Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 24: Chuyện xảy ra ở bãi đỗ xe đường Monroe




Thứ Hai, 7/1/2006 (Henry 43 tuổi)

HENRY: Trời rất, rất lạnh và tôi đang nằm trên mặt đất phủ đầy tuyết. Tôi đang ở đâu? Tôi tìm cách ngồi dậy. Chân tôi tê cứng, tôi không thể cảm thấy gì ở chân nữa. Tôi đang ở giữa một vùng trống trải không một bóng nhà lẫn cây cỏ. Tôi đã ở đây bao lâu rồi? Trời đang tối om. Tôi nghe có tiếng xe cộ. Tôi đứng dậy bằng tay và hai đầu gối. Tôi đang ở công viên Grant. Viện Nghệ thuật sừng sững trong bóng tối cách đây chừng vài trăm mét đường tuyết trắng. Những toà nhà lộng lẫy trên đại lộ Michigan đang đứng im lìm. Những chiếc xe ô tô lướt dọc cao tốc Lake Shore Drive, đèn pha cắt xuyên đêm đen. Phía bên kia hồ là một dải ánh sáng mờ; bình minh đang đến. Tôi phải đi ra khỏi đây. Tôi phải làm ấm người.

Tôi đứng dậy. Chân tôi trắng bệch và tê cứng. Tôi không thể cảm nhận được chúng và không thể di chuyển chúng, nhưng tôi vẫn bắt đầu bước đi. Tôi loạng choạng lết qua lớp tuyết dày, đôi khi ngã xuống, rồi lại đứng dậy đi tiếp, cứ lặp lại như vậy không ngừng, cho đến khi tôi quyết định sẽ bò. Tôi bò qua đường, bò ngược xuống những bậc thang bê tông, bám chặt vào tay vịn.

Muối xát vào những chỗ trầy xước trên tay và đầu gối của tôi. Tôi bò tới chiếc điện thoại thẻ.

Bảy tiếng chuông đổ. Tám. Chín. “Alô”, tiếng tôi ngái ngủ vang lên ở đầu dây bên kia.

“Hãy đến giúp tôi”, tôi nói. “Tôi đang ở bãi đỗ xe đường Monroe. Ở đây lạnh muốn chết. Tôi ở gần trạm bảo vệ. Đến đón tôi ngay.”

“Được rồi. Hãy ở yên đấy. Tôi sẽ đến ngay đây.”

Tôi cố gác máy trở lại nhưng để hụt. Răng tôi va vào nhau lập cập. Tôi bò đến trạm gác của bảo vệ và nện thình thịch vào cửa. Không có ai. Tôi nhìn thấy màn hình theo dõi, lò sưởi, áo khoác, bàn và ghế bên trong. Tôi thử vặn núm cửa. Cửa khoá. Tôi chẳng có gì để cậy khoá. Cửa sổ được chốt bên trong. Tôi run lẩy bẩy. Dưới này không có một chiếc xe nào.

“Giúp tôi với!” Tôi hét lên. Chẳng có ai đến. Tôi cuộn tròn lại trước cửa, đầu gối chạm cằm, đưa tay ôm lấy chân. Chẳng có ai đến, và rồi, cuối cùng tôi cũng biến mất.

Nh ững mảnh vụn

Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, 25-26-27/09/2006 (Clare 35, Henry 43)

CLARE: Henry đã biến mất cả ngày nay. Alba và tôi đã ăn tối ở McDonald’s. Chúng tôi chơi Go Fish và Crazy Eights; Alba đã vẽ một cô gái với mái tóc dài đang bồng một chú chó. Chúng tôi đã chọn đồ cho con bé đi học ngày mai. Giờ Alba đã lên giường đi ngủ. Tôi đang ngồi ở bậc thềm, cố gắng đọc Proust; đọc những sách tiếng Pháp khiến tôi uể oải; tôi đã gần ngủ gật khi có tiếng đổ vỡ trong phòng khách, Henry đang nằm trên sàn, trắng bệch và run rẩy. “Giúp anh với!”, anh ấy nói qua hàm răng đang va lập bập vào nhau. Tôi chạy vội đi gọi điện thoại.

Một lát sau:

Phòng cấp cứu: những người già đầy bệnh tật, các bà mẹ với những đứa con nhỏ đang sốt cao, những cô cậu thanh niên đang chờ bạn được phẫu thuật gắp đạn ra khỏi người, những người sau đó sẽ ba hoa về điều này để gây ấn tượng với các cô bạn gái nhưng lúc này thì đang mỏi mệt và yếu ớt.

Một lát sau:

Trong căn phòng nhỏ màu trắng: các cô y tá nâng Henry lên giường và lột tấm chăn đang đắp trên người anh ấy xuống. Anh ấy mở mắt nhìn tôi rồi nhắm mắt lại. Một thực tập sinh tóc vàng nhìn anh ấy từ đầu đến chân. Y tá đo nhiệt độ, bắt mạch cho anh ấy. Henry run rẩy mạnh đến nỗi chiếc giường rung lên bần bật khiến cánh tay của cô y tá cũng rung lên như một chiếc giường Magic Fingers của các khách sạn thập niên 70. Bác sĩ kiểm tra đồng tử, tai, mũi, ngón tay, ngón chân và cơ quan sinh dục của Henry. Rồi họ bắt đầu quấn chăn qua người anh ấy, các lớp chăn trông như được làm từ kim loại, bằng nhôm. Họ đắp khăn ướp lạnh lên chân anh ấy, căn phòng nhỏ này rất ấm. Henry lại mở mắt. Anh ấy đang cố nói điều gì đó. Nó nghe như tên tôi. Tôi luồn tay dưới các lớp chăn và nắm chặt bàn tay lạnh giá của anh ấy. Tôi nhìn cô y tá. “Chúng tôi phải giữ ấm cho anh ấy, tăng nhiệt độ cơ thể của anh ấy lên rồi sẽ tính tiếp”, cô ấy nói.

Một lát sau:

“Làm thế nào mà cậu ấy bị giảm nhiệt đến như vậy giữa tháng Chín?” vị bác sĩ hỏi tôi.

“Tôi không biết”, tôi đáp. “Bác sĩ hãy hỏi trực tiếp anh ấy.”

Một lát sau:

Trời đã sáng. Charisse và tôi đang ngồi trong căn tin của bệnh viện. Charisse đang ăn bánh pút-đinh sô-cô-la. Trên tầng, trong phòng của mình, Henry đang ngủ. Kimy đang ở bên anh ấy. Trên đĩa của tôi là hai miếng bánh mì nướng, ẩm ướt và chưa được đụng đến. Có ai đó ngồi xuống bên cạnh Charisse; là Kendrick. “Tin tốt”, ông ấy nói, “nhiệt độ của cậu ấy đã tăng đến 97.6. Có vẻ như não bộ không bị tổn thương.”

Tôi chẳng thể nói được gì. Tạ ơn Chúa, là những gì tôi có thể nghĩ.

“Tôi sẽ cập nhật tình hình khi tôi xong việc ở Rush St. Luke’s”, Kendrick nói và đứng dậy.

“Cảm ơn, David”, tôi nói lúc ông ấy chuẩn bị ra về. Kendrick mỉm cười rồi bỏ đi.

Một lát sau:

Bác sĩ Murray bước vào với một cô y tá người Ấn Độ đeo băng tên Sue. Sue mang theo một cái chậu lớn, một cái nhiệt kế và một cái xô. Bất kể điều gì sắp xảy ra, nó sẽ là đơn giản.

“Chào buổi sáng, ông bà DeTamble. Chúng tôi sẽ làm ấm lại chân của ông.” Sue đặt cái chậu xuống sàn và lặng lẽ biến mất vào trong nhà tắm. Có tiếng nước chảy. Bác sĩ Murray là một người to lớn và có mái tóc tổ ong cực đẹp mà chỉ có những người phụ nữ da đen duyên dáng bệ vệ mới dám để. Cơ thể to lớn của bà uốn éo dưới lớp áo blouse trắng trên đôi chân khoẻ khắn trong đôi giày bằng da cá sấu. Bà lôi từ trong túi áo ra một cái kim tiêm và lọ thuốc, rồi bắt đầu rút thứ thuốc trong lọ vào ống tiêm.

“Đó là cái gì vậy?” tôi hỏi.

“Moóc-phin. Sẽ đau đấy. Hai bàn chân của cậu ấy gần như đã hỏng.” Bà ấy cẩn thận cầm tay Henry, bàn tay mà anh ấy đang im lặng giơ về phía bà như thể bà vừa thắng được nó từ ván bài. Mũi kim xuyên vào trong, rồi bác sĩ Murray ấn pít-tông; sau một vài giây, Henry khẽ rên lên biết ơn. Bác sĩ Murray gỡ những chiếc khăn lạnh ra khỏi chân của Henry trong lúc Sue xuất hiện, mang theo nước nóng. Cô ấy đặt nó lên sàn nhà cạnh giường. Bác sĩ Murray hạ thấp giường xuống rồi hai người họ đặt anh ấy ngồi dậy. Sue đo nhiệt độ của nước. Cô ấy đổ nước vào trong chậu rồi nhúng chân Henry vào đó. Anh ấy thở dốc.

“Các mô còn lành lặn sẽ chuyển sang màu đỏ. Nếu nó không có màu như con tôm luộc thì sẽ rất gay go đấy.”

Tôi ngắm hai bàn chân Henry bồng bềnh trong chậu nước bằng nhựa màu vàng. Chúng trắng như tuyết, trắng như cẩm thạch, trắng như ti-tan, trắng như giấy, như bánh mì, và như lớp ga trải giường, trắng hết mức có thể. Sue đổi nước mới vì đôi bàn chân lạnh giá của Henry đã làm nguội nước. Cây nhiệt kế chỉ 106 độ. Sau năm phút, nó còn xuống 90 độ và Sue lại thay nước. Hai chân Henry lủng lẳng như những con cá chết. Nước mắt chảy xuống hai bên má của anh ấy rồi biến mất dưới cằm. Tôi lau má anh ấy. Tôi vuốt tóc anh ấy. Tôi không ngừng nhìn để thấy hai bàn chân Henry chuyển đỏ. Nó giống như nhìn bức ảnh hiện hình, ngắm những hình ảnh dần chuyển từ một màu xám sang đen kịt trong khay hoá chất. Một đốm đỏ xuất hiện ở hai bên mắt cá của cả hai bàn chân. Đốm đỏ loang lổ lan dần sang gót chân trái, rồi cuối cùng một vài ngón chân cũng ngập ngừng ửng đỏ. Bàn chân phải vẫn cứng đầu trắng ởn. Một màu hồng miễn cưỡng xuất hiện rải rác ở gan bàn chân rồi không chịu lan ra thêm nữa. Sau một giờ đồng hồ, bác sĩ Murray và Sue cẩn thận lau khô chân cho Henry, rồi Sue nhét một chút bông vào giữa các đầu ngón chân. Họ đặt anh ấy nằm trở lại và cài một bộ khung quanh hai chân của anh ấy để không ai đụng vào chúng.

Đêm hôm sau:

Trời đã khuya và tôi đang ngồi bên giường của Henry trong bệnh viện Mercy ngắm anh ấy ngủ. Gomez ngồi trên ghế đối diện, và cũng đang ngủ. Gomez ngủ ngửa mặt ra sau, miệng há hốc và thi thoảng ngáy lên rồi ngoẹo đầu sang bên khác.

Henry nằm im lìm. Những tiếng bíp không ngừng phát ra từ máy truyền IV. Ở cuối chân giường, một chiếc máy trông như cái lều đang nhô lên dưới lớp chăn nơi đáng lẽ là đôi chân của Henry. Nhưng chúng không ở đó. Chúng đã bị hoại tử vì tê cóng. Họ đã cắt cả hai chân anh ấy, từ mắt cá chân trở xuống, vào sáng nay. Tôi không thể hình dung, tôi cố không hình dung, cái gì đang bên dưới lớp chăn kia. Đôi bàn tay băng bó của Henry đang đặt trên chăn. Tôi cầm chúng lên, cảm nhận sự mát mẻ và khô ráo của chúng, cảm nhận từng nhịp mạch đập ở cổ tay, cảm nhận sự hiện hữu của bàn tay Henry trong tay tôi. Sau ca phẫu thuật, bác sĩ Murray đã hỏi tôi muốn bà ấy làm gì với đôi chân của Henry. Nối chúng lại nghe có vẻ như là câu trả lời chuẩn xác, nhưng tôi chỉ nhún vai rồi nhìn đi chỗ khác.

Cô y tá bước vào, mỉm cười với tôi, rồi tiêm cho Henry. Sau vài phút, anh ấy thở dài, liều thuốc đã đánh thức bộ não của anh ấy. Henry quay đầu về phía tôi. Mắt anh ấy chỉ khẽ hé mở, rối lại khép vào. Anh ấy lại chìm vào giấc ngủ.

Tôi muốn cầu nguyện, nhưng tôi không thể nhớ nổi một câu kinh nào, tất cả những gì xảy ra trong đầu tôi chỉ là Eeny-meeny miney moe[1], túm lấy chân con hổ, nếu nó kêu la, hãy thả nó đi, eeny meeny miney moe. Ôi Chúa ơi, đừng làm vậy với con. Nhưng con Snark đó là một boojum[2]. Không. Chẳng có gì cả.

[1] Eeny meeny miney moe: là trò chơi trẻ con dùng để chọn người bằng cách chỉ tay vào mỗi người chơi và hô từng từ. Chỉ đến khi ai nói “moe” thì đó là người được chọn.

[2] Snark: một giống quái vật giả tưởng do Lewis Carroll tạo ra trong tập thơ The Hunting of the Snark của ông. Boojum là một chủng loài của snark.

Tôi không biết đã mấy giờ rồi. Bên ngoài trời đang dần sáng. Tôi đặt tay Henry xuống giường trở lại. Anh ấy kéo nó lại gần ngực, che chở.

Gomez ngáp dài và vươn vai. “Chào buổi sáng, mèo con”, anh ấy nói, rồi đứng dậy và lê bước vào nhà tắm. Tôi có thể nghe thấy tiếng anh ấy đi tiểu trong lúc Henry mở mắt.

“Anh đang ở đâu vậy?”

“Bệnh viện Mercy. 27 tháng Chín, 2006.”

Henry nhìn đăm đăm lên trần nhà. Rồi, chậm rãi, anh ấy chống người ngồi dậy, và nhìn xuống cuối chân giường. Anh ấy rướn người, thò tay xuống dưới chăn. Tôi nhắm mắt lại.

Henry bắt đầu la hét.

Thứ Ba, 17/10/2006 (Clare 35, Henry 43)

CLARE: Henry đã về nhà được một tuần. Anh ấy dành cả ngày cuộn mình trên giường, quay mặt về phía cửa sổ, chập chờn trong giấc ngủ của moóc-phin. Tôi cố đút cháo, bánh mì nướng và mì Ý cho anh ấy, nhưng Henry chỉ nhỏm nhẻm ăn. Anh ấy cũng ít khi nói chuyện. Alba lảng vảng xung quanh, im lặng và lo lắng, mong làm cho tâm trạng bố phấn chấn hơn, con bé mang cam, mang báo mới, và mang gấu Teddy của nó cho bố; nhưng Henry chỉ mỉm cười lơ đãng để mặc đống đồ được mang tới xếp thành chồng nhỏ trên chiếc bàn đặt đầu giường. Một cô y tá nhanh nhảu tên Sonia Browne ghé qua mỗi ngày một lần để thay đồ và đưa ra những lời khuyên, nhưng ngay khi cô ấy biến mất trong chiếc xe Volkswagen Beetle màu đỏ, Henry liền chui vào lớp vỏ trống rỗng của mình. Tôi giúp anh ấy dùng bô. Tôi thay đồ ngủ cho anh ấy. Và tôi hỏi anh ấy cảm thấy thế nào; những câu trả lời tôi nhận được luôn lấp lửng hoặc chẳng buồn trả lời một chút nào. Mặc dù Henry ở ngay trước mặt tôi, nhưng anh ấy đã biến mất.

Tôi đi qua hành lang, qua phòng ngủ, với một giỏ quần áo bẩn trên tay, và tôi nhìn thấy Alba đang đứng bên cạnh Henry, người đang nằm cuộn tròn trên giường, qua khe cửa he hé mở. Tôi dừng lại để nhìn con bé. Nó đứng bất động, tay duỗi dài hai bên đùi, bím tóc đen nhánh của con bé lủng lẳng sau lưng, chiếc áo cổ chui màu xanh của nó xộc xệch vì mới được trùm vào. Ánh nắng ban mai tràn ngập trong căn phòng, nhuộm một màu vàng óng lên mọi đồ vật.

“Bố ơi?” Alba hỏi khẽ. Henry không trả lời. Con bé thử lại, lần này to hơn. Henry quay người về phía con bé. Alba ngồi xuống giường. Mắt Henry đang nhắm lại.

“Bố ơi?”

“Hả?”

“Bố đang chết phải không?”

Henry mở mắt ra và nhìn Alba. “Không.”

“Alba nói bố sẽ chết.”

“Trong tương lai, Alba ạ. Nhưng chưa phải lúc này. Con hãy bảo Alba đừng kể cho con những chuyện như vậy nữa.” Henry đưa tay xoa bộ râu quai nón đã mọc dài kể từ khi chúng tôi rời bệnh viện. Alba ngồi đặt tay lên đùi, đầu gối khép lai.

“Từ nay bố sẽ phải nằm trên giường mãi sao?”

Henry nhỏm người dậy, tựa vào đầu giường. “Có lẽ vậy.” Anh ấy lục ngăn tủ, nhưng thuốc giảm đau để trong nhà tắm.

“Tại sao ạ?”

“Tại vì bố không khoẻ, được chưa?”

Alba lùi ra khỏi Henry, tuột xuống giường. “Dạ!” con bé nói, đoạn mở cửa phòng và suýt nữa đâm sầm vào tôi. Nó giật mình, rồi bất chợt vung tay ôm chặt lấy tôi. Tôi bế con bé lên. Nó đã nặng trĩu trên tay tôi. Tôi bế nó về phòng rồi cả hai chúng tôi ngồi lên chiếc ghế xích đu, cùng nhau bập bênh. Khuôn mặt nóng của Alba tựa lên cổ tôi. Mẹ biết nói gì với con đây, Alba? Mẹ có thể nói gì đây?

Thứ Tư và thứ Năm, 18-19/10 và thứ Năm, 26/10 năm 2006 (Clare 35, Henry 43)

CLARE: Tôi đang đứng trong xưởng vẽ, tay cầm một cuộn dây làm lõi và một xấp phác thảo. Tôi vừa dọn sạch bàn làm việc lớn, những bức vẽ được găm cẩn thận trên tường. Giờ tôi đang đứng và cố tưởng tượng ra tác phẩm trong tâm trí. Tôi gắng hình dung nó ở cả ba chiều, có kích thước như người thực. Tôi cắt một đoạn dây; nó tuột ra khỏi cuộn lớn. Tôi bắt đầu tạo khung cho thân. Tôi đan những sợi dây vào nhau thành đôi vai, lồng ngực, rồi tạo tới xương chậu. Tôi dừng lại. Có lẽ tay và chân nên có khớp nối? Tôi có nên tạo bàn chân hay không? Tôi bắt đầu uốn đầu, và rồi nhận ra tôi không muốn làm nó như thế này. Tôi nhét chúng xuống dưới gầm bàn và bắt đầu làm lại.

Như một thiên thần. Mọi thiên thần đều đáng sợ. Ấy thế nhưng, than ôi, tôi vẫn khẩn cầu họ, những con chim ngắc ngoải của linh hồn... Đôi cánh là thứ duy nhất tôi muốn tặng cho anh ấy. Tôi lấy miếng kim loại mỏng vẽ vào không khí, rồi khâu móc và đan dệt; tôi lấy tay đo khoảng cách một bên của đôi cánh đang sải rộng, rồi lặp lại lần nữa cho bên kia, cân nhắc sự đối xứng như thể tôi đang cắt tóc cho Alba, dùng mắt để đo, dùng tay để cảm nhận cân nặng, vóc dáng. Tôi nối hai bên cánh vào nhau, rồi đứng dậy, trèo lên thang và treo chúng lên trần nhà. Chúng trôi bồng bềnh trong không khí, cao lủng lẳng ngang ngực tôi, rộng hai mét rưỡi, một vật trang trí duyên dáng, và vô dụng.

Ban đầu tôi đã hình dung nó sẽ có màu trắng, nhưng giờ tôi nhận ra màu trắng không dành cho đôi cánh này. Tôi mở ngăn tủ đựng nước màu và phẩm nhuộm. Xanh biển, vàng hoàng thổ, nâu đen, đỏ tía. Không phải nó. Đây rồi: màu đỏ đồng. Màu của máu khô. Một thiên thần ác nghiệt không thể màu trắng, nếu có, phải là trắng hơn tất cả màu trắng tôi có thể tạo ra. Tôi đặt lọ phẩm màu lên mặt bàn, bên cạnh màu đen tuyền, rồi đi về phía bó sợi đang được đặt trong góc của xưởng vẽ. Sợi kozo và vải lanh; trong suốt và mềm dẻo, một loại sợi kêu lách cách như hai hàm răng đang va lập cập vào nhau kết hợp với một loại mềm như đôi môi. Tôi lấy ra hai pound kozo cứng và đàn hồi cần phải được nấu và đập dập, phải giã nhỏ và nghiền nát. Tôi đun nước nóng trong một cái nồi khổng lồ che kín cả hai ụ bếp. Khi nước sôi, tôi thả kozo vào, ngắm nó chuyển sang màu tối sẫm và từ từ ngấm nước. Tôi đổ natri hidroxit vào rồi đậy nắp lại và bật máy hút khói. Tôi chặt một pound vải lanh thành những mảnh nhỏ, đổ nước vào máy xay rồi bắt đầu nghiền chúng thành bột màu trắng. Rồi tôi đi rót cho mình một li cà phê và ngồi nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, qua khu vườn về phía nhà chính.

Cùng lúc đó:

HENRY: Mẹ tôi đang ngồi ở cuối chân giường. Tôi không muốn bà biết chuyện đôi chân của mình. Tôi nhắm mắt lại và giả vờ ngủ. “Henry?” bà nói. “Ta biết cháu đã thức. Dậy đi nào, anh bạn, mặt trời đã lên cao rồi.” Tôi mở mắt. Là Kimy. “Chào buổi sáng, Kimy.”

“Đã 2 rưỡi chiều rồi anh bạn. Cháu nên ra khỏi giường và đi lại cho khoẻ khoắn.”

“Cháu không thể xuống giường, Kimy ạ. Cháu đâu còn chân.”

“Nhưng cháu có xe lăn”, bà nói. “Nhanh nào, cháu phải tắm và cạo râu đi chứ? Cháu bốc mùi như một ông già dơ dáy.” Kimy đứng dậy, mặt nhăn nhó. Bà lật chăn ra khỏi người tôi và tôi nằm đó như một con tôm ươn, lạnh và mềm oặt trong nắng chiều. Kimy buộc tôi phải ngồi trên xe lăn rồi đẩy tôi tới cửa phòng tắm. Cửa quá hẹp để đẩy xe vào.

“Được rồi”, Kimy đứng chống nạnh trước mặt tôi, nói “Chúng ta phải làm sao đây nhỉ?”

“Cháu không biết, Kimy. Cháu chỉ là một thằng què.”

“Đó là loại ngôn ngữ gì vậy, què?”

“Què là từ khác dùng để chỉ những kẻ tàn tật.”

Kimy nhìn tôi như thể tôi mới lên tám và mới buông lời chửi tục trước mặt bà (và tôi đã không biết nó có nghĩa gì, tôi chỉ biết đó là từ cấm nói). “Ta nghĩ từ chính xác của nó phải là khuyết tật, Henry ạ.” Bà cúi xuống và cởi cúc áo ngủ của tôi.

“Cháu vẫn còn tay mà”, tôi nói, rồi tự cởi áo. Kimy quay mặt đi, cục cằn và gắt gỏng, rồi vặn vòi nước, chỉnh nhiệt độ và đậy đường thoát nước của bồn tắm. Bà lục tủ thuốc, lấy ra chiếc dao cạo, kem cạo và chổi cạo râu của tôi. Tôi không biết làm thế nào để có thể ra khỏi chiếc xe lăn này, nên tôi quyết định trượt ra khỏi ghế. Tôi đẩy mông về phía trước, ưỡn lưng và tuột xuống sàn nhà. Vai trái của tôi đụng mạnh xuống sàn, mông tôi đập xuống cái phịch, nhưng không quá đau. Bác sĩ vật lí trị liệu ở bệnh viện – một thanh niên niềm nở có tên Penny Featherwight - có một số mẹo để lên xuống xe lăn, nhưng chúng cần phải có đủ xe hoặc giường hoặc xe và xe. Tôi ngồi trên sàn nhà tắm. Chiếc bồn tắm to lù lù trước mặt như những tảng đá trắng muốt ở Dover. Tôi ngẩng lên nhìn Kimy, một bà lão tám mươi tuổi, và tôi nhận ra rằng, mình chỉ có thể trông cậy vào bản thân mà thôi. Bà nhìn tôi, cái nhìn đầy thương hại. Tôi tự nhủ Chết tiệt, mình phải tìm cách để làm được việc này, không thể để Kimy nhìn mình với ánh mắt như vậy. Tôi luồn ra khỏi chiếc quần ngủ rồi bắt đầu gỡ những miếng băng y tế đang dán trên hai chân. Kimy nhìn vào gương, kiểm tra răng của bà. Tôi với tay qua thành bồn tắm và thử nước.

“Nếu cho thêm một chút thuốc bắc vào, bà sẽ có món thằng què hầm cho bữa tối.”

“Quá nóng hả?”

“Phải.”

Kimy chỉnh lại vòi nước rồi ra khỏi phòng tắm, đẩy xe lăn ra ngoài. Tôi cẩn thận gỡ băng gạc ra khỏi chân phải. Lớp da bên dưới xanh xao và lạnh lẽo. Tôi thò tay xuống dưới đoạn cụt, xuống lớp da thịt đang bao bọc phần xương còn lại sau khi bị cắt bỏ. Tôi mới vừa uống Vicodin cách đây không lâu, và tôi tự hỏi liệu tôi có thể uống một viên nữa mà không để Clare phát hiện. Lọ thuốc chắc hẳn để đâu đó trong tủ phía trên. Kimy quay trở lại với một chiếc ghế trong phòng ăn trên tay. Bà đặt nó phịch xuống bên cạnh tôi. Tôi gỡ lớp băng gạc ra khỏi chân còn lại.

“Bà ấy đã làm rất cừ.”

“Bác sĩ Murray? Phải, đó là một sự cải thiện lớn. Khiến cho cháu nhanh nhẹn hơn trước nhiều.”

Kimy cười. Tôi nhờ bà vào trong bếp lấy cuốn danh bạ điện thoại. Khi bà đặt nó xuống bên cạnh chiếc ghế, tôi trườn lên nó và ngồi trên ghế. Rồi tôi lại trườn trên ghế và nửa rơi nửa lăn vào bồn tắm. Một con sóng lớn bắn ra khỏi bồn, đập xuống mặt sàn. Tôi đã vào được bồn tắm. Hallelujah. Kimy khoá vòi nước rồi dùng khăn lau khô chân của bà. Tôi dìm mình xuống nước.

Sau đó:

CLARE: Sau khi nấu nhiều giờ đồng hồ, tôi lọc kozo rồi cũng cho nó vào máy xay. Càng để trong máy xay lâu, nó càng mịn hơn và càng có màu giống xương hơn. Sau bốn tiếng, tôi cho các chất phụ gia, đất sét và phẩm vào. Đống bùn nhão màu vàng be bỗng chốc chuyển sang màu đỏ sẫm. Tôi đổ nó vào xô rồi rót sang hũ chứa. Khi tôi quay trở lại nhà chính, Kimy đang ở trong bếp nấu món cá ngừ hầm với vụn khoai tây chiên rắc bên trên.

“Thế nào rồi ạ?” tôi hỏi bà.

“Nó đang ở trong phòng khách.” Những dấu chân ướt nhẹp của Kimy chạy từ buồng tắm tới phòng khách. Henry đang ngủ ở ghế sofa với một cuốn sách đặt trên ngực. Ficciones của Borges. Mặt anh ấy nhẵn nhụi. Tôi lại gần, cúi xuống ngửi; một mùi tươi mát. Những sợi tóc bạc ướt nhẹp của anh ấy toả ra khắp nơi. Alba đang thủ thỉ với gấu Teddy của con bé trong phòng. Trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác như mình đã đi ngược thời gian, như thể đây là một khoảnh khắc đã lạc mất của quá khứ. Nhưng rồi tôi đưa mắt nhìn xuống nơi phẳng lì cuối cơ thể của Henry dưới lớp chăn, và tôi biết rằng tôi vẫn đang ở đây, trong hiện tại.

Sáng hôm sau trời đổ mưa. Tôi mở cửa xưởng vẽ và đôi cánh thiên thần đang đợi tôi, trôi bồng bềnh trong ánh sáng xám của bình minh. Tôi bật đài; là Chopin đang hát, cuồn cuộn dâng trào như những con sóng vỗ lên bãi cát. Tôi đi ủng cao su, đeo tạp dề và buộc khăn để tóc khỏi dính bột giấy. Tôi rửa chiếc khuôn bằng gỗ và đồng thau ưa thích, mở nắp hũ, trải nỉ để chuẩn bị đặt giấy lên. Tôi thọc tay vào hũ và khuấy đống vữa màu đỏ đậm để trộn sợi và nước vào với nhau. Chúng ướt nhẹp. Tôi nhúng khuôn và thước vào trong hũ rồi cẩn thận nhấc chúng lên, rồi gạt cho bằng và để ráo nước. Tôi đặt nó xuống góc hũ; nước chảy ra để lại một lớp sợi trên bề mặt. Tôi gỡ thước ra và nhấn khuôn lên tấm nỉ, khẽ lắc nhẹ. Khi tôi nhấc nó lên, giấy lưu lại trên tấm nỉ, mỏng manh và sáng bóng. Tôi đặt một tấm nỉ khác lên trên, làm ướt, rồi lại nhúng khuôn và thước vào trong hũ, nhấc nó lên, để ráo nước rồi trải xuống tấm nỉ. Tôi mải miết làm, cứ lặp đi lặp lại. Tiếng piano hoà trong tiếng bì bõm, nhỏ giọt của nước và tiếng mưa. Khi đã có được một chồng giấy và nỉ, tôi liền ép chúng vào máy nén rồi quay trở lại vào nhà và ăn sandwich kẹp thịt hun khói. Henry đang đọc sách, Alba đang ở trường.

Sau bữa trưa, tôi đứng trước đôi cánh với xấp giấy mới trên tay. Tôi chuẩn bị dán lên bộ khung cánh một lớp màng giấy. Xấp giấy còn ẩm, tối và trông như muốn rách, nhưng nó bám vào bộ khung xương khéo léo như da người. Tôi xoắn giấy thành những sợi cơ, thành gân, bện vào và nối kết với nhau. Đôi cánh khẳng khiu như cánh dơi, dấu vết của những sợi dây gân lồ lộ dưới lớp giấy trơ trụi trên bề mặt. Tôi sấy khô sấp giấy vẫn chưa dùng đến, hong nó lên các tấm thép. Rồi tôi xé nó ra thành nhiều mảnh nhỏ, tựa lông cánh. Khi đôi cánh đã khô, tôi sẽ dán những mảnh lông này vào, từng sợi một. Tôi bắt đầu vẽ lên những chiếc lông cánh, đen, xám và đỏ. Bộ lông chim của một thiên thần ác nghiệt, một con chim tang tóc.

Buổi tối, một tuần sau:

HENRY: Clare đã nài nỉ tôi thay quần áo và nhờ Gomez mang tôi ra sau cửa, đi qua vườn vào xưởng vẽ của cô ấy. Xưởng được thắp đầy nến; chắc hẳn phải đến một trăm cây hoặc nhiều hơn. Chúng ở khắp nơi trên bàn, trên sàn nhà, và trên bậu cửa sổ. Gomez đặt tôi xuống sofa rồi rút vào nhà chính. Ở giữa xưởng vẽ, một chiếc ga giường màu trắng đang rũ xuống từ trần nhà. Tôi quay lại để xem liệu có cái máy chiếu nào phía sau lưng không nhưng không có. Clare đang mặc một chiếc đầm màu đen. Khi cô ấy di chuyển dọc căn phòng, khuôn mặt và hai bàn tay của cô ấy bồng bềnh lơ lửng, trắng bệch.

“Anh uống cà phê chứ?” cô ấy hỏi tôi. Tôi đã không uống cà phê từ lúc rời bệnh viện. “Được thôi”, tôi đáp. Cô ấy rót cà phê ra hai chiếc cốc, cho sữa vào, rồi mang một cốc lại cho tôi. Chiếc cốc nóng thật gần gũi và dễ chịu trong tay tôi. “Em đã làm tác phẩm này vì anh.” Clare nói.

“Là chân hả? Anh sẽ cần đến nó.”

“Là một đôi cánh”, cô ấy nói, đoạn kéo bỏ chiếc ga trải giường.

Đôi cánh khổng lồ bồng bềnh giữa không trung, chập chờn trong ánh nến. Chúng tối hơn cả bóng đêm, đầy vẻ hăm doạ nhưng cũng tràn ngập cảm giác của niềm khát khao, của tự do, và của sự vội vã bay xuyên không trung, cảm giác được đứng vững vàng, trên đôi chân của chính tôi, được chạy như bay. Những giấc mơ được bay lượn trên bầu trời, được trôi lơ lửng giữa trùng mây như thể trọng lực đã bị bãi bỏ để ta có thể được nhấc mình ra khỏi Trái Đất này, đang lại trở về với tôi trong căn phòng mờ tối này. Clare ngồi xuống cạnh tôi. Tôi có thể cảm nhận được cái nhìn của cô ấy đang dành cho tôi. Đôi cánh vẫn bay lặng im, chúng tả tơi xơ xác. Tôi không thể nói lên lời. Siebe, uch lebe. Woraus? Weder Kindbeit noch Zukunfi! Werden weniger... Uberzabliges Dasein! Entspringt reir Herzen. (Hãy xem này, tôi đang sống. Sống bằng gì? Chẳng phải quá khứ hay tương lai/ chỉ ngày càng nhỏ bé... Sự sống mãnh liệt/ dâng tràn trong tim tôi.)

“Hôn em đi.” Clare nói, tôi quay sang cô ấy, khuôn mặt trắng và đôi môi sẫm tối bồng bềnh trong bóng đêm đen huyền, nhấn chìm lấy tôi, và tôi bay, tôi được giải thoát; sự sống dâng tràn trong tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.