Vương Phi Thần Trộm

Chương 38: Hậu ký: Với tôi, đó là bài hát không bao giờ kết thúc




Lại đến lúc viết hậu ký, thân là một tác giả viết truyện, đây chính là thời khắc hạnh phúc nhất của tôi. Tôi đã viết một câu chuyện dài hơn hai trăm năm mươi ngàn chữ cho độc giả, lúc này cuối cùng đã có thể viết hai ngàn chữ cho bạn đọc yêu quý.

Trong đoạn hậu ký ở cuốn sách trước, tôi có viết một đoạn như sau: “Viết truyện là cuộc tu hành chậm rãi, con đường là văn chương, dẫn dắt tư tưởng của chúng ta vượt qua xác thịt đến được bờ bên kia, sau đó sẽ viết một đoạn hậu kí để bố cáo thiên hạ: Tôi đã công đức viên mãn rồi. Khi biến những suy nghĩ của mình thành văn thơ, đó sẽ là một sự tồn tại không thể xóa bỏ được, đây chính là nỗi đắm say của tôi mỗi khi viết hậu kí, bởi vì đây chính là minh chứng thực tại nhất cho sự tồn tại của tôi trên thế gian này. Và mỗi khi lật đến những trang sau cùng của cuốn sách, tôi đều có thể nhìn thấy bản thân mình trước từ những dòng chữ đó. Cũng giống như một người lữ hành sau khi đi qua hoang mạc, mỗi một bước đi, khi quay đầu nhìn lại, đều có thể nhìn thấy những dấu chân của mình in lại trên mặt cát, đó là minh chứng rõ nét mà chân thực, không cần hồi tưởng nhưng cũng chẳng thể nào quên lãng.” Sáu tháng trôi qua, khi ngồi viết hậu kí cho cuốn sách mới, tôi vẫn sẽ đọc lại những phần hậu kí của tất cả các cuốn sách trước kia, xem xem bản thân đã đi qua những ngày tháng cô độc mà hạnh phúc đó như thế nào. Những sáng chiều suy nghĩ viết truyện đó đã ghi dấu những niềm hạnh phúc được cho đi và nhận lại của bản thân tôi. Sau khi hồi tưởng, tôi mới có thể tiếp tục tiến lên phía trước, dũng cảm đối mặt với số phận không thể nào đoán trước đang chờ đợi mình ở tương lai. Có lẽ, hậu kí, mới chính là phần sáng tác khiến tôi hạnh phúc hơn cả.

Cuốn sách này là tác phẩm mà tôi viết lâu nhất kể từ khi cầm bút tới nay. Bắt đầu từ năm 2007 đến nay, nó giống như một cỗ máy đã rỉ mốc vậy, lôi lôi kéo kéo mãi mà vẫn chẳng thể nào về đến đích nổi. Mở thư mục ra, nhìn thấy những chú thích bản thảo lần một, bản thảo lần hai, bản thảo lần ba, bản thảo lần bốn, tôi bất giác cảm thấy hoảng hốt. Suy nghĩ ban đầu cho câu chuyện này đã mờ nhạt đi nhiều, những tình tiết bị tôi xóa đi có lẽ cũng đủ để tạo nên một câu chuyện khác rồi. Khởi đầu của mỗi một câu chuyện đều chỉ là một thứ gì đó mơ hồ: Một bức tranh, một ly trà, một con ngựa, một cây đàn, hoặc một cái bóng mờ ảo, một nụ cười hạnh phúc. Còn tôi lại là một tác giả cố chấp và thích giày vò bản thân, những suy ngẫm hoàn toàn mâu thuẫn với ban đầu, trung thành với câu chuyện, viết với tinh thần “không điên cuồng không thể thành công”. Mỗi lần sửa bản thảo, tôi đều cảm thấy vô cùng luyến tiếc, thường mỗi lần xóa là đến cả trăm ngàn từ, rồi lại mất vài tháng ngồi viết lại từ chiều đến tận đêm khuya. Hoặc giả viết truyện cũng giống như đời người, thỏa hiệp và từ bỏ lúc nào cũng quấn quít với nhau như hình với bóng. Nếu như không nỡ bỏ đi thì chẳng có cuốn sách nào có thể kết thúc được.

Bởi vì tính tình tôi rất cố chấp, nên biên tập và các độc giả đều phải có tính nhẫn nại to lớn, chấp nhận ngắm mây đợi trăng sáng. Vậy nên, trong lòng tôi luôn luôn cảm thấy áy náy và cảm kích, tôi rất hạnh phúc, bởi vì họ luôn ở cạnh bên đầy khoan dung, vì vậy mọi khó khăn đều được giảm đi rất nhiều, và thời gian có thể giảm bớt, và cũng vì thế mà tôi có thể đối diện được với nỗi cô đơn khi sáng tác. Tôi cũng tin rằng… tôi không cô độc. Bởi vì có mơ ước, cho nên tôi luôn giàu có. Nhắm mắt lại, câu chuyện trong đầu lại hiện ra hết sức sống động, mở mắt ra, những bạn bè tri kỉ bên cạnh đều vô cùng tốt bụng, luôn luôn sát cánh kề bên. Tôi cảm ơn những nhân vật của mình, nếu cuộc đời của tôi chỉ còn lại một vài tia sáng ít ỏi, tôi vẫn không muốn từ bỏ viết truyện, tôi không muốn những linh cảm của mình sẽ bị vùi chôn dưới đất vàng. Chúng cần và nên thay tôi sống tiếp, trở thành lịch sử hoặc truyền kỳ.

Lúc viết cuốn sách này, tôi đã đến bảo tàng lịch sử của tỉnh. Có lẽ chỉ vào lúc viết truyện, tôi mới cảm nhận được mình vẫn còn thiếu hiểu biết và hững hờ với kiến thức thế nào. Nền văn hóa hào hùng, sâu lắng là vậy, còn tôi mới chỉ biết được quá ít, quá nông, lúc cầm bút thực sự cảm thấy kiến thức của mình hạn hẹp, khiến tôi chẳng thể nào sáng tạo được quá nhiều. Tôi không phủ nhận bản thân là một tác giả truyện ngôn tình, cũng hào sảng nói cùng biên tập rằng sẽ tiếp tục con đường ngôm tình này trăm năm không thay đổi. Thế nhưng trong lòng tôi vẫn cứ tham lam. Lòng tham đó như một ngọn lửa, muốn dập mà chẳng nổi. Tôi hy vọng tất cả những người biết đọc chữ đều có thể đọc hiểu tiểu thuyết của mình, tôi càng khát vọng những người đọc tiểu thuyết của mình đều có thể vui vẻ hạnh phúc. Cho nên tôi cố gắng để kéo ngắn hết cỡ khoảng cách giữa truyện với độc giả, tôi không muốn câu chuyện của mình quá nặng nề, khiến người đọc cũng mệt mỏi theo. Nhưng cùng lúc đó, tôi lại khát khao câu chuyện đó chỉ nhẹ nhàng nhưng đừng sáo rỗng. Quá trình hai năm viết truyện cũng là quá trình tìm kiếm tri thức đối với tôi. Nếu như tôi không làm được quá nhiều, thì cũng mong muốn có thể làm hết sức mình mà thôi. Khi tôi chụp lại những văn vật quý giá trong bảo tàng lịch sử, khi tôi viết lại những lời giới thiệu, thuyết trình của hướng dẫn viên, khi tôi trả giá những đồ gốm tinh xảo ở khu phố chuyên bán, khi tôi đưa những văn vật đó vào những tình tiết trong truyện, tôi có thể thấy được hương vị của cuộc đời, như thể tôi thực sự được đặt chân tới vương triều cổ đại đó. Cảm ơn trước lòng nhẫn nại của bản thân đã cho tôi một giấc mộng tuyệt đẹp như vậy. Mỗi một tình tiết miêu tả cách bài trí, đồ vật trong truyện tôi đều phải giở sách sử, cố gắng tìm kiếm những từ ngữ tương ứng. Những thuật ngữ chuyên dụng về các binh khí, hoa văn, đồ vật trong truyện đều được chiểu theo các sách cổ, mong rằng các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực này cũng lượng thứ cho một vị tác giả có tầm kiến thức hạn hẹp như tôi. Tôi không phải là sử quan, không biết tất cả những vật dụng cùng tên gọi xưa kia, chỉ biết tìm hiểu và cố gắng hết sức, tra tìm các tư liệu, mong được hoàn chỉnh nhất có thể. Mong rằng, các độc giả sẽ không cảm thấy khô khan, phiền phức.

Mỗi lần đọc lại những thứ mình đã viết, tôi cũng có một vài tiếc nuối. Nhân vật Tinh Thích trong truyện chính là sự thiếu sót lớn nhất của tôi. Ban đầu, khi đặt bút xây dựng nhân vật phản diện này, tôi đã lấy linh cảm từ câu nói mà Đế Thích Thiên đã nói với A Tu La trong Thánh Kinh: “Ta đảo lộn cả thế gian này chỉ vì muốn chỉnh lại chiếc bóng của người.” Thế là tôi muốn viết một người đàn ông vì tình yêu mà tu thành A Tu La, có vết thương tuyệt vọng nhất, đảo điên cả luân thường đạo lí, chỉ vì muốn hồi ức của mình được toại nguyện. Vô hình chung, tôi đã khiến nhân vật này trở nên độc ác, bạo tàn, vậy nên cảm thấy khá tiếc nuối.

Hai năm, một khoảng thời gian không dài cũng không ngắn. Bởi vì viết sách, thời gian bỗng trở nên tuyệt đẹp hơn trước. Novalis[1] đã từng nói: triết học là con người mang theo nỗi mong nhớ quê nhà đi khắp nơi để tìm quê hương của mình, tôi nghĩ sáng tác cũng là như vậy. Trong hai bảy trăm ngày đêm liên tục đấy, Ngọc Phiến Nhi đã trưởng thành cùng với chúng ta. Năm 2008, quốc gia chúng ta trải qua nỗi đau to lớn, mọi người lại chờ mong những niềm hi vọng mới về tương lai. Vượt qua đau thương trong cuộc đời tàn khốc này, chính là thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến mọi người. Câu chuyện ở Đại Kỳ, tôi vẫn định viết tiếp, được cầm bút viết truyện chính là số mệnh trong nửa cuộc đời còn lại của tôi.

[1] Novalis là bút danh của Georg Friedrich Philipp Freiherr von Hardenberg, một nhà thơ, một tác giả và nhà triết học đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn Đức.

Thông qua quyển sách này tôi cũng muốn gửi lại cảm ơn đến nhà biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng Mã Tam tiên sinh, tình tiết ăn cắp đồ ăn trong truyện đã được mô phỏng theo tiết mục hài Chọc bạn chơi, nổi tiếng của ông. Nền văn hóa của Trung Hoa thực sự quá uyên thâm, chỉ là tùy ý mà có thể hàm chứa những nụ cười trí tuệ đến vậy. Cảm ơn Công tử Hàn Sở đã cho tôi dùng đến hai bài thơ của ngài là Ngõ áo đen và Nâng ly chúc quần sơn, trong đó còn có một bài là khách Sứ Thanh Hoa mà tôi rất thích, cũng là tác phẩm của ngài. Không thể quên cảm ơn những người bạn luôn ở cạnh tôi, vì có họ mà cuốn sách này mới có thể xuất bản được. Cảm ơn những người biên tập đã luôn tạo nguồn cảm hứng cho tôi, cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người, để cho văn vẻ của tôi càng được hoàn thiện hơn trong mắt của công chúng. Cảm ơn chị Nina, chị Đồng Tâm, bởi vì lời tiến cử nhiệt tình của hai chị, nên cuốn sách này mới có thể xuất bản được ở nhiều nơi trong cả nước. Tôi còn muốn cảm ơn cả Thủy Châu và Thần Uy, hai tri kỉ của tôi. Xin tặng cuốn sách này cho các chị em trong phòng 310, chúc Thiên Bảo sớm trở thành biên tập viên giỏi nhất, chúc con của Huệ Bảo càng lớn càng đáng yêu, chúc Đình Ngọc trở thành người mẹ đẹp nhất, chúc Phù Dung tân hôn vui vẻ, chúc em Văn mãi mãi hạnh phúc. Cuối cùng, người cần cảm ơn nhất chính là các độc giả thân ái luôn sát cánh bên tôi. Mỗi lời nhận xét của các vị đều là món quà quý giá nhất đối với tôi, mỗi lời động viên của mọi người đều là những ngôn từ cảm động nhất trên thế gian này. Cuộc đời muôn màu vạn sắc, cảm ơn tình yêu mà các bạn dành cho tôi.

Hôm nay, vừa đúng ngày sinh nhật của tôi. Nhân đây xin tự nói với bản thân một câu: Chúc mừng sinh nhật!

An Dĩ Mạch

Bản thảo đầu tiên tháng 7 năm 2008

Bản thảo thứ hai tháng 8 năm 2008

Bản thảo thứ ba tháng 10 năm 2008

Bản thảo thứ tư tháng 5 năm 2009

Bản thảo sau cùng tháng 11 năm 2009

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.