Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 1: Người đàn ông bên lề thời gian




CLARE: Thật khó khi là người bị bỏ lại. Tôi đợi Henry mà không hề biết anh ấy đang ở đâu, luôn phân vân tự hỏi liệu anh ấy có ổn không. Là người ở lại thật không dễ dàng.

Tôi giữ cho mình luôn luôn bận rộn để thời gian trôi qua nhanh hơn.

Tôi đi ngủ một mình và thức dậy một mình. Tôi đi dạo, hoặc làm việc cho đến khi mệt lả. Tôi ngắm nhìn cơn gió chơi đùa với những đám rác bị vùi dưới tuyết suốt mùa đông. Mọi việc tưởng chừng như đơn giản cho đến khi ý nghĩ lại ùa về. Tại sao tình yêu luôn mãnh liệt hơn trong xa cách?

Khi xưa, đàn ông căng buồm ra biển cả và phụ nữ mỏi mòn chờ đợi, họ đứng trên bờ dõi mắt về phía đại dương, mong được thấy bóng chiếc thuyền li ti phía cuối chân trời. Và giờ tôi đợi Henry trở về. Anh ấy tan biến bất chợt, không một lời báo trước, không tự nguyện. Tôi đợi. Mỗi giây trôi qua như cả một thế kỉ, dai dẳng và bất tận. Chúng trôi qua tôi chậm rãi, rõ rệt. Mỗi giây trôi qua, tôi lại thấy hàng giờ, hàng ngày dài chờ đợi khác đang đợi tôi phía trước. Tại sao anh ấy đến những nơi mà tôi không thể đi theo?

HENRY: Cảm giác đó thế nào? Cảm giác đó thế nào?

Đôi khi, cảm giác đó như thể sự chú ý của bạn nhãng đi trong chốc lát. Và rồi, bạn thấy cuốn sách mình đang cầm, áo ca-rô sọc đỏ với những chiếc khuy trắng muốt bạn đang mặc, chiếc quần jeans đen ưa thích và đôi vớ màu tía gần rách để lộ đầu ngón chân cái, căn phòng khách, ấm đun nước đang chuẩn bị réo lên trong bếp: tất cả biến mất. Bạn đang đứng trên con mương ở một con lộ không tên vùng nông thôn hẻo lánh, nước lạnh buốt ngập đến mắt cá chân, trần như nhộng. Bạn đứng chờ trong chốc lát để xem có thể bất ngờ quay trở lại căn hộ của mình, túm lấy cuốn sách trước khi nó kịp rơi xuống hay không. Sau năm phút run lẩy bẩy trong cái lạnh, miệng không ngừng chửi rủa và hi vọng có thể biến mất trở lại, bạn bắt đầu bước về bất kì hướng nào, rồi cuối cùng sẽ tìm thấy một nông trại, nơi bạn có hai lựa chọn: ăn trộm hoặc giải thích. Ăn trộm đôi khi sẽ dẫn bạn vào tù, nhưng giải thích thì thật dài dòng, tốn thời gian và đằng nào cũng sẽ phải nói dối, thi thoảng cũng sẽ bị túm cổ lôi vào tù, vậy nên việc gì phải nghĩ.

Đôi khi bạn cảm thấy như thể vừa đứng dậy quá nhanh, mặc dù bạn đang nằm gật gù trên giường. Bạn cảm thấy máu chạy rần rần khắp nơi trong đầu, một cảm giác choáng váng, chóng mặt đến điên cuồng. Từng dây thần kinh trên tay chân bạn nhói đau rồi đột nhiên chúng không còn ở đó nữa. Bạn lại biến mất. Tất cả diễn ra chỉ trong tích tắc, chỉ đủ thời gian để bạn vung tay ra cố bám lấy (mà nhiều khả năng sẽ chỉ làm đau chính mình hoặc làm vỡ một vài đồ vật quý giá nào đó) rồi bạn bổ nhào ở hành lang trải thảm xanh rợp như rừng trong nhà nghỉ số 6 tại Athens, Ohio, lúc 4 giờ 16 phút sáng, thứ Hai, ngày 6, tháng 8, năm 1981, bạn đập đầu vào cửa phòng một ai đó, khiến họ, bà Tina Schulman đến từ Philadelphia, phải ra mở cửa và bắt đầu hét toáng lên vì bạn đang trần trùng trục, bầm dập, nằm bất tỉnh dưới chân bà. Bạn tỉnh dậy trong bệnh viện hạt, e ngại nhìn viên cảnh sát đang đứng ngoài cửa phòng theo dõi trận đấu của đội Phillies qua chiếc đài bán dẫn xách tay. Chúa rủ lòng thương, bạn lại nằm vật ra bất tỉnh và thức dậy vài giờ đồng hồ sau trên giường của mình, vợ bạn đang cúi xuống nhìn đầy lo lắng.

Đôi khi bạn cảm thấy cực kì sảng khoái. Mọi thứ đang thăng hoa và ngời sáng, rồi đột nhiên bạn buồn nôn dữ dội và biến mất. Bạn nôn thốc nôn tháo lên những chậu cây phong lữ ở khu ngoại ô hẻo lánh nào đó, lên đôi giày tennis của bố, trên sàn nhà tắm của bạn ba ngày trước, bên vệ đường bằng gỗ ở Oak Park, Illinois, khoảng năm 1903, trên sân tennis một ngày mùa thu đẹp trời những năm 1950, hay lên chính đôi chân trần của bạn ở nhiều thời điểm và nhiều nơi chốn khác nhau.

Cảm giác đó như thế nào?

Cảm giác đó hệt như trong những giấc mơ khi bạn chợt nhận ra mình phải làm bài kiểm tra mà chưa hề chuẩn bị trước và bạn không có một mảnh vải che thân, ví để ở nhà.

Khi tôi ở ngoài kia, tôi hoàn toàn thay đổi, tôi biến thành phiên bản tuyệt vọng của chính tôi. Tôi trở thành một tên trộm, một kẻ lang thang, một con thú chỉ biết chạy và lẩn trốn. Tôi khiến các bà lão giật mình, trẻ con thích thú. Tôi là một trò mánh khóe, một ảo ảnh của đấng bề trên, không thể tin là tôi thực sự tồn tại.

Có sự logic, có quy luật nào cho tất cả những lần tan biến và trở về, cho tất cả những lần du hành này? Có cách nào để cứ ở nguyên thế, để bám trụ lấy hiện tại bằng tất cả mọi tế bào trong tôi? Tôi không biết. Có một số manh mối; như mọi căn bệnh khác, có các cơ sở và triệu chứng. Kiệt sức, âm thanh ồn ào, căng thẳng, đứng dậy đột ngột, ánh đèn chớp - tất cả những điều đó có thể khơi mào cho sự xuất hiện của nó. Nhưng: tôi cũng có thể đang đọc The Sunday Times, cà phê trên tay và Clare đang gà gật bên cạnh trên giường, rồi đột nhiên thấy mình ở năm 1976 ngắm tôi tuổi 13 đang cắt cỏ trong vườn của ông nội.

Đôi khi, những lần du hành đó chỉ diễn ra trong tích tắc; như nghe đài bị nhiễu sóng. Tôi hiện ra lẫn trong đám đông cũng nhiều như khi tôi một mình trên đồng ruộng, trong nhà, trong xe trên bãi biển, trong trường tiểu học giữa đêm khuya. Tôi sợ phải thấy mình đứng trong phòng giam, trong thang máy nhung nhúc người, hay ở giữa xa lộ. Tôi đột nhiên xuất hiện, chẳng biết từ đâu đến, trần truồng. Làm sao tôi có thể giải thích? Tôi không thể mang theo mình thứ gì. Không quần áo, không tiền, không thẻ căn cước. Tôi dành phần lớn thời gian của những lần du hành để tìm quần áo và lẩn trốn. Cũng may tôi không đeo kính.

Thật mỉa mai. Tất cả khoái lạc của tôi là những gì thân thuộc và đầm ấm: chiếc ghế bành êm ái, những vui thú gia đình giản dị. Tất cả những gì tôi muốn có là những khoái cảm tầm thường. Một cuốn tiểu thuyết trinh thám trên giường, mùi thơm từ mái tóc vàng đỏ dài mới gội vẫn còn ẩm ướt của Clare, một tấm bưu thiếp của người bạn gửi từ nơi họ đi nghỉ mát, kem trong cốc cà phê đang hòa dần vào nước, làn da mềm mại bên dưới ngực của Clare, hai túi đồ vừa mua từ cửa hàng tạp hóa nằm cân xứng trên bàn trong bếp chờ được dỡ ra. Tôi thích được đi lang thang quanh những giá sách trong thư viện sau khi tất cả khách đọc đã ra về, khẽ chạm vào gáy từng cuốn sách. Đó là những điều đâm thủng ruột gan tôi bằng một nỗi khao khát mãnh liệt mỗi khi tôi lạc vào dòng thời gian.

Và Clare, luôn luôn là Clare. Clare vào buổi sáng, vẫn gật gù và nhăn nhó. Clare đang nhúng tay vào hũ làm giấy, nhẹ nhàng kéo tấm khuôn ra và lắc cho đến khi nó thành hình. Clare đang đọc sách, tóc xõa xuống phía sau ghế, xoa xoa dầu thơm vào hai bàn tay nứt nẻ đỏ hỏn của cô ấy trước khi đi ngủ. Và giọng nói trầm ấm của Clare luôn văng vẳng bên tai tôi.

Tôi ghét phải đi đến những nơi cô ấy không có mặt. Vậy mà, tôi luôn đi, và cô ấy chẳng thể theo.

Ồ, không phải vì hạnh phúc tồn tại,

sự vồ vập vội vàng khỏi những tổn thất đang tới.

Mà vì được ở đây đã là quá đủ; vì mọi thứ nơi này cần chúng ta, cái thế giới phù du này, cứ không ngừng vẫy gọi. Chúng ta, những điều phù du trên hết.

A, nhưng chúng ta có thể mang theo gì về thế giới bên kia? Không phải nghệ thuật từ cái nhìn, mà chúng ta được học thật chậm rãi; chẳng phải những điều đã diễn ra nơi này. Không gì cả.

Chỉ có những khổ đau. Và trên hết, những gánh nặng, và sự trải nghiệm dài lâu của tình yêu - chỉ những gì không thể chối bỏ.

—Trích Bi khúc Duino thứ chín,

Rainer Maria Rilke,

Dịch sang tiếng Anh bởi Stephen Michell

Cuộc hẹn thứ nhất, một

Thứ Bảy, 26/10/1991 (Henry 28 tuổi, Clare 20 tuổi)

CLARE: Thư viện được làm bằng cẩm thạch, mát mẻ và có mùi như máy hút bụi thảm. Tôi kí vào sổ người đọc: Clare Abshire, 11 giờ 15, 26/10/1991, khu vực sách đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tôi vào thư viện Newberry. Sau khi bước qua chỗ tối, cửa vào hiện ra trước mắt khiến tôi thấy hứng khởi. Đối với tôi, thư viện như một hộp quà Giáng Sinh khổng lồ đầy sách. Thang máy gần như im lặng hoàn toàn trong ánh sáng mập mờ. Tôi dừng ở tầng ba và điền vào thẻ người đọc rồi đi lên cầu thang vào khu vực sách đặc biệt. Đôi bốt của tôi nện từng tiếng lộc cộc lên nền gỗ. Căn phòng tĩnh lặng và đông đúc, đầy ắp những cái bàn nặng nề rắn chắc chất đầy sách và được bao quanh bởi nhiều người đọc khác. Ánh nắng của buổi sáng mùa thu Chicago chiếu qua các ô cửa sổ. Tôi đi đến bàn và cầm tập giấy đăng kí mượn sách. Tôi đang viết bài luận cho lớp Lịch sử Nghệ thuật của mình, chủ đề nghiên cứu là Chaucer của Kelmscott Press. Tôi tìm được cuốn sách và điền giấy mượn. Muốn đọc thêm về nghệ thuật làm giấy ở Kelmscott, nhưng không biết phải tìm ở danh mục nào nên tôi quay trở lại bàn nhân viên để hỏi. Sau khi giải thích cho người phụ nữ ở đó loại sách mà tôi đang tìm, cô ta liếc mắt về phía người vừa bước qua phía sau tôi và nói, “Có lẽ anh DeTamble đây sẽ giúp được cô”. Tôi quay người lại, chuẩn bị giải thích thêm một lần nữa, thì thấy mình đang đối diện với Henry.

Tôi bất ngờ đến không thể nói nên lời, Henry đang đứng đó, điềm tĩnh, ăn mặc đầy đủ, và trẻ hơn nhiều so với những lần tôi đã gặp. Henry làm việc ở thư viện Newberry, đang đứng trước mặt tôi, trong hiện tại. Ngay lúc này đây, tôi hân hoan khó tả. Henry chỉ nhìn tôi kiên nhẫn, đầy thắc mắc nhưng vẫn lịch sự.

“Tôi có thể giúp gì cho cô?” anh ấy nhã nhặn hỏi.

“Henry!” Khó khăn lắm tôi mới không khỏi nhảy chồm vào anh ấy. Dĩ nhiên, anh ấy chưa từng một lần gặp mặt tôi trong đời.

“Chúng ta có quen nhau không nhỉ? Xin lỗi, tôi không…” Henry vừa đảo mắt nhìn quanh, e ngại đồng nghiệp và những người đọc khác đang dòm ngó, vừa lục tìm trong trí nhớ rồi nhận ra có thể bản thân của tương lai đã gặp cô gái đang vui mừng hớn hở đứng trước mặt mình. Lần cuối cùng tôi gặp Henry, anh ấy đang mút đầu ngón chân của tôi trên đồng cỏ.

Tôi cố giải thích. “Em là Clare Abshire. Em đã gặp anh từ hồi còn là một cô bé...” Tôi lúng túng không biết phải nói thế nào, vì tôi yêu say đắm người đàn ông đang đứng trước mặt tôi, người chưa có chút kí ức nào về tôi. Mọi thứ là tương lai đối với anh ấy. Tôi muốn cười phá lên trước sự tréo ngoe này. Những năm tháng ở bên Henry đang tràn dâng trong tôi, trong khi anh ấy chỉ nhìn tôi bối rối và ái ngại. Henry mặc quần đi câu cũ của bố tôi, kiên nhẫn giúp tôi học thuộc bảng cửu chương, kiểm tra từ vựng tiếng Pháp, đối chiếu thủ phủ của các bang; Henry cười trước bữa ăn trưa kì quái được cô bé bảy tuổi mang đến đồng cỏ; Henry mặc áo đuôi tôm, cởi những chiếc khuy áo bằng đôi tay run rẩy trong ngày sinh nhật lần thứ 18 của tôi. Đang ở đây! Vào lúc này! “Hãy đi uống cà phê với em, hoặc ăn tối, hoặc gì cũng được...” Chắc chắn anh ấy sẽ phải đồng ý. Henry, người đã yêu tôi trong quá khứ và tương lai cũng sẽ phải yêu tôi trong hiện tại. Và trong sự hân hoan nhẹ nhõm của tôi anh ấy đồng ý. Chúng tôi sẽ gặp nhau ở nhà hàng Thái gần đây vào tối nay. Dưới cái nhìn chằm chằm kinh ngạc của người phụ nữ phía sau quầy lễ tân, tôi bỏ đi, quên hẳn Kelmscott và Chaucer. Tôi đi như bay xuống những bậc cầu thang cẩm thạch, qua đại sảnh và bước ra ngoài, hòa vào ánh nắng Chicago tháng Mười, chạy dọc qua công viên, qua những con chó nhỏ và sóc, hò reo hớn hở.

HENRY: Đó là một ngày tháng Mười nắng giòn tan như mọi ngày khác. Tôi đang ở chỗ làm, trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ được điều chỉnh độ ẩm trên tầng bốn thư viện Newberry, đang phân loại chồng tài liệu chuyên ngành khắc vân cẩm thạch mới được quyên góp. Những cuốn tài liệu đẹp tuyệt, nhưng việc phân loại chúng thật tẻ nhạt, tôi thấy chán nản và tiếc thay cho chính mình. Nói đúng ra, tôi thấy mình già cỗi, theo cách chỉ một người ở tuổi 28 mới có thể cảm thấy, sau khi đã thức đến gần sáng để uống những li vodka đắt quá thể, và cố, nhưng không thành công, để khiến Ingrid Carmichel lại trở nên vui vẻ. Chúng tôi dành cả đêm để cãi nhau, mà giờ tôi cũng không thể nhớ vì cái gì. Đầu tôi đang giật lên từng cơn. Tôi cần cà phê. Bỏ lại đám tài liệu vân cẩm thạch trong trạng thái lộn xộn vừa phải, tôi đi qua văn phòng, qua quầy lễ tân ở phòng đọc. Bị chặn lại bởi giọng nói của Isabella, “Có lẽ anh DeTamble đây sẽ giúp được cô”, mà ý của cô ta thật ra là “Henry, đồ xảo trá, cậu đang định lẩn đi đâu đấy?” Rồi cô gái có mái tóc màu hổ phách, cao, mảnh dẻ, xinh đẹp tuyệt vời quay lại và nhìn tôi như thế tôi là Đức Chúa trời của cô ấy. Ruột gan tôi chao đảo. Rõ ràng cô ấy biết tôi, còn tôi thì không. Chỉ có Chúa mới biết tôi đã nói gì làm gì hay hứa gì với cô gái đẹp lộng lẫy này, nên tôi buộc phải nói ra câu cửa miệng của một thủ thư, “Tôi có thể giúp gì cho cô”. Cô gái thở không ra hơi, rồi thốt lên “Henry!” theo cách mà khiến tôi biết rằng vào thời điểm nào đó trong đời, chúng tôi đã, sẽ, có những quãng thời gian tuyệt đẹp bên nhau. Thật tệ là tôi không hề biết chút gì về cô ấy, thậm chí cả tên cũng không. Tôi nói “Chúng ta có quen nhau không nhỉ?” và Isabella ném cho tôi cái nhìn hàm ý “Đồ khốn!” Cô gái nói, “Em là Clare Abshire. Em đã gặp anh từ hồi còn là một cô bé...” rồi rủ tôi đi ăn tối. Tôi nhận lời, vẫn sửng sốt. Cô ấy nhìn tôi hào hứng và trìu mến, mặc dù đã mấy ngày nay tôi chưa cạo râu, vẫn còn chưa tỉnh sau trận say đêm qua, tóm lại là không được đạo mạo cho lắm. Chúng tôi sẽ cùng nhau ăn tối ở Beau Thai, rồi Clare lả lướt bước ra khỏi phòng đọc, để lại mùi thơm thoang thoảng.

Khi đứng trong thang máy, chưa hết choáng váng, tôi nhận ra tấm vé số độc đắc mà tôi của tương lai trúng đã bằng cách nào đó tìm được đến tôi trong hiện tại, rồi tôi phá lên cười. Bước qua đại sảnh, tôi chạy như băng xuống những bậc thang ra tới đường cái và nhìn thấy Clare cũng đang nhảy chân sáo qua quảng trường Washington, vui mừng hớn hở, tôi chực khóc mà không hiểu vì sao.

Buổi tối hôm đó:

HENRY: 6 giờ tối. Tôi chạy vội về nhà sau khi tan sở và cố làm cho mình trở nên quyến rũ trở lại. Nhà của tôi những ngày này là căn hộ nhỏ nhưng đắt đến điên khùng ở bắc Dearborn; tôi liên tục đâm sầm vào tường, cạnh bàn và đồ đạc trong phòng. Bước thứ nhất: mở 17 ổ khóa ở cửa căn hộ, nhảy bổ vào phòng khách đồng thời cũng là phòng ngủ và bắt đầu lột bỏ từng phần y phục. Bước thứ hai: tắm gội và cạo râu. Bước thứ ba: nhìn chằm chằm vô vọng vào tủ quần áo, và từ từ nhận ra rằng tôi chẳng có cái quần hay áo nào thực sự sạch. Tôi khám phá ra một chiếc sơ mi trắng vẫn còn nằm trong túi bọc đồ, quyết định sẽ mặc vét đen đi giày da và thắt cà vạt xanh nhạt. Bước thứ tư: hoàn tất khâu mặc đồ và thừa nhận tôi trông hệt như đặc vụ FBI. Bước thứ năm: nhìn quanh căn hộ và nhận ra nó là một đống hổ lốn lộn xộn. Tôi quyết tâm sẽ tránh không đưa Clare về nhà, kể cả nếu có thể. Bước thứ sáu: nhìn vào trong chiếc gương dài đúng bằng chiều cao của tôi và thấy một gã gầy nhom xương xẩu, mắt tròn xoe như Egon Schiele 10 tuổi cao 1 mét 85 trong chiếc áo sơ mi sạch sẽ và áo vét dành để mặc trong những dịp tang lễ. Tôi tự hỏi không biết cô gái này đã nhìn thấy tôi trong bộ dạng như thế nào, khi mà dĩ nhiên tôi của tương lai không thể mặc quần áo của chính mình để du hành thời gian đến quá khứ của cô ấy. Cô ấy nói “từ khi còn là một cô bé”? Một loạt câu hỏi không thể trả lời chạy nhốn nháo trong đầu tôi. Tôi dừng lại một chút để thở. Được rồi. Tôi vơ lấy ví, chìa khóa rồi đi ra: khóa 37 ổ khóa, bước vào chiếc thang máy cà tàng chật chội, mua hoa tại cửa hàng ở đại sảnh cho Clare, đi bộ qua hai con phố đến nhà hàng trong thời gian kỉ lục nhưng vẫn chậm 5 phút so với giờ hẹn. Clare đã ngồi yên vị trong quán, cô ấy có vẻ nhẹ nhõm khi trông thấy tôi, vẫy tay với tôi như thể cô ấy đang ở trong một cuộc diễu hành.

“Xin chào”, tôi nói. Clare mặc váy nhung màu rượu và đeo ngọc trai. Cô ấy đẹp như vừa bước ra từ tranh của Botticelli: cặp mắt xám to tròn, mũi dài, miệng nhỏ nhắn mỏng manh như Geisha. Mái tóc đỏ dài che khuất đôi bờ vai và rũ xuống tới tận giữa lưng. Clare trông nhợt nhạt tựa tượng sáp trong ánh nến. Tôi chìa bó hồng về phía cô ấy, “Của em”.

“Cảm ơn anh”, Clare nói với vẻ hớn hở đến ngớ ngẩn. Cô ấy nhìn tôi và nhận thấy tôi đang bối rối trước phản ứng của mình. “Anh chưa bao giờ tặng hoa cho em cả.”

Tôi ngồi xuống ghế đối diện với cô ấy. Một cảm giác thích thú. Cô gái này biết tôi; cô ta không chỉ là một người lướt qua tôi trong những lần du hành của tôi trong tương lai. Cô bồi bàn đi đến và đặt thực đơn xuống bàn.

“Kể anh nghe đi”, tôi gặng hỏi.

“Kể gì cơ?”

“Mọi thứ. Em có biết vì sao anh không nhận ra em? Nhân tiện, anh rất xin lỗi vì điều đó...”

“Ồ không, anh không cần phải xin lỗi. Em biết... nguyên nhân vì sao.” Clare hạ giọng. “Đối với anh, tất cả những điều đó đều chưa xảy ra. Còn với em thì... em đã biết anh trong một khoảng thời gian khá dài.”

“Chính xác là bao lâu?”

“Khoảng 14 năm. Em gặp anh lần đầu tiên khi em sáu tuổi.”

“Ôi trời. Em có thường xuyên gặp anh không? Hay chỉ một vài lần?”

“Lần cuối khi gặp nhau, anh dặn em mang cái này đến cho anh trong hiện tại”, Clare chìa ra một cuốn nhật kí màu xanh nhạt dành cho trẻ con, “nó đây”. Tôi mở cuốn nhật kí, lật đến trang được đánh dấu bằng một mẩu báo cũ, hai chú chó Tây Ban Nha lấp ló góc trên bên phải, ở giữa trang là danh sách ghi lại ngày tháng. Bắt đầu bằng “23 tháng 9 năm 1977” và kết thúc sau 16 trang xanh, nhỏ nhắn, bằng “24 tháng 5 năm 1989”. Tôi đếm. Có tất cả 152 ngày được viết nắn nót bằng bút bi mực xanh, nét chữ uốn lượn của cô bé sáu tuổi.

“Em đã viết danh sách này sao? Chúng đều chính xác?”

“Thực ra anh đã đọc cho em viết. Vài năm trước, anh đã nói với em rằng, anh nhớ như in những ngày tháng trong danh sách này. Vậy nên em không biết chính xác từ đâu danh sách này được hình thành. Ý em là, nó như một vòng luẩn quẩn. Nhưng tất cả đều chính xác. Em đã dùng nó để biết khi nào anh sẽ đến mà ra đồng cỏ gặp anh.” Cô bồi bàn lại xuất hiện và chúng tôi gọi món: Tom Kha Kai cho tôi, Gang Mussaman cho Clare. Một anh chàng bồi bàn khác mang trà đến và rót cho chúng tôi mỗi người một li.

“Đồng cỏ là gì?” Tôi bồn chồn hớn hở. Chưa bao giờ tôi được gặp một người trong tương lai của tôi, nói gì đến một Botticelli, người đã gặp tôi 152 lần.

“Đó là một phần trong mảnh đất của bố mẹ em ở Michigan. Một bên là rừng rậm, bên còn lại là nhà chính. Ở giữa là khoảng rừng thưa có đường kính rộng chừng 10 thước, nơi có một tảng đá lớn, nếu anh ở đó, sẽ chẳng ai trong nhà có thể nhìn thấy anh cả, vì bên ngoài khu đất trồi lên cao vút rồi lọt thỏm ở giữa. Em thường ra đó vì thích được chơi một mình. Em đã nghĩ sẽ chẳng ai biết em ở đó. Rồi một ngày lúc em đang học lớp một, khi mới từ trường trở về em liền chạy ra ngoài khu đất thì anh đã ở đó.”

“Trần như nhộng và nhiều khả năng đang nôn thốc nôn tháo.”

“Thực ra anh đã có vẻ khá bình tĩnh. Anh biết tên em, và em nhớ, anh đã biến mất một cách ngoạn mục. Giờ nghĩ lại, có lẽ anh đã từng ở đó trước đấy. Lần đầu tiên đối với anh có lẽ là năm 1981; khi em mười tuổi. Anh không ngừng nói, “Ôi Chúa ơi”, và cứ nhìn em chằm chằm. Anh cũng có vẻ khá lo lắng vì không có lấy một mảnh vải che thân, nhưng hồi đó em chỉ quan tâm đến việc người đàn ông trần truồng đến từ tương lai này xuất hiện một cách kì diệu và sắp sửa hỏi xin quần áo.” Clare mỉm cười. “Cả thức ăn nữa.”

“Có gì buồn cười sao?”

“Suốt mấy năm trời, em đã bắt anh phải ăn những bữa ăn kì dị. Bơ lạc và sanwich cá trồng, củ cải đường và pa-tê phết trên bánh quy mơ. Một phần vì em muốn thử xem có thứ gì anh không dám ăn hay không, phần vì em muốn gây ấn tượng với anh bằng quỷ thuật nấu nướng của mình.

“Lúc đó anh bao nhiêu tuổi?”

“Em nghĩ lần già nhất mà em nhìn thấy anh là lúc anh ngoài bốn mươi. Em không chắc về khi trẻ nhất; có lẽ ba mươi? Bây giờ anh bao nhiêu tuổi?”

“Hai mươi tám.”

“Hiện giờ trông anh trẻ hơn nhiều so với anh mà em đã gặp. Những năm gần đây em gặp anh hầu hết là lúc anh ngoài bốn mươi, anh có vẻ đang gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống... khó để biết chắc, khi ta còn nhỏ, tất cả người lớn đều có vẻ già dặn và to lớn.”

“Vậy chúng ta đã làm những gì ở đồng cỏ? 152 lần là cả một quãng thời gian dài.”

Clare mỉm cười. “Rất nhiều thứ, thay đổi tùy theo thời tiết và theo tuổi của em. Anh dành rất nhiều thời gian giúp em làm bài tập về nhà, chúng ta cũng chơi trò chơi, nhưng hầu hết chỉ nói chuyện. Khi còn nhỏ, em nghĩ anh là thiên thần; em đã hỏi anh rất nhiều về Chúa. Khi ở tuổi dậy thì, em tìm mọi cách để anh ngủ với em, và anh không để bị em cám dỗ, tất nhiên điều đó càng khiến em quyết tâm cám dỗ anh hơn. Có lẽ anh đã nghĩ anh sẽ khiến em hư hỏng. Ở khía cạnh nào đó mà nói, anh đối xử với em như với con cái vậy.”

“Ồ. Đó chắc là tin tốt, nhưng vào lúc này, anh không muốn được coi như một bậc phụ huynh đâu nhé.” Chúng tôi nhìn vào mắt nhau rồi cùng mỉm cười. Chúng tôi đều có mưu đồ cả. “Mùa đông thì sao? Mùa đông ở Michigan chẳng phải khắc nghiệt lắm sao.”

“Em thường lén đưa anh vào tầng hầm; nhà em có một tầng hầm khổng lồ với nhiều phòng; một trong số chúng là nhà kho, phía sau là lò sưởi. Nhà em gọi nó là phòng đọc, vì tất cả những cuốn sách và tạp chí cũ vô dụng đều được tống vào đó. Một lần khi anh đang ở đấy vào ngày có bão tuyết, chẳng ai đi học hay đi làm cả, em đã suýt phát điên khi phải tìm đủ mọi cách lén lút lấy thức ăn cho anh, vì trong nhà cũng không còn nhiều. Em vừa chuẩn bị đi mua đồ thì cơn bão ập đến. Vậy là anh nằm bẹp dí trong phòng, đọc tạp chí Reader’s Digests suốt ba ngày liền, sống bằng cá mòi và mì gói.”

“Nghe mặn mà quá nhỉ. Anh sẽ đợi đến ngày đó.” Đồ ăn của chúng tôi được mang ra. “Em đã bao giờ học nấu ăn?”

“Không, em không dám nhận là mình biết nấu ăn. Nell và Etta luôn cáu bẳn mỗi khi em làm gì ngoài việc lấy cho mình một lon Cô-ca trong bếp. Và kể từ khi dọn đến Chicago, chẳng có ai để em nấu ăn cho cả, nên cũng chẳng có động lực để em tập làm gì. Hầu hết thời gian, em bận rộn với việc học trên trường nên em ăn luôn ở đó.” Clare đưa một miếng cà ri lên miệng. “Món này ngon thật đấy.”

“Nell và Etta?”

“Nell là đầu bếp nhà em.” Clare mỉm cười. “Bà là cuốn bách khoa toàn thư về ẩm thực, là Julia Child với ngoại hình của Aretha Franklin. Etta là quản gia, bà trông nom mọi việc trong nhà. Bà gần như mẹ của bọn em; mẹ em thì... Etta luôn có mặt khi bọn em cần. Bà là người Đức, nghiêm khắc nhưng luôn sẵn sàng an ủi, chăm nom, mẹ em lúc nào cũng thả hồn trên mây, anh hiểu không?”

Tôi gật đầu, miệng nhồm nhoàm đầy súp.

“Còn Peter nữa”, Clare nói tiếp. “Peter là người làm vườn.”

“Ồ. Nhà em có nhiều người giúp việc. Có vẻ ngoài tầm với của anh rồi. Đã bao giờ anh gặp người nhà em chưa?”

“Anh đã gặp ngoại Meagram ngay trước khi bà qua đời. Bà là người duy nhất được nghe em kể về anh. Lúc đó bà gần như đã mù. Bà biết chúng ta sẽ kết hôn và muốn được gặp anh.”

Tôi ngừng ăn và nhìn Clare. Cô ấy nhìn lại, trong sáng, thánh thiện, hoàn toàn thản nhiên. “Chúng ta sẽ kết hôn?”

“Em nghĩ vậy”, cô ấy trả lời. “Trong nhiều năm trời, bất kể là đến từ năm nào, anh đều nói với em rằng em là vợ của anh.”

Quá sức. Việc này là quá sức. Tôi nhắm mắt lại và cố gắng để đầu mình trống rỗng; điều cuối cùng tôi muốn lúc này là biến mất vào dòng thời gian.

“Henry? Henry, anh ổn chứ?” Tôi cảm nhận được Clare đang ngồi xuống ghế bên cạnh. Tôi mở mắt, cô ấy nắm lấy tay tôi, giữ chặt. Tôi nhìn xuống đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ của cô ấy, đôi tay của một người lao động.

“Em xin lỗi, Henry. Em vẫn chưa thể quen được. Thật trái ngược. Ý em là, từ trước đến nay anh luôn là người biết mọi việc. Em cứ quên rằng em phải từ từ nói cho anh biết.” Cô ấy cười. “Đúng ra thì, điều cuối cùng anh nói với em là: Hãy nhân từ với anh một chút nhé Clare. Anh nói bằng giọng như đang nhái lại ai đó, giờ thì em đoán rằng chắc hẳn anh đã nhái em.” Cô ấy vẫn nắm tay tôi, nhìn tôi háo hức, say mê, tràn đầy tình yêu. Tôi cảm thấy bối rối vô cùng.

“Clare?”

“Vâng?”

“Chúng ta có thể giả vờ như đây là cuộc hẹn đầu tiên bình thường giữa hai người bình thường được không?”

“Được thôi.” Clare đứng dậy và trở về ghế của mình. Cô ấy ngồi thẳng lưng dậy, cố không mỉm cười.

“Ừm, phải rồi. Chà! Clare, kể cho anh nghe về em được không? Sở thích của em là gì? Thú cưng? Có khuynh hướng tình dục khác thường nào không?”

“Anh tự mà tìm hiểu.”

“Phải rồi. Xem nào, gì nữa nhỉ... em học ở đâu? Ngành gì”

“Học viện Nghệ thuật; em làm điêu khắc được một thời gian và mới bắt đầu theo học nghệ thuật làm giấy.”

“Thú vị nhỉ. Nó như thế nào?”

Lần đầu tiên Clare có vẻ ngượng ngùng. “Nó đại loại là... to, và... về... những con chim.”Cô ấy nhìn xuống mặt bàn, rồi nhấp một ngụm trà.

“Chim?”

“Ừm, thực ra nó về... ừm... sự khao khát.” Cô ấy vẫn không nhìn vào tôi, nên tôi đổi chủ đề.

“Kể cho anh nghe về gia đình em đi.”

“Được rồi”, Clare bớt căng thẳng, mỉm cười. “Gia đình em sống ở Michigan, tại một thị trấn nhỏ gần hồ tên là Nam Haven, đúng ra thì nằm trong một vùng đất tư nhân bên ngoài thị trấn. Nó vốn thuộc về ông bà ngoại của em, Meagram. Ông mất trước khi em sinh ra, còn bà sống với gia đình em cho đến khi qua đời lúc em 17 tuổi. Ông ngoại là luật sư, bố em cũng là luật sư; họ gặp nhau khi bố đến làm việc cho ông ngoại.”

“Vậy là bố em lấy con gái của ông chủ.”

“Phải. Đôi lúc em tự hỏi ông lấy mẹ em hay lấy căn nhà. Mẹ là con một, và căn nhà thì khá tuyệt vời; nó được nhắc đến trong rất nhiều sách về kiến trúc và nghệ thuật.”

“Nó có tên chứ? Ai đã xây nó?”

“Nó được gọi là Chim Sáo Bắc Mỹ, xây năm 1896 bởi Peter Wyns.”

“Ồ. Anh đã xem ảnh về nó. Căn nhà được xây cho người nhà Henderson phải không?”

“Phải. Đó là món quà cưới cho Mary Henderson và Dieter Bascombe. Họ li dị hai năm sau khi dọn về đó sống và rao bán căn nhà.”

“Một căn nhà thượng lưu.”

“Gia đình em thượng lưu. Và họ cũng khá kì quặc về điều đó.”

“Anh chị em?”

“Mark 22 tuổi và đang chuẩn bị hoàn thành chương trình dự bị đại học Luật ở Harvard. Alicia 17 tuổi, năm cuối phổ thông. Con bé là một nghệ sĩ trung hồ cầm.” Ngay lập tức tôi có cảm tình với cô em gái và thờ ơ với ông anh trai. “Em không ưa anh trai lắm thì phải?”

“Mark giống hệt bố. Họ đều thích được chiến thắng, họ cãi với anh cho đến khi anh phải chịu thua.”

“Anh luôn ghen tị với những ai có anh chị em, ngay cả khi họ không ưa nhau cho lắm.”

“Anh là con một?”

“Phải. Anh tưởng em đã biết mọi thứ về anh?”

“Nói đúng hơn, em biết tất cả và không gì cả. Em biết anh trông thế nào khi không mặc quần áo, nhưng cho đến tận trưa nay em mới biết họ của anh. Em biết anh sống ở Chicago, nhưng em không biết gì về bố mẹ anh, ngoại trừ mẹ anh đã mất vì tai nạn ô tô khi anh lên sáu. Em biết anh rất rành về nghệ thuật, nói thành thạo tiếng Pháp và tiếng Đức; nhưng em không hề biết anh là thủ thư. Anh đã đảm bảo để em không thể tìm được anh trong hiện tại; anh nói mọi việc sẽ diễn ra khi nó phải diễn ra, và giờ thì chúng ta ở đây.”

“Và giờ thì chúng ta ở đây”, tôi tán đồng. “Ừm... gia đình anh không phải thượng lưu; bố mẹ anh là nghệ sĩ. Bố anh là Richard DeTamble, còn mẹ anh là Annette Lyn Robinson.”

“Ồ, ca sĩ Annette Lyn Robinson.”

“Phải rồi. Bố anh là nghệ sĩ vĩ cầm. Ông chơi cho dàn nhạc giao hưởng Chicago. Nhưng ông không nổi tiếng như mẹ anh. Đáng tiếc, vì bố anh là một nhạc công phi thường. Sau khi mẹ anh mất ông lúc nào cũng chông chênh.” Hóa đơn được đưa đến. Chẳng ai trong chúng tôi ăn được gì nhiều, nhưng lúc này tôi không có hứng với thức ăn. Clare cầm ví lên nhưng tôi lắc đầu. Tôi trả tiền và chúng tôi rời nhà hàng, đứng giữa đường Clark trong tiết trời mùa thu tuyệt đẹp. Clare đang mặc áo choàng xanh bằng len được đan cầu kì và khăn lông; tôi quên không mang theo áo khoác ngoài nên giờ run lẩy bẩy.

“Anh sống ở đâu?” Clare hỏi.

Thôi chết. “Cách đây hai dãy phố, nhưng căn hộ của anh rất chật và bừa bộn. Còn em?”

“Làng Roscoe, ở Hoyne. Nhưng em sống cùng với bạn.”

“Nếu đến chỗ anh, em sẽ phải nhắm mắt lại và đếm đến một nghìn. Có khi nào em có một cô bạn cùng phòng bị điếc và không tọc mạch?”

“Rất tiếc là chúng ta không may mắn đến vậy. Em không bao giờ dẫn ai về nhà; Charisse sẽ nhảy bổ vào anh và chọc tăm tre vào các đầu ngón tay cho đến khi anh khai ra tất cả.”

“Anh luôn ao ước được bị tra tấn bởi ai đó tên Charisse, nhưng anh chắc là em không có cùng sở thích ấy. Đến chỗ anh vậy.” Chúng tôi đi về phía bắc, dọc phố Clark. Tôi dừng lại mua một chai rượu. Khi trở ra, Clare nhìn tôi lúng túng.

“Em tưởng anh không được uống rượu?”

“Anh không?”

“Bác sĩ Kendrick rất nghiêm khắc trong chuyện đó.”

“Ông ấy là ai?” Chúng tôi bước đi chậm rãi vì Clare mang đôi giày không thích hợp cho việc đi bộ.

“Đó là bác sĩ của anh, ông ấy là chuyên gia về chứng suy giảm thời gian.”

“Giải thích thêm cho anh chứ?”

“Em cũng không biết nhiều. Chỉ biết rằng bác sĩ David Kendrick là nhà nghiên cứu di truyền học phân tử, người đã khám phá ra... sẽ khám phá ra tại sao có chứng suy giảm thời gian ở con người. Đó là một yếu tố di truyền học; ông ấy sẽ khám phá ra nó vào năm 2006.” Clare thở dài. “Có lẽ vẫn còn quá sớm. Anh đã từng nói với em rằng, sẽ có nhiều người mắc chứng suy giảm thời gian trong mười năm tới.”

“Anh chưa từng nghe nói có ai khác... mắc chứng... suy giảm này.”

“Em nghĩ, nếu anh có đến gặp bác sĩ Kendrick lúc này thì ông ấy cũng không thể giúp gì được cho anh. Và nếu ông ấy có thể thì chúng ta sẽ chẳng gặp được nhau.”

“Vậy thì hãy không nghĩ về nó nữa.” Chúng tôi bước qua đại sảnh. Clare đi vào thang máy trước tôi. Tôi đóng cửa rồi bấm tầng 11. Cô ấy có mùi như tấm vải cũ, xà phòng, lông thú và mồ hôi quện lẫn. Tôi thở sâu. Thang máy kêu lên lẻng kẻng khi dừng lại, chúng tôi thoát ra khỏi nó và bắt đầu bước dọc hành lang hẹp. Tôi đút chùm chìa khóa lần lượt vào 107 ổ rồi mở hé cửa. “Nó đã trở nên tệ hại hơn nhiều trong lúc chúng tôi dùng bữa tối. Anh sẽ phải bịt mắt em lại.” Clare cười khúc khích trong lúc tôi đặt chai rượu xuống đất và tháo bỏ chiếc cà vạt. Tôi giơ nó qua ngang tầm mắt cô ấy rồi buộc chặt. Sau khi mở cửa rộng hơn, tôi dắt Clare vào căn hộ và đặt cô ấy ngồi xuống ghế bành. “Được rồi, em bắt đầu đếm đi.”

Clare đếm thành tiếng. Tôi chạy đua khắp căn phòng, nhặt lên nào những quần lót, tất, nằm rải rác trên sàn nhà, lượm thìa, cốc cà phê từ đủ mọi ngóc ngách rồi quẳng chúng vào bồn rửa bát. Khi Clare đếm tới 967, tôi cởi bỏ chiếc cà vạt đang bịt mắt cô ấy ra. Giường ngủ kéo ra từ ghế sô pha đã được đẩy trở lại vào trong, và nó lại là chiếc ghế sô pha như lúc ban ngày, tôi ngồi xuống đó. “Rượu? Nhạc và nến chứ?”

“Hoàn hảo.”

Tôi đứng dậy thắp nến. Sau khi tắt đèn trần, căn phòng nhảy múa dưới ánh sáng lập lòe và mọi thứ trở nên đẹp hơn nhiều. Tôi cắm hoa vào trong nước, với lấy cái mở nắp chai và khui chai rượu vang, rót cho chúng tôi mỗi người một li. Sau một giây lưỡng lự, tôi đặt chiếc đĩa hát của mẹ tôi đang biểu diễn lieder của Schubert vào máy rồi chỉnh âm lượng du dương vừa đủ.

Căn hộ của tôi cơ bản là một chiếc ghế bành, một chiếc sô pha và chừng 4.000 cuốn sách.

“Thật ấm áp”, Clare nói. Cô ấy đứng dậy và chỉnh lại tư thế trên ghế sô pha. Tôi ngồi xuống cạnh cô ấy. Có những khoảnh khắc khoan khoái làm sao khi chúng ta chỉ cần ngồi đó và nhìn vào nhau. Ánh sáng từ những ngọn nến bập bùng trên mái tóc của Clare. Cô ấy đưa tay ra và chạm vào má tôi. “Thật tuyệt khi được gặp anh. Những ngày qua em đã rất cô đơn.”

Tôi kéo cô ấy lại gần hơn. Chúng tôi hôn nhau. Một nụ hôn mê đắm, nụ hôn của sự gần gũi đã từ lâu, tôi tự hỏi chính xác thì tôi và Clare đã làm những gì trên đồng cỏ, nhưng rồi tôi gạt ý nghĩ đó sang một bên. Môi chúng tôi rời ra; thông thường đây sẽ là thời điểm tôi tính đến các phương án để vượt qua pháo đài đa dạng của lớp quần áo, nhưng thay vào đó, tôi dựa người trở lại sô pha, mang theo Clare với tôi bằng cách ôm lấy cô ấy trong vòng tay và kéo lại gần; bộ váy nhung khiến cô ấy trơn trượt, Clare trườn vào khoảng không giữa tôi và lưng ghế sô pha như một con cá chình bằng nhung. Cô ấy đang kề mặt tôi, tôi có thể cảm nhận được từng khúc trên thân thể của cô ấy dựa vào thân thể tôi qua lớp vải mỏng. Một phần trong tôi đang rạo rực điên cuồng muốn nhảy xổ lên, liếm láp và hùng hục đánh chén, nhưng tôi đã không còn chút sức lực nào sót lại.

“Tội nghiệp Henry.”

“Tại sao lại ‘Tội nghiệp Henry’? Anh đang ngập tràn trong hạnh phúc mà.” Đó là sự thật.

“Em đã ném hàng loạt bất ngờ như những viên đá tảng vào anh suốt buổi tối hôm nay.” Clare quàng chân qua người tôi, và giờ thì cô ấy đang ngồi trên đỉnh của thằng nhỏ. Nó thu hút sự chú ý của tôi một cách tuyệt đối.

“Đừng di chuyển”, tôi nói.

“Vâng. Buổi tối hôm nay thật thú vị. Ý em là, Tri thức là sức mạnh, đại loại thế. Em lúc nào cũng tò mò muốn tìm ra nơi ở của anh, đồ anh mặc và công việc anh làm.”

“Voila!” (Đây rồi!) Tôi luồn tay dưới váy của Clare rồi vuốt ngược lên đùi. Cô ấy đang mặc tất nịt. Đúng kiểu con gái tôi thích. “Clare?”

“Oui.” (Vâng)

“Thật đáng tiếc nếu cứ nuốt mọi thứ cùng lúc. Một chút dè dặt không làm hại ai đâu.”

Clare bối rối. “Em xin lỗi! Nhưng, anh biết đấy, em đã phải dè dặt hàng năm trời. Và đây không phải như chiếc bánh ngọt ăn rồi là hết.”

“Hãy cầm lấy bánh của em và cùng ăn đi.”

“Em cũng định thế.” Cô ấy cười ranh mãnh rồi đẩy hông qua lại một vài lần. Giờ thì tôi dựng đứng như đường tàu lượn siêu tốc trong khu vui chơi Great America.

“Em luôn có được thứ mình muốn, phải không?”

“Luôn luôn. Em tệ vậy đấy. Chỉ có anh là cứ trơ trơ trước những vòi vĩnh của em. Em đã phải cam chịu trải qua những buổi phụ đạo tiếng Pháp nghiêm khắc và những trận cờ đam của anh.”

“Có lẽ anh nên cảm thấy được an ủi vì anh của tương lai ít ra cũng có vũ khí để khuất phục em. Em làm thế này với tất cả các chàng trai hả?”

Clare phật ý; tôi không thể đoán được cô ấy thành thật đến mức nào. “Có trong mơ em cũng không thèm làm việc này với các chàng trai. Anh thật tục tĩu làm sao!” Cô ấy cởi áo tôi ra. “Chúa ơi anh thật... trẻ.” Cô ấy bấu mạnh vào ngực tôi. Mặc kệ đức hạnh. Tôi đã tìm được cách vận hành chiếc váy của cô ấy.

Buổi sáng hôm sau:

CLARE: Tôi thức dậy và không biết mình đang ở đâu. Trần nhà lạ hoắc. Tiếng xe cộ kêu inh ỏi không ngớt ngoài đường phố. Giá sách. Ghế bành màu xanh với chiếc váy nhung của tôi vắt ngang, một chiếc cà vạt đàn ông nằm trên. Rồi tôi nhớ ra. Tôi quay đầu lại và Henry nằm đó. Bình dị như thể chúng tôi đã làm điều này suốt cả đời. Anh ấy đang ngủ say sưa, xoắn lại thành một hình thù kì lạ, tay đặt trên mắt che đi buổi sáng, mái tóc đen dài xõa ra trên gối. Thật giản đơn. Chúng tôi cùng ở đây, trong hiện tại lúc này, cuối cùng cũng là hiện tại.

Tôi cẩn trọng bước xuống giường. Giường của Henry cũng là ghế sô pha. Nó kêu lên kẽo kẹt khi tôi đứng dậy. Chẳng có nhiều khoảng trống giữa giường và các giá sách nên tôi len lỏi lách qua cho đến khi vào tới sảnh. Phòng tắm bé tí teo. Tôi thấy mình như Alice ở xứ sở thần tiên, to lớn khổng lồ, phải thọc tay ra ngoài cửa sổ để có thể quay người lại. Chiếc lò sưởi nhỏ khắc hoa văn vừa phả nhiệt vừa kêu lẻng kẻng. Tôi đi vệ sinh và rửa tay, rửa mặt. Rồi tôi để ý thấy trong chiếc cốc sứ trắng có hai cái bàn chải đánh răng.

Tôi mở hộc tủ thuốc. Kệ phía trên là dao lam, kem cạo râu, nước sát trùng Lixtơ, thuốc giảm đau Tylenol, nước xoa sau khi cạo, một viên bi xanh, tăm xỉa răng, lăn khử mùi... kem dưỡng da tay, băng vệ sinh, màng tránh thai, lăn khử mùi, son môi, một hộp vitamin và một tuýp thuốc diệt t*ng trùng ở kệ dưới. Thỏi son có màu đỏ chót.

Tôi đứng đó, cầm thỏi son môi trên tay và cảm thấy phát bệnh. Tôi tự hỏi cô ta trông thế nào, tên cô ta là gì, họ đã hẹn hò được bao lâu. Hẳn cũng đủ lâu. Tôi đặt thỏi son trở lại rồi đóng cửa tủ, nhìn thấy mình trong gương - mặt trắng trẻo, tóc dựng tứ phía. Bất kể cô là ai đi nữa, từ giờ đã có tôi. Cô có thể là quá khứ của Henry, nhưng tôi là tương lai của anh ấy. Tôi mỉm cười với chính mình. Sự phản chiếu của tôi trong gương mỉm cười đáp lại. Tôi lấy chiếc áo choàng tắm vải bông xù màu trắng của Henry ở phía sau cửa và khoác lên mình. Bên dưới nó, là một chiếc áo choàng khác bằng lụa có màu xanh nhạt. Mặc áo của anh ấy khiến tôi cảm thấy phấn chấn hơn mà chẳng cần lí do.

Quay trở lại phòng khách, Henry vẫn còn đang ngủ. Tôi tìm thấy đồng hồ đeo tay của mình trên bậu cửa sổ. Mới 6 giờ 30 sáng. Tôi quá chộn rộn để có thể quay lại giường và ngủ tiếp. Tôi vào căn bếp nhỏ để tìm cà phê. Từng chồng bát đĩa bẩn, tạp chí và đủ loại sách chất đầy trên mặt bàn, trên bếp lò và trên tất cả những chỗ đủ bằng phẳng để đặt đồ lên. Thậm chí có cả một chiếc vớ trong bồn rửa. Chắc hẳn tối qua Henry đã vơ tất cả mọi thứ và ném vào trong bếp. Tôi đã luôn hình dung về Henry như một người chỉn chu ngăn nắp. Giờ thì rõ rằng anh ấy là kiểu người chỉ kĩ lưỡng về diện mạo của mình còn mọi việc khác thì luộm thuộm, nhếch nhác. Tôi tìm thấy cà phê trong tủ lạnh, tìm được đến máy pha rồi bắt đầu tự pha cho mình. Trong lúc chờ, tôi tham quan một vòng các giá sách của Henry.

Đây chính là Henry mà tôi biết. Khúc bi thương, tình ca và thơ Sonnet của Donne. Bác sĩ Faustus của Christopher Marlowe, Bữa trưa trần trụi của Anne Bradstreet, Immanuel Kant. Barthes, Foucault, Derrida. Những khúc hát thơ ngây và từng trải của Blake. Chú gấu Pooh. Alice lời chú giải, Heidegger. Rilke, Tristram Shandy. Chuyến đi Wisconsin tang tóc, Aristotle. Bishop Berkelcy. Andrew Marvell, Tê cóng, giảm thân nhiệt và các chấn thương nhiệt lạnh khác.

Tiếng cọt kẹt từ chiếc giường kêu lên làm tôi giật mình. Henry đang ngồi dậy, nheo mắt nhìn tôi trong ánh nắng sớm. Anh ấy thật trẻ. Anh ấy chưa biết tôi. Đột nhiên tôi sợ rằng anh ấy đã quên mất tôi là ai.

“Em trông có vẻ lạnh đấy”, Henry nói. “Hãy quay trở lại giường đi, Clare.”

“Em đã pha cà phê” tôi đề nghị.

“Ừm, anh có thể ngửi thấy. Nhưng trước hết, hãy lại đây và nói chào buổi sáng đã nào.”

Tôi trèo lên giường, vẫn mặc nguyên áo choàng tắm của anh ấy. Henry luồn tay dưới áo choàng rồi dừng lại trong giây lát, anh ấy đã nhận ra sự liên kết.

“Nó có khiến em khó chịu không?” anh ấy hỏi.

Tôi ngần ngại.

“Có. Dĩ nhiên nó làm em khó chịu.” Henry ngồi dậy. Anh ấy nhìn thẳng vào tôi. “Dù sao thì nó cũng gần như đã kết thúc rồi.”

“Gần như?”

“Anh đã định chia tay với cô ấy. Chỉ là chưa đúng thời điểm. Hoặc đã quá thời điểm. Anh không biết nữa.” Anh ấy cố đọc phản ứng của tôi qua nét mặt, để tìm gì? Sự tha thứ? Đó đâu phải lỗi của anh ấy. Làm sao anh ấy biết được. “Đại khái, bọn anh đã tra tấn nhau suốt một thời gian dài...” Anh ấy nói càng lúc càng nhanh hơn, rồi ngừng lại “Em có muốn biết?” Không.

“Cảm ơn em.” Henry đưa hai tay lên mặt. “Anh xin lỗi. Nếu anh biết trước em đến, anh sẽ dọn dẹp sạch sẽ hơn. Ý anh là cuộc sống của anh, chứ không chỉ căn hộ này.” Có vết son môi trên tai Henry. Tôi với tay chùi sạch nó. Anh ấy nắm tay tôi và giữ chặt lấy. “Anh có quá khác so với những gì em đã tưởng tượng?” Henry bồn chồn hỏi.

“Có... anh có vẻ...” ích kỉ, tôi tự nhủ, nhưng rồi lại nói, “trẻ hơn nhiều”

“Đó là điều tốt hay xấu?”

“Chỉ khác thôi.” Tôi quàng hai tay lên vai Henry rồi vuốt dọc lưng anh ấy, nhẹ nhàng xoa nắn từng thớ thịt, thám hiểm từng đường khúc quanh co trên thân thể. “Anh đã nhìn thấy chính mình ở tuổi bốn mươi bao giờ chưa?”

“Rồi. Anh trông có vẻ đã trải qua nhiều khó khăn.”

“Phải, nhưng anh không có... anh khá là... Ý em là, anh biết em khi đó, nên...”

“Có phải em đang muốn nói với anh rằng, lúc này đây, anh còn thiếu sót và vụng về lắm?”

Tôi lắc đầu, mặc dù đó chính xác là những gì tôi muốn nói. “Chỉ là, em biết đủ thứ chuyện, còn anh thì... Em chưa quen với việc ở bên anh khi anh chẳng nhớ gì về những điều đã xảy ra.”

Henry ủ rũ. “Anh xin lỗi. Nhưng con người mà em biết chưa tồn tại. Nán lại bên anh, sớm hay muộn, con người đó cũng sẽ xuất hiện. Đó là tất cả những gì anh có thể làm vào lúc này”

“Có vẻ công bằng” tôi nói. “Nhưng trong lúc chờ...”

Anh ấy đau đáu nhìn tôi. “Trong lúc chờ thì làm sao?”

“Em muốn...”

“Em muốn gì?”

Tôi đỏ mặt. Henry cười và nhẹ nhàng đẩy tôi xuống gối. “Anh biết rồi còn hỏi.”

“Anh không biết nhiều, nhưng anh có thể đoán được điều này điều kia.”

Một lát sau, khi đang nằm da kề da bên nhau, lơ mơ ngủ trong ánh nắng ấm áp vàng nhạt của buổi sáng tháng Mười, Henry nói khẽ vào tai tôi điều gì đó.

“Sao cơ?” tôi hỏi lại.

“Anh đang nghĩ, yên bình làm sao khi được ở đây bên em. Thật tuyệt khi cứ việc nằm kế bên nhau và biết rằng tương lai sẽ tốt đẹp.”

“Henry?”

“Hả?”

“Tại sao anh không bao giờ nói với mình về em?”

“Ồ, anh không làm thế?”

“Tại sao?”

“Rất ít khi anh nói với chính mình về tương lai, trừ phi đó là việc hệ trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Anh cố hết sức để được sống như một người bình thường. Anh thậm chí không thích ở gần chính mình, trừ phi không còn lựa chọn nào khác.”

Tôi cân nhắc một chút về điều Henry nói. “Nếu là em, em sẽ nói với chính mình tất cả mọi thứ ư?”

“Không, em sẽ không làm thế. Chỉ mang lại nhiều phiền toái hơn mà thôi.”

“Em đã luôn tìm đủ mọi cách để anh nói cho em biết về tương lai.” Tôi quay người và nằm ngửa mặt lên trần, Henry chống tay nhỏm đầu dậy nhìn tôi. Mặt chúng tôi cách nhau chừng 15 centimet. Thật kì lạ khi được nói chuyện với anh ấy trong hiện tại gần như theo cách mà chúng tôi đã luôn nói cùng nhau. Nhưng sự gần gũi về da thịt khiến tôi khó có thể tập trung.

“Anh có nói không?” Henry hỏi.

“Đôi khi. Lúc anh muốn nói hoặc phải nói.”

“Như việc gì?”

“Thấy chưa? Anh cũng muốn được biết. Nhưng em không nói cho anh nghe đâu.”

Henry cười vang. “Em cũng chẳng vừa nhỉ? Anh đói quá. Đi ăn sáng nhé.”

Ngoài trời lạnh giá. Ô tô và xe đạp chạy ì ạch dọc con phố Dearborn, các cặp đôi thong thả tản bộ trên vỉa hè, hai chúng tôi cũng nằm trong số đó, tay trong tay dưới nắng sớm, cuối cùng cũng được bên nhau để mọi người thấy. Một chút hối hận lóe lên trong tôi, như thể tôi vừa đánh mất một bí mật trân quý, nhưng rồi cảm giác hưng phấn nhanh chóng chiếm trọn cơ thể: từ giờ, mọi việc sẽ bắt đầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.