Vọng Giang Nam

Quyển 2 - Chương 7: Trông bóng cũng tiều tụy




“Thiếu gia, thái dương độc lắm, hay là vào nhà đi?”

Tố Huyền sốt ruột đi đi lại lại như kiến bò trên chảo dầu.

“Trung thúc, ngài không khuyên nhủ thiếu gia sao?”

Trung thúc lắc đầu, “Thiếu gia hành sự đều có nguyên do, đến phiên chúng ta xen vào nói leo sao?”



Đương là giữa trưa, mặt trời gắt gay như thác lửa, Chu Kỳ đứng giữa sân, hứng trọn nắng nóng, không tránh không lùi. Trán y nhỏ từng hàng mồ hôi hột, ngoại bào sắc thiên thanh cũng ướt đẫm.

Nửa canh giờ qua đi, Chu Kỳ cất tiếng: “Tố Huyền, chuẩn bị nước, ta muốn tắm.”

“Vâng, thiếu gia.”

“Gượm đã,” – đôi mắt Chu Kỳ đã phủ đầy sương, “Nhớ, không phải nước ấm, lấy nước giếng.”

Tố Huyền vội la lên: “Thiếu gia, phơi nắng lâu mà còn dùng nước lạnh, sao công tử lại tự bạc đãi với bản thân như vậy chứ?”

Chu Kỳ nhíu mày, “Bảo ngươi làm thì cứ làm, ta có tính toán của ta.”

Mặc dù Tố Huyền lo lắng la mắng là thế, song làm việc vẫn rất đáng tin, không tới một nén nhang sau, trong phòng Chu Kỳ đã có thêm một bồn nước.

Đứng dưới nắng lâu khiến đầu y có chút váng vất, gắng sức cởi được y phục trên thân, thả mình vào bồn.

Nước giếng lạnh thấu xương, Chu Kỳ rùng mình, sau đó liền bất tỉnh nhân sự.

Hôm đó Chu Kỳ đau đầu sốt cao, nằm liệt trên giường không dậy nổi.

Tố Huyền sờ trán Chu Kỳ, nóng tới kinh người, cậu hoảng hốt gọi: “Trung thúc, mau tới xem thiếu gia.”

Trung thúc đi tới, bắt mạch cho y, “Thiếu gia đã bị cảm nắng từ trước, lại ngâm nước lạnh, tám phần là nhiễm thương hàn rồi.”

Tố Huyền nôn nóng, “Để ta đi tìm y quan.”

Nguyên do mấy ngày nay đại hạn, bệnh dịch hoành hành, nên Hiên Viên Phù dẫn không ít y quan theo chuyến tuần sát, y quán trong Vương phủ trống không, chỉ để lại một viên thái y già yếu nói năng lõm bõm với một tiểu đồng trông nhà.

Tố Huyền vội vàng chạy ra cổng, xin xỏ gã canh gác: “Làm ơn giúp với, thiếu gia nhà chúng ta bệnh nặng sắp chết tới nơi rồi, cho ta ra ngoài tìm lang trung đi!”

Gã canh gác cứng ngắc như khúc gỗ: “Vương gia có lệnh, bất kể kẻ nào trong Hoàng Hoa biệt uyển cũng không được bước khỏi Vương phủ nửa bước.”

Tồ Huyền cả giận giậm chân, ra sức nài nỉ, “Vậy phiền ngài có thể bẩm báo với tổng quản rằng công tử nhà ta nhiễm bệnh, để hắn đi tìm lang trung được không?”

Gã canh gác vẫn không suy chuyển: “Vương gia có lệnh, bất kể kẻ nào trong Hoàng Hoa biệt uyển cũng không được bước khỏi Vương phủ nửa bước.”

Sau đó thì Tố Huyền có cầu xin thế nào, năn nỉ ra sao, gã cũng chỉ lặp đi lặp lại một câu đó. Sau cùng, khi Trung thúc sờ trán Chu Kỳ, ông thở dài đánh thượt, “Thôi Tố Huyền à, bỏ đi, ngươi chạy tới y quán mời lão thái y kia tới đây.”

Nửa canh giờ sau, lão thái y mới run rẩy chống gậy đi tới.

“Để lão phu xem nào.” – lão ngồi xuống, thở khò khè, bắt mạch cho Chu Kỳ.

“Ừm, không có gì đáng lo cả, chẳng qua là nhiễm phong hàn, à, không, chính xác là thương hàn.”

Ngồi nghe lão lẩm bà lẩm bẩm một mình mà Tố Huyền đã muốn rớt nước mắt.

“Khóc lóc cái gì, xui xẻo, đợi lão phu kê cho thang thuốc, các ngươi đem đi sắc, đảm bảo thuốc tới bệnh trừ.”

Dứt lời, lão lại ráng sức chống gậy đứng lên, mở miệng nhìn lưỡi Chu Kỳ.

“Chỉ cần điều dưỡng tốt thì không có có gì trở ngại cả.” – lão bâng quơ dặn dò.

Tố Huyền nắm chặt đơn thuốc, chần chừ do dự.

Đột nhiên Chu Kỳ mở choàng mắt, “Tố Huyền, đơn thuốc đâu.”

Tố Huyền ngẩn người, đáp: “Công tử, đơn thuốc này thiệt lộn xộn, nếu sắc thật chỉ sợ…”

Chu Kỳ ngắt lời: “Đọc.”

“Đảng sâm, Phòng phong, Hoàng linh, Liên kiều, Tử tô, Tứ diệp sâm, Thị sương, tất cả 12 tiền.”

Tố Huyền vừa đọc xong chỉ thấy Chu Kỳ nằm ngẩn người trên giường, hai gò má vì sốt mà nóng bừng, chỉ có đôi mắt là sáng trong như chưa hề nhiễm bệnh.

“Công tử?”

Khóe môi Chu Kỳ vẽ lên một nụ cười, “Đảng sâm, Hoàng cầm, Liên kiều, ngươi đi lấy đi.”

Uống thuốc xong, Chu Kỳ liền mê man ngủ.

Đêm đã tới nửa, từa chừng như có một loạt chuỗi âm thanh ồn ào rất lớn, rồi rất nhanh lại trở về tĩnh lặng. Chu Kỳ cảm giác như có ai đó vuốt lên trán y, nhẹ lắm, như thể sợ quấy rầy y đang say mộng đẹp.

Thoáng chốc, dường như y về tới Giang Nam.

Phủ đệ Cô Tô vẫn nguyên sơ y cũ, tiểu kiều lưu thủy hãy còn đó, thanh nhã đến lạ kỳ. Nhị ca khoanh tay đứng nơi gấp khúc của hành lang nhìn đám hạ nhân tất bật làm việc.

Rồi y thấy chính y như mang dáng vẻ mới mười bảy, mười tám tuổi xưa đó, mỗi cái giơ tay nhấc chân đều cố sức bắt chước vẻ phong nhã của các huynh trưởng, y thấy y phe phẩy quạt con lăng xăng chạy ra hỏi han: “Nhị ca, ca đang làm chi đó? Cây đang sống khỏe sao lại chặt đi?”

Nhị ca quay lại nhìn y, đôi mắt ngày thường tràn ngập hí hước giờ đã vương đầy bi thương.

“Đại ca mất rồi.”

Chu Kỳ ngẩn ngơ, nhìn đào hồng liễu biếc thoáng chốc thất sắc, đào lý hạnh mai cũng lả tả rơi rụng trên đất, mảnh sân ngập sắc huyết hồng.

Cả không gian và thời gian đều tĩnh lặng, chỉ còn miệng nhị ca không ngừng hé ra rồi hợp lại, “Đại ca mất rồi, ngươi cũng ra đi, cả ‘hắn’ cũng thế, trừ ta, còn ai để tang cho các ngươi?”

Rồi phong lan bên bờ, bông súng mặt ao, hoa mai rìa tường, cả chậu cúc trong viện, tất cả đều đồng loạt đâm chồi trổ bông, cả vườn ngợp sắc trắng tinh khôi như tuyết phủ, giống như bạch y trên người nhị ca.

Thiên địa tang bạch.

“Cha mẹ chờ ngươi mười năm, cuối cùng hồn ngươi cũng về.”

Chu Kỳ vùng vẫy ngồi bật dậy, lý y đẫm nước.

Một bên tay bị người gối, có hơi tê mỏi, đêm tối khó nhìn, chỉ lờ mờ thấy người đó chôn mặt trên giường, say ngủ.

Chu Kỳ hít mạnh mấy hơi bình ổn lại nhịp thở, tâm trí lại vòng quanh đơn thuốc lão thái y mới kê.

Đảng sâm, Phòng phong, Hoàng linh, Liên kiều, Tử tô, Tứ diệp sâm, Thị sương…

Nếu tráo thứ tự, Phòng phong, Tứ diệp sâm, Hoàng linh, Tử tô, Liên kiều, Thị sương, Đảng sâm…

Bị giam lỏng lâu ngày khiến y không thể liên lạc với đông cung, mấy hôm trước mới ngẫu nhiên nhớ trong y quán Vương gia cũng có người của đông cung, lần nhiễm bệnh này cũng bất quá là chó cùn rứt giậu, thử nghiệm vận may.

Khi lão thái y bắt mạch có bóp gan bàn tay y khiến y bật tỉnh, lúc xem miệng lưỡi còn thừa cơ nhéo quai hàm y, khi ấy y đã mừng vui khôn tả xiết.

Phòng Tứ Hoàng Tử, Liên(kết) Sử Đảng.

Từ sau khi ngoại tổ phụ Vương Bác mất mười lăm năm trước, địa vị của Thái nguyên Vương gia liền thay đổi, thông đồng với Tô thái phó cầm đầu Thanh Lưu hòng phế trưởng lập ấu, ủng hộ Tứ hoàng tử đăng cơ.

Trong triều đình, chúng lũng đoạn triều chính, kết bè kết đảng đấu tranh một mất một còn với Sử đảng.

Với phiên bang, chúng ngấm ngầm bắt tay với Đột Quyết trao đổi quyền lợi.

Nếu chúng thật sự đắc thế, trừ phi Hiên Viên Phù tạo phản, còn không chỉ e cả đời cũng không chinh phạt được Đột Quyết, chẳng thế báo mối tử thù.

Huống chi, hai đảng cũng tránh không thoát khỏi mối liên quan với cái chết của tiên Tĩnh tây vương năm đó, từ đó tính ra, khả năng Hiên Viên Phù ủng hộ Tứ hoàng tử là rất thấp.

Chu Kỳ cắn môi, nhưng thế còn chưa đủ, tốt nhất là làm cả hai bên thâm cừu đại hận, không đội trời chung luôn đi, như thế đông cung mới có thể ngư ông đắc lợi. Về phần sau khi đăng cơ, Thái tử xử trí sự tình tại Lũng Tây thế nào, đó không phải việc y có thể trông coi.

Chu Kỳ ho khẽ mấy tiếng, tay thoáng di chuyển, người nọ cũng thức giấc.

Chu Kỳ mở lời, âm điệu còn khàn đặc, “Vương gia, người trở về từ khi nào?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.