Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 19: Số kiếp (5)




Buổi sáng mồng hai tháng Chín, cậu sinh viên Trương Minh Quyền đến lớp học sớm hai mươi phút như thường lệ, định soạn bài trước khi giáo viên lên lớp. Tiết đầu tiên là Lịch sử nhà Tống, giáo viên hôm nay sẽ giảng chương cải cách chính trị của Vương An Thạch. Lác đác có vài sinh viên túm năm tụm ba đi tới, người nào ngồi tại chỗ đọc sách của người nấy. Bỗng, ngoài cửa tiến vào một người đàn ông cao lớn, có vẻ rất cường tráng, tuổi chừng ba mươi, mặc áo đơn màu trắng và quần dài màu đen. Người đàn ông đảo mắt ngó đông ngó tây khắp phòng học một vòng rồi chậm rãi tới cạnh chỗ cậu ngồi, thấp giọng gọi tên cậu: “Trương Minh Quyền?”

Trương Minh Quyền theo bản năng “ừ” một tiếng, ngay sau đó ngẩng đầu lên. Người đàn ông cười cười, không nói gì mà đi thẳng. Trương Minh Quyền thầm lấy làm kinh ngạc, không biết là chuyện gì xảy ra, cúi đầu nghĩ một lúc rồi cất sách giáo khoa vào cặp, rời khỏi chỗ ngồi. Nhưng cậu vừa mới ra khỏi cửa phòng học đã bị ba người đàn ông chặn đường.

Sinh viên năm ba Trương Minh Quyền khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm chưa từng trốn tiết buổi nào, nhưng kể từ ngày đó, bạn học của cậu không còn gặp lại cậu nữa. Cậu là một trong những người đứng đầu lên kế hoạch và phát động sinh viên tổ chức diễu hành cho sự kiện “Hiệu Tương Đại Lỗi”, cũng là một trong sáu sinh viên đại diện bước lên đệ trình yêu sách với quân phiệt. Gần như cùng một ngày, hơn mười sinh viên của sáu trường đại học trong thành phố bị mang đi. Sự tình đang được tiến hành âm thầm.

Mà Ngô Lan Anh thì lại may mắn trốn thoát. Hôm ấy cô không đi học mà đến nhà xưởng ở ngoại ô thăm em trai Lan Thuyên.

Lan Thuyên mười tám tuổi đã cao lớn săn chắc hơn chút ít, làm một công việc cố định trọn ba năm: săm lốp xe cao su nóng được bỏ vào nước đá để làm lạnh định hình, cậu đứng bên ao làm lạnh, khom lưng, dùng tay phải đeo găng vớt săm lốp xe lên, chồng sang một bên. Bởi liên tục làm một công việc trong thời gian dài, lưng cậu hơi gù xuống, bả vai và cánh tay phải vạm vỡ hơn bên trái. Nhìn qua cũng có thể biết được cậu trai này có chút không bình thường, vẻ mặt hiền lành, không nói gì nhiều, một mắt bị mù, đi bộ trong một khoảng thời gian sẽ có xu hướng lệch về một phía. Nhưng đốc công và đám công nhân cũng không ghét cậu, Lan Thuyên làm việc thuần thục chuẩn xác, không tiếc sức lực, tính tình im lặng thành thật, không bao giờ buôn chuyện, là một người biết giữ bí mật.

Đốc công biết Lan Anh, gọi Lan Thuyên đang trong phân xưởng ra gặp chị, đốc công sẽ làm thay cậu một lúc. Chị em hai người ngồi lên một ụ đất ven đó, Lan Anh nói với em trai, Chị định về nhà một chuyến. Vì sao? Nhớ cha mẹ, về thăm nhà. Bao giờ đi? Hai ngày nữa, phải quay lại trước kỳ thực tập. Thực tập là gì? Thì trước khi tốt nghiệp, trước khi chính thức đi làm sẽ phải tìm một công việc để luyện tập… Lan Anh đang giải thích “thực tập” là thế nào thì thấy mắt em trai đăm đăm, sau đó cậu đứng dậy chạy mất, một lúc lâu sau, Lan Thuyên mới quay lại, cầm trong tay một bao vải gai nhét vào tay Lan Anh.

Lan Anh mở ra xem, bên trong là chín đồng bạc.

“Sao nhiều vậy?”

“Mang cho cha mẹ.”

Lan Anh thầm tính toán trong bụng xem em trai phải vất vả làm việc bao lâu, nhịn ăn nhịn tiêu bao lâu mới có thể dành dụm ra được chín đồng bạc này, ngay sau đó chảy nước mắt, cúi đầu lặng thinh hồi lâu, mãi đến khi Lan Thuyên nói: “Chị, chị đi đi, em còn phải vào làm việc.”

Lan Anh không biết rằng, Lan Thuyên chỉ có tất cả bốn đồng bạc, trước nay vẫn giấu ở một ống ngón tay của đôi găng tay lớn không dùng đến nữa nhét dưới đệm giường. Lan Thuyên nghe chị nói sắp về nhà thăm cha mẹ, vội vàng chạy về tìm ít tiền tích góp này ra, gẩy gẩy một lúc, tính thế nào cũng cảm thấy quá ít, bèn hỏi chú Tài nằm giường bên dưỡng bệnh không làm việc mượn thêm một đồng. Chú Tài hỏi Mày làm chi? Cháu đưa chị mang về cho cha mẹ. Muốn bao nhiêu? Một đồng ạ.

Chú Tài đưa cho cậu năm đồng. Điều này khiến Lan Thuyên rất khó xử, nhìn năm đồng bạc hồi lâu không nhúc nhích. Chú Tài ban sáng nói với đốc công mình bị đau lưng lúc này chân tay lại rất nhanh nhẹn, không có vẻ gì là đáng ngại, nhảy xuống giường đi qua vỗ vai cậu: Mày cần gấp thì cứ lấy đi, không phải là cầm không đâu, sau này giúp tao làm một việc là được rồi. Lan Thuyên không nói hai lời, nhận lấy đi liền.

Trời dần tối, Ngô Lan Anh đi bộ từ ngoại ô trở về nội thành. Cô dừng lại uống nước ăn hai cái bánh nướng ở một sạp ven đường, thấy trong người có sức lực hơn rồi mới trở về ký túc xá trong trường. Lúc xuống phòng nước sôi thì gặp Lưu Nguyệt sát vách, Lưu Nguyệt nói, Cả ngày nay không thấy cậu đâu, có người đến tìm cậu đấy. Ngô Lan Anh hỏi là ai. Lưu Nguyệt đáp không biết, chưa từng gặp, là mấy gã đàn ông, hơn ba mươi tuổi, áo trắng quần đen. Ngô Lan Anh nghe xong liền chạy sang nhà trọ tập thể cách đó không xa, cô tìm Tân Mai khoa Cơ giới, Tân Mai thuê phòng trọ gần trường học ở. Ngô Lan Anh mò mẫm vào căn phòng trên tầng hai, nương theo ánh đèn ngoài hành lang, chỉ thấy trong phòng hỗn loạn. Đương kinh ngạc, có người vỗ vỗ sau lưng cô, quay lại nhìn, là một kẻ lạ mặt không rõ đến có mục đích gì.

“Cô biết con bé sống ở đây?” Kẻ lạ mặt hỏi.

“… Không, không biết.”

“Vậy cô tới làm gì?”

“Mẹ tôi bảo tôi tới giục tiền thuê nhà.”

Kẻ lạ mặt nhìn cô, đang suy đoán xem lời cô gái trẻ này nó có bao phần thật giả thì ngọn đèn u ám trong hành lang chật hẹp đột nhiên tắt phụt.

Ngô Lan Anh dùng hết sức bình sinh đẩy đối phương một cái, rảo bước nhảy xuống cầu thang, liều mạng bỏ chạy, phía sau vọng tới tiếng mắng chửi và tiếng súng. Cô hoảng hốt chạy bừa, cũng không biết đã cắm đầu chạy bao lâu, sau khi xác định được phía sau không còn ai truy đuổi nữa, hai chân lập tức nhũn ra, dựa vào tường ngồi xổm xuống, lúc này mới phát hiện ra trên vai mình đau nhói, máu tươi chảy ào ạt.

Minh Nguyệt ăn xong bữa sáng, định đạp xe tới trường, Hiển Sướng bỏ đũa xuống: “Hôm nay đừng đi đâu cả, ở nhà.”

Nàng chẳng hiểu ra sao, sờ sờ quai đeo cặp: “Tại sao?”

“Giúp ta chỉnh sửa lại sổ chép thi từ của a mã.”

“Em…em phải đến trường mà. Hôm nay không sửa không được sao?”

Chàng bỗng trở nên nóng nảy tột độ: “Đâu ra hỏi lắm thế? Lời ta nói bây giờ không dùng được nữa rồi phải không?”

Minh Nguyệt vô cùng kinh ngạc trước sự lật mặt đột ngột của Hiển Sướng, tiếp đó, nàng bắt đầu lên cơn phản nghịch, cũng không thèm tranh luận, cứ thế nhấc chân đi thẳng ra ngoài, mắt trợn trừng như con nghé con bị khiêu khích, môi mím chặt, răng nghiến đến phát đau. Nhưng chân nàng còn chưa bước được mấy bước đã bị Hiển Sướng tóm lấy cánh tay kéo giật về: “Ta nói cho em biết, hôm nay không được phép ra ngoài. Em điếc rồi hay là ta nói tiếng nước ngoài em nghe không hiểu?”

Minh Nguyệt muốn rút cánh tay mình ra khỏi bàn tay chàng, dùng hết sức bình sinh, cả người quẫy loạn như một con cá mắc cạn, thình lình, một âm thanh vang dội ập vào bên tai, tiếp đó toàn bộ bên mặt trái đau buốt, sưng tấy bỏng rát.

Tiểu vương gia vả cho Minh Nguyệt cô nương một cú tát trời giáng, tất thảy tôi tớ đang phục dịch trong phòng đều cúi đầu ngậm miệng, không dám phát ra bất kì tiếng động nào.

Minh Nguyệt bưng mặt, hoàn toàn đờ đẫn, tiêu cự con mắt đậu lên bình hoa Lam Cảnh Thái đặt trên mặt bàn nhỏ, chỉ cảm thấy ánh kim lóe sáng, rồi nơi đó biến thành lúc đỏ lúc xanh.

Chàng vẫn chưa xong, tóm lấy vạt áo sơ mi trắng của nàng xách nàng vào phòng ngủ, đẩy nàng lên giường, nổi giận đùng đùng thấp giọng quát: “Nuông chiều em quá lắm rồi phải không, cái thứ không biết chết sống! Hôm nay em không muốn chết thì không được đi đâu hết, ngoan ngoãn ở nhà, ăn no nằm ngủ đi! Đừng mong có ai, cũng đừng cầu xin ai thả em ra ngoài. Ai giúp em, ta đánh gãy chân kẻ đó! Nghe rõ chưa!” Minh Nguyệt sõng soài hồi lâu trên giường, trấn tĩnh lại, xuống giường nhào ra, ngoài cửa đã bị khóa chặt. Nàng gọi mấy tiếng, hai mụ vú bên ngoài đều giả vờ câm điếc.

Hiển Sướng ngồi trong thư phòng thừ người một lúc mới nhìn xuống bàn tay vừa mới cho Minh Nguyệt một cái bạt tai của mình, thật sự là rất mạnh, tay mình đến giờ còn tê dại nữa là, mặt Minh Nguyệt lúc đó vừa đỏ vừa sưng, khóe miệng cũng bị rách. Chàng lắc đầu, chàng không đánh hỏng mất tai nàng rồi đâu chứ? Chàng nhịn nàng đã lâu, một khắc ban nãy làm thế nào cũng không nhịn nổi nữa. Có điều, đánh điếc rồi cũng tốt, điếc rồi, trong lòng nàng mới có thể yên tĩnh đi một chút, không chạy loạn khắp nơi ngu ngốc theo người ta ồn ào biểu tình nữa. Chàng vừa nhận được tin từ một người bạn trong ban trị an: Quân phiệt cử lực lượng hậu bị, muốn ra tay với các học sinh sinh viên đi biểu tình…

Uông Minh Nguyệt bị đánh sưng vù nửa mặt, nhốt trong phòng không thể đi học. Đồng thời, Lưu Nam Nhất ở trường cũng cuống quít như kiến bò trong chảo nóng.

Tối hôm trước, cô ôn bài đến tận tối khuya, ra khỏi phòng kiếm gì đó bỏ bụng, bỗng nhiên nghe thấy tiếng gõ vang ngoài cổng chính. Cô giúp việc đã sớm đi ngủ, ở trong phòng lầu bầu oán trách một tiếng rồi mới ra ngoài mở cửa. Nam Nhất cầm cốc sữa bò nói: “Cô cứ ngủ đi, để cháu ra xem.”

Cô băng qua sân nhà, mở hé cổng thành một khe nhỏ, vừa liếc ra đã sợ đến cứng người: “Vô lượng thiên tôn (*), ta là đồng tử dưới trướng Thiên Thượng Lão Quân chuyển thế, ai cũng…không…tổn thương…được ta…”

(*) Đây là câu niệm lúc thi lễ chào hỏi của đệ tử Tam Thanh (Đạo giáo), giống như Phật tử thì thường nói “A di đà phật”.

Ngô Lan Anh sắc mặt tái nhợt, cả người bết máu dốc nốt chút sức lực cuối cùng ra nói: “Nam Nhất, Nam Nhất, giúp tôi với…” sau đó ngã vật ra đất.

Ngô Lan Anh được Nam Nhất giấu dưới hầm ngầm của nhà mình, nơi đó ngoài thực phẩm dự trữ của bà Lưu ra thì còn có một cái giường và chăn đệm cũ không dùng đến nữa. Buổi sáng trước khi đến trường, Nam Nhất mang ít sữa bánh xuống đó tiếp tế rồi lập tức chạy đến lớp muốn thương lượng với Minh Nguyệt xem phải làm thế nào. Kết quả, Uông Minh Nguyệt, người luôn có chủ kiến hôm đó lại không tới. Nam Nhất càng nghĩ càng sợ, không ăn cơm trưa mà chạy luôn ra khỏi trường, chạy thẳng đến số hai tám phố Vũ Lộ, nhà Minh Nguyệt.

Địa chỉ là cô nghe Minh Nguyệt thỉnh thoảng đề cập tới chứ trước giờ chưa từng đi qua đây. Một là Minh Nguyệt chưa từng mời, hai là bản thân Nam Nhất cũng không có nhu cầu muốn qua. Nam Nhất ít nhiều cũng có chút hiếu kỳ và kính nể đối với thân thế và gia đình của Minh Nguyệt, phần lớn nguyên nhân trong đó đến từ chú của Minh Nguyệt. Nam Nhất cảm thấy người này có hơi kỳ lạ. Lạ ở rất nhiều chỗ. Tuổi quá trẻ, quá giàu có, nóng lạnh thất thường, lại nói nếu chàng làm chú là người của Bát Kỳ, vậy cha Minh Nguyệt hẳn cũng là người Bát Kỳ, nhưng Minh Nguyệt là người Hán mà. Lúc Nam Nhất đứng trước cánh cổng lớn màu đỏ tía chưa biết phải vào thế nào, cô đột nhiên cảm thấy cô bạn thân Minh Nguyệt sống ở đây của mình cũng thật quái lạ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.