh không thấy cô đơn sao? – Cô hỏi.

- Cũng đôi khi, - anh trả lời sau khi đã rót cà phê.

- Thế thời gian còn lại thì sao?

- Cà phê đen nhé? – Anh hỏi, không nhìn cô.

- Vâng.

- Có đường chứ?

- Đối với một người đã từ giữ vị trí phụ tá của Nhà vua, và là người, theo lời đồn đại, sắp trở thành cố vấn trẻ nhất của Nữ hoàng, anh vẫn còn chưa rõ quan hệ của mình với phụ nữ.

Mặt Raymond đỏ bừng nhưng vẫn ngước mắt nhìn thẳng vào mắt cô.

Trong im lặng, anh nghe thấy: "Khuôn mặt tuyệt vời của anh…"

"Người bạn tôn quý của tôi có sẵn lòng nhảy một điệu không?" – Cô khẽ hỏi.

Raymond vẫn còn nhớ anh ra sàn nhảy lần cuối cùng như thế nào. Lần này anh quyết tâm để cho khác đi. Anh ôm Stephanie sát vào người, và họ đu đưa nhiều hơn là nhảy theo điệu nhạc của Cole Porter. Cô không nhận thấy Raymond tháo kính ra và bỏ vào túi áo khoác. Khi anh cúi xuống, hôn cổ cô, cô thở dài.

Lucy ngồi trên sàn và khóc ré lên. Con bé vẫn chưa biết đi. Một lần nữa Peter lôi con bé đứng dậy và ra lệnh cho nó phải tập đi, giọng cậu ta nghe có vẻ tin tưởng rằng chỉ những lời nói của nó thôi cũng đủ có kết quả tốt. Lại một lần nữa, Lucy ngã phịch xuống sàn. Simon đặt dĩa và dao xuống khi anh nhận thấy đã tới lúc phải giúp đỡ cô con gái chín tháng tuổi của mình.

- Bố, cứ để em một mình. – Peter yêu cầu.

- Tại sao chứ? – Simon hỏi. – Chẳng nhẽ con muốn em biết đi đến thế cơ à?

- Vì con cần có người chơi đá bóng cùng mỗi khi bố đi làm.

- Thế còn mẹ thì sao?

- Mẹ kém lắm, ngay cả cản bóng cũng không được, - Peter trả lời.

Lần này thì Simon cười phá lên và bế Lucy đặt lên ghế bên bàn ăn sáng. Elizabeth vào phòng, trong tay bê một tô cháo yến mạch vừa lúc thấy Peter khóc ầm lên.

- Có chuyện gì vậy? – Cô hỏi và chăm chú nhìn cậu con trai đang quẫn trí.

- Bố không cho con dạy Lucy tập đi. – Nó vừa nói vừa chạy ra khỏi phòng.

- Nó định giết chết Lucy, - Simon nói. – Theo anh nó định sử dụng em nó làm quả bóng đấy.

Charles nghiên cứu danh sách 330 thành viên đảng Bảo thủ. Anh cảm thấy tin tưởng vào 217 người, không chắc chắn về 54 người, và gần như bỏ qua 59 người. Phía đảng Lao động, theo thông tin rõ nhất mà anh lượm lặt được, người ta chờ đợi 50 nghị sĩ sẽ thách thức Văn phòng Tổ chức và tham gia các vị trí của Chính phủ khi có việc bầu phiếu lớn.

- Con sâu làm rầu nồi canh, - Charles báo cáo lại với Trưởng ban Tổ chức, - vẫn là dự luật kiềm chế quyền hạn của công đoàn. Cánh tả đang cố thuyết phục những người phe Lao động mà vẫn còn ủng hộ Thị trường chung rằng không có nguyên nhân nào quan trọng đến mức phải tham gia cùng cuộc vận động với "những tay phá quấy công đoàn của phái Bảo thủ". – Anh giải thích tiếp nỗi e ngại của mình nếu như Chính phủ không sẵn sàng sửa đổi Dự luật về Công đoàn, họ có thể mất châu Âu trên nền luật đó. – Còn Alec Pimkin thì chẳng giúp gì khi cố lôi kéo những kẻ do dự trong đảng quanh mình.

- Chẳng có dịp nào để Thủ tướng sửa đổi một câu trong dự luật về Công đoàn đâu, - vị Trưởng ban Tổ chức nói, trong khi pha cho mình một cốc rượu gin. – Ông ấy đã hứa điều này trong bài phát biểu ở chiến dịch bầu cử, ông ấy dự định sẽ phát biểu khi đi Blackpool vào cuối tháng này. Tôi còn có thể nói cho anh biết là Thủ tướng sẽ không thích kết luận của anh về Pimkin đâu, Charles ạ. – Charles định phản đối. – Tôi sẽ không trách anh, cho tới giờ anh làm khá đấy. Chỉ cần tiếp tục làm việc với năm mươi người chưa quyết định kia. Hãy thử mọi cách, đe dọa, tán tỉnh hay hối lộ, nhưng đưa được họ vào đúng cuộc vận động. Trong số đó có cả Pimkin nữa.

Charles quay lại văn phòng của mình và soát danh sách lại một lần nữa. Ngón tay trỏ của anh dừng lại ở chữ P. Charles ra khỏi văn phòng, nhìn quanh, người anh cần tìm không có ở đó. Anh kiểm tra hội trường – không thấy bóng dáng người ấy ở đâu. Anh đi ngang qua thư viện. "Chẳng cần phải tìm ở đây". Anh nghĩ bụng rồi đi tiếp đến phòng hút thuốc, ở đó anh nhìn thấy người cần gặp, lúc này sắp sửa gọi thêm cốc gin nữa.

- Alec - Charles hỏi. Giọng rất chan hòa. Thân hình phốp pháp của Pimkin quay lại. Có thể thử hối lộ đầu tiên xem, Charles thầm nghĩ. – Cho phép tôi gọi cho anh một ly nhé.

- Anh thật tử tế, anh bạn. – Pimkin nói, ngón tay hấp tấp sửa chiếc cà vạt.

- Alec này, việc anh bỏ phiếu chống lại dự luật về châu Âu thế nào rồi?

Simon hoảng sợ khi đọc những tài liệu đầu tiên. Những điều nói đến đều quá rõ ràng. Bản báo cáo về Ủy ban Biên giới đã được để trong hộp đỏ cho anh nghiên cứu suốt những ngày nghỉ cuối tuần. Anh đã đồng ý tại cuộc họp với các quan chức của bộ Nội vụ rằng anh sẽ nhanh chóng dẫn dắt Ủy ban thông qua Hạ viện để từ đó làm cơ sở cho việc tranh các ghế diễn ra trong cuộc bầu cử tiếp theo. Theo lời của Bộ trưởng nhắc nhở, sẽ không có sự trì hoãn nào.

Đầu óc anh luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ chiếc ghế của mình thật chênh vênh. Giờ đây anh đang bị đe dọa sẽ không dành được ghế nào. Anh sẽ phải đi khắp nước lại một lần nữa để tìm một chiếc ghế mới cho cuộc bầu cử lần sau.

Elizabeth thông cảm với anh khi nghe anh giải thích vấn đề nhưng cô khuyên anh đừng quá bận tâm cho đến khi anh nói chuyện được với Phó Chủ tịch Đảng.

- Có điều này lại làm lợi cho anh đấy, - cô an ủi chồng. - Thậm chí anh có thể sẽ tìm được cái gì đó tốt hơn nữa kìa.

- Em nói như vậy có ý gì?

- Cuối cùng anh sẽ giành được một ghế an toàn ở gần London.

- Anh chẳng bận tâm việc anh đang ở đâu chừng nào anh không phải giành hết quãng đời còn lại của mình để xem trò sấp ngửa.

Elizabeth nấu món ăn mà anh ưa thích và suốt buổi tối cố gắng nâng đỡ tinh thần anh. Sau khi ăn hết ba phần bánh nướng nhân thịt, vừa đặt đầu lên gối Simon rơi vào giấc ngủ ngay. Còn Elizabeth thức đến khuya.

Trong đầu cô vẫn vang lên cuộc đối thoại với bác sĩ Trưởng khoa Phụ khoa ở bệnh viện St. Mary. Mặc dù chưa nói với Simon, cô vẫn còn nhớ từng lời của bác sĩ trưởng. "Qua danh sách trực tôi thấy bà nghỉ quá nhiều ngày hơn là cho phép, bác sĩ Kerslake ạ. Bà phải quyết định hoặc là tiếp tục làm bác sĩ hoặc làm vợ của nghị sĩ Quốc hội".

Cô trở mình liên tục khi suy nghĩ vấn đề, nhưng không quyết định được gì trừ việc không làm phiền Simom trong khi anh đang bù đầu với nhiều việc như vậy.

Đúng đến lúc Raymon chuẩn bị chấm dứt quan hệ với Stephanie, thì cô bắt đầu bỏ lại bộ quần áo mặc đến toà án trong căn hộ. Mặc dù cả hai đều đi đến những kết luận khác nhau đối với vụ án, nhưng họ vẫn tiếp tục gặp nhau một vài lần trong tuần. Raymon đã thuê đánh một chiếc chìa khoá dự phòng để Stephanie khỏi phải tốn công kiểm tra khi nào anh có giấy báo của Nghị viện tổ chức.

Đầu tiên, anh chỉ đơn giản tránh mặt cô, nhưng rồi cô lại tìm anh. Cứ mỗi lần anh sắp trốn được cô thì lại tìm thấy cô trong căn hộ của mình khi anh từ Hạ viện trở về.

Khi anh đề nghị họ cần phải kín đáo hơn, cô bắt đầu đe doạ, lúc đầu là bóng gió, sau đó dần dần càng rõ ràng hơn. Trong thời gian quan hệ với Stephanie, Raymon xử ba vụ chính cho Chính phủ, tất cả đều có kết luận thành công và đều tăng thêm danh tiếng của anh. Trong mỗi vụ, thư ký của anh bảo đảm để Stephanie Arnold không được bố trí cùng anh. Bây giờ vấn đề nhà ở đã được giả quyết, Raymon chỉ còn biết lo làm thế nào để kết thúc mối quan hệ đó. Anh phát hiện ra rằng từ bỏ cô còn khó hơn nhiều so với việc chọn cô.

Simon đến cuộc hẹn ở Văn phòng Trung ương đúng giờ. Anh giải thích chi tiết vấn đề khó giả quyết của mình với ngài Edward Mountjey, Phó Chủ tịch Đảng, người chịu trách nhiệm về các ứng cử viên.

- Thật sự là không may chết tiệt, - ngài Edward nói. – Nhưng có lẽ tôi có thể giúp được, ông nói thêm, trong lúc mở cái kẹp tài liệu màu xanh lá cây. Simon có thể thấy được ông ta đang nghiên cứu danh sách. Lại một lần nữa, giống như một thí sinh Oxford có nhiều tham vọng xưa kia, anh lại cảm thấy cần ai đó phải gục ngã.

- Có vẻ như khoảng hơn chục ghế sẽ thành ra trống trong cuộc tranh cử sắp tới, do nhiều nghị sĩ về hưu hoặc do sự phân chia lại.

- Ngài có thể khuyên một khu vực cụ thể nào không?

- Tôi thì thích Littlehampton.

- Chỗ đó ở đâu vậy? – Simon hỏi.

- Đây là nơi dành cho một ghế mới, an toàn như ngôi nhà vậy. Nó nằm trong tỉnh Hampshire giáp ranh với Sussex. – Ông ta xem kỹ tấm bản đồ mang theo người. – Vùng này khá được trọng vọng so với khu vực bầu cử của Charles Hampton, khu vực mà đến nay vẫn chưa thay đổi. Tôi không nghĩ anh có nhiều đối thủ ở đấy đâu. – Ngài Edward lại nói tiếp. – Nhưng sao anh không nói chuyện với Charles? Anh ta có vẻ biết hết mọi người có quyền quyết định đấy.

- Còn khu vực nào hứa hẹn nữa không? Simon hỏi vì anh quá biết rõ Hampton có thể không sẵn lòng giúp anh trong việc này.

- Để tôi xem nào. Chúng ta không đủ thời gian để được ăn cả, ngã về không, phải không nào? – À, phải rồi – Redcorn ở Northumber Caud. - Một lần nữa, vị Phó Chủ tịch nghiên cứu bản đồ. – Cách London ba trăm hai mươi dặm, không có sân bay trong vòng tám dặm, và ga trên trục đường sắt chính gần nhất là cách bốn mươi dặm. Tôi nghĩ đây là chỗ đáng thử chỉ khi anh cảm thấy không còn nơi nào nữa. Tôi vẫn khuyên anh nên nói chuyện với Charles Hampton về Littlehampton. Anh ta luôn đặt nhiệm vụ của Đảng lên trên tình cảm riêng khi cần thiết.

- Tôi tin rằng ngài nói đúng, thưa ngài Edward – Simon nói.

- Hội đồng tuyển chọn đã được thành lập, cho nên anh không nên chậm trễ.

- Tôi hết sức đánh giá cao sự giúp đỡ của ngài, - Simon nói. – Có thể ngài sẽ cho tôi biết tin nếu có chuyện gì lúc này chứ?

- Tất nhiên rồi, sẵn lòng thôi. Vấn đề là nếu một người phe chúng ta bị thất bại trong cuộc bầu cử này, anh cũng không thể bỏ trống ghế hiện nay của mình vì như vậy sẽ sinh ra hai cuộc bầu cử phụ. Chúng ta không muốn có bầu cử phụ ở Trung Convertry nơi mà anh sẽ bị kêu ca là đã tranh cử ở ngoài địa hạt của mình?

- Xin ngài đừng nhắc tới tôi.

- Tôi vẫn nghĩ tốt nhất là anh nói chuyện với Charles Hampton. Anh ta chắc chắn biết rõ cái mớ bòng bong ấy như lòng bàn tay.

Hai lời nói sáo trong một câu, Simon thầm nghĩ. May mà Mountjey không phải phát biểu từ vị trí của người giữ hòm thứ khẩn. Anh cảm ơn ngài Edward một lần nữa rồi rời khỏi trụ sở của đảng Bảo thủ.

Charles cắt giảm được con số năm mươi chín Nghị viện phản đối vấn đề thị trường chung xuống năm mươi mốt, nhưng giờ đây anh gặp phải một nhân vật cứng đầu, một người mà dường như miễn dịch đối với sự phỉnh phờ hay dọa nạt. Khi báo cáo tiếp theo với Trưởng ban Tổ chức, Charles làm cho ông ta tin rằng con số nghị sĩ đảng Bảo thủ chống lại việc gia nhập Thị trường Chung lớn hơn đảng Lao động, những người tuyên bố sẽ ủng hộ Chính phủ. Trưởng ban Tổ chức có vẻ hài lòng, nhưng vẫn hỏi xem Charles có tiến triển gì trong việc tiếp cận với học trò của Pimkin không.

- Những thằng cha cánh hữu điên rồ ấy, - Charles đột ngột nói. - Bọn họ dường như sẵn lòng đi theo Pimkin, thậm chí tới chỗ chết.

- Điều điên rồ ấy lại chính là sự phiền toái chết tiệt mà ông ta chẳng có gì để mất, - ông Trưởng ban Tổ chức nói. - Chỗ của ông ta sẽ biến mất khi Nghị viện họp lần cuối để bàn lại việc phân phối lại.

- Vấn đề ở chỗ là phải tìm cách biến Pimkin thành quân Judas rồi sau đó thúc ông ta dẫn dắt mười hai người được bầu chọn sang phe ta, - Charles nói.

- Anh làm được chuyện đó đấy, Charles, và chúng ta chắc chắn thắng.

Charles quay lại văn phòng thì thấy Simon Kerslake đang ngồi đợi anh.

- Tôi có chuyện muốn nói với ông, hy vọng ông sẽ dành cho tôi vài phút, - Simon nói.

- Tất nhiên rồi, - Charles trả lời, cố làm cho giọng niềm nở. - Mời ngồi.

Simon ngồi xuống ghế đối diện với Charles.

- Ông chắc đã nghe tin tôi mất khu vực bầu cử của mình vì báo cáo của Uỷ ban Phân định Ranh giới, và ngài Edward Mountjey khuyên tôi nói chuyện với ông về Littlehampton, một địa chỉ mới sát với khu vực của ông.

- Quả là tôi có biết. – Charles nói, cố gắng giấu vẻ ngạc nhiên. Trước nay anh không quan tâm đến việc đó, bởi vì khu vực bầu cử của anh không bị ảnh hưởng gì do báo cáo của Uỷ ban Phân định Ranh giới. Anh nhanh chóng lấy lại vẻ bình thường. – Tôi sẽ làm tất cả những gì mà tôi có thể giúp được ông.

- Littlehampton sẽ là một nơi lý tưởng – Simon nói. - Nhất là khi mà nhà tôi vẫn còn đang làm việc tại London này. Charles nhướn lông mày có ý hỏi.

- Tôi nghĩ ông chưa gặp cô ấy. Cô ấy là bác sĩ ở bệnh viện St. Mary. – Simon giải thích.

- Vâng, tôi hiểu vấn đề của ông rồi. Hãy để tôi nói chuyện trước với Alexander Dalglish, chủ tịch về khu vực bầu cử, và xem tôi có thể làm được gì nữa.

- Được vậy thì ông thật giúp đỡ tôi nhiều

- Không hẳn đâu. Tối nay tôi ghé thăm ông ấy, tìm hiểu xem họ đã đến giai đoạn nào trong việc lựa chọn, rồi tôi sẽ đưa vấn đề của ông vào.

- Tôi biết ơn ông về chuyện đó.

- Trong khi ông ở đây, để tôi đưa ông tờ Người tổ chức của tuần sau, - Charles nói rồi đưa một tờ giấy ra. Simon cầm lấy, gấp lại và đút vào túi – Tôi sẽ gọi cho ông ngay khi có được tin mới.

Simon rời khỏi với tâm trạng phấn khởi hơn và cảm thấy hơi hối hận vì trước đây đã có thành kiến với Charles, lúc này đã đi khuất vào hội trường để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Charles rời khỏi hội trường, khi bài phát biểu của Carson kết thúc, nhưng thay vì quay lại văn phòng của Nhân viên Tổ chức, anh đi khuất vào một trong những trạm điện thoại gần hành lang bên trên phòng giũ quần áo của nghị sĩ. Anh xem lại số điện thoại trông sổ rồi quay số.

- Alexander, Charles đang nói đây. Charles Hampton ấy.

- Rất mừng được nghe anh gọi điện, Charles. Lâu quá rồi. Anh có khoẻ không?

- Khoẻ. Còn anh thì sao?

- Cũng chẳng có gì phải phàn nàn cả. Tôi có thể làm gì để giúp một con người bận rộn như anh đây?

- Tôi muốn nói chuyện với anh một chút về khu vực bầu cử mới ở Sussex – Littlehampton. Việc các anh bầu chọn ứng cử viên đến đâu rồi?

- Họ để cho tôi lập danh sách sáu người trúng cử để toàn bộ Uỷ ban tuyển chọn lần cuối cùng trong mười ngày nữa.

- Anh có định làm ứng cử viên không, Alexander?

- Nhiều lần rồi, - từ đầu dây kia vẳng lại tiếng trả lời. – Nhưng các bà không cho, vả lại cả tài chính cũng không cho phép. Anh có ý tưởng gì sao?

- Có thể có khả năng giúp đỡ. Mời anh đến và ăn tối ở chỗ tôi vào đầu tuần sau nhé!

- Anh tử tế quá, Charles.

- Không hẳn đâu, cũng là dịp hay gặp lại anh thôi mà. Quá lâu rồi. Thứ Hai tuần sau được chứ?

- Nhất trí hoàn toàn.

- Tốt lắm, tám giờ tối nhé. Nhà số hai mươi bảy quảng trường Eaton.

Charles bỏ máy xuống và quay về phòng Nhân viên Tổ chức ghi vào lịch làm việc.

Raymond vừa kết thúc bài phát biểu góp ý kiến trong cuộc thảo luận về châu Âu thì cũng là lúc Charles quay lại Nghị viện.

Raymond đưa ra lập luận kinh tế chặt chẽ đối với việc vẫn đứng ngoài sáu nước châu Âu khác và ủng hộ liên kết chặt chẽ hơn với khối Thịnh vượng và Mỹ. Trước khi Raymond chấm dứt bài phát biểu, Charles đặt dấu thập bên cạnh tên Gould.

Một mẩu giấy nhắn tin được chuyển tới Raymond. Nội dung tờ giấy: "Hãy gọi điện thoại cho ngài Nigel Hartwell khi nào thuận tiện".

Raymond rời khỏi hội trường và tới trạm điện thoại gần nhất ở trong góc hành lang Nghị viện. Anh gọi về văn phòng luật của mình và được nối ngay với ngài Nigel Hartwell.

- Ngài muốn tôi gọi điện phải không?

- Đúng vậy, - ngài Nigel trả lời. – Ông có rỗi trong lúc này không?

- Có, - Raymond nói. Tại sao kia? Có chuyện khẩn phải không?

- Tốt hơn là tôi không nói chuyện này qua điện thoại. – Ngài Nigel nói với một giọng đáng ngại.

Raymond đáp tàu điện ngầm từ Westminston đến Temple và tới văn phòng luật sau mười lăm phút. Anh đi thẳng tới văn phòng của ngài Nigel, ngồi xuống chiếc ghế bành tiện nghi trong gian phòng rộng rãi giống như câu lạc bộ, vắt chéo chân và nhìn ngài Nigel thoăn thoắt bước vào. Rõ ràng, ông ta đã quyết định trút bỏ điều gì đó trong lòng.

- Raymond này, những người có thẩm quyền đã hỏi tôi về việc anh trở thành người cố vấn cho Nữ hoàng. Tôi trả lời rằng anh sẽ trở thành một cố vấn giỏi. Một nụ cười xuất hiện trên mặt Raymond nhưng rồi nhanh chóng tan biến mất. – Nhưng nếu anh quyết định trở thành luật sư Hoàng gia thì tôi cần phải có sự cam đoan của anh.

- Cam đoan ư?

- Đúng thế, - ngài Nigel nói. – "Anh phải chấm dứt các mối quan hệ vớ vẩn… với thành viên khác trong văn phòng chúng ta". – Ông ta xoay người và đối diện với anh.

Raymon đỏ bừng mặt, nhưng anh chưa kịp cất lời, người đứng đầu văn phòng luật đã nói tiếp.

- Bây giờ tôi cần anh cam đoan về việc này, rằng sẽ chấm dứt, chấm dứt ngay lập tức.

- Tôi hứa với ngài, - Raymond khẽ nói.

- Tôi không phải là kẻ lên mặt dạy đời, - ngài Nigel nói, kéo vạt áo gilê, - nhưng nếu như anh định bắt đầu quan hệ tình ái, thì vì chúa, hãy làm chuyện đó càng xa văn phòng càng tốt, và nếu tôi có thể khuyên anh, anh phải tính đến cả Hạ viện lẫn Leeds nữa. Vẫn còn nhiều điều trên thế giới này, mà thế giới này thì đầy phụ nữ.

Raymond gật đầu đồng ý, anh chẳng thể nào bắt bẻ được logic của người đứng đầu văn phòng luật.

Ngài Nigel tiếp tục, rõ ràng là lúng túng.

- Thứ hai tuần sau sẽ bắt đầu vụ án gian lận tồi tệ ở Manchester. Khách hàng của chúng ta bị buộc tội đã lập ra một loạt công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ nhưng lại tránh không trả tiền khi có khai báo. Tôi nghĩ anh vẫn nhớ tất cả các bài báo về vụ này. Cô Arnold được phân công trong vụ này với vị trí của luật sư dự bị. Người ta cho tôi biết vụ này có thể kéo dài vài tuần.

- Cô ấy sẽ cố gắng và giải quyết được thôi, - Raymond rầu rĩ nói.

- "Cô ấy đã làm được, nhưng tôi đã nói rõ vấn đề, nếu không thể tiếp tục vụ này nữa, cô ấy sẽ phải đi tìm một văn phòng luật khác".

Raymond thở một hơi dài nhẹ nhõm. "Cảm ơn ngài", anh nói.

- Xin lỗi anh về chuyện này. Tôi biết anh đã nhận được vai trò luật sư Hoàng gia, anh bạn ạ, nhưng tôi không thể để cho nhân viên của văn phòng luật chúng ta bị ném trứng lên mặt. Cảm ơn vì sự cộng tác của anh.

- Ông có thời gian nói chuyện một lúc không? – Charles hỏi.

- Ông sẽ mất thời gian quý báu của mình đấy, nếu ông nghĩ rằng những nguyên tắc ấy sẽ làm thay đổi quyết định của họ ở giai đoạn cuối cùng này. – Alec Pimkin nói. - Tất cả mười hai thành viên sẽ bỏ phiếu phản đối Chính phủ về vấn đề châu Âu. Điều này là kết quả cuối cùng.

- Lần này tôi không muốn bàn về châu Âu, Alec; Việc nghiêm trọng hơn nhiều, mà ở mức độ cá nhân. Chúng ta hãy đi ra ngoài và uống chút gì đó ngoài sảnh đi. Charles gọi đồ uống rồi hai người thong thả bước ra phần cuối yên tĩnh của cái sảnh dẫn tới nhà ở của Chủ tịch Nghị viện. Charles dừng bước khi cảm thấy chắc chắn không còn ai có thể nghe được câu chuyện của họ.

- Nếu không phải về châu Âu, thì đó là vấn đề gì? – Pimkin hỏi, nhìn đăm đăm về phía sông Thames trong khi sốt ruột chạm ngón tay vào bông hồng trên ve áo.

- Điều mà tôi nghe được là ông đang mất chiếc ghế của mình.

Pimkin tái mặt và lúng túng sờ tay vào chiếc cà vạt chấm của mình. - Tại vì cái ban Phân định ranh giới chết tiệt ấy. Khu vực bầu cử của tôi bị sát nhập mà không có ai muốn phỏng vấn tôi cho ghế khác.

- Nếu tôi bảo đảm cho ông một chiếc ghế an toàn cho đến hết đời ông thì sao?

Pimkin nhìn Charles, nghi ngờ.

- Bất cứ điều gì cho đến một đòi hỏi hợp pháp nhưng quá đáng, ông bạn thận mến. – Anh ta thêm vào một tiếng cười giả tạo.

- Không đâu, tôi không cần đến như vậy đâu.

Đôi má đầy thịt của Pimkin có sắc màu trở lại. "Bất cứ cái gì, ông có thể tin vào tôi, ông bạn ạ".

- Ông có thể tuyên truyền những nguyên tắc này không? - Charles nói.

Mặt Pimkin lại tái xanh.

- Không phải nguyên tắc về số lượng phiếu bầu ít trong Uỷ ban, - Charles tiếp tục nói trước khi Pimkin kịp trả lời. – Không phải vấn đề những điều khoản, thậm chí - chỉ về việc phiên họp thông qua đại cương thôi, chính về nguyên tắc. Đứng bên cạnh Đảng vào giây phút cần thiết, không muốn dẫn đến cuộc Tổng tuyển cử không cần thiết lần thứ hai, toàn bộ chuyện này – ông chỉ việc điền thêm chi tiết vào nguyên tắc. Tôi biết ông sẽ thuyết phục được họ, Alec ạ.

Pimkin vẫn chưa nói gì.

- Tôi sẽ mang tới chiếc ghế có dát đồng, còn ông mang đến mười hai phiếu bầu. Tôi nghĩ chúng ta có thể gọi đó là cuộc trao đổi ngang hàng.

- Nếu tôi làm cho họ tránh được thì sao? Pimkin hỏi.

Charles chờ một lát dường như suy nghĩ kỹ cho ý tưởng ấy. "Vậy là chúng ta đã thoả thuận", anh nói, không còn trông đợi gì hơn nữa.

- Alexander Dalglish đến quảng trường Eaton vài phút sau tám giờ. Fiona bước ra cửa đón người đàn ông cao, lịch lãm rồi giải thích Charles vẫn chưa từ Hạ viện ttrở về.

- Nhưng tôi nghĩ anh ấy sẽ về ngay thôi, - cô nói thêm. – Ông uống một chút xêrét nhé? – Cô hỏi. Ba mươi phút nữa trôi qua mới thấy Charles vội vàng bước vào phòng.

- Xin lỗi anh, tôi về muộn quá, Alexander, - anh nói trong lúc bắt tay khách. – Tôi cứ nghĩ là về kịp trước khi anh tới kia – Anh hôn lên trán vợ.

- Không hề gì, anh bạn ạ, - Alexander đáp lời, tay nâng ly xêrét lên.

- Anh uống gì, anh yêu? – Fiona hỏi.

- Một ly whisky mạnh. Nào chúng ta đi ăn tối thôi. Tôi phải quay lại tham dự cuộc thảo luận lúc mười giờ.

Charles dẫn khách tới phòng ăn, xếp cho một chỗ ngồi ở cuối bàn rồi mới ngồi xuống chỗ của mình dưới chân dung Bá tước vùng Bridgewater do Melbein vẽ, một bức tranh gia bảo mà ông của Charles để lại. Fiona ngồi đối diện với chồng. Trong thời gian dùng món bít tết Wellington, Charles dành nhiều thời gian để hỏi xem Alexander làm được gì kể từ khi họ gặp nhau lần cuối cùng. Anh chẳng đả động gì tới mục đích của cuộc gặp cho tới khi Fiona tạo cơ hội cho họ là vào lúc cô chuẩn bị cà phê.

- Em biết các anh có nhiều chuyện để nói với nhau, nên em để các anh nói chuyện tiếp.

- Cảm ơn chị, - Alexander nói. Anh ngước nhìn Fiona và mỉm cười, vì bữa tối tuyệt ngon.

Cô mỉm cười đáp lại rồi để hai người ở lại một mình.

- Nào Charles,, - Alexander vừa nói vừa nhặt tập hồ sơ anh để trên bàn. Tôi cần ý kiến của anh.

- Nói đi, anh bạn, - Charles nói. - Chỉ e quá mừng mà không giúp được mất.

- Ngài Edward Mountjoy gửi cho tôi một danh sách khá dài để chúng ta cùng cân nhắc, trong đó có Bộ trưởng bộ Nội vụ và một vài thành viên khác của Nghị viện sẽ mất ghế. Anh nghĩ thế nào về…? Dalglish mở tập hồ sơ ra trước mặt trong khi Charles hào phóng rót vang đỏ vào ly và mời Alexander một điếu xì gà lấy từ trong hộp mạ vàng và anh nhấc ra từ chiếc tủ bên bàn.

- Một vật tuyệt đẹp! – Alexander nói, mắt nhìn chằm chằm vào chiếc hộp được trang trí và mấy chữ khác C. G. H trên nắp.

- Vật gia bảo đấy, - Charles nói. - Lẽ ra phải dành cho ông anh Rupert của tôi cơ, nhưng tôi lại may mắn có tên tắt giống ông nội.

Alexander trả lại chiếc hộp cho chủ nhân của nó rồi quay trở về với những ghi chép của mình.

- Có một người gây ấn tượng đối với tôi, - cuối cùng Alexander nói. – Kerslake, Simon Kerslake.

Charles vẫn im lặng.

- Anh không có ý kiến gì sao, Charles?

- Anh nghĩ thế nào về Kerslake?

- Hoàn toàn khác với những gì đã ghi chép chứ?

Dalgish gật đầu nhưng không nói gì. Charles hớp một ngụm poóc-tô, "rất khá", anh nói.

- Kerslake ư?

- Không, rượi poóc-tô. Của hãng Taylor ba mươi nhăm năm. Tôi sợ rằng Kerslake không cùng loại rượu vang ngon này đâu. Tôi có cần nói thêm nữa không?

- Không đâu. Thật tiếc. Trên giấy tờ anh ta có vẻ khá đấy.

- Trên giấy tờ là một việc khác, - Charles nói. – Nhưng việc lấy anh ta làm thành viên của mình trong hai mươi năm lại là một chuyện khác. Còn vợ anh ta nữa… Chẳng bao giờ thấy bà ta trong khu vực bầu cử, anh biết đấy, - Charles cau mày. E rằng tôi đi quá xa mất rồi.

- Không đâu, - Alexander nói. Tôi đã hình dung ra toàn cảnh rồi. Người tiếp theo là Norman Lamont.

- Số một đấy, nhưng tôi e rằng ông ta đã được chọn cho tỉnh Kingston rồi, - Charles nói.

Dalglish lại cúi xuống nhìn tập hồ sơ. – "Vậy thì Pimkin thì sao?".

- Chúng tôi đều đã ở Eaton cùng nhau. Vẻ ngoài chống lại anh ta, như bà tôi vẫn nói, nhưng anh ta là một người tỉnh táo, có tín nhiệm trong khu vực bầu cử, đó là những điều mà người ta nói với tôi.

- Vậy là anh sẽ đề cử anh ta chứ.

- Tôi phải nắm lấy anh ta trước khi một trong những nghị sĩ có ghế chắc chắn khó có được anh ta.

- Anh ta quả là nổi tiếng, phải không? – Alexander nói. - Cảm ơn anh vì gợi ý ấy. Thật tiếc cho Kerslake.

- Điều này sẽ không ghi lại trên giấy tờ chứ. Charles hỏi.

- Tất nhiên rồi. Không một lời nào. Anh có thể tin vào tôi.

- Rượu poóc-tô, anh thích chứ?

- Tuyệt vời, - Alexander nói. – Nhưng mà những đánh giá của anh lúc nào cũng hay. Anh chỉ cần nhìn Fiona là thấy ngay.

Charles mỉm cười.

Hầu hết những cái tên mà Dalglish đọc lên hoặc là không có tiếng tăm gì, hoặc không thích hợp, hoặc dễ dàng bỏ đi. Khi Alexander rời khỏi nhà họ trước mười giờ, Fiona hỏi liệu cuộc nói chuyện có đáng giá không.

- Có chứ, anh nghĩ tụi anh đã tìm được người cần tìm rồi.

Raymond thay chiếc đồng hồ treo tường vào chiều hôm ấy. Hoá ra nó lại đắt hơn so với giá anh mặc cả, mà người thợ đồng hồ lại đòi ứng trước bằng tiền mặt.

Người thợ chữa đồng hồ cười tươi khi đút tiền vào túi. "Tôi làm giàu bằng nghề này đây, thưa ngài, tôi có thể nói cho ngài biết. Ít nhất mỗi ngày cũng có một ông lớn luôn trả tiền mặt, mà không đòi hoá đơn. Có nghĩa là hàng năm tôi và bà vợ tôi có thể ở Ibiza trong một tháng, mà không phải thuế má gì".

Raymond mỉm cười khi nghĩ như vậy. Anh kiểm tra đồng hồ đeo tay, anh chỉ còn kịp bắt chuyến tàu 7 giờ 10 ngày thứ Năm từ King’ s Cross và tới Leeds vào lúc mười giờ để nghỉ dài vào cuối tuần.

Một tuần sau, Alexander Dalglish gọi điện cho Charles nói rằng Pimkin đã được qua vòng một, còn Kerslake không được họ xem xét.

- Pimkin đã không gây ấn tượng tốt lắm trước Uỷ ban ở lần đầu.

- Đúng thế, - Charles nói. – Tôi đã nói trước với anh là vẻ ngoài phản lại ông ta và ông ta cũng đôi khi nghiêng về cánh hữu, nhưng ông ta rất vững vàng và sẽ không bao giờ để anh thất vọng, tin lời tôi đi.

- Tôi đành phải nghe anh, Charles. Bởi vì loại bỏ Kerslake là chúng tôi đã loại bỏ đối thủ duy nhất của Pimkin rồi.

Charles bỏ điện thoại xuống rồi quay số của văn phòng bộ Nội Vụ. "Làm ơn cho nói chuyện với Simon Kerslake".

- Ai đang gọi đấy ạ?

- Hampton, văn phòng tổ chức Nghị viện. – Anh được nối dây ngay.

- Simon, Charles đây. Tôi nghĩ tôi phải cho anh biết tin mới về Littlehampton.

- Anh thật quan tâm quá, - Simon đáp.

- Tin không tốt lành đâu, tôi sợ rằng phải nói như vậy. Hoá ra là ông Chủ tịch Uỷ ban lại chỉ phỏng vấn toàn bọn dốt nát.

- Làm sao anh lại biết rõ thế.

- Tôi vừa mới xem được danh sách trúng tuyển và chỗ của Pimkin đang được uỷ ban cân nhắc.

- Tôi không thể tin được.

- Vâng, tôi cũng vậy. Chính tôi hơi bị sốc. Tôi đã cố gắng đưa trường hợp của anh vào nhưng chỉ vào được cái tai điếc thôi. Họ không đếm xỉa gì đến quan điểm của anh về hình phạt treo cổ hay những từ tương tự. Tuy vậy, tôi không tin là anh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm lấy một ghế.

- Hy vọng anh nói đúng, Charles, dù sao cũng cảm ơn anh đã cố gắng vì tôi.

- Lúc nào cũng sẵn lòng giúp anh. Anh cho tôi biết anh đã ghi tên vào ghế nào khác nữa. Tôi có nhiều bạn bè khắp mọi nơi trong nước.

Hai hôm sau, Alec Pimkin được những người phe đảng Bảo thủ của Littlehampton mời đến dự cuộc phỏng vấn để tuyển chọn một ứng cử viên phái Bảo thủ cho vùng bầu cử mới.

- Tôi biết cảm ơn ông như thế nào đây? – Ông ta hỏi Charles khi họ gặp nhau trong quầy rượu.

- Hãy giữ lời của ông – mà tôi muốn được viết ra cơ đấy. – Charles đáp.

- Ông muốn nói gì kia?

- Một bức thư gửi Trưởng ban Tổ chức, nói rằng ông đã thay đổi ý kiến về cuộc bỏ phiếu chính cho vấn đề châu Âu, rằng ông và các thành viên của mình sẽ tránh đi vào ngày thứ Năm.

Pimkin nói vẻ tự mãn hỏi, - "Còn nếu như tôi không muốn chơi trò này, thì sao, ông bạn?".

- Ông vẫn chưa giành hẳn được chiếc ghế kia mà, Alec, và tôi có thể tìm cách để gọi điện cho Alexander Dalglish rồi nói với ông ta rằng cái anh chàng đáng mến khủng khiếp kia chỉ là một tay ngốc nghếch như anh làm ra vẻ trong thời gian đến Oxford thôi.

Ba ngày sau đó, khi nhận được bức thư của Pimkin, ông Trưởng ban Tổ chức gọi Charles đến gặp ngay.

- Anh làm tốt lắm, Charles. Làm thế nào mà anh đã thành công trong khi tất cả chúng tôi đều chịu, cả về các nguyên tắc nữa?

- Vấn đề là sự trung thành, - Charles trả lời. - Cuối cùng Pimkin đã nhận ra điều này.

Vào ngày cuối cùng của đợt Thảo luận lớn về "nguyên tắc gia nhập" châu Âu, Thủ tướng Heath phát biểu kết thúc. Ông đứng lên bục phát biểu vào lúc chín giờ rưỡi và chào hai phe. Vào lúc mười giờ, Nghị viện chia ra và bỏ phiếu tán thành "cho nguyên tắc" này với đa số phiếu là một trăm mười hai, nhiều hơn rất nhiều so với điều mà Charles mong đợi. Sáu mươi chín nghị sĩ đảng Lao động đã giúp tăng đa số phiếu của Chính phủ.

Raymond Gould bỏ phiếu chống lại hoạt động này theo niềm tin ăn sâu vào trí óc. Simon Kerslake và Charles Hampton đứng trong hành lang "Ai-ai". Alec Pimkin cùng mười hai nghị sĩ của mình vẫn ngồi lại trong hàng ghế của mình ở Hạ nghị viện khi cuộc bầu cử phiếu diễn ra.

Khi Charles nghe ông Chủ tịch Nghị viện đọc danh sách cuối cùng, anh cảm thấy giây phút chiến thắng. Mặc dù anh hiểu rằng anh vẫn còn phải qua giai đoạn xét duyệt của Uỷ ban, tuy vậy, hiệp một đã nghiêng về phía anh.

Mười ngày sau, Alec Pimkin đánh bại một ứng cử viên nhiệt tình của đang Bảo thủ ngay ở ngoại ô Cambridge, còn một nữ hội viên hội đồng địa phương được chọn làm ứng cử viên của vùng Littlehampton.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.