Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 11: Thầm hứa (3)




Năm đó, trận tuyết đầu mùa đổ xuống vào trung tuần tháng Mười một. Minh Nguyệt ăn bữa sáng rồi đi học, vừa ra cửa đã ngã oạch một cái. Dưới lớp tuyết là mặt băng kết từ đêm qua, đông lại cứng ngắc. Nàng ngã nghiêng người, nửa mình bên phải đập xuống đất, Hiển Sướng đỡ nàng dậy, phủi phủi tuyết trên vai nàng: “Đừng đạp xe, để ta bảo tài xế đưa em đi.” Vương phủ vừa tậu thêm một chiếc xe con hiệu Anh nữa, to lớn quý phái, khí thế bức người. Minh Nguyệt lắc đầu: “Không cần đâu, em đi cũng không xa mà.”, nói đoạn dựng cổ áo lên che kín mặt và cổ, chỉ để lộ ra đôi mắt. Hiển Sướng trông mà phì cười, “xí” một tiếng để mặc nàng muốn làm gì thì làm. Minh Nguyệt ngược dòng gió bấc ra cửa đến trường, Hiển Sướng trở về thư phòng mình sưởi ấm, xem bảng biểu báo cáo lợi tức đầu tư mà ngân hàng ngoại quốc ở Thiên Tân gửi tới cho mình qua bưu điện. Buổi tối chàng còn có bữa cơm khách hẹn ở quán Lộc Đảo trong khu trung tâm.

Minh Nguyệt đến trường học, cô giáo quản lí hành chính mở cửa nhà kho cho học sinh lấy thuổng sắt và chổi chuẩn bị quét tuyết. Nổi bật nhất trong đám người là Lưu Nam Nhất, mặc một cái áo khoác dạ màu đỏ tươi, vạt áo may kiểu xếp ly, chiết eo rất hẹp, là kiểu mốt mới. Minh Nguyệt lấy thuổng xong đi qua vỗ vai Nam Nhất: “Uầy, đẹp thế!”

Nam Nhất đang nói chuyện với người khác, quay lại thấy Minh Nguyệt, cười hì hì nói: “Chị mình mang từ Thượng Hải về cho mình đấy, đẹp không?”

“Ừ.” Minh Nguyệt thành tâm thực lòng gật đầu: “Đẹp lắm, như trên tạp chí ấy.”

Chị gái Nam Nhất tên là Đông Nhất, được cha mẹ cho lên Thượng Hải học đại học. Nghe Nam Nhất kể, Đông Nhất thực ra học không tốt lắm, mang tiếng là theo chuyên ngành tiếng Anh nhưng khi nói chuyện với người nước ngoài, dáng vẻ như chỉ hận không thể khua hết tay chân lên ra dấu phụ trợ, Nam Nhất không ít lần cười nhạo chị gái mình. Có điều, Đông Nhất dù sao cũng là sinh viên học tiếng Tây ở thành phố lớn miền Nam, cứ mở miệng ra là tuôn trào những danh từ nghe đến là bùi tai và tín ngưỡng khoa học tự do dân chủ. Nam Nhất nói, mỗi lần Đông Nhất nói đến cái này trên bàn cơm, mẹ cô chỉ hận không thể cầm đũa chọc thẳng vào miệng chị ấy.

Họ quét tuyết trong sân trường, lớp hai năm bốn được phân cho quét khu vực dưới tòa nhà ký túc xá giáo viên. Nam Nhất là một cô gái tính tình đại khái, thân mặc áo khoác xinh đẹp nhưng lại quên không mang găng tay, lúc lao động, Minh Nguyệt chia cho cô một chiếc găng tay của mình. Nam Nhất vừa quét tuyết vừa nói: “Hôm qua mình đi xem chiếu bóng với chị đấy.”

“Phim chi thế? Hay không?”

“‘Người phụ nữ mới’, xem hay lắm. Mình thật sự muốn đi xem lại lần nữa tối nay.” Nam Nhất thò bàn tay không đeo găng lên miệng hà hơi, đuôi mày khóe mắt chợt hé ra một nụ cười khả ái, như đang nghĩ đến điều gì.

Minh Nguyệt nhìn Nam Nhất, đứng thẳng dậy, cũng cười, nói: “Trông cậu vui vẻ vậy là do chỉ có cậu và chị thôi à?”

Nam Nhất rất sảng khoái thành thật: “Không phải, còn có bạn học của chị nữa. Có một người là Thái tiên sinh hiện đang đi học ở đại học Đông Bắc, anh ấy vốn là bạn trung học của chị mình.”

Minh Nguyệt cười khanh khách, hứng thú bừng bừng nghe Nam Nhất kể.

“Thái tiên sinh học siêu giỏi, vốn có thể đi Bắc Bình học đại học, nhưng phải chăm sóc cha mẹ cao tuổi nên không thể rời nhà quá xa, bèn ở lại Phụng Thiên. Hôm qua anh ấy còn dẫn theo một bạn học tới, chị mình quen cả hai người họ. Ban đầu bọn mình ngồi ở quán trà một lúc, sau đó mua hạt dưa, bánh sơn tra và khoai nướng, ra rạp chiếu bóng. Họ đều là người ăn nói văn minh, lành mạnh tích cực, mình…”

Minh Nguyệt trỏ vào chóp mũi đỏ ửng vì bị cóng của Nam Nhất: “Cậu…cậu muốn gặp vị Thái tiên sinh kia lần nữa đúng không? Cậu đã quên chuyện Tường Vi Vàng và Zohan như thế nào rồi à? Ha ha ha…”

Nam Nhất không chỉ đỏ mỗi mũi mà thẹn thùng và phiền muộn đã khiến cả khuôn mặt cô đều đỏ bừng, cô túm lấy bím tóc lộ ra bên ngoài vành mũ của Minh Nguyệt: “Cậu… Cái đồ đều cáng, cậu nói vớ vẩn, cậu bảo ai là Tường Vi Vàng? Cậu mới là Tường Vi Vàng ấy…”

Minh Nguyệt vốn đang cười khúc khích né tránh Nam Nhất, chợt nghe đến câu “Cậu mới là Tường Vi Vàng ấy” thì đột nhiên như bị chọc trúng tâm sự cấm kỵ nhất, bỗng đứng sững trong đống tuyết, cả người bất động, nụ cười trên mặt cũng đông cứng lại, hệt như một con côn trùng bỗng dưng bị nhựa thông rơi trúng phong ấn thành hổ phách. Nam Nhất bị dọa cho giật nảy mình, nhảy bật qua, huơ huơ mấy ngón tay trước mặt Minh Nguyệt: “Này, Uông Minh Nguyệt, Uông Minh Nguyệt, cậu sao vậy? Sao tự nhiên lại đờ ra thế?”

Minh Nguyệt mơ màng trong chớp mắt rồi tỉnh táo lại, khôi phục vẻ mặt tươi cười, lắc lắc đầu nói với Nam Nhất: “Không quét tuyết đi à? Làm không xong cô giáo không cho về phòng học đâu.”

Nam Nhất cúi xuống xúc tuyết, tóc Minh Nguyệt tán loạn, nàng nhẹ nhàng ngẩng mặt lên sửa sang lại tóc.

Ngoài bệ cửa sổ tầng hai đặt một chậu hoa trống rỗng, một nửa đế chậu vốn đã chênh vênh bên ngoài, bỗng một cơn gió mạnh thổi qua, chậu hoa rỗng lắc lư mấy cái rồi rơi xuống. Phía dưới chính là Nam Nhất đang cúi đầu lao động. Nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, Minh Nguyệt hét lên “Nam Nhất”, đồng thời nhào qua đẩy Nam Nhất ra, chậu hoa kia không nghiêng không lệch rơi xuống đầu nàng.

Quán ăn Lộc Đảo chưa được coi là cửa hiệu lâu đời ở thành Phụng Thiên, cùng lắm cũng chỉ là một quán ăn mới mở được khoảng hơn mười năm, nhưng đúng là một thương hiệu uy tín trong lòng tất cả các quý nhân quan lớn trong thành. Ông chủ kiêm đầu bếp trưởng tên là Lộc Nhi, vốn là ngự trù của thái hậu Long Dụ. Sau khi tiểu hoàng đế thoái vị, Lộc Nhi sư phụ mang theo tay nghề và thực đơn hơn mấy nghìn món ngon cao lương mỹ vị của ngự thiện phòng cùng bốn đồ đệ tới thành Phụng Thiên mở quán cơm của chính mình buôn bán.

Vừa vào cửa chính quán Lộc Đảo là thấy ngay bức tượng hươu vàng thái hậu ban tặng cho Lộc Nhi sư phụ được đặt bên trong một lồng kính, dưới lồng kính là một bồn nước hình tròn chu vi năm thước, bên trong đặt một ống bơm, lúc nào cũng ùng ục phun lên bong bóng. Mỗi khi có khách đến, đẩy cửa vào lẽ dĩ nhiên sẽ tạo ra gió, kiểu bài trí này được gọi là: gió nổi, nước lên, phúc lộc tới (*). Lộc Nhi sư phụ nay đã là ông chủ, ít khi xuống bếp, hôm nay lại đặc biệt tự mình làm bốn món sơn trân, kết hợp với rượu ngon lâu năm, dẫn tiểu nhị lên phòng nhã cánh đông tầng ba. Bên trong đang ngồi bốn người, Lộc Nhi vừa vào đã hành lễ theo kiểu cũ Thanh triều với Hiển Sướng: “Mấy hôm nay tiểu vương gia không tới ủng hộ quán ạ.”

(*) Hai chữ “lộc” đồng âm [lù], một chữ là “鹿” nghĩa là con hươu, một chữ là “” trong phúc lộc.

Hiển Sương cười, đỡ ông dậy: “Có tới một lần, quán ông đắt khách quá, không còn chỗ trống, ta đành đi chỗ khác.”

“Không có phòng nhã cho người khác thôi chứ riêng ngài thì luôn luôn sẵn sàng.” Lộc Nhi nói, “Lại nói chỗ tôi vừa mới lắp điện thoại, ngài muốn ăn gì cứ gọi đến, tự tôi sẽ đưa đến tận nhà cho ngài.”

Người làm ăn nhiệt tình niềm nở, vốn từ kinh đô tới, lại cứ gắng nói giọng Đông Bắc, nghe sôi nổi khôi hài, bốn người đang ngồi đều mỉm cười.

Hiển Sướng hỏi hai người đối diện: “Các vị biết ông ấy là ai không?”

Một người nói: “Không phải là ông chủ quán này sao?”

Hiển Sướng nói: “Lộc Nhi.”

Một trong hai người biết điển cố, lập tức giật mình, đứng bật dậy khỏi ghế, thốt: “Ngự trù Lộc Nhi?”

“Không thì ai.” Hiển Sướng nhấp một hớp rượu.

Vị đầu bếp tự mình cười cười, nói: “Đúng vậy, chính là Lộc Nhi Chín Ngón Tay ạ.”

Tay biết điển cố lại gần, hỏi Lộc Nhi: “Vậy tại hạ có thể xem…”

Y muốn xem tay phải của Lộc Nhi. Vị ngự trù này trong truyền thuyết chỉ có chín ngón tay, cũng không phải bị chặt đứt ngón nào mà là vì giữa ngón cái và ngón trỏ có một lớp màng thịt, giống như lớp màng chân vịt vậy, hai ngón tay hợp lại thành một, biến thành chín ngón tay. Trong truyền thuyết, Lộc Nhi chính là đã dùng bàn tay này để nêm mắm nêm muối không lệch một ly vào nồi xoong đang nấu đúng độ hỏa hầu, tạo nên món ngon không gì sánh được. Nhưng đến lúc ông chìa bàn tay phải ra cho khách xem, họ lại cười xòa, chỉ thấy năm ngón tay rõ ràng lành lặn, ngón nào ra ngón nấy, đốt ngón tay nổi bật, bắp thịt mạnh mẽ, hoàn toàn là ngón tay bình thường, lấy đâu ra màng thịt ngón liền gì đó?

Vị khách mỉm cười: “Tiểu vương gia chỉ đùa thôi phải không?”

Đầu bếp nói: “Ôi, lại một người nữa không tin. Thật không dám giấu giếm, tôi đúng là có ngón liền màng thịt, sau khi ra khỏi cung thì thông suốt, cắt bỏ. Nấu ăn trong cung, tôi dùng chín ngón. Sau khi ra khỏi cung, tôi phải có mười ngón tay mới gẩy bàn tính được…”

Người nọ nghe vậy, cầm bàn tay ông chủ lên nhìn kĩ, quả nhiên mặt trong giữa ngón cái và ngón trỏ có một vết sẹo be bé trắng nhạt. Tin rồi, cả đám nhìn nhau cười ha hả.

Ông chủ Lộc Nhi chào hỏi, hầu một chén rượu rồi nói mình còn việc phải làm, bèn lui khỏi phòng. Bốn người bên trong ngoài Hiển Sướng và Lý Bá Phương hồi nhỏ dạy học cho chàng, nay giúp chàng quản lý sự vụ ra, hai người còn lại đều đến từ Nhật Bản. Sau khi hoàng đế Tuyên Thống thoái vị, một bộ phận hậu duệ quý tộc đã sang Nhật Bản lưu vong, tụ họp lại với nhau ở nước ngoài, bừng bừng dã tâm xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, bí mật chiêu binh mãi mã hòng ngày nào đó sẽ quay về đại lục chém giết, khôi phục chế độ cũ. Hai người này chính là được cử tới làm đại biểu giao thiệp với các quý tộc Bát Kỳ ở ba tỉnh Đông Bắc.

Hiển Sướng nói: “Vậy nên hai vị cũng thấy rồi đấy. Giang sơn không còn nhưng người thì vẫn sống, đầu bếp có cách sống của đầu bếp, người Bát Kỳ có cách sống của người Bát Kỳ.”

“Hoàng đế thoái vị, may mà chúng ta ở lại Phụng Thiên, kế tục tổ ấm, gia nghiệp tuy bị hao tổn nhưng cũng không đến mức phải trôi giạt khắp nơi, ăn nhờ ở đậu. Chỉ có điều, một là gia nghiệp vốn cũng không lớn, nhưng nhân khẩu lại nhiều; hai là dân phong ba tỉnh Đông Bắc cường hãn, vàng thau lẫn lộn. Bởi vậy nên a mã ta mới cẩn thận tính toán, nhưng bước đi cũng gian khó. Ai cũng muốn đoạt đất ta, ai cũng muốn đánh thuế ta.”

“Đây là chuyện khó xử của ta, nói ra, ngài tin cũng được, không tin cũng không sao. Nhưng nếu hai vị đã tới, làm chuyện này là vì đại sự nhà Thanh ta, ta không thể để hai vị trắng tay trở về được. Tuy nhiên những chuyện nhiều hơn thì ta đành nói với ngài, ta dù có cái tâm đó cũng không còn cái lực kia nữa.”

Nói đến đây, chàng dừng lại, Lý Bá Phương lấy ngân phiếu trong cặp ra, đặt lên bàn đẩy tới trước mặt hai người kia. Hai con người đang muốn kêu gọi góp tiền vì mục đích chính trị liếc qua con số, cảm thấy đã thỏa mãn, tới không uổng, lại nhìn mặt tiểu vương gia, không vui không buồn, không sóng không gió.

Ngoài phòng nhã chợt có người gõ cửa, báo tên, hóa ra là Đại Triệu quản lý gia đinh trong phủ. Lý Bá Phương ra ngoài nói chuyện rồi quay về rỉ tai vài câu với Hiển Sướng. Tiểu vương gia lập tức đội mũ, mặc áo khoác, cáo từ hai người kia, vội vã đi mất, chỉ còn Lý Bá Phương ở lại xã giao thay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.