Hạ Bình Ý lại đưa tay áp lên trán Kinh Xán, Kinh Xán trong giấc mơ như cảm nhận được sự đụng chạm, cậu lầm bầm, cong người về phía trước.
Hình như lại đỡ sốt hơn rồi.
Hạ Bình Ý nhìn đồng hồ, gần đến giờ dậy đi học thường ngày rồi. Anh đưa bên tay còn lại lên ấn viền mắt, nhắn tin cho Vương Tiểu Vĩ, hỏi cậu ta có quen học sinh nào lớp 12/8 không, muốn nhờ người ta xin nghỉ giúp Kinh Xán. Vương Tiểu Vĩ không trả lời, chắc là vẫn chưa dậy.
Hạ Bình Ý tắt báo thức trong điện thoại của mình đi, muốn cho Kinh Xán ngủ thêm một lát. Nào biết dù đang ốm nhưng đồng hồ sinh học của Kinh Xán vẫn chính xác đến đáng sợ, đồng hồ vừa điểm sáu giờ, người bên cạnh anh đã dụi mắt tỉnh dậy.
Kinh Xán quen tay tìm điện thoại cạnh gối, thấy tay mình chạm vào thứ gì đó khác thường, cậu nhắm mắt bóp một hồi, thầm nghĩ, hình như là cổ tay.
Cổ tay!
Kinh Xán mở choàng mắt, cùng lúc đó, cậu nhớ lại tình cảnh lúc này.
“Sao giờ đã dậy rồi?”. Hạ Bình Ý ngẫm nghĩ, đưa điện thoại của Kinh Xán cho cậu: “Vậy cũng tốt, cậu gọi cho giáo viên xin nghỉ đi rồi ngủ tiếp”.
“Ơi?”. Kinh Xán mất vài giây mới hiểu anh đang nói gì, cậu vội đáp: “Không cần đâu, tôi không sao mà, có thể đi học được”.
“Không được,” Hạ Bình Ý phản đối ngay tắp lự: “Nửa đêm hôm qua cậu mới uống thuốc hạ sốt, đến giờ mới hơn sáu tiếng thôi, lỡ như thuốc hết tác dụng lại bị sốt thì sao?”.
“Không đâu mà,” Kinh Xán giải thích: “Trước đây tôi cũng chỉ sốt một đêm là khỏi, lúc tôi bị ốm có một đặc điểm là ốm nhanh, nhưng khả năng tự khôi phục cũng mạnh, vậy nên khỏi cũng nhanh luôn”.
Hạ Bình Ý nghe cậu nói, tại sao lại có vẻ như đang đắc chí thế nhỉ?
“Thế cũng không được,” Hạ Bình Ý nói: “Tôi không thấy trước đây, chỉ thấy lần này thôi, làm gì có ai sốt cao thế mà hơn sáu giờ sáng vẫn dậy đi học chứ”.
“Nhưng mà… sắp thi tháng rồi đấy”.
Mỗi khi Hạ Bình Ý tức giận, Kinh Xán sẽ tự động nhỏ tiếng lại. Cậu nằm sấp trên giường, hơn nửa khuôn mặt vùi xuống gối, giọng nói nho nhỏ cọ qua gối, nhẹ nhàng chảy vào tai Hạ Bình Ý. Bàn tay đặt cạnh người của Hạ Bình Ý bỗng giần giật, như bị một sức mạnh nào đó điều khiển, ngón trỏ của anh gập lại như bị chuột rút, rồi lại nhanh chóng duỗi ra.
Kinh Xán không nhận ra hiệu ứng mà mình gây nên này, vẫn nói tiếp.
“Lớp xã hội có nhiều bài phải học thuộc lắm, tôi vẫn chưa thuộc hết nữa”.
Hạ Bình Ý nghe xong, hỏi cậu một câu vô cùng sâu sắc: “Thành tích quan trọng hơn hay mạng sống quan trọng hơn?”.
Về mặt logic, Kinh Xán cũng không phải người dễ lừa, cậu chớp mắt, muốn vạch ra Hạ Bình Ý đang đánh tráo khái niệm, cậu chỉ viêm họng nên bị sốt thôi, không thể mất mạng được. Nhưng vừa định lên tiếng thì cậu lại nghĩ, Hạ Bình Ý vất vả chăm sóc cậu cả đêm, cậu không nên cãi lại anh như vậy.
“Vậy tôi nghỉ nửa ngày là được”. Kinh Xán không cãi lại nữa.
Cũng tạm coi là đạt được mục đích, Hạ Bình Ý hầm hừ, nói: “Thế nhắn tin xin giáo viên cho nghỉ rồi ngủ tiếp đi, tôi cũng không đi học”.
“Hả?”.
“Tối qua ngủ không ngon,” Hạ Bình Ý biết Kinh Xán không muốn làm phiền người khác, vậy nên lần này anh cướp quyền nói trước: “Đêm qua tôi tỉnh dậy mấy lần, giờ phải ngủ bù”.
Nói xong, Hạ Bình Ý lại nhắm mắt, anh còn che một bàn tay lên non nửa khuôn mặt lộ ra ngoài của Kinh Xán, ý là cậu không được mở mắt, không được mở miệng, để tránh người này lại phản đối thêm nữa. Nhưng không ngờ, sau một chốc im lặng, Kinh Xán bỗng nói: “Mưa rồi”.
“Thế à?”. Hạ Bình Ý nhắm mắt lắng nghe, không thấy tiếng gì.
“Mưa mà,” Kinh Xán nói: “Tôi nghe đúng lắm, giờ mới chỉ mưa nhỏ, nhưng kiểu mưa này thì thêm hai, ba phút nữa, chắc chắn sẽ to hơn”.
Hạ Bình Ý nghe cũng thấy lạ, anh cố ý lắng nghe, cuối cùng cũng nghe thấy vài tiếng mưa rơi loáng thoáng, nhưng nếu Kinh Xán không nói, chắc chắn anh sẽ không chú ý, lại càng không nghĩ đây là tiếng mưa rơi.
Chừng hai phút sau, Hạ Bình Ý đã nghe thấy âm thanh thôi thúc con người vào giấc ngủ.
Mưa to rồi.
“Cậu có chiêu này nữa hả?”. Hạ Bình Ý ngạc nhiên quay sang nhìn Kinh Xán: “Chàng trai giỏi nghe tiếng mưa?”.
“Không phải, nghe nhiều rồi sẽ biết thôi”.
“Nhiều?”. Chữ này rất khó ước lượng, Hạ Bình Ý bèn hỏi: “Chừng nào mới là nhiều?”.
Kinh Xán nói rất bình tĩnh, không chú tâm chút nào, nhưng rất khó để Hạ Bình Ý không tưởng tượng. Anh bắt đầu nhớ lại những lúc thế nào mình mới nghiêm túc nghe tiếng mưa, nghĩ tới nghĩ lui, cũng chỉ có lúc tâm trạng buồn bã anh mới nhốt mình trong phòng, nghe tiếng mưa rơi. Còn Kinh Xán thì sao?
“Ừm…”. Suy nghĩ xong, Kinh Xán chậm rãi nói: “Thế tôi kể cho cậu nghe một bí mật nhé. Từ ngày sáu tuổi tôi đã bắt đầu nghe rồi, tôi còn biết từ năm tôi tám tuổi, những thành phố mà tôi từng ở có bao nhiêu cơn mưa mỗi năm. Ví dụ như năm 2011 Bắc Kinh có 46 cơn mưa, năm 2012 là 49 cơn, năm 2013 thì nhiều hơn, tận 60 cơn”.
Kinh Xán dừng lại, cậu quay đầu, nhìn Hạ Bình Ý giữa những tia sáng mờ mờ len qua rèm cửa: “Thậm chí tôi còn nói được cụ thể là ngày nào cơ, cậu muốn nghe không?”.
Hạ Bình Ý kinh ngạc. Anh biết có người sưu tầm giày đá bóng, có người sưu tầm figure, có người sưu tầm tem, nhưng không ngờ lại có người sưu tầm những cơn mưa.
“Sao cậu lại nhớ những thứ này?”.
Kinh Xán chưa từng nghĩ đến câu hỏi mà Hạ Bình Ý hỏi cậu. Cậu túm chiếc chăn mềm mại, bắt đầu nghĩ xem tại sao mình lại cất giữ những điều này trong đầu.
“Tôi cũng không biết tại sao nữa,” Kinh Xán nói lảng đi: “Chắc là tại chán nhỉ?”.
“Chán á?”. Rõ ràng Hạ Bình Ý không tin lí do này: “Cậu chán nhiều năm vậy à, cứ lúc cậu chán là lại có mưa sao?”.
Lời nói dối này vụng về quá, cuối cùng lại chẳng lừa được ai. Kinh Xán đành phải chọn lại trong số mấy đáp án chính xác, nghĩ ra một lý do khác.
“Bời vì hồi nhỏ tôi hay ở trong phòng một mình, thời tiết Bắc Kinh khô lắm, lúc đó tôi đã nghĩ mưa là một thứ gì đó rất khó thấy được, vậy nên tôi bắt đầu quan sát giọt mưa, nghiên cứu tiếng mưa, bắt đầu ghi lại từ khi thấy giọt mưa đầu tiên đến lúc nghe được tiếng mưa là bao lâu”. Nói vậy, Kinh Xán lại thấy vừa rồi mình bảo “tại chán” cũng không hẳn là nói dối: “Đó, vẫn là vì chán mà đúng không?”.
Hạ Bình Ý nhíu mày, vẫn thấy không đúng lắm.
Mà Kinh Xán đã nằm thẳng lại, cậu nhìn lên trần nhà, ghi lại thời gian cơn mưa này vào kho dữ liệu trong đầu cậu, rồi gắn thêm một chiếc nhãn – “Trận mưa đầu tiên nghe cùng Hạ Bình Ý”.
Có thu hoạch, Kinh Xán hài lòng nhắm mắt lại giữa tiếng mưa rơi.
“Kinh Xán”.
Khi cậu thiu thiu ngủ, Hạ Bình Ý bỗng gọi cậu.
“Cậu thích mưa à?”.
“Thích,” Kinh Xán đáp.
Thật ra hồi nhỏ cậu không thích mưa. Kinh Xán ngày bé thích mặt trời, thích trời xanh mây trắng, thích muôn vật rạng ngời. Nhưng lớn lên rồi Kinh Xán mới phát hiện, khi trời mưa, mọi người sẽ che ô, mặc áo mưa, người thì vội vàng, người lại cẩn thận nhìn đường, sợ nước mưa bắn lên. Càng trong hoàn cảnh tồi tệ, phần đông mọi người sẽ càng quan tâm đến bản thân hơn.
Sau khi hiểu điều này, Kinh Xán bắt đầu thích mưa.
Hôm đó, hai người say giấc giữa tiếng mưa, ngủ đến tận trưa. Lúc Hạ Bình Ý tỉnh dậy đã thấy giường bên cạnh mình trống không rồi. Anh cào tóc, vừa gọi Kinh Xán vừa ra mở cửa. Tiếng bát đũa chạm nhau leng keng vang lên từ bên dưới, ánh nắng và mùi đồ ăn đều rất rõ ràng.
Xuống tầng, Hạ Bình Ý ngẩn người nhìn hai món mặn một bát canh trên bàn, rồi lại nhìn người đang xới cơm trong bếp, không ngờ Kinh Xán lại nghĩ câu đùa hôm qua của mình là thật.
“Cậu làm gì thế?”. Hạ Bình Ý sải bước vào bếp, giành chiếc muôi trong tay Kinh Xán: “Cậu đói thì gọi tôi dậy chứ, tôi nấu cơm cho cậu”.
Như đã biết trước Hạ Bình Ý sẽ phê bình mình, Kinh Xán lấy một chiếc cặp nhiệt độ ở đâu đó ra, vẩy vẩy trước mặt Hạ Bình Ý: “Tôi không sao mà, nhìn này, hết sốt rồi”.
Một tay Hạ Bình Ý bưng bát cơm, tay còn lại rút nhiệt kế ra. Anh xem thử, sau đó cười với Kinh Xán: “Ba mươi bảy độ hai mà cũng tính là hết sốt à?”.
Tính đi mà…
Kinh Xán bĩu môi, nhưng cũng chỉ thầm nghĩ vậy thôi, không dám nói ra.
Hạ Bình Ý không thể không công nhận đồ ăn Kinh Xán làm rất ngon, đợi Kinh Xán no rồi anh mới quét sạch thức ăn còn trên đĩa, cả nồi canh kia cũng không bỏ lại giọt nào. Kinh Xán ngồi đối diện, thấy anh ăn như vậy mới chần chừ hỏi: “Cậu thấy có ngon không?”.
Cậu cảm giác hôm nay mình chưa thể hiện được hết tay nghề, xào rau diếp thì già quá, còn làm cháy cả hành hoa.
“Ngon lắm”. Hạ Bình Ý nhanh nhẹn thu dọn bát đĩa: “Cậu thích nấu ăn à?”.
Thích không nhỉ?
Kinh Xán nghĩ một lát, cậu không thích, thậm chí còn ghét. Cậu ghét tiếng xẻng nấu ăn cọ lên đáy nồi, ghét tiếng ma sát khi chạm vào thành bồn kim loại, khi nghe những âm thanh ấy cậu còn rùng mình, tim thắt lại, rất khó chịu.
Nhưng nghe Hạ Bình Ý hỏi, cậu vẫn che giấu theo thói quen: “Tàm tạm, thỉnh thoảng cũng tự nấu ăn”.
Hạ Bình Ý đã bắt đầu rửa bát rồi, Kinh Xán đi qua đứng cạnh anh, bóp cho anh mấy giọt nước rửa bát lên giẻ.
“Thỉnh thoảng tôi cũng tự nấu ăn,” Hạ Bình Ý nói. “Nhưng mà bất đắc dĩ thôi, hồi nhỏ tôi cứ nghĩ sao đồ ăn mẹ tôi làm có vị giống nhau thế thỉ. Kỳ diệu lắm, cậu nói xem sao ngồng tỏi xào với đậu cô ve xào lại có cùng một vị được? Nhưng mẹ tôi nấu ăn thật sự là y hệt nhau ấy, lúc đó tôi còn thấy lạ, nghĩ là nếu cùng một hương vị thì tại sao lại có hình dáng khác nhau như thế?”.
Nói tới đây, Hạ Bình Ý lắc đầu cười. Chỉ nghe tiếng cười này thôi, Kinh Xán đã biết chắc rằng thời thơ ấu của Hạ Bình Ý rất vui vẻ.
“Đến khi tôi ăn đồ người khác làm mới phát hiện, hóa ra mấy món ăn này phải có vị khác nhau mới đúng, hóa ra có nhiều cách chế biến đồ ăn như vậy. Mà đáng sợ hơn là bố mẹ tôi không ăn cay, sau khi tôi ăn thử món gà xào cay mới biết trên đời này lại có món ăn ngon đến vậy. Sau đó tôi mới nghĩ chẳng thà tay làm hàm nhai, bắt đầu tự mò. Nhưng đồ ăn tôi làm hương vị cũng được mà không đẹp như của cậu, tôi không chú ý cách cắt gọt lắm”.
Hở ra lại được khen thêm lần nữa, Kinh Xán cười với Hạ Bình Ý, vừa cười vừa quyết tâm sau này sẽ đỡ ghét phòng bếp đi một chút.
“Lần sau tôi sẽ làm cho cậu,” có kế hoạch này, Hạ Bình Ý bắt đầu tích cực tìm hiểu yêu cầu: “Cậu thích ăn cay không?”.
“Thích, nhưng tôi không ăn được cay quá,” Kinh Xán nói.
Lớp sừng trên da Kinh Xán mỏng, lại nhiều mao mạch, vậy nên cậu rất dễ đỏ mặt. Dù cậu thích ăn cay lắm, nhưng cứ ăn một miếng đã đỏ hết cả mặt thì cũng chẳng hay ho gì, cậu còn từng bị cười nhạo vì chuyện này. Cậu nhớ có một nam sinh lớn hơn cậu một chút từng chỉ vào mặt cậu, cười rất lố lăng, nói: “Ôi chao ôi, sao đã đỏ mặt rồi, còn giống con gái hơn con gái nữa”.
Cậu bị cười nhạo không phải chỉ có một, hai lần, có lúc còn phải nghe những câu quá đáng hơn vậy nhiều, nhưng cậu lại nhớ rất rõ lần đó. Có lẽ là vì cậu nghĩ từ “con gái” không hề có nghĩa xấu, tại sao lại dùng nó để cười nhạo người khác chứ. Lúc đó cậu muốn phản bác lại, nhưng mọi người đều cười rất lớn tiếng, mà cậu cũng không thân với họ, không ai muốn nghe cậu phản bác hết… Dù rõ ràng là những người đó mời cậu đi ăn, nói là muốn cảm ơn cậu, kéo cậu theo.
Hạ Bình Ý cúi đầu tráng xà phòng trên bát. Nghe thấy câu trả lời của Kinh Xán, anh không ngẩng lên mà nói: “Vậy lần sau tôi nấu cho cậu món gà xào cay không cay lắm nhé”.
Kinh Xán luôn cảm thấy ngôn ngữ rất kỳ diệu, chỉ vài chữ thôi cũng đủ hạ gục một trái tim, vài chữ thôi cũng đủ khiến người ta tin tưởng một lần nữa, rằng tất cả rồi sẽ tốt hơn.
Hạ Bình Ý nhắc đến “sau này”, mà trong tuổi thơ và cả thời niên thiếu đằng đẵng của Kinh Xán, luôn chỉ có mình cậu đối mặt với hai chữ này.
Trước đây, Kinh Xán tin rằng cầu vồng sau mưa mang ý nghĩa chuyện tốt sẽ tới, vậy nên khi cậu nhìn qua ô cửa sổ hình chữ nhật hẹp trong phòng bếp, thấy vạt sắc màu vắt ngang cuối chân trời, cậu bỗng cảm thấy cuối cùng mình đã có dũng khí, đã sẵn sàng.
“Hạ Bình Ý”.
“Ơi?”.
Kinh Xán đặt một tay lên mép bàn đá hoa, chậm rãi bấu vào.
“Cậu từng đến Bắc Kinh chưa?”.
Tiếng nước chảy bỗng dừng lại, tiếng động chợt biến mất giữa không gian lại như gảy một nốt trầm nặng lên sợi dây căng chặt của Kinh Xán.
“Sao tự nhiên lại hỏi thế?”.
Anh hỏi vậy, Kinh Xán không trả lời. Cậu đang đợi đáp án của Hạ Bình Ý, cậu hít vào một hơi mà chưa thể thở ra.
Sau một thoáng im lặng, Hạ Bình Ý nói: “Chưa bao giờ”.
Kinh Xán thở phào, ngay sau đó, huyệt Thái Dương của cậu đau như búa bổ. Cậu nghe thấy có người đang nói, đang muốn đảo loạn suy nghĩ của cậu. Cánh tay chống trên bàn bếp khuỵu xuống, Kinh Xán trong mắt Hạ Bình Ý mỉm cười, đáp: “Ở đó có một tiệm bán gà xào cay ngon lắm, nếu cậu đến Bắc Kinh tôi sẽ đưa cậu đi ăn”.
“Được”.
Hạ Bình Ý quay người xếp bát lên tủ, chỉ còn một mình Kinh Xán đứng cạnh cửa sổ.
Cầu vồng ngoài cửa sổ vẫn đó, trong thế giới của Kinh Xán, dường như chưa có gì thay đổi.
Trước đây cũng chỉ là trước đây, mà cầu vồng cũng chỉ là hình ảnh khúc xạ và phản chiếu khi ánh mặt trời chiếu vào hơi nước giữa không trung.
Xác nhận lại xong, Kinh Xán quay đầu nhìn Hạ Bình Ý.
Hạ Bình Ý lau khô tay, đúng lúc cũng quay về phía này.
Một vạt nắng chiếu lên sườn mặt bên phải của Kinh Xán, hàng mi dài hứng đầy ánh sáng. Một nửa cơ thể Kinh Xán vùi giữa ánh nắng sáng ngời, nửa còn lại không với tới ánh sáng nên tối hơn hẳn. Cậu không nói gì, cũng không có biểu cảm gì, cậu chỉ đứng đó, nhìn vào sâu trong mắt Hạ Bình Ý.
Sau này, Hạ Bình Ý từng thử tìm kiếm Kinh Xán của quá khứ trong tương lai của họ, anh muốn nhìn Kinh Xán lúc nhỏ, muốn thấy cậu trên suốt con đường quá khứ. Nhưng khi anh xem rất nhiều ảnh chụp của cậu, anh lại phát hiện người trên ảnh không phải Tiểu Xán trong tưởng tượng của anh. Cho đến một ngày, khi họ quay lại ô cửa sổ này, đứng dưới ánh nắng như lúc này, Kinh Xán vẫn đứng bên cạnh. Anh nhớ lại cảnh tượng hôm nay rồi mới chợt phát hiện, người đang im lặng nhìn anh lúc này mới là Tiểu Xán như đã từng.
Là Tiểu Xán cô đơn ấy.
Nhưng lúc này Hạ Bình Ý vẫn chưa nhận ra được ý nghĩa sâu sắc ấy, anh chỉ thấy Kinh Xán có vẻ cô đơn, vậy nên anh đến cạnh Kinh Xán, sờ trán cậu, dỗ dành: “Cậu mau khỏi hẳn đi, kiểm tra tháng xong tôi đưa cậu đi lái xe kart nhé?”.
Đôi mắt vốn đã cụp xuống lại nâng lên, Kinh Xán nhìn anh cười, cười tươi đến nỗi Hạ Bình Ý cảm giác tâm trạng cô đơn mình vừa nhìn thấy có lẽ chỉ là ảo giác.
“Được”.