Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 42: Nhập cuộc (5)




Tiểu Phượng đi rồi, Nam Nhất uống thuốc xong thì rúc vào trong chăn cho ra mồ hôi, bụng nghĩ lúc chưa biết sống chết thế nào, mình ngồi trong tù rõ ràng đã nghĩ rất thông suốt nhưng sao đến khi nói ra vẫn khó chịu như vậy?

Trong phòng giam, cô từng trông thấy hai con chuột, lần đầu tiên nhìn thấy sợ hết hồn, về sau xem hai con vật vào vào ra ra lại trở thành thú tiêu khiển giết thời gian của cô. Chúng đều màu nâu xám, không phải là một cặp anh em thì cũng là một cặp vợ chồng, da lông bóng loáng, hẳn là dinh dưỡng không tệ, mỗi lần bò ra đều đến thẳng bát cô tìm đồ ăn, rất không khách khí. Một sáng nọ, một trong hai con chuột không biết tại sao lại chết ở lối đi nhỏ giữa hai phòng giam, cai ngục lấy xẻng ra định xúc nó đi, sau lại đổi ý, giữ xác nó lại đó, chỉ có điều bên cạnh đặt thêm một cái bẫy chuột. Ban đêm, Nam Nhất thấy con chuột còn lại lần mò qua đó, lấy mũi miệng thăm dò xác con kia, không cam lòng sáp lại về phía trước, trong bóng tối đánh bộp một tiếng, nó bị bẫy chết. Hôm sau, cai ngục xúc hai con chuột chết đi.

Trong đầu Nam Nhất sắp xếp lại tình cảnh mình gặp phải: Lúc Đàm Phương nói đừng gặp lại nữa, nhất định là đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện một vụ lớn, vậy nên tới cáo biệt với cô. Nếu cô nghe lời hắn thì tốt rồi, cô sẽ không chạy tới cửa hàng thổ sản tìm hắn, sẽ không bị quân cảnh bắt được, bị lấy làm mồi nhử hắn ra. Nếu không phải cô ngu xuẩn và không biết tự lượng sức mình thì gã thổ phỉ ấy có lẽ đã sớm về được với núi rừng, ung dung ngoài vòng pháp luật rồi, cô là gánh nặng và trách nhiệm của hắn. Lần này may mắn thoát thân thực sự là đã nhận được một bài học, từ nay về sau mỗi người một ngả, không dính dáng đến nhau nữa!

Lúc này nhắm mắt, lại loáng thoáng như trông thấy khuôn mặt anh tuấn khí khái của hắn, ngửi được mùi nấm ăn trên người hắn. Nam Nhất tự nhủ, sau này sẽ ổn thôi, lâu dần sẽ ổn thôi, những nhớ nhung này chỉ giống như đau ngứa bệnh thủy đậu mang lại, rồi sẽ khỏi hẳn thôi.

Bên kia, Tiểu Phượng truyền lại lời Nam Nhất không thiếu một chữ cho Đàm Phương, đem mũ trả lại hắn. Đàm Phương nhận lấy, nhìn mũ hồi lâu không nói gì, mãi sau mới cười với Tiểu Phượng: “Được rồi, cảm ơn em gái.”

Không lâu sau, cửa hàng thổ sản một lần nữa đổi chủ, từ đó không còn ai gặp lại Đàm Phương nữa, mãi đến tận đầu hạ mấy tháng sau. Chuyện này để sau lại nói.

Lúc bệnh thủy đậu của Nam Nhất gần khỏi hẳn, nhà họ Lưu đón một vị khách tới thăm, là Đổng Thiệu Kỳ. Thiệu Kỳ đem hoa tươi và trái cây đến, nói với Nam Nhất: “Mãi không đến thăm cậu là vì sợ bị lây, trước nay mình chưa từng bị thủy đậu bao giờ.”

“Ờ.” Nam Nhất ỉu xìu.

“Muốn đi xem chiếu bóng không?” Thiệu Kỳ hỏi cô.

Nam Nhất ngẩng lên nhìn anh ta, bụng nghĩ: Anh giai này làm sao vậy? Muốn hẹn hò với cô à? Chuyện giữa cô và thổ phỉ đã khiến dư luận xôn xao đến thế rồi, cậu chàng này vẫn còn muốn hẹn hò với cô sao?

“Cậu…cậu rủ người khác đi xem đi, Thiệu Kỳ.” Nam Nhất nói, “Đi xem với mình chỉ tổ lãng phí thời gian của cậu thôi.” Thiệu Kỳ nghĩ ngợi rồi nói: “Ừ, cậu vẫn còn khó chịu, phải không? Nghỉ ngơi cho khỏe đi vậy.”

Anh nói xong câu đó, không ngồi lại nữa mà đi luôn.

Mấy hôm sau lại tới.

Azuma Shuji sau khi từ chối chỉ chứng và xác nhận thổ phỉ Đàm Phương thì không trở lại gian phòng giam anh trước đó nữa mà bị nhốt vào nhà tù chân chính, ưu đãi do là người ngoại quốc và nhân chứng hoàn toàn bị xóa bỏ. Nhà tù dơ dáy kinh khủng, tanh tưởi khó ngửi, cơm nước sinh giòi, cai tù thỉnh thoảng còn gây hấn đánh đập.

Nửa đêm một hôm nọ, Shuji đang ngủ say thì đột nhiên cảm thấy cả người lạnh toát, ngồi dậy xem, chăn đã bị lấy mất. Trong phòng giam này, ngoài anh ra còn có ba người khác, tay cao to lực lưỡng tên là lão Lưu, lúc ăn cháo loãng hay liếm bát xoàn xoạt, còn từng khạc đờm vào bánh ngô của Shuji, dưới cổ gã gối một cái chăn, trên người đắp một cái chăn khác. Shuji vươn tay muốn lấy cái chăn trên người gã, lại bị gã bắt lấy cổ tay. Hai người còn lại bỗng đi lên từ phía sau, trùm chăn kín đầu anh rồi đấm đá túi bụi. Shuji bị chăn che, tay không dang ra được, từ từ cuộn mình lại, bỗng nhìn trúng một cước đang tập kích tới, bèn cương quyết duỗi hai tay ra nắm chặt lấy mắt cá cái chân kia kéo giật xuống. Anh bất chấp đầu và lưng phải chịu đòn nặng, dồn hết sức lực kéo cái chân đó, cuối cùng kéo ngã được người nọ, chính là lão Lưu. Shuji nhào tới vung quyền đánh thẳng vào yết hầu gã. Hai người còn lại đánh anh thế nào, Shuji hoàn toàn không để ý, chỉ giữ riệt lấy người này sống chết đánh đấm. Thời niên thiếu anh từng học cận chiến, hơn nữa chuộng hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe, mỗi cú đấm đều nện vào chỗ hiểm yếu của đối phương. Không xuống tay được mấy quyền, người đánh anh đã dừng lại, đi lên kéo anh. Shuji đã đánh đến hai mắt đỏ ngầu, hoàn toàn không quan tâm gì nữa, cho đến tận lúc cai ngục đi vào, bao nhiêu người lên mới kìm được anh lại. Lão Lưu kia tứ chi quẫy loạn, bị mang ra ngoài. Shuji cầm lấy chăn của mình nằm xuống ngủ thẳng.

Lão Lưu còn chưa rõ sống chết ra sao, hôm sau đã có người báo thù cho gã. Lúc được ra ngoài sân nhà tù hóng gió, Shuji bị thương ở mặt đang xem hai ông già chơi cờ tướng thì bàn cờ bỗng bị lật đổ xuống đất, vài đôi tay từ phía sau ghìm cứng lấy anh. Họ phun một tràng dài lên lớp anh, anh nghe chẳng hiểu, tay thầm vận sức, từng chút từng chút chạm tới túi áo, từ từ rút cái bút máy ra. Người đối diện dừng nói, nhìn món đồ tinh xảo xinh đẹp trong tay Shuji, tưởng là anh muốn biếu lên, đưa tay qua đón. Nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, Shuji giật nắp bút ra, một tay bắt lấy ngón tay của đối phương, tay kia dùng hết sức lấy bút làm đinh, đâm nghiến xuống. Người nọ máu tươi đầm đìa, bị đau la oai oái như lợn bị chọc tiết. Từ đó về sau cả cái nhà tù to như vậy mà không ai dám chọc vào người Nhật này, không ai dám khạc nhổ lên đồ ăn hay cướp chăn của anh nữa.

Việc đến nước này, Shuji chưa bao giờ hối hận. Bản thân anh từng nghĩ, nếu thời gian quay ngược lại, Uông Minh Nguyệt một lần nữa đến cầu xin anh cùng một chuyện, anh cũng vẫn sẽ không cự tuyệt. Nàng chỉ tới nói ra yêu cầu, người lựa chọn là anh. Kết quả của sự lựa chọn này không liên quan gì đến nàng. Dần dà lại cảm thấy cuộc sống trong tù cũng có chút sức sống khác biệt, không đổ bệnh, không sầu não, không cần phải nghĩ gì nhiều. Mỗi sáng sớm anh đều lấy nước lạnh súc miệng, ở trong nhà tù lạnh lẽo u ám này, ăn không đủ no, áo rách quần manh, vậy nhưng cơ thể lại khôi phục thứ sức mạnh hung hãn như của động vật.

Bất chợt, một ngày nọ, có người mở cửa phòng giam, dẫn anh ra. Đi thẳng tới cổng nhà tù, ra ngoài rồi, cánh cổng phía sau khép lại. Shuji quay đầu nhìn, thấy trên đường ngựa xe nườm nượp, tuyết tan thành vũng, mới biết là mình đã được thả.

Một chiếc xe đỗ đấy chờ anh, tài xế xuống mở cửa cho anh. Shuji đi tới, thấy hàng ghế sau xe có một người đang ngồi, ấy vậy mà lại là Kobayashi Motoya từng có duyên gặp mặt một lần. Kobayashi mặc quân phục, gật đầu cười với Shuji: “Azuma-kun, mời lên xe.”

Shuji không biết người này có ý gì, thoáng do dự nhưng cuối cùng vẫn lên xe Kobayashi. Xe băng qua con đường, chạy về phía khu nhà trọ người Nhật.

Shuji hỏi: “Là Kobayashi-kun cứu tôi?”

Kobayashi Motoya cười cười: “Chuyện đó không quan trọng. Ngược lại tôi muốn hỏi Azuma-kun một câu: Sau này cậu định thế nào? Quay về Nhật Bản hay tiếp tục ở lại đây?”

Shuji nói: “Còn chưa đủ lý do để về nước.”

“Vậy là có đủ lý do để ở lại?” Kobayashi nhìn anh, “Vì tiền? Hay vì danh vọng? Tôi từng điều tra kinh nghiệm làm việc và tư chất của Azuma-kun khi còn ở Nhật Bản, cục diện không tệ.”

Shuji cười cười.

“Cho nên là vì phụ nữ.”

“Kobayashi-kun còn biết gì về tôi nữa?”

“Không nhiều lắm, chỉ là chút bài tập cần thiết thôi.”

Xe đi qua đường Quan Doanh phía bắc khu trung tâm, hiện đang là hai giờ chiều, bên dưới tường thành cũ đậu một cái xe tải, sau xe là một đám người xếp hàng dài dọc theo con phố, trong tay mỗi người đều cầm một túi vải cỡ nhỡ, hàng người chậm rãi tiến dần lên.

Kobayashi Motoya chỉ ra ngoài: “Biết họ đang làm gì không?”

Shuji lắc đầu.

“Những người này đến đây lĩnh lương thực cứu tế. Hằng năm vào thời điểm này, lãnh đạo quân phiệt đều mở hai tuần cấp phát lương thực cứu tế, mỗi hộ đủ điều kiện sẽ được lĩnh một cân ngô, một cân gạo. Mỗi ngày tôi đều đi qua đây, phát hiện ra có rất nhiều chuyện thú vị: Người tới lĩnh lương thực cứu tế đều là thanh niên trai tráng có sức lao động, đang chiều đầu xuân, không đi làm việc, không đi sản xuất mà lại tới đây xếp hàng lĩnh lương thực. Azuma-kun, việc này chứng tỏ điều gì?”

“Lương thực đắt đỏ, bằng khoảng thời gian xếp hàng, đi làm không đổi được chừng ấy lương thực.”

“Còn có một hiện tượng thú vị hơn: Để cùng cố quyền lực thống trị, quân phiệt hằng năm đều sẽ tăng lượng lương thực cứu tế lên so với năm trước, ngạch mức vào khoảng năm phần trăm, đó là một con số không nhỏ. Mà những gia đình tới lĩnh cứu tế mỗi năm thì lại giảm đi. Trung Quốc chiến loạn đã nhiều năm liên tiếp, nhánh tình báo của chúng ta có số liệu thống kê tương đối thực tế, trừ đi những nhân khẩu đã tử vong trong hộ tịch, giữa lương thực cứu tế trong kế hoạch cấp phát và ngạch mức lĩnh nhận thực tế chênh lệch khoảng hai mươi bảy phần trăm, số lương thực chênh lệch đã đi đâu?” Kobayashi Motoya cười cười, “Mục nát. Dưới sự mục nát, mồ hôi nước mắt của nhân dân đều là để vỗ béo cho tầng tầng những giai cấp chuột lớn bóc lột.”

Shuji lặng thinh không nói gì.

Kobayashi nhìn ra ngoài xe, bảo tài xế dừng lại.

Họ xuống xe ở con phố phía nam quảng trường hình tròn. Kobayashi Motoya chỉ vào cái đài hai tầng rộng bảy trượng xây bằng cẩm thạch trắng, hỏi Shuji: “Azuma-kun tới Phụng Thiên lâu vậy rồi, đã có ai nói cho cậu biết đây là cái gì chưa?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.