Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 44: Xa cách (1)




“Đây là một bài hát, có lời, em từng nghe chưa?”

Minh Nguyệt ngồi thẳng dậy, thấy rõ được là Azuma Shuji, lại cũng chẳng mấy kinh ngạc, mỉm cười: “Không biết chúng ta nghe có phải cùng một bài hay không.”

“Vùng vẫy bao lần chỉ để truy tìm hương thơm người. Gai nhọn của người, mỗi cái đều đem bao thương tích cho ta Vốn là một bài thơ cổ của Bulgaria, được người Anh phổ nhạc, tên là ‘Hoa hồng’.” Azuma Shuji chậm rãi đọc bằng tiếng Nhật.

“Hồi trung học, thầy giáo tiếng Anh từng dạy bản thơ.” Minh Nguyệt nói, “Lúc đó em rất thích, các bạn học còn học hát nữa.”

Shuji chìa tay phải ra: “Bài này nhịp chậm bốn bước, có bằng lòng cùng nhảy một điệu không?”

Minh Nguyệt đồng ý, đưa tay cho anh. Shuji dẫn nàng vào sàn nhảy, hai người ôm nhau khiêu vũ trong sự dìu dắt của tiếng nhạc.

Cảnh tượng này xảy ra vào đầu xuân năm 1926 ở thành phố Phụng Thiên.

Lòng tham và dục vọng của một quốc gia đối với một quốc gia khác còn chưa biểu hiện quá rõ ràng, chiến tranh vẫn chỉ đang được ấp ủ trong đầu các quân nhân và thương nhân, cục diện thực tế vẫn được duy trì tương đối chậm rãi và bình tĩnh.

Một ký giả tới phỏng vấn chụp được ảnh một cặp nam nữ trẻ tuổi ôm nhau cùng khiêu vũ, hôm sau đăng lên chuyên mục về cuộc sống thành thị của báo chiều. Trong hình, gương mặt của họ khá mơ hồ, nhưng từ đường nét sườn mặt và tư thế cơ thể có thể thấy được họ đều đang trong độ tuổi hoa, ngoại hình đoan trang mỹ lệ. Thân mình người đàn ông hơi nghiêng về phía trước, cô gái thoáng ngửa ra sau, điều này khéo léo thể hiện mối quan hệ cảm mến và được cảm mến tồn tại giữa họ.

Chuyện này cách ngày nay đã tám mươi lăm năm.

Tác giả viết câu chuyện chỉ có thể xem bức ảnh này trong tài liệu sao chụp báo chí cũ ở thư viện thành phố Thẩm Dương. Nó chỉ to cỡ nửa bàn tay, được máy chiếu phóng to thành kích cỡ bằng nửa mặt bàn trên màn chiếu trắng, có thể nhìn thấy những nếp nhăn xù xì và những điểm ố vàng trên trang giấy.

Chênh chếch đối diện tôi là một cụ già đeo kính lão, trong tay cầm kính lúp, đang xem một cuốn tạp chí những năm 70. Thư viện sáng thứ Bảy rất vắng vẻ, trong phòng đọc chỉ có tôi và cụ già này.

Tôi hơi nhức đầu, tối hôm trước đi hộp đêm với hai cô bạn độc thân, một trong hai người vừa qua sinh nhật hai mươi tám, chúng tôi dự định phải ăn mừng một bữa hăng hết nấc, vừa vào đã gọi mười lăm ly cocktail rượu mạnh, ly rượu tinh xảo treo ngược trên dàn giá chạm rỗng, chia ô 3×5, chất lỏng màu sắc tươi tắn xán lạn, hệt như cuộc sống về đêm của thành phố này.

Trên sàn nhảy của hộp đêm năm 2011, chúng ta không thể nghe thấy giai điệu bài dân ca châu Âu diễn tấu bằng vi-ô-lông. Đàn ông và phụ nữ ôm tay nhau khiêu vũ, thân thể lễ phép cách ra một khoảng lại càng không thể nhìn thấy. Ca sĩ hát tối đó là một cô gái da đen và ban nhạc ba người của cô ấy, cùng diễn là hai cô nàng múa quanh một cái cột trên bục cao, nhịp trống có thể rung động cả trái tim của một người không thích rượu. Trong sàn nhảy, trai gái thân mật ôm lấy nhau, những tiếp xúc và cọ sát cơ thể cách lớp trang phục cũng đem lại được một khoái cảm kỳ diệu, nhất là khi đa số bọn họ đều chỉ mới quen, thậm chí là người xa lạ, quay đầu đi là chẳng gặp lại nhau nữa.

Nhạc êm rượu ngon, hát hay múa đẹp là phương thức theo đuổi ái tình quá xưa cũ, cao quý lãng mạn nhưng đã lỗi thời.

Tôi vẫn đang xem tấm ảnh ấy, thầm nghĩ nếu bỏ đi những yếu tố thời đại và chính trị, nếu tôi là cô gái trong câu chuyện này, tôi cũng sẽ yêu người đàn ông này hơn một chút. Dịu dàng sẽ khiến một người đàn ông trở nên gợi cảm không gì sánh bằng, huống chi, từ nhỏ nàng đã khuyết thiếu và mong mỏi được người ta đối xử dịu dàng.

Tiếng nhạc ngừng. Họ buông tay. Nữ chủ nhân Ikenaka Noji tiến lại hỏi: “Shuji-kun quen Minh Nguyệt tiểu thư à?”

Shuji gật đầu.

Minh Nguyệt nói: “Lần trước đã nói với anh rồi, em muốn tìm một công việc, giờ đã tìm được, em dạy tiếng Trung ở trường tiểu học Nhật kiều.”

“Bao lâu rồi?”

“Gần một tháng.”

“Minh Nguyệt tiểu thư, em…”

Vừa qua mười lăm, tiểu vương gia đã rời nhà đi Thiên Tân. Trước đó không nhắc nhỏm gì, mãi đến buổi tối trước khi đi một ngày mới gọi Minh Nguyệt và Thải Châu tới phòng mình cùng dùng bữa, ăn được nửa chừng thì thông báo với vẻ hời hợt: “Ta phải đi Thiên Tân Vệ một chuyến.”

Thải Châu ngẩng lên nhìn chàng: “Vương gia đi làm gì?”

“Đi chơi.”

“Định đi bao lâu?”

“Một hoặc hai, ba tháng gì đó, chưa xác định.”

“Đi tàu thủy hay tàu hỏa?”

“Đi tàu hỏa tới đảo Hồ Lô rồi đi thuyền.”

“Bao giờ lên đường?”

“Sáng sớm mai.”

Minh Nguyệt không nói một câu nào, nghe chàng nói sớm mai đi thì mới ngẩng đầu lên nhìn chàng một thoáng. Họ đã không nói gì với nhau gần mười ngày rồi, trong lòng đều cảm thấy không tự nhiên. Minh Nguyệt ghi hận chàng bày quỷ kế hãm hại Shuji, mình hết lời cầu khẩn, chàng cũng không đồng ý ra tay cứu giúp. Hiển Sướng thì ghi hận nàng hết lời cầu khẩn.

Cơm nước xong xuôi, Minh Nguyệt trở về phòng mình, Hiển Sướng tới chỗ Thải Châu, thấy trên bàn trong gian chính cô ở đặt một chiếc đồng hồ cỡ nhỡ, màu vàng men lam, tươi đẹp vô cùng: “Ấy, cái này đẹp này, mới mua à?”

Thải Châu nói: “Hàng của Anh, gửi qua bưu điện từ Thượng Hải. Nếu vương gia thích thì để thiếp sai người mang sang phòng chàng.”

Hiển Sướng bật cười rộ: “Nếu ta thích thì tới phòng nàng xem là được.”

Thải Châu châm điếu thuốc, đưa vào tay Hiển Sướng, cười dịu dàng nhìn chàng.

“Gần đây đỏ vận lắm à? Cái đồng hồ này là thắng được?”

“Vận không đỏ, thua không ít. Đồng hồ là thiếp bỏ tiền ra mua. Vương gia trách thiếp ư?”

Hiển Sướng mỉm cười: “Xí, chỉ toàn nói lung tung, ra ra vào vào trên chiếu bài thì được mấy đồng chứ…”

Thải Châu cười khanh khách: “Mấy hôm trước em trai thiếp gửi thư, nhờ thiếp cảm ơn ngài trước đó đã giới thiệu bạn bè Hán Khẩu, chiếu cố cho việc kinh doanh của nó, giúp nó vận chuyển hàng hóa, lấy rẻ cho phí tàu.”

“Ta quên rồi. Em nó làm ăn có tốt không?”

“Được ạ. Gần đây vừa sinh đứa thứ ba, là con gái.”

“… Nàng có cần gì ở Thiên Tân Vệ không?” Hiển Sướng hỏi.

“Không cần gì cả, cái gì cũng có rồi.”

“Cũng được, muốn gì thì gửi điện báo.”

“Vâng.”

“… Lần này ta đi không ngắn, chỉ có hai người các nàng ở nhà. Nếu Minh Nguyệt chọc giận gì nàng, hoặc là gây phiền phức gì đó, nàng đừng chấp nhặt với con bé, không thì cứ ghi nợ đấy, trở về nói với ta, ta sẽ dạy dỗ lại con bé sau.” Hiển Sướng nói.

A hoàn dâng trà lên, Thải Châu đang định bưng cho Hiển Sướng, nghe câu này, tay khựng lại, trong lòng nhất thời hiểu ra: Bảo sao tử tế thế, có lòng thế, ăn cơm xong còn tới chỗ mình nói chuyện phiếm, mềm mỏng hiền hòa, ngắm đồng hồ của mình, hỏi thăm em trai mình, vòng tới vòng lui không phải là để nói những câu này sao? Chàng không ở đây, không bảo vệ được nó, lo lắng nên mới ngọt giọng vỗ về, để ta không gây sự với nó chứ gì.

Thải Châu đưa trà cho Hiển Sướng: “Không.”

Chàng ngẩng đầu nhìn cô.

“Thiếp ấy à, thừa lúc chàng không có mặt, thiếp phải đuổi nó ra khỏi đây mới được.”

Chàng bưng cốc trà, sửng sốt.

Thải Châu lại cười: “Vương gia đoán xem thiếp có dám không?”

“Phu nhân có gì mà không dám,” Hiển Sướng nhấp một ngụm trà, “Nhưng lúc trước, người có lỗi với phu nhân là ta, lấy người khác ra trút giận, một là chẳng có ích gì, hai là dù làm gì con bé, trong lòng nàng cũng chẳng thoải mái hơn được.”

Đề tài này không có kết thúc. Thải Châu đã sớm thấu suốt, trong lòng tự biết, cũng không tranh luận nữa, chỉ trông đợi chàng đi chong chóng một chút.

Sáng hôm sau, Hiển Sướng rời giường từ sớm, chuẩn bị lên xe ra cửa. Chàng ăn bữa sáng trong phòng mình, ra ngoài nhìn, nơi ở của Minh Nguyệt vẫn tối om. Đầy tớ hầu hạ chàng mặc áo đội mũ rồi đem hành lý tùy thân chuyển lên xe. Thải Châu dẫn người bưng sủi cảo qua đây, Đông Bắc có phong tục “Đi ăn sủi cảo, về ăn mì”, Hiển Sướng ăn một cái lấy may, lại ăn thêm cái nữa. Sắp đến giờ lên xe mà Minh Nguyệt vẫn chưa ra, Thải Châu bảo a hoàn: “Đi gọi Minh Nguyệt cô nương ra đây chào tạm biệt vương gia.”

Một lúc lâu sau, Minh Nguyệt mới ra ngoài. Đầu chưa chải, mặt chưa rửa, mắt bên nhắm bên mở, thân khoác ba-đờ-xuy, trong mặc nguyên váy ngủ, vỗ vỗ miệng đánh ngáp. Hiển Sướng đã ngồi vào xe, quay ra ngoài nhìn nàng, lạnh lùng cười một cái: “Cô nương còn chưa tỉnh ngủ? Quấy rầy em ngủ rồi.”

“…” Nàng cũng chỉ nhìn chàng, không cười không giận cũng không hổ thẹn.

Hiển Sướng kéo màn che cửa xe, bảo tài xế lên đường.

Xe nổ máy, Minh Nguyệt như thể cuối cùng cũng tỉnh táo lại được, chạy theo đập đập cửa sổ xe.

Chàng tưởng là nàng chí ít cũng có thể nói một câu tạm biệt, hoặc một tiếng chúc bình an. Hạ cửa sổ xuống, nàng hỏi: “Ngài vẫn không chịu cứu anh ấy sao?”

“Thần kinh. Tránh ra!”

Xe nghênh ngang lái đi. Thải Châu nhìn Minh Nguyệt áo quần xốc xếch, cười, sau đó dẫn đám a hoàn rời đi.

Nàng đứng trong sân ngẩn người một hồi rồi chầm chậm trở về phòng mình, mặc nguyên quần áo nằm xuống giường. Cả đêm không ngủ, ra ngoài bị gió lạnh quất, hiện giờ lại càng không buồn ngủ, bèn mở mắt thao láo quan sát căn phòng mình ở suốt mười sáu năm này: Khi còn bé là nằm giường đơn, sau khi được Hiển Sướng thu nhận thì đổi thành giường đôi bằng đồng, bên trên là màn che hình tròn, màu tím nhạt. Bên cạnh giường đồng đặt một cái bàn nhỏ chân vòng, bên trên bày hoa tươi và điện thoại. Bên kia có một tủ âm tường, bên trong là những món đồ trang trí nàng sưu tầm khắp nơi, còn có vài bức ảnh chụp chung của nàng và Hiển Sướng. Trong hình họ không quá thân mật, tiểu vương gia là một người đi đâu cũng tự tại, nhưng lúc chụp ảnh lại không tự nhiên, đứng cách nàng hai trượng, không cười, cơ thể hơi ngả ra sau, vẻ mặt và tư thế đều cứng ngắc. Trong tủ âm tường còn có một món đồ cha nàng để lại, là cái phướn màu đỏ năm đó ông dùng để diễn xiếc, bên trên thêu hình Tôn Đại Thánh. Cái phướn này nàng từng mang tới Nhật Bản, sau đó lại cùng nàng trở về. Có lần Hiển Sướng giũ ra xem, ngắm nghía một lúc rồi kéo nàng vào lòng. Lúc ấy nàng biết, chàng đau lòng cho nàng.

Nàng tựa lên gối, trong mắt vừa cay xè vừa căng trướng, nghĩ bụng ban nãy mình làm sao vậy chứ? Sao đột nhiên lòng lại cứng rắn vậy? Người phải đi xa đến thế, nhưng nàng đến một câu chúc bình an cũng không chịu cất lời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.