Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 17: Số kiếp (3)




Ngọn nguồn của trận phong ba phải kể bắt đầu từ sự kiện ngộ độc thực phẩm vào trung tuần tháng Sáu. Hơn hai trăm giáo viên và học sinh của trường tiểu học số hai đường Kỳ Sơn đã bị nôn mửa và tiêu chảy ở các cấp độ khác nhau sau một buổi ăn trưa. Trong đó, một số trường hợp nghiêm trọng đã lập tức được đưa vào bệnh viện lân cận. Có sáu học sinh và hai giáo viên rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, gần như là nguy hiểm đến tính mạng. Họ lâm vào hôn mê, mấy ngày sau mới tỉnh lại, lá gan bị tổn hại nặng nề.

Sở an ninh địa phương tức thì lập án điều tra, chất vấn hơn hai mươi nhà buôn và cửa hàng bán lẻ cung cấp thực phẩm cho trường tiểu học số hai Kỳ Sơn, xét nghiệm sản phẩm của họ, cuối cùng xác định được thực phẩm nhiễm độc đến từ một tiệm buôn gia vị tên là “Hiệu Tương Đại Lỗi”, xì dầu và rau giá họ bán cho trường tiểu học số Hai Kỳ Sơn chứa một lượng lớn khuẩn nấm vàng, đây chính là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm cho tập thể giáo viên và học sinh. Hiệu Tương Đại Lỗi là một thương hiệu lâu đời đã buôn bán được hơn bốn mươi năm ở Chiết Giang, trước nay vẫn luôn vượt trội về chất lượng, sản lượng lớn mà ổn định, phạm vi cung cấp hàng hóa bao trùm toàn bộ tỉnh Liêu Ninh, thậm chí còn vươn cả sang một số khu vực ở Hắc Long Giang và Cát Lâm. Hiện giờ thương hiệu này lại đột ngột dính vào vòng pháp lý, suýt hại chết mạng người, chỉ trong một đêm, Hiệu Tương Đại Lỗi đã bị đập tan các loại chum lu ủ tương ủ giấm, cửa hiệu và sản nghiệp bị niêm phong, cuối cùng ngừng kinh doanh, chờ trị tội.

Truyền thông địa phương tích cực đưa tin tuyên truyền về vụ này, dân chúng vỗ tay khen hay, nhưng rồi cũng nhanh chóng cảm giác được nỗi bất an và mối nguy hại to lớn hơn: Nếu sản phẩm của một thương hiệu chính quy lâu năm như vậy còn không đáng tin thì những thương hiệu bán tương khác liệu có thể tin được không? Nếu xì dầu không đáng tin, vậy muối ăn có tin được không? Rau dưa có tin được không? Thóc gạo dầu mỡ có tin được không?

Tin tức chia thành tin tức lớn và tin tức nhỏ, cường độ đưa tin và sức chiếm trang báo cũng khác nhau. Sau khi đăng tin an toàn thực phẩm lên trang đầu, tổng biên tập Lưu, cha của Lưu Nam Nhất đã nhận được chỉ thị của cấp trên: Cũng là trang đầu nhưng chỉ dùng một góc bằng nửa miếng đậu phụ đăng tin chính phủ quân phiệt ký hiệp nghị hợp tác với xí nghiệp nông lương Nhật Bản, đặt ở góc phải, không lớn không nhỏ, phải viết thành một tin tức tốt để chính thức thông báo và khẳng định, nhưng không thể quá lộ liễu, không thể để dân chúng cảm nhận được chút quan hệ nhân quả tất yếu nào.

Lúc đó Minh Nguyệt đang ngồi chơi ở nhà Nam Nhất, ông Lưu về đến nhà lập tức hỏi vợ, Trong nhà gạo mì dầu muối còn nhiều không? Bà Lưu đáp, Còn đủ, không cần phải mua gấp, gần đây không phải chất lượng hàng hóa không tốt sao? Ông Lưu đáp, Mau, cầm tiền dư ra đây, mua tích trữ thêm đi. Tích trữ bao nhiêu á? Tích được bao nhiêu hay bấy nhiêu! Bà Lưu nghe lời đi mua một đống rau dưa đồ ăn về tồn.

Đồng thời khi nhà họ Lưu đang tích trữ thực phẩm, một con tàu chở hàng khổng lồ chở đầy gia vị và bao tải gạo khởi hành từ Nhật Bản đã cập bến ở cảng Đại Liên. Tòa soạn của ông Lưu và các tòa soạn đồng nghiệp khác đều được lệnh tiến hành đưa tin liên quan, còn phải thống nhất đăng ảnh chụp, dùng cái đó để khẳng định: Thật sự có tàu chở hàng thực phẩm Nhật Bản tới, vệ sinh an toàn, giá cả hợp lí, sắp được đưa lên thị trường.

Không lâu sau đó, dân chúng phát hiện ra một số mặt hàng Nhật Bản trong các hiệu buôn thực phẩm, cửa hàng nhỏ lẻ và sạp bán ngoài chợ. Những mặt hàng này ban đầu đúng là không đắt, xì dầu tươi ngon đậm đà, hạt gạo chắc mẩy thơm ngọt, hơn nữa còn đóng gói bắt mắt, anh xem, trên hộp bánh bích quy còn có hình ca sĩ xinh đẹp và lực sĩ khôi hài này… Các thương hiệu Nhật Bản nhanh chóng mượn cơn khủng hoảng chiếm lĩnh thị trường, nhưng không ai biết, số hàng hoá nhập khẩu cập bến và dỡ hàng mỗi một khoảng thời gian ở cảng Đại Liên căn bản là không theo kịp tốc độ tiêu dùng của cả Liêu, Hắc, Cát, nói cách khác, hàng Nhật chuyển tới chỉ có một phần mà dân chúng lại mua những năm phần, vậy bốn phần chênh lệch kia là từ đâu ra?

Sự thật là, “hàng nhập khẩu” họ tiêu dùng không khác những mặt hàng trước đây là bao, chỉ có điều, rất nhiều xí nghiệp vì không chịu được khổ đã bị ông chủ Nhật Bản chèn ép thu mua, những sản phẩm trước đây chỉ cần thay đổi bao bì là thành hàng Nhật Bản, đổi một thân phận khác mà tiếp tục bán đổ bán tháo tại bản địa. Đương nhiên, đây chưa phải là mục đích cuối cùng. Hậu quả mà việc lũng đoạn đem đến là không khống chế được vật giá: Mùa hè còn chưa kết thúc, trong vòng chưa đầy ba tháng, giá cả lương thực thực phẩm ở Phụng Thiên đã lặng lẽ tăng lên ba mươi phần trăm.

Rốt cuộc cũng có người bắt đầu nhận ra.

Thương hội tỉnh Chiết Giang đệ đơn lên tòa án, đồng thời công bố bắt được tên người Nhật đã đầu độc Hiệu Tương Đại Lỗi. Tòa án ban đầu không cho thụ lý, nhưng tin tức nhanh chóng lan tỏa tràn ngập trong dân chúng. Sự bất mãn của nhân dân đối với việc lương thực thực phẩm vật giá leo thang nhanh chóng lan ra các lĩnh vực khác. Họ chợt nhận ra cuộc sống của mình đã bị nước nhỏ Nhật Bản chiếm lĩnh, thoi thóp ngắc ngoải trong kẽ hở lợi ích giữa các chính phủ quân phiệt.

Cuộc vận động tẩy chay hàng Nhật và thương hiệu Nhật Bản nổ ra vào tháng Tám, với những hoạt động thoạt tiên mang tính tự phát của dân chúng, phát triển thành các cuộc diễu hành và mít-tinh. Lại là các sinh viên đại học dẫn đầu ra đường, họ nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của nhân dân trong thành phố, khẩu hiệu tiêu ngữ giăng ngập trời ngập đất. Minh Nguyệt bổ nhào ra bệ cửa sổ, thấy Ngô Lan Anh đi đầu đội ngũ.

Lúc đó đang là tiết đại số, thầy giáo hai mươi sáu tuổi ném sách xuống bàn, dẫn học sinh ra các cửa sổ vẫy chào vỗ tay, hò reo trợ uy. Đợi đoàn diễu hành đi qua rồi, thầy giáo bảo họ về lại chỗ ngồi, tiếp tục dạy học. Y phát hiện ra vị trí của hai học sinh bị bỏ trống: Uông Minh Nguyệt và Lưu Nam Nhất.

Hai cô bé tự cuốn mình vào đoàn diễu hành biểu tình, đi theo đám trẻ lớn hơn họ chút xíu ngang dọc khắp đường to ngõ nhỏ trong trung tâm thành phố suốt hai tiếng đồng hồ, cuối cùng họ đi tới trước cửa soái phủ ở Cửa Nam, ngồi đó yêu sách.

Tháng Tám, mặt trời ngột ngạt chói chang giữa trời, đám sinh viên ngồi bệt dưới đất trên đường lớn trước cửa soái phủ. Soái phủ canh phòng sâm nghiêm được lớp lớp binh sĩ vác súng lên đạn bảo vệ, nòng súng chĩa về phía đám người biểu tình trẻ tuổi. Có tổng cộng sáu người đối mặt với nòng súng đen ngòm tiến lên đệ trình yêu sách, trong đó có Ngô Lan Anh sắp tốt nghiệp.

Yêu cầu đầu tiên trong thư yêu sách là tòa án phải thụ lý thẩm tra vụ án Hiệu Tương Đại Lỗi bị đầu độc hãm hại, tiện đà yêu cầu chính phủ quân phiệt áp dụng các biện pháp can thiệp vật giá, tiếp đó hủy bỏ hiệp nghị chính phủ về việc nâng đỡ các thương hiệu Nhật Bản và nhập khẩu hàng Nhật. Người nhận thư yêu sách là một vị thư ký của đại soái, trông có vẻ tuổi không lớn tuổi lắm, nhã nhặn tinh anh. Hắn tỏ vẻ sẽ chuyển các yêu sách lên cho đại soái, xin chỉ thị nghiên cứu.

Đại biểu sinh viên hỏi phải nghiên cứu tới khi nào.

Không xác định.

Được. Chúng tôi chờ.

Ngô Lan Anh tìm được Nam Nhất và Minh Nguyệt, cho họ một ít nước và bánh xốp đào. Hai người ngoạm vài miếng hết sạch. Ngô Lan Anh bảo hai cô bé học sinh trung học hoặc là về trường hoặc là về nhà đi, họ cũng không chịu, khăng khăng đòi ở lại đây chờ câu trả lời thuyết phục.

Cậu trai ngồi cạnh họ cười ha hả nói: “Mới biết được bao chữ chứ? Đạo lý còn chưa hiểu bao nhiêu, đi theo bọn này chỉ để giỡn chơi thôi đúng không?”

Minh Nguyệt tức khắc sửng cồ lên đến độ mặt đỏ rần, vì kích động mà lập cà lập cập, lắp bắp nói: “Đừng…đừng có mà xem thường người khác. Quốc…quốc gia hưng vong, thất phu hữu…trách.” Sinh viên chung quanh bật cười, là nụ cười thiện ý, xác định rằng hai cô bé đã được chấp nhận đứng trong hàng ngũ của họ.

Chuyện vận động chính trị này có một sức mạnh vừa mãnh liệt vừa kỳ quái. Nó có thể thông qua ý định và hoạt động của tập thể mà nhanh chóng nung đốt dòng máu của cá thể, tiện đà kích thích sức mạnh phản kháng và khoái cảm phản nghịch. Rượu cồn, ma túy, nhạc rốc cũng có tác dụng và sức mạnh này nhưng không thể mãnh liệt và dữ dội được vậy. Càng trẻ tuổi thì nhiệt độ bùng cháy càng thấp.

Minh Nguyệt ngồi trong đám người, nghe người ta diễn thuyết thảo luận, cùng người ta hô hào ca hát, cảm nhận được một cảm giác vui sướng và thoải mái chưa từng có, dường như mọi oán khí có thể giết chết thực vật tích tụ trong lòng nàng trước nay đều bay biến hết sạch không đọng lại chút gì. Tim đập và hít thở đều sảng khoái hơn rất nhiều. Đáy lòng nàng thậm chí còn nảy ra một ý tưởng hoang đường: Nếu có thể tiếp tục như vậy thì thật tốt biết bao, không cần phải đến trường, không cần phải đi học, không cần phải trở về vương phủ, vậy cũng tốt…

Hơn bốn giờ chiều, phủ đại soái vẫn không có bất kỳ một lời hồi đáp nào đối với thư yêu sách, nhưng lại có một người chạy tới tìm Minh Nguyệt. Y từ phía sau gọi nàng: “Minh Nguyệt cô nương, Minh Nguyệt cô nương.”

Minh Nguyệt quay lại nhìn, là gia đinh của vương phủ, Đại Triệu. Đại Triệu hơn bốn mươi tuổi, mặc trường sam lụa mỏng ngồi xổm trong đám người, thái độ khiêm nhường, dáng vẻ lúng túng: “Minh Nguyệt cô nương, vương…lão gia bảo cô về phủ.”

Minh Nguyệt không chút nghĩ ngợi: “Không về. Chuyện của tôi còn chưa xong. Tôi không về.”

Đại Triệu ngẩn người, nhất thời bất động.

Cậu trai ngồi cạnh Minh Nguyệt thong dong nói: “Chao, là thiên kim tiểu thư cơ à. Vinh hạnh, thật vinh hạnh quá.”

Minh Nguyệt bỗng phát cáu, chậm rãi nghiêm trang nói: “Tôi không phải thiên kim tiểu thư. Anh mới là thiên kim tiểu thư ấy.”

Cậu trai ngậm miệng, xoay mặt đi nói chuyện với người khác.

Đại Triệu rướn lên ghé sát hơn vào Minh Nguyệt, che miệng nói: “Cô nương, lão gia đang đợi cô đấy. Nói là nếu tôi không mời được cô về, lão gia sẽ ra đây thỉnh cô về.”

Minh Nguyệt nghe xong cả kinh trong bụng, lập tức ngồi thẳng dậy nhìn quanh một vòng, quả nhiên ở hướng tây, phía cuối con đường, dưới bóng râm của một cây dương, loáng thoáng trông thấy chiếc xe màu đen của Hiển Sướng. Nàng nhìn sang Đại Triệu, Đại Triệu gật đầu xác nhận.

Ồ, chàng tới rồi. Chàng muốn bắt nàng về. Chàng sẽ xông tới đây, xách nàng đi giống như lần trước đã lôi cổ nàng từ trên tàu hỏa xuống ư? Thuận tiện để cho tất cả mọi người biết được sự thực nàng vẫn luôn cố gắng che giấu, vạch trần lời nói dối “Chàng là chú nàng” mà nàng bịa ra, khiến Nam Nhất và những người khác biết nàng là của mình chàng độc chiếm?

Nàng cười thầm trong bụng: Còn lâu tôi mới sợ. Thế thì đã sao? Còn có thể khó coi hơn bị một đứa nít ranh trỏ vào mũi gọi là hồ ly sao? Hiện giờ tôi rất tự tại, để có thể sống tự tại thêm một lúc nữa, tôi đếch quan tâm cái gì hết, tôi đếch.

Đại Triệu nói: “Cô nương, thân thể xương khớp cô mới khá hơn được chút xíu, không thể lăn lộn thế này đâu, ta đi thôi…”

Minh Nguyệt chợt quay phắt sang nhìn y, nghiến răng, dữ dằn nói: “Tôi không về! Ông trở về nói cho hắn biết: Tôi không về!”

Đại Triệu không biết làm sao, xoay người rời đi.

Nam Nhất nhìn Minh Nguyệt vừa hoảng hốt vừa thở dốc, nói: “Chú cậu quản cậu nghiêm thật.”

Minh Nguyệt lắc đầu, không nói gì.

Nhưng Hiển Sướng cũng không tới bắt nàng về. Chàng cũng không rời đi. Chiếc xe con màu đen vẫn dừng ở đằng xa. Minh Nguyệt ngồi cùng những người khác dưới cái nắng như đổ lửa, vậy mà trong lòng lại càng lúc càng rét run.

Chập choạng tối, thư ký đại soái rốt cuộc cũng đi ra truyền lời: Đại soái đã chỉ thị cho tòa án thẩm tra và xử lí vụ án giữa Hiệu Tương Đại Lỗi và người Nhật Inoue Miro, sẽ mở phiên tòa trong hôm nay, đồng thời cho phép các tầng lớp xã hội tới dự thính. Về hai mục khác trong nội dung yêu sách: Trước tiên chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp quyết liệt can thiệp vật giá, còn vấn đề thương hiệu Nhật Bản và hàng Nhật thì cần bàn bạc phương án giải quyết kĩ càng hơn.

Tuy dùng từ lập lờ nước đôi, thái độ cũng mù mờ không rõ, nhưng bất kể thế nào, cuộc diễu hành cũng đã đạt được mục đích hàng đầu: vụ án Hiệu Tương Đại Lỗi được công khai xét xử. Sắc trời dần tối, đoàn diễu hành giải tán tại chỗ, Minh Nguyệt nhìn quanh, xe Hiển Sướng chẳng biết đã lái đi tự khi nào.

Minh Nguyệt và Nam Nhất mệt mỏi rã rời cùng đi ăn một bữa mì thịt bò. Trời đã tối hẳn, người trên đường càng lúc càng ít đi, Nam Nhất rầu rĩ: “Về nhà rồi mình nhất định sẽ bị đánh! Chổi mẹ mình quật đau chết được. Cậu sướng thật đấy, chú cậu chắc chắn sẽ không đánh cậu.”

Minh Nguyệt cúi đầu, nín thinh, một lát sau, bỗng hăm hở nảy ra một ý: “Nam Nhất thân yêu, chúng ta là chiến hữu của nhau mà, cho mình sang nhà cậu qua đêm đi. Như vậy mẹ cậu sẽ nể mặt mình mà không đánh cậu, mình cũng không cần về nhà nhìn chú xị mặt với mình.”

Nam Nhất lưỡng lự: “Vậy có ổn không…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.