Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 6: Giáng sinh, một




(Luôn đâm vào cùng một chiếc xe)

Thứ Bảy, 24/12/1988 (Henry 40 tuổi, Clare 17 tuổi)

HENRY: Đó là một buổi trưa mùa đông u tối. Tôi đang ở trong tầng hầm của căn nhà Sáo Bắc Mỹ. Clare đã để lại đồ ăn cho tôi: thịt bò nướng, pho-mát, bánh mì lúa mạch với mù tạt, một quả táo, một phần tư lít sữa và nguyên một bịch bánh quy, bánh pút-đinh táo, bánh quế, và bánh quy đậu phộng với sô-cô-la Hershey’s Kisses bên trong. Tôi đang mặc chiếc quần jeans ưa thích và áo phông Sex Pistols[1], trông như một người cắm trại vui vẻ. Clare cũng để lại cho tôi tờ South Haven Daily của ngày hôm nay, 24 tháng 12, năm 1988. Đêm Giáng Sinh. Vào buổi tối này, trong quán rượu Get Me High ở Chicago, tôi tuổi 25 sẽ uống cho đến khi ngã khỏi ghế quầy bar, nằm vật xuống sàn và phải rửa ruột ở bệnh viên Mercy. Hôm nay là ngày giỗ thứ 19 của mẹ tôi.

[1] Sex Pistols: Tên một nhóm nhạc rock Anh.

Tôi ngồi yên lặng và nghĩ về mẹ. Cách những ký ức của chúng ta bị xói mòn mới thật buồn cười làm sao. Nếu chỉ từ những kí ức tuổi thơ, hình ảnh mẹ đối với tôi thật mơ hồ và mong manh, chỉ có vài khoảnh khắc sẽ hiện ra sắc nét. Khi 5 tuổi, tôi đã được nghe bài hát Lulu ở nhà hát Lyric. Tôi nhớ bố đã ngồi cạnh tôi, ngước lên mỉm cười với mẹ bằng sự hồ hởi tột cùng khi màn mở đầu kết thúc. Tôi nhớ đã ngồi cạnh mẹ ở Orchestra Hall, ngắm bố chơi Beethoven cùng Boulez. Tôi nhớ đã được phép vào phòng khách khi bố mẹ đang có tiệc và ngâm bài Tyger, Tyger cháy sáng của Blake cho các vị khách, kết thúc bằng những tiếng gầm gừ của hổ; khi đó tôi mới lên bốn, và khi đọc xong mẹ sẽ bế tôi lên rồi hôn vào má trong tiếng vỗ tay của mọi người. Hôm đó bà tô son sẫm màu và tôi nằng nặc đòi đi ngủ với vết son môi vẫn còn trên má. Tôi nhớ bà đã ngồi trên một chiếc ghế đá ở công viên Warren trong khi bố đẩy tôi trên chiếc xích đu, hình ảnh bà cứ xa rồi lại gần, xa rồi lại gần theo một vòng quay.

Một trong những điều tuyệt vời nhất và cũng đau khổ nhất của việc du hành thời gian là cơ hội để tôi được nhìn thấy mẹ còn sống. Thậm chí có đôi lần tôi còn được nói chuyện với bà; về những điều nhỏ nhặt như “Thời tiết hôm nay tệ quá nhỉ?” Tôi nhường ghế cho bà trên xe điện ngầm, đi theo bà đến siêu thị, và xem bà biểu diễn. Tôi lượn lờ quanh căn hộ mà hiện giờ bố tôi vẫn đang sống và ngắm hai người họ, đôi khi có cả đứa trẻ sơ sinh là tôi trên tay, đi bộ, ăn tối ở nhà hàng, đi xem phim. Đó là những năm của thập niên sáu mươi, họ là những nhạc công trẻ tài năng và lịch lãm với cả thế giới đang ở phía trước. Họ hạnh phúc như những con chim chiền chiện, họ tỏa sáng với niềm vui và sự may mắn của mình. Chúng tôi vẫy tay chào mỗi khi đi ngang qua nhau; họ tưởng tôi là ai đó sống trong khu phố này, ai đó rất hay đi bộ, ai đó có mái tóc kì quái và có độ tuổi thường xuyên thay đổi kì bí. Đã có lần tôi nghe bố tự hỏi có phải tôi là một bệnh nhân bị ung thư chăng. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên rằng bố chưa từng nhận ra người đàn ông không ngừng ẩn hiện trong những năm đầu hôn nhân của họ là con trai mình.

Tôi thấy cách mẹ đã đưa tôi đến thế giới này. Giờ bà đang có mang, giờ họ đưa tôi trở về nhà từ bệnh viện, giờ mẹ cho tôi ra công viên trong chiếc nôi cầm tay và ngồi học bảng tổng phổ, tay đung đưa hát khẽ, làm mặt hề và lắc đồ chơi về phía tôi. Giờ chúng tôi tay trong tay bước đi và ngắm nhìn những con sóc, những chiếc xe, những con chim bồ câu và bất cứ thứ gì chuyển động. Bà mặc áo choàng vải, giày đế xuồng và quần Capri. Tóc bà ngắn sẫm màu, khuôn mặt biểu cảm, miệng tươi tắn và đôi mắt to; bà có vẻ đẹp Ý nhưng thực ra bà là người Do Thái. Mẹ tôi tô son, thoa phấn và kẻ mắt đi đến cửa hiệu giặt là. Bố gần như vẫn vậy, cao, gầy, ăn mặc giản dị và thích đội mũ. Chỉ khác ở khuôn mặt. Ông đang cực kỳ mãn nguyện. Họ thường xuyên chạm vào nhau, tay trong tay, bước đi cùng một nhịp. Ở bãi biển cả ba chúng tôi đeo kính đen giống hệt nhau và tôi đội một chiếc mũ xanh quái dị. Chúng tôi nằm và bôi dầu trẻ em dưới ánh nắng. Chúng tôi uống Rum, Coke và Hawaiian Punch.

Mẹ tôi là một ngôi sao đang nổi. Bà học với Jehan Meek, với Mary Delacroix, họ tận tình hướng dẫn bà trên bước đường danh vọng; bà thể hiện một số vai diễn nhỏ nhưng sáng giá, thu hút được đôi tai của Louise Behaire ở Lyric. Bà học vai Aida của Linea Waverleigh. Rồi bà được chọn để hát Carmen. Các đoàn kịch khác chú ý đến bà và không lâu sau chúng tôi bắt đầu đi vòng quanh thế giới. Bà thu Schubert cho Decca, Verdi và Weill cho EMI; chúng tôi đi đến London, đến Paris, đến Berlin, đến New York. Tôi chỉ nhớ một chuỗi dài bất tận của những căn phòng khách sạn và các chuyến bay. Màn trình diễn của bà ở Trung tâm Lincoln được chiếu trên ti vi; tôi xem nó cùng với ông bà ở Muncie. Tôi mới sáu tuổi và chẳng thể tin được đó là mẹ tôi, trong chiếc màn hình trắng đen bé nhỏ. Bà đang hát Madama Butterfly.

Họ lên kế hoạch để chuyển đến Vienna sau khi mùa diễn năm 1969, 1970 ở Lyric kết thúc. Bố tham gia diễn thử ở Philharmonic. Bất kể khi nào điện thoại đổ chuông đều là chú Ish - quản lý của mẹ - gọi đến, hoặc ai đó từ hãng đĩa.

Tôi nghe tiếng cửa ở đầu dãy bậc thang mở ra và đóng lại, rồi tiếng bước chân chậm rãi đi xuống. Clare gõ bốn tiếng khe khẽ, tôi dỡ bỏ chiếc ghế lưng thẳng đang dựa dưới nắm cửa. Tuyết vẫn còn vương trên tóc của Clare và đôi má cô ấy đang đỏ ửng. Cô ấy 17 tuổi. Clare vòng tay quanh người tôi và ôm tôi hào hứng. “Chúc mừng Giáng sinh, Henry!” cô ấy nói. “Thật tuyệt khi có anh ở đây!” Tôi hôn lên má cô ấy; sự hồ hởi và rộn ràng của cô ấy đã gạt đi những suy tư của tôi, nhưng cảm giác của nỗi buồn và sự mất mát vẫn còn ở lại. Tôi đưa tay vuốt tóc cô ấy và gạt ra được một nắm nhỏ tuyết tan chảy ngay lập tức.

“Có chuyện gì vậy?” Cô ấy để ý thấy đống đồ ăn chưa đụng đến và tâm trạng rầu rĩ của tôi. “Anh hờn dỗi vì không có mayo?”

“Suỵt! Yên lặng nào.” Tôi ngồi xuống chiếc ghế La-Z-Boy cũ đã hỏng và Clare ép vào bên cạnh. Tôi quàng tay qua vai cô ấy. Cô ấy kẹp tay vào trong đùi tôi. Tôi gỡ nó ra và cầm lấy. Chúng lạnh ngắt. “Đã bao giờ anh kể cho em nghe về mẹ anh chưa?”

“Chưa.” Clare chăm chú; cô ấy luôn thèm thuồng được nghe bất kì thông tin gì về tiểu sử của tôi mà tôi để lộ. Ngày tháng trong danh sách còn lại ngày càng ít và hai năm xa cách của chúng tôi càng đến gần, Clare bí mật tự thuyết phục mình rằng cô ấy có thể tìm thấy tôi ở đời thực, chỉ cần tôi phát chẩn cho vài thông tin. Dĩ nhiên cô ấy không thể, vì tôi sẽ không nói, và cô ấy sẽ không thể tìm.

Chúng tôi ăn mỗi người một cái bánh quy. “Được rồi. Ngày xửa ngày xưa, anh có một người mẹ. Anh cũng có người bố, và họ yêu nhau sâu đậm. Rồi họ có anh. Cả gia đình đều khá hạnh phúc. Hai người họ rất tuyệt vời trong công việc của mình, đặc biệt là mẹ anh đã rất tuyệt, và nhà anh thường đi khắp nơi, ở khắp các khách sạn trên thế giới. Gần Giáng Sinh…”

“Của năm nào?”

“Năm anh lên sáu. Đó là buổi sáng Giáng Sinh, bố anh đang ở Vienna vì gia đình anh sẽ sớm chuyển đến đó nên ông đang đi tìm thuê một căn hộ. Kế hoạch là bố sẽ đáp xuống sân bay còn anh và mẹ sẽ lái xe đến đón ông rồi tất cả có thể đến nhà bà nghỉ lễ.

“Buổi sáng hôm đó trời xám xịt và tuyết đang rơi, những con đường được phủ lên một lớp băng chưa kịp rải muối. Mẹ anh là một tài xế nhút nhát. Bà ghét đường cao tốc, ghét phải lái xe đến sân bay; bà chấp nhận lái vì kế hoạch này khá hợp lí. Mẹ và anh dậy sớm, bà đã chuẩn bị ra xe. Anh mặc một chiếc áo choàng mùa đông, mũ len, quần jeans, chân đi ủng, mặc áo len chui đầu, quần lót, vớ len khá chật và đeo găng hở ngón. Bà mặc tuyền màu đen, là điều không phổ biến như bây giờ.”

Clare uống một chút sữa trực tiếp từ hộp, để lại lớp son màu quế. “Xe hiệu gì vậy?”

“Một chiếc Ford Fairlane ‘62 màu trắng.”

“Xe đó là gì?”

“Em hãy tìm hiểu đi. Nó được chế tạo như một chiếc xe tăng. Nó có cả vây rìa. Bố mẹ anh rất thích nó - nó chứa nhiều kỉ niệm đối với họ.

“Mẹ và anh lên xe. Anh ngồi ở ghế trước, cả hai đều đã thắt dây an toàn. Rồi mẹ lái đi. Thời tiết thật khủng khiếp. Khó để có thể thấy gì, và thiết bị xóa sương trên chiếc xe đó không phải điểm mạnh của nó. Mẹ và anh đi qua một mê cung những con đường dân cư rồi ra đến xa lộ. Đã quá giờ cao điểm nhưng giao thông vẫn hỗn loạn vì thời tiết và vì đang là ngày lễ. Mẹ và anh di chuyển chừng mười lăm, hai mươi dặm một giờ. Mẹ anh vẫn chạy trong làn bên tay phải, có lẽ bà không muốn chuyển làn khi không thể nhìn rõ và vì bọn anh sẽ không ở trong xa lộ lâu trước khi rẽ vào sân bay.

Mẹ và anh chạy sau một chiếc xe tải, cách xa nó, chừa ra cả một quãng dài. Khi đi qua lối vào, một chiếc xe nhỏ - chiếc Corvette đỏ - theo sau. Chiếc Corvette được lái bởi một nha sĩ đang hơi chếnh choáng hơi men, vào lúc 10 giờ 30 sáng, đi vào hơi quá vội và không thể giảm tốc độ đủ nhanh vì lớp băng trên bề mặt đường, và đâm vào xe anh. Với điều kiện thời tiết bình thường, chiếc Corvette sẽ biến dạng còn chiếc Ford Fairlane bất khả hư hại sẽ chỉ bị một vết méo nhỏ và chuyện sẽ chẳng có gì đáng kể.

Nhưng thời tiết rất tệ, mặt đường trơn láng, nên cú hích từ chiếc Corvette đã đẩy xe của anh phóng nhanh về phía trước đúng lúc giao thông đang chững lại. Chiếc xe tải trước mặt hầu như chẳng hề di chuyển. Mẹ anh không ngừng đạp thắng nhưng chẳng có tác dụng gì.

Xe anh đâm vào chiếc xe tải trong trạng thái quay chậm, hay ít nhất nó có vẻ như vậy đối với anh. Trên thực tế, xe anh chạy với tốc độ 40 dặm một giờ. Chiếc xe tải không cửa hậu chở đầy thanh kim loại. Khi xe anh đâm vào nó, một tấm thép lớn tuột ra khỏi xe, đập vào cửa kính và xuyên vào người mẹ anh.”

Clare nhắm chặt mắt lại. “Không!”

“Đó là những gì đã diễn ra.”

“Nhưng anh đã ở ngay đó...anh đã quá thấp!”

“Không, không phải vậy, tấm thép đâm vào ghế ngay đúng chỗ mà trán anh đáng lẽ phải ở đó. Anh vẫn còn vết sẹo nơi tấm thép cắt vào trán.” Tôi chỉ cho Clare thấy. “Mũ của anh kẹt sau tấm sắt. Cảnh sát không thể hiểu vì sao. Tất cả quần áo của anh nằm trong xe, trên ghế và trên sàn xe, còn anh được tìm thấy trần trụi bên lề đường.”

“Anh đã du hành thời gian.”

“Phải, anh đã.” Chúng tôi im lặng trong một khoảnh khắc. “Đó là lần thứ hai nó xảy ra với anh. Anh đã không hiểu chuyện gì. Một phút trước anh đang nhìn thấy chính mình đâm vào xe tải, lúc sau đã thấy mình ở trong bệnh viện. Thậm chí, anh chẳng hề bị xây xước, chỉ bị sốc.”

“Làm thế nào… anh nghĩ tại sao nó xảy ra?”

“Áp lực - nỗi sợ hãi đơn thuần. Anh nghĩ cơ thể anh đã thực hiện thủ thuật duy nhất có thể.”

Clare quay mặt về phía tôi, buồn và kích động. “Vậy…”

“Vậy đấy. Mẹ anh qua đời, anh thì không. Đầu chiếc Ford bẹp dúm, tay lái đập vào ngực mẹ anh, còn đầu của bà nhô ra khỏi cửa kính mà giờ đây đã trống trơn và vào phía sau của chiếc xe tải, lượng máu chảy ra nhiều không tưởng. Người đàn ông trong chiếc Corvette bình an vô sự. Lái xe tải nhảy ra khỏi xe để xem thứ gì đâm vào ông ta và nhìn thấy mẹ anh rồi lăn ra ngất xỉu, và bị đâm bởi người lái xe buýt của trường do không nhìn thấy ông ta và do đang lúng túng bởi tai nạn. Ông ta bị gãy hai chân. Trong khi đó, anh hoàn toàn vắng mặt khỏi hiện trường tai nạn trong khoảng 10 phút 47 giây. Anh không nhớ mình đã đi đâu; có thể nó đã chỉ là một hoặc hai giây đối với anh. Giao thông xung quanh hoàn toàn ngừng trệ. Xe cứu thương đến từ ba hướng khác nhau nhưng không thể lại gần trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Các nhân viên cứu thương phải chạy bộ. Anh hiện hình trở lại bên rìa đường. Người duy nhất thấy anh hiện hình là một cô gái nhỏ; cô bé ngồi ở ghế sau chiếc Chevrolet màu xanh. Miệng cô bé mở to, và cô bé chỉ nhìn anh chằm chằm.”

“Nhưng… Henry, anh mới… anh bảo là anh không nhớ gì cả. Vậy làm sao anh biết những điều này? Mười phút và bốn mươi bảy giây? Không hơn không kém?”

Tôi yên lặng trong chốc lát, tìm cách tốt nhất để giải thích. “Em biết thuyết trọng lực, phải không? Độ lớn của vật càng to, thì lực hấp dẫn của nó càng lớn? Nó kéo những vật nhỏ lại gần và chúng cứ quay theo quỹ đạo vòng quanh nó?”

“Vâng..”

“Cái chết của mẹ anh… là điểm then chốt… mọi thứ khác cứ xoay vòng quanh nó… Anh mơ về nó, và anh cũng du hành đến nó. Hết lần này đến lần khác. Nếu em có thể ở đó, và có thể lởn vởn quanh hiện trường tai nạn, có thể nhìn thấy mọi chi tiết nhỏ, thấy hết thảy mọi người, thấy xe, thấy cây cối và cả các ụ tuyết… nếu em có đủ thời gian để nhìn tất cả mọi thứ, em sẽ nhìn thấy anh. Anh ở trong những chiếc xe, sau những bụi cây, trên cầu, trên cành cây. Anh đã nhìn cảnh tượng đó từ mọi góc độ, anh thậm chí còn can thiệp vào chuyện sau đó: anh đã gọi điện đến sân bay từ trạm xăng gần nhất và nhắn bố đến bệnh viện ngay lập tức. Anh đã ngồi trong phòng đợi của bệnh viện nhìn bố anh đi tìm anh. Trông ông xám ngắt và suy sụp. Anh đi dọc rìa đường đợi cho đứa bé anh hiện hình trở lại, và trùm lên đôi vai trẻ con gầy guộc của anh một cái chăn mỏng. Anh nhìn vào khuôn mặt nhỏ ngây thơ chẳng hiểu chuyện của mình và nghĩ… anh đã nghĩ…” tôi bắt đầu bật khóc. Clare choàng tay qua người tôi và tôi khóc không thành tiếng trên bộ ngực áo len nỉ của cô ấy.

“Anh đã nghĩ gì, Henry?”

“Anh đã nghĩ, đáng lẽ anh cũng nên chết!”

Chúng tôi ôm lấy nhau. Tôi từ từ lấy lại bình tĩnh. Tôi đã làm bẩn áo của Clare. Cô ấy đi đến phòng giặt đồ và quay trở lại với một trong những chiếc áo mặc khi chơi nhạc thính phòng bằng vải poly màu trắng của Alicia. Alicia chỉ mới 14 tuổi nhưng đã cao và to hơn Clare. Tôi nhìn chằm chằm Clare đang đứng trước mặt và cảm thấy áy náy vì đã ở đây, làm hỏng Giáng Sinh của cô ấy.

“Anh xin lỗi, Clare. Anh không có ý đặt nỗi buồn này lên em, Chỉ là Giáng Sinh khá… khó khăn đối với anh.”

“Ồ, Henry! Em mừng vì anh đã ở đây và, em thà được biết… Ý em là, anh cứ đến từ khoảng không rồi lại biến mất vào khoảng không, nếu được biết nhiều chuyện về cuộc sống của anh hơn, sẽ khiến anh trở nên... thực hơn. Kể cả là những điều khủng khiếp. Em cần được biết nhiều hết mức anh có thể nói.” Alicia đang gọi với xuống cầu thang tìm Clare. Đã đến giờ Clare phải tụ họp cùng gia đình, để chào mừng Giáng Sinh. Tôi đứng dậy, chúng tôi hôn nhau thận trọng, rồi Clare nói, “Đến ngay đây!” và mỉm cười với tôi rồi chạy lên những bậc thang. Tôi dựng ghế ngáng cửa trở lại và chuẩn bị đón một đêm dài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.