Vết Bớt Hoa Điền

Chương 2: Trạm Vương




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Ngô công tử tên Ngô Phàm Khâm, là nhân sĩ kinh thành, trong nhà không thiếu các trưởng bối giữ các chức vị quan trọng tại triều đường, thân phận hiển quý. Hắn tự biết bản thân nghiệp học qua loa, vô vọng với công danh, khoa cử, bèn theo các thúc bá trong nhà học tập việc kinh doanh, buôn bán, quản lý gia sản. Huyện Lâm Hà là một bến cảng lớn, mỗi năm vào thời điểm đầu xuân, và sau mùa lũ, hắn từ kinh thành đến đây đối chiếu, kiểm tra các khoản doanh thu, cũng như hàng hóa được nhập đến, tới đầu hạ lại trở về.

Vào thời điểm này những năm trước, Ngô Phàm Khâm vốn đã đang trên đường về kinh. Sở dĩ ở lại lâu hơn kế hoạch là vì còn ở lại nhận thư nhà. Cậu hắn - Tiền Trọng Mưu, ở bên ngoài đã được thăng chức từ Tổng đốc Hàng Nam lên Tả Thừa tướng - nhất phẩm. Trên đường vào kinh nhậm chức, chắc chắn sẽ đi qua huyện Lâm Hà. Người nhà dặn dò Ngô Phàm Khâm ở lại huyện Lâm Hà chờ cữu cữu cùng hồi kinh. Trên danh nghĩa là người cùng một gia đình cần chăm lo, quan tâm nhau, nhưng kỳ thực muốn thể hiện sự ân cần với vị cữu cữu ghê gớm này.

Ngô Phàm Khâm chờ ở Lâm Hà đến mức buồn bực, vốn muốn đến Câu Lan Viện ăn chơi trác táng một phen, ở đây không có phụ mẫu quản thúc, cũng không có đám thê thiếp ghen tuông, phiền toái chằm chằm nhìn vào. Vậy là chỉ trong nửa tháng thì có đến mười ngày hắn lăn lộn ở kênh đào tìm hoa hỏi liễu, quấn quýt với giai nhân.

Vào ba ngày trước, lúc đang ngồi trên thuyền hoa lớn khác thưởng đàn, nghe hí, trong lúc lơ đãng hắn thấy được Tiểu Viện. Nhất thời cả người đờ đẫn bất thần như gặp được thiên tiên giáng thế.

Tiểu Viện kia trên trán điểm một đoá Hoa Điền trời sinh, tức khắc câu mất hồn vía hắn ta.

Gia cảnh Ngô Phàm Khâm ưu tú, ở kinh thành cũng coi như thấy qua không ít giai nhân. Đương nhiên chẳng dễ dàng động lòng với một cô gái làng chơi nhỏ bé như Tiểu Viện, nhưng bởi vì thuở nhỏ hắn ôm ấp trong lòng bóng dáng một người con gái mãi mãi không thể với tới, trên trán nàng cũng có một đoá Hoa Điền tương tự, hơn nữa dung mạo Tiểu Viện với thiếu nữ kia có năm phần tương tự, thậm chí so ra còn yểu điệu, dịu dàng hơn mấy lần.

Hôm đó Kim bà bà dụ dỗ hắn nói rằng Tiểu Viện là nữ tử bán nghệ không bán thân, thân thể còn trinh nguyên, trong sạch. Lại dùng công phu sư tử ngoạm của mình đòi giá ba trăm lượng bạc, không đồng ý giá đó nhất định không thương lượng thêm. Trong cơn háo sắc Ngô Phàm Khâm vậy mà lại lập tức đồng ý. Hôm nay đã gom đủ ngân lượng, dựa theo ước định lên thuyền gặp giai nhân.

Nghĩ đến sắp được cùng mỹ nhân như hoa như ngọc, giữa sóng nước dập dềnh nên thơ mây mưa quấn quýt, Ngô Phàm Khâm không kìm được nuốt nước bọt. Đáy mắt chỉ còn lại sự rạo rực, thèm khát không chút giấu diếm, nào còn chút lý trí phòng bị nào.

Bình An bên cạnh không khỏi nhíu mày.

Tiểu Viện vẫn đang ngồi trong thuyền lầu, nghe thấy động tĩnh từ boong tàu, bèn quay đầu về phía này. Cách một lớp cửa sổ bằng giấy mỏng manh, đôi con ngươi Ngô Phàm Khâm dán lên dung nhan mờ mờ ảo ảo, cùng dáng người yểu điệu, mềm mại của nàng, không chớp mắt.

“Dì mẫu, xin hỏi cô nương đã trang điểm xong chưa? Học sinh mong được gặp mặt nàng một lần.” Ngô Phàm Khâm giữ đúng lời hẹn ước, nói rồi hắn nôn nóng đứng dậy, nhịn không được nhấc mũi chân, đi về hướng thuyền lâu. Đúng lúc này Kim bà bà kịp thời đứng ra ngăn lại, nói: “Tiểu nữ đợi công tử đã lâu, chỉ là số tiền người hứa hẹn với lão thân, công tử mang đến đủ chứ?”

“Đương nhiên! Đương nhiên!” Trong đầu Ngô Phàm Khâm lúc này chỉ nghĩ đến việc rong ruổi ái tính với giai nhân, nhanh chóng dúi chiếc túi bằng tơ lụa vào tay Kim bà bà. Bên trong có 6 thỏi vàng ròng bên trong, mỗi thỏi đều được đóng dấu khắc chữ cẩn thận. Kim bà bà mở ra xem, chất lượng tuyệt phẩm, dưới ánh trăng thỏi vàng trên tay phát ra ánh sáng lóng lánh, khiến người ta hoa mắt.

Kim bà bà không chút hoang mang, từ tốn tiếp nhận chiếc túi, đồng thời ra hiệu bằng mắt cho Kim Tam tiếp cận gã sai vặt Bình An. Còn mình nghiêng người, lùi bước nhường đường cho Ngô Phàm Khâm tiến vào.

“Công tử đúng là người giữ chữ tín, mời theo lão thân vào trong.”

Ngô Phàm Khâm đi theo Kim bà bà vào bên trong thuyền lâu, Kim bà bà ra hiệu Tiểu Viện đứng dậy, dùng quạt tròn che mặt lại, hành lễ. Tròng mắt Ngô Phàm Khâm gần như muốn nhảy ra ngoài, mắt nhìn đóa Hoa Điền màu đỏ son xinh đẹp trên trán Tiểu Viện, nhịn không được nuốt nước miếng một cái.

Bình An làm bộ ngắm nhìn phong cảnh hai bên kênh đào, đáy mắt lại lặng lẽ quan sát Kim Tam bên cạnh.

“Vị ca nhi này, mời tới đuôi thuyền uống trà nghỉ ngơi một lát.” Kim Tam làm động tác mời, để Bình An đi trước. Bình An thoải mái đi tới, cúi đầu nhìn hình ảnh phản chiếu dưới mặt nước thấy Kim Tam móc ra một thanh thiết chùy, đang định tấn công y từ phía sau.

Bình An lập tức hiểu rõ tình hình, quả nhiên đã gặp phải kẻ có rắp tâm, nháy mắt, bằng động tác gọn gàng, nhanh lẹ đã rạch một đường kiếm dài trên cánh tay Kim Tam. Thiết chùy cũng vì thế mà rơi xuống sông, nháy mắt máu tươi ướt đẫm tay áo.

Từ nhỏ Bình An đã theo học danh sư, kiếm pháp tinh thâm, Kim Tam tự biết không địch lại được.

Tuy nhiên Bình An cũng không ham chiến, việc quan trọng cần ưu tiên lúc này là bảo vệ chủ tử.

“Công tử. Nhanh nhảy xuống thuyền.” Thừa dịp Kim Tam bị đau, ôm lấy cánh tay, Bình An từ cửa sổ nhảy vào bên trong thuyền lâu, nắm chặt cổ tay Ngô Phàm Khâm tháo chạy. Bình An ôm Ngô công tử thả người nhảy khỏi thuyền.

Ngô Phàm Khâm còn chưa ý thức được chuyện gì đang xảy ra, đã rơi xuống nước, Bình An mặc cho Ngô Công Tử bị sặc nước ho rũ rượi, dùng toàn bộ sức lực kéo hắn vào bờ.

Kim bà bà hô to ‘Không ổn rồi.’, vội vàng chạy đến mạn thuyền, một tay cầm đuốc, quan sát xung quanh mặt sông, một tay khác cầm cây xiên cá, nhưng hai kẻ kia đã bơi được một quãng xa, xiên cá cũng không có tác dụng, bà quay đầu nhìn nhi tử ngồi trên boong thuyền, cánh tay ướt đẫm máu.

Tiểu Viện cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra, từ trong thuyền lâu bước tới, thấy cánh tay Kim Tam đầy máu, không chút hoảng hốt, vững vàng chạy lại vào thuyền lâu lấy ra một hòm thuốc, ngồi xuống tỉ mỉ băng bó cho gã.

Nàng vừa trang điểm xong, trên người thoang thoảng một mùi hương mê ngọt ngào, mê đắm, trăng sáng, sao thưa, thiếu nữ trước mặt lại tăng thêm vài phần diễm lệ. Kim Tam ngày thường cực kỳ ít để lộ ánh mắt mê đắm đến vậy, cũng rất ít tiếp xúc gần với nàng như lúc này.

Khoảnh khắc hiện tại… thật tốt.

“Thế nào rồi? Tên chó má kia đã chạm vào muội chưa?” Kim Tam nửa nằm, nhíu mày chịu đựng cơn đau nhức, cùng cảm giác bỏng rát khi kim sang dược chạm vào vết thương, khó nhọc thở phì phò hỏi Tiểu Viện.

“Đừng nói gì nữa, trước tiên phải cầm máu đã.” Tiểu Viện không để ý đến câu hỏi của gã, cúi thấp đầu tập trung băng bó, dửng dưng cự tuyệt ánh mắt bỏng cháy của nam nhân đối diện.

“Hừ, mới gặp nhau được một chút, có thể xảy ra chuyện gì được, tay còn chẳng kịp sờ một cái ấy chứ.” Kim bà bà vứt xiên cá xuống, có chút xem thường liếc nhi tử, đồng thời oán hận nói: “Lúc này rồi mà còn để dê béo chạy mất.”

“Bà bà, dù gì tiền đã ở trong tay chúng ta rồi, cũng coi như là dê không chạy thoát.” Tiền Viện cẩn trọng mở lời an ủi bà bà, lại từ tốn giải thích: “Kẻ tuỳ tùng kia thân thủ không phải hạng tầm thường, chỉ sợ Ngô công tử này cũng không phải con cháu nhà khá giả phổ thông. Chúng ta tốt nhất nên mau chóng rời đi, không nên nán lại đây lâu nữa.”

Kim bà bà nhìn Tiểu Viện, thầm kinh ngạc trước sự bình tĩnh, lý trí của đứa bé này. Một cô nương 16 tuổi, đối mặt trước hiểm nguy mà mặt không chút đổi sắc, còn vừa băng bó vết thương doạ người trên tay Kim Tam, vừa lạnh lùng phân tích tình huống một cách đầy sắc sảo.

Hai năm nay Kim bà bà quả thực đã quá tự cao, dựa vào việc trộm cắp lừa gạt kiếm miếng ăn nửa đời, ấy vậy mà lại để một con tiểu hồ ly gian xảo bậc này ngay dưới mí mắt mình trộm mất trái tim nhi tử mình.

Vì cánh tay Kim Tam bị thương, không thể vận động mạnh, lại sợ Ngô công tử kia báo quan, đường thuỷ với họ hiện tại không an toàn. Cho nên Kim bà bà quyết định bỏ thuyền đi đường bộ. Không biết Ngô công tử kia có thân phận ra sao, ba người một khắc cũng không dám chần chờ, thừa dịp đêm đen, gió lớn, ba người dừng thuyền ở bờ gần nhất, chỉ cầm theo châu báu nữ trang và các vật tuỳ thân, hành lý nhỏ gọn, xuống thuyền đi dọc con đường ven kênh đào, ít ai lui tới, ở tạm một đạo quán bị bỏ hoang ngoài ngoại ô một đêm.

Trời mùa hè nhiều mưa, ba người vừa sắp xếp xong chỗ nghỉ chân, trời lập tức đổ mưa phùn. Kim bà bà nghĩ vừa hay cơn mưa nhỏ này sẽ yểm hộ tốt cho họ thoát thân, thừa dịp Kim Tam bị thương, có thể mạo hiểm đi dọc ven sông vào thành, hoàn tất một số việc.

Nghỉ ngơi một lát, sắc trời đã trong hơn, nhưng mưa vẫn chưa ngớt. Kim bà bà đội mũ rộng vành, đưa cho Tiểu Viện một chiếc mịch ly, cầm theo ô giấy dầu, nói với nhi tử: “Kim sang dược mang theo không đủ, không rõ còn phải đi bao lâu nữa mới đến trấn kế tiếp, ta và Tiểu Viện vào thành mua ít kim sang dược và lương thực, biết đâu có thể thuê một chiếc xe ngựa, con cứ ở đây chờ.”

Kim Tam che miệng vết thương, bờ môi trắng bệch mím lại, hắn vốn muốn giữ Tiểu Viện lại bên mình, những nghĩ lại hiện giờ hắn đang bị thương, mẫu thân lại biết chút quyền cước, để Tiểu Viện theo bà vẫn an tâm hơn, bèn đồng ý: “Được. Hai người đi nhanh về nhanh, trong thành sợ cũng không quá an toàn.”

Tiểu Viện và Kim bà bà đi một đoạn không xa là đến ven Huyện Lâm Hà. Sáng sớm trời mưa lất phất, phố xá sầm uất chìm trong màn mưa bụi lạnh lẽo. Tiểu Viện quan sát kỹ lưỡng các con đường, hẻm nhỏ, mới chậm rãi nói: “Ngô công tử kia hình như không báo quan.”

“Dù có báo quan có lẽ hắn cũng không nghĩ rằng chúng ta sẽ quay lại thành.” Kim bà bà giảo hoạt cười lạnh.

Hai người mua xong kim sang dược, lại tìm quán bánh bao mua chút lương thực đi đường. Bánh bao vẫn còn đang hấp chưa xong, Kim bà bà và Tiểu Viện ngồi trước cửa tiệm chờ. Tiểu Viện hơi khát, muốn hỏi thử chủ tiệm có bán cháo loãng không, Kim bà bà rút một bình hồ lồ từ bên hông ra, nói: “Ta vừa uống rồi, ngươi cũng uống chút nước đi.”

Tiểu Viện không suy nghĩ nhiều, vặn nắp uống một hơi.

Không bao lâu sau, bánh bao đã hấp xong, Tiểu Viện đứng dậy muốn đi lấy bánh, thì cảm thấy trước mắt tối sầm lại, hai chân mềm nhũn cả người đổ ập xuống mặt bàn.

Khi nàng tỉnh dậy đã là một ngày sau.

- ----------

Kinh thành.

Buổi tối, từng chiếc xe ngựa trang hoàng đẹp đẽ ùn ùn kéo tới, dừng trước cổng một Lâm viên đèn đuốc lộng lẫy. Đôi sư tử bằng đá cẩm thạch trắng trong đêm tối vẫn toát ra vẻ uy nghiêm, ánh đèn lồng đỏ lay động trong gió, ánh sáng rực rỡ hắt lên tấm biển hiệu bốn chữ được đích thân một vị danh gia đề bút: Hậu Sơn Trà Tự.

Vương tôn công tử quần là áo lượt bước xuống xe, tốp năm tốp ba, ngựa quen đường cũ cùng nhau nói nói cười cười đi vào bên trong.

Đây là nơi các nam tử có quyền có thế của đế đô lui tới tìm giai nhân.

Quy mô của Lâm Viên Hậu Sơn rất lớn, nằm ở khu vực ngoại ô, phong cảnh hữu tình, đình đài lâu các tinh xảo, tráng lệ chẳng thua bất kỳ một phủ Vương công, quý tộc nào.

Phía trước có bốn viện tử, sáo trúc đàn tiêu ngân nga không dứt, yến ẩm ca múa trắng đêm không ngừng, các nữ tử ở đây người nào người nấy đều trẻ trung, mỹ mạo, kiều diễm xuân sắc, cầm kỳ thi họa, tài sắc vẹn toàn. Tuyệt đối không phải loại dung chi tục phấn như gái làng chơi của mấy chốn trăng hoa tầm thường.

Phía trước Tự Tình Quán chỉ là nơi uống rượu, thưởng thức mỹ vị, hậu viện sau núi mới là nơi ghê gớm. Mỗi một tiểu viện bên trong hậu viện đều được trang trí vô cùng nhã nhặn, xa hoa, mỗi viện lại có một “Viện chủ” đều là giai nhân ngàn người mới chọn được một.

Từ trước đến nay các nhà chứa cao cấp nhất, cùng lắm cũng chỉ vỏn vẹn mang tới cảm giác khoái lạc, ân ái trên giường. Nhưng nơi như Hậu Sơn Trà Tự không chỉ cung cấp cái gọi là ân ái mà còn khéo léo nắm lấy trái tim khách nhân, khiến họ mê muội, lưu luyến không muốn rời đi.

Đương nhiên cái nơi đốt ngân lượng như chỗ này, khách tới chơi không phải hào phú nhất nhì một phương khó có phúc mà hưởng thụ.

Tử Vân cô nương của Tử Trúc Viện, hiện tại đang là viện chủ nổi danh nhất Hậu Sơn.

Diễm danh của nàng lan xa đến mức Trạm Vương - Trịnh Lan gần đây cũng thường xuyên ghé thăm Tử Trúc Viện, cũng bởi thế danh tiếng của Tử Vân càng ngày càng nổi như cồn.

Thế nhân đều biết, Trạm Vương Trịnh Lan, là nhi tử thứ chín của Hằng Xương Đế. Thuở nhỏ chàng ta phong độ bất phàm, dung mạo xuất chúng, là người tuấn dật, xinh đẹp nhất trong các hoàng tử, công chúa. Năm nay chàng ta vừa tới gia quan (*), trong phủ chớ nói đến thê thiếp, ngay cả một người động phòng cũng không có, xưa nay chỉ thích trêu hoa ghẹo nguyệt, tìm kiếm lưu oanh.

(*) Gia quan 加冠: chỉ con trai 20 tuổi. Thời cổ con trai đến 20 tuổi làm lễ gia quan (đội mũ) biểu thị đã thành niên.

Bởi vì vô duyên với ngôi vị thái tử, bình thường cũng chẳng có dã tâm, cho nên mặc dù thuở nhỏ thiên tư trác tuyệt, thông minh lỗi lạc, nhưng văn võ cả triều chỉ coi Trạm Vương là một hoàng tử nhàn nhã thích hoa say nhạc, chỉ yêu lối sống phong lưu, phóng khoáng.

Vương triều Đại Trịnh, đến Hằng Xương Đế đã được năm đời trị vì. Hoàng tộc Trịnh gia tung hoành ngang dọc ở Cửu Châu, tay trắng lập cơ đồ, trải qua hai đời vua dựng nước Thái Tông cao tổ và Văn Đế khổ tâm kinh doanh, phát triển thương nghiệp, lại qua đời Hoa Hạ Đế với chính sách cai trị mềm mỏng, mà thiên hạ thái bình, tứ hải phục tùng, nơi nơi thịnh thế, chốn chốn an bình.

Tuy nhiên một vương triều thái bình đã lâu, đương nhiên sẽ đến một thời điểm dần dần trượt dốc, sau một thời gian dài sống trong sung túc, giàu có, các gia tộc hiển quý, quan lại trong triều sớm đã có dấu hiệu biến chất, không còn chăm lo rèn giũa đạo đức, tôi luyện văn võ, bắn cung, cưỡi ngựa như trước nữa.

Vương triều Đại Trịnh nhìn qua thì thái bình, nhưng thật ra sóng ngầm dữ dội, nguy cơ tứ phía.

Trịnh Lan ngồi bên cửa sổ của Tử Trúc Viện, thân khoác một bộ thường phục trắng như tuyết, bên hông dắt đai ngọc lục bảo xanh thắm, tinh xảo, tay cầm một chiếc quạt xếp làm bằng trúc đỏ Tương Phi (1), càng tăng thêm lãng dật, khôi ngô, thoát tục.

Không thể không nói, ở chàng có tất thảy những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của toàn bộ đế đô, hoàng thân quốc thích, vương tôn công tử.

Nhìn ánh trăng thanh khiết rót lên rừng trúc xanh rờn, Trịnh Lan thoáng bồi hồi, yên lặng không nói nửa lời.

Tử Vân áp sát tới dâng lên một chén rượu. Ngón tay thon dài trắng nõn của chàng từ tốn đón lấy, đặt ly rượu hoa mai thơm lừng bên môi, uống một hơn cạn sạch. Đôi mắt chàng thâm trầm như đầm nước, sâu thăm thẳm đầy bí hiểm, nhưng lại quyến rũ chết người.

“Rượu rất ngon, làm phiền viện chủ.”

Mặc dù quen biết đã lâu, Trịnh Lan vẫn đối xử với Tử Vân như trước: phong độ, từ tốn, khách khí.

Mới đầu nàng còn cho rằng đây là kết quả của sự giáo dưỡng nghiêm ngặt nơi hoàng cung. Nhưng nửa năm qua, chàng ngay cả bàn tay nàng cũng không nắm, vẫn lịch sự xa cách như ngày đầu.

“Điện hạ, hôm nay có vẻ nhàn nhã, thư thả? Tử Vân muốn vì người đàn một khúc.”

Tử Vân thâm tình ngẩng đầu nhìn chàng, lấy ra toàn bộ vốn liếng phong tình, quyến rũ học từ thuở nhỏ thi triển ra. Sóng mắt nàng lưu luyến, cái nhìn đa tình, kiều diễm, lại thêm một khuôn mặt xuân sắc đẹp đến nao lòng.

Tử Vân nổi tiếng từ khi còn nhỏ, trong chốn phong nguyệt này nàng tự tin chưa từng bại trận, nhưng lại không thể nhìn thấu vị hoàng tử đối diện mình đây.

“Đêm đã khuya, tiểu vương muốn ra vườn trúc đi dạo cho tản mùi rượu, Tử Vân cô nương ngủ ngon.”

Chàng nhẹ nhàng khinh thân, nhảy ra khỏi cửa sổ, làm bộ muốn đi: “Đa tạ viện chủ đã khoản đãi.”

Tử Vân nao nao, rốt cuộc nhịn không được níu chặt vạt áo chàng. Đôi mắt ngập nước long lanh, có chút khổ sở, lại có vẻ khẩn cầu nhìn Trịnh Lan: “Điện hạ, cho tới nay, Tử Vân đã làm chuyện gì khiến chàng phiền muộn hay sao?”

Trịnh Lan mỉm cười, nhẹ nhàng thu lại cây quạt xếp trong tay, cúi người, dùng lòng bàn tay lau đi giọt lệ chuẩn bị lăn xuống, lại dịu dàng ghé đến trước mặt Tử Vân từ tốn đáp: “Viện chủ dịu dàng, hiểu lòng người, xinh đẹp, yểu điệu không gì sánh được. Có điều bản vương đang luyện một loại võ công.”

Tử Vân kinh ngạc nhìn người nam tử phong thái tuấn dật, mặt mày như hoạ trước mắt, hơi thở của chàng càng lúc càng gần, mơn trớn nhẹ nhàng trên vành tai: “Loại này, tuyệt đối không thể gần nữ sắc.”

Sau đó ý vị thâm trường cười một tiếng, nụ cười này khiến Tử Vân cảm thấy trên thế gian này hẳn chẳng có thứ gì đẹp đẽ được bằng.

Lỗ tai… và cả tim nàng đều tê dại, đến khi Tử Vân lấy lại tinh thần, Trịnh Lan đã biến mất không thấy tung tích.

- --------------------
  1. Trúc Tương Phi


Hình ảnh

undefined

Truyền thuyết

Tương truyền vào thời Nghiêu Thuấn, trên núi Cửu Nghi 九嶷 ở Hồ Nam 湖南 có 9 con ác long sống trong 9 hang động, chúng thường đến sông Tương 湘 giỡn nước, khiến nước dâng tràn mênh mông, làm mùa màng bị hư hại, nhà cửa bị sụp đổ, nhân dân kêu trời không thấu, tiếng oán than đầy đường. Đế Thuấn quan tâm đến nỗi thống khổ của dân, biết được tin ác long làm hại bách tính, ăn không ngon, ngủ không yên, muốn đến phương nam giúp dân trừ hại, trừ trị ác long.

Đế Thuấn có hai bà phi tên Nga Hoàng娥皇 và Nữ Anh 女英, là hai cô con gái của Đế Nghiêu.Tuy xuất thân hoàng gia, lại là đế phi, nhưng hai bà chịu ảnh hưởng và có được sự dạy bảo của Nghiêu Thuấn, đồng thời không ham hưởng lạc, mà luôn quan tâm đến nỗi thống khổ của dân. Đối với việc ra đi lần này của Đế Thuấn, hai bà cũng lưu luyến không nỡ rời. Nhưng, nghĩ đến việc diệt trừ tai hại và nỗi đau khổ cho bách tính vùng Tương giang, hai bà nén nỗi li sầu đưa tiễn Đế Thuấn lên đường.

Đế Thuấn đi rồi, Nga Hoàng và Nữ Anh luôn chờ đợi tin vui Đế Thuấn chinh phục được ác long, ngày đêm cầu khấn mong sớm thắng lợi trở về. Nhưng, một năm rồi lại một năm nữa qua đi, chim én bay đi bay về đã mấy lần, hoa nở hoa tàn đã mấy độ, vậy mà Đế Thuấn vẫn bặt tin. Hai bà lo lắng, Nga Hoàng nói rằng: “Lẽ nào Đế Thuấn bị ác long làm tổn thương, hay là nơi tha hương nhuốm bệnh?”

Nữ Anh bảo rằng: “Hay là giữa đường gặp nguy hiểm, hay là đường núi xa xôi lạc mất phương hướng?”

Hai bà nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ rằng: ở nhà mong chẳng được tin, không thấy người trở về, chi bằng đi tìm. Thế là Nga Hoàng và Nữ Anh đội sương gió băng rừng vượt suối đến Tương giang ở phía nam tìm chồng.

Trèo hết núi này sang núi khác, vượt hết sông này đến sông khác, cuối cùng họ cũng đến được núi Cửu Nghi, men theo giòng Đại Tử Kinh 大紫荆 đến đỉnh núi rồi lại theo giòng Tiểu Tử Kinh小紫荆 xuống núi, tìm khắp từng sơn thôn ở núi Cửu Nghi, đi khắp từng con đường nhỏ ở núi Cửu Nghi. Một ngày nọ, họ đến một nơi gọi là Tam Phong Thạch 三峰石, nơi đây có 3 khối đá cao vút, trúc xanh vây quanh, có một ngôi mộ trân châu cao lớn. Họ cảm thấy kì lạ, liền hỏi dân làng bên cạnh:”Đây là phần mộ của ai sao mà hùng tráng mĩ lệ vậy? Còn 3 khối đá kia sao mà cao và hiểm trở vậy?”

Dân làng gạt nước mắt nói rằng: “Đây là mộ của Đế Thuấn, ông ấy từ nơi phương bắc xa xôi đến đây giúp chúng tôi diệt trừ 9 con ác long, mọi người nơi đây đã có một cuộc sống an lạc, nhưng Đế Thuấn cúc cung tận tuỵ, đổ biết bao mồ hôi cùng tâm huyết, chịu khổ nhọc và bệnh chết nơi đây.”

Hoá ra sau khi Đế Thuấn qua đời, hương thân phụ lão vùng Tương giang cảm kích hậu ân của ông nên đã xây nên ngôi mộ này. Một bầy hạc tiên trên núi Cửu Nghi cũng cảm động, chúng sáng chiều bay đến Nam hải ngậm về từng viên trân châu lóng lánh rải trên mộ Đế Thuấn, trở thành ngôi mộ trân châu. Còn 3 khối đá lớn là do Đế Thuấn dùng 3 chiếc răng bừa cắm xuống đất để diệt trừ ác long biến thành. Nga Hoàng và Nữ Anh sau khi biết được sự tình, đau buồn vô hạn, hai người ôm nhau khóc. Khóc liền 9 ngày 9 đêm, khóc đến nỗi sưng cả đôi mắt, khan cả giọng. Nước mắt khô, cuối cùng máu chảy, cả hai chết bên cạnh Đế Thuấn.

Nước mắt của Nga Hoàng và Nữ Anh rưới lên trúc ở núi Cửu Nghi, trên thân trúc xuất hiện những vết đốm, tím có, trắng có, còn có cả màu đỏ như máu, đó chính là “Tương Phi trúc” 湘妃竹. Trên thân trúc còn có những đường vân giống chỉ tay, tương truyền đó là do hai bà phi gạt nước mắt trên thân trúc lưu lại; lại có cây trúc mang vết đốm đỏ tươi như máu, đó là huyết lệ từ trong đôi mắt của hai bà chảy ra nhuốm thành.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.