Vị Đắc Xán Lạn

Chương 59




Sau khi về nhà, Kinh Xán vẫn giữ thói quen gọi video với Hạ Bình Ý vào buổi sáng và tối. Cậu dậy sớm cùng Hạ Bình Ý, đánh răng rửa mặt cùng Hạ Bình Ý, lúc nào Hạ Bình Ý đi học thì cậu sẽ yên lặng ngồi trước bàn học, thỉnh thoảng đọc cuốn sách hoặc viết mấy phương trình, nhưng phần nhiều thời gian chỉ co chân lên ghế, chơi với mấy chiếc ô tô nhỏ cậu vẫn luôn để trên bàn.

Cậu đã quen với những ngày nhốt mình trong phòng thế này rồi, trước giờ vẫn luôn là vậy. Nhưng cũng đúng như cậu nghĩ, cậu cực kỳ nhớ Hạ Bình Ý, nhớ đến nỗi sáng nào thức dậy cậu cũng phải thầm xác nhận lại một lần rằng có phải hôm nay cậu vẫn không được gặp Hạ Bình Ý không. Không thể giãi bày nỗi nhớ với ai khác, Kinh Xán chỉ có thể gửi gắm hết vào những chiếc xe nhựa, bắt nó chở đầy ắp nỗi nhớ rồi không ngừng đi qua những vết bánh xe trên bàn.

Tống Ức Nam vẫn biết Kinh Xán thích xe, trong ấn tượng của cô về Kinh Xán ngày nhỏ, dường như nơi duy nhất có thể khiến Kinh Xán sống đúng như một đứa trẻ là tầng bốn trung tâm thương mại, nơi chuyên bán xe 4WD kia. Dù Kinh Xán không bao giờ nói rõ với cô rằng cậu thích gì, nhưng mỗi lần cô nói sẽ đưa cậu tới đó, Kinh Xán đều sẽ thay quần áo từ sớm, ngồi đợi trên băng ghế thay giày trước cửa.

Dù sao cũng là trẻ con, có trầm tính, hướng nội tới đâu thì vẫn có đôi phần háo hức không thể che giấu trong ánh mắt.

Đứng cạnh bàn học, Tống Ức Nam đặt đĩa hoa quả xuống, đăm chiêu suy nghĩ giữa tiếng bánh xe nhựa lăn trên mặt gỗ.

Cô xoa đầu Kinh Xán, cười bảo: “Con mà thích xe vậy thì sau này con có thể thi bằng lái, đến lúc đó mẹ sẽ tặng con một chiếc xe con thích”.

Nói xong, Tống Ức Nam mới sực nhớ ra, đúng rồi, Kinh Xán vẫn chưa 18 mà.

Mấy hôm nay Kinh Xán rất yên tĩnh. Cậu im lặng, cũng rất nghe lời, đến giờ ăn cậu sẽ tự xuống tầng, Tống Ức Nam gắp gì cho cậu cậu đều ăn mấy miếng, đến tối lại tắt đèn lên giường đúng giờ. Cảm xúc của cậu rất ổn định, không ồn ào, không gây rối, không giống bệnh nhân chút nào.

Không giống bệnh nhân, nhưng cũng chẳng giống một chàng trai mười bảy tuổi.

Tống Ức Nam nhớ lại tuổi mười bảy của mình, đó là những mùa hè tràn ngập “thêm một chai nữa”[1], là tuổi thanh xuân sôi nổi xen lẫn những câu hờn giận, nhưng không phải như cậu bây giờ, già cỗi như khúc gỗ lâu năm.

[1] “Thêm một chai nữa” là hoạt động trúng thưởng mà các nhãn đồ uống bên Trung hay tổ chức, chai nào có in dòng này bên trong nắp thì sẽ được đổi một chai nữa, tỷ lệ trúng khá cao nên được mọi người thích lắm.

Kinh Xán nhấc bàn tay đang đặt trên chiếc xe lên, vì ấn ngón tay quá lâu, quá mạnh, góc cạnh của chiếc xe đã ghim sâu vào ngón tay Kinh Xán, khi cậu nhấc tay lên, chiếc xe nho nhỏ cũng rời bàn theo, sau đó lại rơi xuống.

Kinh Xán đặt tay lên đôi chân đang co lại, cậu im lặng hồi lâu rồi lắc đầu.

“Con không lái xe được đâu”. Cậu ngẩng đầu nhìn Tống Ức Nam, thậm chí còn nở một nụ cười không đẹp đẽ gì cho cam với cô: “Sao con lái xe được chứ? Không an toàn chút nào”.

Dù là AE86 hay thần xe núi Haruna, tất cả đều là giấc mơ mà cậu chỉ có thể tự nói với mình thôi. Vì không thể làm được nên cậu mới canh cánh về nó nhiều năm như vậy.

Vẻ buồn bã lẳng lặng hiện lên trên mặt Kinh Xán, Tống Ức Nam muốn giúp cậu vui lên, nhưng khi mở miệng rồi, cô lại phát hiện những gì mình nói ra quá yếu ớt, bất lực.

“Sau này con sẽ đỡ mà”.

Kinh Xán thầm lặp lại câu này.

Cậu không nói gì, cũng không chỉ rõ hiện thực khắc nghiệt cho Tống Ức Nam biết. Cậu không biết Tống Ức Nam và Kinh Tại Hàng có nhận thức chính xác về căn bệnh của cậu không, nhưng cậu biết một sự thật là hầu hết người mắc bệnh tâm thần phân liệt này sẽ phải đấu tranh với nó cả đời. Có lẽ cũng có người có thể chiến thắng con quái vật đáng sợ này, nhưng cậu chưa từng thấy kỳ tích. Đến giờ cậu vẫn chẳng thể quên được lúc cậu bạn người Mỹ của mình nhảy xuống từ trên cao. Khi đó Kinh Xán đã nghĩ, có lẽ kết cục tốt nhất cho cuộc đời cậu là có thể sống tỉnh táo đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Kinh Xán nhìn chiếc xe 4WD rất lâu, sau đó cậu bỗng hỏi: “Sau này bố mẹ sẽ đưa con vào viện tâm thần à?”.

Thấy Tống Ức Nam sững ra không nói gì, Kinh Xán ngẫm nghĩ rồi bổ sung: “Ý con là lỡ như sau này bệnh của con nặng hơn…”.

“Nói gì ngốc nghếch thế?” Lần này Kinh Xán chưa kịp nói xong, Tống Ức Nam đã vội vàng ngắt lời cậu: “Sau bố mẹ đưa con vào viện tâm thần được?”.

Nhìn biểu cảm sốt ruột của Tống Ức Nam, Kinh Xán gật đầu, đáp “vâng”.

“Có phải bố tìm bác sĩ cho con rồi không?”.

“Đó chỉ là bác sĩ tâm lý thôi”. Tống Ức Nam tưởng cậu hiểu lầm, vội vàng giải thích.

“Vâng, con biết mà…” Kinh Xán nói: “Nhưng bây giờ con chưa muốn khám, được không mẹ?”.

Không phải cậu không muốn điều trị, chẳng qua cậu vẫn còn nhiều chuyện chưa nghĩ rõ ràng. Cậu không thích giao quyền làm chủ cho người khác, cậu muốn tự tìm cho mình một con đường mà mình có thể đi được.

Thật ra không cần khám cậu cũng biết, ảo giác của cậu đến từ khát vọng. Vậy nên khi đó Kinh Xán đã buông bỏ việc học, buông bỏ khát vọng thành công, buông bỏ khát vọng với bạn bè.

Cậu nghĩ, nếu mình không mong muốn điều gì hết thì có lẽ sẽ không có ảo giác nào mới xuất hiện.

Nhưng Hạ Bình Ý là ngoại lệ.

Kinh Xán lại đặt tay lên chiếc xe kia, bánh xe lăn trên bàn, dần dần tăng tốc, sau đó cua thật nhanh.

Cậu có thể buông bỏ tất cả, không làm thiên tài, không lái xe, không kết bạn, không cần thứ gì khác nữa, nhưng cậu không muốn rời xa Hạ Bình Ý.

Hiện giờ cậu mới chỉ chắc chắn điều này thôi, ngoài ra thì mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ. Cậu vẫn chưa nghĩ rõ ràng mình phải sống cuộc sống về sau thế nào, vẫn chưa nghĩ ra cách… làm thế nào để không cần rời xa Hạ Bình Ý.

“Vậy thì không khám”. Tống Ức Nam chưa kịp đáp lại thì bỗng dưng tiếng Kinh Tại Hàng vang lên trong phòng.

Kinh Xán quay lại, thấy Kinh Tại Hàng đang đứng ở cửa. Hắn ta không vào trong mà sau khi Kinh Xán nhìn mình, hắn ta đứng đó nói tiếp: “Con không muốn đi thì bố mẹ không ép con, con làm sao thấy thoải mái thì cứ làm, bố mẹ cũng không đưa con vào viện đâu”.

Kinh Tại Hàng vẫn không biết nói mấy câu an ủi người khác chút nào, ý thì tốt đấy, nhưng ra đến miệng lại khô không khốc. Nếu không nghe thật kỹ, ai cũng sẽ cảm thấy lời hắn ta vừa nói chẳng khác nào mấy câu trần thuật bình tĩnh quá mức mà hắn ta vẫn nói.

Nhưng Kinh Xán lại hiểu Kinh Tại Hàng quá rõ, cậu dễ dàng bắt được thứ gọi là “nhượng bộ” trong lời nói của hắn ta. Dù mấy hôm nay Kinh Tại Hàng vẫn luôn ở nhà, nhưng đây là lần đầu tiên hắn ta đối mặt nói về căn bệnh của cậu thế này.

Kinh Xán sững sờ hồi lâu mới gật đầu, nói “Vâng”.

Trả lời xong, Kinh Xán mới phát hiện Kinh Tại Hàng đang mặc một bộ đồ ở nhà mà cậu chưa từng thấy bao giờ. Kinh Xán nghiêng đầu nhớ lại, cậu chợt phát hiện từ khi mình về nhà, hình như cậu chưa thấy Kinh Tại Hàng mặc áo sơ mi, vest và giày da bao giờ. Trước đây, những bộ trang phục như vậy gần như là cố định trên người Kinh Tại Hàng, nhưng lúc này hắn ta lại mặc những bộ đồ ở nhà, đồ thể thao mà trước đây chưa bao giờ mặc.

Rất nhiều thay đổi trong nhà chỉ rất nhỏ thôi, nhưng khi đã chú ý đến rồi thì rất khó bỏ qua nữa. Ví dụ như ti vi trong phòng khách đã mở lại rồi, những món đồ trang trí có màu sắc ấm áp ngày một nhiều thêm, người trước giờ luôn làm thêm giờ đến đêm muộn cũng thường xuyên có mặt ở nhà…

Kinh Tại Hàng nói xong rồi đi ngay, Tống Ức Nam bất đắc dĩ lắc đầu. Cô cảm thấy hai cha con họ có những chỗ thật sự rất giống nhau, đều thích im lặng nhốt mình trong phòng khi tâm trạng không tốt, không làm gì để có thể trút hết nỗi lòng mà chỉ tự kìm nén mình. Ngày nào cô cũng ngủ trên cùng một chiếc giường với Kinh Tại Hàng, từ khi Kinh Xán tái phát bệnh, cô biết tình trạng của Kinh Tại Hàng cũng ngày một sa sút. Người luôn ngủ nghỉ theo quy tắc bắt đầu thường xuyên mất ngủ, có mấy đêm Tống Ức Nam còn bắt gặp Kinh Tại Hàng đứng trước cửa phòng Kinh Xán, nhìn cánh cửa khép kín hồi lâu mà chẳng làm gì.

Cô khuyên Kinh Tại Hàng nói chuyện với Kinh Xán, nhưng hiếm khi Kinh Tại Hàng lại mắc bệnh chần chừ thế này, mãi không làm gì.

Đêm hôm đó Tống Ức Nam mơ màng tỉnh dậy, thấy không còn ai nằm bên cạnh. Cô bèn tìm vào thư phòng, thấy Kinh Tại Hàng đang ngồi sau bàn, trước mặt hắn ta là mấy cuốn album. Trong những cuốn album đó là ảnh chụp gia đình họ, tất cả đều là Tống Ức Nam yêu cầu họ chụp.

Đèn trong phòng rất sáng, nhưng mặt Kinh Tại Hàng lại có vẻ xám xịt. Tống Ức Nam lo lắng lại gần hắn ta, cúi xuống quan sát cẩn thận, cô hỏi: “Anh mệt à?”.

Cô chạm tay vào huyệt Thái Dương của Kinh Tại Hàng, muốn day giúp hắn ta, nhưng Kinh Tại Hàng lại giữ tay cô lại, nói: “Hơi chóng mặt thôi”.

Không biết vì nghỉ ngơi không điều độ hay sao mà dạo này Kinh Tại Hàng thường xuyên cao huyết áp. Tống Ức Nam vội vàng lấy máy đo huyết áp đo cho hắn ta, đo xong, cô nhíu mày nói với Kinh Tại Hàng: “Anh có cần uống thuốc hạ huyết áp không?”.

Kinh Tại Hàng lắc đầu: “Chưa uống vội, anh thấy cần thì anh sẽ uống”.

Tống Ức Nam thở dài, nhìn xuống mặt bàn.

Trên trang ảnh đang mở ra kia, Kinh Xán ngồi trước bàn học, cậu trải giấy Tuyên Thành trước mặt, tay cầm bút lông. Cậu bé nhìn vào ống kính, đôi mắt trong veo. Kinh Tại Hàng vẫn nhớ, khi đó Kinh Xán rất thích thư pháp, ngày nào tan học về cậu cũng phải viết hai chữ “phúc” trước. Kinh Tại Hàng nghĩ luyện chữ là rèn khí phách, rèn phẩm chất, nên cũng rất khuyến khích Kinh Xán luyện chữ.

Tống Ức Nam nhìn tấm ảnh, bất giác mỉm cười: “Hồi nhỏ Tiểu Xán đáng yêu thật đấy”.

Một em bé đáng yêu, mềm mại, thêm một đôi mắt to tròn, trông rất ngoan ngoãn.

“Ừ”. Kinh Tại Hàng vuốt ve tấm ảnh, nói: “Đúng vậy”.

Có một câu Tống Ức Nam nói không sai, hắn ta từng gặp rất nhiều trẻ con, nhưng không thể tìm thấy một đứa bé nào ngoan như Kinh Xán. Cũng như ngay từ khi Kinh Xán còn nhỏ, đồng nghiệp của hắn ta thường hay nói: “Nhóc nhà tôi nghịch như giặc ấy, đâu được như Tiểu Xán nhà anh…”.

“Tại Hàng, thật ra em vẫn muốn hỏi anh câu này, nếu như… sau này Tiểu Xán không thể làm thiên tài nữa, chỉ sống một cách bình thường, thậm chí có thể còn không có được thành tích như anh, anh có chấp nhận được không?”.

Kinh Tại Hàng ngẩng đầu nhìn cô, như thể đang cố hiểu cô muốn nói gì.

Tống Ức Nam nói tiếp: “Nói hơi tiêu cực thì ví dụ như vẫn là thi Toán, nhưng từ giờ về sau Tiểu Xán chỉ thi được 45 điểm thôi, anh có chấp nhận được không?”.

Không biết Kinh Tại Hàng nghĩ gì, mắt hắn ta chợt tối đi. Tống Ức Nam thấy hắn ta phản ứng như vậy bỗng hơi chán chường, cô vừa định lên tiếng khuyên nhủ thì Kinh Tại Hàng bỗng nói: “Anh sai rồi”.

Kinh Tại Hàng không nói rõ, nhưng sau một thoáng sững sờ, Tống Ức Nam vẫn hiểu ý hắn ta.

“Anh nên nghe em mới phải”.

Hối hận đến quá muộn, muốn quay đầu cũng đã quá muộn màng.

Tống Ức Nam đặt máy đo huyết áp lên bàn, rồi đặt tay lên vai Kinh Tại Hàng.

“Sai rồi thì sau này chúng ta sửa”.

Nghe Tống Ức Nam nói vậy, Kinh Tại Hàng im lặng vài giây, sau đó lắc đầu.

Đôi mắt đen láy trong bức ảnh như vượt cả thời gian và không gian, nhìn thẳng vào mắt hắn ta. Lúc đó Kinh Xán chưa giống bây giờ, trong mắt cậu vẫn còn những cảm xúc rất bộc trực, vẫn sẽ kéo tay hắn ta, ấm ức nói rằng: “Bố ơi, các bạn không chơi với con”.

Nhưng lúc đó hắn ta đã trả lời thế nào?

Kinh Tại Hàng vẫn nhớ rất rõ, khi đó hắn ta vỗ vai Kinh Xán, nói với cậu: “Vậy con tập trung học tập đi”.

Hắn ta nói vậy, Kinh Xán cũng rất nghe lời, luôn làm theo lời hắn ta nói. Kinh Xán lúc nào cũng đứng hạng nhất, giáo viên nào gặp Kinh Xán lần đầu cũng ngạc nhiên hỏi hắn ta: “Cháu nhà anh là một thiên tài đấy, anh cho cháu đi kiểm tra chỉ số thông minh chưa?”.

Chuyện cũ hiện lên mồn một trước mắt làm Kinh Tại Hàng không khỏi nhắm mắt lại, bỗng dưng hắn ta không thể đối mặt với Kinh Xán khi còn nhỏ như vậy, cũng không dám nhìn thẳng vào đôi mắt tràn ngập tin tưởng hắn ta của Kinh Xán.

“Không có cơ hội sửa nữa rồi,” Kinh Tại Hàng bỗng suy sụp hẳn, không còn năng lực tự kiềm chế mà hắn ta vẫn lấy làm tự hào nhiều năm qua nữa: “Thằng bé đã lớn rồi”.

Người ta thường nói mất bò làm chuồng vẫn chưa muộn. Đúng vậy, bò đi mất thì xây lại chuồng, đó cũng gọi là cứu chữa kịp thời. Nhưng chuồng có chắc chắn thế nào đi nữa thì bò đã mất rồi cũng không tìm về được, khi thời gian đã nuôi dưỡng sai lầm thành kết quả thì ắt vẫn có người phải gánh chịu nó.

Hình như người chơi bóng rổ dưới sân dạo này ít đi nhiều, sau giờ ngủ trưa, Kinh Xán lại nghe thấy tiếng bóng đập trên nền đất, cậu đứng cạnh cửa sổ, nhìn xuống sân bóng rổ.

Có tiếng gõ cửa phòng, Kinh Xán quay đầu lại, thấy Kinh Duy đã mở cửa vào.

Bây giờ Kinh Duy không cần rón rén vào phòng cậu như trước nữa, cậu bé thường xuyên chạy sang trò chuyện với Kinh Xán. Hầu hết mọi lúc luôn là Kinh Duy nói, Kinh Xán nghe, khi Kinh Duy nói đến một chuyện buồn cười nào đó, Kinh Xán cũng sẽ cười theo, chẳng qua lúc nào cậu cũng phản ứng chậm hơn vài giây, Kinh Duy cười xong rồi thì tiếng cười của cậu mới vang lên. Rất nhiều lần Kinh Xán từng thấy Kinh Duy cau mày, lo lắng nhìn cậu… Dù nhóc không nói ra, nhưng trong lòng thì lo lắng lắm. Kinh Duy sợ cậu thấy chán, thậm chí còn kê cả giá vẽ vào phòng Kinh Xán, dạy Kinh Xán vẽ tranh.

“Anh, anh nhìn gì thế?” Kinh Duy đứng cạnh Kinh Xán, bắt chước cậu nhìn xuống dưới.

“Sân bóng rổ”. Kinh Xán giơ tay chỉ qua cửa kính.

Kinh Duy ngó xuống, bảo: “Cảnh này cũng đẹp đó, lát nữa em vẽ cho anh nhé. Anh nhìn xem, cây cối mọc quanh rào lưới, cây còn cao thế kia mà ánh nắng vẫn len qua lá rọi xuống sân được, đẹp quá chừng. Nhưng mà tiếc ghê, giờ nóng quá nên chẳng có ai chơi bóng hết”.

Kinh Xán sửng sốt, cậu nhìn quanh sân bóng vài giây, sau đó nhìn sang Kinh Duy.

“Không có ai à?”.

Kinh Duy đang mải nghĩ bố cục bức tranh, không để ý đến vẻ mặt khác lạ của Kinh Xán. Nghe cậu hỏi cậu, cậu bé vô thức đáp: “Không có ạ…”.

Nói xong cậu mới sực nhận ra vấn đề. Kinh Duy quay phắt lại, nhìn Kinh Xán.

“Anh…”.

Bỗng chốc Kinh Duy không nghĩ ra mình nên nói gì, cậu hơi hoảng loạn, nhưng Kinh Xán lại rất bình tĩnh. Cậu lại nhìn xuống sân bóng lần nữa, sau đó quay lại, đứng quay lưng vào cửa sổ.

“Vậy thì không nhìn nữa”.

Trong lúc Kinh Duy vẫn chưa nghĩ ra mình phải làm thế nào thì Kinh Xán đã ngồi xuống trước giá vẽ. Cậu vỗ chiếc ghế nhỏ bên cạnh mình, gọi Kinh Duy: “Lại đây vẽ đi”.

Hai người ngồi trên hai chiếc ghế đẩu, Kinh Duy hỏi Kinh Xán muốn vẽ gì, Kinh Xán ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Vẽ một con chó con đi”.

Cậu đưa bút cho Kinh Duy, bảo: “Em vẽ đi, em vẽ đẹp hơn anh”.

“Vâng,” nhắc đến vẽ, Kinh Duy tập trung hơn hẳn, cậu bé hỏi lại: “Anh muốn vẽ chó con thế nào ạ?”.

“Lông trắng, hơi xoăn xoăn, mắt to và tròn”.

“Vâng, nhưng mà anh miêu tả như vậy…” Kinh Duy giơ tay lên, ngón trỏ và ngón cái chụm vào nhau, nói: “Có một chút xíu xịu xìu xiu… phổ biến ạ, em sợ hình em vẽ không giống như anh nghĩ”.

Kinh Xán bèn rút một tờ giấy trắng trên bàn, phác họa đơn giản bằng bút chì: “Nhìn chung là thế này, vốn dĩ nó cũng là… một chú chó trắng bình thường thôi”.

“Nền đằng sau thì sao ạ?”.

“Nền…” Kinh Xán nhìn tờ giấy trắng, ngẫm nghĩ.

Ngắm nhìn quá trình Kinh Duy vẽ tranh thật sự rất thích, từng đường nét và màu sắc dần hội tụ, thế giới trên trang giấy trắng cũng sinh động dần lên. Kinh Duy vẽ xong, hỏi Kinh Xán: “Đẹp không anh?”.

Kinh Xán gật đầu.

Hạ Bình Ý vẫn đang trong giờ học, lúc này, giáo viên đang giảng đề Toán. Điện thoại trong túi quần rung lên, Hạ Bình Ý mở ra xem, thấy Kinh Xán gửi mình một bức ảnh.

Bấm xem, Hạ Bình Ý sững lại, gõ vài chữ.

“Năm Mới à?”.

Kinh Xán trả lời rất nhanh: “Ừ”.

Hạ Bình Ý buông bút, anh cầm điện thoại bằng cả hai tay, phóng to bức ảnh kia lên nhìn. Trên bức tranh có một chú chó trắng nho nhỏ đang chạy trên bãi cỏ ngập tràn sức sống… Đó là một bãi cỏ rộng xanh mướt, gió lay ngọn cỏ nghiêng về một phía, những bông hoa muôn màu muôn vẻ nở rộ trên đó.

Dường như bức tranh có tất cả những gì tươi đẹp nhất, nhưng tranh vẽ càng đẹp, Hạ Bình Ý càng thấy buồn.

Nếu có thể, anh hi vọng tất thảy những điều đẹp đẽ này đều thuộc về Kinh Xán.

Kinh Xán trả lời lại rất nhanh: “Đáng yêu lắm đúng không?”.

Hạ Bình Ý vuốt lên mấy chữ kia, như thể anh nhìn thấy Kinh Xán lúc ngửa đầu hỏi anh câu này. Nếu vậy, chắc chắn sẽ có ánh sáng lấp lánh trong mắt cậu, vẻ mặt cậu sẽ thật là dè dặt, nhưng vẻ dè dặt ấy lại ẩn chứa vài nét mong chờ.

Không muốn người bên kia lo lắng đợi lâu, Hạ Bình Ý nhanh chóng gõ mấy chữ rồi ấn gửi.

“Đáng yêu lắm, giống như cậu vậy”.

Bốn chữ phía sau làm Kinh Xán đỏ mặt ngay trước mặt Kinh Duy. Kinh Duy nhạy bén “đánh hơi” được vấn đề, cậu bé lẳng lặng ghé đầu lại gần Kinh Xán, muốn liếc trộm nội dung trong điện thoại của cậu.

“Này,” Kinh Xán phát hiện ra bèn úp điện thoại xuống đùi: “Đừng nhìn trộm chứ”.

Vậy mà nhóc Kinh Duy còn chê cậu hẹp hòi, phàn nàn: “Tranh em vẽ mà em không được xem người khác nhận xét thế nào à?”.

Kinh Xán vỗ vai nó: “Cậu ấy nói là đáng yêu lắm”.

Kinh Duy không tin: “Nói mỗi đáng yêu lắm thôi thì anh đỏ mặt cái gì?”.

Kinh Xán á khẩu không trả lời được bèn ngậm miệng không nói nữa.

Đằng nào cậu cũng không cãi lại ai hết.

Kinh Duy vẫn đang lải nhải gì đó, điện thoại cũng đang rung, Kinh Xán lơ đãng đáp lời Kinh Duy, sau đó lén lút mở tin nhắn với Hạ Bình Ý lên.

Thấy ảnh đại diện của Hạ Bình Ý, Kinh Xán sửng sốt… Hạ Bình Ý đổi ảnh đại diện thành Năm Mới.

“Anh…”.

Kinh Xán ngẩn ngơ nhìn ảnh đại diện của Hạ Bình Ý, đến khi nghe Kinh Duy gọi mình, cậu mới ngẩng đầu.

Kinh Duy tò mò hỏi: “Anh ơi, anh đang nói chuyện với ai thế?”.

“À… bạn anh,” Kinh Xán chà ngón cái lên mép điện thoại nóng rực, hỏi lại: “Sao thế?”.

Kinh Duy lắc đầu, nó nhúng bút vẽ vào xô nước rũ sạch, sau đó giả vờ nhẹ nhõm bảo: “Em thấy… hình như anh ấy là lí do khiến anh vui vẻ khi ở Huy Hà”.

Kinh Xán không phủ nhận, cũng không tiếp lời.

Không phải cậu né tránh, mà là nghe Kinh Duy nói vậy, Kinh Xán lại càng muốn gặp Hạ Bình Ý hơn thôi.

Thật ra Kinh Duy muốn nói với Kinh Xán nhiều chuyện lắm, cậu vẫn luôn muốn tâm sự với Kinh Xán, nhưng Tống Ức Nam lại lo trẻ con không biết nên nói cái gì, không nên nói cái gì, bảo cậu không được nói mấy chuyện nhạy cảm với Kinh Xán. Có những lúc Kinh Duy không thể hiểu người lớn nghĩ gì, ai tinh tường đều nhận ra bây giờ anh cậu rất cần người bầu bạn, tại sao người lớn cứ lo tới lo lui, không dám nói gì hết chứ?

“Anh, trước giờ em vẫn thấy anh không vui, nhiều lúc em nghĩ vậy lắm. Hình như anh không thích thế giới này chút nào, thậm chí là hơi sợ, nhưng em lại không biết tại sao anh giỏi giang như thế, bài nào em không biết làm anh cũng làm được dễ ợt, anh lúc nào cũng thi được hạng nhất mà anh lại không vui? Giờ thì em hiểu rồi”. Kinh Duy nói: “Bây giờ em hối hận lắm, đáng ra hồi trước lúc bố bảo em không được rủ anh chơi cùng em phải không nghe lời mới đúng, đáng ra em phải quấn lấy anh, vậy thì chắc chắn anh sẽ không buồn bã thế này”.

Dù Kinh Xán và Kinh Duy vẫn luôn hòa thuận, nhưng trong trí nhớ của Kinh Duy, cậu và Kinh Xán có rất ít thời gian chơi chung. Đôi lúc cậu cũng ngưỡng mộ các bạn khác được anh đưa đi học vẽ, học trượt băng lắm, nhưng Kinh Tại Hàng không cho cậu quấy rầy Kinh Xán, mà từ sau đó Kinh Xán cũng không chủ động dẫn cậu đi chơi nữa.

“Anh, tóm lại là… em thấy người mới nói chuyện với anh tốt lắm”.

Nghe Kinh Duy nói xong, Kinh Xán sững sờ nhìn nó suốt mấy giây. Sau đó cậu mới nhẹ nhàng cụp mắt, cười bảo: “Ừ, tốt lắm”.

Không biết tại sao khi thấy nụ cười này của Kinh Xán, Kinh Duy bỗng không lo lắng như trước nữa.

Cậu bé thở phào, nói: “Anh, thật ra em vẫn thấy anh không nên về Bắc Kinh, anh xem từ lúc anh về nhà, ngày nào anh cũng nhốt mình trong phòng, lại cũng chẳng vui gì, anh mà ở lại Huy Hà thì chắc chắn tốt hơn bây giờ nhiều”.

Bức tranh kia đã khô hẳn rồi, Kinh Xán chăm chú nhìn chiếc lưỡi hồng nhạt của Năm Mới, hồi lâu sau cậu mới nói: “Mỗi người đều có quỹ đạo cuộc đời của riêng mình, mà hai quỹ đạo thì không thể trùng khớp hoàn toàn được. Cậu ấy ra đời không phải để chữa bệnh cho anh, cũng không thể ở cạnh anh mãi được”.

Kinh Duy nghe xong mới im lặng nhíu mày. Nó vắt óc suy nghĩ cách phản biện, muốn phản bác những lời nói bi quan của Kinh Xán. Nhưng nó nghĩ mãi, không thể không thừa nhận rằng Kinh Xán nói đúng.

“Vậy thì…” Kinh Duy hỏi: “Dù không thể trùng khớp hoàn toàn nhưng gần nhau một chút cũng không được ạ?”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.