Vọng Giang Nam

Quyển 2 - Chương 12: Thốn tâm ninh tử biệt[1]




Bất nhẫn sinh ly sầu.

(“Tình này thà tử biệt, sao thấu sầu sinh ly.”



– Tình này thà cách biệt vì cái chết chứ không thể chịu nổi nỗi sầu phân ly khi sinh thời)

Cuối cùng thì kinh thành cũng truyền tin tới, Thái Tử hứa hôn với tiểu thư Sử gia, hôn kỳ được định vào tháng bảy.

Chiếm lại thế thượng phong từ Vương thừa tướng Tô thái phó cầm đầu Thanh Lưu sĩ tộc sau lưng Tứ hoàng tử.



Mà Thái Tử Hiên Viên Chiêu Mân vốn đã có được sự ủng hộ từ cựu thần của tiên đế, bởi lẽ, tiên đế trọng võ, đương kim Thánh Thượng lại thiên văn, cho nên ngoài Chu thị Giang Đông ra thì còn lại đều là võ tướng thế gia, như Độc Cô – Lũng Tây, Hách Liên – Quan Trung.

Sự ủng hộ của Sử các lão như cọng rơm cuối cùng phá vỡ thế cục cân bằng ban đầu.

Tới thời điểm này, công thủ đã lưỡng toàn.

*

Mồng ba tháng ba, Vĩnh Gia năm thứ năm, Thượng tị, cũng là Thanh Minh.

Canh năm chưa tới, Chu Kỳ đã đứng chờ dưới thềm Diên Ninh điện.

Hồ tổng quản đi ra nghênh đón, “Chu công tử, hôm nay sao lại dậy sớm thế này? Vương gia vẫn chưa thức giấc, có muốn lão nô vào bẩm báo không?”

Chu Kỳ đứng ngay ngắn, đầu khẽ cúi, “Không làm phiền tổng quản, cũng chẳng phải đại sự gì, ta đứng đây chờ là được.”

Hai năm rồi, nơi này vẫn chẳng đổi thay là bao, vẫn cái vắng vẻ lãnh ngạnh, thiếu khí người y cũ đó.

Có lẽ vì tiếng hai người trò chuyện vẳng vào bên trong mà chỉ độ một nén nhang sau, Hồ tổng quản đã bước từ trong ra, dẫn Chu Kỳ đi vào. Đương là đầu xuân, buổi sớm nơi Bắc cương vương chút se sắt. Trên chiếc giường rộng rãi có phủ một lớp lông dày dặn, Hiên Viên Phù nửa nằm nửa ngồi bên trên, đôi mắt nhập nhèm vì ngái ngủ.

Chu Kỳ hành lễ, “Vương gia.”

Gã nghiêng nghiêng đầu, tựa chừng đang suy đoán ý đồ Chu Kỳ tới đây.

“Chuyện gì?”

Chẳng biết là tự khi nào, giữa hai người họ đã chẳng còn những lời lẽ dư thừa, chừng như chỉ thấy nhau thôi đã sinh phiền muộn.

Chu Kỳ ảm đạm cười, “Vương gia, hôm nay là Hàn thực, cũng là Thượng tị, hạ quan muốn ra ngoài thăm thú, đạp thanh du xuân.”

Bấy giờ Hiên Viên Phù mới bừng tỉnh, bởi cũng khi ấy gã mới nhận ra, lớp bố y xanh nhạt thường ngày đã được y trút xuống, thay bằng một thân cẩm y hoa phục, khiến gã kinh ngạc tới mức quên cả cơn lim dim, “Nếu Bản vương không ép mời thì nửa năm liền ngươi chẳng rời biệt uyển nửa bước, sao hôm nay lại có hứng thế?”

Hai đầu gối chấm đất, Chu Kỳ nghiêm túc, “Gia huynh đã qua đời được một năm, mấy ngày nay là ngày giỗ là huynh ấy. Mặc dù không thể đích thân tới cúng mộ, nhưng dù sao cũng phải đốt chút vàng mã cho tròn nghĩa huynh đệ.”

Hai hàng mày nhíu chặt, Hiên Viên Phù bắt bẻ, “Đã hóa vàng thì ở đâu mà chả giống nhau, ngoài phủ với trong phủ thì khác chỗ nào?”

Thấy Chu Kỳ không nói, gã lại tiện đà: “Theo thông lệ, hôm nay Bản vương phải tới Cô tang làm lễ trừ tà, ngươi là thuộc hạ của Bản vương, đáng ra cũng phải đi mới đúng.”

“Hạ quan có bệnh trong người, ở lại Lương Châu tránh cho quấy rầy hứng thú du xuân của Vương gia thì hơn.”

Hiên Viên Phù cả giận, “Nếu Bản vương cố tình không đồng ý thì sao?”

Chu Kỳ giương mắt nhìn gã, đôi mắt bình tĩnh phẳng lặng không một gợn sóng, y không đứng dậy, nhất thời giữa hai người chỉ còn thế giằng co.

Trương Khuê thập thò bên cửa, thấy bầu không khí kỳ quặc bên trong cũng chần chừ không dám tiến vào.

Hiên Viên Phù liếc nhìn hắn, ra chiều mất kiên nhẫn.

Trương Khuê lấy hết dũng khí bẩm báo: “Hoàng huyện thừa hỏi khi nào Vương gia khởi giá.”

Thở dài một hơi, cuối cùng Hiên Viên Phù cũng xua tay, “Thôi tùy ngươi, Trương Khuê lưu lại hầu hạ Chu lục sự.”

Chu Kỳ từ tốn đứng dậy, nhẹ nhàng nói: “Tạ Vương gia.”

Đi được vài bước, sắp ra khỏi cửa điện, bỗng nhiên Chu Kỳ quay đầu lại, mỉm cười với Hiên Viên Phù, “Vương gia đi đường, nhớ bảo trọng.”

Cánh cửa son hé mở, cả người y hòa vào ánh sáng nhạt nhòa, mờ mờ ảo ảo, ngay cả nụ cười kia cũng trở thành hư thực.

Cho tới khi góc áo biến mất nơi tận cùng hành lang khúc khuỷu, Hiên Viên Phù vẫn còn hoảng hốt, nụ cười tựa nắng ấy, lần trước gã được trông thấy dường như là tại chân núi Yên Chi một năm trước.

Mới có mấy tháng, mà như đã một đời.

*

Lần Thái Tử giá lâm Lương Châu trước đó, Trương Khuê vì ăn nói lỗ mãng mà bị Cố Bỉnh bạt cho một cái bạt tai, từ đó trở đi cũng trở nên khách khí với Chu Kỳ. Trở về biệt uyển, Chu Kỳ để hắn ta đứng chờ trong sân.

Tố Huyền chạy ra đón, Chu Kỳ vỗ vỗ đầu cậu chàng, “Ta ra ngoài đốt chút vàng mã, chỉ một lát là về.”

Tố Huyền lo lắng đòi theo, “Thiếu gia, cho ta đi theo người đi, cũng vừa hay phải ra ngoài chút việc.”

Bất đắc dĩ lắc đầu, Chu Kỳ cười trêu chọc: “Đã lớn thế này rồi còn bám người là sao hả?” – thấy Trung thúc cũng đứng gần đó ngóng trông, Chu Kỳ dịu giọng, “Ta chợt thèm thanh đoàn, may mà mấy ngày trước có ít lá ngải non từ Lạc Kinh mang tới, hạ nhân Lũng Tây tay chân vụng về, làm chẳng nên hồn. Các ngươi đi gói đi, trưa về ta ăn.”

Tố Huyền do dự, liếc trái liếc phải, dùng dằng mãi mới đành thôi, “Vậy, ta không đi theo nữa, nhưng công tử phải dẫn Thanh Thương theo. Người đi theo hắn ta, Tố Huyền không yên tâm.”

Trương Khuê đứng đằng xa hẩy mắt xem thường, thúc giục: “Chu lục sự, không phải đi đốt vàng mã sao, làm gì mà lề mề thế. Chu đại nhân thì nhàn hạ rồi, nhưng mạt tướng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm.”

Chu Kỳ gật đầu, “Ta đi sửa soạn vài thứ.”

*

Nơi Chu Kỳ chọn cách khá xa, Trương Khuê phóng ngựa như bay đuổi theo gần hai canh giờ liền, càng đi càng thấy bất thường, không khỏi mở miệng hỏi: “Chu lục sự, hóa vàng mà phải đi xa thế này sao?”

Chu Kỳ cười không đáp, Thanh Thương đi phía sau lại gắt gỏng: “Chẳng lẽ Trương giáo úy không biết? Công tử đi vấn an Vương gia cũng đã bảo rồi thây, công tử đi đạp thanh, tiện hóa vàng mã luôn, đã là đạp thanh thì sao mà luẩn quẩn trong thành được, có vậy mà cũng ngạc nhiên?”

Thanh Thương vốn là một nữ tử mạnh mẽ, hảo nam không cùng nữ đấu, Trương Khuê nghẹn họng, cũng chẳng dám nhiều lời thêm.

Đoàn người băng băng gần trăm dặm, bỏ lại biển cát giăng trời phía xa, tới một đầm nước giữa thâm sơn cùng cốc.

Đầm nước xanh thẳm, mặt hồ lặng như gương.

Cả một đường bôn ba, bụng Trương Khuê sớm đã réo vang, hắn liền đề nghị: “Đã đến ải Vũ An, chi bằng chúng ta tạm nghỉ trong đây một lát, dùng bữa trưa rồi lên đường tiếp?”

Chu Kỳ quay đầu ngựa, cười nhìn hắn, “Phiền Trương giáo úy vất vả rồi, kỳ thật chúng ta đã tới nơi.”

Trương Khuê ngó nghiêng xung quanh, “Đúng là người đọc sách phong nhã có khác, hóa vàng cũng phải chọn nơi hợp lòng người.”

Chu Kỳ đưa mắt ra hiệu, Thanh Thương quay ra nói với Trương Khuê: “Không thì thế này, công tử đi đốt vàng mã, chúng ta dùng bữa trước, thế nào?”

Trương Khuê tỏ vẻ do dự, Thanh Thương lại tiện đà: “Chúng ta là người ngoài, cứ kè kè bên cạnh công tử, công tử có muốn tâm sự với gia huynh cũng không tiện. Đi, chúng ta đi ăn trước.”

Còn chưa kịp phản ứng, Trương Khuê đã thấy Chu Kỳ xuống ngựa, đi thẳng tới bên đầm.

Có quân sĩ trong doanh trại ra chào đón, Trương Khuê chẳng rảnh để mắt tới y, đành theo Thanh Thương.

Chi có Thanh Thương ngoái đầu lại nhìn, khóe mắt hoe đỏ, lệ chực trào mi.

*

Từng xem qua địa chí, Chu Kỳ biết, hồ này hồ Hưu Chư, nguyên là thuộc quyền sở hữu của Hưu Chư vương dân tộc Hung Nô, nên mới có tên như thế. Hưu Chư vương cùng Côn Tà vương hẹn nhau cùng đi hàng Hán, nhưng lâm thời lại thay đổi, cuối cùng bị Hoắc Khứ Bệnh chém chết, con trai hắn là Kim Nhật Đê trở thành mã nô, sau đó cơ duyên xảo ngộ mà được Vũ Đế hết mực sủng ái.

Chu Kỳ khoang tay đứng yên, ngắm nhìn dương quang xuôi ngược mà hồi tưởng những cuộc gặp gỡ cả đời y, lại là nghiền ngẫm.

“Ngươi là người phương nào? Sao lại ở đây?” – một âm thanh trẻ trung đột nhiên vang lên.

Chu Kỳ nhìn lại, người tới trông quen quen, y không khỏi ngẩn người.

Thiếu niên nghiêng nghiêng đầu ra chiều suy nghĩ, rồi mắt chợt sáng lên, “Chu tam lang!”

Vì một tiếng này không chỉ thành công giúp Chu Kỳ nhớ ra tên cậu ta, đồng thời còn kéo cả sự chú ý cả đám vệ binh lại phía đằng này.

Chu Kỳ cười khổ, “Tiểu Hổ huynh, nhiều năm không gặp, biệt lai vô dạng?”

Vu Tiểu Hổ hưng phấn ríu ra ríu rít, liến thoắng kể chuyện sau khi chia tay cho y nghe, Chu Kỳ không yên lòng lắng nghe, thi thoảng phụ họa mấy lời.

Qua chừng một chén trà, tiếng Trương Khuê phía xa đã dần vẳng lại, Chu Kỳ mỉm cười.

“Tiểu Hổ, có thấy viên giáo úy đứng kia không?”

Vu Tiểu Hổ nhìn theo hướng tay y chỉ, mờ mịt gật đầu.

“Ta có một số việc muốn tìm hắn, ngươi gọi hắn lại đây giúp ta được không?”

*

Vu Tiểu Hổ mau mau mải mải kéo Trương Khuê chạy lại, đang muốn gọi Chu Kỳ thì đột nhiên khựng bước.

Trương Khuê không kịp đề phòng, thiếu chút nữa thì té nhào, vừa chực quát mắng đã nghe thấy Vu Tiểu Hổ gào lên: “Chu tam lang!”

Trên đoạn nhai bên hồ, Chu Kỳ lặng đứng nghênh gió, tay áo phần phật.

Cách quá xa càng khiến khuôn mặt y trở nên hư hư thực thực, chỉ thấy y từ tốn tháo quan ngọc trên đầu, cởi trường bào, tùy ý ném sang bên. Giữa cốc trống không chỉ độc một người đứng, mái tóc dài như suối phất phơ theo gió núi, khoảnh khắc ấy hệt như Sơn quỷ bước ra từ Cửu ca[2].

Y ung dung bước từng bước như thể chẳng màng đến bất kể điều chi, trong chớp mắt, giữa biển mây vần vũ điệp trùng, đã chẳng thấy bóng dáng người đâu.

Chỉ có tâm hồ khẽ rung lên, như đón chào người tới.

__________

1. Câu thơ được trích từ “Cổ li biệt – tạp khúc ca từ” của Triệu Vi Minh.

Nguyên văn:

違別未幾日, 一日如三秋.

猶疑望可見, 日日上高樓.

惟見分手處, 白蘋滿芳洲.

寸心寧死別, 不忍生離愁.

Hán Việt:

“Vi biệt vị ki nhật, nhất nhật như tam thu.

Do nghi vọng khả kiến, nhật nhật thượng cao lâu.

Duy kiến phân thủ xử, bạch bình mãn phương châu.

Thốn tâm ninh tử biệt, bất nhẫn sinh li sầu.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.