Vết Bớt Hoa Điền

Chương 63: Tắm





Y Cáp Tang không để ý đến dáng vẻ hoảng hốt, sợ hãi của tiểu cô nương ngồi bên mép giường, cầm cây gắp than, đẩy gọn nồi đồng sang một bên, đặt lên đó một chiếc nồi khác.

Mùi thịt dê thơm nức mũi, béo ngậy quyện vào trong không khí, chẳng mấy chốc đã chiếm cứ tất thảy không gian trong lều.

“Nung đỏ đá, cho thịt dê, trà sữa và đậu vào nồi đun, sẽ có một hương vị thịt thơm ngon nguyên bản và thuần nhất.

Người thảo nguyên thích những thứ tự nhiên, thuần phát không thích sự màu mè, bóng bảy, kệch cỡm.” Tiếng Hán của Y Cáp Tang vô cùng nhuần nhuyễn, không nghe ra được chút khẩu âm của người dân tộc, thậm chí có thể nói chẳng khác gì tiếng phổ thông tiêu biểu của dân gốc kinh kỳ, điều này hoàn toàn trái ngược với dáng vẻ thô kệch cùng bộ Hồ phục kém phần thanh nhã trên người y.

Nói hết lời, Y Cáp Tang đưa một bát sứ vẫn còn bốc khói nghi ngút tới, thịt dê trong chén toả ra mùi hương ngào ngạt, quyến rũ.

Dê buổi trưa vừa giết, ở Tây Man không khí trong lành, sạch sẽ, bởi thế thịt dê không chút mùi tanh, thịt tươi ngon, mềm dai vừa phải, vô cùng cuốn hút.

Lý Tú Dung nhìn màu sắc món ăn, dù nàng không phải loại quý nữ kiêu căng, làm mình làm mẩy, nhưng chẳng hiểu sao bàn tay chậm chạp không duỗi ra nhận lấy.

Bát sứ kia quá thô kệch, sơ sài, lúc trước khi còn ở tướng phủ, dù bát cơm cho chó cho mèo cũng được làm từ sứ thượng hạng, thứ hàng thứ phẩm như chiếc bát sứ này đây, nàng thậm chí còn chưa từng thấy qua.

Nhìn Lý Tú Dung mãi chần chờ không chịu nhận lấy, Y Cáp Tang chỉ mỉm cười, cũng chẳng ngại ngần, hay bực dọc, hắn đứng lên, đi tới bên tủ nhỏ, lấy chút muối thả vào bát thịt dê, tiêu sái nói: “Muối là vua của mọi loại gia vị.

Có nó là đủ rồi.”
Lý Tú Dung khẽ nhíu mày, nét mặt thoáng vẻ bi thương, buồn bã đáp: “Không có đũa và thìa.” Nàng đúng là ngủ lâu đến mức đầu óc hồ đồ, trống rỗng, nhớ tới mình còn hai tỳ nữ hầu hạ, đột nhiên mở lớn mắt hỏi: “Phong Nhi và Mai Nhi đâu?”
Y Cáp Tang bật cười, ngồi xuống cạnh giường nói với nàng: “Tất nhiên là đã ra ngoài.”
À đúng rồi, hắn đường đường là Siết Đan vương, chúa tể của thảo nguyên, hắn muốn ở riêng với vương phi của mình, hai tỳ nữ nhỏ bé sao có thể không hiểu ý mà rời đi?
Thế nhưng bên ngoài trời lạnh lẽo biết nhường nào, khuôn mặt nứt nẻ này chính là minh chứng, nàng có chút lo lắng, giọng điệu như thể đang cầu xin Y Cáp Tang: “Cho các nàng ấy một trướng nhỏ ấm áp một chút, thời tiết nơi này…” Nàng định nói ‘chẳng khác nào địa ngục trần gian’ nhưng may mắn lời đến khóe miệng vẫn kịp thời nuốt lại được.

Dù gì nàng vẫn là một tiểu thư quý tộc có học thức, nàng biết thứ gì cần nói, nên nói, cũng biết bổn phận và vị trí của mình.

Hơn nữa nơi này không phải chỗ nàng có thể đòi hỏi.

Ánh mắt Y Cáp Tang thoáng chút bất đắc dĩ, nhìn khuôn mặt tú lệ bôi đầy cao mỡ dê, cùng những vết nứt nẻ ngang dọc, hắn vừa thấy buồn cười, vừa thương hại, bèn nói: “Các nàng ấy so với nàng khoẻ mạnh hơn nhiều.” Nói rồi, hắn chậm rãi rút ra một con dao nhỏ cắt nhỏ khối thịt dê, cứ vậy tay không bốc lên đưa tới bên miệng Lý Tú Dung.

“Nàng đói rồi.”
Nếu là ngày trước, Lý Tú Dung thà rằng chết đói cũng nhất quyết không ăn uống một cách thiếu quy củ, lễ nghi như vậy.

Nhưng nơi này là doanh trại Siết Đan Bộ, nàng chỉ là một quý nữ hoà thân, có địa vị gì để mà kiêu căng, tự đại.

Nàng nhìn chằm chằm Cáp Y Tang, chậm rãi rướn người ăn miếng thịt dê y đút.


Y Cáp Tang nhịn không được khẽ mỉm cười.

Trong trướng ánh sáng lờ mờ, nụ cười này vừa vặn khiến không gian tối tăm như bừng sáng, thậm chí còn rực rỡ hơn ánh lửa đỏ thắm trong bếp lò.

Người trên thảo nguyên dù thân phận có cao quý, hiển hách đến đâu, cũng bị gió rét cuồng phong thổi đến mức làn da khô ráp, sần sùi.

Y Cáp Tang lại chẳng phải kẻ câu nệ, hống hách, ngoại trừ thanh loan đao đính cẩm thạch bên hông, cùng dáng vẻ tuấn lãng, ưa nhìn, y dường như chẳng khác nào những nhi tử con nhà dân thường khác.

Vẻ ngoài đơn giản đến mức xuề xoà này là thứ mà một quý nữ danh gia như Lý Tú Dung chưa từng tiếp xúc qua.

Đã từng gặp không ít thiếu gia mặt hoa da phấn, cẩm y ngọc thực, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời nàng hiểu thế nào là sự hào sảng tiêu sái, hay đúng hơn là khí khái hào hùng của một đấng nam nhi chân chính.

Trong nháy mắt nàng bị nụ cười rực rỡ hơn ánh lửa này mê hoặc.

“Chúng ta đã từng có duyên gặp mặt một lần, thực ra…” Y Cáp Tang hờ hững nói, y bỏ hai chữ “thực ra” ra sau khiến cho cách diễn đạt tiếng Hán có phần non nớt, trúc trắc.

“Cung yến ngày ấy, nàng từng đàn một khúc.” Nói xong Y Cáp Tang bỏ phần thịt dê trong nồi lên thớt gỗ, cứ thế dùng dao chậm rãi cắt ăn.

Bên cạnh thớt gỗ là tô cháo sữa (*), bên trên đã nổi một tầng váng sữa mùi hơi nồng.

Ban đầu Lý Tú Dung ăn không quen thứ đồ này, nhưng thời gian lâu dần cũng đã quen phần nào.

(*) Thành phần chính là gạo tẻ và sữa dê.

Dân du mục thảo nguyên không có chỗ ở cố định, cuộc sống nay đây mai đó, nước uống ở đây cùng lắm là tuyết đun lên hoặc nước sông.

Tính ra sữa dê vừa mát lại hợp vệ sinh hơn.

Đến nơi quê mùa, nghèo nàn, lạc hậu này, nàng cảm thấy càng ngày mình càng không thể cứu vãn được nữa.

“Lão Hoàng đế vậy mà thật sự quyết định gả nàng tới đây.

Ta vốn cho rằng ông ta sẽ qua loa tìm đại một tỳ nữ nào đó hoà thân cho xong việc.” Y Cáp Tang dường như đã ăn no.

Y đứng dậy, vóc dáng to lớn trong chướng nhỏ càng thêm nổi bật.


“Bệ hạ hi vọng hai nước hoà bình, không còn chiến tranh loạn lạc, dân chúng lầm than.” Lý Tú Dung từ nhỏ đã đọc qua nhiều sách thánh hiền, tuy bản thân hiện tại cũng đang trong tình cảnh bế tắc, đau khổ, nhưng nàng vượt nghìn trùng xa xôi đến tận Phương Bắc lạnh lẽo này, trên đường gặp không ít những bá tách sinh sống tại vùng sát biên giới, người người đều trong cảm giác lo lắng, đề phòng, sợ hãi một ngày chiến tranh nổi ra.

Càng đi gần về phía Bắc đời sống người dân càng khốn cùng, khổ sở.

Chiến tranh quả thực chẳng phải thứ gì tốt đẹp.

“Nếu sự xả thân của ta có thể đổi lại hoà bình hai nước, ngăn chặn chiến tranh nổi loạn, vậy thì cũng coi như một chuyện tốt ghi danh sử sách.”
“Xả thân…” Nét mặt Y Cáp Tang thoáng vẻ không vui, lúc này Lý Tú Dung mới nhận ra mình lỡ lời, muốn bổ cứu, nhưng lại cảm thấy giờ khắc này nói gì cũng vô ích ngược lại còn khiến đối phương cảm thấy nàng giả tạo, dối trá.

Dù sao Y Cáp Tang cũng không phải một người Tây Man bình thường, y đã từng tận mắt chứng kiến đế đô hoa lệ, giàu sang, thậm chí so với các công tử chốn kinh kỳ, y thậm chí còn yêu thích, tán thưởng nền văn minh Đại Trịnh hơn.

Số phận đã định cuộc đời sau này của hai người sẽ gắn liền với nhau.

Nàng đã là vợ y.

Nhìn cách y đút đồ ăn cho mình, lại nhớ đến nụ cười xán lạn ban nãy, Lý Tú Dung có thể khẳng định y không ghét mình.

Nàng dứt khoát không chịu nói ra mấy lời xảo trá, nếu bị đối phương nhìn ra sự khách sáo, dối lừa ngược lại càng khiến y cảm thấy bản thân không được tôn trọng.

“Phương Bắc nghèo nàn, so với nơi ta sinh ra và lớn lên vô cùng khác biệt.

Nếu ta đã tới đây hoà thân, ta thật sự hy vọng bản thân không làm nhục sứ mệnh.”
Nụ cười dần trở lại trên môi Y Cáp Tang, y tiến lại gần, cẩn thận quan sát Lý Tú Dung.

Hàng như sương khói xa xăm, mắt phượng to tròn, mặc dù trên mặt có vết thương nhưng đến cùng nàng vẫn là một quý nữ xuất thân thế gia vọng tộc, dù đang sống trong cảnh bần hàn nghèo túng nhưng vẫn chẳng thể làm mai một nét đẹp thiên tiên thoát tục, thanh nhã.

Y Cáp Tang từng rung động vì Tiểu Viện tại yến tiệc hoàng cung, mà người con gái này đây, cũng giống như nữ tử kia, đều sở hữu dung mạo kinh diễm đến chói mắt.

Giờ phút này nhìn giai nhân u sầu, tiều tuỵ trong lều, y mới hiểu được, cái gọi là vẻ đẹp mong manh, nâng trên tay sợ vỡ, ngậm trong miệng sợ tan trong thơ từ thi phú của đám văn nhân chua ngoa Đại Trịnh là thế nào.

Chính là bộ dáng u sầu làm kẻ khác phải điên đảo yêu thương.

Bản thân y cũng không hay biết trong lòng mình đã có vài phần rung động, thương tiếc.


“Nếu đã không muốn làm nhục sứ mệnh, có phải chúng ta nên làm việc hoà thân chân chính?”
Y hơi rướn người về phía trước, Lý Tú Dung lập tức lùi lại phía sau, hai tay nắm chặt vạt áo.

Trong đầu như thể có hai tiếng nói đồng loạt vang lên.

Một kẻ chính là lý trí, hết lời phân tích cho nàng: Hôn lễ này tuy không có tam thư lục sách, chỉ qua loa bằng hành động bái tế, ăn mừng trước đống lửa, vậy là hoàn thành lễ thành hôn.

Nhưng dù sao cũng coi như đã gả cho người ta.

Một phần khác mang theo sự cảm tính, dễ xúc động thì nhỏ giọng thì thào, có phần e ngại, xấu hổ rằng: nàng thậm chí còn chưa tắm rửa, cứ thế mà lặn lộn, ân ái với một nam nhân dị tộc ở trong màn trướng đơn sơ này.

Đây là việc đi ngược lại hoàn toàn với lễ giáo nghiêm ngặt của một tiểu thư khuê các.

Y Cáp Tang không phải quý công tử đất kinh kỳ trước khi vào động phòng còn phải cúi đầu chào thê tử.

Vốn dĩ ban đầu y chỉ muốn thách thức lòng can đảm của nàng, chút hứng thú bị khơi dậy vừa rồi trước hành động thủ tiết này đã hoàn toàn xẹp xuống.

Nữ tử chốn thảo nguyên trời cao đất rộng này đều là những con tuấn mã hừng hực nhiệt tình, cho dù thích hay không thích đều dám yêu hận hết mình, tuỳ ý tiêu sái.

Thậm chí tình lang của nàng tử trận, một mình nàng vẫn có thể gánh vác trên lưng gần chục đứa con chờ ngày Đông Sơn Quật Khởi, báo thù rửa hận.

Lý Tú Dung là một nữ tử gia giáo lớn lên giữa đất kinh kỳ phồn hoa bậc nhất Đại Trịnh, Y Cáp Tang thích sự vẻ đẹp tri thức nơi nàng, cũng thích những tiểu thư am hiểu lễ nghĩa, vẻ ngoài duyên dáng, tinh tế mong manh, nhưng đồng thời y cũng cảm thấy chán ghét thái độ màu mè, đạo đức giả của những quý nữ danh gia.

“Hừ!” Giọng điệu y có vài phần giễu cợt, ánh mắt đầy chế nhạo nhìn Lý Tú Dung đang gắt gao ôm ngực: “Người miền nam các người đều cảm thấy Tây Man bọn ta là thứ dân tộc thiểu số ăn lông ở lỗ, nghèo nàn, lạc hậu chưa được khai hoá văn minh, thế nhưng ở chỗ bọn ta không có Tần lâu Sở quán, cũng chẳng có những nữ nhân bởi sức nặng từ quyền thế mà phải hạ mình làm thiếp.

Tại Tây Man chúng ta, những thiếu nam thiếu nữ xuất phát từ tình yêu dành cho đối phương, từ sự đồng thuận của hai phía, vì muốn bên nhau mà cùng lập lời thề trước sự chứng yên của trời xanh.

Thề xong cả đời vĩnh viễn cũng nhất định không thay lòng.

Các người xem thường bọn ta.

Bọn ta cũng khinh thường các người.”
Y Cáp Tang sinh sống tại Đế đô nhiều năm, y thừa nhận mình say mê phong cảnh đẹp đẽ giàu có của Đại Trịnh, đặc biệt tán thưởng thi từ ca phú, tranh chữ, và những thứ đồ vật thủ công mỹ nghệ tinh tế, đẹp đẽ nơi đây, nhưng đồng thời cũng có những thứ khiến y ghét bỏ, coi thường.

Lòng người chốn Tây Man chân thành, hào phóng khoáng đạt tựa như thảo nguyên bao la, còn con người Đại Trịnh lại toan tính, nhỏ nhen, tham lam cơ hội chẳng khác nào lũ con buôn.

Y nhìn nữ nhân trước mặt, nàng đẹp đẽ, lung linh tựa một tác phẩm nghệ thuật trân quý, cần cất giữ, nâng niu.

Đẹp đẽ là vậy, nhưng mỗi khi nhìn thấy lại luôn đem lại cho y cảm giác khó chịu.

Giống như một món bảo bối, y vẫn luôn cho rằng mình hết mực yêu thích, nhưng đến khi có người bưng đến trước mặt lại cảm thấy không vừa lòng như bản thân vẫn nghĩ.


“Hiện tại Siết Đan Bộ là của ta, nhưng ta không bắt ép nàng làm bất kỳ chuyện gì cả.

Trên chiến trường cũng thế, mà lúc này cũng vậy, cả việc động phòng cũng thế.

Hoà thân là do lão Hoàng đế của nàng đề xuất, còn nếu nàng không thích, thì về đi.” Nghe Y Cáp Tang nói hết mực chân thành, đến mức Lý Tú Dung tái mặt.

Dường như trong mắt Y Cáp Tang, danh tiết chỉ là thứ dư thừa không đáng nhắc tới.

Huống chi hoà thân nào phải việc nhỏ, chớ nói tới việc y không ép buộc, dù y có ra tay cưỡng đoạt, với lẽ sống nam tôn nữ ti, Lý Tú Dung cũng chỉ có thể nhún nhường.

Y Cáp Tang quay người toan đi, Lý Tú Dung đột nhiên đứng dậy kéo ý lại.

“Vương gia, thiếp thân… vẫn chưa tắm, nên không quen…”
Đến Siết Đan Bộ đã mười ngày, nhưng chỉ có thể nhờ Phong nhi đun sôi nước tuyết để lau người cho nàng, búi tóc trong mũ đã bắt đầu có mùi.

Người Tây Man đã quen với lối sống thô sơ, nhưng Lý Tú Dung lại không chịu được.

Câu trả lời của nàng lại khiến Y Cáp Tang áy náy, y nhớ là người Đại Trịnh rất ưa sạch sẽ.

Lúc ở kinh thành, không chỉ dùng thùng tắm ở khách điếm mà bản thân y còn hay ghé nhà tắm cạnh đó để ngâm nước nóng.

Trở lại thảo nguyên, y trở lại thói quen một cách rất tự nhiên, nhưng không phải là chưa từng nhớ cảm giác ngâm mình trong dòng nước ấm ở kinh thành.

Huống chi theo tập tục Đại Trịnh, phụ nữ trước khi được gả nhất định phải thủ tiết, điều này không giống với lối sống ở Tây Man.

Chắc hẩn Lý Tú Dung cũng thẹn thùng khi cả người bẩn thỉu trải qua đêm đầu tiên với phu quân.

“Nàng là vương phi, muốn gì, không muốn gì cứ thẳng thắn nói ra.

Hoà thân không có nghĩa là cuộc đời nàng đã chấm hết.

Đã tới Tây Man tốt nhất nàng hãy vứt bỏ toàn bộ thói quen che che giấu giấu, lấp lấp lửng lửng của người phương nam đi.

Ta không thích.” Y Cáp Tang vừa đi ra ngoài, vừa lẩm bẩm trong miệng.

Đợi hồi lâu vẫn không thấy y trở về, Lý Tú Dung cho rằng Y Cáp Tang sẽ không trở lại nữa.

Lúc nàng đang định đi ngủ, cửa nhỏ màn trướng lại lần nữa mở ra, Mai Nhi khẽ khàng tiến vào, nói: “Vị Siết Đan vương kia gọi nô tỳ tới hầu hạ cô nương.”
Sắc mặt nàng ấy có chút xấu hổ, vốn tưởng rằng hai người một nam một nữ ở trong trướng lâu như vậy, chắc hẳn đã xảy ra việc kia… Bước vào mới thấy, y phục trên người tiểu thư vẫn chỉnh tề như cũ, đã vậy dường như tiểu thư còn chuẩn bị đi nghỉ.

Mai Nhi không khỏi kinh ngạc hỏi: “Tên vương gia mọi rợ kia không chạm vào cô nương chứ?”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.