Vật Trong Tay

Chương 50




Nơi ở của cảnh sát Trần là một khu dân cư khá cũ, mang phong cách kiến trúc của những thập kỷ trước, không có thang máy, hành lang hẹp, ánh đèn lờ mờ. Hoa mày chóng mặt leo hết mấy vòng cầu thang xi măng, Hà Nghiên mới nhìn thấy cánh cổng sắt chống trộm màu xanh xám.

Cô ngẩng đầu nhìn biển số nhà, sau khi chắc chắn không sai mới gõ nhẹ cửa. Một lát sau, có tiếng xe lăn truyền qua cánh cửa không cách âm, giọng bà Trần vang lên: “Ai đó?”

“Bà Trần, là cháu, Hà Nghiên đây ạ.” Cô trả lời.

Trong phòng im ắng hai ba giây, sau đấy cô nghe thấy tiếng vặn khóa, cửa phòng mở ra từ bên trong. Bà Trần ngồi trên xe lăn nhìn cô mỉm cười: “Vào đi cô giáo Hà.”

Nói xong mới phát hiện chiếc xe lăn của mình đang chặn cửa, bà Trần vừa cười vừa xoay xe ra sau nhường chỗ: “Cháu vào mau đi.”

“Bà gọi cháu là Hà Nghiên, hay là Nghiên Nghiên cũng được. Ba mẹ vẫn gọi cháu như vậy đấy ạ.” Hà Nghiên định tiến tới đẩy xe giúp bà cụ nhưng bị từ chối. Bà Trần mỉm cười, giải thích: “Ta tự làm dễ hơn.”

Nghe vậy Hà Nghiên liền dừng tay, theo bà Trần đi vào phòng khách, không giấu diếm quan sát ngôi nhà nhỏ. Bà Trần để mặc Hà Nghiên, cầm ly nước tới, giới thiệu: “Căn hộ này là của nhà nước, mua vào thời điểm cải cách nhà ở. Mấy năm gần đây, hàng xóm cũ chuyển đi gần hết, cho người ngoài thuê nên tương đối hỗn tạp.”

Hà Nghiên nhìn bà Trần, ngập ngừng hỏi: “Một mình bà sinh hoạt có tiện không ạ? Cháu có một người bà con làm bảo mẫu ở quê, rất thạo việc, nếu bà cần cháu có thể giới thiệu giúp.”

“Ta nhận ý tốt của cháu nhưng không cần đâu.” Bà Trần cười khoát tay, chỉ vào đôi nạng để cạnh bàn: “Ta có thể đi được nhưng không tiện bằng ngồi xe lăn. Hơn nữa, Hòa Hòa học ngoại trú, tối nào cũng về. Ta lại không quen có người lạ trong nhà, đợi chừng hai năm nữa xem sao, đến lúc đó sẽ làm phiền cháu.”

Nói xong, bà xoay xe lăn vào trong buồng, một lát sau, cầm một túi tài liệu dầy tới, đưa cho Hà Nghiên. Như biết cô đang vội, bà đi thẳng vào vấn đề: “Chính là nó, ta đã nhờ người tìm giúp. Không phải toàn bộ nhưng những tài liệu quan trọng đều ở đây cả.”

Hà Nghiên không khách sáo, mở túi tài liệu, rút hồ sơ ra xem. Rõ ràng tập tài liệu này đã được in sau khi chụp. Chữ viết tuy rõ ràng nhưng kiểu chữ ít nhiều có phần bị biến đổi. Cô nhanh chóng xem qua, còn bà Trần đứng bên giảng giải: “Không chỉ có tài liệu sau khi bị bắt ở Nam Chiêu, còn có cả tài liệu ở Bắc Lăng quê hắn. Dấu vân tay bị bỏ sót kia được lưu lại ở cục cảnh sát Bắc Lăng.”

Hà Nghiên khẽ gật đầu, cô đọc với tốc độ cực nhanh, phát hiện ngoài dấu vân tay thì một số điểm khác cũng tương đối quan trọng. Một trong số ấy là thời điểm sau khi Thẩm Tri Tiết bị bắt nửa năm. Gã đồng phạm tên Hổ đột nhiên tự sát trong tù, Thẩm Tri Tiết tỏ ra bị sốc, tinh thần sa sút nặng nề, cơ thể vốn cường tráng dần suy yếu. Mấy tháng sau, hắn lên cơn đau bụng không thể chịu đựng và ngất đi.

Mặc dù là tội phạm trọng hình, nhưng xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo, nhà tù đã đưa hắn vào viện điều trị, chẩn đoán bị viêm tuyến tụy cấp tính, kịp thời phẫu thuật.

Hà Nghiên đặc biệt quan tâm đến ngày giải phẫu. Thời gian giải phẫu trước ngày ‘Phó Thận Hành’ ra nước ngoài đúng một tháng. Một tháng sau, ‘Phó Thận Hành’ tới châu Âu, mãi hai năm sau mới quay trở về Nam Chiêu. Một sự kết nối mạch lạc dần hình thành trong tâm trí Hà Nghiên. Có lẽ cô đã có thể đoán ra cách Thẩm Tri Tiết vượt ngục như thế nào.

Trên thực tế, không khó lý giải về những điều này, cái khó là tìm ra bằng chứng thuyết phục. Hơn nữa, tại sao Phó Thị lại cứu tính mạng của Thẩm Tri Tiết? Thẩm Tri Tiết bị hoán đổi, vậy kẻ thay thế là ai? ‘Phó Thận Hành’ thật sự đang ở đâu?

Có quá nhiều bí ẩn cần cô làm rõ. Để làm vậy, cô cần tiếp cận Phó Thận Hành, thâm nhập cuộc sống của hắn, thậm chí, phải tiến vào gia tộc Phó Thị.

Thời gian của Hà Nghiên có hạn, không dám trì hoãn quá lâu, cũng không thể mang tài liệu đi, nên cô trao trả lại cho bà Trần rồi nói: “Tài liệu này để chỗ bà an toàn hơn. Trước mắt, cháu sẽ nghĩ cách để lấy dấu vân tay của Phó Thận Hành. Không biết có thể tìm được người đáng tin cậy để làm đối chiếu hay không.”

“Việc này cứ giao cho ta.” Bà Trần đáp.

Hà Nghiên liền đứng dậy cáo từ. Ở đầu cầu thang, cô gặp Trần Hòa đi học về. Bắt gặp Hà Nghiên ở đây, Trần Hòa ngạc nhiên: “Cô giáo Hà?”

“Tôi qua thăm bà Trần.” Hà Nghiên cười giải thích: “Cô phải chăm sóc bà cụ cho thật tốt. Gặp khó khăn gì có thể tới trường tìm tôi. Nhớ kỹ, đừng gọi điện là được.”

Trần Hòa gật đầu đồng ý, lịch sự tiễn Hà Nghiên ra ngoài rồi trở về. Lúc vào cửa, bà Trần vừa hay cất túi tài liệu vào tủ xong. Trần Hòa nghe tiếng chiếc chìa khóa quen thuộc vang lên, lại thấy trên bàn bày biện trà nước đãi khách nhưng không thấy bất kỳ món quà nào.

Trần Hòa hiểu ngay Hà Nghiên đã nói dối. Đến thăm người già không thể đi tay không, nếu Hà Nghiên thật sự tới thăm bà mình, ít nhất cũng nên mang theo ít hoa quả.

Bà Trần nghe thấy tiếng động liền dong xe lăn ra. Trông thấy cháu gái trở về, nét mặt bà cụ tươi cười: “Cháu về rồi đấy à?”

“Vâng!” Trần Hòa cười dịu dàng, đặt ba lô sang bên, cầm đồ ăn vào bếp, cao giọng hỏi: “Bà ơi, buổi tối cháu xào rau cải cho bà ăn được không ạ?”

Bà Trần mỉm cười, trả lời: “Được, cháu nấu gì bà đều thích.”

Trần Hòa vừa nhặt rau vừa nói: “Bà, vừa rồi cháu gặp cô giáo Hà dưới lầu, còn tiễn chị ấy vài bước nữa.”

Bà Trần ngồi ở cửa bếp, mỉm cười nhìn cháu gái bận rộn, đáp: “Cô giáo Hà tới chơi, có nhắc đến người bạn làm ở trung tâm môi giới du học. Hòa Hòa, cháu có muốn ra nước ngoài học không?” 

Trần Hòa dừng tay, quay đầu mỉm cười nhìn bà, lắc đầu nói: “Cháu không muốn đi đâu. Cháu có người bạn tốt nghiệp cấp ba xong đi du học, ngày nào nó cũng phàn nàn với chúng cháu rằng nước ngoài không phải nơi hay ho.”

Bà Trần cười cười, không tiếp tục chủ đề này nữa.

Hà Nghiên rời tiểu khu liền bắt xe đến thẳng nhà ba mẹ. Ba cô vẫn không để tâm đến cô, chỉ có mẹ là đỡ hơn, đưa hộp điện thoại mà nhân viên chuyển phát nhanh vừa gửi tới giao cho Hà Nghiên, hỏi: “Ăn cơm chưa?”

“Con ăn rồi.” Hà Nghiên nói dối, thấy mẹ ngập ngừng, biết bà định hỏi chuyện của Lương Viễn Trạch. Cô cảm thấy không thoải mái, không bước vào phòng khách mà xoay người ra ngoài: “Con phải chuẩn bị cho kỳ thi nên buổi tối cần xem qua tài liệu, con về trước đây.” 

Nhà ba mẹ cách nhà Hà Nghiên rất gần, cô vừa đi vừa bóc hộp bưu kiện. Chiếc di động vừa bật nguồn, cô liền nhận được một tin nhắn, là của Lương Viễn Trạch, nội dung rất ngắn gọn, đơn giản hai câu: “Em đang ở đâu? Anh đang đứng ngoài cửa, muốn tới lấy ít đồ.”

Mới chỉ cách một ngày, gặp lại như cách một thế hệ.

Anh có chìa khóa nhưng không tự mở cửa mà dựa hành lang đợi cô. Thấy Hà Nghiên về, anh không nói không rằng, chỉ lặng lẽ nhìn cô. Mũi cô cay xè, chực khóc, rủ tầm mắt im lặng mở cửa, sau đó làm bộ điềm nhiên như không, bắt chuyện với anh: “Sau này có dự định gì không?”

Anh đút tay túi áo, theo sau lưng cô, đáp: “Chuẩn bị xin thôi việc, trước mắt qua Mỹ, sau đó đi vài nơi, chuyện còn lại chưa nghĩ tới.”

Mẹ của Lương Viễn Trạch đã định cư ở nước ngoài, tái hôn ở Mỹ từ lâu, nhiều lần mời con trai qua, nếu không phải vì cô, có lẽ anh đã sớm không còn ở trong nước.

Hà Nghiên bất giác mỉm cười, nói: “Tốt quá.”

Anh cũng cười theo, im lặng giây lát, đột nhiên hỏi cô: “Sau này liên lạc với em bằng cách nào?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.