Vào Bắc Đại Hay Là Vào Thanh Hoa

Chương 25: Thi đại học




Bên ngoài trường, cây lá xanh rì tạo thành bóng râm, gió nhẹ nắng đẹp, chim hót ve kêu, là một ngày trời nắng đẹp hiếm có của mùa hè.

Có lẽ ông trời cũng biết hôm nay là một ngày quan trọng nên mới ưu ái như vậy.

Dòng người hối hả tràn tới cánh cổng lớn kia.

Phụ huynh đứng ngoài cửa, ngẩng cao đầu ngóng theo bóng dáng của con cái. Đầu người nhấp nhô, lan tỏa không khí căng thẳng nhưng cũng rất hưng phấn.

Một tấm băng-rôn màu đỏ chói mắt ghi lại dấu ấn đặc biệt đối với hàng triệu thí sinh – “Kỳ thi tuyển sinh đại học phổ thông thống nhất toàn quốc…”

Đúng vậy, thi đại học.

Mười năm rèn kiếm, chỉ dùng một lần hoàn hảo; một khi tuốt vỏ, loảng xoảng kêu vang đất trời.

Những tháng ngày dài đằng đẵng, vô số hồi ức, những tích lũy bấy lâu, cuối cùng hôm nay sẽ thể hiện, quyết định nằm ở đây.

Không ít người mẹ người bà đều mặc xường xám, hoa văn rực rỡ mùa hạ, ngụ ý “kỳ khai đắc thắng”. Tô Duyệt Dung tuy không mặc như vậy nhưng cũng mặc một bộ váy dài màu đỏ, trông cực kỳ bắt mắt.

“Cứ bình tĩnh làm bài, đừng căng thẳng, phát huy thật tốt nhé, còn nữa, bình nước đừng đặt trên bàn…”

Kỷ Sâm cắt ngang lời dặn dò của Kỷ Nhân Lượng: “Được rồi bố, con tin em con làm tốt mà, bố đừng lo lắng nữa.”

Kỷ Nhân Lượng ngượng ngùng: “… Ồ.”

Kỷ Đinh không nhịn được bật cười – cô cảm thấy bố còn căng thẳng hơn cô nữa.

Tô Duyệt Dung thì dịu dàng nhắc: “Thẻ dự thi, căn cước công dân, kiểm tra xem có mang đủ chưa.”

“Mang đủ hết rồi ạ!” Kỷ Đinh cười, “Bố mẹ, anh ơi, con vào trong đây.”

“Khoan đã.”

Kỷ Sâm bỗng gọi cô lại.

“Sao vậy ông anh?” Kỷ Đinh quay lại.

Kỷ Sâm nhìn cô vài giây rồi bất ngờ ôm cô vào lòng.

“Nể mặt ông anh này cuối học kỳ còn không ngại gian khổ bay về chống lưng cho em,” anh cúi xuống kề sát tai cô nói với vẻ cười cợt, “Không thi vào Bắc Đại có phải là hơi hơi có lỗi với anh không?”

Kỷ Đinh mím môi, nụ cười lại dần dần lan rộng.

Đây chính là ông anh cô, cách cổ vũ cực kỳ ấu trĩ kỳ cục.

Hôm nay xem ra lại có chút đáng yêu lạ lùng.

“Biết rồi.” Cô cười khẽ, vẫy tay với ba người, “Yên tâm nhé.”

Kỷ Đinh theo dòng người tiến vào tòa nhà, khoảnh khắc bước lên bậc thềm không kiềm được quay đầu lại, nhìn thấy những bóng dáng thân yêu kia vẫn đứng trông ngóng theo cô từ xa.

Mong đợi như vậy.

Mũi cô bỗng cay cay.

- -- Con sẽ cố gắng.

Tuyệt đối không làm mọi người thất vọng.

Kỷ Đinh thầm siết chặt nắm tay, niềm tin trong lòng càng kiên định, rõ ràng hơn.

Sau những bước kiểm tra nghiêm ngặt, mọi thứ đều diễn ra tuần tư như đã diễn tập vô số lần vậy – tiếng chuông reo vang, phát đề thi, dán số, điền thông tin, bắt đầu làm bài…

Ngoài cửa sổ, những con chim không biết tên đang hót vang, ánh nắng rực rỡ xuyên qua tán cây tràn xuống dưới. Kỷ Đinh không hiểu sao lại nhớ đến cảnh tượng đã nhìn thấy ngoài Học viện Quản lý Kinh tế Thanh Hoa mà cô từng tham gia hồi mùa hè lớp 11.

Cũng rung động lòng người như vậy.

Tâm trạng cô bình tĩnh không gợn sóng, lồ.ng ngực như có một sức mạnh đang chống đỡ cô, cứ liên tục nhắc nhở: “Tin tưởng bản thân.”

Một tháng trước đó Kỷ Đinh mới nhận được phong bì niêm phong của khóa học mùa hè gửi tới.

[WY, năm sau chúng ta gặp nhau ở Thanh Hoa.]

Chỉ mấy chữ, lúc đó mang một vẻ thiếu niên hừng hực ý chí.

Trùng hợp là, sáng nay nhận được tin nhắn của người ấy, cũng chỉ có mấy chữ: [Đinh Đinh, gặp ở Thanh Hoa.]

Không biết từ lúc nào, sự do dự ấy đã biến thành chắc chắn.

Anh nghĩ rằng cô làm được, cô cũng cảm thấy mình làm được, vậy thì chắc chắn là được.

Kỳ thi hai ngày ngắn không ngắn, dài cũng chẳng dài.

Khi tiếng chuông môn cuối vang lên, Kỷ Đinh nhìn màu xanh rì rậm rạp ngoài cửa sổ, chậm rãi thở ra một hơi dài.

Ba năm cấp ba của cô, cuối cùng đã hạ màn rồi.

Trong lòng có quyến luyến, có bần thần, nhưng không có tiếc nuối.

Đến lúc phải tiến lên phía trước rồi.

Phía trước còn có đỉnh núi cao hơn, phong cảnh đẹp hơn.

Ra khỏi trường thi đúng lúc gặp chủ nhiệm lão Lê đang tiễn thí sinh, thầy tươi cười hỏi: “Tiểu Đinh Đinh của chúng ta thi thế nào rồi?”

Kỷ Đinh thận trọng đáp: “Cũng được ạ.”

Thầy cười: “Thấy vẻ mặt em là biết phát huy ổn định rồi.”

Rốt cuộc cô vẫn không kiềm chế được vẻ trẻ con của mình, cười hì hì hai tiếng.

Lão Lê nói: “Bên kia có phóng viên của Nhật báo Thâm Quyến đang phỏng vấn, đúng lúc bảo thầy đề cử hai bạn, em đi đi.”

Các câu hỏi của phóng viên rất toàn diện, hỏi chi tiết nội dung thi và trải nghiệm của cô. Sau khi phỏng vấn xong, trong lòng Kỷ Đinh mới lờ mờ nảy sinh một cảm giác lăn tăn.

Từ cánh cửa sắt lớn đi ra, nhìn thấy ngay mẹ cô đang mặc đồ đỏ.

“Con thi xong rồi!” Kỷ Đinh lao tới ôm chầm bố mẹ, như một con chim sẻ được giải phóng khỏi chiếc lồng chật hẹp.

Kỷ Nhân Lượng mỉm cười xoa đầu cô, Kỷ Sâm vung tay lên: “Đi, anh dẫn em đi ăn một bữa ngon!”

Bốn người một nhà đi đến quán Vua Bánh Cuốn ở bên kia đường, những món ăn nổi tiếng thơm phức rất nhanh được bưng lên.

Nhà họ vốn ở gần đây nên trước kia Kỷ Đinh thích ghé quán này nhất.

Bữa sáng có bánh bao lồng và cháo trứng thịt băm bốc khói rất thơm, bữa trưa thì có các loại bánh cuốn ngon mềm hợp khẩu vị.

Ăn mãi không chán.

Cô và Kỷ Sâm thích tan học xong hay men theo con đường này đi về, trên đường luôn có những tiệm đồ chơi kỳ quặc luôn thu hút đám trẻ, sau đó móc sạch ví tiền của chúng.

Đạn bắn, sâu róm, những con cua và cá đá nuôi trong bình nhỏ… dùng để đùa nhau, hộp âm nhạc tinh xảo và những bức tượng đồ chơi, những quyển tiểu thuyết ngôn tình và truyện tranh nổi tiếng…

Vô số hồi ức tuổi thơ được khơi gợi, trong tích tắc ập tới.

Kỷ Đinh chợt cảm thấy mình quá hạnh phúc.

Trong đầu cô những cảnh tượng về hạnh phúc chính là thế này – gia đình một nhà, vào một buổi chiều ánh nắng chan hòa, cùng ngồi với nhau thưởng thức món ăn ngon, sau đó ôn lại những hồi ức quý giá.

Thời khắc này, Kỷ Đinh có thể cảm nhận rõ ràng rằng, thế giới này có người đang yêu thương cô, quan tâm cô.

Cô không chỉ có một mình.

Kỷ Nhân Lượng lấy đĩa bánh của mình đẩy đến trước mặt Kỷ Đinh: “Tôm tươi này, có muốn thử không?”

“Dạ.”

“Vậy con phải đổi bánh cuốn thịt bò của con cho bố.”

Một người hơn 40 tuổi lại giở trò trẻ con như vậy, Kỷ Đinh không nhịn được cười: “Được thôi, thưa bố.”

Vừa đổi xong thì cô phát hiện ai đó vô cùng mặt dày lén gắp mất bánh trong đĩa của cô, rất không khách sáo lấy mất 2/3 còn lại.

“Kỷ Sâm!” Kỷ Đinh không dám tin, “Anh có mặt mũi nào không?”

Kỷ Sâm mặt không biến sắc: “Em có thể ăn của anh.”

Cô nhìn qua, càng nổi điên hơn – trong bát của ông anh trống rỗng.

“Em mới thi đại học xong mà anh còn giành đồ ăn của em???”

Kỷ Sâm thong thả đáp: “Tục ngữ nói đúng, học sinh mới thi xong giống như con lừa mới được dỡ hàng xuống, đãi ngộ cách nhau vạn trượng, em không còn là tiểu tổ tông được cả nhà nâng niu nữa, ha ha ha.”

Kỷ Đinh tức run người, bỗng cảm thấy không khí hạnh phúc bị ông anh hủy diệt sạch rồi.

Cô hừ lạnh: “Kỷ Sâm, từ hôm nay anh đã đánh mất em, đừng có mơ mộng em sẽ theo anh thi vào Bắc Đại nữa.”

Khách ngồi bàn bên cạnh bỗng quay sang nhìn: “???”

Như bệnh thần kinh ấy nhỉ?

Tô Duyệt Dung kịp thời xen vào, lườm Kỷ Sâm một cái: “Nhường em con đi, đừng có như trẻ con mãi thế.” Sau đó lại gọi thêm mấy món, nói với Kỷ Đinh: “Hôm nay chúng ta vui mà, cứ ăn thỏa thích.”

Lông dựng ngược trên người Kỷ Đinh lúc này được ve vuốt, cô cao ngạo chớp mắt với Kỷ Sâm.

Ông anh hừ một tiếng rồi lười nhác nhắm mắt, vẻ mặt kiểu “bổn thiếu gia đây không chấp ngươi”.

Ăn uống no say xong, Kỷ Nhân Lượng và Tô Duyệt Dung ra bãi lấy xe, chỉ còn lại Kỷ Đinh và Kỷ Sâm mắt nhìn thẳng đứng ven đường chờ đợi.

Kiểu nhìn nhau là ghét nhau!

Thực ra Kỷ Đinh đã quen với hành động trẻ con đó của ông anh rồi, vốn dĩ cũng không mấy tức giận. Cô chỉ không muốn chủ động bắt chuyện, cứ như bản thân dễ bị bắt nạt vậy.

Mãi sau, bên cạnh bỗng vang lên một tiếng cười khe khẽ.

Kỷ Đinh vốn định phớt lờ nhưng lại nghe anh hoỏi: “Còn nhớ quán café ở ngã rẽ kia không?”

Nhìn theo hướng tay Kỷ Sâm chỉ, một quán coffee house được trang hoàng cực kỳ phong cách hiện ra.

Bảng hiệu hình tròn màu cam, ở cửa có một con gấu Teddy to đùng.

“Nhớ chứ.” Cô đáp.

Đó là nơi lúc nhỏ họ thường ăn bánh ngọt.

“Đi thôi.” Kỷ Sâm kéo tay áo cô, “Ông anh đây khao em uống trà sữa.”

Nếu có ân oán gì mà một ly trà sữa không giải quyết được, thế thì hai ly. 🙂

Chút không vui kia trong tích tắc tan biến, Kỷ Đinh đi theo ông anh, tâm trạng cũng vui vẻ hơn.

Quay về con đường quen thuộc, mọi thứ vừa xa lạ lại vừa thân quen.

Mấy năm trước, tiệm đồ chơi hai người thích nhất và tiệm hoa nhập lại, trang hoàng càng sang trọng, tao nhã hơn. Cửa hàng dụng cụ học tập rộng rãi đã đóng cửa, thay thế vào là những tiệm sách.

Gần như thoáng nhìn qua là có thể nhận thấy dấu vết thời gian để lại.

Kỷ Sâm mua cho Kỷ Đinh một ly “trà than tre đường nâu” nổi tiếng, vừa tính tiền xong thì nghe thấy một giọng nói quen thuộc: “Đường Đường, anh Kỷ Sâm!”

Kỷ Đinh quay đầu, mừng rỡ: “Em yêu, sao lại ở đây?”

Điền Giai Tuệ lắc lắc bánh kem trong tay: “Thế đấy, giải phóng rồi mà, đi thết đãi bản thân chứ.”

Hai người nhìn nhau cười, Kỷ Đinh hỏi: “Nghỉ hè cậu có muốn làm gì không?”

Cô nàng lắc đầu: “Vẫn chưa.”

Ba tháng tiếp theo có thể được coi là kỳ nghỉ dài nhất trong đời rồi.

Lúc chưa thi đại học, hai cô luôn bàn luận xem nên tận dụng kỳ nghỉ này thế nào, sẽ đi những đâu chơi, ai ngờ thi xong bỗng dưng lại mất hứng.

Kỷ Đinh bất lực: “Tớ cũng vậy.”

Điền Giai Tuệ quay sang Kỷ Sâm: “Anh à, anh cũng sắp tốt nghiệp rồi ạ, nghỉ hè đã nghĩ xem đi đâu chơi chưa?”

“Ừ.” Anh gật gù, “Đã hẹn đi du lịch tốt nghiệp với đám bạn đại học và cả cấp 3 rồi.”

Kỷ Đinh chưa nói gì, nhưng mấy chữ then chốt “bạn cấp 3” và “du lịch” vẫn được cô ghi nhớ. Về nhà rồi cô lặng lẽ dọ thám từ chỗ Kỷ Sâm: “Anh à, các anh định đi du lịch ở đâu?”

“Tháng Bảy đi Nhật và Canada với bạn ở Bắc Đại, tháng Tám đi Iceland với đám A Nghiên, Trạch Vũ.”

Nghe đến cái tên cô đã dự đoán, Kỷ Đinh chớp mắt: “Em có thể đi cùng mọi người không?”

“Em?” Kỷ Sâm ngước lên khỏi màn hình máy tính, nhướn mày, “Không được, chuyến du lịch tốt nghiệp của anh mà em xen vào làm gì.”

Kỷ Đinh đã chuẩn bị sẵn tâm lý trước thái độ của ông anh, ngoan ngoãn nói: “Em giúp các anh làm nóng bầu không khí mà!”

“Bố mẹ chắc chắn không cho em và bạn đi du lịch nước ngoài đâu, anh cho em đi theo anh đi mà~” Cô khoác tay Kỷ Sâm, làm nũng, “Anh à, lẽ nào anh không muốn bạn anh biết anh có một cô em gái xinh đẹp đáng yêu thế này hay sao?”

Kỷ Sâm: “…”

Ọe.

Anh chậm rãi thốt ra một chữ: “Biến.”

Tô Duyệt Dung vào phòng đúng lúc nghe Kỷ Đinh than thở bằng giọng đáng thương: “Anh lạnh lùng, anh vô tình, anh gây sự vô cớ!”

Kỷ Sâm chẳng buồn nhìn cô: “Em mới gây sự vô cớ thì có.”

Tô Duyệt Dung bất lực nói: “Hai anh em lại sao nữa?”

“Mẹ, anh hẹn các bạn cùng đi du lịch tốt nghiệp, con cũng muốn đi chung.” Kỷ Đinh như thấy cứu tinh, giọng mềm dịu như một vũng nước.

Không đợi cô trả lời, Kỷ Sâm đã lên tiếng trước: “Không được, bạn con nó cũng đâu có quen, ngại chết được!”

Đây chỉ là nguyên nhân một mặt, còn có – dẫn theo em gái cứ như dắt theo cái đuôi phiền toái, phải chăm sóc nó cho chu đáo, chơi cũng không có hứng.

Kỷ Đinh nói: “Em quen anh A Nghiên và anh Trạch Vũ mà, hơn nữa em rất biết cách xã giao, có lẽ chưa xuống máy bay đã chơi chung với đám bạn anh rồi đó!”

Lý do này đúng là không thể phản bác.

Kỷ Sâm biết cô em gái của mình từ nhỏ đã lanh lợi hoạt bát, nếu muốn lấy lòng ai thì đúng là dễ như trở bàn tay.

Giọng anh thoáng chốc cũng không kiên định nữa: “Vậy cũng không được. Hành trình của bọn anh đã định sẵn rồi, vé tập thể cũng mua rồi, không thêm người được.”

Kỷ Đinh hồ nghi: “Tháng Tám mới đi Iceland mà giờ đã mua xong rồi á?”

Kỷ Sâm sắc mặt trấn tĩnh, gật gật đầu.

“Được thôi.” Cô thở dài thườn thượt – xem ra không có duyên đi du lịch cùng anh A Nghiên rồi.

Kỷ Đinh quay về phòng, bắt đầu tập trung trả lời tin nhắn của mấy bà cô bà dì. Đang gõ nửa chừng thì nhận được cuộc gọi video của Ôn Nghiên.

Cô nhanh chóng nhận máy, giọng không che giấu được niềm vui: “Anh A Nghiên!”

Ôn Nghiên mỉm cười nói “chúc mừng”: “Đinh Đinh, em có thể nghỉ ngơi thoải mái rồi!”

Chuyện thi đại học trọng đại đã kết thúc, tâm trạng Kỷ Đinh phơi phới, cười rất vui vẻ.

Hai người trò chuyện một lúc thì Ôn Nghiên hỏi: “Còn phải đến Thanh Hoa phỏng vấn đúng không?”

“Đúng ạ, mấy hôm nữa em và bố mẹ sẽ đi Bắc Kinh, vừa phải tiến hành thi tổng hợp vừa phải phỏng vấn chuyên ngành.”

Phần đánh giá của Kỷ Đinh sau khi học kỳ 2 lớp 12 kết thúc đã tăng lên thành xuất sắc, được cộng thêm 30 điểm. Phỏng vấn tổng hợp là để vượt qua điểm sàn của Thanh Hoa, còn phỏng vấn chuyên ngành là hướng đến ngành học mục tiêu, rồi tiến hành đánh giá kết quả cuối cùng.

Ôn Nghiên mỉm cười: “Đến lúc đó chắc anh cũng có mặt, có thể đi cùng mọi người.”

“Tốt quá rồi.” Kỷ Đinh ngọt ngào nói, “Cám ơn anh A Nghiên ạ.”

“Chuyện nên làm mà.”

Trò chuyện một lúc thì Kỷ Đinh chợt nói: “Anh à, có phải gần đây anh không nghỉ ngơi không? Sắc mặt hơi tái.”

Những chi tiết nhỏ nhặt đó hình như chỉ có cô mới quan sát thấy.

Ôn Nghiên cười: “Ừ, gần đây chỗ thực tập anh làm đang có một dự án, lại thêm xử lý vài việc cho kỳ thi tốt nghiệp nên đúng là có hơi bận.”

Anh lại kể thêm một vài việc cụ thể, Kỷ Đinh tuy không cảm nhận được hết nhưng vẫn lắng nghe hết sức chăm chú.

Cuối cùng cô thở dài, tỏ vẻ khổ sở: “Nếu em có thể giúp được anh thì tốt rồi.”

Bộ dạng đáng yêu đó khiến anh không nhịn được cười, tâm trạng như cũng vui hơn: “Em nói thêm vài câu hay ho cho anh nghe là anh sẽ hết mệt ngay.”

Trong ấn tượng hình như Ôn Nghiên hiếm khi chọc cô như vậy, Kỷ Đinh thoáng rung động, chớp mắt nói: “Em không biết nói lời hay ho.”

“Không biết?” Ôn Nghiên nhướn mày, “Vậy bình thường những câu em hay khen anh thì coi là gì?”

“Những lời đó là thật lòng.”

Cô bé cười mà đôi mắt muốn cong tít, như một con cáo gian xảo.

“Còn nói không biết à.” Ôn Nghiên cười khẽ, giọng thân mật, “Nhóc lừa đảo.”

Giọng nói trầm trầm của anh lướt qua tim cô, gợn lên những làn sóng lăn tăn. Hàng mi dài của Kỷ Đinh run run, lặng lẽ chuyển sang đề tài khác: “Anh à, em nghe ông anh em nói là nghỉ hè các anh đi Iceland chơi, hành trình đã định chưa ạ?”

“Ừ, cũng tàm tạm rồi, đều là những bạn cấp 3 chơi thân với nhau cùng đi.”

Cô giả vờ như chỉ tò mò hỏi: “Toàn là con trai ạ?”

Ôn Nghiên cười: “Không phải.”

Vậy mà cũng có con gái à… a a a a a a a ngưỡng mộ ghen tỵ hận!

Kỷ Đinh bĩu môi: “Em cũng muốn đi Iceland ngắm cực quang, không biết lúc nào mới thực hiện được, anh à nếu anh nhìn thấy nhớ chụp hình cho em xem nhé!”

Ôn Nghiên mắt cong cong: “Được.”

Lần này đi Bắc Kinh với tâm trạng khác hẳn lần trước.

Sự căng thẳng khi chưa biết gì đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là sự chắc chắn và tự tin.

Kỷ Đinh tính toán sơ điểm số của mình, cảm thấy với 30 điểm cộng thêm thì vào Thanh Hoa vẫn khá ổn.

Bây giờ điều khá quan trọng là phỏng vấn chuyên ngành – lỡ điểm số của cô không đạt tới điểm sàn của Quản lý kinh tế thì vẫn phải dựa vào điểm cộng mới được.

Thời gian một tuần này đã khiến Kỷ Đinh học xong nguyên lý về Kinh tế học, cũng như duy trì việc quan tâm đến những điểm nóng của chính trị lúc này, chuẩn bị sẵn sàng cho việc phỏng vấn.

Còn nơi ở thì vẫn là khách sạn Văn Luật ở ngoài cổng Nam.

Đã qua một năm, Kỷ Đinh đã có phần xa lạ với cảnh quan trong trường, cũng may có Ôn Nghiên dẫn dắt, đưa Kỷ Nhân Lượng và Tô Duyệt Dung tham quan một vòng.

Cuộc phỏng vấn tổ chức vào tám rưỡi sáng thứ Năm, tòa nhà số 3.

Bốn người ăn xong bữa sáng ở Thanh Phần Viên, Ôn Nghiên mới nói: “Cô chú, con đưa Đinh Đinh đi trước, cô chú từ từ đi sau nhé.”

Đến dưới tòa nhà, Ôn Nghiên ngồi lên xe máy điện.

Một tay anh chống vào xe, ngoắc ngoắc ngón tay với Kỷ Đinh, khóe môi nở nụ cười: “Lên đây.”

Động tác đơn giản này vốn sẽ có vẻ hư hỏng và khinh thị, nhưng anh lại mang lại cảm giác trêu chọc, tim Kỷ Đinh bất giác đập thình thịch.

Chiếc xe đó màu xanh dương đậm, đã được chỉnh sửa nên vẻ bề ngoài rất đặc biệt, đường cong xe rất đẹp, chất liệu cũng tốt, mới nhìn đã biết đắt tiền.

Kỷ Đinh trước đây từng thấy Ôn Nghiên lái xe nhưng chưa lần nào ngồi lên. Bây giờ bất thần có được vinh hạnh đặc biệt này nên bất giác nuốt nước bọt.

Cô dè dặt leo lên ghế sau, vô cùng tự giác ôm chặt eo anh, thậm chí không chừa một kẽ hở nào.

Ôn Nghiên không nói gì, chỉ quay đầu sang, cụp mắt nói: “Ngồi vững nhé.”

Kỷ Đinh ngoan ngoãn gật đầu: “Dạ.”

Dưới lòng bàn tay là chất vải mềm mỏng, cô dường như có thể phân biệt được hình dáng và đường cong cơ bụng của anh.

Cảm giác ấy quá kỳ diệu, cứng mà cũng mềm, mềm mà cũng cứng, Kỷ Đinh vô thức nhớ lại cảnh tượng cô từng nhìn thấy – anh A Nghiên cởi áo…

Cảnh trong đầu càng lúc càng kỳ quặc, loáng thoáng phát triển theo chiều hướng khó nói, làm cho gương mặt cô đang áp sát lưng anh cũng không khống chế nổi mà nóng hừng hực.

Trên đường đi có rất nhiều học sinh đến tham gia kỳ phỏng vấn này.

Trong dòng xe đạp, xe moto của anh trở nên cực kỳ nổi bật, thu hút không ít ánh nhìn.

Trên đường, Ôn Nghiên hình như gặp được người quen. Lúc người ta chào hỏi, Kỷ Đinh vô thức co lại, nấp sau lưng anh.

Không cần nghĩ nữa, bây giờ mặt cô chắc chắn là rất đỏ.

Tòa số 3 nhanh chóng hiện ra, Ôn Nghiên chỉ lối vào cho Kỷ Đinh: “Đinh Đinh, em đi vào từ chỗ kia nhé.”

Kỷ Đinh khó khăn lắm mới “dập lửa” được, ho khan: “Dạ.”

“Anh và cô chú sẽ đợi em ở đây.” Anh xoa đầu cô, “Cố lên.”

“Cám ơn anh!”

Tuy tám rưỡi bắt đầu nhưng Kỷ Đinh rút thăm số lại khoảng 10 giờ mới tiến hành. Trong phòng nghỉ đầy người ngồi chờ, đều là những bạn giành được điểm thưởng ưu tú.

Cô lướt mắt một vòng, nhanh nhạy nhìn thấy bóng Trình Sở Minh trong số đó, nên vội đổi chỗ sang ngồi cạnh cậu.

“Sở Minh, trùng hợp quá.”

Trình Sở Minh thấy cô thì ngạc nhiên, sau đó cười bẽn lẽn: “Trùng hợp thật, cậu cũng tới à.”

Còn nhiều thời gian nên Kỷ Đinh bắt đầu trò chuyện vu vơ với cậu ta. Không hiểu sao trực giác cô cho thấy hình như cậu không muốn nhắc đến chuyện thi đại học, nên cũng không nhắc đến làm gì.

Các bạn trong phòng chờ dần ít đi, mãi mới tới lượt Kỷ Đinh, cô hít một hơi thật sâu, chỉnh trang lại bản thân rồi bước vào phòng phỏng vấn.

Trong đó có ba giáo sư, nghe tiếng thì tươi cười ngẩng lên nhìn cô, trông có vẻ rất hòa nhã thân thiện: “Ngồi đi.”

“Tại sao em lại muốn đến Thanh Hoa?”

“Em nghĩ em là người như thế nào?”

“Em có thể nói vắn tắt tình hình kinh tế hiện tại không?”

“Tại sao em lại đăng ký vào Học viện Quản lý Kinh tế?”

Gần như đều là những câu hỏi mà cô đã chuẩn bị sẵn đáp án, Kỷ Đinh thoải mái trình bày hết những suy nghĩ của mình.

Trong lúc nói chuyện, cô cảm nhận được sự tán thành của ba giáo sư dành cho mình, vì họ liên tục gật đầu, thi thoảng còn trao đổi ánh mắt với nhau.

Thế là nụ cười trên gương mặt cô càng rõ hơn.

“Câu hỏi cuối, nếu em học chuyên ngành này, em cảm thấy bản thân có thể mang lại điều gì cho xã hội của chúng ta?”

Người đặt câu hỏi là một vị giáo sư lớn tuổi ngồi chính giữa, ánh mắt sau cặp kính vốn hiền hòa lúc này có thêm một tia sắc sảo.

Hai vị giáo sư kia cũng buông bút, nhìn cô chăm chú, dường như đang chờ một câu trả lời đủ để khiến người ta tin tưởng.

Câu hỏi này không dễ trả lời.

Buổi sáng phỏng vấn đến giờ khoảng gần mười học sinh, gần như không ai trả lời một câu khiến họ hoàn toàn hài lòng.

Trong lòng họ cũng biết, đây là căn bệnh giáo dục – những đứa trẻ đó đạt được thành tích quá tốt, e là xưa giờ cũng chưa từng suy nghĩ tới những vấn đề này.

Bạn có thể mang lại những gì cho xã hội? Con người của bạn có giá trị như thế nào?

Không biết cô bé này sẽ trả lời thế nào?

Chỉ thấy nụ cười trên khóe môi Kỷ Đinh không hề thay đổi, thong thả nói: “‘Sáng tạo tri thức, bồi dưỡng lãnh đạo, cống hiến Trung Quốc, ảnh hưởng thế giới’, đây là lý tưởng của Học viện Quản lý Kinh tế. Em mong muốn có thể trở thành nhân vật như một lãnh đạo, em cho rằng đây là trọng trách mà sinh viên Thanh Hoa cần có. Em hy vọng thông qua việc học tập kiến thức chuyên ngành có thể tận lực phát triển và đổi mới ngành tài chính, cống hiến nhiều hơn cho xã hội của chúng ta, thực hiện giá trị nhân sinh của bản thân…”

Vẻ mặt mấy vị giáo sư kia dần có những thay đổi khó nhận ra.

Nghe thấy từ “lãnh đạo” từ miệng một cô bé 18 tuổi thì không kỳ lạ. Vì những học sinh có thể giành được điểm thưởng ưu tú xưa nay không phải dạng tầm thường.

Nhưng điều khiến họ thấy bất ngờ là khí thế mà Kỷ Đinh đã tạo ra.

Không vọng tưởng, không khoác lác, mà là một sự tự tin cực độ.

Lúc nghe cô nói, bạn có thể nhận ra, cô đã thực sự suy nghĩ về vấn đề này.

Cô có quyết tâm, có năng lực, hơn nữa không chỉ coi đây chỉ là nói khoác – cô thật sự có trách nhiệm đó, đồng thời không e sợ bất cứ sự nghi ngờ nào.

Có những thứ bẩm sinh đã có, không thể ngụy trang.

Nhưng vẻ mặt họ không biểu lộ gì khác, chỉ hỏi: “Em nhắc đến cách tân, có thể nói cụ thể hơn không?”

Kỷ Đinh: “Vâng ạ. Thực ra cả hệ thống tiền tệ này trong quá trình hoàn thiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề nhất định, ví dụ khó khăn tài chính cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính bất thường của ngân hàng, tỷ lệ đòn bẩy cao của các định chế tài chính nói chung, năng lực sản xuất lạc hậu của các doanh nghiệp sản xuất truyền thống, v.v… Ngoài cải cách về phía cung đang thịnh hành, em nghĩ rằng giám sát và kiểm soát rủi ro cũng nên phối hợp với nhau…”

Sau khi Kỷ Đinh trả lời, vị giáo sư ngồi chính giữa nhìn cô chăm chú mấy giây rồi dần dần nở một nụ cười: “Phỏng vấn kết thúc, cảm ơn em.”

Cô ung dung đứng dậy, khom lưng: “Cám ơn các thầy cô.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.