[Vô Hạn Lưu] Hồi Ký Của Kẻ Lưu Hành Thời Gian

Chương 11




Con diều mắc giữa một cái cành chĩa ba, cành giữa móc lên trên, cành bên trái thì như trêu ngươi người ta, dùng lá của mình che hết cả bốn phần năm cánh diều. Dây diều bị đứt, quấn vài vòng nơi cành bên phải. Cái cây không tên này cành lá um tùm, lại còn cao nhất cả làng nữa. Da thịt nó sần sùi, trèo lên rát hết cả chân với chả da, nhưng cái thằng Mận và lũ bạn của nó đang nhìn lên con diều in hình thỏ hồng mắc trên một trong những cái cành cao nhất một cách hết sức tội nghiệp. Và với tư cách của một người chị, tôi không thể làm ngơ. Nhưng trước hết là phải tháo dây diều ra, tay trái thì cố với với, tay phải thì bám vào mộ cái cành gần đó, cả người như là nằm nghiêng ra, cố gắng rướn tới trước bằng hết sức mình, hai chân trụ trên một cành khác, ngón chân quắp lấy mấy vết nứt trong vỏ cây, và mặc kệ lũ kiến đang đi thản nhiên trên đó.

- Chị ơi, chị lấy được chưa chị? _ Mận kêu to từ dưới, nó ngây thơ nhìn cảnh chị họ nó đang thở hồng hộc, mặt đỏ cả lên khi đang nhướn từng xăng-ti-mét về phía trước nhằm tháo cái dây diều ra.

- Sắp xong rồi, chờ tí… Mấy… mấy em cứ đi chơi chỗ khác trước đi, lấy diều xong chị đưa cho.

Nào, cố lên nào, chỉ còn một vòng dây nữa thôi. Kéo nó lên một tí rồi giật cái dây từ đằng sau là xong rồi! Ngón cái khều cái dây trong vô vọng, tôi có thể cảm thấy những sợi tơ nhỏ đã bị lỏng ra nơi đầu ngón tay. Nhưng chúng ở xa quá, chỉ đôi khi có gió thổi, dây diều sẽ phấp phới một chút, và đung đưa cười cợt trước ngón tay tôi.

Và đúng lúc đó, gió lại thổi, từ hướng tây, thổi vào mặt tôi những cảm giác dịu nhẹ của mùa hè, mùi ổi đâu đây, mùi sen đâu đó. Dây diều cũng thế, nó lười biếng đi theo cơn gió hạ, bay lên rồi phấp phới trước mặt. Lá cây xào xạc cùng cả ngọn cây, bên cạnh, trên một ngọn đồi, một ngôi chùa bé nhỏ nằm ẩn mình trong những hàng me xum xoe. Nếu không có cơn gió đó, có lẽ lá cây đã không xôn xao, có lẽ tôi đã không nhìn thấy ngôi chùa bé tí trên đồi.

Bây giờ, nếu muốn lấy cánh diều, chỉ còn một cách. Cố gắng lên Linh! Ngã từ đây cũng không đau đâu!

Tôi bỏ tay phải ra, lấy hết sức cuối cùng chộp lấy dây diều nay đã được thả lỏng. Lực vạn vật hấp dẫn của Newton đã ngay lập tức thực thi, tay cầm diều, tôi ngã thằng xuống mặt cỏ phía dưới, mắt đật đập mặt người.

- Uỵch_ cơ thể lên tiếng với đất cứng. Tôi tự hào giơ tay lên như đang giơ cúp vàng, trong tay là cánh diều vẫn còn nguyên vẹn. Và đúng như tôi dự đoán, thằng Mận và lũ bạn của nó hò reo, vỗ tay, lấy diều, và chạy đi.

Chỉ còn mỗi Hường là cầm tay tôi rồi giúp dựng dậy.

- Mày có sao không?

- Cảm giác như xương sườn của tao vỡ hết rồi ấy.

- Hờ hờ, thôi, về nhà nghỉ đi, ngã thế chắc cũng đau lắm.

- Không! Tao muốn đi thả diều cơ!

Từ lâu tôi đã muốn thả diều rồi nên làm sao mà bỏ qua cơ hội đáng giá ngàn vàng này được cơ chứ! Lúc nãy đang đi tới gần đê thì thằng Mận dở hơi lại làm mất diều của nó. Nên đến giờ tôi vẫn chưa được “chạy nhanh rồi ném diều lên trời” như bố mô tả. Thực ra tôi còn muốn thử cưỡi trâu nữa cơ, nhưng được cập nhật cái thông tin là nhà nước đã thay toàn bộ hệ thống cày cấy được năm năm rồi. Giờ chỉ còn máy kéo lúa thôi, mà máy kéo lúa thì chán chết!

- Còn lũ trâu thì sao hả bố?

- Bố cũng không rõ, nhưng con hỏi Chú Bắc béo cuối làng ấy. Chú ấy là chủ lò mổ nên chắc chú biết.

Mọi thứ thay đổi nhanh thật đấy. Bây giờ còn ai phải lội ruộng cấy lúa nữa đâu. Lúa thì nhờ công nghệ cấy gen đã có thể trồng quanh năm, năng suất hơn hẳn. Cuối làng có một khu nghiên cứu công nghệ sinh học, trong làng thì luôn có nhiều nghiên cứu sinh ở và làm việc. Cái bình yên của thôn quê vẫn còn đó, nhưng họ đã không phải “chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa rồi.

Tôi nghĩ những sự thay đổi này diễn ra từ hồi Cách Mạng Thế Kì Mười Tám. Nếu không có cuộc cách mạng về xã hội và kinh tế hồi đấy chắc bây giờ lũ vua chúa và hoàng tộc trong Gác Trắng vẫn còn ăn chơi nhảy múa không màng tới dân chúng. Hồi ấy nhờ (hay nói đúng hơn là ‘bị’) cái cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tới mức dẫn tới cả ngàn cuộc biểu tình của dân chúng từ Ả Rập tới Nhật Bản, từ In-đô-nê-xi-a đến Ca-dắc-xtan đã khiến Hoàng đế và hoàng tộc của ông ta phải thay đổi ba trăm sáu mươi độ phong cách làm việc của mình. Tức là họ đã tạo nên Quốc Hội _ một tổ chức do dân bầu nên _ đứng ngang hàng với Hoàng Kim Đế trong việc điều hành đất nước. Hoàng Kim Đế và Hoàng Kim Tộc tất nhiên vẫn còn nhiều quyền lực ( đọc: 60% so với lúc trước), nhưng ít nhất giờ đã có những thay đổi tốt hơn vì dân chúng từ Quốc Hội, chứ không phải tất cả mọi thứ tốt lành đều dành cho mấy tên vua với chả chúa.

Lũ Mận đã tới đê trước tôi và Hường. Những cánh diều đủ màu đủ kiểu lượn quanh trên bầu trời cao vút. Con diều thỏ hồng của Mận bay cao nhất, làm tôi rất tự hào về cái việc mình đã trèo cây cao mà lấy xuống cho nó.

Hường cũng thích thả diều, nhưng cả hai đứa tôi lại phải dùng chung một cái diều hình bướm do Sen cho mượn. Vì vậy, Hường nhường tôi thả diều trước, còn mình thì ngồi bên đồng cỏ, dưới một cây me già mà ngắm những người khác. Giữa một lũ trẻ năm-bảy tuổi, tôi trông như một người khổng lồ lố lăng.

- Chị có biết thả diều không đấy? Hay là để em làm cho? _ Một đứa bạn của Mận, tên Dương, nói thẳng sau khi thấy tôi đã chạy hùng hục từ đầu này sang đầu kia của đê mà vẫn chưa làm diều bay lên được.

Bẽ mặt quá! Nhưng đành thôi, đi một ngày đàng học một sàng khôn, nếu thằng bé này chỉ được cho mình thì đừng có nên ương bướng hay tự ái làm gì. Thằng Dương bé tẻo teo nhưng lại rất khéo léo, nó chỉ cho tôi cách quấn dây rồi bảo tôi chạy cùng nó để có thể đưa diều bay. Bị một thằng nhỏ chỉ cách chạy giúp tôi học được một tầng cao mới của sự xấu hổ. Nhưng, không hiểu sao, những cơn gió như chạy theo Dương, và không lâu, con bướm tím của tôi đã bay lên thật cao.

- Chị cứ từ từ mà thả dây ra cho nó bay cao, nhưng cẩn thận đừng có cao quá là bay luôn đấy nhé!

Tôi chỉ biết gật gật coi như đã hiểu, mắt vẫn dán vào cánh diều. Lần đầu tiên đi thả diều, tôi bỗng biến thành một đứa con nít, say sưa không biết mệt. Cánh diều bay cao bay cao, còn tôi thì cảm giác như chính mình đang bay cùng nó. Lũ trẻ cười vui ríu rít, chúng chạy rồi dừng, rồi chí chóe với nhau khi dây diều bị mắc với nhau. Con bướm của tôi vẫn bay lơ lửng, chưa bị đứa nào ngáng đường. Bỗng dưng, một cánh diều hình con chim sẻ bay tới và tôi nghe tiếng cười rúc ríc bên cạnh. Nhỏ Hường đang đứng ngay bên, cầm một cuộn dây màu xanh cốm.

- Mày mê trò này quá à, tao ở ngay bên mà cũng không biết.

- Ủa, mày lấy diều này ở đâu vậy?

- Từ thằng bé lúc nãy chỉ mày cách chạy lung tung ấy, mẹ nó quát nó về nấu cơm nên tao xin cái diều tí để chơi.

Nói rồi cả hai đứa lại im lặng, chúng tôi nhìn lên những cánh diều với một nụ cười vớ vẩn trên môi. Lâu rồi cả hai mới có cơ hội chơi những trò như thế này. Tại khu Cầu Sắt nơi chúng tôi sống, cả thành phố chỉ có một cái công viên, muốn chơi gì cũng không được. Những khoảnh khắc giữa thiên nhiên như thế này chưa bao giờ tôi có.

***

- Mấy đứa chơi vui không? _ Ông nội tôi hỏi, tay vẫn cầm điếu thuốc lào nghi ngút khói.

- VUI LẮM ÔNG Ạ! _ thằng Mận ré lên, còn tôi và Hường thì cũng gật gù theo nó.

- Vậy thì đi tắm đi mấy đứa, kẻo hôi rình cả nhà bây giờ.

Cô Mận vừa xuất hiện từ cánh màn phía nhà sau nói, cô đặc biệt cho Mận một cái nhìn tóe lửa, cả câu nói trên chắc chắn chỉ giành cho nó mà thôi. Mận cười trừ, bỗng dưng nhìn cái cạnh phản bên dưới một cách hết sức nhiệt tình. Nhưng nó không tránh khỏi cô Tằng, vì ngay sáu đó cô đã tự mình đi ra, kéo tai thằng Mận ra chỗ tắm sau nhà.

Ông nội cười cười, thật khó mà nói được ông đang nghĩ gì khi ông lúc nào cũng đeo đôi mắt kính đen gọng tròn đó. Phải nói thật ông nội trông tôi giống mấy tên thầy bói trông vở hài ‘Thầy bói xem voi’ không thể tả được. Nhưng ngay sau đó cô Tằng lại nói vọng ra kêu hai đứa phải đi tắm mau mau nên dòng suy tưởng so sánh xem ông nội mình giống thầy bói xem voi cỡ nào bị cắt đứt. Tôi với Hường đành chào ông một cái (ông gật đầu) rồi chạy đi lấy quần áo mà ra tắm. Cái chỗ tắm của nhà cực đơn giản, nhưng rất vui. Nó chia làm hai ngăn, mỗi ngăn có một cái lu rất là to đựng nước lạnh (nhà nội không dùng nước nóng cho dù có đầy khả năng mua một cái máy nước nóng, tôi thật chẳng hiểu vì sao). Khi đứa nào tắm thì cứ lấy nước ở đấy mà dùng, chỉ có điều là dùng ít nước thôi kẻo đang tắm mà bỗng dưng hết nước thì phải chờ cho đến khi có người ra sân sau mà nhờ lấy vài gáo nước dùm.

Thằng Mận được mẹ mình đích thân tắm cho. Thằng bé ấy hết sức là bực bội, kêu lên mấy tiếng đại loại như “ Con nớn rồi chứ bộ! “ trước khi cô Tằng dội cả gáo nước vào đầu làm thằng nhỏ im bặt. Hường lần đầu tiên tắm kiểu này, cô nàng kêu oai oái khi lặp lại hành động y chang của cô tôi với thằng Mận, nghe giống như Hường bị ai đó dội cả tấn nước đá lạnh lên đầu ấy. Làm tôi không nhịn được mà nói vào câu ‘chê bai’ chị Hường con nhà giàu lá ngọc cành vàng chưa từng đi tắm nước lu. Cả hai đứa vừa tắm vừa đấu khẩu, không chê vào được.

Cuối cùng, cả ba cũng sạch sẽ, tinh tươm, ăn mặc đàng hoàng mà ăn cơm tối. Nhà nội đồ ăn dân dã, toàn bộ lương thực là tự trồng, tự gặt, không có thêm thuốc bảo quản gì hết, nên khi ăn, có một cái cảm giác rất “sạch” và “tươi” hơn đồ mua ở chợ _ vốn là vận chuyển từ những vùng trồng lương thực khác.

Một lần nữa, bữa ăn luôn luôn im ắng vì như tôi đã giải thích ở phía trên, vì ông nội không cho phép nói chuyện lúc ăn. Do vậy, tôi đành chơi trò nói chuyện bằng khả năng siêu nhiên với Hường. Tôi đảo mắt quanh cả bàn ăn:

- Mày có thấy khó chịu không?

Hường đảo mắt lại, nhìn nghiêng qua hai bên:

- Không, tao cũng thấy bình thường.

Tôi nhìn Hường trừng trừng:

- Mày giỏi thật đấy, tao sắp phát ốm rồi! _ Tôi nhìn về phía bố mẹ _ Nhà tao bình thường khi ăn là nói chuyện ỏm tỏi.

Mắt Hường cười cười:

- Mày trông buồn cười quá! Cứ như một con cún rầu rĩ ấy.

- Thì tao đang rầu rĩ thật mà.

Mắt Hường lạ đảo một vòng rồi nhìn lên một cành cây đằng sau tôi trước khi quay về nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Phàn nàn nhiều quá đấy cô nương.

Tôi đảo mắt:

- Hì hì, không quen thôi mà.

Hường giật bắn mình:

- Linh, mày bị đau bụng à?_ Hường bỗng dưng chẳng làm cái trò thần gia cách cảm nữa mà nói thẳng, mắt nhìn tôi trừng trừng, kiểu lo lắng. Mọi người cùng một lúc cũng đổ dồn về phía tôi đang ngồi

- Hả? Làm gì có! _ Tôi khua khoắng cái đũa cầm trong tay, mặt mày cố gắng phân trần trước cái nhìn chăm chú và nghi ngại của cả nhà.

- Thì lúc nãy mà ra hiệu bằng mắt cho tao thế mà! _ Hường vẫn còn ngạc nhiên, nhìn tôi chăm chăm.

Thở dài, nói chuyện bằng thần giao cách cảm thường có những cái hậu quả như thế này đấy.

***

Trời đã tối, nhưng thực ra mới có tám giờ, tôi với Hường chẳng biết làm gì, đành đi theo thằng Mận và Sen qua nhà lũ bạn chúng chơi. Chơi với một lũ mười đứa trẻ con kém mình gần chục tuổi làm hai chúng tôi chẳng biết làm gì, chỉ ngồi nghe lũ kia kháo nhau. Đêm nay trăng tròn, lũ trẻ sẽ ngồi trên cái phản của nhà thằng Dương mà tổ chức thi kể chuyện ma.

- Và cô gái đứng dậy, ôm lấy anh người yêu mà khẽ khàng: ‘Em với anh sẽ ở bên nhau mãi mãi, anh nhé!’. Anh người yêu mỉm cười, ôm lấy cô, rồi nhẹ nhàng cắn vào cổ cô gái, hút hết máu: ‘Mãi mãi’. Xác cô rơi xuống đất, máu me đầy người…

- Nhưng anh kia hút hết máu rồi thì làm sao còn có máu nữa? _ Một con bé tên Thụy mặc áo xanh lên tiếng một cách cực kì ngây thơ. Thằng Mận vừa nghe xong đỏ hết cả mặt. Dưới cái ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn bé tí duy nhất trong cả căn phòng, nhìn nó như đang bị tắt mạch.

- Ờ thì, vì ảnh hút hết máu nên máu trên người cô người yêu là..là..là của ảnh! Mà hỏi nhiều quá! Để người ta kể tiếp chứ!

- Ờ, im đi Thụy, Mận đang kể chuyện cơ mà! _ Một con bé khác buộc tóc thành bím kêu lên làm nhỏ Thụy vừa định vắt véo thằng Mận một lần nữa vội ngậm miệng lại. Nhờ thế, thằng em họ tôi lấy lại được cái ‘uy thế’ người kể chuyện, ho húng hắng lấy giọng kể tiếp.

Nói thật là mấy đứa nhóc này kể chuyện nghe rất đáng chán. Nhưng giờ đây cả nhóm đang ngồi trên một tấm phản bé tí tẹo, đèn điện tắt hết để thêm phần rùng rợn, giữa phản là chiếc ngủ be bé chỉ đủ để cả lũ nhìn thấy mặt nhau thì tất nhiên độ đáng sợ của câu truyện được tăng lên gấp chục lần. Thằng Mận vẫn đang kể câu chuyện về một tên nào đó vì ngu mà biến thành ma quỷ đi hút máu người, và câu chuyện này thì lỗ hổng vô số. Nhưng mỗi lần có đứa nào nêu ra cái sự vô lí thì lại bị một trong những đứa còn lại kêu im đ. Cả lũ (nghĩa là trừ tôi và Hường) cầm lấy tay nhau run run nghe truyện, mỗi lần Mận kể đến đoạn rùng rợn rồi còn làm động tác minh họa như nhảy chộp một đứa bất kì giống ‘anh người yêu’ trong truyện của nó thì lũ con gái không hẹn mà cùng ré lên như gá mắc tóc.

Nhưng cũng không thể nói là không vui, tôi vốn chưa từng tham gia nghe kể chuyện ma như vậy bao giờ nên cũng thấy hay hay.

Thằng Mận kể vừa xong chuyện thì tới thằng Dương. Thằng này mặt mày nhìn hết sức ‘nghiêm trọng’, cũng giả bộ ho húng hắng, và khi thấy đầy đủ các con mắt đã hướng về phía mình, nó giả trọng trầm trầm nghe như bị đau họng:

- Nhân dịp hôm nay có thêm hai chị từ Hà Nội vào chơi, em xin kể cho mọi người nghe nại một câu chuyện ma có thật trong chính nàng ta.

- Hửm? _ Không nói thì rằng cả tôi lẫn Hường đều trợn mắt nhìn nhau. Tôi không tin rằng làng nội tôi có ma đó, mấy chuyện ma có thật này tất nhiên là hay hơn chuyện ma bình thường rồi.

- Vâng, như mọi người trong nàng ta đều biết, cuối nàng có một ngọn đồi rất to. Và đặc biệt, trên ngọn đồi ấy có một ngôi chùa nhỏ. Theo nời cụ Bính, người già nhất làng ta và cũng là cháu của cụ Tôn, một trong những người đầu tiên thành lập lên làng, thì ngôi chùa ấy đã có mặt trên đồi từ khi toàn bộ khu này vẫn chỉ là rừng. Tất nhiên sẽ chẳng có gì nạ nếu cụ Bính nhớ nhầm, hay trước làng ta đã có người sống ở đây và xây nên ngôi chùa ấy rồi bỏ đi cho đến lúc rừng mọc lên và cụ Tôn tới khai phá cả. Nhưng cái lạ là ở chỗ, lâu lâu, lại xảy ra những vụ mất tích bí ẩn với quần áo hay một số đồ vật của người bị mất tích được tìm thấy gần ngôi chùa vào ngày hôm sau…

Sao giọng thằng này giống ông cụ non thế nhỉ?

- …Vâng, vì vậy, ngọn đồi đó chính là cấm địa có một không hai của làng ta. Cám ơn mọi người đã lắng nghe.

Thằng Dương mặt nghênh hết cả lên, khoanh tay chờ được tán thưởng. Có vài tiếng ‘bốp, bốp’ rời rạc. Mọi người nhìn nhau tự hỏi: ‘Có thế thôi sao?’. Mà cách kể truyện của thằng Dương nghe như nó đang đọc toàn bộ câu chuyện ra từ một cuốn sách giáo khoa hơn là đang kể chuyện ma. Đến cái ánh sáng lờ mờ chỗ này cũng chẳng thể nào làm câu truyện ngắn củn cun của nó thêm đáng sợ hơn là một đoạn chú thích cho truyện Kiều.

Nhỏ Hường huých tôi, í chỉ tôi vỗ tay cho Dương, dù sao đi nữa thì nó cũng kể chuyện này gần như cho hai đứa tôi nghe nên cũng phải biết cám ơn nó. Tôi cũng vỗ bộp bộp lấy lệ. Người kể chuyện không thú vị, nhưng nếu nghĩ lại, câu truyện nó lại rất thú vị. Làng tôi có ma à? Hay thế, tôi chưa thấy ma bao giờ.

- Ờ, vậy thì ngôi chùa đó ở đâu vậy em? _ Hường hỏi một cách dịu dàng. Thằng Dương chỉ tay ra cửa sổ một cái phắt, mặt vẫn còn nghênh lên. Mọi con mắt ngay lập tức đều nhìn theo hướng nó chỉ. Đêm nay trăng rằm, vừa tròn vừa sáng, cộng với ánh đèn điện từ những ngôi nhà còn lại trong làng đã đủ để làm rõ một bóng hình xa xa của một ngọn đồi với cây cối um tùm. Tất nhiên là chẳng nhìn thấy ngôi chùa nào cả, nhưng cái vẻ mờ mờ ám ám của những rặng cây không rõ hình thù vẫn đủ để người nhìn lăn tăn trong lòng.

- Vậy thì đã có ai mất tích rồi hả em? _ Đến lượt tôi hỏi.

Nhưng thằng Dương chưa kịp mở miệng thì con Thụy đã nhanh nhảu trả lời giùm nó:

- Có chú Vĩ đầu nàng đó chị. Mới ba năm trước à, chú ấy bảo sẽ qua nhà ông Tôn cuối xóm để nấy đồ. Nghe nói chú ấy thấy đi vòng qua ngọn đồi thì mất công quá nên đi xuyên qua nuôn. Từ đó chẳng ai thấy chú đấy lữa. Vợ chú khóc quá trời luôn chị. Mấy chú công an đi tìm thì thấy cái áo khoác của chú ở một rặng cây trên đỉnh đồi.

- Đùng rồi đó, còn lâu hơn thì em nghe mẹ kể rằng chừng chục năm trước tự dưng ba đứa trẻ trong nàng biến mất. Mọi người đành nhờ mấy chú công an đi tìm, tìm khắp nàng, rồi qua nàng khác, qua sông, qua đồng, vậy mà chẳng thấy đâu. Mấy hôm sau có ba chú công an nên đồi tìm thì thấy ba đôi dép còn rất sạch sẽ bên cạnh ngôi chùa, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy mấy đứa trẻ đâu.

Nghe lũ trẻ vừa nói ngọng vừa nhao nhao kể cũng làm tôi bất chợt lạnh sống lưng. Kinh dị quá đi thôi. Tí đi về thì phải cẩn thận tránh xa cái đồi đó mới được! Cũng theo mấy đứa khác nói, cái đồi không chỉ là cấm địa mà mà còn là một câu truyện bị người lớn trong làng cấm không được kể cho ai khác ngoài làng. Họ sợ sẽ có người tới rồi đòi làm lớn chuyện người mất tích thì làng sẽ rất khốn đốn. Nhưng tất nhiên cái vụ đó không thể cấm được cái mồm của lũ choai choai này. Chúng hình như chỉ làm ngoại lệ với tôi và Hường là vì dù gì, tôi cũng là người làng. Và bởi vì chúng nó muốn kể chuyện này cho người khác lắm rồi nhưng bị cấm nên càng không chịu được. Người mất tích xung quanh cái đồi bí ẩn đó trải dài suốt thời gian làng tôi ở đây, đôi lúc là có người không sợ ma mà tự nhiên đi lên đồi, hay là có kẻ vì không biết gì mà chạy lên đồi chơi. Tất cả đều không trở lại...

Tôi không thể nói là không thấy sợ trước mấy câu chuyện này. Nhưng sau đó là đến lượt tôi và Hường kể chuyện rồi, tôi loay hoay không biết kể cái gì mà quên luôn cả cái sợ mới phát sinh. Cả hai đứa quyết định làm chung do cả Hường lẫn tôi vốn không biết nhiều và không thích nhiều những thứ gì kinh dị cho lắm. Nhưng tất nhiên thật khó để nghĩ ra một cái gì đó đủ tầm kinh dị cho mấy đứa này nên tôi quyết định kể cho chúng nó về kênh Nhiêu Lộc và một ông uống rượu say lỡ ngã xuống sông mà nổi mẩn đỏ chết từ từ suốt mấy tháng sau. Và cả lũ nghe xong thì mặt tái mét hết.

Lúc đi bộ về nhà nội với Mận và Sen thì tôi đột nhiên lại thấy sờ sợ, nhìn quanh quất tìm ngọn đồi bị ám. Và nó vẫn ở đó, xa xa về hướng tây, u ám đến kinh hoàng. Tôi vội cầm lấy tay Hường, hai đứa nhìn nhau và tôi nhận ra bàn tay Hường cũng lạnh ngắt như tay tôi. Có vẻ như Hương cũng đang suy nghĩ về ngọn đồi ma đấy nên tự động nắm lấy tay tôi. Và rồi, càng gần đến nhà, càng nhìn rõ ánh sáng của ngôi nhà nội, lòng tôi càng ấm lại.

Nhưng ánh sáng ấy, nhìn xa thì thấy bình thường. Lại gần, lại mập mờ vô định, làm lòng tôi quặn lại.

Chỉ từ xa, cái cảm giác nhốn nháo đã tỏa ra từ nhà nội. Không nói không rằng, cả bốn đứa tôi không còn đi bộ mà lập tức chạy về phía ngôi nhà. Tôi với thằng Mận chạy tới trước tiên, cậu Tông đang đứng ngay cửa vào gian nhà sau, mặt xanh như tàu lá chuối. Một linh cảm xấu xí cuộn lên trong lòng, tôi như nhảy vọt vào bên trong. Nơi đó, mọi người đang đứng hay ngồi quanh giường bà nội. Ông ngồi bên, tựa như không thở nổi, cứng đơ ra nhìn xuống đất. Trên giường là bà nội. Bà nằm, mắt nhắm nghiền, thở khó nhọc. Cái vẻ vui tươi như một đứa bé ba tuổi mà tôi đã quen từ ngày đầu tiên về quê biến mất, thay vào đó là sự yếu ớt của tuổi già và bệnh tật. Hường lẫn Sen và Mận đều đã đến đứng sau lưng tôi, bốn đứa đều hiểu chuyện gì đang diễn ra.

- Bà bị ốm hả mẹ _ Tôi im lặng đến chỗ mẹ, người đang đứng phía cuối giường, ờ đầu bên kia, cô Hường đang khóc một cách im lặng, không để những người khác thấy.

- Bà bị đột quỵ, mẹ đã bắt mạch cho bà rồi, nhịp tim cũng bình thường trở lại, nhưng bà giờ yếu lắm _ mẹ mím môi, và rồi, nói ra lí do thực sự vì sao tất cả mọi người im lặng như vậy cho mẹ nói bà đã ổn _ Bà hôn mê rồi con. Hôn mê nặng lắm.

Mặt tôi biến sắc, bên tôi, Hường, Mận, Sen cũng vậy. Chúng tôi nhìn nhau bàng hoàng.

- Mẹ..mẹ gọi xe cứu thương chưa? _ Giọng tôi như đang run lên.

- Rồi, họ sẽ tới ngay trong vòng một tiếng nữa.

Như không còn gì để hỏi, tôi nhìn quanh căn phòng bé nhỏ, ông đã đi ra ngoài vườn sau, chú Tống thì kê cái ghế gần đầu giường mà ngồi. Mặt chú nhìn như đã già chục tuổi, đôi mắt lo lắng nhìn vào bàn tay bà gân guốc và gầy nhom. Vợ chú ngồi bên, cầm tay chồng.

- Mấy đứa đi ra đi cho bà nghỉ _ mẹ tôi nói nhẹ nhàng, mỉm cười một cách buồn bã. Thế là cà bốn lại nối đuôi nhau đi ra ngoài phòng khách. Tôi ngồi trước cái tivi, bấm qua mấy cái kênh truyền hình một cách vô thưởng vô phạt rồi cuối cùng lại tắt đi. Đèn điện sáng trưng nhưng không hề ấm áp. Hường ngồi cạnh tôi, cũng nhìn về đâu đó.

- Mày có sao không? _ Hường nhỏ nhẹ

- Chẳng sao cả, có gì đâu mà sao.

- Mặt mày xanh lè rồi kia _ Giọng bạn tôi nghe như đang sợ tôi sắp khóc

Và tôi thì im lặng.

- Xin lỗi nhé, đi chơi với tao tự dưng mà lại phải thấy chuyện này.

- Không sao, không sao _ Hường vẫy tay, nhưng cái không khí nặng nề khắp nhà lại tràn đầy giữa hai đứa. Chúng tôi cùng đứng dậy rồi tôi với Hường đi ra ngoài sân, như cố gắng tránh đi khỏi mọi người. Từ nhỏ, cả hai đứa chúng tôi đã làm chuyện này nhiều lần rồi.

Gió mát, trăng thanh, bà hôn mê....

Đúng như mẹ nói, chỉ một lúc sau là tiếng còi cứu thương đã inh ỏi cả làng. Mọi dân làng túm tụm lại trước nhà khi bốn chú mặc áo blouse trắng khênh bà vào xe rồi phóng đi. Cả nhà tôi như đã bàn trước, mẹ tôi, chú Tông và vợ chú sẽ đi theo, mọi người còn lại ở nhà.

Tôi im lặng lúc đi ngủ hôm ấy. Cũng có chút nói chuyện với Hường, nhưng cũng như những cuộc chuyện trò khác, đi vào im lặng sau vài giây. Tôi nằm nhìn lên tường, và tôi nhận ra, mình hoàn toàn không thấy buồn gì cả, cũng như chẳng lo lắng gì bà nội.

Chỉ thấy trống rỗng, như rằng đáng lẽ tôi nên lo, nên buồn, nhưng lại không thấy gì. Lúc nãy tôi cũng chỉ cảm thấy bất ngờ, nhưng lo lắng thì không. Tôi như vô cảm, trước cái đau buồn và lo lắng của cả gia đình với người mẹ, người bà của họ.

Những chuyện như thế này tôi hay nói với Hường, nhưng giờ Hường đã ngủ rồi, mẹ thì đi trông nom bà. Chỉ còn bố thôi.

Nhưng mà, bố đâu rồi?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.