Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 38: Nhập cuộc (1)




Mồng năm Tết, nhà họ Lưu mời khách, không ít bạn bè thân thiết tới dự, phòng khách chật kín người. Nam Nhất giúp cô giúp việc chuẩn bị đồ uống và quà bánh trong phòng bếp, một lúc sau bà Lưu qua tìm cô, mang cô ra chào hỏi khách khứa. Khách đến là một nhà ba người, hai cha mẹ dẫn theo một anh con trai, khí chất phong cách từa tựa nhà họ Lưu. Bà Lưu hỏi Nam Nhất, Con còn nhớ chú thím Đổng không? Nam Nhất căn bản là chẳng nhớ xíu nào nhưng vẫn gật đầu chào: Chú, thím ạ. Thiệu Kỳ thì sao? Con có nhớ Thiệu Kỳ không? Nam Nhất tiếp tục cười hề hề: Chào cậu, Thiệu Kỳ.

Đổng Thiệu Kỳ hai mươi tư tuổi, gầy gầy cao ráo, đeo kính lên nhìn rất văn nhã, bỏ kính xuống lại có phần khôn khéo. Bà Lưu gợi ý mấy lần, Nam Nhất rốt cuộc mới lục ra được một vài ký ức. Cậu chàng Đổng Thiệu Kỳ này rất thích động não, từ khi còn bé đã vậy, lúc họ chơi rượt đuổi, tất cả đám trẻ con đều chạy sau mông Nam Nhất, Nam Nhất chạy quá nhanh, không ai bắt được cô, chỉ có mình Thiệu Kỳ là biết cách bọc đánh, lần nào cũng ngược một vòng xa, chạy tới đón đầu Nam Nhất, chặn đứng cô lại. Về sau, ông Đổng cha Thiệu Kỳ xuống phía nam dạy học, cả nhà họ chuyển đi theo. Vật đổi sao dời, ông Đổng nay lại về quê cũ nhậm chức sở trưởng sở văn hóa, nhà họ Đổng dọn về Phụng Thiên, Thiệu Kỳ và Nam Nhất mới có lần gặp lại này.

Nam Nhất là chủ nhà, lúc hai người ngồi riêng nói chuyện phiếm, khó tránh khỏi phải tìm vài câu hỏi gợi chuyện: “Thiệu Kỳ, hiện giờ cậu làm việc ở đâu?”

“Sở giáo dục.”

“Bận không?”

“Bình thường.”

“Cậu cũng cảm thấy đi làm không thú vị à?”

“Ừ. Có điều trên thế giới này thứ gì mà chẳng được đem ra làm công việc chứ, đều không thú vị cả.”

“Mình đồng ý,” Nam Nhất nói, “Bình thường có sở thích gì không?”

“Để mình nghĩ xem. Đọc sách, chơi thể thao. Mình đánh ten-nít.”

“Ten-nít à… Đánh có tốt không?”

“Không tốt. Nhưng dù sao cũng còn hơn là rảnh rỗi không có gì để làm.”

“Ừ, cũng đúng.”

Nam Nhất cảm thấy anh chàng Thiệu Kỳ này có một vẻ phớt đời rất hào sảng, tức là, anh ta tuy không đoan chính nhưng lời nói ra đều là nói thật. Nam Nhất không ác cảm với người như vậy bởi chính bản thân cô cũng là như thế. Cô tiến hành một lượt đánh giá nhanh chóng trong đầu về Thiệu Kỳ, quay sang nhìn đám đông đông đúc những người hoặc biết hoặc không biết, sau đó quyết định mượn anh ta làm cớ bỏ trốn.

“Ở đây nóng quá. Thiệu Kỳ, cậu có muốn ra ngoài chút không?”

“Đi đâu?”

Nam Nhất nói: “Mồng năm rồi, ngoài phố nhộn nhịp lắm, bên hoàng cung cũ ở khu trung tâm chắc chắn có người đi cà kheo múa ương ca (*), vui hơn ở đây nhiều. Cậu vừa về chưa được bao lâu, nhất định có chỗ không biết, để mình dẫn cậu đi. Nhé?”

(*) Nguyên văn: 扭秧歌, là một điệu múa dân gian miền Bắc Trung Quốc, khởi nguyên là một hoạt động ca hát lúc cấy mạ của người nông dân, tương truyền có từ thời Bắc Tống.

Thiệu Kỳ hơi lưỡng lự, Nam Nhất cười: “Không phải cậu vẫn còn phải xin phép cha mẹ đấy chứ?”

Thiệu Kỳ biết cô khích tướng mình, cũng cười: “Vừa tới đã đi có phần hơi thất lễ.”

“Cậu không muốn đi?”

“Muốn.”

Thiệu Kỳ buông chén trà trong tay xuống rồi cùng Nam Nhất ra cửa lấy áo khoác. Nam Nhất cách một phòng người đông đúc ra dấu cho mẹ, người mấy hôm nay vẫn luôn không cho cô ra khỏi nhà: Con đưa Thiệu Kỳ đi dạo loanh quanh một chút. Bà Lưu do dự gật đầu.

Ra đến đầu ngõ, Nam Nhất gọi hai chiếc xe ba gác, một xe cho Thiệu Kỳ, một xe cho mình. Cô dặn dò kéo xe của Thiệu Kỳ: “Đưa tiên sinh đến phía đông khu trung tâm đi dạo trước đi. Chỗ nào náo nhiệt cũng đừng ngại, cho xe dừng một lúc. Nếu không thì đi thẳng đến Hội Lan Đình, dẫn cậu ấy đi ngâm bồn tắm.”

Thiệu Kỳ hỏi: “Cậu đi đâu?”

Nam Nhất nghiêm túc nhìn anh, tỏ vẻ “Cậu biết điều chút đi”: “Mình vất vả mãi mới ra ngoài được, cơ hội hiếm có khó tìm lắm đó. Chúng ta thời gian hữu hạn, mạnh ai nấy chơi đi, đừng để lỡ.” Dứt lời thúc giục kéo xe của mình: “Đi thôi, đến phía Tây cung Thái Thanh. Nhanh nhanh hộ với, tôi cho chú thêm tiền.”

Gió bấc đang lớn, nhưng Nam Nhất vừa nghĩ đến thẻ xâm nhân duyên “gắn bó keo sơn” mình rút được hôm mồng một, trong lòng lập tức như ấp ủ một cánh én mùa xuân, bừng bừng sức sống ấm sực.

Đến nơi, cửa hàng thổ sản đang đóng cửa, căn bản là không có người. Nam Nhất nghĩ bụng, Đàm Phương có lẽ cũng về núi đón Tết rồi, nhưng giờ đã vào năm, những cửa hàng khác đều đã mở cửa cả, hắn đáng ra phải quay lại rồi chứ. Cô loanh quanh trước cửa hai vòng, lưỡng lự nghĩ xem có nên đi cửa sau không, đúng lúc này, có người tiến tới bắt chuyện.

“Cô nương, chờ người à?”

Người đến vóc dáng tầm tầm, chừng ba mươi tuổi, sắc mặt tối tăm, chằng chịt nếp nhăn, tay trái buông thõng, tay phải cắm trong túi áo bông. Nam Nhất nghĩ ngợi rồi đáp: “Không đợi ai cả, đến mua hạt phỉ.”

“Cửa hàng này không mở, sao cô không sang cửa hàng khác?”

“Ừm, giờ đi sang chỗ khác mua đây.” Nam Nhất định đi.

“Đợi đã.” Người nọ gọi cô lại, “Thấy cô đi xe ba gác tới, nhà chắc không gần đây đâu nhỉ? Có phải là khách quen của hàng này không?”

“Không quen.”

Người hỏi vung tay lên, mở một bản vẽ ra trước mặt cô: “Nhìn xem có biết người này không?”

“Không biết.”

“Không biết? Không biết sao cô nhìn đăm đăm như vậy?”

Nam Nhất vẫn chưa kịp hiểu ra có chuyện gì, chỉ cảm thấy sợ hãi, tay chân lạnh toát, co chân muốn chạy, bị người đằng sau bóp lấy gáy, một chiếc xe đỗ xịch lại, Nam Nhất bị đẩy vào.

Đổng Thiệu Kỳ ở bên kia đường chứng kiến tường tận cảnh tượng này, lập tức giục kéo xe, chạy về nhà họ Lưu.

Nam Nhất bị điệu tới sở cảnh sát, bị đẩy vào một căn phòng lớn âm u, chỉ thấy trong phòng có một đám người to cao lực lưỡng đang đứng lộn xộn, người nào người nấy thắt lưng đều giắt súng, kẻ đi đầu nhìn Nam Nhất rồi phân phó người bên cạnh, một lúc sau, một người khác được dẫn tới, Nam Nhất nhìn rồi nhận ra ngay: Là ông chủ quán mì giọng Sơn Đông.

Ông chủ quán mì dáng vẻ hèn mọn, mặt mày dơ dáy, tay chân bị trói, ông ta trỏ một ngón tay vào mặt Nam Nhất, nói với quân cảnh: “Chính…chính là cô ta.”

Nam Nhất nhảy dựng, hét toáng lên: “Cái gì là tôi? Cái gì chính là tôi?!”

“Chính là cô ta.” Ông chủ quán mì lùi lại mấy bước, không lý gì đến cô, chỉ chăm chăm nói với quân cảnh, “Chính là cô ta, bắt được cô ta rồi là có thể điều tra ra được gã thổ phỉ trong cửa hàng thổ sản. Nhất định!”

Quân cảnh cả phòng bật cười ha hả, lôi cô sang một bên: “Cô nương, tôi không làm khó cô, giữ cô lại vài ngày thôi, được không? Chỉ cần mời được một người khác ra sẽ lập tức thả cô ngay! Nào nào nào, các anh em khổ cực đã mấy ngày rồi, chụp cho con bé này một tấm, tung tin tức ra ngoài rồi chúng ta về nhà ăn sủi cảo thôi!”

Nam Nhất vẫn chưa hiểu rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, trong nháy mát chợt nhớ lại mấy ngày trước, Đàm Phương bỗng nói với cô đừng gặp lại nhau nữa, trong lòng mơ hồ hiểu ra hắn nhất định đã làm một vụ lớn gì đó rồi đào tẩu, quân cảnh nắm được manh mối, ôm cây đợi thỏ… Nam Nhất nhìn xoáy vào ông chủ quán mì, hận đến nghiến răng nghiến lợi, mắt như muốn nứt ra!

Không đến mấy tiếng sau, sở cảnh sát đã in hình Nam Nhất ra dán bố cáo khắp các nẻo đường nhộn nhịp trong thành Phụng Thiên. Ông bà Lưu đang hỏi thăm xung quanh tin tức của Nam Nhất, trông thấy thông cáo con gái bị tình nghi hợp tác với thổ phỉ, hai mắt bà Lưu tối sầm, lập tức ngất mất. Cậu Nam Nhất châm mấy châm lên trán và ngực cho bà Lưu, xoa bóp lưu thông máu hồi lâu, bà mới tỉnh lại được, vừa mở mắt đã gào khóc: “Tôi biết mà! Tôi biết ngay mà! Nó không lấy cái mạng tôi đi thì không chịu nổi mà! Tôi chỉ vừa lơi mắt chút thôi, sao nó đã bị cuốn vào một vụ án như thế rồi!”

Nói thì nói vậy nhưng cô con gái vẫn vừa là ma vương vừa là bảo bối trong nhà. Già trẻ cả một nhà sốt ruột cuống cuồng như kiến bò trong chảo nóng, ông Lưu sứt đầu mẻ trán, lòng như lửa đốt, đi khắp nơi nhờ vả mạng lưới quan hệ hỏi thăm tin tức sở cảnh sát. Giày vò đến tận sáng hôm sau vẫn không có manh mối gì. Bà Lưu bỗng nảy ra một ý, kéo chồng lại: “Đi, đi tìm Uông Minh Nguyệt kia đi. Nam Nhất là bạn tốt của nó, xem thử xem nó có cách nào không!”

Ông bà Lưu đem hoa quả bánh trái tới trước cánh cổng đỏ tía số hai tám phố Vũ Lộ. Họ khe khẽ gõ cửa. Lát sau, cửa ngách mở ra, gác cổng mặc áo choàng dài đội mũ quả dưa đi ra chắp tay: “Chúc mừng năm mới! Hai vị tìm ai?”

Ông Lưu đáp: “Uông Minh Nguyệt tiểu thư.”

“… Không có người này.”

Bà Lưu nhảy bổ tới, nhìn người nọ: “Con gái tôi là bạn của Uông tiểu thư, giờ gặp phải khó khăn, nếu Uông tiểu thư không ra tay cứu giúp, nó sẽ chết mất. Hôm nay anh nhất định phải cho tôi vào. Anh không cho, tôi cũng phải vào!”

Người gác cổng nhìn bà: “Xin bà chờ một chút.” Rồi đóng cửa lại. Bà Lưu chỉ cảm thấy thời gian như đã trôi qua ba, năm năm, cánh cổng kia mới lại mở ra, người gác cổng nói: “Hai vị, mời vào.”

Ông bà Lưu vào cửa, thấy bên trong có một a hoàn đang đứng đợi, dáng vẻ cáu kỉnh như vừa mới tỉnh dậy sáng sớm, vung vẩy tay, không chào hỏi câu nào, chỉ nói: “Đi theo tôi.”

Hai người đi theo a hoàn băng qua mấy lớp sân viện, tới trước một căn lầu hai tầng. Minh Nguyệt tết tóc, khoác áo choàng dài đang đứng chờ sẵn ở đó, thấy là họ lập tức ra đón: “Chú, cô… Nam Nhất đâu ạ?”

Bà Lưu tóm chặt lấy nàng, gần như quỳ xuống: “Minh Nguyệt, Minh Nguyệt, cháu không cứu được nó thì sẽ không ai cứu được nó nữa!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.