Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 6: Hái dẻ (4)




Cô gái Mông Cổ tên là Thải Châu, cao lớn khỏe mạnh, khuôn mặt cũng đầy đặn xinh đẹp, hé miệng cười rộ, hàm răng trắng đều tăm tắp như phát sáng, là một cô gái cao quý bát tự may mắn. Lúc mới vào cửa, trên dưới vương phủ gửi gắm rất nhiều hi vọng vào cô, hi vọng bầu không khí vui mừng của nàng dâu mới tới có thể xua đi bệnh tật của lão vương gia, hi vọng cô có thể nhanh chóng sinh thêm con cháu cho tiểu vương gia đã độc đinh mấy đời, thậm chí là hi vọng cô có thể xoay chuyển vận mệnh của gia tộc đang càng ngày càng u sầu suy sụp vì vương triều thay đổi này.

Nhưng chuyện hoàn toàn chẳng hề như vậy.

Mùa thu năm 1925, Thải Châu làm tiểu vương phi của vương triều cũ đã được mấy năm, ngồi xe lửa từ Bắc Đới Hà về Phụng Thiên, vừa xoay xoay cái nhẫn vàng trên ngón trỏ, vừa nhớ lại tình cảnh khi mình mới vào vương phủ.

Người đàn ông trẻ tuổi vén khăn voan đỏ của cô lên, nhìn ngắm dáng hình cô với nụ cười mỉm nhuốm chút hiếu kỳ. Cô chỉ liếc chàng một cái rồi lại cúi đầu xuống, nhưng trong lòng đã khắc sâu khuôn mặt điển trai của chàng. Người đàn ông từ nay sẽ là chồng cô này cùng tuổi với cô, ban đầu đối xử với cô không tệ, ăn cùng bàn, ngủ cùng giường, làm mọi thứ mà một người chồng cần làm. Nhưng dần dần, cô lại cảm thấy có gì đó không đúng, nhưng không đúng chỗ nào thì lại không chỉ rõ ra được, nghĩ bụng có lẽ cuộc sống trước đây như thế nào thì cuộc sống trong vương phủ cũng là như vậy thôi.

Khi đó lão vương gia và phúc tấn (*) vẫn còn sống, vương phủ còn có hai vị trắc phúc tấn, sinh được bốn cô con gái làm cách cách (**), sống trong phủ chờ ngày xuất giá, còn có hai vị tiểu thư họ hàng từ Hắc Long Giang tới đây ở nhờ, ngoài những người này ra, con gái trẻ tuổi trong phủ cũng chỉ còn lại mỗi Minh Nguyệt. Thải Châu thấy cô bé này còn rất nhỏ tuổi, mặt mũi xinh xắn đáng yêu, mặc đồng phục trường Tây, ngày ngày đạp chiếc xe đạp màu xanh lá tới trường. Thải Châu biết lai lịch nàng qua lời kể của người khác, nhưng mỗi người lại nói một kiểu khác nhau. A hoàn Mộc Vân cô dẫn theo từ nhà vừa chải đầu cho cô vừa thuật lại tin tức lấy được từ người khác, tóm lại, đại ý là cô gái này không chỉ có cha từng liều mình cứu mạng lão vương gia mà bản thân nàng từ nhỏ cũng được tiểu vương gia chăm sóc, bây giờ gần như là được nuôi dưỡng như một vị tiểu thư trong phủ.

(*) Thời Thanh, vợ của thân vương và quận vương thì được gọi là phúc tấn (福晋).

(**) Thời Thanh, con gái thế gia quý tộc nói chung đều được gọi là cách cách (格格).

Thải Châu nghe xong nở nụ cười, nói với a hoàn thuật lời: “Cẩn thận cái mồm đấy, gì cũng dám nói được. Chưa nói bản thân cha con bé đó vốn là người của vương phủ, thay vương gia đỡ đạn là chức trách phải làm, mà cho dù cả nhà họ có nạp mạng thay vương phủ, con bé này nên là thân phận gì thì vẫn là thân phận đấy.”

Mộc Vân cũng che miệng mỉm cười: “Là em ngu xuẩn, tiểu thư dạy phải.”

Lời đồn nghe thì hoang đường nhưng vẫn gieo được mầm hoài nghi vào lòng người, hoàn cảnh sống, những chuyện từng trải qua từ nhỏ của người con gái quý tộc này đã nói cho cô biết rằng, càng là bầu không khí yên tĩnh quy củ thì càng dễ nổi lên những mâu thuẫn không tưởng, mà càng là nơi xa xỉ tráng lệ thì lại càng cất giấu những tâm tư không thể để người khác biết.

Cảm giác không lành này được chứng thực vào một buổi hoàng hôn đầu hè.

Thải Châu bảo Mộc Vân mời Minh Nguyệt tiểu thư vừa tan học về sang phòng mình, mời nàng nếm thử trà nước bánh trái từ Mông Cổ mang tới. Khi trò chuyện khó tránh khỏi nhắc đến những chủ đề mà con gái thường tán gẫu với nhau – thích xem sách xem kịch gì, lúc rảnh rỗi đi đâu chơi, giáo viên ở trường có nghiêm khắc hay không, bạn cùng lớp có hoà thuận không, hai ngày nữa may quần áo mùa thu, bàn xem chọn chất vải nào thì tốt.

Nói nói một hồi, Thải Châu nhẹ nhàng cầm tay Minh Nguyệt, chống cằm nhìn chiếc đồng hồ khảm đá thạch anh màu bạc trên cổ tay nàng, cười hỏi: “Cái này sao trông giống cái của ta thế?”

Minh Nguyệt đáp: “Đây không phải là quà tiểu vương gia đi Thượng Hải về tặng cho mỗi người sao?”

Mắt Thải Châu không rời chiếc đồng hồ kia: “Chàng đối xử với cô tốt thật.”

Con bé này cũng không hẳn là ngờ nghệch, cẩn thận dè dặt sửa lại lời cô: “Tốt như anh trai ạ.”

“Tốt như anh trai?” Tim Thải Châu thình lình bị mấy chữ này châm chích, khóe miệng cô vẫn còn treo nụ cười, lời càng nói càng chậm, giọng điệu càng nói càng cứng rắn: “Tiểu Minh Nguyệt, nói cô không hiểu chuyện, bản thân cô còn không chịu để tâm. Chàng là anh trai ai cơ? Chàng là anh trai Hiển Du, Hiển Cửu, Hiển Vĩ, sao có thể là anh trai cô? Hai người chúng ta nói chuyện với nhau thì cũng thôi, lời này lỡ như bị người khác nghe thấy, người ta sẽ cười cô hay là cười cái nhà này đây?”

Đến tận giờ, Thải Châu vẫn còn nhớ rõ ánh mắt Minh Nguyệt lúc đó, nàng ngẫm ngợi đôi lát, không có vẻ gì là bị lăng nhục, cũng không vì vậy mà nổi sùng lên, ngược lại, như đồng ý với lời cô từ tận đáy lòng, nàng lặng lẽ mà bình thản gật đầu: “Phu nhân nói phải.”

Nàng lại ngồi một lúc, trò chuyện thêm đôi câu rồi mới xin phép rời đi, vừa ra tới cửa thì Hiển Sướng trở về.

Hơn bảy giờ tối, đã tới giờ dọn cơm, chàng đẩy cửa bước vào, vừa trông thấy Minh Nguyệt liền nhoẻn cười: “Minh Nguyệt tới đó à? Phải về rồi? Ở lại đây ăn cơm đi…”

Nghe nói, những người đến cuối có thể nên duyên vợ chồng với nhau nhất định sẽ có chút tương đồng. Lúc Thải Châu mới vào phủ cũng từng nghe thân thích bàn tán cô và Hiển Sướng trông giống nhau. So ra thì, nói họ giống nhau nghe mới miễn cưỡng làm sao, bảo là lời nịnh hót chúc tụng thì phải hơn nhiều. Ngày đó, Thải Châu phát hiện ra, dung mạo của Uông Minh Nguyệt còn giống Hiển Sướng hơn cả đám em gái chàng, đều là mày dài mắt dài, giống đến mức khiến người khác phải đố kỵ, đồng thời thần thái của hai người họ cũng mang một vẻ ăn ý lâu ngày thần bí. Hiển Sướng đầu tiên là gắp cho cô một miếng cá, sau đó múc một muôi canh củ cải thịt bò vào bát Minh Nguyệt. Nàng ngẩng đầu nhìn chàng, chàng nháy mắt với nàng. Thải Châu biết, miếng cá gắp cho cô chỉ là làm nền, múc canh cho Minh Nguyệt mới là chuyện Hiển Sướng muốn làm. Cô đồng thời cũng nhận ra mình đến vương phủ thấy lạ rốt cuộc là ở chỗ nào: Hiển Sướng là chồng cô, nhưng mắt chàng, tim chàng đều chưa từng có cô.

Thải Châu không nói gì.

Nhưng từ đó về sau, trong lòng cô như có một con sâu toàn thân chi chít gai nhọn bò loạn khắp nơi, vừa đau vừa ngứa. Đau là, cô còn trẻ, vừa gả vào vương phủ, còn chưa kịp đứng vững gót chân, chưa sinh được một trai nửa gái nào để chứng minh cho tình yêu và sự khỏe mạnh của mình thì đã chạm mặt một kẻ địch địa vị hèn mọn nhưng lại đến sớm một bước ở ngay nơi gần nhất; ngứa là, con bé kia nhìn có vẻ ngây thơ đáng yêu, không chút tâm cơ, như giọt sương sớm trong lành thơm ngát của mùa xuân nơi thảo nguyên, cô phải làm thế nào mới có thể vừa thông minh lại không mất phong độ diệt trừ nó đây?

Biện pháp đầu tiên cô nghĩ ra là phải gả con bé bạn chẳng ra bạn thân chẳng ra thân sống trong nhà này đi. Thời cơ vừa đúng, cứ như thể ông trời cũng muốn giúp cô một tay vậy. Môn đồ trước đây của lão vương gia ăn nên làm ra ở Quảng Châu, điều kiện rất tốt, mang quà các đắt tiền và dược liệu hiếm có tới phủ cảm tạ ân đức khi trước của vương gia.

Vương gia lúc này đã nằm liệt giường không dậy nổi, không muốn gặp khách, là phúc tấn đứng ra mở tiệc khoản đãi. Môn đồ là người khôn khéo, cả một bữa cơm cứ không dứt tán tụng lời hay ý đẹp mang ơn đội nghĩa, ăn xong rồi mới đưa ra một yêu cầu lỗ mãng: Muốn thay con trai mình cầu hôn đại cách cách Hiển Du.

Khi đó, phúc tấn đặt chén trà xuống: “Tiễn khách.”

Buổi tối, lúc Thải Châu hầu hạ phúc tấn rửa mặt chải đầu, lão phúc tấn vẫn chưa thôi căm tức: “Cha hắn vốn là phụ tá quản lý sổ sách, bản thân hắn năm Quang Tự thứ sáu đỗ cống sinh (*), ở lại trong phủ nghĩ kế, đợi một chức vị trống ở kinh thành. Bình thường vẫn hay một mình im ỉm, cũng chẳng thấy vương gia đặc biệt đối đãi với hắn bao giờ, tự dưng tới tặng lễ tạ ơn thế này, ta đã cảm thấy quái lạ, ra là có ý đồ như vậy.”

(*) Thời kỳ khoa cử, những tú tài nổi trội đến từ phủ, châu, huyện được tuyển vào học trong Quốc Tử Giám thì được gọi là cống sinh (贡生).

“Hắn làm gì cũng đâu bịp được mẹ chứ.”

Phúc tấn cười nhạt: “Đến tiểu hoàng thượng còn đang suy vong nữa là, ta phải nghĩ đến hoàng thượng, lòng mới có thể thoải mái hơn được chút, nếu không cứ nghĩ đến chuyện ngay cả một tay buôn Nam Dương cũng dám đòi cưới đại cách cách nhà mình về làm dâu là ta lại tức nghẹn, con hiểu không Thải Châu? Tức đến nghẹn luôn ấy…”

Cô nhẹ nhàng chải mái đầu bạc trắng của phúc tấn, không tiếp lời.

Phúc tấn ngước mắt nhìn cô qua gương: “Con nghĩ thế nào?”

“Con buôn cũng có người này người kia mà…”

“… Có ý gì?”

Thải Châu cúi đầu cười khẽ, lòng sáng như gương: Lúc đó phúc tấn mặt biến sắc nói tiễn khách, là đang thể hiện “phong thái”, còn gọi là thể hiện “uy nghi”, nhưng có cách gọi còn có lý hơn, bà đang chờ người khác nói hộ lòng mình.

Thải Châu nói: “Cũng là người xuất thân học hành, đạo lý phải hiểu được không ít. Về thân phận địa vị, mẹ cũng nói rồi đấy, đến hoàng thượng còn phải nhường lại Tử Cấm Thành, quý tộc sa sút nào có ít gì đâu, chọn nhà chồng cho các cô nương từ mấy nhà này khó mà trông cậy được lắm, ngạch nương (*).”

(*) Xưng hô gọi mẹ trong các nhà quý tộc Mãn Thanh, với cha thì gọi là a mã.

“…”

“Là môn đồ nhà mình, biết được gốc rễ.” Thải Châu nói tiếp, “Từ xa tới đây, có thể nhìn ra rất có thành ý.”

“Ta là sợ thiệt thòi cho đại cách cách…” Phúc tấn thở dài một hơi, “Nhà chồng ít nhất cũng phải có bối cảnh hoàng thân quốc thích, chứ đi xã giao bàn chuyện làm ăn mà lại khoe có con trai cưới được đại cách cách nhà vương gia kỳ chủ… Mặt mũi của chúng ta…”

Thải Châu cúi người xuống, lắc đầu bên cạnh phúc tấn: “Ngạch nương nói phải. Bởi vậy nên, không thể gả đại cách cách đi được.”

Phúc tấn quay sang nhìn cô: “Vậy con…”

“Minh Nguyệt. Vừa là người trong phủ, vừa không phải là con gái vương gia.”

Phúc tấn nghĩ nghĩ, chân mày cau lại: “Nhưng đối tượng người ta muốn cầu hôn…”

Giọng Thải Châu nhỏ lại: “Mẹ coi con bé nó như cách cách mà gả, bọn họ dám không coi là cách cách mà lấy sao?”

Phúc tấn nghe cô nói, trầm ngâm một lúc lâu, nhìn Thải Châu, rồi cúi đầu ngẫm ngợi, rồi lại ngước lên nhìn cô, mãi sau mới cười: “Minh Nguyệt từ nhỏ đã theo Hiển Sướng, con có biết không?”

“…”

“Thải Châu, con là một đứa trẻ thông minh, ý kiến này của con rất hay, ta định sẽ nghe theo lời con, bàn bạc thử với vương gia.”

“Quyết định vẫn là do a mã và ngạch nương ạ.”

“Nhưng có chút chuyện ta phải nói rõ với con: Ở triều đại nào thì đàn ông cũng vẫn là đàn ông. Minh Nguyệt này con đưa đi rồi, có thể sẽ vẫn có Minh Nguyệt khác vào cửa, hiểu không? Làm phụ nữ hiền lương thì không thể nắm chặt quá mức.”

“Ngạch nương nói gì vậy chứ…”

“Con đi đi, ta mệt rồi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.