Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 13: Thầm hứa (5)




Tối đó Hiển Sướng nán lại phòng Thải Châu rất khuya, cơm nước xong xuôi lại uống trà ăn bánh, hai người chơi với nhau một ván cờ vây, bất tri bất giác đêm đã sâu tự bao giờ. Tiểu vương gia che miệng ngáp một cái, đứng dậy nói: “Nàng nghỉ ngơi đi.” Chàng nói đoạn định đi, Thải Châu ngồi tại chỗ, không giữ lại cũng không đứng dậy đưa tiễn, chỉ nhẹ nhàng thở dài một hơi. Hiển Sướng đã ra tới cửa, thu chân lại, quay đầu nhìn Thải Châu, trên mặt hốt nhiên mang chút vẻ hổ thẹn chưa từng thấy, chỉ một chút xíu, nhưng chàng thực sự cảm thấy có lỗi, tìm một cái cớ nói: “Ta bị cay mũi, có lẽ là cảm lạnh rồi, ở lại đây qua đêm không tốt cho nàng lắm.”

Thải Châu đứng lên, ôm lò sưởi tay của mình đưa cho Hiển Sướng, tách mười ngón tay chàng ra rồi lại khép từng ngón từng ngón vào, ngước mắt nói: “Vương gia phải lo liệu gia nghiệp, chăm nom cho già trẻ cả một nhà mà chẳng chú ý chăm sóc sức khỏe cho mình gì cả.”

Hiển Sướng cười cười, không nói gì.

“Chiều qua thiếp nhận được thư của em trai, hiện giờ nó đang ở Sơn Tây khai thác buôn bán mỏ than đá, vừa mới đến nên chưa ổn định được, ở trong căn nhà cũ a ngõa thiếp mới mua năm ngoái, đến bếp lò cũng không có. Đi chưa được bao lâu, nó và em dâu đã lăn đùng ra ốm, cả hai cùng bị bệnh, phát sốt ho khan uống thuốc, đứa này xoa tay cho đứa kia, đứa này ủ chân cho đứa kia… Vương gia,” Cô ngẩng đầu lên, mắt long lanh lệ, “Vương gia thương thiếp, sợ thiếp trở thành người vợ cùng đau cùng ốm với ngài, phải không?”

Hiển Sướng không nói được nên lời, thấy cô gái này tóc đen như mây, mặt hồng đẹp đẽ, tuổi xuân đang thịnh mà mặt mày lại đau khổ sầu bi thì nảy lòng thương tiếc như một lẽ tự nhiên, khoác tay lên vai cô, nói: “Nhớ nhà à?”

Thải Châu nước mắt tràn mi, cầm tay chàng áp lên mặt mình: “Nơi này, nơi này của vương gia không phải nhà thiếp sao?”

Câu này chợt khiến Hiển Sướng nhớ tới lời của ngạch nương mình. Mấy tháng trước lúc chàng mang Minh Nguyệt trở về, phúc tấn không tức không nóng, chỉ chờ con trai mình bớt giận rồi nói với chàng: “Trong mắt con chỉ có một mình mình, chỉ có cô bé kia, con có biết những người khác đều trông cậy vào con không? Con chịu lo liệu cho bao nhiêu người trong cái nhà này chứ?”

Chàng vốn định quay về phòng mình nghỉ ngơi nhưng Thải Châu khóc lóc kể lể lúc này lại nhắc nhở chàng rằng chàng là chồng cô. Chàng thu bước chân lại, xoay người trở về phòng, vừa tháo đồng hồ đeo tay vừa nói: “Giúp ta nấu bát canh gừng, đuổi khí lạnh.”

Thải Châu lau nước mắt phân phó a hoàn đi làm, bản thân thì hầu tiểu vương gia tắm rửa thay quần áo. Chuyện trên giường trong đêm không âu yếm cũng chẳng nhiệt tình, đến cả chút mới mẻ của thuở ban đầu cũng không có. Nhưng được vậy là tốt lắm rồi, Thải Châu nghĩ thầm, bất kể thế nào, họ cũng là vợ chồng, bất kể thế nào, chuyện trước đây cô sắp đặt muốn đuổi Minh Nguyệt đi cũng đã được Hiển Sướng từ từ tha thứ… Mình đúng là hèn mọn.

Tuy nhiên không bao lâu sau, Thải Châu nhận được thư của em trai từ Sơn Tây. Trong thư cảm ơn cô và anh rể đã hào phóng hỗ trợ đúng lúc, việc buôn bán của y bây giờ đã có khởi sắc, còn có khách hàng lớn trước nay chưa từng liên hệ tìm tới cửa, sau này tình trạng khá lên rồi, nhất định sẽ dẫn cả nhà tới Phụng Thiên đến cửa bái tạ… Thải Châu đọc thư mà kinh ngạc, nhìn ra ngoài, Hiển Sướng đang dẫn theo hai tên gia đinh quây chiếu cói giữ ấm cho cây mai vàng ngoài sân. Cái mũi cao của chàng bị cóng lạnh đến đỏ bừng, tay không đeo găng, đầu ngón tay tím tái, nom cả người có phần khôi hài. Lại qua mấy ngày nữa, mai vàng nở hoa, thơm nức nhà nức cửa, Thải Châu nghĩ, người này chẳng bao giờ nói năng gì, nhưng lúc nào cũng có cách làm được.

Trước tân niên, chuyện vui lớn nhất trong vương phủ là Thải Châu hoài thai. Hơn chín tháng sau, đứa trẻ ra đời. Tiếng khóc to rõ ràng như một cậu bé ấy nhưng lại là một cách cách. Phúc tấn không tiện nói là có thất vọng hay không nhưng Thải Châu thì thật sự thất vọng. Cô muốn một bé trai, muốn một đứa con trai hơn bất kì ai khác, một đứa con trai khôi ngô sáng láng như tiểu vương gia. Nhưng thứ cô có được lại là một bé gái đỏ hỏn. Có điều, đứa con gái này lại được tiểu vương gia yêu thích vô cùng. Chàng ôm nó ngắm nghía suốt một, hai canh giờ vẫn không ngắm đủ, cũng là chàng phát hiện ra đầu tiên trên gáy cô bé có một nốt ruồi son. Hiển Sướng cười hỉ hả: “Đứa nhỏ này có cát tướng, sau này sẽ làm nên nghiệp lớn!” Thải Châu cố ý nói: “Con gái thì làm được cái nghiệp gì?” Hiển Sướng đến nhìn cũng chẳng buồn nhìn cô: “Nói ngớ ngẩn!”

Lại một mùa thu, Hiển Sướng đang ở nhà đọc báo, đầy tớ dẫn một nữ sinh hoảng loạn luống cuống vào, Hiển Sướng nhận ra đó là bạn học của Minh Nguyệt ở trường. Cô bé vừa thấy chàng đã òa một tiếng bật khóc: “Chú, chú, Minh Nguyệt bị cảnh sát bắt đi rồi!”

Sau khi vết thương bị chậu hoa rơi trúng của Minh Nguyệt khỏi hẳn, nàng đã nhanh chóng quay lại trường học. Đỉnh đầu nàng cuối cùng lưu lại một vết sẹo nhỏ hẹp dài, may là tóc dày nên che đi được, không dùng tay vạch ra sẽ không nhìn thấy. Người có thể động thủ vạch tóc nàng xem sẹo chỉ có một, chính là Hiển Sướng. Chàng còn vừa vạch vừa trêu chọc nàng: “Em biết cái này gọi là gì không?”

“Gọi là gì?”

“Mở cửa sổ mái.”

“Nghe không hiểu.”

“Sau này em sẽ thông minh hơn lúc trước, không còn đần độn nữa.”

Nàng ngồi dậy khỏi lòng chàng: “Anh mới đần ấy.”

Câu nói ấy của tiểu vương gia có lý, kể từ khi mở cái cửa sổ trên mái nhà này, tinh thần Minh Nguyệt dường như thực sự sáng láng hơn hẳn. Thành tích học tập của nàng vốn chỉ trên trung bình, vậy mà mấy kỳ thi tiếp đó lại đều nằm trong nhóm đứng đầu cả lớp, toán và ngoại ngữ cực kì tốt. Tính tình cũng hoạt bát cởi mở hơn xưa, thích ra ngoài tụ họp với bạn bè. Nàng vốn hiền lành, nói năng cư xử chưa từng làm người khác cảm thấy khó chịu, tiền tiêu vặt trong tay cũng nhiều nên nghiễm nhiên trở thành nhân vật được hoan nghênh nhất trong đám bạn học.

Nàng vẫn thân với Nam Nhất nhất, thường tới nhà cô học nhóm. Lần đầu tiên đến, mẹ Nam Nhất bảo người làm chuẩn bị một bữa cơm phong phú. Minh Nguyệt đi rồi, mẹ Nam Nhất hỏi con gái, Cô bé này lai lịch thế nào? Nam Nhất đáp, Bạn học ạ. Mẹ cô nói, Mẹ lại chẳng biết nó là bạn học của con à? Đang hỏi gia đình nó làm gì kia mà? Nam Nhất vô tư lự đáp, Chỉ mới gặp chú cậu ấy thôi, có vẻ như rất giàu có. Mẹ Nam Nhất không hỏi gì thêm nữa.

Ông Lưu cha Nam Nhất là tổng biên tập của một tòa soạn, là một vị phụ huynh tính tình sôi nổi nhiệt tình nhưng đẻ ra hai cô con gái Đông Nhất và Nam Nhất thì lại đều biếng nhác. Trường Đông Nhất cho nghỉ học, cô một mực không quay lại Thượng Hải mà cứ ở nhà lề rề suốt nửa năm. Minh Nguyệt thường xuyên tới nhà họ Lưu làm khách nên cũng quen nhóm bạn bè chơi chung của Đông Nhất. Một ngày nọ, anh chàng Thái Quân khiến Nam Nhất hơi chút liêu xiêu dẫn một cô bạn học cùng đại học với mình tới nhà họ Lưu. Đó là một cô gái mười chín tuổi tên là Ngô Lan Anh, người Cáp Nhĩ Tân, khuôn mặt thanh tú, vóc dáng tầm tầm.

Buổi chiều xuân hôm đó, ngoài trời mưa lâm thâm, nhà họ Lưu chuẩn bị trà nóng và bánh trái vừa miệng chiêu đãi bạn bè Đông Nhất và Nam Nhất. Máy hát bật nhạc Tây, vài người ngồi tán gẫu, vài người chơi đánh cờ, Minh Nguyệt thì đọc một quyển truyện tiếng Anh của Đông Nhất, con mèo nhỏ Cát Cát Nam Nhất nuôi trượt qua trượt lại trên mặt sàn vừa đánh bóng. Mặt sàn phòng khách nhà họ Lưu màu đỏ thẫm, đám trẻ không đi dép, dưới chân là những đôi bít tất đủ loại sắc màu.

Thái Quân dẫn Ngô Lan Anh vào cửa, sau đó giới thiệu cô với mọi người. Cả đám chào hỏi Ngô Lan Anh, Đông Nhất niềm nở mời khách: “Ngô tiểu thư qua đây xem xem, muốn uống gì tự chọn lấy, đừng khách khí.” Ngô Lan Anh cởi giày đi vào, chọn một cốc trà pha mạch nha nóng. Tay Minh Nguyệt vẫn đang cầm quyển sách, thầm nhủ lại đoạn văn thú vị mình vừa đọc được, bỗng thấy trên sàn nhà đỏ thẫm có một chuỗi vết ướt hình tròn, kéo dài từ cửa vào phòng khách, lại không phải dấu chân của Cát Cát. Ánh mắt nàng không tự chủ tìm kiếm, rốt cuộc phát hiện chuỗi vết ướt này dừng lại dưới một đôi bít tất màu xám nhạt. Phần mu bàn chân bít tất thì khô nhưng gan và mép bàn chân lại ướt sũng. Minh Nguyệt ngẩng đầu nhìn, là bít tất của cô bạn mới Ngô Lan Anh bị ướt. Ánh mắt Ngô Lan Anh như vẫn luôn chờ đợi giây phút cuối cùng nàng tìm ra bí ẩn này, khinh miệt trừng một cái, ôm chén trà của mình xoay người sang chỗ khác.

Minh Nguyệt cảm thấy lòng hiếu kỳ của mình không có ác ý, không cần phải chịu sắc mặt như vậy của cô, lại một lần nữa cúi đầu đọc sách.

Ông Lưu tan làm về nhà, thấy cả phòng toàn thanh thiếu niên trẻ tuổi thì phấn chấn hẳn lên, hỏi họ gần đây có đọc báo của tòa soạn mình không, có cảm tưởng và kiến nghị gì không. Mọi người nhao nhao bàn luận, lời nói thực ra đều là lời trẻ con, chỉ có tiểu thư Ngô Lan Anh là cất tiếng hỏi, giọng không lớn không nhỏ: “Báo chí hẳn là đều nói thật chứ ạ?”

“Báo chí chỉ có thể nói thật.” Ông Lưu đáp.

“Báo của chú tuần trước có một bài viết về tình trạng sinh hoạt của công nhân xưởng cao su ở ngoại ô.”

“Đúng vậy, cô bạn nhỏ, cháu đọc rồi à?”

“Vâng, chú Lưu. Trong bài có nói công nhân mỗi ngày làm việc chín tiếng, tiền lương một ngày là năm đồng đồng, ăn tập thể, hai ngày mới được tắm một lần.”

“Đấy là tình hình do chính miệng các công nhân cung cấp lúc bọn chú phỏng vấn.”

“Nhưng trước đó họ lại được cho hay phải nói như vậy, nếu không sẽ khó giữ được bát cơm. Tình hình thực tế là tuyệt đại đa số bọn họ mỗi ngày đều phải làm việc trên mười bốn tiếng, tiền lương năm đồng đồng một ngày là đúng, nhưng khi kết toán mỗi tháng thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị trừ lương vì xin nghỉ ốm. Tiền cơm là trích từ tiền lương ra, mười bốn công nhân chen chúc cùng một cái phản, đến trung tuần tháng Chạp mới được đốt sưởi giường đất…” Giọng Ngô Lan Anh đều đều bình tĩnh, không chút gợn sóng, nhưng những lời này đã đủ để đám trẻ không phải lo ăn lo mặc trong căn phòng phải thầm kinh hãi.

Minh Nguyệt cúi đầu, nàng không có bất kì trải nghiệm gì với việc lương năm đồng đồng một ngày, mười bốn người ngủ chung một phản hay trước trung tuần tháng Chạp phải nằm giường đất lạnh lẽo, nhưng cũng có thể tưởng tượng được hoàn cảnh đó khổ cực đến mức nào.

Ông Lưu hơi kinh ngạc, cũng có phần xấu hổ, mỉm cười hỏi Ngô Lan Anh làm sao biết được những chuyện này.

Ngô Lan Anh nói Cháu làm sao biết được không quan trọng, quan trọng là chú có thể cho người đi điều tra thực tế chi tiết hay không.

Ngày đó sau khi bữa tụ họp ở nhà họ Lưu kết thúc, Ngô Lan Anh đi tuốt đằng trước. Lúc Minh Nguyệt ngồi đi giày, cảm thấy cô gái này rất kiên cường. Tiểu thư Ngô Lan Anh mặc áo khoác có mảnh vá nhấc chân ra khỏi cửa, đế giày phía mũi chân của cô đã bị mòn thủng, lộ ra bít tất màu xám nhạt bên trong.

Vị Ngô tiểu thư này quả thực đã để lại ấn tượng rất sâu cho mọi người, nhưng ban đầu Minh Nguyệt cho rằng chuyện cô nói không liên quan gì đến mình. Không lâu sau, cha Nam Nhất quả nhiên cho ký giả cấp dưới đến xưởng cao su ngầm hỏi, phát hiện ra những trò ngược đãi phía sau tấm màn đen không khác với Ngô Lan Anh nói là bao. Báo chí lập tức tiến hành viết một loạt bài đưa tin tìm hiểu về sự việc này, chuyện này nhất thời trở thành tiêu điểm bàn luận của cả thành phố. Một buổi chiều tối, Minh Nguyệt tan học về nhà, thấy Hiển Sướng ném tờ báo vào mặt một người khác bên ngoài thư phòng chàng, nghiến răng quát: “Thật mất mặt!”, Minh Nguyệt lúc đó liền hiểu ra ngay, té ra chuyện này cũng là tác phẩm của chàng!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.